SỐ 221
KINH PHÓNG QUANG BÁT-NHÃ
Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Vô-la-xoa, người nước Vu Điền
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 15

Phẩm 67: GỬI LẠI

Lúc ấy Đế Thích bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Những điều con vừa nới có tùy thuận và đúng pháp không?

Phật đáp:

–Đúng thế, này Câu-dực! Những điều ông vừa hỏi là đúng với sự việc ấy không có sai lầm.

Đế Thích thưa:

–Bạch Thế Tôn! Những điều Tôn giả Tu-bồ-đề vừa nêu rất kỳ lạ, Tôn giả nói là không rời các pháp: Không, Vô tướng, Vô nguyện cho đến ba mươi bảy phẩm Trợ đạo và Đạo.

Phật bảo Đế Thích:

–Này Câu-dực! Tôn giả Tu-bồ-đề thường hành hạnh không, nên đối với các pháp như sáu pháp Ba-la-mật, ba mươi bảy phẩm Trợ đạo, bốn Không định, bốn Vô sở úy, bốn Vô ngại, bốn Tâm vô lượng, đại Từ, đại Bi, mười tám pháp Bất cộng, đạo, trí Nhất thiết cho đến Như Lai và tướng hảo của Như Lai. Những pháp ấy còn không có huống gì có người niệm, người trụ, người tu, người chứng.

Này Câu-dực! Tu-bồ-đề nghĩa là hành các pháp rỗng lặng. Tubồ-đề nghĩa là hành không có sở hữu đối với các pháp Không, Vô tướng, Vô nguyện. Vì thế nên gọi là hạnh Tu-bồ-đề. Đem việc làm của Tu-bồ-đề sánh với hạnh tu Bát-nhã ba-la-mật của Đại Bồ-tát thì hạnh ấy gấp hàng trăm ngàn vạn ức lần không thể sánh được. Vì sao? Vì Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật chính là Bậc đáng được tôn trọng vượt hơn các hàng La-hán, Bích-chi-phật, chỉ ngoại trừ các Đức Như Lai.

Thế nên, các Đại Bồ-tát muốn siêu việt hơn Trời và Người thì phải hành Bát-nhã ba-la-mật. Vì hành như thế thì vượt hơn cả hàng Thanh văn và Bích-chi-phật. Vị ấy đầy đủ Phật pháp, thông đạt trí Nhất thiết, thành tựu quả Phật.

Lúc ấy trong hội, chư Thiên cõi trời Đao-lợi tung hoa Mạn-đàla cúng dường Đức Phật. Cùng lúc ấy, có sáu ngàn Tỳ-kheo sửa y phục, đảnh lễ Phật rồi quỳ thẳng hướng về Ngài. Do oai thần của Phật nên trong tay của mỗi vị đều nắm đầy hoa Mạn-đà-la tung lên cúng Phật. Cúng dường xong, các vị ấy cùng thưa:

–Bạch Thế Tôn! Chúng con sẽ thực hiện diệu hạnh của các Đức Phật đã làm.

Hiểu được tâm nguyện của các Tỳ-kheo, Đức Phật mỉm cười, miệng phóng ra ánh sáng năm màu tỏa chiếu khắp mười phương rồi trở về nhiễu quanh thân ba vòng và nhập vào đinh đầu của Ngài.

Khi ấy, Tôn giả A-nan đứng dậy sửa y phục quỳ thẳng chắp tay bạch Phật:

–Vì nhân duyên gì mà Ngài mỉm cười và phóng ánh sáng ấy? Phật không cười vô cớ, con xin được nghe lời chân thật của Ngài.

Phật bảo A-nan:

–Sáu ngàn Tỳ-kheo này, về đời sau, trong kiếp Đa-lâu-ba-ni đều sẽ thành Phật hiệu là Tán Hoa Như Lai. Cõi nước, chúng hội đệ tử của các vị ấy đều như nhau và cũng sống thọ một ngàn tuổi. Khi những Tỳ-kheo này thành Phật, các thế giới đều mưa hoa năm màu cúng dường.

Phật lại bảo A-nan:

–Các Tỳ-kheo này sau khi viên tịch, sinh đến nơi nào cũng đều xuất gia hành đạo, thời gian lâu về sau mới thành tựu Vô thượng Bồđề.

