SỐ 221
KINH PHÓNG QUANG BÁT-NHÃ
Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Vô-la-xoa, người nước Vu Điền
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 12

Phẩm 53: THÂN CẬN BẠN TỐT CHÂN THẬT

Bấy giờ ngài Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Hàng tân học Bồ-tát học sáu pháp Ba-la-mật như thế nào?

Phật dạy Tu-bồ-đề:

–Hàng tân học Bồ-tát muốn học sáu pháp Ba-la-mật thường phải đi theo phụng sự, thân cận những bạn tốt chân thật, đi theo và gần gũi những người có khả năng hiểu và giảng Bát-nhã ba-la-mật. Người có khả năng hiểu rõ và giảng thuyết Bát-nhã ba-la-mật thường khuyến khích giúp đỡ người khác, làm cho họ học tập sáu pháp Ba-la-mật và giữ gìn phụng hành để chứng đắc Vô thượng Bồđề. Chớ so sánh năm ấm với quả vị Vô thượng Bồ-đề, chớ so sánh sáu pháp Ba-la-mật với quả vị Vô thượng Bồ-đề, chớ so sánh nội ngoại không, hữu vô không, ba mươi bảy phẩm Trợ đạo, mười tám pháp Bất cộng với trí Nhất thiết. Vì sao? Vì người không so sánh năm ấm liền đạt được trí Nhất thiết; Người không so sánh sáu pháp Ba-la-mật, nội ngoại không, hữu vô không, ba mươi bảy phẩm Trợ đạo và mười tám pháp Bất cộng liền đắc được trí Nhất thiết.

Này thiện nam! Khi thực hành Bát-nhã ba-la-mật chớ nên phát khởi ý tưởng lệ thuộc vào năm ấm. Vì sao? Này thiện nam, năm ấm chẳng nên lệ thuộc cũng chớ lệ thuộc vào sáu pháp Ba-la-mật.

Này thiện nam! Sáu pháp Ba-la-mật chẳng có thể lệ thuộc, cũng không nên lệ thuộc vào nội ngoại không, hữu vô không, ba mươi bảy phẩm Trợ đạo, mười tám pháp Bất cộng cho đến trí Nhất thiết cũng không lệ thuộc. Vì sao? Vì bậc trí Nhất thiết cũng chẳng lệ thuộc, cũng chớ phát sinh sự lệ thuộc quả vị Tu-đà-hoàn, Tư-đàhàm, A-la-hán và Bích-chi-phật, cũng không phát sinh sự lệ thuộc Bồ-tát thừa và quả vị Vô thượng Bồ-đề. Vì sao? Này thiện nam, quả vị Vô thượng Bồ-đề chẳng có thể lệ thuộc. Vì sao? Vì tướng của các pháp đều là không.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Bậc Đại Bồ-tát chịu khổ đối với pháp không, vô tướng nên phát tâm Vô thượng Bồ-đề muốn chứng Phật trí.

Phật dạy:

–Này Tu-bồ-đề! Đúng như vậy. Bồ-tát rất chịu khổ đối với pháp không, vô tướng nên phát tâm Vô thượng Bồ-đề để được Phật trí.

Này Tu-bồ-đề! Vì thế gian nên Bồ-tát thương xót, an ổn thế gian và muốn cứu tất cả chúng sinh trong thế gian. Vì chúng sinh, nên Bồ-tát phát tâm Vô thượng Bồ-đề, vì làm chỗ nương tựa cho thế gian, bảo hộ thế gian, làm ngọn đèn soi sáng cho thế gian, nên Bồtát phát tâm Vô thượng Bồ-đề; làm tướng lãnh, làm người dẫn đường cho thế gian, làm nhà, làm quy hướng cho thế gian, nên Bồ-tát phát tâm Vô thượng Bồ-đề.

Này Tu-bồ-đề! Thế nào là Bồ-tát vì chúng sinh phát tâm Vô thượng Bồ-đề? Vì muốn độ thoát chúng sinh trong năm đường làm cho an ổn, ở bờ vô úy, thản nhiên vào Niết-bàn, nên Bồ-tát phát tâm Vô thượng Bồ-đề.

