SỐ 223
KINH MA-HA BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT
Hán dịch: Pháp sư Cưu-ma-la-thập
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 16

Phẩm 55: KHÔNG THOÁI CHUYỂN

Bấy giờ, Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Do hạnh gì, loại gì, tướng mạo gì mà biết là bậc Đại Bồ-tát không thoái chuyển? Phật dạy:

–Này Tu-bồ-đề! Nếu Đại Bồ-tát biết được phàm phu, hàng Thanh văn, hàng Bích-chi-phật và Phật. Trong tướng Như của các vị ấy không hai, không khác, cũng chẳng nghĩ, chẳng phân biệt. Vào trong Như ấy, nghe việc ấy vượt thẳng qua không nghi ngờ. Vì sao? Vì trong Như ấy không có một tướng, không có hai tướng.

Đại Bồ-tát này chẳng nói lời vô ích, chỉ nói toàn những lời lợi ích, chẳng nhìn đến chỗ hay dở của người khác.

Này Tu-bồ-đề! Do những hạnh, loại, tướng mạo như vậy mà biết bậc Đại Bồ-tát không thoái chuyển.

–Bạch Đức Thế Tôn! Lại còn do hạnh, loại, tướng mạo nào mà biết là bậc Đại Bồ-tát không thoái chuyển?

–Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát có thể thấy được tất cả pháp không hạnh, không loại, không tướng mạo, phải biết đây là bậc Đại Bồ-tát không thoái chuyển.

–Bạch Đức Thế Tôn! Nếu tất cả pháp không hạnh, không loại, không tướng mạo, Đại Bồ-tát chuyển những pháp gì mà gọi là bậc Đại Bồ-tát không thoái chuyển?

–Này Tu-bồ-đề! Nếu Đại Bồ-tát chuyển sắc địa cho đến chuyển thọ, tưởng, hành, thức, chuyển Bố thí ba-la-mật cho đến chuyển Trí tuệ ba-la-mật, chuyển nội không cho đến vô pháp hữu pháp không, chuyển bốn Niệm xứ cho đến mười tám pháp Bất cộng, chuyển Thanh văn, Bích-chi-phật, chuyển Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì gọi là Đại Bồ-tát không thoái chuyển.

Vì sao? Vì tánh sắc là không cho đến tánh Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác là không thì Bồ-tát này sẽ trụ chỗ nào.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát chẳng xét theo diện mạo, ngôn ngữ của ngoại đạo, của Sa-môn, của Bà-la-môn. Bồ-tát chẳng bao giờ nghĩ rằng các ngoại đạo, Sa-môn, Bà-lamôn này thật biết, thật thấy, hoặc nói chánh kiến.

Bồ-tát chẳng có tâm nghi ngờ, chẳng chấp giới thủ, chẳng rơi vào tà kiến, cũng chẳng cầu việc tốt của thế tục để làm thanh tịnh, chẳng lễ lạy cúng dường các vị trời.

