SỐ 221
KINH PHÓNG QUANG BÁT-NHÃ
Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Vô-la-xoa, người nước Vu Điền
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 19

Phẩm 81: VÔ HÌNH

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Nếu Đại Bồ-tát thực hành sáu pháp Ba-lamật, ba mươi bảy phẩm Trợ đạo, mười Lực của Phật, bốn Vô sở úy, bốn úy tuệ Vô ngại, mười tám pháp Bất cộng hành, mười tám pháp Không, mà không viên mãn Bồ-tát đạo thì không thành tựu được Vô thượng Chánh đẳng giác. Làm sao Đại Bồ-tát được Vô thượng Chánh đẳng giác?

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Bồ-tát học trí tuệ với phương tiện quyền xảo, thực hành Bố thí ba-la-mật, không thấy vật thí, không thấy mình thí cũng không thấy người nhận, không lìa pháp đó, cũng không thấy pháp đó. Thực hành như vậy là sáng tỏ Bồ-tát đạo.

Tu-bồ-đề! Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật bằng phương tiện quyền xảo, mới đạt đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Bồ-tát thực hành Bố thí ba-la-mật, cũng không thấy có vật thí, không thấy có mình thí, không thấy có người nhận. Hành năm Bát-nhã ba-la-mật cho đến mười tám pháp Bất cộng, cũng như vậy.

Xá-lợi-phất bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật, thì Bát-nhã ba-la-mật đó như thế nào?

Phật dạy Xá-lợi-phất:

–Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật, đối với phương tiện quyền xảo không tập khởi năm ấm, mà cũng không thể không tập khởi. Vì sao? Vì năm ấm không có hình tướng, không thể tập khởi, cũng không thể không tập khởi; đối với sáu pháp Ba-la-mật không tập khởi, cũng không thể không tập khởi. Vì sao? Vì sáu pháp Ba-la-mật không có hình tướng, cho đến mười tám pháp, không thể tập khởi cũng không thể không tập khởi. Vì sao? Vì mười tám pháp đều không, không có hình tướng.

Xá-lợi-phất thưa:

–Bạch Thế Tôn! Các pháp không có sở hữu, cũng không có hình tướng không thể thấy được, nên không tập khởi hay không thể không tập khởi? Học thế nào để đi vào trong Bát-nhã ba-la-mật vì Bồ-tát không học Bát-nhã ba-la-mật, thì không đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Phật dạy:

–Như lời ông nói, Bồ-tát không học Bát-nhã ba-la-mật thì không đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, bằng phương tiện quyền xảo mà không lìa phương tiện quyền xảo. Bồ-tát hành Bátnhã ba-la-mật, thì các pháp đều không có sở hữu, cho nên Bồ-tát cũng không có sự nắm lấy, sáu pháp Ba-la-mật cũng không có sở hữu, năm ấm cũng không có sở hữu, cho đến mười tám pháp cũng không thấy, vậy nên cần chọn pháp nào? Cho nên Bồ-tát không có sự nhận lấy.

Xá-lợi-phất:

–Bát-nhã ba-la-mật cũng không có thể hộ trì, cho đến mười tám pháp cũng không có thể hộ trì. Bát-nhã ba-la-mật như vậy cho nên không thể hộ trì.

Này Xá-lợi-phất! Học như vậy thì không thấy có sự học, huống chi học Bát-nhã ba-la-mật, huống chi là Bồ-tát, pháp Phật, pháp Thanh văn, Bích-chi-phật, pháp phàm phu. Vì sao? Này Xá-lợi-phất! Các pháp đều không hình tướng, ở trong pháp không có sở hữu, vậy thì chỗ nào là pháp của phàm phu, là pháp Thanh văn, Bích-chi-phật, là Chánh đẳng Chánh giác?

Xá-lợi-phất bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Ba Thừa và pháp của phàm phu còn không thể thấy, làm sao nói rằng đây là pháp phàm phu, là pháp ba thừa, là pháp vô hình. Do đâu mà có pháp phàm phu và pháp ba thừa?

Phật bảo Xá-lợi-phất:

–Năm ấm có hình, có chỗ, có thật không?

Xá-lợi-phất thưa:

–Bạch Thế Tôn không thật, nói cho đúng chính là điên đảo.

Phật dạy:

–Hàng phàm phu ở trong Phật đạo, có hình, có chỗ, có thật không?

