SỐ 223
KINH MA-HA BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT
Hán dịch: Pháp sư Cưu-ma-la-thập
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 17

Phẩm 56: KIÊN CỐ

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Ác ma đến chỗ Bồ-tát, muốn phá hoại tâm của Bồ-tát nên bảo: Nhất thiết chủng trí đồng với hư không rỗng không, chẳng có tướng, các pháp cũng đồng với hư không rỗng không, chẳng có tướng. Đối với các pháp đồng với hư không rỗng không, chẳng có tướng ấy, không có ai được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cũng không có ai chẳng được, các pháp ấy đều như hư không, chẳng có tướng. Ngài chịu khổ siêng tu vô ích. Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác của ngài nghe đó đều là việc ma, chẳng phải lời Phật dạy. Ngài nên buông bỏ tâm nguyện ấy đi. Ngài chớ mãi chịu đựng sự khổ, lo lắng chẳng an ấy mà phải rơi vào đường ác.

Lúc nghe lời trách cứ ấy, Bồ-tát này nghĩ rằng đây là ác ma muốn phá hoại tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác của ta.

Các pháp dầu như hư không, chẳng thật có, tự tướng rỗng không, nhưng chúng sinh chẳng biết, chẳng thấy, chẳng hiểu.

Tôi cũng do thệ nguyện rộng lớn trang nghiêm rỗng không, chẳng có tự tướng, đồng như hư không mà được Nhất thiết chủng trí rồi vì chúng sinh mà nói pháp cho họ được giải thoát, chứng quả Tuđà-hoàn cho đến quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát từ lúc bắt đầu phát tâm về sau, nếu nghe những việc trên tự phải vững tâm, chẳng để xao động. Do tâm vững chắc, chẳng xao động này mà thực hành sáu pháp Ba-la-mật, sẽ được vào địa vị Bồ-tát.

–Bạch Đức Thế Tôn! Vì chẳng chuyển mà gọi là chẳng thoái chuyển hay bị chuyển mà gọi là chẳng thoái chuyển?

–Này Tu-bồ-đề! Vì chẳng chuyển mà gọi là chẳng thoái chuyển, bị chuyển cũng gọi là chẳng thoái chuyển. Vì sao?

Này Tu-bồ-đề! Vì nếu Đại Bồ-tát chẳng bị chuyển đối với bậc Thanh văn, Bích-chi-phật thì gọi là chẳng thoái chuyển. Nếu Đại Bồ-tát chuyển bậc Thanh văn, Bích-chi-phật thì cũng gọi là chẳng thoái chuyển.

Do những hạnh, loại, tướng mạo trên đây mà được gọi là Đại Bồ-tát chẳng thoái chuyển.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát chẳng thoái chuyển lúc muốn nhập Thiền thứ nhất đến định diệt tận thì liền được nhập. Lúc muốn tu bốn Niệm xứ cho đến năm thần thông thì liền tu. Dầu tu bốn Niệm xứ đến năm thần thông, nhưng Đại Bồ-tát này chẳng thọ lấy quả của bốn Niệm xứ, dầu tu các thiền mà chẳng thọ lấy quả của các thiền, cho đến chẳng thọ lấy quả A-la-hán, quả Bích-chi-phật. Đại Bồ-tát này vì chúng sinh mà thọ lấy thân để tùy theo chỗ đáng là, chỗ nên làm, để lợi ích cho họ.

Do những hạnh, loại, tướng mạo này mà gọi là Đại Bồ-tát chẳng thoái chuyển.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát chẳng chuyển thường nghĩ nhớ Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, chẳng bao giờ xa lìa tâm của Nhất thiết chủng trí.

