SỐ 223
KINH MA-HA BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT
Hán dịch: Pháp sư Cưu-ma-la-thập
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 20

Phẩm 67: KHÔNG THỂ CÙNG TẬN

Khi đó, Tu-bồ-đề nghĩ: “Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác của các Đức Phật rất sâu xa, ta phải hỏi Đức Phật.” Nghĩ đoạn, Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Bát-nhã ba-la-mật này chẳng thể cùng tận. Như Đức Phật dạy vì hư không chẳng thể cùng tận nên Bát-nhã ba-la-mật chẳng thể cùng tận.

Bạch Đức Thế Tôn! Tại sao phải sinh khởi Bát-nhã ba-la-mật? Phật dạy:

–Này Tu-bồ-đề! Vì sắc không thể cùng tận nên Bát-nhã ba-lamật phải sinh. Vì thọ, tưởng, hành, thức không thể cùng tận nên Bátnhã ba-la-mật phải sinh. Vì Bố thí ba-la-mật không thể cùng tận nên Bát-nhã ba-la-mật phải sinh. Vì Thí ba-la-mật, Nhẫn ba-la-mật, Tấn ba-la-mật, Thiền ba-la-mật, Bát-nhã ba-lamật không thể cùng tận nên Bát-nhã ba-la-mật phải sinh. Cho đến vì Nhất thiết chủng trí chẳng thể cùng tận nên Bát-nhã ba-la-mật phải sinh.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Vì không của vô minh chẳng thể cùng tận nên Bát-nhã ba-la-mật của Bồ-tát phải sinh. Vì không của hành không thể cùng tận nên Bát-nhã ba-la-mật phải sinh. Vì không của thức không thể cùng tận nên Bát-nhã ba-la-mật phải sinh. Vì không của danh sắc không thể cùng tận nên Bát-nhã ba-la-mật phải sinh. Vì không của sáu nhập không thể cùng tận nên Bát-nhã ba-la-mật phải sinh, vì không của lục xúc không thể cùng tận nên Bát-nhã ba-la-mật phải sinh, vì không của thọ không thể cùng tận nên Bátnhã ba-lamật phải sinh, vì không của ái không thể cùng tận nên Bátnhã ba-la-mật phải sinh, vì không của thủ không thể cùng tận nên Bát-nhã ba-la-mật phải sinh, vì không của hữu không thể cùng tận nên Bát-nhã ba-la-mật phải sinh. Vì không của sinh không thể cùng tận nên Bát-nhã ba-la-mật phải sinh. Vì không của già, chết, lo, buồn khổ não không thể cùng tận nên Bátnhã ba-la-mật của Bồ-tát phải sinh.

Như vậy, cho nên Bát-nhã ba-la-mật của Bồ-tát phải sinh.

Mười hai nhân duyên như vậy là pháp riêng của Bồ-tát, thường dứt trừ được các kiến chấp điên đảo.

Lúc ngồi đạo tràng nên quán như vậy sẽ được Nhất thiết chủng trí.

Này Tu-bồ-đề! Nếu có Đại Bồ-tát nào dùng pháp hư không chẳng thể cùng tận mà thực hành Bát-nhã ba-la-mật, quán mười hai nhân duyên, thì chẳng rơi vào hàng Thanh văn, Bích-chi-phật, được an trụ Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Này Tu-bồ-đề! Người cầu đạo Bồ-tát mà thoái chuyển, đó là vì xa lìa tâm niệm Bát-nhã ba-la-mật.

Người đó chẳng biết thực hành Bát-nhã ba-la-mật là dùng pháp hư không chẳng thể cùng tận như thế nào để quán mười hai nhân duyên.

Này Tu-bồ-đề! Vì người cầu đạo Bồ-tát mà chẳng được năng lực phương tiện như vậy nên thoái chuyển đối với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Này Tu-bồ-đề! Nếu Đại Bồ-tát không bị thoái chuyển nơi Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đều do được năng lực phương tiện như vậy cả.

Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát phải dùng pháp hư không chẳng thể cùng tận để quán Bát-nhã ba-la-mật. Phải dùng pháp hư không chẳng thể cùng tận để sinh khởi Bát-nhã bala-mật.