Xá-lợi-phất thưa:

–Bạch Thế Tôn không thật, chỉ là điên đảo.

Phật dạy:

–Cho nên Xá-lợi-phất! Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật với phương tiện quyền xảo, thấy các pháp đều không có hình tướng mới phát tâm Vô thượng Chánh giác.

Xá-lợi-phất thưa:

–Bạch Thế Tôn! Làm sao Bồ-tát với phương tiện quyền xảo, thấy các pháp đều là không có hình tướng mà phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác?

Phật bảo Xá-lợi-phất:

–Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật, cũng không thấy các pháp có hình tướng có thể làm ngăn ngại, không thấy có ngăn ngại để từ bỏ cũng không thấy có biếng nhác.

Phật dạy Xá-lợi-phất:

–Lấy không hình tướng, không có tuổi thọ, dùng để làm sở hữu đều vô sở hữu, tánh tướng của các pháp đều không, bởi chúng sinh ngu tối chấp vào năm ấm, mười hai xứ. Bồ-tát thấy các pháp đều không có sở hữu, thực hành Bát-nhã ba-la-mật, giống như nhà ảo thuật nói pháp cho chúng sinh. Vì người tham lam mà nói phước bố thí, vì người làm việc ác mà nói phước trì giới, vì người sân nhuế mà nói pháp nhẫn nhục, vì người biếng nhác mà nói pháp tinh tấn, vì người ý loạn mà nói pháp nhất tâm, vì người ngu si mà nói pháp trí tuệ. Dẫn dắt chúng sinh vào ở sáu pháp Ba-la-mật rồi, đem pháp Thánh hiền tôn quý cao cả ra giảng dạy, làm cho họ được đạo quả ba Thừa.

Xá-lợi-phất bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Có Bồ-tát hay không, mà Bồ-tát vì chúng sinh không có mà nói sáu pháp Ba-la-mật làm cho đạt đạo quả ba Thừa?

Phật dạy Xá-lợi-phất:

–Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, đối với các pháp không có sở đắc. Vì sao? Vì Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật, cũng không thấy chúng sinh, cũng không thấy có chỗ đắc, mà chỉ dùng đạo pháp để giáo hóa. Đại Bồ-tát đối với hai đế mà nói pháp cho chúng sinh.

Xá-lợi-phất! Không dùng hai đế mà có chúng sinh và nơi ấy, Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật, với phương tiện quyền xảo nói pháp cho chúng sinh, chúng sinh hiện tại vẫn không tự thấy có. Huống gì người đắc đạo rồi, đang đắc và sẽ đắc. Cho nên Xá-lợi-phất! Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật, với phương tiện quyền xảo nói pháp cho chúng sinh.

Xá-lợi-phất bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Bồ-tát là bậc Đại sĩ của chư Thiên và Nhân loại, đối với trong giáo pháp cũng không thấy một chữ, không thấy có bao nhiêu, cũng không thấy có sai biệt, so sánh như thế cốt để biết rằng, cũng không có hiện hữu trong ba cõi, cũng không hiện hữu đối với hữu vi và vô vi tánh, mà cứu độ chúng sinh trong ba cõi, cũng không thấy chúng sinh, không thấy có tướng chúng sinh, chúng sinh không trói buộc cũng không giải thoát, không chấp trước; cũng không chấp đoạn, năm cõi đều khác không có hòa hợp, cũng không thấy hủy hoại, không thấy thanh tịnh, cũng không thấy ô nhiễm, huống chi sẽ có sự thọ thân trong năm đường.

Phật bảo Xá-lợi-phất:

–Đúng thế, đúng thế! Xá-lợi-phất như lời ông nói, giả sử vốn có chúng sinh mà làm cho không có, Bồ-tát và Phật liền đáp có, giả sử vốn không có năm đường sinh tử mà làm cho có cũng thế. Như Lai và Bồ-tát trả lời: Có Phật hay không có Phật, pháp sinh tử vẫn thường trụ, cũng thường trụ ở trong đó, cũng không có chúng sinh, cũng không có mình và người, cũng không có tuổi thọ, cũng không có sự thấy biết, huống chi là phải có năm cõi, pháp ấy cũng không có đầu mối, huống gì có sinh tử trong năm cõi để độ thoát chúng sinh.

