SỐ 221
KINH PHÓNG QUANG BÁT-NHÃ
Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Vô-la-xoa, người nước Vu Điền
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 15

Phẩm 65: THÂN CẬN

Trời Đế Thích nghĩ: “Bồ-tát hành sáu pháp Ba-la-mật và mười tám pháp Bất cộng, còn siêu việt hơn tất cả chúng sinh, huống chi khi thành Vô thượng Bồ-đề. Đối với những người phát tâm học trí Nhất thiết, lợi ích và tuổi thọ của họ còn hơn hẳn mọi người, huống chi người phát tâm Vô thượng Bồ-đề. Vì vậy, những người chưa phát tâm phải thân cận vị ấy.” Nghĩ thế, Đế Thích tung hoa Mạn-đà-la lên cúng dường Phật rồi nguyện: Nếu người nào phát tâm Vô thượng Bồ-đề thì xin cho tôi được những nguyện ước như thành tựu trí Nhất thiết; pháp Tự nhiên; pháp vô lậu.

Đế Thích lại bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Theo tâm nguyện của con, bậc phát tâm Vô thượng Bồ-đề thì không còn muốn trở lại quả vị A-la-hán hoặc Bíchchi-phật. Ngược lại, vị ấy nên an trụ ở Đại thừa. Hơn thế nữa, vị ấy làm phát triển hạnh nguyện bằng cách thấy những người chịu khổ trong ba cõi tạo điều kiện giúp đỡ cho họ. Có như thế mới gọi là tâm nguyện Bồ-tát. Nguyện rằng: Chúng ta phải sống tương quan tương trợ như: Người được độ rồi độ cho người chưa được độ; mình đã được an giúp người chưa an; mình đã Niết-bàn rồi độ cho người đều chứng Niết-bàn.

Đế Thích bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Thiện nam, thiện nữ hoan hỷ với người mới phát tâm Bồ-tát sẽ được bao nhiêu phước? Hoan hỷ với người phát tâm đã lâu được bao nhiêu phước? Hoan hỷ với bậc không thoái chuyển được bao nhiêu phước? Và hoan hỷ với bậc Nhất sinh bổ xứ được bao nhiêu phước?

Phật bảo Đế Thích:

–Này Câu-dực! Người ở trong thiên hạ còn có thể tính lường để biết, còn phước của người tùy hỷ không thể tính lường biết được.

Này Câu-dực! Ví như lấy nước biển cả khắp ba ngàn thế giới rồi phân ra theo đơn vị giọt nước trên một phần trăm của sợi tóc, số giọt nước kia còn có thể tính hết còn phước đức của người tùy hỷ không thể nào tính lường được.

Này Câu-dực! Dùng hộc, đấu, thăng đong lường hết cảnh giới hư không trong a-tăng-kỳ cõi Phật thì còn có thể biết số lượng, nhưng không thể lường được công đức tùy hỷ kia.

Đế Thích bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Những người không phát tâm hoan hỷ với Bồtát mới phát tâm, vì họ là quyến thuộc của ma, từ cõi ma đi đến. Vì sao? Vì người hoan hỷ với Bồ-tát phát tâm là phá hoại ma. Người nào muốn luôn luôn quy kính ngôi Tam bảo không lệ thuộc vào một tướng, hai tướng thì phải hoan hỷ với người cầu Vô thượng Bồ-đề.

Phật nói:

–Đúng vậy, này Câu-dực! Người phát tâm tùy hỷ ấy được đến cúng dường chư Phật ở các cõi. Vì sao? Vì số người mới phát tâm đều tạo công đức tùy hỷ. Kể từ khi mới phát tâm Bồ-tát cho đến hàng Thập trụ hay Chánh đẳng giác thì việc tạo công đức của nghiệp thiện cũng bắt đầu tùy hỷ, nhờ công đức này nên vị ấy sớm gần đạo quả Vô thượng Bồ-đề. Thành tựu quả vị ấy rồi, Bồ-tát sẽ độ vô số chúng sinh.

Này Câu-dực! Vì thế thiện nam, tín nữ mới phát tâm nên đem công đức hoan hỷ để hồi hướng Vô thượng Bồ-đề, cho đến những bậc không thoái chuyển và Nhất sinh bổ xứ cũng thế. Nhưng vị ấy không cầu bằng tâm mà cũng không rời tâm.

Tu-bồ-đề thưa:

–Tâm như huyễn thì làm sao đạt được Vô thượng Bồ-đề?

Phật dạy:

–Thế nào, ông có thấy tâm như huyễn không?

Tu-bồ-đề thưa:

–Dạ không! Bạch Thế Tôn, con không thấy tâm như huyễn, cũng không thấy chẳng phải huyễn.

Phật hỏi:

–Cũng không có pháp để thấy tâm ấy chăng? Và cũng không thấy huyễn gắn liền tâm, thấy như thế gọi là pháp thành Vô thượng Bồ-đề?

Tu-bồ-đề thưa:

–Dạ không! Bạch Thế Tôn, cũng không có pháp có thể nắm giữ, huống chi có phát sinh pháp có, pháp không. Pháp môn rỗng vắng không thể nắm bắt, cũng không thể không. Nếu cho rằng pháp thường tịch không thể thành tựu Vô thượng Bồ-đề thì không có gì để thành tựu quả vị ấy.

