SỐ 223
KINH MA-HA BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT
Hán dịch: Pháp sư Cưu-ma-la-thập
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 19

Phẩm 64: TỊNH NGUYỆN

Khi đó, Thích Đề-hoàn Nhân nghĩ rằng: “Lúc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, Thiền ba-la-mật, Tấn ba-la-mật, Nhẫn bala-mật, Giới ba-la-mật, Thí ba-la-mật, cho đến mười tám pháp Bất cộng, thì vượt trên tất cả chúng sinh, huống chi là lúc được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.”

Các chúng sinh nghe Nhất thiết chủng trí này, nếu người nào tin hiểu thì được lợi lành trong loài người, được hơn hết trong người có tuổi thọ, huống chi là phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Chúng sinh này phát được tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, các chúng sinh khác đều phải mong muốn.

Thích Đề-hoàn Nhân rải hoa Mạn-đà-la cõi Trời lên mình Đức Phật mà tuyên bố:

–Do phước đức này, nếu có ai phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì làm cho người ấy đầy đủ Phật pháp, đầy đủ Nhất thiết chủng trí, đầy đủ pháp tự nhiên, nếu ai cầu Thanh văn thì làm cho họ đầy đủ pháp Thanh văn.

Bạch Đức Thế Tôn! Nếu có người Bồ-tát phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, con chẳng bao giờ sinh một niệm muốn họ thoái chuyển, con cũng chẳng sinh một niệm khiến họ thoái chuyển, vào hàng Thanh văn, Bích-chi-phật.

Bạch Đức Thế Tôn! Con nguyện cho các Bồ-tát thêm tinh tấn đối với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác hơn, thấy chúng sinh ở trong sinh tử bị nhiều khổ não nên muốn lợi ích an vui cho tất cả thế gian, Trời, Người, A-tu-la, do tâm đó mà nguyện rằng: Ta đã tự độ cũng sẽ độ người chưa được độ, ta đã tự giải thoát, cũng sẽ giải thoát cho người chưa giải thoát, ta đã an ổn cũng sẽ an ổn cho người chưa được an ổn, ta đã diệt độ cũng sẽ khiến người chưa được diệt độ được diệt độ. Bạch Đức Thế Tôn! Đối với Bồ-tát mới phát tâm, thiện nam, thiện nữ có tâm tùy hỷ công đức thì được bao nhiêu phước? Với Bồtát phát tâm lâu, có tâm tùy hỷ công đức thì được bao nhiêu phước? Với Bồ-tát không thoái chuyển, có tâm tùy hỷ công đức thì được bao nhiêu phước? Với Bồ-tát Nhất sinh bổ xứ, có tâm tùy hỷ công đức thì được bao nhiêu phước?

Phật dạy:

–Này Kiều-thi-ca! Cõi nước Tứ thiên hạ có thể cân để biết cân lượng nhưng không thể cân lường được phước đức tùy hỷ này. Cõi nước đại thiên có thể cân biết được cân lượng nhưng không thể cân lường được phước đức tùy hỷ này.

Lại nữa, này Kiều-thi-ca! Cõi nước đại thiên, nước biển đầy trong đó, chẻ một sợi tóc ra làm trăm phần, lấy một phần sợi tóc đó chấm lấy nước biển có thể biết được số giọt, nhưng không thể đếm biết được phước đức tùy hỷ này.