Xá-lợi-phất! Bồ-tát từ Phật quá khứ nghe tướng không của các pháp, nên phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, không nói ta ở trong các pháp ấy có sự đắc. Giả sử có sự đắc mà chúng sinh đi trong điên đảo, cũng không có sự độ. Cho nên, Bồ-tát phát đại thệ nguyện, do sự phát nguyện đó, nên đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, không còn thoái chuyển, sẽ được thành tựu Chánh Đẳng Chánh Giác; dùng giáo pháp làm lợi ích cho chúng sinh, khiến cho giải thoát khỏi điên đảo. Ví như nhà ảo thuật hiện ra ngàn ức vạn người rồi đem vô số thức ăn làm cho những người ấy no đủ. Khi được làm cho no đủ rồi, họ rất vui mừng nói: “Ngày nay ta làm phước đức nhiều.” Xá-lợi-phất! Ý ông thế nào? Việc đó có no đủ hay không.

Xá-lợi-phất thưa:

–Bạch Thế Tôn! Không.

Phật dạy Xá-lợi-phất:

–Bồ-tát cũng như vậy. Từ khi phát tâm, cho đến nay hành sáu pháp Ba-la-mật, bốn Thiền, bốn Đẳng, bốn Không định, hành ba mươi bảy phẩm Trợ đạo, mười tám pháp Không, ba môn Giải thoát, tám Bối xả, chín cấp độ Thiền, hành mười Lực Như Lai, bốn Vô sở úy, bốn Vô ngại tuệ, cho đến mười tám pháp Bất cộng, đầy đủ Bồtát đạo để thanh tịnh cõi nước Phật; dẫn dắt chúng sinh mà không thấy pháp nào và người nào được giáo hóa.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Những gì là pháp mà Đại Bồ-tát có thể dẫn dắt chúng sinh và làm thanh tịnh cõi Phật?

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Bồ-tát từ lúc mới phát tâm trở đi, hành sáu pháp Ba-la-mật cho đến mười tám pháp Bất cộng, dẫn dắt chúng sinh làm thanh tịnh cõi Phật.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Vì sao Bồ-tát hành Bố thí ba-la-mật dẫn dắt chúng sinh?

Phật dạy:

–Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật, tự mình bố thí và dạy người bố thí: “Thiện nam tử, phải học bố thí, có thể rất giàu có và được giải thoát sinh tử, chớ chấp trước vào vật thí, mình thí và người nhận. Đó là ba pháp tánh không, pháp không cũng không thọ, không thọ tánh không.”

Phật dạy:

–Đó là Bồ-tát hành Bố thí ba-la-mật, bố thí cho chúng sinh không thấy vật thí, không thấy mình thí, cũng không thấy người nhận. Bố thí ba-la-mật là độ không bị lệ thuộc, giữ gìn ba pháp không thấy ba pháp và dẫn dắt chúng sinh ba Thừa. Đó là Đại Bồ-tát hành Bố thí ba-la-mật, dẫn dắt chúng sinh, tự mình thực hành bố thí, khuyên giúp người khác làm cho họ bố thí, thấy người bố thí khen ngợi vui mừng (cho họ). Bồ-tát bố thí như thế được sinh vào bốn dòng họ lớn; được làm Chuyển luân vương, liền dùng bốn việc dẫn dắt chúng sinh: Một là Bố thí, hai là Nhân ái, ba là Lợi hành, bốn là Đồng sự. Đó là bốn ân Bố thí dẫn dắt chúng sinh đến Trì giới ba-lamật và Thiền định ba-la-mật, hướng dẫn bốn Thiền, bốn Đẳng, bốn Không định, ba mươi bảy phẩm Trợ đạo, ba môn Giải thoát, siêng năng giúp đỡ người cầu đạo ba thừa và dạy họ: “Thiện nam tử, phải đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Chúng sinh bị trói buộc trong pháp điên đảo, cũng không có sở hữu, phải tự thoát ra pháp điên đảo, truyền dạy cho người xa lìa sự trói buộc này, phải làm lợi ích cho mình, làm lợi ích cho chúng sinh.” Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Bồ-tát thực hành Bố thí ba-la-mật, người thực hành như thế rồi, từ khi phát tâm trở về sau, không đọa vào cõi ác, đến đâu cũng thường được phước Chuyển luân vương. Vì sao? Vì tùy theo chỗ thí ấy mà thọ lấy quả báo có người đến cầu xin Thánh vương.

