SỐ 221
KINH PHÓNG QUANG BÁT-NHÃ
Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Vô-la-xoa, người nước Vu Điền
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 15

Phẩm 66: KIÊN CỐ

Xá-lợi-phất hỏi Tu-bồ-đề:

–Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật là hành không kiên cố chăng?

Tu-bồ-đề đáp:

–Đúng vậy! Vì Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật là hành không

kiên cố cho đến trí Nhất thiết cũng vậy. Thế nên Bồ-tát hành Bátnhã ba-la-mật và trí Nhất thiết không có kiên cố và cũng không không kiên cố.

Lúc ấy, có hàng ngàn vị thiên tử ở cõi Dục và cõi Sắc nghĩ: “Nếu có những thiện nam, thiện nữ phát tâm Vô thượng Bồ-đề hành Bát-nhã ba-la-mật thì ta nên lễ bái họ, hoặc những vị đã hành Bátnhã ba-la-mật nhưng không chịu chứng đắc nửa chừng, không đi vào hàng La-hán, Bích-chi-phật, ta nên đảnh lễ những bậc như thế.” Tu-bồ-đề nói với các Thiên tử:

–Hàng Bồ-tát không dừng ở các pháp để chứng quả A-la-hán hoặc Bích-chi-phật thì không có gì lạ. Nếu người vì vô số chúng sinh mà phát nguyện tuy không không thấy có người nhưng muốn độ chúng sinh, như vậy mới đặc biệt. Thế nên Bồ-tát phát tâm Vô thượng Bồ-đề, muốn thu phục chúng sinh tức là người muốn thu phục hư không. Vì sao? Vì hư không và chúng sinh đều tịch tĩnh, chúng sinh và hư không đều không, hư không không kiên cố nên chúng sinh cũng không kiên cố.

Này các Thiên tử! Do chúng sinh không kiên cố nên vị ấy mới phát thệ nguyện và chính vì thế mà các Bồ-tát này rất là đặc biệt. Vì vị ấy phát nguyện với chúng sinh tức là đấu tranh với hư không, tuy kết thệ nguyện với chúng sinh nhưng Bồ-tát không thấy có chúng sinh, bởi chúng sinh rỗng lặng nên thệ nguyện cũng rỗng lặng.

Vả lại, nhờ hành Bát-nhã ba-la-mật nên nghe như thế nhưng Bồ-tát không kinh sợ, không lười biếng, không cho là khó rồi thoái lui. Nói như thế nghĩa là do năm ấm rỗng lặng nên chúng sinh rỗng lặng; sáu pháp Ba-la-mật, sáu trần, nội ngoại không, hữu vô không, mười tám giới, ba mươi bảy phẩm Trợ đạo, bốn Thiền, bốn Tâm vô lượng, bốn Không định, bốn Vô ngại tuệ, mười Lực, bốn Vô sở úy, đại Từ, đại Bi, mười tám pháp Bất cộng cho đến trí Nhất thiết cũng đều rỗng lặng. Nhờ hành Bát-nhã ba-la-mật nên Bồ-tát nghe như thế mà không kinh sợ cho đến không thoái lui.

Phật hỏi Tu-bồ-đề:

–Vì sao nói Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật nên không khiếp sợ không lười biếng?

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Vì không sở hữu nên không sợ; vì rỗng lặng nên không lười biếng. Cũng vậy, Bồ-tát vì không sở hữu và rỗng lặng nên hành Bát-nhã ba-la-mật không có khiếp sợ cũng không lười biếng. Vì sao? Vì sợ hãi và lười biếng không thể nắm bắt được. Đó là Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật. Đại Bồ-tát nhờ hành như thế nên được chư thiên của Phạm vương và Đế Thích đều đảnh lễ. Không những chư thiên của Phạm vương và Đế Thích đều đảnh lễ người hành Bát-nhã ba-la-mật mà còn đến cả chư thiên ở cõi trời Tịnh cư đều đảnh lễ Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật.

Phật bảo:

–Tu-bồ-đề! Các Đức Phật hiện ở khắp mười phương đều quan tâm đến vị ấy. Tóm lại, Bồ-tát nhờ hành Bát-nhã ba-la-mật nên đầy đủ năm pháp Ba-la-mật và trí Nhất thiết.

Tu-bồ-đề! Ông nên biết, nếu các Đức Phật quan tâm đến các Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật này, thì ngày thành Phật của vị ấy không xa.

Tu-bồ-đề! Giả sử hằng sa người thành ma và mỗi ma dẫn đến hằng sa quyến thuộc rồi tất cả cùng nhau liên kết với quyến thuộc của mình để nhiễu loạn Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật thì nhất định không thể được. Có hai việc mà ác ma không thể ở trong đạo phá hoại Bồ-tát là:

  1. Quán các pháp đều không.
  2. Không bỏ chúng sinh.

Còn có hai việc ác ma không thể phá hoại là:

  1. Việc làm đúng pháp.
  2. Thường tưởng niệm đến các Phật và Bồ-tát.

Người hành Bát-nhã ba-la-mật được chư Thiên ủng hộ và an ủi rằng: “Thiện nam tử, ngày ngài thành đạo Vô thượng Bồ-đề không còn xa nữa, thế nên ngài đừng bỏ dở hạnh: Không, Vô tướng, Vô nguyện.”

