SỐ 202
KINH HIỀN NGU
Hán dịch: Đời Nguyên Ngụy, xứ Kinh châu, quận Cao xương,
Sa-môn Tuệ Giác và các vị khác cùng dịch.

Việt dịch:  Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh.

 

QUYỂN 12

Phẩm 57: BA-BÀ-LÊ

Tôi nghe như thế này:

Thuở nọ, Đức Phật ở thành Vương xá trong núi Thứu đầu, cùng với các đệ tử một ngàn hai trăm năm mươi vị. Lúc bấy giờ vua nước Ba-la-nại tên là Ba-la-ma-đạt. Dưới triều vua này có một quan phụ tướng, ông có một cậu con trai, có đầy đủ ba mươi hai tướng tốt đầy đủ, thân màu sắc vàng, dung nghi đĩnh đạc. Quan phụ tướng trông thấy đứa con như thế rất vui mừng, liền mời thấy tướng về xem tướng. Thầy tướng vừa trông thấy khen rằng:

– Kỳ lạ thay! Đầy đủ tướng tốt, công đức thù thắng. Đứa bé sau này trí tuệ thông đạt hơn người. Quan phụ tướng càng thêm vui mừng, nhân đó muốn đặt tên.

Thầy tướng lại hỏi:

– Từ khi sinh đứa bé ra đến nay, có điềm gì lạ không?

Quan phụ tướng đáp:

– Có điềm rất lạ thường, người mẹ tánh tình vốn không hiền lành nhưng từ khi bà mang thai thì tánh thay đổi hẳn, thương yêu kẻ khổ, giúp đỡ nuôi dưỡng người nghèo… Thầy tướng vui mừng nói:

– Đấy là chí của đứa nhỏ.

Nhân đó đặt tên là Di-lặc. Cha mẹ thương yêu vô cùng, tiếng tăm đứa trẻ cũng đồn lan truyền khắp nơi, nhà vua nghe được, lo sợ thầm nghĩ: “Đứa bé này, danh tướng tốt đẹp rõ ràng, giả sử nó là bậc Cao đức, sau này ắt đoạt ngôi vị của ta, đợi khi nó chưa trưởng thành, ta hãy đề phòng trừ diệt trước, nếu không ắt có họa hoạn về sau.” Nghĩ kế xong, vua liền ra lệnh cho quan phụ tướng:

– Trẫm nghe nói khanh có một đứa con, dung mạo khác thường, khanh có thể mang đến để trẫm ngắm xem nó được chăng? Khi đó người trong cung nội vương phủ nghe ý đồ mưu tính của vua, rất đau lòng như nước sôi lửa bỏng. Đứa bé này có một người cậu tên Ba-bà-lê ở nước Ba-lê-phất-đa-la, làm tới quốc sư, là một người thông minh học rộng, trí tuệ hiểu biết cao xa, tài năng đặc thù. Ông có  năm trăm người đệ tử thường tới lui thọ học. Lúc bấy giờ quan phụ tướng rất yêu quý đứa con của mình, sợ bị nhà vua hại nên âm thầm tính kế sai người dùng voi chở đứa con gửi cho người cậu. Người cậu trông thấy Di-lặc tướng tốt, lòng càng thương mến nuôi dưỡng. Đứa bé dần dần lớn lên, ông dạy cho học hành, học một ngày bằng người khác học cả năm, học chưa bao lâu đã lào thông kinh thư. Khi ấy Babà-lê thấy cháu mình học chưa bao lâu mà thông đạt các sách vở như thế, ông muốn mở một bữa tiệc để hiển dương tiếng tốt của nó. Ông sai một người đệ tử đến nước Ba-la-nại nói với quan phụ tướng rằng sở học của con trai ông quý hơn châu ngọc, nay đã thành công, người cậu muốn mở tiệc ăn mừng. Người đệ tử này đi được nửa đường nghe người ta nói Đức Phật có đức hạnh vô lượng, suy nghĩ hâm mộ muốn đến diện kiến, liền đi đến chỗ Phật, đi giữa đường bị hổ vồ bắt ăn thịt, nhờ có tâm thiện nên được sinh lên cõi trời Tứ thiên. Ông Ba-bà-lê đem hết sức mình tập hợp của cải để chiêu đãi một bữa tiệc lớn, thỉnh các Bà-la-môn. Tất cả mọi người đều vân tập, bày biện các món thức ăn khéo léo ngon lạ. Chiêu đãi xong, đại thí cho mỗi người được năm trăm đồng tiền vàng. Bố thí xong tài vật khánh tận thì có một vị Bà-lamôn tên là Lao-độ-sai đi đến sau cùng gặp Ba-bà-lê nói:

– Tôi đi đến sau tuy không được ăn nhưng cũng nên cho tôi năm trăm đồng tiền vàng.

Ba-bà-lê đáp:

– Tài vật tôi đã hết, thật sự không thể đáp ứng cho ông nữa.

Lao-độ-sai nói:

– Nghe ông mở cuộc bố thí nên tôi mới đi đến. Tại sao không thấy có được gì cả, nếu ông trái nghịch không cho tôi thì bảy ngày nữa, đầu ông sẽ vỡ bảy mảnh.