Thánh Vương suy nghĩ: “Ta sở dĩ cầu làm Chuyển luân vương, chỉ vì chúng sinh. Vương nói với người cầu: “Cái gì ta có đều là của ngươi, những phước đức ta có đều Bố thí cho chúng sinh.” Vua thường đem đại Bi làm lợi ích cho chúng sinh, nhưng cũng không thấy có chúng sinh tùy theo thế tục, nói có chúng sinh và có danh hiệu, giống như tiếng vang.”

Tu-bồ-đề! Bồ-tát hành Bố thí ba-la-mật, đối với da thịt vẫn không thương tiếc, huống chi vật bên ngoài. Chỉ muốn cứu độ giải thoát cho chúng sinh khỏi sinh tử, sao gọi là việc ngoài? Đó là sáu pháp Ba-la-mật cho đến mười tám pháp Bất cộng, thực hành như vậy, là độ thoát chúng sinh.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Bồ-tát ở trong Bố thí ba-la-mật, bố thí cho chúng sinh, khuyên họ giữ giới: “Các người hãy giữ giới thì ta làm cho các người không thiếu thốn, sẽ cung cấp đầy đủ theo ý muốn của các người. Vì tài vật mà người ta làm việc phạm giới. Các người trì giới thì ta sẽ làm cho hết tham lam.” Nhờ nhân duyên giữ giới, theo pháp ba Thừa, Bồ-tát giúp họ vượt qua làm cho hết khổ.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Bồ-tát hành Bố thí ba-la-mật, nếu thấy chúng sinh sân hận, tranh chấp, Bồ-tát hỏi: “Các người tranh chấp để làm gì? Các ngươi muốn có vàng bạc vật báu, hãy theo ta đến nơi ấy, chớ có cùng nhau tranh chấp.” Bồ-tát đối với Bố thí ba-la-mật, dẫn dắt chúng sinh thực hành Nhẫn nhục ba-la-mật.

Bồ-tát nói với chúng sinh rằng: “Các ngươi cùng nhau tranh chấp là việc không, không có thật, đều không có cơ sở, chớ có tranh chấp việc không mà để hại nhau, gây ra thù oán, chớ có đem việc không mà tranh chấp, rồi đọa vào ba đường ác, phát sinh oán hận, rồi khó mà trở lại làm thân người, huống chi gặp Phật ra đời, thân người khó được. Phật ra đời khó gặp, đừng bỏ dịp may gặp Phật mà đọa vào chỗ cực khổ vô cùng.” Bồ-tát hành nhẫn nhục, khuyên người nhẫn nhục, thấy người hành nhẫn nhục khen ngợi vui mừng, dẫn dắt chúng sinh Nhẫn nhục ba-la-mật, dùng pháp ba Thừa mà độ thoát họ.

Tu-bồ-đề! Bồ-tát hành Nhẫn nhục ba-la-mật theo Bố thí bala-mật mà giáo hóa chúng sinh thực hành Nhẫn nhục ba-la-mật như vậy.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bồ-tát hành Bố thí ba-la-mật giáo hóa làm cho chúng sinh hành Tinh tấn ba-la-mật như thế nào?

Phật dạy:

–Thấy chúng sinh biếng nhác, Bồ-tát hỏi: “Vì sao ông biếng nhác.” Chúng sinh đáp: “Bởi không có điều kiện tốt nên biếng nhác.” Bồ-tát bảo chúng sinh: “Này thiện nam, thiếu thốn gì ta sẽ cung cấp cho phải tinh tấn, ta tạo điều kiện cho ông bằng bố thí, trì giới, nhẫn nhục.” Nghe như vậy, chúng sinh tinh tấn với thân, khẩu, ý, đầy đủ các thiện pháp, được pháp vô lậu của Thánh hiền, tùy theo thiện pháp ấy tu tập giáo pháp ba Thừa làm cho họ được giải thoát.

Tu-bồ-đề! Đó là Bồ-tát hành Bố thí ba-la-mật giáo hóa chúng sinh hành đầy đủ Tinh tấn ba-la-mật.

Sao gọi là Bồ-tát hành Bố thí ba-la-mật dẫn dắt chúng sinh tu tập Thiền định ba-la-mật?

Bồ-tát hỏi chúng sinh: “Vì sao các ông không học pháp thiền?” Chúng sinh trả lời: “Chúng con không có điều kiện nên không thể học thiền.” Bồ-tát bảo: “Ta sẽ tạo các nhân duyên để làm cho ông dứt vọng niệm.” Bồ-tát liền tạo các điều kiện, vô niệm làm cho vọng niệm chúng sinh dứt tuyệt, nhờ đó liền được bốn Thiền, bốn Đẳng, nhớ nghĩ ba mươi bảy phẩm Trợ đạo, theo pháp ba Thừa mà được độ thoát, đạt đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, không uổng việc hành đạo.