Thích Đề-hoàn Nhân thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn! Nếu chúng sinh nào tâm chẳng tùy hỷ Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì đều là quyến thuộc của ma. Các người tâm chẳng tùy hỷ là từ trong ma sinh ra. Vì sao? Vì những người phát tâm tùy hỷ đều vì phá cảnh giới ma mà thọ sinh. Thế nên muốn kính mến Tam bảo thì phải có tâm tùy hỷ, rồi hồi hướng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, vì chẳng phải một tướng, chẳng phải hai tướng. Phật dạy:

–Đúng vậy, này Kiều-thi-ca! với các Bồ-tát, nếu người có tâm tùy hỷ hồi hướng như vậy thì thường được gặp các Đức Phật. Người đó chẳng bao giờ thấy sắc xấu, chẳng bao giờ nghe tiếng dở, chẳng bao giờ ngửi mùi hôi, chẳng bao giờ ăn vị dở, chẳng bao giờ chạm vật xấu, chẳng bao giờ theo niệm ác, chẳng bao giờ xa lìa các Đức Phật. Người đó sẽ sinh từ một cõi Phật đến một cõi Phật, luôn ở gần bên Phật và gieo trồng căn lành.

Vì sao? Vì người đó đối với vô lượng, vô số thiện căn của các Bồ-tát mới phát tâm của các Bồ-tát đệ Nhị địa đến đệ Tam địa, đệ Thập địa, Nhất sinh bổ xứ mà tùy hỷ hồi hướng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Do nhân duyên căn lành này, người đó mau gần Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Các Bồ-tát này được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác rồi độ thoát vô lượng, vô biên vô số chúng sinh.

Này Kiều-thi-ca! Vì thế nên thiện nam, thiện nữ mà doói với thiện căn của Bồ-tát mới phát tâm phải tùy hỷ hồi hướng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, chẳng phải tâm cũng chẳng phải lìa tâm. Đói với thiện căn của Bồ-tát phát tâm lâu, của Bồ-tát không thoái chuyển, của Bồ-tát Nhất sinh bổ xứ phải tùy hỷ hồi hướng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, chẳng phải tâm cũng chẳng phải lìa tâm.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn! Tâm ấy như huyễn, làm sao có thể được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác?

–Này Tu-bồ-đề! Ông có thấy được tâm như huyễn đó hay chăng?

–Bạch Đức Thế Tôn, không! Con chẳng thấy huyễn, cũng chẳng thấy tâm như huyễn.

–Này Tu-bồ-đề! Nếu không huyễn, cũng không có tâm như huyễn, ông có thấy tâm đó chăng?

–Bạch Đức Thế Tôn, không!

–Này Tu-bồ-đề! Lìa huyễn và lìa tâm như huyễn, ngươi thấy có

pháp nào được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác chăng?

–Bạch Đức Thế Tôn, không! Con chẳng thấy lìa huyễn và lìa tâm như huyễn lại có pháp được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Bạch Đức Thế Tôn! Con chẳng thấy có những pháp nào để nói được là có, là không, vì pháp tướng đó rốt ráo lìa, nên chẳng rơi vào có, chẳng rơi vào không.

Nếu pháp rốt ráo lìa thì chẳng thể được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Pháp không thật có cũng chẳng thể được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vì sao? Vì tất cả pháp vô sở hữu, trong đó không có gì nhơ, không có gì sạch.

Thế nên Bát-nhã ba-la-mật rốt ráo lìa, Thiền ba-la-mật, Tấn ba-la-mật, Nhẫn ba-la-mật, Giới ba-la-mật và Thí ba-la-mật đều rốt ráo lìa, cho đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác cũng rốt ráo lìa.

Nếu pháp đã rốt ráo lìa thì chẳng nên tu, chẳng nên hoại. Thực hành Bát-nhã ba-la-mật cũng không có pháp nào để được, vì rốt ráo lìa.

Bạch Đức Thế Tôn! Nếu Bát-nhã ba-la-mật rốt ráo lìa, sao lại nhân nơi Bát-nhã ba-la-mật để được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác cũng rốt ráo lìa. Trong hai thứ rốt ráo lìa đó làm sao có cái bị được. Phật dạy:

–Lành thay, lành thay! Bát-nhã ba-la-mật rốt ráo lìa, Thiền, Tấn, Nhẫn, Giới và Thí ba-la-mật đều rốt ráo lìa, cho đến Nhất thiết chủng trí rốt ráo lìa.

