SỐ 221
KINH PHÓNG QUANG BÁT-NHÃ
Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Vô-la-xoa, người nước Vu Điền
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 15

Phẩm 68: VÔ TẬN

Lúc ấy, Tu-bồ-đề suy nghĩ: “Đạo pháp của các Đức Phật rất rộng lớn sâu xa, ta nên thỉnh vấn Thế Tôn.” Rồi thưa:

–Bạch Thế Tôn! Bát-nhã ba-la-mật này vô cùng tận như thế nào?

Phật đáp:

–Hư không không thể tận, Bát-nhã ba-la-mật không thể tận.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Bồ-tát phải làm thế nào để nhập Bát-nhã bala-mật?

Phật đáp:

–Bồ-tát nên thể nhập Bát-nhã ba-la-mật bằng các pháp như:

năm ấm vô tận, sáu pháp Ba-la-mật vô tận, cho đến trí Nhất thiết vô tận, nên Bồ-tát thể nhập Bát-nhã ba-la-mật cũng vậy.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Bồ-tát nên thể nhập Bát-nhã ba-la-mật bằng các pháp: vô minh như hư không không thể tận, hành như hư không không thể tận, thức như hư không không thể tận, danh sắc như hư không không thể tận, lục nhập như hư không không thể tận, xúc như hư không không thể tận, thọ như hư không không thể tận, ái như hư không không thể tận, thủ như hư không không thể tận, hữu như hư không không thể tận; sinh, lão, bệnh, tử, ưu bi, khổ não như hư không không thể tận.

Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát nên hành như vậy để thể nhập vào Bátnhã ba-la-mật. Nếu Bồ-tát quán sát mười hai duyên khởi là bỏ vô minh và tương ứng với không sự nhập. Bồ-tát quán pháp mười hai duyên khởi này sẽ được ngồi nơi đạo tràng. Ở nơi ấy Bồ-tát quán pháp này liền được trí Nhất thiết.

Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát nào biết được hư không không thể tận nên quán mười hai nhân duyên bằng Bát-nhã ba-la-mật thì nhất định không rơi vào hàng La-hán và Bích-chi-phật, mà được thành tựu Vô thượng Bồ-đề.

Này Tu-bồ-đề! Những thiện nam, tín nữ hành đạo Bồ-tát mà còn thoái chuyển không có học Bát-nhã ba-la-mật, không biết hành Bát-nhã ba-la-mật, không biết mười hai nhân duyên như hư không và không biết phương tiện quyền xảo. Vì vậy nên còn thoái chuyển Vô thượng Bồ-đề.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Những Bồ-tát không bị thoái chuyển là vị ấy hành Bát-nhã ba-la-mật bằng phương tiện quyền xảo và biết hư không vô tận nên thể nhập Bát-nhã ba-la-mật.

Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát quán chiếu mười hai nhân duyên như vậy, không thấy có pháp nào là do nhân duyên sinh, không thấy pháp nào là pháp thường không bị diệt, không thấy ngẫu nhiên; không thấy chúng sinh, ngã, nhân, thọ mạng; không thấy có sự hiểu biết; không thấy vô thường, vô ngã, cũng không thấy pháp tịnh, pháp bất tịnh.

Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát nên quán mười hai nhân duyên bằng Bátnhã ba-la-mật như vậy.

Này Tu-bồ-đề! Vì Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật, nên lúc ấy không thấy năm ấm có thường, vô thường, khổ, lạc, ngã, vô ngã, có tịnh, bất tịnh, cho đến trí Nhất thiết cũng không thấy như vậy.

Tu-bồ-đề! Khi Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật cũng không thấy pháp có thể nắm bắt để thấy Bát-nhã ba-la-mật, cho đến đạo cũng không thấy có pháp hiện hữu để thấy đạo.

Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật như vậy không nương tựa vào các pháp.

Tu-bồ-đề! Lúc Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật như vậy, không nương tựa vào các pháp thì ma Ba-tuần rất buồn khổ, thí như người vừa bị mất cha mẹ.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Chỉ có ma ở đây buồn khổ thôi hay tất cả ma trong ba ngàn thế giới đều như vậy?

Phật đáp:

–Tất cả ma trong ba ngàn thế giới đều sầu khổ, bọn chúng đều không thể ngồi yên nơi chỗ của mình. Khi Đại Bồ-tát hành hạnh ấy, thì tất cả chư Thiên và ma vương không thể quản thúc.

Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát muốn thành tựu Vô thượng Bồ-đề thì phải hành Bát-nhã ba-la-mật. Đại Bồ-tát học Bát-nhã ba-la-mật chính là đầy đủ các Ba-la-mật.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Sao gọi là Bồ-tát đầy đủ sáu pháp Ba-la-mật?

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Điều quan trọng của Bồ-tát hành sáu pháp Ba-la-mật là niệm hạnh trí Nhất thiết. Đó là Đại Bồ-tát hành sáu pháp Ba-la-mật.