SỐ 221
KINH PHÓNG QUANG BÁT-NHÃ
Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Vô-la-xoa, người nước Vu Điền
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 14

Phẩm 64: HỎI NHỮNG ĐIỀU HỌC

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Đại Bồ-tát nên học những điều gì?

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Đại Bồ-tát nên học nội không, ngoại không, tự tánh năm ấm

là không, cho đến tự tánh của đạo quả Bồ-đề cũng là không.

Này Tu-bồ-đề! Pháp không này là điều Đại Bồ-tát nên học, an trụ trong pháp không này, Đại Bồ-tát thành tựu Chánh đẳng giác.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Bồ-tát học tiêu trừ năm ấm là học trí Nhất thiết, năm ấm không ô nhiễm là học trí Nhất thiết, học diệt trừ năm ấm là học trí Nhất thiết, không sinh năm ấm là học trí Nhất thiết, cho đến học bốn vô ngại là học trí Nhất thiết.

Phật bảo:

–Tu-bồ-đề! Đúng như lời ông nói! Học tiêu trừ năm ấm là học trí Nhất thiết, cho đến học vô sinh là học trí Nhất thiết.

Phật hỏi:

–Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Như của sự có năm ấm cho đến Như của đạo, Như của Thế Tôn, các Như này có khi nào giảm bớt không?

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Không. Bồ-tát học như vậy là học Như, học trí Nhất thiết, Như cũng không đoạn tận, cũng không giảm, không diệt., học như vậy là học Như, học trí Nhất thiết. Bồ-tát học như vậy là học sáu pháp Ba-la-mật, học ba mươi bảy phẩm Trợ đạo, mười tám pháp Bất cộng, trí Nhất thiết.

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Bồ-tát học Phật như vậy là vượt lên trên các môn học, là đệ nhất học; Thiên ma, Ma vương không thể phá hoại được, sẽ mau đến bậc không thoái chuyển. Bồ-tát học như vậy là tu tập nghiệp cao thượng, học pháp của Như Lai, hướng dẫn chúng sinh, làm thanh tịnh cõi Phật; học đại Từ, đại Bi, giáo hóa chúng sinh.

Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát học như vậy là học ba lần chuyển, mười hai hành pháp luân, độ thoát chúng sinh. Học như vậy là học không mất giống Phật, mở cửa bất tử, học như vậy là học hiển bày pháp vô vi.

Này Tu-bồ-đề! Người hạ liệt không thể học được như vậy. Người học như vậy là muốn cứu vớt chúng sinh ra khỏi biển khổ sinh tử. Người học như vậy không đọa vào ba đường ác, không sinh ở biên địa, không sinh vào nhà Chiên-đà-la. Người học như vậy không bị tật điếc, đui, câm, ngọng, què quặt; các căn đầy đủ, không có khuyết tật, có âm thanh hay, không phạm điều ác, hoàn toàn không học điều tà vạy. Tự mình sống như vậy, làm việc gì cũng thuận tiện, không bị trái nghịch, không tụ tập với người ác.

Tu-bồ-đề! Người học như vậy, do dùng phương tiện quyền xảo, nên không sinh vào cõi trời trường thọ. Phương tiện quyền xảo là những gì? Như trong Bát-nhã ba-la-mật đã nói, bốn Thiền, bốn Tâm vô lượng, bốn Không định, không chấp vào sự chứng về thiền. Người học như vậy có năng lực làm thanh tịnh tất cả các pháp, làm thanh tịnh tâm La-hán, Bích-chi-phật.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Tự tánh của tất cả các pháp là thanh tịnh, tại sao Bồ-tát lại muốn làm thanh tịnh các pháp?

Phật bảo:

–Đúng vậy! Bồ-tát bản tánh thanh tịnh, học Bát-nhã ba-la-mật không nhàm chán, không biếng nhác, đó là Bát-nhã ba-la-mật. Pháp này người phàm phu, ngu muội không thể học, không thể hiểu được. Vì chúng sinh nên Bồ-tát hành Bố thí ba-la-mật cho đến trí Nhất thiết, Bồ-tát học như vậy là học mười Lực, Vô sở úy lực. Người học như vậy là vượt lên trên việc làm của chúng sinh.

Này Tu-bồ-đề! Ví như bảo vật vàng bạc lấy từ lòng đất ra thật ít nơi có, phần nhiều phát tâm cầu Thanh văn, Bích-chi-phật, ít có người có thể tu tạo phước của Chuyển luân thánh vương, mà người tu tạo phước vua nhỏ thì nhiều, ít có chúng sinh có khả năng thể nhập trí Nhất thiết, phần nhiều người thể nhập đạo La-hán, Bích-chi-phật.

Này Tu-bồ-đề! Nhiều người phát tâm cầu Chánh đẳng giác, mà người thành tựu thì rất ít, phần đông chỉ trụ La-hán, Bích-chi-phật.