Thế nên, này A-nan Đại Bồ-tát muốn được hạnh vi diệu tối thượng thành tựu Như Lai thì phải hành Bát-nhã ba-la-mật.

Này A-nan! Nếu có thiện nam, tín nữ hành Bát-nhã ba-la-mật này, thì ông nên biết đó là những người tới đây từ cõi trời Đâusuất. Ở nơi ấy họ đã từng nghe pháp này rồi và đã được thông tuệ.

Hoặc thiện nam, tín nữ nào nghe Bát-nhã ba-la-mật sâu xa này rồi tiếp nhận học tập sao chép, trì tụng, diễn thuyết đúng như lời Phật đã dạy. Nên biết, những người ấy ở nơi giáo pháp của Đức Phật thời quá khứ đã hoàn thiện công đức này rồi mới đến đây. Thiện nam, tín nữ ấy không tạo công đức của hàng Thanh văn, Bích-chiphật và càng không phải nhờ đó mà được nghe Bát-nhã ba-la-mật này.

Này A-nan! Thiện nam, tín nữ nào được nghe Bát-nhã ba-lamật rồi thọ trì, đọc tụng, diễn thuyết thì sự vinh hạnh của người ấy giống như chính mình được gặp Phật.

Hơn nữa, này A-nan! Nếu thiện nam, tín nữ nào khi nghe giảng Bát-nhã ba-la-mật sâu xa này mà không khiếp sợ lại phấn khởi. Ở nơi chư Phật quá khứ vị ấy cùng Thiện tri thức đã hoàn thành hạnh này và không còn thoái chuyển nơi ba thừa. Vì dùng tâm tinh tấn kiên cố lâu dài hành sáu pháp Ba-la-mật cho đến trí Nhất thiết, không dừng ở hàng Thanh văn và Bích-chi-phật. Vì thế, này A-nan, Ta đem pháp Bát-nhã ba-la-mật này phó chúc cho ông.

A-nan! Những pháp ta nói, riêng pháp Bát-nhã ba-la-mật này nếu để quên mất thì thật đáng tội. Quả như, trì pháp này mà quên hoặc mất một câu, một chữ thì tội rất nặng.

Này A-nan! Ta đem pháp môn Bát-nhã ba-la-mật sâu xa này phó chúc cho ông, ông nên thận trọng tiếp nhận, ghi nhớ, đọc tụng. Nếu có thiện nam, tín nữ nào tiếp nhận đọc tụng và thực hành theo pháp Bát-nhã ba-la-mật này tức là người ấy đã thọ trì đạo pháp của chư Phật trong ba đời. Hoặc giả, có thiện nam, tín nữ nào dùng hương thơm, hoa đẹp, tràng phan, lọng quý cúng dường pháp Bát-nhã ba-la-mật thì chính người ấy đã cúng dường ta và các Đức Phật trong ba đời. Hoặc thiện nam, tín nữ nào nghe giảng thuyết về Bát-nhã bala-mật sâu xa rồi muốn phát tâm cúng dường thì người ấy đã cúng dường chư Phật trong ba đời.

Vì vậy, này A-nan! Nếu ông cung kính tôn trọng ta, thì phải cung kính tôn trọng Bát-nhã ba-la-mật. Lúc nào chép kinh này, ông nên thận trọng đừng để sót mất câu nào.

A-nan! Thế nên ta đem pháp môn Bát-nhã ba-la-mật này phó chúc cho ông.

Này A-nan! Hiện nay, ta là người cao quý trong ba cõi, pháp Bát-nhã ba-la-mật này cũng thế, hơn cả những giáo pháp đã phó chúc. Ta đem pháp môn Bát-nhã ba-la-mật này phó chúc cho ông.

Vì vậy, này A-nan! Ông nên tuyên cáo cho tất cả chư Thiên, Long thần và Người trong thế gian đều biết rằng: “Ai muốn kính trọng ta và Tam bảo cũng như muốn giữ gìn đạo của chư Phật trong ba đời thì hãy kính trọng giữ gìn Bát-nhã ba-la-mật. Có như thế thì Chánh pháp của ta mãi trường tồn.”

Này A-nan! Nếu thiện nam, tín nữ nào thọ trì, đọc tụng, ghi nhớ, tuân hành và diễn giải nghĩa lý pháp môn Bát-nhã ba-la-mật này cho mọi người thì người ấy sớm đạt trí Nhất thiết và thành tựu Vô thượng Bồ-đề.