Này Tu-bồ-đề! Nếu Bát-nhã ba-la-mật rốt ráo lìa, cho đến Nhất thiết chủng trí rốt ráo lìa. Vì thế nên có thể được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Này Tu-bồ-đề! Nếu chẳng phải rốt ráo lìa thì chẳng gọi là Bátnhã ba-la-mật, chẳng gọi là Thiền, Tấn, Nhẫn, Giới, Thí ba-la-mật, cho đến chẳng gọi là Nhất thiết chủng trí.

Này Tu-bồ-đề! Nếu là Bát-nhã ba-la-mật thì rốt ráo lìa, cho đến Nhất thiết chủng trí rốt ráo lìa. Vì thế nên chẳng phải do Bátnhã ba-la-mật mà được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Cũng chẳng do lìa mà được lìa. Nhưng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác chẳng phải chẳng do Bát-nhã ba-lamật.

–Bạch Đức Thế Tôn! Sự hành động đúng nghĩa của Đại Bồ-tát thật rất sâu xa.

–Đúng vậy, này Tu-bồ-đề! Sự hành động đúng nghĩa của Đại Bồ-tát thật rất sâu xa.

Này Tu-bồ-đề! Các Đại Bồ-tát làm được những việc khó làm, đó là hành động đúng nghĩa sâu xa mà chẳng chứng quả Thanh văn, Bích-chi-phật.

–Bạch Đức Thế Tôn! Như con nghe nghĩa lý của Phật dạy thì sự hành động của Đại Bồ-tát chẳng lấy làm khó. Vì sao? Vì Đại Bồtát chẳng được sự đúng nghĩa sâu xa đó để tác chứng, cũng chẳng được Bát-nhã ba-la-mật tác chứng, cũng không có người tác chứng.

Bạch Đức Thế Tôn! Nếu tất cả pháp chẳng thật có thì nghĩa lý gì có thể tác chứng, thế nào là Bát-nhã ba-la-mật tác chứng, thế nào là người tác chứng, tác chứng rồi được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác hay chăng?

Bạch Đức Thế Tôn! Đó gọi là hạnh vô sở đắc của Đại Bồ-tát. Bồ-tát thực hành như vậy thì đều được sáng tỏ tất cả pháp.

Bạch Đức Thế Tôn! Nếu Đại Bồ-tát nghe pháp đó mà tâm chẳng kinh sợ, mê mờ thì gọi là thực hành Bát-nhã ba-lamật.

Đại Bồ-tát lúc thực hành Bát-nhã ba-la-mật chẳng thấy mình thực hành Bát-nhã ba-la-mật, chẳng thấy là Bát-nhã bala-mật, cũng chẳng thấy mình sẽ được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Vì sao? Vì lúc thực hành Bát-nhã ba-la-mật, Đại Bồ-tát chẳng nghĩ: “Thanh văn, Bích-chi-phật cách xa mình, Nhất thiết chủng trí gần mình.”

Bạch Đức Thế Tôn! Như hư không kia chẳng nghĩ rằng có pháp cách xa nó hay gần nó, vì hư không chẳng có phân biệt. Cũng như vậy, Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật chẳng nghĩ hàng Thanh văn, Bích-chi-phật cách xa mình, Nhất thiết chủng trí gần mình. Vì trong Bát-nhã ba-la-mật không có phân biệt.

Bạch Đức Thế Tôn! Như người huyễn chẳng nghĩ rằng nhà ảo thuật gần mình, khán giả xa mình. Vì người huyễn không có phân biệt.

Cũng như vậy, Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật chẳng nghĩ là gần là xa, vì không có phân biệt.

Bạch Đức Thế Tôn! Như hình ảnh trong gương chẳng nghĩ rằng hình ảnh gần mình, thứ khác thì xa mình. Vì hình ảnh không có phân biệt.

Cũng như vậy, Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật chẳng nghĩ là gần, là xa, vì không có phân biệt.

Bạch Đức Thế Tôn! Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-lamật không thương, không ghét. Vì tự tánh của Bát-nhã ba-lamật là không thật có.

