SỐ 221
KINH PHÓNG QUANG BÁT-NHÃ
Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Vô-la-xoa, người nước Vu Điền
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 18

Phẩm 80: TIN VÀO BẢN TẾ

Lúc bấy giờ, Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Giả sử lúc đầu không có chúng sinh và ở chỗ của chúng sinh thì Bồ-tát làm những gì để thực hành Bát-nhã ba-lamật?

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Bồ-tát tin pháp thực tế nên thực hành Bát-nhã ba-la-mật. Thực tế và chúng sinh khác nhau thì Bồ-tát không thực hành Bátnhã ba-la-mật nhưng do thực tế và chúng sinh tế không khác nên Bồ-tát vì muốn làm lợi ích cho chúng sinh mà thực hành Bát-nhã ba-la-mật.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật không phân biệt thực tế mà hướng dẫn chúng sinh vào thực tế.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Nếu hướng dẫn chúng sinh vào thực tế thì Bồ-tát kiến lập thực tế ở nơi thực tế. Nếu kiến lập thực tế ở nơi thực tế thì không thể có. Vì sao đem không có sở hữu kiến lập ở nơi không có sở hữu?

–Bạch Thế Tôn! Như vậy làm sao Bồ-tát hướng dẫn chúng sinh vào thực tế.

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Không thể đem thực tế kiến lập ở nơi thực tế, không thể đem sở hữu kiến lập ở nơi sở hữu, cũng không thể đem không sở hữu kiến lập ở nơi không sở hữu.

Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật dùng phương tiện quyền xảo hướng dẫn chúng sinh vào thực tế, thực tế và chúng sinh không hai, không khác.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Bồ-tát dùng những phương tiện quyền xảo nào để thực hành Bát-nhã ba-la-mật, hướng dẫn chúng sinh sinh vào nơi thực tế mà không có biểu hiện phân biệt?

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật dùng phương tiện quyền xảo hướng dẫn chúng sinh bố thí, hướng dẫn rồi Bồ-tát nói bố thí hoàn toàn rỗng không; vật bố thí, người bố thí, người nhận và quả báo bố thí đều không.

Này thiện nam, chớ có tạo ra các tướng. Vật bố thí và người nhận có khác nhau không? Không khác, đều là không, đều đưa đến thực tế. Nếu các người không phân biệt vật thí, người nhận và quả báo bố thí thì bố thí này có thể đưa đến giải thoát. Chớ nên bố thí chấp trước vào sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Vì sao? Vì vật thí, người bố thí, người nhận và quả báo của bố thí đều là không. Do bố thí không có mong cầu nên bố thí không thể thủ đắc. Vì sao? Vì các pháp ấy từ đầu đến cuối, tự tánh là không.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, dùng phương tiện quyền xảo hướng dẫn chúng sinh trì giới. Bồ-tát dạy: “Này thiện nam, hãy từ bỏ mười điều ác, các pháp ác này không có thật, nên tự suy nghĩ kỹ, mười việc ác này vốn không có.” Đại Bồ-tát dùng đầy đủ phương tiện quyền xảo giáo hóa chúng sinh, đem bố thí, trì giới chỉ dạy cho chúng sinh tự tịnh quả báo của bố thí và trì giới đều rỗng không. Do đó chúng sinh đạt được tịch tĩnh, liền sinh trí tuệ, đoạn trừ vô minh, dứt hết khổ não. Dùng Niết-bàn thế tục mà không dùng Đệ nhất nghĩa. Vì sao? Vì trong rỗng không mong cầu Niết-bàn, không có rỗng không chắc chắn không vào Niết-bàn, Niết-bàn tự tánh nó rốt ráo cũng là không.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Bồ-tát thấy chúng sinh tâm tán loạn, không chánh định, tranh cãi, giận hờn liền dạy họ nhẫn nhục và tu tập nhẫn nhục: “Việc làm mê muội đều là rỗng không; ông nên suy nghĩ việc xấu ác rỗng không là ta hay là ai nó từ đâu đến. Pháp không ấy không có lúc nào chẳng rỗng không, pháp không này không phải do Như Lai, Bồ-tát, La-hán, Bích-chi-phật tạo ra. Cũng chẳng phải do chư Thiên ở cõi trời Ba mươi ba, Rồng, A-tu-la, Quỷ, Thần, Chân-đà-la, Ma-hầu-lặc làm ra, mà tự nhiên nó là không.” Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật dùng pháp không này hướng dẫn chúng sinh vào không. Tuy có quả báo nhưng không xa lìa quả báo Vô thượng Bồ-đề; tuy Bồ-tát khuyên chúng sinh tinh tấn cầu đạo, nhưng đó chỉ là pháp thế tục, không phải Đệ nhất nghĩa. Vì sao? Vì tánh không không có chỗ giác, cũng không có người giác ngộ, cũng không có người đã và sẽ giác ngộ, đó là tánh thật tế rỗng không. Bồ-tát vì chúng sinh thực hành Bát-nhã ba-la-mật, không thấy chúng sinh cũng không thấy chỗ ở của chúng sinh. Vì sao? Vì chúng sinh vắng lặng như các pháp.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật dùng phương tiện quyền xảo thấy chúng sinh biếng nhác. Bồ-tát khuyên họ thân và tâm phải tinh tấn thực hành pháp không: “Các pháp không có biếng nhác cũng không thấy có biếng nhác. Pháp không ấy không từ chỗ không mà thoái chuyển. Chớ nên biếng nhác đối với thiện pháp, thân tâm chớ nên thoái lui với sáu pháp Ba-la-mật, bốn Thiền, bốn Tâm vô lượng, bốn Không định; chớ nên biếng nhác đối với ba mươi bảy phẩm Trợ đạo, ba môn Giải thoát, cho đến mười tám pháp Bất cộng của Phật. Chớ có chướng ngại đối với các pháp, hãy quán các pháp không có chướng ngại, không có biếng nhác.”