Như vậy, này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát lúc quán mười hai nhân duyên, chẳng thấy có pháp nào không từ nhân duyên sinh, chẳng thấy có pháp nào thường còn chẳng diệt, chẳng thấy có pháp nào có ngã, có nhân, có tuổi thọ, mạng sống, chúng sinh, cho đến người biết, người thấy, chẳng thấy có pháp vô thường, chẳng thấy pháp khổ, vô ngã, chẳng thấy pháp vắng lặng và chẳng vắng lặng.

Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật phải quán mười hai nhân duyên như vậy.

Này Tu-bồ-đề! Nếu Đại Bồ-tát có thể thực hành Bátnhã bala-mật như vậy, thì lúc đó chẳng thấy sắc là thường hay vô thường, là khổ hay lạc, là ngã hay vô ngã, là vắng lặng hay chẳng vắng lặng.

Như sắc, đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng giống như vậy.

Lúc đó, Đại Bồ-tát cũng chẳng thấy Bát-nhã ba-la-mật, cũng chẳng thấy dùng pháp ấy để thấy Bát-nhã ba-la-mật. Cho đến chẳng thấy Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cũng chẳng thấy dùng pháp ấy để thấy Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vì tất cả pháp đều không thật có. Đó là đúng với hạnh Bát-nhã ba-la-mật.

Nếu lúc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật không có chỗ đắc, thì ác ma sầu khổ như bị mũi tên xuyên qua tim, như người có cha mẹ mới qua đời.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn! Chỉ một ác ma bị sầu khổ, hay ác ma trong cõi đại thiên đều bị sầu khổ?

–Này Tu-bồ-đề! Các ác ma trong cõi đại thiên đều sầu khổ như tên xuyên qua tim, không được an ổn.

Này Tu-bồ-đề! Nếu Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-lamật được như vậy thì lúc đó tất cả thế gian Trời, Người, A-tula chẳng thể nào hại được.

Thế nên Đại Bồ-tát muốn được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác phải thực hành Bát-nhã ba-la-mật này.

Đại Bồ-tát lúc thực hành Bát-nhã ba-la-mật thì tu trọn vẹn Thí, Giới, Nhẫn, Tấn, Thiền và Bát-nhã ba-la-mật.

Đại Bồ-tát lúc thực hành Bát-nhã ba-la-mật thì đầy đủ các môn Ba-la-mật.

–Bạch Đức Thế Tôn! Đại Bồ-tát lúc thực hành Bát-nhã ba-lamật thì thế nào đầy đủ các Ba-la-mật?

–Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát có bố thí bao nhiêu đều hồi hướng Nhất thiết trí, thế nên lúc thực hành Bát-nhã ba-lamật, Đại Bồ-tát đầy đủ Bố thí ba-la-mật.

Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát có trì giới đều hồi hướng về Nhất thiết trí, thế nên lúc thực hành Bát-nhã ba-la-mật, Đại Bồ-tát đầy đủ Trì giới ba-la-mật.

Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát có bao nhiêu nhẫn nhục đều hồi hướng về Nhất thiết trí, thế nên lúc thực hành Bát-nhã ba-la-mật, Đại Bồ-tát đầy đủ Nhẫn nhục ba-la-mật.

Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát có bao nhiều tinh tấn đều hồi hướng về Nhất thiết trí, thế nên lúc thực hành Bát-nhã ba-lamật, Đại Bồtát đầy đủ Tinh tấn ba-la-mật.

Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát có bao nhiêu thiền định đều hồi hướng về Nhất thiết trí, thế nên lúc thực hành Bát-nhã ba-la-mật, Đại Bồ-tát đầy đủ Thiền ba-la-mật.

Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát có bao nhiêu trí tuệ đều hồi hướng về Nhất thiết trí, thế nên lúc thực hành Bát-nhã ba-lamật, Đại Bồtát đầy đủ Bát-nhã ba-la-mật.

Như vậy, này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-lamật thì đầy đủ sáu pháp Ba-la-mật.