Khi đó Ba-bà-lê nghe lời nói rồi tự suy nghĩ: “Ở đời có ác chú và đạo đầu độc khác, sự việc này không thể xem thường, giả sử có thể có, chắc là tài vật đều hết, không cách nào tính được.” Nghĩ thế buồn rầu lấy làm sợ sệt. Nhờ trước kia có một đệ tử mạng chung sinh lên cõi trời, từ xa trông thấy thầy mình buồn rầu tiều tụy không chỗ nương cậy, liền từ trên trời bay xuống đến trước mặt thầy hỏi:

– Thưa thầy, vì sao thầy buồn rầu?

Vị thầy mới đem mọi việc trình bày ra hết. Vị trời nghe rồi nói  với thầy:

– Lao-độ-sai chưa biết Đảnh pháp, là người ngu si sống trong lưới mê tà ác, rốt cùng làm sao có thể hại, xin chớ lo buồn về việc này. Nay chỉ có Đức Phật có thể giải quyết Đảnh pháp, là Bậc Vô Cực Pháp Vương, đáng để quy y.

Bấy giờ Ba-bà-lê nghe trời nói về Phật, liền hỏi thêm:

– Đức Phật là người thế nào?

Trời liền nói:

– Đức Phật trước kia sinh ở Ca-tỳ-la-vệ, con vua Tịnh Phạn, Ngài sinh ra từ hông phải, đi bảy bước, được trời người tôn xưng, có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, hào quang chiếu khắp trời đất; trời Đế Thích, Đại phạm hầu hạ, có ba mươi hai điềm lành chất đầy trời đất. Thầy tướng đến xem nói hai điều: Một, nếu ở tại gia sẽ làm Chuyển luân thánh vương. Hai, nếu xuất gia sẽ thành Phật. Sau khi lớn lên, do thấy già bệnh chết, không thích ngôi vua, Ngài vượt hoàng cung bỏ nước, sáu năm khổ hạnh, ngồi dưới cội Bồ-đề, phá sạch mười tám ức ma. Lúc nửa đêm, chứng Tam minh, Lục thông, Thập lực vô úy, Thập bát bất cộng đều đầy đủ. Ngài đến nước Ba-la-nại chuyển pháp luân lần đầu tiên cho năm anh em Kiều-trần-như dứt sạch lậu, tám vạn chư Thiên được pháp nhãn tịnh, vô số trời người phát tâm cầu đạo Vô thượng. Kế đến nước Ma-kiệt-đà độ Uất-tỳ-la-tinh, Xá-lợi-phất, Mụckiền-liên…, có cả thảy một ngàn hai trăm năm mươi vị Tỳ-kheo làm đồ đệ gọi là Tăng chúng. Công đức trí năng của Ngài không thể kể xiết, nói tóm lại gọi là Phật. Hiện nay Ngài đang ở thành Vương xá, trong núi Thứu đầu.

Khi đó ông Ba-bà-lê nghe tán thán về Đức Phật, tự suy nghĩ: “Ắt là có Phật. Trong sách ta có ghi chép, sao Phật giáng hiện, trời đất chấn động, sẽ sinh Thánh nhân, nay thật sự có việc này, dường như là vị này”, liền sai Di-lặc và mười sáu người đến gặp Cù-đàm. Trông thấy Đức Phật tướng hảo, đầy đủ các tướng, tâm niệm Di-lặc suy nghĩ vấn nạn Đức Phật:

– Thầy ta là Ba-bà-lê có vài tướng, còn thân ta đây có hai tướng: tóc xanh mượt và lưỡi rộng dài. Nếu ông ấy biết việc ấy, lại càng nạn vấn: Thầy ta Ba-bà-lê năm nay một trăm hai mươi tuổi, nếu như ông ấy biết, càng phải nạn vấn. Thầy ta là dòng họ nào, muốn biết dòng họ của ta là Bà-la-môn, như ông ta biết lại càng phải nạn vấn. Thầy Ba-bà-lê ta có vài đệ tử, còn như ta đây có năm trăm đệ tử, nếu đáp biết được số đó, ắt đây đúng là Phật.

Bấy giờ Di-lặc tiến đến thành Vương xá gần núi Thứu đầu, thấy dấu chân Phật có tướng ngàn bánh xe rõ như ban ngày, liền hỏi người ta rằng:

– Đây là dấu chân ai?

Có người đáp:

– Đây là dấu chân Phật.

Khi đó nhóm người của Di-lặc ôm lòng ngưỡng mộ, bồi hồi bên dấu chân. Lúc đó có vị Tỳ-kheo-ni Sát-la cầm một con trùng chết đểnơi dấu chân Phật, chỉ bày cho nhóm người của Di-lặc đều cùng xem:

– Các ông đều khâm phục ngưỡng mộ dấu chân này. Còn các ông giẫm giết chúng sinh có kỳ lạ không? Di-lặc cùng mọi người đến trước xem, nhìn thấy hình tướng là độc trùng, liền hỏi Tỳ-kheo-ni:

– Bà là đệ tử của ai?

Tỳ-kheo-ni đáp:

– Là đệ tử của Đức Phật.

Bấy giờ nhóm người của Di-lặc đều tự nói: “Trong đệ tử Phật cũng có người này”. Họ dần dần đi đến chỗ Phật, từ xa trông thấy Thế Tôn quang minh chiếu diệu, các tướng chói lọi. Đức Phật liền vì họ le lưỡi dài trùm cả mặt, lại dùng thần lực khiến họ thấy âm tàng, thấy khắp các tướng, họ càng thêm vui mừng, liền vâng lệnh thầy trình bày tâm khó nghĩ:

– Thầy con là Ba-bà-lê cũng có vài tướng.