Vì chẳng xa lìa tâm của Nhất thiết chủng trí nên chẳng coi trọng sắc, chẳng coi trọng tướng, chẳng coi trọng Thanh văn, Bíchchi-phật, chẳng coi trọng sáu độ, chẳng coi trọng bốn Thiền, bốn Tâm vô lượng cho đến năm thần thông, chẳng coi trọng bốn Niệm xứ cho đến tám Thánh đạo, chẳng coi trọng mười Trí lực ccho đến mười tám pháp Bất cộng, chẳng coi trọng thanh tịnh cõi Phật, thành tựu chúng sinh, chẳng coi trọng thấy Phật, chẳng coi trọng trồng thiện căn.

Vì sao? Vì tất cả pháp tự tướng không, chẳng thấy có pháp được coi trọng và tâm thường coi trọng. Tất cả pháp không thật có, tự tướng không đồng như hư không.

Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát chẳng thoái chuyển này thành tựu có tâm như trên, trong bốn oai nghi của thân: đi, đứng, nằm, ngồi, tới lui, ra vào thường nhất tâm bất loạn.

Do các thứ hạnh, loại, tướng mạo này mà gọi là Đại Bồtát chẳng thoái chuyển.

Này Tu-bồ-đề! Nếu Đại Bồ-tát hiện thân tại gia vì lợi ích chúng sinh mà thọ lấy năm dục để bố thí cho chúng sinh: người cần ăn cho ăn, cần uống cho uống, cần y phục, ngọa cụ, thuốc men đều cung cấp cho. Đại Bồ-tát này tự thực hành Bố thí bala-mật và dạy người thực hành Bố thí ba-la-mật, khen ngợi pháp Bố thí ba-la-mật, cũng vui mừng khen ngợi người thực hành Bố thí ba-la-mật, cho đến Bát-nhã ba-la-mật cũng như vậy. Ở tại gia, Đại Bồ-tát này đem châu báu đầy khắp Diêm-phù-đề, đầy cõi đại thiên để cung cấp bố thí cho mọi loài chúng sinh, chẳng tự vì mình mà thường tu phạm hạnh, chẳng hiếp đáp, khinh dễ, cướp giựt của kẻ khác khiến họ phải sầu lo.

Do những hạnh, loại, tướng mạo này mà gọi là Đại Bồ-tát chẳng thoái chuyển.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Chấp Kim Cang Thần Vương cho đến Ngũ Tánh Chấp Kim Cang Thần thường theo gần gũi che chở Đại Bồ-tát này và nghĩ rằng: “Đại Bồ-tát này sẽ được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Do đó nên các Thiên tử, hoặc các Ma vương, Phạm vương, hoặc người có thế lực ở nhân gian đều chẳng phá hoại được tâm của Nhất thiết trí của Đại Bồ-tát này, cho đến thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.” Đó gọi là tướng Đại Bồ-tát chẳng thoái chuyển.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát thường đầy đủ năm Căn của bậc Bồ-tát: Tín căn, Tinh tấn căn, Niệm căn, Định căn, Tuệ căn. Đó gọi là tướng chẳng thoái chuyển.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát không thoái chuyển làm Thượng nhân chớ chẳng làm Hạ nhân.

–Bạch Đức Thế Tôn! Thế nào là Thượng nhân?

–Này Tu-bồ-đề! Nếu Đại Bồ-tát nhất tâm thực hành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, tâm chẳng tán loạn thì gọi là Thượng nhân.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát thường nhất tâm niệm Phật đạo, vì sinh hoạt thanh tịnh nên chẳng làm những nghề chú thuật, hòa hợp, thuốc men, chẳng phù chú quỷ thần sai nhập vào nam nữ để hỏi việc lành dữ, phước lộc, sống chết. Vì sao? Vì biết rõ các pháp tự tướng không, chẳng thấy các tướng nên chẳng chẳng làm việc tà mạng mà làm chánh mạng. Đó gọi là tướng Đại Bồ-tát chẳng thoái chuyển. Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Nay Phật sẽ nói hạnh, loại, tướng mạo của Đại Bồ-tát chẳng thoái chuyển, ngươi nên nhất tâm lắng nghe.

Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật. Vì thường chẳng xa lìa Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác nên chẳng nói việc năm ấm, chẳng nói việc mười hai nhập, chẳng nói việc mười tám giới. Vì sao? Vì thường quan niệm tướng của năm ấm, mười hai nhập, mười tám giới là không.

Đại Bồ-tát này chẳng thích nói về việc quan. Vì sao? Vì an trụ trong tướng không của các pháp nên chẳng thấy có việc sang, việc hèn.

Chẳng thích nói việc trộm cướp, vì các pháp tự tướng không nên chẳng thấy hoặc được, hoặc mất.

Chẳng thích nói việc quân trận, vì các pháp tự tướng không nên chẳng thấy hoặc nhiều, hoặc ít.

Chẳng thích nói việc chiến đấu, vì các pháp tự tướng không nên chẳng thấy hoặc thương, hoặc ghét.

Chẳng thích nói việc phụ nữ, trụ trong pháp không nên chẳng thấy hoặc đẹp, hoặc xấu.

Chẳng thích nói việc xóm làng, vì các pháp tự tướng không nên chẳng thấy hoặc hợp, hoặc tan.

Chẳng thích nói việc thành thị, vì trụ trong thật tế chẳng thấy hoặc thắng, hoặc thua.

Chẳng thích nói quốc sự, vì an trụ trong thật tế chẳng thấy có pháp thuộc nơi đó, hoặc chẳng thuộc nơi đó.

Chẳng thích nói về chính mình, vì an trụ trong pháp tánh nên chẳng thấy có pháp nào là ngã, hoặc vô ngã, cho đến chẳng thấy có ai biết, ai thấy.

Như vậy, Đại Bồ-tát chẳng thích nói các viêc thế gian, chỉ ưa nói Bát-nhã ba-la-mật, chẳng xa lìa tâm của Nhất thiết trí.

Lúc thực hành Bố thí ba-la-mật chẳng thực hành xan tham. Lúc thực hành Thi ba-la-mật chẳng thực hành phá giới, lúc thực hành Nhẫn ba-la-mật chẳng thực hành sự tức giận cãi cọ, lúc thực hành Tấn ba-la-mật chẳng thực hành sự biếng nhác, lúc thực hành Thiền ba-la-mật chẳng thực hành sự tán loạn, lúc thực hành Tuệ ba-la-mật chẳng thực hành sự ngu si.

Đại Bồ-tát này dầu thực hành tất cả pháp không, nhưng ưa thích chánh pháp, kính mến chánh pháp. Dầu thực hành pháp tánh nhưng thường khen ngợi pháp bất hoại mà mến thích Thiện tri thức như các Đức Phật và các Bồ-tát, Thanh văn, Bích-chi-phật. Có thể giáo hóa người ưa muốn Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Đại Bồ-tát này thường muốn thấy các Đức Phật. Khi nghe nói Phật hiện ở cõi nước nào liền nguyện vãng sinh về. Ngày đêm luôn khởi tâm tưởng nhớ nghĩ Phật.

Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát này nhập vào Thiền thứ nhất cho đến định Phi phi tưởng xứ, vì dùng năng lực phương tiện nên phát khởi tâm cõi Dục, gá sinh vào trong hàng chúng sinh hay thực hành mười nghiệp lành, vào trong chỗ hiện tại có Phật trụ.

Do các hạnh, loại, tướng mạo trên đây, phải biết đó là bậc Đại Bồ-tát chẳng thoái chuyển.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Lúc thực hành Bát-nhã ba-lamật, Đại Bồ-tát trụ trong nội không, ngoại không cho đến vô pháp hữu pháp không, an trụ trong bốn Niệm xứ cho đến ba môn Giải thoát: không, vô tướng, vô tác. Với địa vị của mình tự biết rất rõ, chẳng còn nghi là phải hay không phải bậc Đại Bồ-tát chẳng thoái chuyển.