Này A-nan! Đạo của các Đức Phật đều phát sinh từ Bát-nhã ba-la-mật các Đức Phật trong ba đời đều sinh từ Bát-nhã ba-la-mật.

Này A-nan! Bồ-tát muốn học Bát-nhã ba-la-mật thì nên học sáu pháp Ba-la-mật. Vì sáu pháp Ba-la-mật là mẹ sinh của các Bồtát, nên những người học sáu pháp Ba-la-mật đều sẽ thành tựu Vô thượng Bồ-đề.

Vì vậy, A-nan! Nếu ông hành trì sáu pháp Ba-la-mật thì hơn pháp mà ta đã phó chúc cho ông rồi. Vì sáu pháp Ba-la-mật là pháp tạng của các Đức Như Lai, là tạng Vô tận. Các Đức Phật trong ba đời chuyển pháp luân giáo hóa chúng sinh, các Ngài đều lấy sáu pháp Ba-la-mật làm tạng và chính các Ngài học sáu pháp Ba-la-mật này mà thành tựu Vô thượng Bồ-đề. Hàng đệ tử của các Ngài đều học sáu pháp Ba-la-mật nên nhập Niết-bàn, người nào chưa đạt Niết-bàn thì nên học sáu pháp Ba-la-mật ấy.

A-nan! Giả sử ông thuyết pháp giáo hóa đệ tử khắp ba ngàn thế giới đều chứng quả A-la-hán, như thế cũng chưa xứng đáng là sự giáo hóa của đệ tử ta và cũng không bằng người dạy cho các Bồ-tát học một câu Bát-nhã ba-la-mật. Người dạy được như thế mới chính là sự giáo hóa của đệ tử ta.

Rồi Đức Phật hỏi:

–Này A-nan! Đem công đức người hành sáu pháp Ba-la-mật so với ví dụ ta nói vừa rồi thì công đức có nhiều hơn không?

A-nan thưa:

–Bạch Thế Tôn! Rất nhiều.

Phật nói:

–Này A-nan! Như thế cũng không bằng đệ tử của ta tuyên thuyết Bát-nhã ba-la-mật trong một ngày, một buổi, một giờ cho đến trong khoảnh khắc. Người được phước đức thù thắng ấy siêu việt hơn người độ Thanh văn đắc quả A-la-hán. Bởi vì công đức của một vị Bồ-tát đã vượt hơn tất cả La-hán, Bích-chi-phật rồi. Vì sao? Vì Bồtát muốn thành tựu Vô thượng Bồ-đề, muốn bảo hộ, an ủi tất cả chúng sinh và muốn làm cho họ cùng thành tựu quả vị ấy.

Này A-nan! Người hành sáu pháp Ba-la-mật, ba mươi bảy phẩm Trợ đạo cho đến trí Nhất thiết công đức tăng trưởng, nhất định sẽ thành tựu Vô thượng Bồ-đề.

Lúc tuyên thuyết pháp này, trong đại hội gồm bốn hàng đệ tử và tám bộ chúng, Đức Phật hiện Thần túc thông làm cho tất cả chúng hội cùng thấy Đức A-súc Như Lai đang thuyết pháp cùng chúng hội vây quanh. Chúng hội ấy như biển cả, toàn là những bậc La-hán không còn cấu nhiễm, đều được tự tại, đã đạt Tâm giải thoát, Tuệ giải thoát, vứt bỏ gánh nặng, việc làm đã hoàn tất, như bậc Long tượng: Việc cần làm đã làm xong, không còn tập nghiệp, được câu phần giải thoát, các nguyện đã hoàn thành công đức của những bậc La-hán trong hội kia đều như vậy và vô số Đại Bồ-tát oai đức uy nghi không thể lường được.

Bấy giờ, Đức Phật thu hồi thần lực, tất cả chúng hội đều không còn thấy cảnh giới ấy nữa.

Phật bảo A-nan:

–Các pháp cũng thế, không thể dùng mắt để thấy, các pháp không đối nhau, pháp không đồng nhau với pháp, không thấy nhau, không biết nhau, cũng như hiện giờ chúng hội không còn thấy Đức Phật A-súc và cõi nước của Ngài. Các pháp cũng thế, không thể đối nhau, không thể thấy nhau và biết nhau.