Đức Phật từ xa liền đáp:

– Thầy ngươi Ba-bà-lê chỉ có hai tướng, một là tóc xanh mượt, hai là lưỡi rộng dài. Di-lặc nghe rõ trong lòng càng muốn chất vấn:

– Thầy con Ba-bà-lê năm nay bao nhiêu tuổi.

Đức Phật đáp:

– Thầy Ba-bà-lê của ngươi năm nay một trăm hai mươi tuổi. Tuy nghe rồi nhưng trong lòng còn muốn nạn vấn:

– Thầy Ba-bà-lê con thuộc dòng tộc nào?

Đức Phật đáp:

– Thầy Ba-bà-lê của người thuộc chủng tộc Bà-la-môn.

Di-lặc nghe rồi lòng càng nạn vấn:

– Thầy Ba-bà-lê con có mấy đệ tử?

Đức Phật đáp:

– Thầy Ba-bà-lê của ngươi có năm trăm đệ tử. Lúc bấy giờ chúng hội nghe Đức Phật nói rồi rất ngạc nhiên: “Như Lai riêng một mình nói lời này”. Khi đó các đệ tử quỳ hỏi Đức Phật:

– Bạch Thế Tôn, tại sao Thế Tôn nói như vậy?

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

– Có ông Ba-bà-lê ở nước Ba-lê-phất-đa-la, sai mười sáu đệ tử đến chỗ Ta thử xem tướng Ta, do họ khởi tâm niệm, nên Ta đáp đầy đủ.

Lúc đó nhóm người của Di-lặc nghe Đức Phật đáp nạn vấn đúng như thật, không sai một chút nào, sinh lòng rất kính ngưỡng, đi đến chỗ Phật ngự, đầu mặt đảnh lễ rồi ngồi qua một bên. Đức Phật vì họ thuyết pháp, cả mười sáu người được pháp nhãn tịnh, từ chỗ ngồi đứng dậy muốn cầu xin xuất gia. Đức Phật bảo:

– Thiện lai!

Râu tóc họ tự rụng, pháp y mặc trên thân trở thành Sa-môn. Đức Phật lại dùng thêm phương tiện thuyết pháp cho họ cả mười sáu người chứng quả A-la hán.

Bấy giờ Di-lặc cùng nhóm bạn cùng bàn bạc:

– Thầy Ba-bà-lê ở xa, nên sai người trở về cho hay tin tức. Trong mười sáu người có một người tên Tân Kỳ là con của chị gái ông Babà-lê. Họ sai người này về thưa tin tức. Vị ấy bèn trở về nước Ba-bà- lê trình bày các điều nghe thấy. Ông Ba-bà-lê nghe rồi, trong lòng vui mừng, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay quỳ xuống hướng về thành Vương xá, tự thành tâm nói:

– Sinh ra đời rất khó gặp được Bậc Thánh, suy nghĩ muốn gặp tôn dung, bẩm thọ thanh hóa, tuổi đã già, chân tay không còn mạnh khỏe, tuy có thành tâm nhưng không tự đạt được, Đức Thế Tôn đại từ, đoán biết tâm người, cúi mong khuất thần đến để tiếp độ. Khi đó Như Lai tự biết được ý của ông, co duỗi cánh tay trong  khoảng chốc lát đến trước mặt ông. Lễ xong, ông ngước đầu nhìn thấy Thế Tôn, vui mừng kinh ngạc, lễ bái thăm hỏi, mời ngồi cung kính đứng hầu Phật. Đức Phật vì ông thuyết pháp, ông chứng quả A-nahàm, lúc đó Thế Tôn trở về núi Thứu đầu. Bấy giờ vua Tịnh Phạn nghe Đức Phật thành đạo đi khắp nơi giáo hóa, nhiều nơi được hóa độ, ôm lòng khát ngưỡng suy nghĩ muốn được gặp, mới bảo Ưu-đà-da rằng:

– Ông đi đến chỗ Phật, đem ý của ta thưa với Tất-đạt: “Con có đắc đạo nên trở về, ta nguyện tuân theo lời giáo hóa”. Khi đến gặp nhau, Ưu-đà-da đến trình bày ý của vua. Đức Phật hứa khả, bảy ngày nữa sẽ trở về. Ưu-đà-da vui mừng trở về báo tin tức, vua Tịnh Phạn nghe xong nói với các quần thần:

– Ưu-đà-da đến bảo rằng Đức Phật sẽ trở về. Vua cho chuẩn bị trang nghiêm thành nội rất là sạch sẽ, dẹp đường xá, dựng trang phan khắp nơi, cùng các hoa hương chuẩn bị cúng dường. Chuẩn bị trang hoàng xong, vua cùng các quần thần đi ra ngoài thành bốn mươi dặm nghênh đón Thế Tôn. Lúc bấy giờ Như Lai cùng cả đại chúng tám Kim cang Lực sĩ đứng ở tám mặt, có bốn vị Thiên vương đi trước dẫn đường, trời Đế Thích cùng các trời cõi Dục hầu hạ bên trái đường, các Tỳ-kheo Tăng thứ tự đứng sau. Đức Phật đứng ở giữa đại chúng, phóng đại quang minh, chiếu sáng khắp trời đất, hơn cả mặt trời, mặt trăng, khắp cùng đại chúng, cỡi hư không mà đi, sắp đến gần vua, hạ thấp bằng đầu người. Vua cùng thần dân, phu nhân, thể nữ trông thấy đại chúng y vàng rực rỡ, Đức Phật đứng ở giữa như những vì sao chung quanh mặt trăng. Vua rất vui mừng bất giác cúi xuống lễ bái, hỏi thăm rồi cùng trở về nước, trụ ở Tăng-già-lam Ni-câu-lư-đà. Quốc pháp lúc bấy giờ nam nữ có khác, vua cùng thần dân hàng ngày được nghe pháp, nghe xong được giác ngộ, người được độ rất nhiều. Còn các phụ nữ thì ôm lòng oán hận: “Đức Phật cùng đại chúng tuy trở về nước, người nam có được may mắn, riêng được thấy nghe, còn người nữ chúng tôi không nhờ được ân đức”. Đức Phật biết ý đó, liền nói với vua:

– Từ nay về sau khiến cả nước được nghỉ ngơi nghe pháp một ngày một giờ.

Từ đó về sau, nhờ ân Phật, phái nữ được độ rất nhiều. Khi đó di  mẫu Ma-ha Ba-xà-ba-đề, sau khi Phật đã đi xuất gia, tự tay bà dệt một tấm lụa màu vàng trong lòng tưởng nhớ, chỉ chờ đợi Phật, nay đã gặp được Phật, lòng rất vui mừng, cầm tấm lụa ấy dâng lên Như Lai. Đức

Phật bảo:

– Kiều-đàm-di, bà hãy đem tấm lụa này đi dâng cho chúng Tăng.

Khi đó bà Ma-ha Ba-xà-ba-đề lại bạch Phật:

– Từ khi Đức Phật xuất gia, tâm tôi mỗi khi nhớ đến nên tự tay dệt tấm lụa này, một lòng chờ đợi Phật, cúi mong thương xót vì tôi nạp thọ.

Đức Phật bảo di mẫu:

– Biết mẹ chuyên tâm nhưng Ta muốn di mẫu bố thí cho chúng Tăng thì được phước báo rất nhiều, Ta biết việc này, nên mới khuyên đấy.

Đức Phật lại nói:

– Nếu có đàn-việt đầy đủ mười sáu thứ thỉnh riêng tuy được phước báo cũng chưa là nhiều. Thế nào là mười sáu? Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni phải có tám vị, không như trong Tăng chúng thỉnh bốn vị, công đức được phước nhiều hơn kia. Trong mười sáu phần chưa bằng một. Đời mạt sau này, pháp sắp diệt tận, cho dù Tỳ-kheo nuôi vợ con nhưng bốn người trở lên mới gọi là Tăng, phải nên cung kính như Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên… Khi đó Ma-ha Ba-xà-ba-đề tâm liền khai giải lấy y ấy dâng cúng chúng Tăng, thứ tự cúng dường, không ai muốn nhận, đến trước Di-lặc thì ông thọ nhận. Sau đó Thế Tôn cùng Tỳ-kheo Tăng đi đến nước Ba-la-nại hóa đạo. Bấy giờ Di-lặc mặc y lụa sắc vàng, thân tướng đoan chánh, dung nhan vàng tím, trong người tương xứng uy nghi rõ ràng, vào thành Ba-la-nại, muốn đi khất thực. Đến con đường lớn, ôm bát đứng lại, nhân dân trông thấy tướng mạo vây quanh xem mãi không biết chán, tuy ai cũng đều khâm phục kính ngưỡng mà không có cho cơm. Có một người thợ xâu ngọc, gặp Di-lặc rất là ngưỡng mộ, liền hỏi:

– Đại đức, có được thức ăn chưa?

Đáp:

– Chưa được!

Ông liền mời về nhà bày dọn thức ăn cúng dường. Ăn uống, tắm gội xong, Di-lặc vì ông ta thuyết Diệu pháp, ngôn từ hay đẹp, nghe mãi không chán. Lúc đó có một vị đại trưởng già nọ muốn gả đứa con gái, trước tiên cần cho một xâu chuỗi ngọc, đi mượn xâu chuỗi xong đem trả mười vạn tiền. Khi đó trưởng giả sai người đến hỏi. Người thợ ngọc đang nghe pháp mới bảo:

– Đi đi! Sau này sẽ xâu cho.

Người đó lại nói:

– Nay rất cần gấp.

Ông nhớ xâu chuỗi đeo trên tay, nên lấy ra dặn người đó mang về và nói với vị trưởng giả chốc lát sẽ sai người đến. Vì còn đang nghe pháp chưa đi xâu chuỗi được. Vị ấy trở về thưa lại với trưởng giả, vị trưởng giả nổi giận nói:

– Đã sai người đến nói đôi lần mà còn nhờ vả ký thác, nay không làm theo ta cần.

Ông liền sai người đến lần nữa, nhân đó ôm tiền đi, nếu ông ta chưa xâu chuỗi thì đem ngọc trở về. Sai người đến hỏi cũng còn đang nghe pháp, biết là chưa xong ngọc, vội vã đòi ngọc lại, việc bất đắc dĩ, liền trả lại cho vị ấy, người thợ xâu chuỗi vẫn ở trước Di-lặc ngồi nghe pháp, tâm không chán mệt. Người vợ thợ xâu ngọc nổi giận trách mắng chồng:

– Chịu cực nhọc trong chốc lát thì đã được mười vạn tiền, lấy đó để mua sắm đồ đạc, y thực trong nhà đang thiếu thốn, chỉ lo nghe lời nói phù mỹ của Sa-môn để mất cái lợi tiền tài này. Chồng nghe vợ nói ôm lòng hối hận. Di-lặc biết ý ông nói:

– Nay ông có thể cùng đi đến tinh xá không?