Bạch Đức Thế Tôn! Như Đức Phật không thương, không ghét. Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật cũng không thương, không ghét. Vì trong Bát-nhã ba-la-mật không có thương, không có ghét.

Bạch Đức Thế Tôn! Như Đức Phật, tất cả phân biệt, tưởng niệm đã dứt mất. Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-lamật thì tất cả phân biệt, tưởng niệm cũng dứt mất, vì rốt ráo không.

Bạch Đức Thế Tôn! Như Đức Phật hiện ra hóa nhân, hóa nhân đó chẳng nghĩ hàng Thanh văn, Bích-chi-phật cách xa mình, Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác gần mình, vì hóa nhân đó không có phân biệt.

Cũng như vậy, Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật chẳng nghĩ rằng Thanh văn, Bích-chi-phật cách xa mình, Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác cách mình gần.

Bạch Đức Thế Tôn! Như người vì có việc cần làm nên biến hóa, việc biến hóa đó không có phân biệt.

Bát-nhã ba-la-mật cũng như vậy, vì có việc phải làm mà tu. Việc ấy thành tựu mà Bát-nhã ba-la-mật cũng không có phân biệt.

Bạch Đức Thế Tôn! Như người thợ, vì có việc phải làm nên thầy trò tạo ra người gỗ, hoặc voi, ngựa, trâu, dê bằng gỗ. Các hình gỗ đó cũng làm được việc mà không có phân biệt.

Bát-nhã ba-la-mật cũng như vậy, vì có việc phải làm nên nói việc ấy thành tựu, nhưng Bát-nhã ba-la-mật không có phân biệt.

Xá-lợi-phất hỏi Tu-bồ-đề:

–Chỉ có Bát-nhã ba-la-mật là không có phân biệt thôi, còn năm pháp Ba-la-mật kia có phân biệt phải chăng?

Tu-bồ-đề nói:

–Năm pháp Ba-la-mật kia cũng đều không phân biệt. Xá-lợi-phất hỏi Tu-bồ-đề:

–Sắc không phân biệt, thọ, tưởng, hành, thức không phân biệt, mười hai nhập, mười tám giới không phân biệt, bốn Thiền, bốn Tâm vô lượng, bốn Định vô sắc, bốn Niệm xứ đến tám Thánh đạo, không, vô tướng, vô tác, mười Trí lực, bốn Vô úy, bốn Vô ngại, đại Từ, đại Bi, mười tám pháp Bất cộng, Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, tánh vô vi cũng đều không phân biệt.

Thưa Tôn giả Tu-bồ-đề! Nếu tất cả pháp từ sắc đến vô vi tánh đều không phân biệt thì làm sao phân biệt có sáu đạo sinh tử: đó là địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, trời, người, là A-tula? Làm sao phân biệt được Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, Bích-chiphật, là các Đức Phật?

Tu-bồ-đề nói:

–Vì nhân duyên chúng sinh điên đảo tạo nghiệp nơi thân, khẩu, ý, theo nghiệp trước mà thọ thân trong sáu đường là: thân địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, A-tu-la, người, trời.

Như lời Tôn giả nói, làm sao phân biệt có Tu-đà-hoàn cho đến các Đức Phật?

Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất! Tu-đà-hoàn tức là không phân biệt mà có. Quả Tu-đà-hoàn cũng là không phân biệt mà có, cho đến Phật và quả Phật cũng là không phân biệt mà có.

Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất! Các Đức Phật thời quá khứ cũng là không phân biệt, do dứt phân biệt mà có.

Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất! Vì thế nên phải biết tất cả pháp không có phân biệt, vì tướng bất hoại, các pháp như, pháp tánh, thật tế.

Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất! Thế nên Đại Bồ-tát thực hành

Bátnhã ba-la-mật không phân biệt, thực hành Bát-nhã ba-lamật không phân biệt rồi thì được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác không phân biệt.