Do các hạnh, loại, tướng mạo này mà biết là bậc Đại Bồtát không thoái chuyển.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát chẳng sinh vào nhà thấp hèn, cho đến chẳng sinh chỗ tám nạn, thường chẳng làm thân nữ. Do những hạnh, loại, tướng mạo này mà biết bậc Đại Bồ-tát không thoái chuyển.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát thường thực hành mười nghiệp lành: tự mình chẳng sát sinh cho đến chẳng tà kiến, cũng dạy người chẳng sát sinh cho đến chẳng tà kiến, vui mừng khen ngợi người chẳng sát sinh cho đến chẳng tà kiến. Bồ-tát này dầu trong giấc chiêm bao cũng chẳng phạm mười nghiệp ác. Do những hạnh, loại, tướng mạo trên đây mà biết là bậc Đại Bồ-tát không thoái chuyển.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Vì lợi ích cho chúng sinh mà Đại Bồtát thực hành Bố thí ba-la-mật cho đến Bát-nhã ba-la-mật, đó gọi là bậc Đại Bồ-tát không thoái chuyển.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Tất cả mười hai bộ kinh, từ Khế kinh cho đến Nghị luận, Đại Bồ-tát thọ trì, đọc tụng, giảng nói, ghi nhớ. Lúc ban pháp thí, Đại Bồ-tát nghĩ rằng do pháp thí mà tâm nguyện của tất cả chúng sinh hoàn mãn, đem công đức pháp thí này cho tất cả chúng sinh cùng hồi hướng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đó gọi là bậc Đại Bồ-tát không thoái chuyển.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! đối với pháp rất sâu, Đại Bồtát chẳng nghi ngờ. Vì sao? Vì bậc Đại Bồ-tát không thoái chuyển này đều chẳng thấy có pháp nào sinh được sự nghi ngờ. Từ sắc cho đến Nhất thiết chủng trí, chẳng thấy pháp nào sinh được sự nghi ngờ. Do những hạnh, loại, tướng mạo này mà biết là bậc Đại Bồ-tát không thoái chuyển.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Ba nghiệp thân, khẩu, ý của Đại Bồ-tát đều dịu dàng. Do đức từ mà thân, khẩu, ý thành tựu. Do đó mà biết là bậc Đại Bồ-tát không thoái chuyển.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát chẳng chung cùng với năm triền cái: dâm dục, sân hận, thùy miên, điệu hối và nghi. Do hạnh, loại, tướng mạo này mà biết bậc Đại Bồ-tát không thoái chuyển.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Đối với tất cả chỗ, Đại Bồ-tát đều không luyến ái. Do đó mà biết là bậc Đại Bồ-tát không thoái chuyển.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Lúc ra vào, đi lại, ngồi, nằm, đi, đứng, giở chân, đặt chân, Đại Bồ-tát luôn an ổn, thường tự chánh niệm, nhất tâm nhìn dưới đất mà bước. Do những hạnh, loại, tướng mạo này mà biết bậc Đại Bồ-tát không thoái chuyển.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Y phục, mền nệm của Đại Bồ-tát mặc dùng không ai gớm nhơ, Bồ-tát này ưa thích sạch sẽ, ít bị bệnh tật. Do đó mà biết là bậc Đại Bồ-tát không thoái chuyển.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Thân người thường có tám vạn hộ trùng xâm phạm cắn ăn. Thân của bậc Đại Bồ-tát không thoái chuyển không có các hộ trùng ấy. Vì công đức của Bồtát này vượt ngoài thế gian. Tùy theo công đức xuất thế này tăng ích mà Bồ-tát được thân thanh tịnh. Do các hạnh, loại, tướng mạo này mà biết bậc Đại Bồ-tát không thoái chuyển. Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn! Đại Bồ-tát được thân thanh tịnh, được tâm thanh tịnh thế nào?

Phật dạy:

–Này Tu-bồ-đề! Tùy thiện căn tăng ích đã được mà dứt trừ tâm vạy vò, tâm tà vọng, đó gọi là thân thanh tịnh và tâm thanh tịnh. Nhờ thân thanh tịnh và tâm thanh tịnh này mà Đại Bồ-tát vượt hơn các Thanh văn, Bích-chi-phật để bước lên địa vị Bồ-tát, đó gọi là bậc Đại Bồ-tát không thoái chuyển.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát chẳng ham lợi dưỡng. Dầu thực hành mười hai hạnh Đầu-đà mà chẳng quý pháp Đầu-đà. Do đó mà biết là bậc Đại Bồ-tát không thoái chuyển.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát thường chẳng sinh tâm xan tham, tâm ganh ghét, tâm ngu si, thường chẳng sinh tâm phá giới, tâm sân động, tâm biếng nhác, tâm tán loạn. Do các hạnh, loại, tướng mạo đây mà biết là bậc Đại Bồ-tát không thoái chuyển.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát tâm an trụ chẳng lay động, thâm nhập trí tuệ, nhất tâm nghe nhận pháp theo nghe, sự việc thế gian đều hợp với Bát-nhã ba-la-mật. Chẳng thấy có sự nghiệp nào chẳng nhập vào pháp tánh, thấy tất cả đều hợp với Bát-nhã ba-lamật. Đây là tướng mạo không thoái chuyển của bậc Đại Bồ-tát không thoái chuyển.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Ở trước Đại Bồ-tát, nếu ác ma hóa thành tám đại địa ngục, trong đó có ngàn ức muôn Bồtát đang bị đốt nấu đau khổ. Ác ma bảo Đại Bồ-tát này:

–Những người trong địa ngục này toàn là bậc Đại Bồ-tát không thoái chuyển được Đức Phật thọ ký mà đọa vào đây. Nếu ông được Đức Phật thọ ký không thoái chuyển thì cũng sẽ đọa vào đại địa ngục này. Chi bằng ngài xả bỏ tâm Bồtát thì chẳng bị đọa địa ngục mà sẽ được sinh lên cõi trời.

