SỐ 221
KINH PHÓNG QUANG BÁT-NHÃ
Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Vô-la-xoa, người nước Vu Điền
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 13

Phẩm 57: KIÊN CỐ

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Ma Ba-tuần đến chỗ Bồ-tát thưa: Trí Nhất thiết bình đẳng với hư không, pháp có không đều là không, pháp ấy và hình tướng cũng không. Đối với không đã không có pháp thì không thể có việc bắt đầu, việc đã qua cũng không có, hoàn toàn không có pháp nào, việc tương lai đã không thể có, tướng có không đều là không. Nếu cho rằng là không, nên các ông không chịu khổ để thành tựu quả Vô thượng Bồ-đề thì đó là việc ma, chẳng phải do Phật nói. Chư Hiền nên biết việc ma, các vị nên hiểu rõ như vậy thì sẽ không bị đọa trong cảnh giới ác lâu dài.

Phật dạy:

–Thiện nam, thiện nữ nào nếu nghe lời dạy này thì biết đó là việc ma. Ma muốn phá hoại không cho ta chứng đắc Vô thượng Bồđề. Tất cả các pháp có không này tuy bình đẳng với hư không, nhưng tất cả chúng sinh không thể thấy, không thể biết được. Ta sẽ dùng cái không của có không để thực hành đại thệ nguyện, chứng đắc trí Nhất thiết, thuyết pháp cho chúng sinh, làm cho họ đều được độ thoát, làm cho chúng sinh hướng đến quả Tu-đà-hoàn, A-la-hán, Bích-chi-phật, chứng đắc quả Vô thượng Bồ-đề.

Đại Bồ-tát từ khi phát tâm đến nay, ý chí kiên cố, không lay chuyển, ý chí kiên cố rồi thì không tin vào các việc khác, thực hành sáu pháp Ba-la-mật, liền tiến lên địa vị Bồ-tát.

Tu-bồ-đề thưa hỏi:

–Bạch Thế Tôn! Vì sao Bồ-tát không thoái chuyển gọi là Aduy-việt-trí, thoái chuyển là A-duy-việt-trí phải không?

Phật đáp:

–Không thoái chuyển là A-duy-việt-trí, thoái chuyển cũng là A-duy-việt-trí.

Tu-bồ-đề hỏi:

–Bạch Thế Tôn! Việc ấy như thế nào?

Phật đáp:

–Từ địa vị A-la-hán, Bích-chi-phật có thoái chuyển là A-duyviệt-trí, từ A-la-hán, Bích-chi-phật mà không có thoái chuyển mới gọi là Bồ-tát thoái chuyển.

Này Tu-bồ-đề! Do hình tướng và hành động đầy đủ, biết đó là Bồ-tát không thoái chuyển. Bồ-tát có hình tướng như vậy, ma Batuần kia không thể phá hoại, không thể ngăn chận họ tiến đến quả Vô thượng Bồ-đề.

Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát không thoái chuyển muốn được bốn Thiền liền chứng được; muốn được thiền diệt thoát, thiền ba mươi bảy phẩm Trợ đạo, thiền Không, Vô tướng, Vô nguyện đều có thể chứng được; muốn được năm thần thông đều có thể chứng được. Tuy chứng được các Thiền, nhưng Bồ-tát không chấp vào các chỗ chứng; không chấp vào chỗ chứng Thanh văn, Bích-chi-phật mà theo khả năng của mình để tế độ chúng sinh.

Này Tu-bồ-đề! Do hành tướng và hành động đầy đủ, biết đó là Bồ-tát không thoái chuyển.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Bồ-tát không thoái chuyển thường nghĩ tới đạo, không xa lìa đạo, không tham hình sắc, thân tướng, chỗ ở, sáu pháp Ba-la-mật, bốn Tâm vô lượng, bốn Không định, Thần thông, mười Lực, mười tám pháp Bất cộng, cũng không tham cõi Phật; không tham việc giáo hóa chúng sinh, không tham thấy Phật, không tham căn lành. Vì đối với không, không có pháp, không thấy, hoàn toàn không. Pháp không tướng làm sao có thể tham được. Vì sao? Vì tướng của các pháp, các việc có không hoàn toàn đều là không.

Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát không thoái chuyển đã có đầy đủ tâm niệm của Bồ-tát, hoàn hảo bốn việc đi, đứng, nằm, ngồi; thức, ngủ, ra vào, chánh niệm, tỉnh giác, không trạo cử. Tu-bồ-đề, do hình tướng, hành động đầy đủ như vậy, biết đó là Bồ-tát không thoái chuyển.

Này Tu-bồ-đề! Chúng sinh được Bồ-tát không thoái chuyển dùng phương tiện quyền xảo hiện thân tại gia, hưởng thọ năm dục, bố thí y phục, đồ ăn uống cho những người nghèo khổ, khó khăn, cung cấp đầy đủ những thứ mà họ cần dùng, tự mình và khuyên người thực hành sáu pháp Ba-la-mật, thường khen ngợi công đức của sáu pháp Ba-la-mật, thấy người thực hành thì vui theo.

Bồ-tát không thoái chuyển ở tại gia có châu báu đầy khắp Diêm-phù-đề, Bồ-tát đem bố thí cho chúng sinh trong tam thiên đại thiên thế giới mà không chút tham tiếc. Bồ-tát không có ý dâm dục, thường thực hành pháp bình đẳng, nói năng khiêm tốn, nhún nhường, không khinh dễ người, không làm cho chúng sinh sân hận.

Này Tu-bồ-đề! Do hình tướng hành động đầy đủ, nên biết đó là Bồ-tát không thoái chuyển.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Duyệt-xoa Hòa-di-la-hằng thường theo ủng hộ Bồ-tát. Duyệt-xoa nói: “Chúng tôi thường ủng hộ Bồ-tát này cho đến lúc ngài thành Chánh đẳng giác, làm cho ý Bồ-tát không tán loạn, không xa lìa đạo. Lại có năm dòng họ Duyệt-xoa Hòa-di cũng theo ủng hộ Đại Bồ-tát không thoái chuyển, làm cho các vị tiểu thần, thần phi nhân, không thể làm hại được.”

Tu-bồ-đề! Bồ-tát không thoái chuyển có Tín căn, Chí căn, Tinh tấn căn, Tam-muội căn, Trí tuệ căn, các căn đầy đủ, là người dũng mãnh không khiếp sợ.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Đối với đạo ý chí kiên cố không thoái chuyển, đó là dũng mãnh không khiếp sợ, nên biết đó là tướng trạng của Bồ-tát không thoái chuyển.

Phật bảo:

–Lại nữa, Tu-bồ-đề! Đạo niệm của Bồ-tát không thoái chuyển đều đầy đủ. Bồ-tát không học chú thuật, sách cúng tế, không làm mê hoặc người, không làm thầy thuốc pha chế thuốc thang, không học xem bói tướng của ngoại đạo thần tiên, không đoán biết ý của người nam người nữ. Vì Bồ-tát đối với pháp không, không có pháp tướng, không thấy việc này, không có tướng này, thường nguyện thanh tịnh. Do hành động và tướng mạo đầy đủ, biết đó là Bồ-tát không thoái chuyển.

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Nay ta sẽ nói hành động, tướng mạo của Bồ-tát không thoái chuyển; hãy lắng nghe, ghi nhận.

Tu-bồ-đề thưa:

–Xin Thế Tôn dạy cho con.

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật không xa lìa đạo hạnh mà thuận theo năm ấm, các giới, các nhập. Vì năm ấm là không, nên giới và nhập cũng không, hành động không trái với sự việc của quốc độ. Vì sao? Vì trị ở pháp không, không thấy pháp có tăng giảm, không nghịch với việc trộm cắp, vì do trụ nơi không, ở trong pháp không, không thấy pháp có đem đến hoặc mang đi, không trái với việc binh, vì trụ ở tánh không, ở trong pháp không, không thấy pháp có nhiều, có ít; không trái với việc đấu tranh, vì trụ ở trong pháp không, không thấy pháp có thương có ghét. Lời nói thường hòa thuận, vì trụ ở các pháp không, cũng không thấy có thường, vô thường.

Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát không thoái chuyển không nói việc thành quách, vì trụ nơi không như hư không, không thấy hợp cũng không thấy tan, cũng không thấy sự việc hợp tan. Vì sao? Vì trụ ở nơi bốn tế, không thấy có được có mất, không nói ta hoặc việc của ta, không nói các việc thế tục, chỉ nói Bát-nhã ba-la-mật, không xa lìa trí Nhất thiết. Bồ-tát thực hành Bố thí ba-la-mật, không tham lam ganh tỵ; thực hành Trì giới ba-la-mật, không làm theo ác giới; thực hành Nhẫn nhục ba-la-mật, không sân hận; thực hành Tinh tấn ba-lamật, không giải đãi, thực hành Thiền định ba-la-mật, không bị tán loạn; thực hành Trí tuệ ba-la-mật, không bị ngu si; thưc hành các pháp không là chủ các pháp chứ không phải là chủ của phi pháp; thực hành pháp tánh khen ngợi những người không phá hoại pháp, làm bạn thân của các đệ tử Như Lai, Duyên giác, với Bồ-tát, những người mới phát tâm Bồ-đề, những thiện nam, tín nữ. Bồ-tát thường mong cầu được gặp các Như Lai Vô Sở Trước Chánh Đẳng Giác, được chiêm ngưỡng chư Phật mười phương, nguyện vãng sinh về quốc độ của Đức Phật mà Bồ-tát gặp, liền được vãng sinh, ngày đêm thường nhớ đến Phật. Vì sao? Vì các Bồ-tát không thoái chuyển tùy thuận chúng sinh mà vào cõi Dục, vâng giữ mười điều thiện, được sinh ở trước mười phương chư Phật, vượt qua Thiền thứ nhất cho đến Thiền thứ tư, từ Thiền thứ tư đến Thiền vô sắc, liền được sinh ở trước mười phương chư Phật. Tu-bồ-đề, do đầy đủ tướng mạo, hành động, nên biết đó là Bồ-tát không thoái chuyển.

Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, an trụ nội không, ba mươi bảy phẩm Trợ đạo, ba môn giải thoát cũng không nói ta là không thoái chuyển, không nói ta chẳng phải là không thoái chuyển, tự mình an trú trong địa vị đó, hoàn toàn không nghi ngờ. Vì sao? Vì lúc đầu không thấy pháp có thay đổi, không thay đổi. Ví như vị Tu-đà-hoàn an trú trong đạo của mình, không còn nghi ngờ. Bồ-tát không thoái chuyển cũng như vậy, tự an trú trong địa vị của mình, giáo hóa chúng sinh, làm thanh tịnh cõi Phật. Việc ma vừa phát sinh, Bồ-tát liền hay biết, không theo sự sai khiến của nó mà còn phá hoại nó. Còn như người ngu thì cứ ôm lòng xấu ác, đến chết vẫn không thay đổi.

Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát không thoái chuyển tự an trú trong địa vị của mình cũng như vậy. Chư Thiên, Nhân loại, Quỷ thần, Rồng, Atu-la, ma Ba-tuần cũng không thể làm cho Bồ-tát lay chuyển được. Vì sao? Vì Bồ-tát vượt lên trên tất cả chư Thiên, Rồng, Quỷ thần trong thế gian, tự mình có đầy đủ năm Thần thông, giáo hóa chúng sinh, làm thanh tịnh cõi Phật. Từ cõi Phật này đến cõi Phật khác, làm phát triển căn lành ở nơi cõi Phật, thưa hỏi giáo pháp với các Phật. Chỗ trụ xứ có việc ma, Bồ-tát biết liền rồi dùng phương tiện quyền xảo mà ở cảnh giới của ma. Đối với địa vị của mình, Bồ-tát không nghi ngờ chán nản. Vì đối với chân tánh Bồ-tát không hoài nghi, biết chân tánh chẳng phải một cũng chẳng phải hai, vượt qua địa vị A-lahán, Bích-chi-phật.

Này Tu-bồ-đề! Đối với pháp Không, Vô tướng, Bồ-tát không thấy sinh, cũng không thấy diệt, không thấy xả bỏ cũng không thấy dính mắc, cũng không nghĩ rằng: “Ta sẽ chứng đắc Phật trí”; cũng không nói “Ta không chứng đắc Phật trí.” Vì sao? Vì tự tướng của Chánh đẳng giác là không. Bồ-tát này tự an trú ở địa vị hoàn toàn đầy đủ, không mong các việc nào khác, không gì có thể phá hoại được địa vị này, vì Bồ-tát không thoái chuyển có trí tuệ hơn hẳn người khác.