A-nan! Pháp không biết, không thấy, vì các pháp không tạo tác. Vì sao? Vì các pháp không, không thể nắm bắt, không thể nghĩ bàn và không niệm.

Ví như người huyễn không biết gì nên làm việc không đáng làm, không chắc thật. Đại Bồ-tát hành như vậy là hành Bát-nhã bala-mật, nên đối với các pháp không có chỗ nhập.

A-nan! Bồ-tát học như thế là học Bát-nhã ba-la-mật. Ai muốn đạt được các độ thì nên học Bát-nhã ba-la-mật. Người học như thế là tôn quý hơn hết, vượt hẳn các người đã thành tựu. Vị ấy làm nơi che chở cho những người không nơi che chở trong thế gian, làm chỗ quy y cho những người không chỗ quy y.

Đức Phật nhờ học Bát-nhã ba-la-mật nên có thể dùng cánh tay phải nâng ba ngàn thế giới này rồi đặt xuống chỗ cũ, nhưng tất cả chúng sinh đều không hay biết. Vì sao? Vì chư Phật trong ba đời nhờ học Bát-nhã ba-la-mật mà thành tựu và cũng chính nhờ học nó mà các Ngài thành tựu các Tuệ vô ngại.

Này A-nan! Người học Bát-nhã ba-la-mật tôn quý hơn người học pháp khác và hơn những người thành tựu từ pháp khác. Người học như thế cũng chính là muốn ngang bằng với Bát-nhã ba-la-mật, đến điểm cuối cùng của hư không. Vì sao? Vì tướng của Trí tuệ đô không thể so sánh.

A-nan! Ta chưa từng nói giới hạn của Bát-nhã ba-la-mật. Anan, thân người có số lượng, cú pháp có số lượng, ý nghĩa có giới hạn, nhưng Bát-nhã ba-la-mật này không có giới hạn.

A-nan bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Vì sao Bát-nhã ba-la-mật không có giới hạn?

Phật nói:

–A-nan! Vì Bát-nhã ba-la-mật không cùng tận nên không có giới hạn, vì Bát-nhã ba-la-mật rỗng lặng nên không có giới hạn. Các Đức Như Lai trong ba đời đều nhờ học pháp này mà thành tựu. Những pháp này cũng không vì thế mà tận.

Này A-nan! Thế nên ta nói Bát-nhã ba-la-mật không thể tận,

cũng không có người có khả năng làm cho pháp ấy tận. Không tận nghĩa là nếu có người nói: “Ta muốn tận cùng Bát-nhã ba-la-mật” là muốn tận cùng hư không.

A-nan! Sáu pháp Ba-la-mật không thể tận cũng không có người có khả năng làm tận cho đến trí Nhất thiết cũng không thể tận, không có người làm tận và cũng không tận. Pháp ấy cũng không sinh. Sinh còn không có huống gì có tận.

Lúc ấy, Đức Phật hiện tướng lưỡi rộng dài che khắp cả mặt nói với A-nan:

–Ông hãy đem Bát-nhã ba-la-mật này trình bày tuyên thuyết, phân biệt giải nghĩa mọi việc đều rành rẽ mạch lạc cho bốn chúng. Vì Bát-nhã ba-la-mật này phát sinh ra các pháp, hàng ba Thừa đều phải tùy thuận theo pháp này để sự học được thành tựu.

A-nan! Bát-nhã ba-la-mật sâu xa này là nơi chứa các pháp, tất cả các văn tự đều đến gia nhập ở đó. Vả lại, Bát-nhã ba-la-mật này đều là những môn Tổng trì. Vì thế các Bồ-tát muốn học các môn tổng trì thì nên học Bát-nhã ba-la-mật. Những vị Bồ-tát được pháp tổng trì đều có biện tài để gìn giữ các pháp ấy. Tuy nhiên Bát-nhã ba-la-mật cũng chính là chỗ ẩn trú của Bồ-tát ba đời chư Phật. Vì thế, ta tuyên bố cho tất cả cho những ai tiếp nhận, phúng tụng và học tập Bát-nhã ba-la-mật, thì chính vị ấy đã nắm hết đạo của chư Phật trong ba đời.

A-nan! Nay ta thuyết hạnh Bát-nhã ba-la-mật cho ông, ông trì pháp này chính là đã giữ gìn tất cả các pháp.