Đáp:

– Vâng!

Lúc đó cả hai cùng đi đến tinh xá. Sắp đến trong Tăng chúng, Di-lặc mới hỏi tăng chúng rằng:

– Nếu có đàn-việt thỉnh một vị Sa-môn trì giới thanh tịnh đến nhà cúng dường, lợi ích đạt được có như mười vạn tiền không?

Khi đó ngài Kiều-trần-như nói:

– Giả sử có người được trăm xe châu báu, phước lợi ấy tính ra không bằng thỉnh một Sa-môn trì giới thanh tịnh về nhà cúng dường, được lợi rất nhiều.

Bây giờ ngài A-na-luật nói:

– Giả sử của báu có được đầy cả bốn thiên hạ, cũng không bằng thỉnh một vị Sa-môn trì giới thanh tịnh về nhà cúng dường, được lợi thù thắng gấp bội. Sở dĩ như vậy vì sở chứng của tôi tự nhớ quá khứ chín mươi mốt kiếp, có Đức Phật hiệu là Tỳ-bà-thi, sau khi nhập Niếtbàn, kinh pháp diệt tận, lúc đó ở châu Diêm-phù-đề có một nước lớn tên Ba-la-nại.

Bấy giờ, trong nước có một thương buôn, nhà rất giàu có không thiếu thốn gì cả. Ông có hai cậu con trai, tướng mạo đều đoan chánh. Đứa lớn tên Lệ-tra, đứa nhỏ tên A-lệ-tra. Lúc người cha sắp mạng chung dặn dò hai đứa con:

– Cha chắc không tránh khỏi sự chết, sau khi cha qua đời, anh em các con nên nhớ cùng nhau thờ phụng hợp tâm hợp lực, chớ có sống riêng. Tại vì sao thế? Thí như một sợi tơ không thể buộc con voi, nhưng hợp nhiều sợi tơ lại thì có thể chế phục con voi. Thí như một cọng cỏ không riêng đốt cháy, hợp nhiều cọng cỏ thành một bó đốt cháy lâu hơn. Nay anh em các con, cũng lại như vậy, phải cùng tương trợ, nương tựa với nhau thì người ngoài không phá hoại được, bên trong siêng năng thì gia nghiệp ngày càng phát đạt. Sau khi dặn dò xong thì tắt thở qua đời, anh em vâng lời cha sống chung với nhau một thời gian. Sau này vợ của A-lệ-tra tự suy nghĩ rằng: “Nay cùng sống chung với người của nhà anh biết không được ưu đãi mấy, nếu sống riêng ai nấy cố gắng nỗ lực, về tình đã không khó xử mà có thể tự lập thành ngôi nhà.” Nghĩ thế xong bèn nói với chồng là A-lệ-tra. Nghe vợ nói như vậy, người em cho là không thể, người vợ lại năn nỉ, nói ra đạo lý dông dài. A-lệ-tra đem sự việc thưa với anh, người anh nhắc lại lời cha dặn dò và nói sự việc ấy không thể. Bấy giờ vợ A-lệ-tra cứ mỗi ngày khuyên chồng, người chồng đành thưa với anh là phải sống riêng. Sau khi ở riêng, vợ của Alệ-tra tự do phóng túng, tu tập bạn bè ăn uống xa xỉ, không theo lễ độ. Trải qua chưa được mấy năm của cải tài sản trong nhà tiêu hao hết, nghèo khổ không phương sinh sống, lại đi đến người anh xin. Người anh cho mười vạn tiền đem về tiêu dùng hết rồi lại tiếp tục xin, cứ như vậy sáu lần, trước sau cho cả thảy sáu mươi vạn tiền. Sau này lại đến cầu xin nữa, người anh quở trách:

– Em quên lời cha dạy, không chịu nghe lời, mới được mấy năm thì xin sống riêng, tiêu xài vô độ. Không thể cho nữa, trước nay đã cho em cả thảy sáu mươi vạn tiền, em còn chẳng biết đủ, lại còn đến cầu xin. Hôm nay cho em thêm mười vạn tiền, có sống hay không có sống như thế nào, đừng đến xin nữa. Người em bị quở trách, xấu hổ lấy tiền ra về. Vợ chồng sửa đổi siêng năng tiết kiệm, tài sản ngày càng phát triển rộng sau này dần dần giàu có không thiếu thốn gì. Còn người anh Lệ-tra gặp phải suy vi phá sản, của cải, tài vật tiêu tan, nhà cửa nghèo thiếu vô phương sinh kế, mới đi đến bên người em cầu xin ít tiền. Người em không cho mà còn nổi giận hiềm trách nói với anh:

– Anh chưa từng biết nghèo sao lại đi đến tôi xin. Nói rồi cũng không cho ăn uống gì cả. Người anh bèn trở về tự ngẫm nghĩ: “Trong cuộc đời sinh tử, sao mà đáng sợ thế? Anh em cùng một cha mẹ, sao không biết ân dưỡng, huống nữa là người khác.” Suy rộng nghĩa lý, tâm Lệ-tra liền chán thế gian, bỏ nhà vào núi, tĩnh tọa tư duy các pháp sinh diệt, tâm liền khai ngộ, thành Bích-chi-phật, uy nghi khả quan, rồi đi vào thành khất thực. Gặp lúc nhân dân đói thiếu, đi khất thực khó được. Khi đó người em A-lệ-tra sau này nghèo khổ, hàng ngày phải đi kiếm củi đem bán để nuôi sống vợ con. Một buổi sáng nọ, đi vào trong cửa thành, gặp vị Bích-chi-phật uy nghi khả quan vào thành khất thực, chàng ta vẫn đi kiếm củi rồi trở về đến cửa thành thấy Bích-chi-phật đi ôm bát không, tâm tự suy nghĩ: “Đây là Khoái Sĩ, sáng sớm thấy vào thành sao bây giờ ôm bát không ra về. Nếu nay đi chung với ta về nhà, ta sẽ đem thức ăn dâng cúng cho ngài.”, nghĩ thế rồi đi. Bấy giờ Bích-chi-phật quán biết được ý của người em, liền đi theo sau đến cổng nhà. A-lệ-tra trông thấy Bích-chiphật, tâm vui mừng, liền trải giường thỉnh ngài vào ngồi, tự tay mình đem thức ăn dâng cho ngài. Bấy giờ Bích-chi-phật nói với A-lệ-tra:

– Người cũng đói khát, nên cùng chia nhau ăn. A-lệ-tra bạch:

– Chúng con người thế tục ăn không giờ giấc, còn ngài chỉ dùng một buổi, xin hãy thọ nhận. Bích-chi-phật liền thọ trai, cảm niệm sự chí tâm của thí chủ. Gặp lúc đói ngặt, cha con không thể cứu, cắt thân mình dùng để cúng thí.  Ngay lúc đó, Bích-chi-phật liền bay lên hư không, thân xuất ra lửa nước, hiển hiện thần túc, rồi trở lại trước mặt, nói với A-lệ-tra:

– Có muốn cầu nguyện gì thì sẽ được như ý? Thấy sự biến hiện vui mừng, A-lệ-tra liền chí tâm tự lập thệ nguyện: “Tất cả chúng sinh có nhiều của cải, nguyện tôi đời đời chớ có thiếu thốn, mong muốn điều gì, ưng ý mà có.” Lại nguyện: “Tương lai gặp được bậc Thượng sĩ công đức thù thắng gấp trăm ngàn vạn lần vị này, khiến tôi ở chỗ vị ấy được lậu tận, chứng thần túc biến hóa cùng với ngài không khác.” Cầu nguyện xong, lại vui mừng gấp bội. Bấy giờ Bích-chi-phật trở về chỗ ở, còn A-lệ-tra trở về đi kiếm củi, thì thấy một con thỏ, ý muốn bắt lấy, chạy đến gần, lấy liềm từ xa ném, tức thời rớt trên đất. Chàng chạy tới trước muốn lấy thì thấy hóa thành người chết đè lên lưng, bao phủ đầu mình, dùng hết sức lôi đẩy đi, nhưng không làm nổi. Trong lòng chàng lo sợ, kinh hoảng khổ não, ý muốn vào thành cùng vợ tiếp, nhưng sợ người ta trông thấy khiến không cho vào nên ở lại đợi đến trời tối dùng áo che phủ vác vào thành đi vào nhà. Vác vào đến trong nhà, bao ấy tự nhiên rơi xuống đất, biến thành một đống vàng Diêm-phù-đàn, ánh sáng chói lọi. Những nhà bên cạnh đồn đãi lần lần đến tai nhà vua. Vua liền sai người đi đến xem xét có đúng sự thật không, sai người đến thấy thì là xác người chết, trở về tâu vua là xác người chết. Nhà vua hỏi người khác thì nói là thấy vàng. Thấy việc quá kỳ lạ, vua sai người đến xem nữa. Đến lui như vậy bảy lần đều nói không chắc chắn. Nhà vua đích thân đi đến xem thấy là xác người chết, thây thi dần dần muốn hôi thối, liền bảo A-lệ-tra:

– Nhà ngươi thấy như thế nào?

A-lệ-tra đáp:

– Đây thật là vàng.

Liền lấy một ít dâng lên cho vua. Đức vua thấy sắc vàng, quý chưa từng có, mới hỏi nguyên do, duyên sự thế nào mà được vàng này Lúc đó A-lệ-tra trình bày đầy đủ gốc ngọn cho vua nghe, chắc là do đức Bích-chi-phật. Vua nghe nói, khen: “Lành thay! Ngươi được phước báo gặp được bậc Thượng nhân này”, liền ban cho chức đại thần.