Bồ-tát hành như thế sẽ làm chỗ quy ngưỡng cho người không nơi quy ngưỡng, làm nơi cứu hộ cho người không nơi cứu hộ, làm mái ấm cho những người không nhà, làm ánh sáng cho những người tối tăm, làm mắt sáng cho những người không mắt. Vị Bồ-tát ấy được các Đức Phật cùng chúng Tỳ-kheo và Bồ-tát trong mười phương đều tán dương khen ngợi danh hiệu của vị ấy.

Tu-bồ-đề! Ví như mỗi khi thuyết pháp, ta thường khen ngợi các Bồ-tát như Bồ-tát Bảo Tạo, Bồ-tát Thức Văn và những Bồ-tát tu phạm hạnh ở cõi Phật Diệu Lạc. Ta cũng thường khen ngợi những vị Chánh sĩ ở đó. Như chư Phật ở mười phương với diện mạo hoan hỷ khen ngợi Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật. Những Bồ-tát mới phát tâm muốn đầy đủ hạnh quả của Phật cho đến thành tựu Vô thượng Bồ-đề và trí Nhất thiết, mười phương chư Phật cũng khen ngợi như thế. Vì sao? Vì ít có Bồ-tát có khả năng hành đúng hạnh nghiệp của Phật.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Chư Phật với dung mạo hoan hỷ khen ngợi hàng Bồ-tát còn thoái chuyển hay bậc không còn thoái chuyển?

Đúc Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Có những Bồ-tát không thoái chuyển hành Bát-nhã ba-lamật và những Bồ-tát chưa thọ ký hành Bát-nhã ba-la-mật thì Đức Phật cũng thuyết pháp và tán thán họ, đồng thời cũng khen ngợi Bồ-tát ở cõi Diệu lạc đã học pháp ấy. Đối với những Bồ-tát có khả năng hành Bát-nhã ba-la-mật và biết các pháp không có sự sinh nhưng chưa đắc được không từ đâu sinh; biết các pháp là không, nhưng chưa đắc được không từ đâu sinh; biết các pháp thanh tịnh cũng chưa đắc được không từ đâu sinh, biết các pháp không sở hữu, không kiên cố cũng chưa đắc được không từ đâu sinh. Các Đức Phật dung mạo hoan hỷ tán thán các Bồ-tát này, nêu tên các vị ấy khen ngợi rằng: Vì vị ấy bỏ quả vị La-hán, Bích-chi-phật nên được thọ ký Vô thượng Bồ-đề. Lại có người hành Bát-nhã ba-la-mật cũng chưa được chư Phật xưng tán cũng sẽ được không thoái chuyển và được trí Nhất thiết.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Khi nghe thuyết Bát-nhã ba-la-mật, Bồ-tát không phân vân, không sợ hãi, không lười biếng.

Lại nữa, sau khi lãnh sự chỉ giáo của Phật, vị ấy lại đến cõi Phật Diệu lạc nghe Bát-nhã ba-la-mật và được gặp gỡ các vị Chánh sĩ cõi ấy. Những vị ở đó cũng rất vui mừng, nói: “Người này có hành

Bát-nhã ba-la-mật nên sinh đến đây, rồi cũng sẽ đạt pháp ấy.”

Này Tu-bồ-đề! Vì thế, ông nên biết âm thanh của Bát-nhã bala-mật có rất nhiều lợi ích. Chỉ có âm thanh của Bát-nhã ba-la-mật thôi mà còn lợi ích như thế, huống là người hành Bát-nhã ba-la-mật và an trụ trí Nhất thiết đúng như pháp!

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Luôn an trụ như pháp, luôn như pháp nghĩa là không có sở hữu thì làm sao an trụ trí Nhất thiết?

Bạch Thế Tôn! Như của giải thoát không có pháp để đắc thì ai là người trụ Như, ai trụ trong Như, ai giác ngộ; ai trụ trong Như, ai thuyết pháp? Như không thể thấy được thì làm sao có người trụ ở trong Như, có người giác ngộ, việc ấy hoàn toàn không thể có.

Đức Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Này Tu-bồ-đề! Như lời ông vừa nói, trụ trong Như thì không khác, vì không sinh không diệt thì ai là người an trụ vào đó để thành Phật, ai thuyết pháp? Tất cả đều không có sở hữu.

Lúc ấy Đế Thích bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Vì Bát-nhã ba-la-mật sâu xa, Bồ-tát muốn thành tựu Vô thượng Bồ-đề quả thất rất khó.

Bạch Thế Tôn! Không có người trụ Như, không có người thành Phật, không có người thuyết pháp. Tuy là không thấy không có sở hữu nhưng Bồ-tát nghe như thế cũng không khiếp sợ.

Tu-bồ-đề nói với Đế Thích:

–Này Câu-dực! Theo lời nói thì Bồ-tát rất đặc biệt lạ lùng, vì đối với pháp sâu xa không có sự nghi ngờ và thoái chuyển. Tôi hỏi ngài, các pháp đều không thì ai là người hoang mang, ai là người tiến thoái?

Đế Thích nói với Tu-bồ-đề:

–Tôn giả chỉ nói về không, không có trở ngại. Thí như dương cung bắn vào không trung, mũi tên bay đi không bị trở ngại. Những điều ngài vừa nói cũng thế, thật không có sự vướng mắc.