SỐ 223
KINH MA-HA BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT
Hán dịch: Pháp sư Cưu-ma-la-thập
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 17

Phẩm 58: THỰC HÀNH TRONG MỘNG

Lúc đó, Xá-lợi-phất hỏi Tu-bồ-đề:

–Nếu Đại Bồ-tát lúc chiêm bao nhập vào ba Tam-muội:

không, vô tướng và vô tác Tam-muội, có lợi ích gì với Bátnhã ba-la-mật hay chăng?

Tu-bồ-đề nói:

–Nếu lúc ban ngày, Đại Bồ-tát nhập ba Tam-muội có lợi ích đối với Bát-nhã ba-la-mật thì ban đêm trong chiêm bao cũng sẽ có lợi ích. Vì sao? Vì ngày chiêm bao, đêm chiêm bao giống nhau không khác.

Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất! Nếu ban ngày, Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật có lợi ích đối với Bát-nhã ba-la-mật thì trong chiêm bao, thực hành Bát-nhã ba-la-mật cũng phải có lợi ích.

Xá-lợi-phất hỏi Tu-bồ-đề:

–Trong chiêm bao, Đại Bồ-tát hành động tạo nghiệp, những nghiệp đó có hợp thành chăng? Theo như lời Phật dạy thì tất cả pháp như chiêm bao, vì thế lẽ ra chẳng nên có hợp thành. Vì sao? Vì trong chiêm bao không có pháp hợp thành, lúc thức nhớ tưởng, phân biệt nên mới có hợp thành.

Tu-bồ-đề nói:

–Nếu người trong chiêm bao giết chết chúng sinh, khi thức dậy nghĩ nhớ, phân biệt hành động đó: ta giết như thế là đúng được lắm!

Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất! Việc đó thế nào?

Xá-lợi-phất nói:

–Không có cảnh duyên thì nghiệp chẳng sinh, không có cảnh duyên thì tâm sở tư chẳng sinh. Có duyên thì nghiệp sinh, có duyên thì tâm sở tư mới sinh.

Tu-bồ-đề nói:

–Đúng vậy, không có duyên thì nghiệp chẳng sinh, không có duyên thì tâm sở tư chẳng sinh. Có duyên thì nghiệp sinh, có duyên thì tâm sở tư sinh.

Tâm phát sinh ở trong thấy nghe, hay biết tâm chẳng sinh từ nơi chẳng có thấy, nghe, hay biết.

Trong đây tâm có sạch, có nhơ cho nên vì có cảnh duyên mà nghiệp sinh, nghiệp chẳng sinh nơi không có duyên. Vì có cảnh duyên mà tâm sở tư sinh, tâm sở tư chẳng sinh nơi không có duyên.

Xá-lợi-phất nói:

–Như lời Phật nói: Tất cả nghiệp, tất cả tâm sở đều tự tướng lìa, sao lại bảo rằng vì có duyên nên nghiệp sinh, không duyên thì nghiệp chẳng sinh. Vì có duyên nên tâm sở tư sinh, không duyên thì tâm sở tư chẳng sinh?

Tu-bồ-đề nói:

–Vì chấp lấy tướng nên có duyên thì nghiệp sinh, không có duyên thì chẳng sinh. Vì chấp lấy tướng nên có duyên thì tâm sở tư sinh, không duyên thì chẳng sinh.

Xá-lợi-phất nói:

–Nếu Đại Bồ-tát trong chiêm bao thấy mình bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ, đem hồi hướng thiện căn phước đức này về Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Đây có phải là thật hồi hướng hay chăng?

Tu-bồ-đề nói:

–Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất! Hiện đây có Bồ-tát Di-lặc đã được Đức Phật thọ ký không thoái chuyển, sẽ thành Phật, Tôn giả nên hỏi Bồ-tát Di-lặc sẽ giải đáp.

Tôn giả Xá-lợi-phất hỏi Bồ-tát Di-lặc:

–Thưa Tôn giả, như lời Tôn giả Tu-bồ-đề vừa bảo rằng hiện đây có Bồ-tát Di-lặc đã được Đức Phật thọ ký không thoái chuyển sẽ thành Phật, Bồ-tát Di-lặc sẽ giải đáp.

Bồ-tát Di-lặc bảo Tôn giả Xá-lợi-phất:

–Sẽ dùng danh từ Di-lặc để đáp chăng? Hoặc là sắc, thọ, tưởng, hành, thức để đáp chăng? Hoặc dùng không của sắc, thọ, tưởng, hành, thức để đáp chăng?