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật dùng pháp không tánh khuyên dạy chúng sinh hãy tinh tấn an trụ tánh không. Tuy trụ vào pháp không nhưng không rơi vào hai pháp. Vì sao? Vì tánh không là một, không có hai pháp, không hai đó không có chỗ chấp trước.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật đem pháp tánh không giáo hóa chúng sinh làm cho họ tinh tấn.

Bồ-tát dạy: “Này thiện nam! Phải siêng năng tinh tấn tu tập, Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí tuệ, ba mươi bảy phẩm Trợ đạo cho đến mười tám pháp Bất cộng của Phật tùy theo khả năng của mình.

Này thiện nam! Đối với pháp ấy chớ có sinh hai niệm, cũng không lìa hai niệm. Vì sao? Vì các pháp tánh này là không, pháp tánh không hai cũng không phải là không hai.”

Tu-bồ-đề! Đó là Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật dùng phương tiện quyền xảo tu tập hạnh Bồ-tát, giáo hóa chúng sinh, làm thanh tịnh cõi Phật. Kế đến, Bồ-tát hướng dẫn chúng sinh tu tập quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, Bích-chi-phật, cho đến Vô thượng Bồ-đề.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, dùng phương tiện quyền xảo làm lợi ích cho chúng sinh, khuyên bảo rằng: “Hãy nhất tâm Thiền định, chớ có tán loạn, cũng không sinh tưởng về định. Vì sao? Vì các pháp tánh đều không. Trong các pháp rỗng không ấy cũng không loạn cũng không có nhất tâm, nên trụ vào định này, các việc do thân, khẩu, ý tạo ra hoặc sáu pháp Ba-la-mật, ba mươi bảy phẩm Trợ đạo, tám Giải thoát, chín Thứ đệ thiền, mười Lực, bốn Vô sở úy, bốn Vô ngại tuệ, đại Từ, đại Bi, mười tám pháp Bất cộng, tám mươi vẻ đẹp hoặc Thanh văn, Bích-chi-phật, Phật đạo, Bồ-tát đạo hoặc quả Thanh văn, quả Bích-chi-phật, quả Phật hoặc trí Nhất thiết, làm thanh tịnh cõi Phật, giáo hóa chúng sinh.

Người nào thực hành pháp không liền được các thiện pháp.” Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, dùng phương tiện quyền xảo, làm lợi ích chúng sinh. Từ khi mới phát tâm đến nay, Bồ-tát thường làm lợi lạc cho vô số chúng sinh, từ cõi Phật này đến cõi Phật kia, cúng dường lễ bái chư Phật Thế Tôn, được chư Phật truyền trao giáo pháp cho đến khi thành tựu quả Vô thượng Bồ-đề hoàn toàn không quên mất. Các vị Bồ-tát thường được bảo hộ thân, khẩu, ý đầy đủ không có thiếu sót. Vì sao? Vì Bồ-tát này siêng năng tu tập trí Nhất thiết, do tu tập trí Nhất thiết mà được vào các đạo như Thanh văn, Bích-chi-phật và được thần thông. Bồ-tát không bỏ rơi những chỗ nên hành đạo mà trụ vào thần thông cứu độ chúng sinh khắp trong năm đường sinh tử mà thần thông không bị giảm bớt.