Vì sao? Vì Đại Bồ-tát này chẳng còn thấy có chút pháp nào trong Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác hoặc chuyển hay chẳng thoái chuyển.

Này Tu-bồ-đề! Ví như có người được quả Tu-đà-hoàn, trụ trong quả Tu-đà-hoàn, tự biết rõ ràng, chẳng hề nghi ngờ. Cũng vậy, an trụ trong địa vị chẳng thoái chuyển, Đại Bồ-tát này tự biết rõ ràng, chẳng hề nghi ngờ. An trụ trong địa vị này, Đại Bồ-tát thanh tịnh cõi Phật, thành tựu chúng sinh. Lúc các việc ma phát khởi thì liền hay biết, cũng chẳng theo việc ma, phá hoại việc ma.

Này Tu-bồ-đề! Ví như có người phạm năm tội nghịch, tâm năm tội nghịch luôn theo dính người đó, cho đến chết chẳng rời, dầu có nghĩ việc khác cũng vẫn không ngăn cách tâm tội ấy. Cũng giống như vậy, Đại Bồ-tát này tự an trụ trong địa vị của mình, tâm thường bất động. Tất cả Trời, Người, A-tu-la trong đời không làm xao động được tâm Bồ-tát này. Vì sao? Vì Đại Bồ-tát này vượt trên tất cả hàng Trời, Người, A-tu-la mà vào trong địa vị chánh pháp, trụ trong nơi bậc mình đã chứng, đầy đủ thần thông Bồ-tát, thường hay tịnh Phật, thành tựu chúng sinh, từ một cõi Phật đến một cõi Phật. Ở chỗ chư Phật mười phương gieo trồng các thiện căn, hầu gần thưa hỏi các Phật. Đại Bồ-tát này an trụ như vậy, lúc có việc ma phát khởi liền hay biết mà chẳng theo, dùng năng lực phương tiện đặt việc ma vào trong thật tế. Với địa vị tự chứng, Đại Bồ-tát này chẳng nghi ngờ, hối tiếc. Vì trong thật tế chẳng có tướng nghi, tiếc. Biết rõ thật tế này chẳng phải một, chẳng phải hai. Do cớ trên đây mà Đại Bồ-tát này cho đến lúc chuyển thân, chẳng bao giờ hướng về hàng Thanh văn, Bích-chi-phật.

Trong các pháp tự tướng không, Đại Bồ-tát này chẳng thấy có pháp nào hoặc sinh hoặc diệt, hoặc nhơ hoặc sạch.

Này Tu-bồ-đề! Cho đến lúc chuyển thân, Đại Bồ-tát này chẳng bao giờ nghi ngờ rằng mình sẽ được hay chẳng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vì các pháp tự tướng không chính đó là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát này an trụ trong địa vị của mình chứng, chẳng theo lời người khác, không ai phá hoại được. Vì người này đã thành tựu trí tuệ bất động.

Do những hạnh, loại, tướng mạo trên đây, phải biết đó gọi là bậc Đại Bồ-tát chẳng thoái chuyển.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Nếu có ác ma hiện thân Phật đến bảo Đại Bồ-tát này rằng: Nay ngài ở trong đây chứng quả A-la-hán, ngài cũng chẳng được thọ ký Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cũng chưa được pháp Nhẫn vô sinh, ngài không có hạnh, loại, tướng mạo của bậc không thoái chuyển, cũng không có tướng để được thọ ký Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Lúc nghe lời nói như trên, Đại Bồ-tát này không bao giờ kinh sợ, nghi ngờ mà tự biết chắc chắn sẽ được các Phật thọ ký Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vì sao? Vì các Bồ-tát do pháp ấy mà được thọ ký, nay tôi cũng có pháp ấy sẽ được thọ ký.

Này Tu-bồ-đề! Nếu ác ma hoặc người bị ma sai hiện hình Phật đến thọ ký quả Thanh văn, Bích-chi-phật cho Đại Bồ-tát này.