Thế nào là Bồ-tát muốn an ổn cho thế gian? Này Tu-bồ-đề, bậc Đại Bồ-tát vì muốn độ cho chúng sinh thoát khỏi khổ não ưu sầu đến được bờ vô ưu, thản nhiên vào Niết-bàn nên làm an vui cho thế gian.

Này Tu-bồ-đề! Vì sao Bồ-tát cứu giúp thế gian? Thế gian lắm sự sinh tử, nên Bồ-tát chuyên cần vất vả cứu giúp chúng sinh làm cho họ thoát khỏi các sự khổ. Bồ-tát dùng giáo pháp cứu giúp hóa độ rồi tiếp theo dùng ba thừa độ thoát họ, vì thế Bồ-tát cứu giúp thế gian.

Này Tu-bồ-đề! Vì sao Bồ-tát bảo hộ thế gian? Chúng sinh trong thế gian chịu sinh tử nên Bồ-tát bảo hộ làm cho họ không còn tái sinh. Chúng sinh chịu nhiều sự già, bệnh, chết nên Bồ-tát bảo hộ làm cho không già, không bệnh, không chết; những người buồn rầu làm cho họ đạt đến Vô-dư Niết-bàn. Vì thế, Bồ-tát phát tâm Vô thượng Bồ-đề để bảo hộ thế gian.

Này Tu-bồ-đề! Vì sao nói Bồ-tát làm nhà cho thế gian? Bậc Đại Bồ-tát này khi đắc quả Vô thượng Bồ-đề thuyết các pháp không trở ngại cho thế gian. Thế nên nói Bồ-tát làm nhà cho thế gian.

Này Tu-bồ-đề! Vì sao Bồ-tát làm ngọn đèn sáng cho thế gian? Từ nơi tối tăm của ba cõi, bậc Đại Bồ-tát nâng đỡ chúng sinh làm cho họ đạt đến Niết-bàn, thế nên Bồ-tát làm ngọn đèn sáng cho thế gian.

Vì sao Bồ-tát làm tướng lãnh cho thế gian? Bồ-tát khi đắc được Phật trí, vì thế gian nói sắc không phải là của ta, không phải là sắc; thọ, tưởng, hành, thức không phải là của ta, không phải thức; cho đến trí Nhất thiết không phải là của ta, chẳng phải trí Nhất thiết.

Này Tu-bồ-đề! Cũng vậy, sắc chẳng phải ngã, chẳng phải sắc, giống như sắc chẳng phải ngã, các pháp cũng như vậy.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Như lời Thế Tôn dạy, năm ấm chẳng phải của ta, các pháp cũng vậy, Bồ-tát không có giác ngộ các pháp. Vì sao? Vì sắc không có chỗ phân biệt cho đến trí Nhất thiết cũng không có chỗ phân biệt, cũng không nói là năm ấm cũng không mới là trí Nhất thiết.

Phật dạy Tu-bồ-đề:

–Như lời ông nói, năm ấm không có chỗ phân biệt, cho đến trí Nhất thiết cũng không có chỗ phân biệt, cũng không nói là năm ấm, cũng không nói là trí Nhất thiết.

Này Tu-bồ-đề! Đây cũng là Bồ-tát chịu khổ thường thực hành Pháp này không nhàm chán mỏi mệt và cũng không biếng nhác. Bồtát nói: “Ta sẽ giác ngộ, cũng sẽ hành trì pháp thanh tịnh, rồi tuyên bố chỉ bày cho người chưa giác ngộ.

Này Tu-bồ-đề! Vì thế nên Bồ-tát nói cho thế gian nghe rằng sắc chẳng phải của ta.