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật trụ vào tánh không, làm lợi ích cho chúng sinh như vậy.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, dùng phương tiện quyền xảo trụ vào tánh không làm lợi ích cho chúng sinh, đem trí tuệ giáo hóa chúng sinh: “Này các Hiền giả, hãy làm thanh tịnh, thân, khẩu, ý để nhận lấy giáo pháp bất tử. Người nhận được giáo pháp bất tử thì sẽ không xa lìa pháp tánh không. Vì sao? Vì pháp tánh không chẳng phải là pháp có, cũng chẳng phải là pháp không.”

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, lúc nào cũng tinh tấn dạy bảo chúng sinh thực hành và học như vậy. Bồ-tát tự mình thực hành và dạy người hành mười việc thiện, năm giới, tám giới quan trai, bốn Thiền, bốn Tâm vô lượng, bốn Không định, ba mươi bảy phẩm Trợ đạo, mười Lực, mười tám pháp Bất cộng, tám mươi vẻ đẹp. Tự mình học và dạy cho người học tuệ đạo Tu-đà-hoàn, tuệ Ala-hán, Bích-chi-phật, ở trong đó cũng không mong cầu, tự mình phát tâm Vô thượng Bồ-đề và dạy người học Vô thượng Bồ-đề.

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Đại Bồ-tát tu tập hạnh Bồ-tát, dùng phương tiện quyền xảo, không lúc nào biếng nhác.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Giả sử các pháp tánh không, chúng sinh cũng không thể đắc, không có chánh pháp cũng không có phi pháp thì tại sao Bồ-tát chứng đắc tuệ trí Nhất thiết.

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Đúng vậy! Đúng như lời ông nói. Tất cả pháp tánh đều là không. Trong pháp không không có chúng sinh, không có chánh pháp, cũng không có phi pháp. Nếu có pháp tánh không có rỗng không thì Bồ-tát không ở trong pháp mà thành tựu quả Vô thượng Bồ-đề. Vì tánh không nên Bồ-tát nói pháp năm ấm, tánh cũng là không. Do đó Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, nói tánh năm ấm, mười tám giới, mười hai duyên khởi, bốn Thiền, bốn Tâm vô lượng, bốn Không định, ba mươi bảy phẩm Trợ đạo, ba môn Giải thoát, tám Giải thoát, chín Thứ đệ thiền, bốn Vô ngại tuệ, mười tám pháp Bất cộng của Phật, đại Từ, đại Bi, tám mươi vẻ đẹp đều là không. Do đó, Bồ-tát nói pháp cho chúng sinh như pháp Thanh văn, Bích-chi-phật đạo, trí Nhất thiết, dứt trừ các tập khí. Bồ-tát dùng tánh không này thuyết pháp như nội không, ngoại không, hữu không và vô không. Nếu tánh này không rỗng không thì Bồ-tát sẽ không dùng tánh không để thuyết pháp; nếu nội không, ngoại không, hữu không và vô không chẳng phải là tánh không thì tánh không sẽ bị phá hoại. Tánh không thể hoại, cũng không thường. Vì sao? Vì tánh không không có chỗ trụ, cũng không không có chỗ trụ, không đến cũng không đi. Vì vậy, nó là pháp thường trụ, không có tăng, giảm, không có sinh diệt, không có thường đoạn.

Bồ-tát an trụ nơi pháp này để thành tựu quả Chánh đẳng giác, không thấy pháp có chỗ đạt đến, cũng không phải là không có chỗ đạt đến, đó là pháp thường trụ.

Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, thấy các pháp tánh đều là không, nên đối với quả Vô thượng Bồ-đề không thoái chuyển. Vì sao? Vì Bồ-tát không thấy các pháp có chướng ngại thì do đâu mà nghi ngờ đối với quả Vô thượng Bồ-đề.

Tánh không ấy không có chúng sinh cũng không thấy chỗ ở của chúng sinh, không thấy có ngã, thọ mạng và tri kiến; không thấy năm ấm cho đến tám mươi vẻ đẹp.