Dầu thấy việc trên, dầu nghe lời nói trên, Bồ-tát này vẫn chẳng động tâm, chẳng nghi, chẳng sợ mà tự nghĩ rằng không bao giờ có việc ấy. Do những hạnh, loại, tướng mạo trên đây mà biết là bậc Đại Bồ-tát không thoái chuyển.

Này Tu-bồ-đề! Ác ma lại hóa thành Tỳ-kheo đắp y đến bảo Bồ-tát:

–Trước kia ngài nghe bảo phải tu sáu pháp Ba-la-mật cho đến bảo phải tịnh tu để được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác đó, ngài nên mau bỏ đi, từ lúc mới phát tâm đến nay có bao nhiêu thiện căn hồi hướng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, ông cũng nên mau bỏ đi. Nếu ngài bằng lòng bỏ, tôi sẽ dạy ngài Phật pháp chân thật. Sự nghe học trước kia của ông đều chẳng phải Phật pháp, chẳng phải của Phật dạy, đó đều là văn chương nhóm hợp làm ra thôi. Lời nói của tôi mới thật là Phật pháp.

Nếu Bồ-tát nghe nói như vậy rồi mà sinh tâm kinh sợ, nghi ngờ, phải biết đây là người chưa được Đức Phật thọ ký, chưa vào trong tánh không lui sụt. Nếu là bậc Đại Bồ-tát không lui sụt dầu nghe nói như vậy mà tâm chẳng lay dộng, chẳng sợ, chẳng nghi, luôn thuận theo y chỉ vào pháp vô tác, không sinh, chẳng tin làm theo lời người khác. Lúc thực hành sáu pháp Bala-mật chẳng theo lời người khác, cho đến lúc thực hành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác cũng chẳng nghe theo lời người khác, hiện thấy thật tướng các pháp, ví như bậc A-la-hán lậu tận thì ác ma chẳng lay chuyển được.

Này Tu-bồ-đề! Với Đại Bồ-tát không thoái chuyển thì những hàng cầu Thanh văn, Bích-chi-phật chẳng thể phá hoại được, chẳng thể thu phục được tâm của Bồ-tát này.

Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát này quyết định an trụ trong địa vị không thoái chuyển chẳng nghe theo lời người khác, dầu là lời của Phật dạy cũng chẳng tin ngay, huống chi là lời của những người cầu Thanh văn, cầu Bích-chi-phật và của ác ma, ngoại đạo, Phạm chí mà lại tin theo, không bao giờ có việc ấy.

Vì sao? Vì Đại Bồ-tát này chẳng thấy có pháp gì để tin theo: chẳng thấy có sắc, hoặc thọ, tưởng, hành, thức, hoặc Như của sắc cho đến Như của thức, cho đến chẳng thấy Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, hoặc Như của Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Do hạnh, loại, tướng mạo này mà biết là bậc Đại Bồ-tát không thoái chuyển.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Ác ma hóa thân thành Tỳ-kheo đến bảo Bồ-tát: Hạnh tu hành của ngài là pháp sinh tử, chẳng phải đạo của Nhất thiết trí, trong đời này ông nên chứng quả khổ tận. Khi đó ác ma dùng hạnh thế gian nói pháp tương tự đạo, pháp tự đạo này là sự trói buộc trong ba cõi, như là tướng xương trắng, hoặc nói về Sơ thiền cho đến nói về Phi phi tưởng xứ. Ông thực hành đạo này, hạnh này sẽ được quả Tu-đà-hoàn cho đến sẽ được quả A-la-hán. Ông thực hành đạo này thì ngay đời nay sẽ dứt hết khổ sinh tử, sao ngài lại mãi chịu lấy những khổ não trong sinh tử làm gì, chẳng cần thọ lấy thân tứ đại đời này, huống chi là thọ thân đời sau.