Tu-bồ-đề! Đó là Bồ-tát hành Bố thí ba-la-mật, giáo hóa dẫn dắt chúng sinh hành thiền độ.

Bồ-tát trụ Bố thí ba-la-mật, khuyên nhủ làm chúng sinh thực hành Bát-nhã ba-la-mật như thế nào?

Bồ-tát hỏi chúng sinh: “Sao không tu tập Bát-nhã ba-la-mật.” Chúng sinh trả lời: “Do không có điều kiện.” Bồ-tát lại hỏi: “Ta sẽ làm người hướng dẫn cho các ngươi. Các ngươi phải hành đầy đủ các hạnh như: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định.”

Bồ-tát suy nghĩ: “Có pháp nào có người không? Chúng sinh, ta, tuổi thọ, ba cõi mà nắm bắt không? Sáu pháp Ba-la-mật, ba mươi bảy phẩm Trợ đạo có nắm bắt không? Tu-đà-hoàn, A-la-hán, Bíchchi-phật có thể nắm bắt được không?” Bồ-tát hành Bát-nhã ba-lamật, không thấy các pháp có sự chứng đắc, cũng không có chỗ nắm bắt được, cũng không thấy có pháp sinh, pháp diệt, có pháp chấp trước, có pháp đoạn tuyệt. Tuy không có chỗ thấy, cũng không có phân biệt, cũng không nói là trời là người, ba cõi ác, cũng không nói có giới hay không giới, cũng không nói Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, Ana-hàm, A-la-hán, Bích-chi-phật; cũng không nói là Như Lai Vô Sở Trước Chánh Đẳng Giác.

Tu-bồ-đề! Đó là Bồ-tát hành Bố thí ba-la-mật, khuyên bảo dẫn dắt chúng sinh hành Bát-nhã ba-la-mật.

Thế nào là Bồ-tát hành sáu pháp Ba-la-mật, giáo hóa dẫn dắt chúng sinh thực hành ba mươi bảy phẩm Trợ đạo? Bồ-tát dùng các phương tiện giáo hóa chúng sinh, hành bốn Ý chỉ, bốn Ý đoạn, bốn Thần túc, năm Căn, năm Lực, bảy Giác ý, tám Chánh đạo. Người thọ trì liền thoát khỏi sinh tử.

Tu-bồ-đề! Đó là Bồ-tát đem pháp của Hiền thánh giáo hóa chúng sinh.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Bồ-tát giáo hóa dẫn dắt chúng sinh bằng lời lành: “Các Hiền giả, ta đã từ lâu luôn luôn bố thí, nay được hưởng phước này, sở hữu của ta đều là sở hữu của các vị. Muốn được vàng bạc, bảy báu y phục, tài vật, thực phẩm, muốn điều gì ta sẽ cung cấp đầy đủ, được những tài sản này, thì luôn luôn an ổn. Các vị phải hành sáu pháp Ba-la-mật và khuyên bảo người khác hành sáu pháp Ba-la-mật, các vị phải dìu dắt vô sắc làm cho họ hành ba mươi bảy phẩm Trợ đạo, mười Lực của Như Lai, mười tám pháp Bất cộng và phải truyền bá cho tất cả chúng sinh đạo ba thừa và pháp vô lậu.”

Tu-bồ-đề! Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật, phải nên dạy bảo giáo hóa chúng sinh, vượt khỏi cõi ác và nguy hại của sinh tử.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Đó là Bồ-tát thực hành Trì giới ba-la-mật, giáo hóa chúng sinh: “Các ông sống nơi phạm giới, ta sẽ làm nhân duyên cho các ông được tịnh giới.” Bồ-tát làm việc bố thí tùy phương tiện ấy mà dẫn dắt họ tinh tấn. Giáo hóa làm cho các chúng sinh hành trì mười điều thiện, sống không lỗi lầm, không phạm giới của Thánh hiền, lần lần đem ba Thừa dứt trừ hết khổ.

Bằng Trì giới ba-la-mật đứng đầu, cũng như là Bố thí ba-la-mật đã nói ngoài ra bốn Ba-la-mật kia cũng như vậy.