Này Tu-bồ-đề! Ví như vị hóa Phật hóa làm Tỳ-kheo, Tỳ-kheoni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, nói pháp cho chúng sinh đến vô số kiếp cũng không dừng.

Này Tu-bồ-đề! Hóa thân ấy có chứng đắc pháp ba thừa không?

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Không. Vì không có hình tướng. Các pháp cũng không có hình tướng thì chúng sinh nào được Bồ-tát hướng dẫn chứng đắc Thanh văn, Bích-chi-phật. Chúng sinh bị rơi vào điên đảo thì Bồ-tát đưa họ ra khỏi nơi điên đảo. Như vậy điên đảo tức là không điên đảo, không có điên đảo và các Niệm xứ, không có chúng sinh, cũng không có ngã, thọ mạng, tri kiến, không có năm ấm, cũng không có đạo. Đó là tánh không. Bồ-tát ở nơi điên đảo, thực hành Bát-nhã ba-la-mật vượt qua điên đảo và có tưởng nhân, tưởng chúng sinh, tưởng hữu sắc, tưởng vô sắc, pháp hữu lậu, do đó vượt qua pháp vô lậu, chẳng phải là đệ nhất nghĩa.

Pháp vô lậu là gì? Ba mươi bảy phẩm Trợ đạo, không có cũng không sinh, không tạo tác, đó gọi là tánh không, là đạo chư Phật, Thế Tôn, đạo của chư Phật không có chúng sinh, cũng không có ngã, nhân, thọ mạng, tri kiến, năm ấm, ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp. Đó là đạo chân thật của Như Lai.

Bồ-tát không vì Bồ-tát đạo mà phát tâm Vô thượng Bồ-đề, chỉ vì tánh không từ đầu đến cuối không có lúc nào là không rỗng không, mà thường là tánh không. Bồ-tát thực hành không Ba-la-mật, vì chúng sinh chấp trước tướng chúng sinh nên hướng dẫn họ cầu đạo trí Nhất thiết. Vì vậy, Bồ-tát thường hành đạo tuệ, do thực hành đạo tuệ nên có thể chứng nhập các đạo và đạo tam Thừa. Bồ-tát chứng nhập đầy đủ các đạo rồi, giáo hóa chúng sinh, làm thanh tịnh cõi Phật, liền trụ trong pháp hữu vi, thành tựu quả Vô thượng Bồ-đề, không mất giống Phật và các tánh không, trụ vào tánh không là đạo nghiệp của chư Phật trong ba đời. Chỗ sinh tử và các pháp thế tục không lìa tánh không. Các Bồ-tát đều phải học tập các hạnh của chư Phật và thực hành tánh không. Tuy thực hành tánh không nhưng không mất trí Nhất thiết.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ-tát thực là kỳ diệu, thực hành tánh không mà không phân biệt. Những gì là không phân biệt tánh không? Bồ-tát không nói sắc, thọ, tưởng, hành, thức là không; cho đến đạo cũng không khác với tánh không. Tánh không tức là đạo, đạo tức là tánh không.

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Giả sử tánh không khác với năm ấm thì Bồ-tát quyết không thể đạt đến trí Nhất thiết. Tánh không và năm ấm không khác. Vì biết các pháp tánh đều là không, nên Bồ-tát phát tâm Vô thượng Bồđề. Vì pháp tánh không bị phá hoại, cũng không tôn trọng mà người đời mê hoặc cho năm ấm là của ta, ta thuộc về năm ấm, nên dựa vào năm ấm làm những việc cho ta, lại dựa vào hình tướng bên trong và bên ngoài nên thọ thấy thân năm ấm, liền có sinh, già, bệnh, chết sầu bi khổ não, đọa vào năm đường không được giải thoát. Vì thế Bồ-tát thực hành không Ba-la-mật, không phân biệt năm ấm, năm ấm là không, không quán nó là chẳng phải không, cho đến đạo là không, cũng không quán đạo là chẳng phải không. Vì sao? Vì không cho năm ấm là không mà hiện ra năm ấm, cũng không cho đạo là không mà hiện ra đạo.

Này Tu-bồ-đề! Ví như hư không không phân biệt hư không, cũng không phân biệt bên trong và bên ngoài hư không. Như vậy, Tu-bồ-đề, không cho năm ấm là không nên hiện ra năm ấm, cũng không cho đạo là không nên hiện ra đạo. Vì sao? Vì không là không có, cũng không phân biệt là không hay là chẳng không, cho đến đạo cũng vậy.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Giả sử các pháp không thể phân biệt, không thể phá hoại thì tại sao Bồ-tát phát tâm Vô thượng Bồ-đề, đối với đạo có hai thì không thể phát tâm Vô thượng Bồ-đề?