Nói đến đây ngài A-na-luật nhắc lại:

– Như thế đó chư Tôn, A-lệ-tra kia chính là tiền kiếp của tôi. Tôi  ở đời trước dùng ít mè cúng thí cho Bích-chi-phật, nhân đó tự cầu nguyện, duyên đó đến nay được chín mươi mốt kiếp sinh trong trời người không bị thiếu kém, thân tướng trang nghiêm muốn gì đều được như ý, cho đến đời này, khi ở tại gia, tôi thường dạo chơi, không thích việc đời, anh Ma-ha-nam thường có lời oán trách. Mẹ tôi nói rằng: “Con tôi có phúc đức”. Anh Ma-ha-nam nói: “Tôi riêng một mình suy nghĩ nhọc nhằn, việc nhà ruộng nương. Nó ở không nằm ăn, làm sao có phước đức”. Bà mẹ muốn thử, sai tôi đến ruộng coi việc trồng tỉa, mà không đem cơm. Tôi ngạc nhiên sao đem cơm đến chậm, sai người đi hỏi, mẹ sai người đến nói với tôi rằng: “Không có gì cả”. Tôi trở về thưa mẹ: “Cúi mong cho con!” Lúc đó mẹ nghe tôi nói liền lấy dụng cụ đồ vật dùng đồ che lại đem đưa cho tôi, khiến Ma-ha-nam trông thấy, anh đi đến trước tôi, vỡ ra thấy trăm vị thơm ngon, đồ đựng đầy đủ. Như vậy, tôi dùng có ít mè cúng thí Bích-chi-phật, trong chín mươi mốt kiếp phước lợi chưa giảm, lại do duyên này gặp Phật hóa độ. Vì thế cho nên mới biết thỉnh một vị Tỳ-kheo trì giới thanh tịnh về nhà cúng dường được lợi hơn của báu bốn châu thiên hạ. Ngài A-na-luật nói lời đó rồi, lúc đó Thế Tôn từ bên ngoài đi vào, nghe A-na-luật nói về việc quá khứ, bảo các Tỳ-kheo:

– Tỳ-kheo các ông, nói về quá khứ, Ta tiếp tục nói về đời vị lai. Lúc ấy ở cõi Diêm-phù-đề này đất đai rộng rãi bằng thẳng, không có núi sông, đất sinh cỏ mềm cũng như y áo của trời. Lúc đó nhân dân thọ mạng tám vạn bốn ngàn tuổi, thân cao tám trượng, ngay thẳng đẹp đẽ lạ thường, tánh người nhân từ hiền hòa, đầy đủ mười điều thiện. Thời đó sẽ có Chuyển luân thánh vương tên là Thắng Già. Lúc đó có một vị Bà-la-môn, trong nhà có một đứa con trai tên là Di-lặc, thân sắc vàng tím, ba mươi hai tướng tốt đầy đủ, quang minh chói lọi, sau xuất gia học đạo thành Bậc Tối Chánh Giác rộng vì chúng sinh chuyển pháp luân tôn quý. Đại hội lần thứ nhất độ chín mươi ba ức loại chúng sinh, đại hội lần thứ hai độ chín mươi sáu ức, đại hội lần thứ ba độ chín mươi chín ức. Các Tỳ-kheo như thế trong ba hội thuyết pháp, người được độ đều là Ta để giáo pháp lại cho chúng sinh gieo trồng phước điền hoặc cúng dường Tam bảo, xuất gia, tại gia trì giữ giới, người thắp hương đốt đèn lễ bái đều được ở trong ba đại hội ấy. Ba đại hội chúng sinh được độ do Ta để lại, sau này giáo hóa đồng  duyên làm đồ đệ.

Lúc bấy giờ Di-lặc nghe Phật nói thế từ chỗ ngồi đứng dậy quỳ xuống chắp tay bạch:

– Con nguyện làm vị Di-lặc Thế Tôn ấy.

Đức Phật bảo Di-lặc:

– Như lời ông nói, sau này ông sẽ là Di-lặc Như Lai, giáo hóa như đã nói trên đều là ông vậy.

Bấy giờ, trong chúng hội có một vị Tỳ-kheo tên A-thi-đa quỳ bạch Đức Phật:

– Con nguyện làm vị Chuyển luân thánh vương đó.

Đức Phật bảo:

– Ông chỉ muốn đêm dài tham vui sinh tử, không tính ra khỏi sao?

Lúc đó tất cả đại chúng thấy Đức Phật thọ ký cho Di-lặc sau này thành Phật, cũng tên là Di-lặc, đều có tâm nghi, muốn biết nguồn gốc. A-nan từ chỗ ngồi đứng dậy bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn, Di-lặc thành Phật lại có tên Di-lặc, do nhân duyên gì mà đặt tên như thế?

Đức Phật bảo:

– Này A-nan, hãy lắng nghe!

Vào thời quá khứ kiếp a-tăng-kỳ vô lượng, ở cõi Diêm-phù-đề này có một vị đại quốc vương tên Đàm-ma-lưu-chi thống lãnh châu Diêm-phù-đề tám vạn bốn ngàn nước, sáu vạn núi sông, tám mươi ức tụ lạc, hai vạn phu nhân thể nữ, một vạn đại thần, trong đó có một nước nhỏ giàu có vui vẻ, vua tên Ba-tắc-kỳ. Lúc đó Đức Phật Phất-sa vừa mới ra đời hóa đạo chúng sinh trong nước ấy. Khi đó vua Ba-tắckỳ cùng các quần thần chuyên cúng dường Đức Phật và chúng Tăng, nghĩ đến triều gặp đại vương cống hiến đều dứt cả. Lúc đó đại vương ngạc nhiên thấy họ không đến, bèn sai sứ giả đến quở trách. Sứ giả đến nói:

– Mấy năm gần đây, người và thư đều cắt đứt, ngài là bề tôi vì sao trái lại, ắt là có lòng dạ khác chăng, muốn ôm lòng phản nghịch chăng?