Bạch Thế Tôn! Vì tất cả pháp không thể nắm bắt cũng không có. Bạch Thế Tôn, sáu pháp Ba-la-mật và đạo thường rỗng lặng nên thành tựu Vô thượng Bồ-đề, nhưng đạo quả ấy cũng thường rỗng lặng.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Bát-nhã ba-la-mật và Vô thượng Bồ-đề đều thường rỗng lặng thì làm thế nào để giác ngộ?

Phật khen:

–Lành thay, lành thay! Trí Nhất thiết rỗng lặng nên Vô thượng Bồ-đề cũng rỗng lặng.

Này Tu-bồ-đề! Nếu Bát-nhã ba-la-mật và trí Nhất thiết không tịch tĩnh thì không phải Bát-nhã ba-la-mật và trí Nhất thiết.

Tu-bồ-đề! Thế nên, sự có mặt của Bát-nhã ba-la-mật và trí Nhất thiết được hiểu như vầy, không phải nhờ Bát-nhã ba-la-mật mà cũng không phải rời nó thành tựu Chánh giác. Nếu thiếu Bát-nhã bala-mật thì hoàn toàn không thành quả vị ấy.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Thế là sự hành đạo của Bồ-tát thật sâu xa.

Phật đáp:

–Đúng như lời ông nói, sự thể nhập của Bồ-tát rất là khó nhọc

và sâu xa. Tuy chịu khổ nhọc nhưng không chứng pháp nửa đường để đi vào hành La-hán, Bích-chi-phật.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Con từng nghe Ngài nói, Bồ-tát không làm khổ. Vì sao? Vì vị ấy không thấy làm việc này để chứng đắc, cũng không thấy Bát-nhã ba-la-mật có thể chứng đắc, vì các pháp đều không thể nắm bắt được. Vì vậy, những nghĩa, những pháp, những Bát-nhã ba-la-mật nào có thể chứng đắc để thành Vô thượng Bồ-đề?

Tu-bồ-đề nói tiếp: Bồ-tát thực hành chính là hành những điều không thể nắm bắt. Đối với những pháp ấy, Bồ-tát xa những pháp có giới hạn trong vô hạn.

Bạch Thế Tôn! Nếu Bồ-tát nghe điều này, không thoái chí, không biếng nhác thì chính vị ấy là người hành Bát-nhã ba-la-mật, nhưng không thấy mình hành Bát-nhã ba-la-mật cũng không thấy mình thành tựu Vô thượng Bồ-đề. Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật không nghĩ rằng: “Những quả vị La-hán, Bích-chi-phật cách xa ta, trí Nhất thiết gần ta.”

Ví như hư không, không nghĩ đến gần ta, vì hư không không phân biệt. Cũng vậy, Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật không nên nghĩ hai đạo ấy cách xa ta, còn trí Nhất thiết thì gần ta. Vì sao? Vì Bátnhã ba-la-mật cũng không có phân biệt. Ví như người huyễn không nghĩ, ảo thuật gia ở gần ta, người xem xa ta. Vì người huyễn không có ý niệm. Ví như ánh sáng không nghĩ, khi ở gần ta thì sáng, xa ta thì tối. Vì thế Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật cũng không ái nhiễm với bậc Chánh giác.

Bạch Thế Tôn! Bát-nhã ba-la-mật cũng thế. Ví như Đức Như Lai không nghĩ cũng không dạy là Nhị thừa cách xa ta, Đức Phật gần ta. Vì điều Ngài dạy là vô niệm, nên Bát-nhã ba-la-mật cũng vô niệm. Ví như việc làm của Như Lai không nghĩ rằng Nhị thừa xa ta, quả Phật gần ta. Vì sao? Vì Như Lai vô niệm nên Bát-nhã ba-la-mật cũng vô niệm. Thí như việc của mình làm cũng không nghĩ hoặc nói, việc làm của Bát-nhã ba-la-mật cũng thế.

Khi ấy, Tôn giả Xá-lợi-phất hỏi Trưởng lão Tu-bồ-đề:

–Chỉ có Bát-nhã ba-la-mật mới không niệm thôi sao?

Tu-bồ-đề đáp:

–Từ sáu pháp Ba-la-mật, năm ấm, sáu căn, sáu nhập, bốn Thiền, bốn Tâm vô lượng, bốn Không định, ba mươi bảy phẩm Trợ đạo, ba môn giải thoát, mười Lực, mười tám pháp Bất cộng, bốn Vô sở úy, bốn Vô ngại tuệ, trí Nhất thiết cho đến đạo và tánh hữu vi, tất cả đều vô niệm.

Xá-lợi-phất hỏi:

–Nếu Trưởng lão nói tất cả pháp đều không có niệm thì từ đâu mà có năm cảnh giới, từ đâu lên đến Tu-đà-hoàn,Tư-đà-hàm, A-nahàm, A-la-hán, Bích-chi-phật, Phật?

Tu-bồ-đề nói:

–Tất cả chúng sinh từ bốn điên đảo mà phát sinh. Bốn điên đảo mới tạo tác các hạnh nghiệp về thân, khẩu, ý để thọ thân khác nhau như: Địa ngục, Ngạ quỷ, Trời, Người.

Xá-lợi-phất hỏi:

–Làm sao có bậc Tu-đà-hoàn cho đến bậc Chánh đẳng giác?

Tu-bồ-đề đáp:

–Vì những bậc ấy đều vô niệm. Vì thế, Xá-lợi-phất, Tôn giả nên biết thế này: Tất cả pháp đều vô niệm, biết như vậy là thật tế của pháp tánh.

Xá-lợi-phất! Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật bằng vô niệm nên được giác ngộ bằng pháp vô niệm.