Ma Ba-tuần giả làm Phật đến chỗ Bồ-tát nói:

–Ông hãy chấp nhận địa vị A-la-hán đi, ông không được thọ ký thành Chánh đẳng giác đâu. Ông cũng chưa chứng đắc Vô sinh pháp nhẫn. Các Đức Như Lai Vô Sở Trước Chánh Đẳng Giác, không thọ ký cho ông. Ông cũng chưa có việc này, cũng không có tướng mạo thế này, để xứng đáng được thọ ký.

Tu-bồ-đề! Bồ-tát nghe việc này không sợ sệt, không nghi ngờ, không nhàm chán, không lưỡng lự. Bồ-tát này nên biết đã được các Đức Như Lai Vô Sở Trước Chánh Đẳng Giác thọ ký rồi. Vì sao? Vì Bồ-tát tự biết mình có đủ những việc như vậy nên có thể thọ ký làm bậc Chánh đẳng giác.

Ma Ba-tuần lại giả làm Phật, đến chỗ Bồ-tát, đem việc ma thọ ký cho Bồ-tát thành Chánh đẳng Chánh giác. Bồ-tát này liền biết đó là ma, hoặc là do ma sai khiến giả làm Phật đến chứ không phải là Phật, chỉ muốn làm cho ta chấp nhận quả vị A-la-hán, Bích-chi-phật thôi.

Tu-bồ-đề! Nếu ma Ba-tuần lại giả làm Phật đến chỗ Bồ-tát mà bảo rằng:

–Việc ông làm không phải là Phật nói, cũng chẳng phải do đệ tử của Phật nói, chỉ là việc ma mà thôi.

Tu-bồ-đề! Bồ-tát cũng biết rõ đó là ma hoặc do ma sai khiến, chứ không phải là Phật. Ma muốn phá hoại không cho ta chứng quả Bồ-đề, nhưng ý ta không hề lay chuyển. Bồ-tát này không bị lay chuyển, vì đã dược chư Phật quá khứ thọ ký rồi và đã an trụ ở địa vị không thoái chuyển. Vì sao? Vì hình tướng, hành động đầy đủ có thể giữ vững không thoái chuyển. Vì vậy, nên biết đó là tướng của Bồtát không thoái chuyển.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật muốn hộ trì các pháp nên không tiếc thân mạng. Đó là Bồ-tát ủng hộ Chánh pháp của Phật trong quá khứ, vị lai, hiện tại.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bồ-tát muốn hộ trì Chánh pháp không tiếc thân mạng nên hộ trì những pháp nào?

Phật dạy:

–Ta nói pháp không người ngu chê bai, phỉ báng, nói là phi pháp, phi luật hành, phi chánh giáo.

Tu-bồ-đề! Vì pháp này nên Bồ-tát hộ trì Chánh pháp. Bồ-tát nên nghĩ thế này: “Trong hội thuyết pháp của chư Phật đời vị lai, ta là một trong những người được thọ ký. Pháp này lại là pháp của ta, do pháp này nên ta không tiếc thân mạng.”

Tu-bồ-đề! Vì pháp này nên Bồ-tát không tiếc thân mạng. Do hình tướng hành động đầy đủ nên biết là Bồ-tát không thoái chuyển.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Nghe nói pháp thâm sâu, Bồ-tát không thoái chuyển không nghi ngờ, không kinh ngạc, thọ trì lời dạy của chư Phật, không hề quên sót. Vì sao? Vì Bồ-tát đã thực hành Đà-lani.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Bồ-tát chứng đắc những Đà-la-ni nào mà có thể thọ trì các pháp của Như Lai Vô Sở Trước Chánh Đẳng Giác không quên sót?

Phật dạy:

–Bồ-tát do nghe và thọ trì các pháp Đà-la-ni liền có thể thọ trì kinh pháp của chư Phật không quên sót.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Đó là lời Như Lai nói, không phải là do Thanh văn nói; cũng không phải Trời, Rồng, Quỷ thần, A-tu-la, Chân-đà-la, Ma-hưu-lặc nói.

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Vì chứng đắc pháp Đà-la-ni, nên khi mới nghe các thứ âm thanh, Bồ-tát không kinh ngạc, không hồ nghi. Do hình tướng hành động đầy đủ nên biết đó là Đại Bồ-tát không thoái chuyển.