Đại Bồ-tát này liền tự nghĩ đây là ác ma hoặc người bị ác ma sai hiện hình Phật đến làm như vậy. Vì các Đức Phật chẳng bao giờ bảo Bồ-tát xa lìa Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác để an trụ bậc Thanh văn, Bích-chi-phật.

Do những hạnh, loại, tướng mạo như trên, mà gọi là bậc Đại Bồ-tát chẳng thoái chuyển.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Ác ma hiện thân Phật đến chỗ Bồ-tát và bảo: Kinh sách của Ngài học chẳng phải của Phật nói, cũng chẳng phải của Thanh văn nói, đó là của ma nói.

Đại Bồ-tát này liền tự nghĩ, biết là ác ma hiện ra bảo ta xa lìa Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Này Tu-bồ-đề! Phải biết Đại Bồ-tát này đã được các Đức Phật quá khứ thọ ký cho, đã ở địa vị không thoái chuyển.

Vì sao? Vì các Đại Bồ-tát có bao nhiêu hạnh, loại, tướng mạo không thoái chuyển thì Đại Bồ-tát này cũng có đủ những hạnh, loại, tướng mạo ấy. Đó gọi là bậc Đại Bồ-tát không thoái chuyển.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Lúc thực hành Bát-nhã ba-lamật, Đại Bồ-tát này vì hộ trì chánh pháp mà chẳng tiếc thân mạng huống là những vật khác. Lúc hộ trì Phật pháp, Đại Bồtát nghĩ rằng: “Chẳng phải vì hộ trì chánh pháp của một Đức Phật mà vì hộ trì chánh pháp của tất cả chư Phật ba đời mười phương nên chẳng tiếc thân mạng.” Này Tu-bồ-đề! Như lời Phật dạy: “Tất cả pháp đều không”.

Lúc có kẻ ngu si phá hoại, chẳng nghe theo lời Phật mà nói rằng đó là phi pháp, là chẳng lành, chẳng phải lời Phật dạy. Này Tubồ-đề! Vì hộ trì pháp chân không như vậy mà Đại Bồ-tát chẳng tiếc thân mạng.

Đại Bồ-tát cũng phải tự nghĩ rằng: “Tôi cũng ở trong số các Phật vị lai, đã được thọ ký trong số đó, pháp chân không ấy cũng là pháp của ta. Tôi vì hộ trì pháp ấy mà chẳng tiếc thân mạng.”

Này Tu-bồ-đề! Vì thấy sự lợi ích quan trọng như vậy nên Đại Bồ-tát chẳng tiếc thân mạng để giữ gìn.

Do những hạnh, loại, tướng mạo ấy mà biết là tướng của bậc Đại Bồ-tát không thoái chuyển.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Nghe Đức Phật nói pháp, Đại Bồtát chẳng nghi hối, nghe xong ghi nhớ, thọ trì, chẳng hề quên mất. Vì sao? Vì Đại Bồ-tát đã được Đà-la-ni.

–Bạch Đức Thế Tôn! Được Đà-la-ni gì mà khi nghe Đức Phật nói các kinh pháp lại chẳng quên mất?

–Này Tu-bồ-đề! Vì Bồ-tát được Đà-la-ni văn trì nên chẳng quên mất các kinh pháp của Đức Phật đã dạy và chẳng nghi ngờ hối hận.

–Bạch Đức Thế Tôn! Chỉ là chẳng quên, chẳng nghi kinh pháp của Đức Phật dạy, còn của Thanh văn, Bích-chi-phật, tám bộ trời rồng nói có chẳng quên, chẳng nghi ngờ chăng?

–Này Tu-bồ-đề! Tất cả lời nói về các việc, Bồ-tát được Đà-lani này đều chẳng quên, chẳng nghi ngờ.

Này Tu-bồ-đề! Những hạnh, loại, tướng mạo như vậy, phải biết đó là bậc Đại Bồ-tát chẳng thoái chuyển.