Này Tu-bồ-đề! Nếu Đại Bồ-tát này nghe lời nói ấy lòng chẳng kinh sợ, nghi ngờ, tự nghĩ rằng vị Tỳ-kheo này làm lợi ích cho tôi chẳng ít, vì tôi mà nói pháp tự đạo, thực hành pháp tự đạo này còn chẳng chứng được quả Tu-đà-hoàn, huống chi chứng được quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Đại Bồtát này càng thêm vui mừng mà nghĩ rằng: “Vị Tỳ-kheo này làm lợi cho tôi không ít, vì tôi mà nói pháp chướng đạo, tôi biết đó là pháp chướng đạo, chướng học ba thừa.” Khi đó, ác ma biết Bồ-tát vui mừng nên bảo:

–Ngài muốn thấy hàng Đại Bồ-tát cúng dường hằng sa các Phật, cũng ở chỗ hằng sa các Phật tu hành sáu pháp Ba-lamật, cũng hầu hạ hằng sa các Đức Phật thưa hỏi đạo Bồ-tát: Thế nào là an trụ thừa Bồ-tát? Thế nào là thực hành sáu pháp Ba-la-mật, bốn Niệm xứ cho đến đại Từ, đại Bi? Hàng Đại Bồ-tát theo đúng như lời các Đức Phật dạy mà an trụ, mà thực hành, mà tu tập. Hàng Đại Bồ-tát tu học như vậy mà còn chẳng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, chẳng được Nhất thiết chủng trí huống chi ngài sẽ được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác ư?

Này Tu-bồ-đề! Nếu Đại Bồ-tát này khi nghe nói như vậy mà tâm chẳng kinh lạ, càng thêm vui mừng mà tự nghĩ: “Tỳkheo này làm lợi cho tôi chẳng ít, vì tôi mà nói pháp chướng đạo.”

Bấy giờ, ác ma biết tâm Bồ-tát này chẳng kinh nghi nên liền hóa thành rất nhiều Tỳ-kheo mà bảo Bồ-tát này:

–Những vị này đều là Bồ-tát phát tâm cầu Phật đạo, hiện nay đều an trụ địa vị không thoái chuyển cả. Những vị này còn chẳng thể được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, huống là ngài có thể được hay sao?

Nghe và thấy sự việc trên đây, Đại Bồ-tát này liền nghĩ đây là ác ma nói pháp tương tự đạo, Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã bala-mật chẳng nên thoái chuyển tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cũng chẳng để rơi vào trong đạo Thanh văn, đạo Bích-chiphật. Lại nghĩ: “Thực hành Bố thí ba-la-mật cho đến Nhất thiết chủng trí mà chẳng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, không bao giờ có sự ấy.”

Này Tu-bồ-đề! Do những hạnh, loại, tướng mạo trên đây mà biết là bậc Đại Bồ-tát không thoái chuyển.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát tự nghĩ: “Nếu Bồ-tát theo đúng lời Phật dạy, chẳng xa lìa Bát-nhã ba-la-mật cho đến Nhất thiết chủng trí, Bồ-tát này chẳng bao giờ thoái chuyển Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nếu Bồ-tát biết việc ma cũng chẳng mất Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.”

Do những hạnh, loại, tướng mạo này mà biết tướng Đại Bồ-tát không thoái chuyển.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn! Chuyển pháp gì gọi là không thoái chuyển?

Phật dạy:

–Chuyển tướng của sắc, chuyển tướng của thọ, tưởng, hành, thức, cho đến chuyển tướng của Phật, do đó mà gọi là tướng của Đại Bồ-tát không thoái chuyển.

Vì sao? Vì Đại Bồ-tát này dùng pháp tự tướng không thể nhập địa vị Bồ-tát, được pháp Nhẫn vô sinh.

Thế nào gọi là pháp Nhẫn vô sinh? Vì trong đây không có chút pháp nào thật có, vì chẳng thật có nên chẳng làm, vì chẳng làm nên chẳng sinh, đó gọi là pháp Nhẫn vô sinh. Do những hạnh, loại, tướng mạo này nên gọi là bậc Đại Bồ-tát không thoái chuyển.