Này Tu-bồ-đề! Nhiều người thực hành Bồ-tát đạo, học Bát-nhã ba-la-mật, nhưng đạt đến không thoái chuyển thì rất ít. Do đó, Tubồ-đề, Bồ-tát muốn trụ vững chắc vào địa vị không thoái chuyển nên học Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Lúc học Bát-nhã ba-la-mật Bồ-tát không sinh tâm tật đố, phá giới giận hờn, tán loạn, biếng nhác, ngu si; không sinh ba độc tham, sân, si; không sinh tâm chấp lấy năm ấm cho đến đạo Vô thượng Bồ-đề. Vì sao? Vì khi Bồ-tát thực hành Bátnhã ba-la-mật thâm sâu, không thấy pháp hữu sinh, đối với pháp vô sinh cũng không có được, cũng không phát sinh. Vì thế, Bồ-tát thọ trì Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu là tổng trì các Ba-la-mật. Vì sao? Vì khi Bồ-tát học Bát-nhã ba-la-mật, các Ba-la-mật đều theo đó. Ví như người sắp chết, trước tiên là tắt thở, sau đó các căn đều diệt.

Tu-bồ-đề! Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật sâu xa đều thể nhập trong các độ. Muốn cho các độ được rốt ráo Bồ-tát nên học Bát-nhã ba-la-mật sâu xa. Bồ-tát học Bát-nhã ba-la-mật sâu xa vượt lên trên tất cả các người học khác.

Phật hỏi:

–Tu-bồ-đề! Chúng sinh trong ba ngàn thế giới có nhiều không?

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Chúng sinh trong cõi Diêm-phù-đề còn rất nhiều, huống gì là chúng sinh trong cả ba ngàn thế giới.

Phật hỏi:

–Nếu chúng sinh này đều được học đạo làm người, đều thành Chánh đẳng giác, Bồ-tát nào đem y phục, đồ ăn uống cúng dường cho những vị đó trọn đời thì phước đức có nhiều không?

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Rất nhiều.

Phật dạy:

–Phước ấy cũng không bằng phước thiện nam, thiện nữ hết lòng trì niệm Bát-nhã ba-la-mật. Vì sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu này làm cho các Đại Bồ-tát được lợi ích lớn, có thể thành tựu Chánh đẳng giác.

Tu-bồ-đề! Bồ-tát muốn lên trên tất cả chúng sinh, làm chỗ nương tựa cho tất cả chúng sinh, muốn là người dẫn đường thông suốt cho kẻ mù, muốn cầu làm Phật, muốn chứng được cảnh giới Phật, người muốn được tự tại như Phật, muốn rống tiếng sư tử như Phật, muốn gióng lên tiếng chuông trống của Phật, muốn thổi kèn lớn, muốn lập hội cho Phật thuyết pháp, giải quyết các nghi ngờ cho mọi người, muốn đạt hết những điều này Bồ-tát nên học Bát-nhã bala-mật thâm sâu, thực hành Bát-nhã ba-la-mật. Bồ-tát được phước đức lành trong ba cõi, không có điều gì là không được.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Bồ-tát này có được phước đức của La-hán, Bích-chi-phật không?

Phật dạy:

–Cũng được phước đức của La-hán nhưng không lệ thuộc vào chỗ chứng đắc. Bồ-tát dùng trí tuệ quán sát tuệ La-hán, Bích-chiphật, liền vượt qua không an trụ vào trong đó và vượt lên địa vị Bồtát. Bồ-tát học như vậy là cách trí Nhất thiết không xa, mau thành Chánh đẳng giác.

Này Tu-bồ-đề! Học như vậy là Bồ-tát được chư Thiên, A-tu-la hỗ trợ. Bồ-tát thực hành như vậy là vượt lên trên La-hán, Bích-chiphật, mau gần trí Nhất thiết.

Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát học như vậy không bao lâu sẽ thực hành Bát-nhã ba-la-mật và không xa lìa Bát-nhã ba-la-mật. Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu như vậy, nên biết đó là pháp không hao giảm, không xa trí Nhất thiết, mau gần Tuệ ba thừa. Nếu Bồ-tát nghĩ ngược lại. Bát-nhã ba-la-mật này không đạt được trí Nhất thiết. Nghĩ như vậy là không thực hành Bát-nhã ba-la-mật. Hoặc lại nghĩ Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu này, không biết Bát-nhã ba-la-mật, không thấy Bát-nhã ba-la-mật, không biết Bát-nhã ba-lamật là ai, cũng không biết ai sẽ ở trong Bát-nhã ba-la-mật mà chứng được Chánh đẳng giác; hoặc lại nghĩ: Bát-nhã ba-la-mật cũng không kia cũng không đây, cũng không từ trong đó mà sinh ra, pháp tánh thường trụ chân thật, có Phật hay không có Phật, pháp tánh vẫn thường trụ. Bồ-tát học như vậy là học Bát-nhã ba-la-mật.