Phật dạy:

–Đúng vậy. Tu-bồ-đề! Hành hai tướng thì không có đạo. Đạo là không có hai. Bồ-tát và đạo không phân biệt hai. Bồ-tát tức là đạo, đạo tức là Bồ-tát. Đạo không thực hành trong sắc, thọ, tưởng, hành, thức, cũng không thực hành trong đạo. Vì sao? Vì đạo không nói được. Ông nên thực hành năm ấm và thực hành đạo, Bồ-tát thực hành đạo không có chấp thủ.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bồ-tát hành đạo không có chấp thủ cũng không có xả bỏ. Như vậy làm những gì và hành đạo chỗ nào?

Phật dạy:

–Ý ông thế nào? Như những vị do Như Lai hóa ra hành đạo ở chỗ nào, có chấp thủ, có xả bỏ không?

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Không. Không chấp thủ cũng không xả bỏ.

Phật hỏi:

–Ở trong mộng, La-hán có chấp thủ, có xả bỏ không?

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Không. La-hán không có chấp thủ thì làm sao có mộng.

Phật dạy:

–Đúng vậy, Tu-bồ-đề! Bồ-tát thực hành không chấp thủ cũng không xả bỏ.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Ý của Bồ-tát không chấp thủ, không xả bỏ năm ấm và đạo Bồ-tát không thực hành các pháp như: mười Trụ, mười Địa, sáu pháp Ba-la-mật, ba mươi bảy phẩm Trợ đạo, bốn Thiền, bốn Tâm vô lượng, bốn Không định, tám Giải thoát, chín Thứ đệ thiền, mười Lực, bốn Vô sở úy, ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, năm Thần thông, làm thanh tịnh cõi Phật, giáo hóa chúng sinh, không đạt đến trí Nhất thiết, như vậy Bồ-tát có thể thành tựu quả Vô thượng Bồ-đề không?

Phật dạy:

–Tu-bồ-đề! Nếu Bồ-tát không thực hành đầy đủ mười Địa, sáu pháp Ba-la-mật, bốn Thiền, bốn Tâm vô lượng, bốn Không định, tám Giải thoát, chín Thứ đệ thiền, ba mươi bảy phẩm Trợ đạo, cho đến tám mươi vẻ đẹp thì quyết sẽ không chứng được quả Vô thượng Bồđề. Bồ-tát không thực hành đầy đủ sẽ không đạt đến Nhất thiết trí, diệt trừ tướng không của năm ấm và tánh không của đạo. Diệt tánh này rồi thì trụ vào tánh diệt, không làm cho pháp tổn giảm, không sinh không diệt, không chấp trước, không xả bỏ, cũng không chứng đắc.

Tu-bồ-đề! Nhờ pháp thế tục mà Bồ-tát chứng đắc Chánh đẳng giác; năm ấm và đạo cũng do pháp thế tục chứ không phải do Đệ nhất nghĩa. Từ khi mới phát tâm đến nay. Bồ-tát tuy hành đạo nhưng ý không diệt, chúng sinh cũng không diệt, đạo không diệt, Bồ-tát cũng không diệt.

Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Nếu các ông trừ bỏ năm ấm, được vô lượng Tam-muội, Tu-đà-hoàn cho đến A-la-hán thì lúc đó có thấy ý, đạo quả không?

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Không thấy.

Phật dạy:

–Tại sao các ông nói có chỗ chứng đắc?

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Đó chỉ là pháp thế tục thôi.

Phật dạy:

–Do pháp thế tục nên nói năm ấm, có Bồ-tát, có trí Nhất thiết. Đối với đạo, Bồ-tát không có pháp được chứng, không có pháp tăng giảm. Do pháp tánh cho nên không thể đắc được. Các pháp tánh còn không chứng đắc các pháp tánh, huống là sẽ chứng đắc mười Trụ địa và sáu pháp Ba-la-mật, ba mươi bảy phẩm Trợ đạo, ba môn Giải thoát cho đến mười tám pháp Bất cộng. Do vậy, có sở đắc là điều không thể được.

Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát thực hành Vô thượng Chánh đẳng giác, chứng đắc Phật trí, làm lợi ích chúng sinh.