Sắc, thọ, tưởng, hành, thức thì chẳng thể đáp được. Không của sắc, thọ, tưởng, hành, thức chẳng thể đáp được. Tôi chẳng thấy pháp đáp được, cũng chẳng thấy ai đáp được. Tôi chẳng thấy người ấy được thọ ký, cũng chẳng thấy pháp được thọ ký, chẳng thấy nơi chốn thọ ký. Tất cả các pháp ấy đều không hai, không khác.

Xá-lợi-phất hỏi:

–Như lời Tôn giả nói đó, có được pháp tác chứng chăng?

Bồ-tát Di-lặc nói:

–Như pháp của tôi nói, như vậy chẳng có chứng.

Lúc đó, Xá-lợi-phất nghĩ rằng: “Bồ-tát Di-lặc có trí tuệ sâu xa, từ lâu đã thực hành sáu pháp Ba-la-mật, vì dùng vô sở đắc nên nói được như vậy.”

Bấy giờ Phật bảo Xá-lợi-phất:

–Ông dùng pháp ấy được A-la-hán, ông có thấy pháp ấy chăng?

Xá-lợi-phất thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn, chẳng thấy!

Phật dạy:

–Này Xá-lợi-phất! Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-lamật cũng giống như vậy, chẳng nghĩ rằng pháp ấy sẽ được thọ ký, pháp ấy đã được thọ ký, pháp ấy đang được thọ ký Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Này Xá-lợi-phất! Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-lamật chẳng nghi ngờ rằng ta được hay chẳng được mà tự biết mình thật được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Đức Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Có Đại Bồ-tát lúc thực hành Bố thí ba-la-mật, hoặc thấy chúng sinh đói rét, y phục rách rưới, phải phát nguyện: Theo thời gian tôi thực hành Bố thí ba-la-mật đó, nguyện lúc tôi được thành Phật, chúng sinh trong cõi nước tôi không có sự đói rét như vậy. Những đồ dùng, đồ uống ăn, y phục như cõi trời. Tứ vương, trời Đaolợi, trời Dạ-ma, trời Đâu-suất, trời Hóa lạc, trời Tha hóa tự tại.

Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát tu hành như vậy thì sẽ đầy đủ Bố thí ba-la-mật, gần kề Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Lúc thực hành Trì giới ba-la-mật, Đại Bồ-tát thấy chúng sinh sát sinh, trộm cướp cho đến tà kiến, bị chết yểu, nhiều bệnh, xấu tướng, thiếu oai đức, nghèo hèn, tàn tật, phải phát nguyện rằng: Theo thời gian tôi thực hành Trì giới ba-la-mật này, nguyện lúc tôi thành Phật, chúng sinh trong cõi nước tôi không có nghiệp ác và quả báo xấu như vậy.

Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát tu hành như vậy thì sẽ đầy đủ Trì giới ba-la-mật, gần kề Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Lúc thực hành Nhẫn nhục ba-lamật, Đại Bồ-tát thấy chúng sinh giận ghét, mắng nhiếc, đánh đập, giết hại lẫn nhau, phải phát nguyện rằng: “Theo thời gian tôi thực hành Nhẫn nhục ba-la-mật này, nguyện lúc tôi thành Phật, chúng sinh trong cõi nước tôi không có những việc đó, tất cả đều xem nhau, như cha như mẹ, anh em, chị em, như Thiện tri thức, đều có tâm Từ bi.”

Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát tu hành như vậy thì sẽ đầy đủ Nhẫn nhục ba-la-mật, gần kề Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Lúc thực hành Tinh tấn ba-la-mật, Đại Bồ-tát thấy chúng sinh lười biếng, chẳng siêng tu pháp lành, rời bỏ ba thừa Thanh văn, Bích-chi-phật, Phật thừa thì phải phát nguyện rằng: Theo thời gian tôi thực hành Tinh tấn ba-la-mật, nguyện lúc tôi thành Phật, chúng sinh trong cõi nước tôi không có việc như vậy, tất cả đều siêng tu tinh tấn, đều được độ bằng pháp ba thừa.

Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát tu hành như vậy sẽ đầy đủ Tinh tấn ba-la-mật, gần kề Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Lúc thực hành Thiền ba-la-mật, Đại

Bồ-tát thấy chúng sinh bị năm triền cái che đầy như: dâm dục, giận thù, hôn trầm, điệu hối, nghi ngờ; mất thiền, mất định, mất tâm vô lượng, phải phát nguyện rằng: Theo thời gian tôi tu Thiền ba-la-mật, nguyện lúc tôi thành Phật, chúng sinh trong cõi nước tôi đều không có những việc như vậy.

Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát tu hành như vậy sẽ đầy đủ Thiền định ba-la-mật, gần kề Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Lúc thực hành Bát-nhã ba-lamật, Đại Bồ-tát thấy chúng sinh ngu si, mất chánh kiến thế gian, xuất thế gian hoặc cho rằng không có nghiệp, không có nhân duyên nghiệp, hoặc cho rằng thân là thường còn, hoặc cho rằng đoạn diệt, hoặc cho là không có gì cả thì phải phát nguyện: Theo thời gian tôi thực hành Bát-nhã ba-la-mật, thanh tịnh cõi Phật, thành tựu chúng sinh, nguyện lúc tôi thành Phật, chúng sinh trong cõi nước tôi không có những việc như vậy.

Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát tu hành như vậy thì sẽ đầy đủ

Bátnhã ba-la-mật, gần kề Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Lúc thực hành sáu pháp Ba-lamật, Đại Bồ-tát thấy chúng sinh an trụ trong ba tụ: một là nhóm chánh định, hai là nhóm tà định, ba là nhóm bất định thì phải phát nguyện: Theo thời gian tôi thực hành sáu pháp Bala-mật, thanh tịnh cõi Phật, thành tựu chúng sinh, nguyện lúc tôi thành Phật, chúng sinh trong cõi nước tôi không có nhóm tà định, cũng không có danh từ nhóm tà.

Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát tu hành như vậy sẽ đầy đủ sáu pháp Ba-la-mật, gần kề Nhất thiết chủng trí.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Lúc thực hành sáu pháp Ba-lamật, Đại Bồ-tát thấy chúng sinh trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, phải phát nguyện: Theo thời gian tôi thực hành sáu pháp Ba-la-mật, thanh tịnh cõi Phật, thành tựu chúng sinh, nguyện lúc tôi thành Phật, trong cõi nước tôi không có ba đường ác, cũng không có danh từ ba đường ác.

Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát tu hành như vậy sẽ đầy đủ sáu pháp Ba-la-mật, gần kề Nhất thiết chủng trí.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Lúc hành sáu pháp Ba-la-mật, Đại Bồtát thấy mặt đất gai chông, hầm hố, gò nổng, mương rãnh nhơ uế thì phải phát nguyện: Theo thời gian tôi thực hành sáu pháp Ba-la-mật, nguyện lúc tôi thành Phật, cõi nước tôi không có những việc như vậy, mặt đất bằng phẳng như bàn tay.

Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát tu hành như vậy sẽ đầy đủ sáu pháp Ba-la-mật, gần kề Nhất thiết chủng trí.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Lúc thực hành sáu pháp Ba-lamật, Đại Bồ-tát thấy cõi này thuần là đất thì phải phát nguyện: Theo thời gian tôi thực hành sáu pháp Ba-la-mật, nguyện lúc tôi thành Phật, cõi nước tôi mặt đất toàn bằng vàng ròng trải đầy khắp nơi.

Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát tu hành như vậy sẽ đầy đủ sáu pháp Ba-la-mật, gần kề Nhất thiết chủng trí.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Lúc thực hành sáu pháp Ba-lamật, Đại Bồ-tát thấy chúng sinh luyến ái tham đắm thì phải phát nguyện: Theo thời gian tôi thực hành sáu pháp Ba-la-mật thanh tịnh cõi Phật, thành tựu chúng sinh, nguyện lúc tôi thành Phật, chúng sinh trong cõi nước tôi không có luyến ái tham đắm như vậy.

Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát tu hành như vậy sẽ được đầy đủ sáu pháp Ba-la-mật, gần kề Nhất thiết chủng trí.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Lúc hành sáu pháp Ba-la-mật, Đại Bồtát thấy bốn giai cấp của chúng sinh: Sát-đế-lợi, Bà-lamôn, Tỳ-xá, Thủ-đà-la thì phải phát nguyện: Theo thời gian tôi thực hành sáu pháp Ba-la-mật, thanh tịnh cõi Phật, thành tựu chúng sinh, nguyện lúc tôi thành Phật, trong cõi nước tôi không có danh từ bốn giai cấp.

Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát tu hành như vậy sẽ đầy đủ sáu pháp Ba-la-mật, gần Nhất thiết chủng trí.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Lúc thực hành sáu pháp Ba-lamật, Đại Bồ-tát thấy chúng sinh có những hạng hạ, trung, thượng, có nhà hạ, trung, thượng thì phải phát nguyện: Theo thời gian tôi thực hành sáu pháp Ba-la-mật, thanh tịnh cõi Phật, thành tựu chúng sinh, nguyện lúc tôi thành Phật, chúng sinh trong cõi nước tôi không có sự hơn kém như vậy.

Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát tu hành như vậy thì sẽ đầy đủ sáu pháp Ba-la-mật, gần Nhất thiết chủng trí.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát lúc thực hành sáu pháp

Bala-mật, thấy chúng sinh có thân hình khác nhau thì phải phát nguyện: Theo thời gian tôi thực hành sáu pháp Ba-la-

mật, thanh tịnh cõi Phật, thành tựu chúng sinh, nguyện lúc tôi thành Phật, chúng sinh trong cõi nước tôi không có thân hình khác nhau, tất cả đều xinh đẹp, khôi ngô, sạch sẽ, đầy đủ tướng mạo.

Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát tu hành như vậy thì sẽ đầy đủ sáu pháp Ba-la-mật, gần Nhất thiết chủng trí.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát lúc thực hành sáu pháp Bala-mật, thấy chúng sinh có chúa, có tôi, phải phát nguyện: Theo thời gian tôi thực hành sáu pháp Ba-la-mật, thanh tịnh cõi Phật, thành tựu chúng sinh, nguyện lúc tôi thành Phật, cõi nước tôi không có danh từ chúa tôi, cũng không có hình tượng khác nhau, chỉ trừ Đức Phật Pháp vương.

Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát tu hành như vậy, thì sẽ đầy đủ sáu pháp Ba-la-mật, gần Nhất thiết chủng trí.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát lúc thực hành sáu pháp Bala-mật, thấy chúng sinh chia ra sáu loài khác nhau thì phải phát nguyện: Theo thời gian tôi thực hành sáu pháp Ba-lamật, thanh tịnh cõi Phật, thành tựu chúng sinh, nguyện lúc tôi thành Phật, cõi nước tôi không có sáu loài: địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, loài người, các Thần, các vị trời, tất cả chúng sinh trong nước tôi đều đồng tu hành bốn Niệm xứ cho đến tám Thánh đạo.

Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát tu hành như vậy thì sẽ đầy đủ sáu pháp Ba-la-mật, gần Nhất thiết chủng trí.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát lúc thực hành sáu pháp Bala-mật, thấy chúng sinh có bốn loài sinh: noãn, thai, thấp và hóa sinh thì phải phát nguyện: Theo thời gian tôi thực hành sáu pháp Ba-lamật, thanh tịnh cõi Phật, thành tựu chúng sinh, nguyện lúc tôi thành Phật, trong cõi nước tôi tất cả chúng sinh chỉ có hóa sinh mà không có ba thứ sinh kia.

Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát tu hành như vậy thì sẽ đầy đủ sáu pháp Ba-la-mật, gần Nhất thiết chủng trí.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát lúc thực hành sáu pháp Bala-mật, thấy chúng sinh không có năm thứ thần thông, phải phát nguyện: Theo thời gian tôi thực hành sáu pháp Ba-la-mật, thanh tịnh cõi Phật, thành tựu chúng sinh, nguyện lúc tôi thành Phật, tất cả chúng sinh trong cõi nước tôi đều được năm thứ thần thông.

Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát tu hành như vậy thì sẽ đầy đủ sáu pháp Ba-la-mật, gần Nhất thiết chủng trí.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát lúc thực hành sáu pháp Bala-mật, thấy chúng sinh đại tiểu tiện nhơ bẩn thì phải phát nguyện: Theo thời gian tôi thực hành sáu pháp Ba-la-mật, thanh tịnh cõi Phật, thành tựu chúng sinh, nguyện lúc tôi thành Phật, tất cả chúng sinh trong cõi nước tôi đều dùng pháp hỷ làm thức ăn, hoàn toàn không có đại tiểu tiện dơ bẩn.

Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát tu hành như vậy thì sẽ đầy đủ sáu pháp Ba-la-mật, gần Nhất thiết chủng trí.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát lúc thực hành sáu pháp Bala-mật, thấy chúng sinh không có ánh sáng thì phải phát nguyện: Theo thời gian tôi thực hành sáu pháp Ba-la-mật, thanh tịnh cõi Phật, thành tựu chúng sinh, nguyện lúc tôi thành Phật, tất cả chúng sinh trong cõi nước tôi thân đều có ánh sáng.

Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát tu hành như vậy thì sẽ đầy đủ sáu pháp Ba-la-mật, gần Nhất thiết chủng trí.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát lúc thực hành sáu pháp Bala-mật, thấy có thời tiết, ngày giờ, tháng, năm, phải phát nguyện: Lúc tôi thành Phật, cõi nước tôi không có danh từ ngày, giờ, tháng, năm.

Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát tu hành như vậy thì sẽ đầy đủ sáu pháp Ba-la-mật, gần Nhất thiết chủng trí.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát lúc thực hành sáu pháp Bala-mật, thấy chúng sinh yểu mạng thì phải phát nguyện: Lúc tôi thành Phật, tất cả chúng sinh trong cõi nước tôi đều sống lâu vô lượng kiếp.

Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát tu hành như vậy thì sẽ đầy đủ sáu pháp Ba-la-mật, gần Nhất thiết chủng trí.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát lúc thực hành sáu pháp Bala-mật, thấy chúng sinh thân không có tướng đẹp thì phải phát nguyện: Lúc tôi thành Phật, chúng sinh trong cõi nước tôi đều đầy đủ ba mươi hai tướng tốt.

Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát tu hành như vậy thì sẽ đầy đủ sáu pháp Ba-la-mật, gần Nhất thiết chủng trí.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát lúc thực hành sáu pháp Bala-mật, thấy chúng sinh xa lìa thiện căn, phải phát nguyện: Lúc tôi thành Phật, chúng sinh trong cõi nước tôi đều thành tựu thiện căn, do phước đức ấy mà cúng dường các Đức Phật mười phương.

Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát tu hành như vậy thì sẽ đầy đủ sáu pháp Ba-la-mật, gần Nhất thiết chủng trí.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát lúc thực hành sáu pháp Bala-mật, thấy chúng sinh có ba độc, bốn bệnh thì phải phát nguyện: Lúc tôi thành Phật, tất cả chúng sinh trong cõi nước tôi không có bốn bệnh lạnh, nóng, phong, đàm, không có ba độc tham, sân, si.

Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát tu hành như vậy thì sẽ đầy đủ sáu pháp Ba-la-mật, gần Nhất thiết chủng trí.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát lúc thực hành sáu pháp Bala-mật, thấy chúng sinh có ba thừa, phải phát nguyện: Lúc tôi thành Phật, chúng sinh trong cõi nước tôi không có tên gọi Nhị thừa, chỉ có thuần một Đại thừa.

Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát tu hành như vậy thì sẽ đầy đủ sáu pháp Ba-la-mật, gần Nhất thiết chủng trí.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát lúc thực hành sáu pháp Bala-mật, thấy chúng sinh tăng thượng mạn thì phải phát nguyện: Lúc tôi thành Phật, chúng sinh trong cõi nước tôi không có danh từ tăng thượng mạn.

Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát tu hành như vậy thì sẽ đầy đủ sáu pháp Ba-la-mật, gần Nhất thiết chủng trí.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát lúc thực hành sáu pháp Bala-mật, tự nghĩ ánh sáng, tuổi thọ của tôi có số lượng, tăng thêm hữu hạn, phải phát nguyện rằng: Lúc tôi thành Phật, ánh sáng, tuổi thọ vô số lượng tăng thêm vô hạn.

Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát tu hành như vậy thì đầy đủ sáu pháp Ba-la-mật, gần Nhất thiết chủng trí.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát lúc thực hành sáu pháp Bala-mật, thì phải phát nguyện: Theo thời gian tôi thực hành sáu pháp Ba-la-mật, thanh tịnh cõi Phật, thành tựu chúng sinh, nguyện lúc tôi thành Phật, cõi nước tôi như hằng sa cõi nước của các Đức Phật.

Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát tu hành như vậy thì sẽ đầy đủ sáu pháp Ba-la-mật, gần Nhất thiết chủng trí.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Lúc thực hành sáu pháp Ba-lamật, Đại Bồ-tát nên nghĩ rằng dầu đường sinh tử dài, tánh chúng sinh rất nhiều, nhưng bờ sinh tử như hư không, bờ tánh của chúng sinh cũng như hư không. Trong đó thật không có sinh tử qua lại, cũng không có ai giải thoát.

Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát tu hành như vậy thì sẽ đầy đủ sáu pháp Ba-la-mật, gần Nhất thiết chủng trí.