Khi đó vua Ba-tắc-kỳ được nghe lời đại vương dạy, tự biết trái phạm nhưng chẳng biết làm sao, liền đi đến bái kiến Đức Phật bạch sự  việc như vậy. Đức Phật bảo vua:

– Bệ hạ chớ có lo lắng, hãy nhờ sứ giả trở về thành thật trình bày rằng: “Vì có Phật ở nước tôi, sớm tối lo phụng sự, cho nên không xin nghỉ phép, không đến chầu đại vương, còn của cải trong nước đem cúng Phật và chúng Tăng, không có dư để có thể đem cống hiến.” Vua Ba-tắc-kỳ được Đức Phật dạy rồi, liền trở về báo sứ giả y như lời Phật nói. Sứ giả trở về tâu đại vương đầy đủ ý của vua Ba-tắckỳ. Đại vương nghe xong rất là phẫn nộ, liền họp quần thần bàn bạc việc này. Các quần thần đều nói:

– Vua đó kiêu ngạo, đạo lý ngang ngược, nên tuyên hợp các binh lính đi công phạt hắn.

Đại vương liền đồng ý hợp binh đi đánh. Tiền quân sắp đến gần, vua Ba-tắc-kỳ hay được, trong lòng lo sợ vội đến bạch Phật. Đức Phật bảo:

– Chớ có lo rầu, chỉ nên đi gặp đại vương nói như lời trước. Vua Ba-tắc kỳ cùng các quần thần đi đến biên giới gặp đại vương vấn bái xong đứng qua một bên. Đại vương trách hỏi:

– Vì sao nhà ngươi ỷ lại ngã mạn thất thường không đến triều bái?

Vua Ba-tắc-kỳ nói:

– Tâu đại vương, Đức Phật ra đời rất khó gặp, nay Ngài đang ở nước của thần, hóa đạo chúng sinh. Vì sáng tối lo hầu hạ cho nên khiến thất lễ với đại vương. Lại trách thêm:

– Cho dù hầu hạ cũng được, nhưng tại sao cắt đứt không cống hiến?

Vua Ba-tắc-kỳ nói:

– Tâu đại vương, Đức Phật có đồ chúng gọi là chúng Tăng. Họ giữ giới đức thanh tịnh, là ruộng phước cho người đời, lấy của trong nước thường dùng cúng dường, nên không có dư nhiều có thể đem đi cống hiến.

Đàm-ma-lưu-chi nghe xong lời này bảo:

– Hãy thôi! Ta cần gặp Phật, gặp Phật xong sẽ trở về, miễn hỏi tội nhà ngươi. Vua liền cùng quần thần đi đến chỗ Phật. Lúc đó Như Lai được  đại chúng vây quanh, thảy đều ngồi nhập định yên lặng. Có một Tỳ- kheo nhập Từ bi tam-muội, phóng kim quang minh như đống lửa lớn. Vua Đàm-ma-lưu-chi từ xa trông thấy Thế Tôn quang minh chói lọi hơn cả mặt trời mặt trăng, đại chúng vây quanh như những tinh tú, đảnh lễ Phật đúng như pháp thăm hỏi. Thấy vị Tỳ-kheo này quang minh sáng chói, vua liền bạch:

– Bạch Thế Tôn, vị Tỳ-kheo này nhập định gì mà ánh sáng chói lọi như thế?

Đức Phật bảo:

– Đại vương, Tỳ-kheo này nhập định Từ bi Vua nghe xong kính ngưỡng gấp bội. Nghe nói về định Từ bi ca vòi vọi như thế, vua nói:

– Con muốn tập tam-muội Từ bi này.

Nói xong, chí hâm mộ định Từ bi, ý rất nhu nhuyễn, tâm vô hại, liền thỉnh Đức Phật và chúng Tăng cúi mong hồi thân đi đến đại quốc. Đức Phật hứa khả tức khắc đi liền. Vua Ba-tắc-kỳ nghe Đức Phật muốn đi đến nước của vua Đàm-ma-lưu-chi, rất buồn nhớ, lưu luyến, tâm tư suy nghĩ: “Nếu khiến ta là đại vương, chắc Như Lai thường trụ ở nước ta, do ta nước nhỏ nên không được tự tại.” Nghĩ như vậy rồi liền hỏi Đức Phật:

– Bạch Thế Tôn, trong các vua ai là lớn nhất?

Đức Phật bảo:

– Vua Chuyển luân lớn nhất.

Vua Ba-tắc-kỳ nhân đó lập nguyện: “Nguyện cho tôi từ nay về sau cúng dường Đức Phật và chúng Tăng, công đức này thệ nguyện đời đời về sau làm vua Chuyển luân.”

Nói đến đây, Đức Phật nhắc lại:

– Này A-nan, đại vương Đàm-ma-lưu-chi thuở đó nay là Di-lặc, bắt đầu từ kiếp đó phát tâm Từ, từ đấy về sau thường tên Di-lặc. Vua Ba-tắc-kỳ nay là Kỳ-đà, vẫn ở trong nước đó làm vua Chuyển luân, từ đó về sau đời đời thường như vậy, cho đến ngày nay, công đức chẳng cùng. Bấy giờ thợ xâu ngọc nghe nói thế rồi phát tâm cầu đạo Vô thượng, ngoài ra chúng hội nghe Đức Phật thuyết pháp có người đắc quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, có người phát tâm Vô thượng chánh chân, có người trụ được Bất thoái địa, thảy đều cung kính vui vẻ phụng hành.