Này Tu-bồ-đề! Vì sao Bồ-tát làm hòn đảo cho thế gian? Thí

như vùng đất bị ngăn khỏi đất liền sông biển lớn được gọi là đảo, làm nơi tạm trú rất có lợi ích cho con người. Năm ấm thời tương lai và quá khứ bị chia làm hai, trí Nhất thiết tương lai và quá khứ cũng bị chia làm hai. Theo sự chia cắt này thì các pháp cũng bị chia cắt, các pháp bị chia cắt thì quá khứ tương lai cũng bị chia cắt. Như vậy những sự chia cắt là tịnh là vui, là chân thực, là không, ái hết thì không còn chỗ nương tựa, không còn trần cấu và không còn gì cả. Đó gọi là Niết-bàn.

Này Tu-bồ-đề! Khi Bồ-tát đắc được Phật trí Vô thượng Bồ-đề liền truyền bá đây là giáo hóa bằng Pháp thanh tịnh, đây là giáo hóa bằng pháp chân thật để tế độ chúng sinh. Thế nên nói Bồ-tát làm hòn đảo cho thế gian.

Này Tu-bồ-đề! Vì sao nói Bồ-tát làm người dẫn đường cho thế gian? Khi Bồ-tát đắc được Phật trí Vô thượng Bồ-đề, vì chúng sinh trên thế gian nói pháp năm ấm không sinh không diệt, không đắm trước, không chia cắt, thuyết pháp từ quả Tu-đà-hoàn cho đến quả A-la-hán, Bích-chi-phật và vì những hàng này nói năm ấm không sinh, không diệt rồi đem giáo pháp này lưu bố khắp thế gian.

Này Tu-bồ-đề! Khi Bồ-tát đắc được Phật trí đã thuyết pháp này nên gọi là người dẫn đường cho thế gian.

Này Tu-bồ-đề! Vì sao nói Bồ-tát làm nơi hướng đến cho thế gian? Khi Bồ-tát đắc được Phật trí Vô thượng Bồ-đề đã nói pháp chân như của năm ấm và chân như của trí Nhất thiết hướng đến không. Năm ấm không thì không có chỗ hướng đến, cũng không hướng đến, cũng không phải không hướng đến. Vì sao? Vì năm ấm và không cũng không đến không đi. Bồ-tát thuyết pháp này rồi lại vì chúng sinh thuyết không của trí Nhất thiết, cũng không đến không đi, hướng mà không có chỗ hướng đến.

Này Tu-bồ-đề! Vì thế nên nói Bồ-tát làm chỗ hướng đến cho thế gian.

Này Tu-bồ-đề. Vì sao? Vì các pháp quá khứ như không, đi qua mà không trở lại. Vì sao? Vì không cũng không đến, không đi; nơi các pháp đến cũng không có tướng, nguyện. Vì sao? Vì tướng, nguyện qua rồi thì không trở lại; tướng, nguyện cũng không đến cũng không đi. Nơi các pháp đến cũng không có chỗ đến, cũng không tạo nghiệp, cũng không sinh, không diệt, không đắm trước; cũng không cắt đứt, như mộng, như huyễn, như tiếng vang, như ảnh, như biến hóa, như sóng nắng. Các pháp cũng như vậy, đã đi rồi thì không trở lại bao giờ. Vì sao? Vì biến hóa cũng không đi không đến bao giờ.

Này Tu-bồ-đề! Nơi các pháp đến cũng không có bờ mé, cũng không trở lại, các pháp không chuyển động, không đứng yên, không đến, không đi, không hòa hợp cũng không tan rã; không có ngã, mạng sống, tuổi thọ…

Này Tu-bồ-đề! Chúng sinh còn không thật có huống chi là có đi và trở lại.

Này Tu-bồ-đề! Chỗ trụ của các pháp có thường, lạc, ngã, tịnh. Các pháp vô thường, khổ, bất tịnh và vô ngã. Chỗ trị của các pháp có dâm, nộ, si, kiến chấp, thân kiến. Các pháp trụ này cũng trụ nơi chân như, như pháp tánh, như chân tế, như khắp cả, như nơi tánh chẳng thể nghĩ bàn; trụ nơi không đổi dời; chỗ trụ của các pháp cũng không đến cũng không đi. Vì sao? Vì các pháp cũng không đến cũng không đi, các pháp trụ như năm ấm. Vì sao? Vì năm ấm còn không thể thấy huống chi là có đến đi. Các pháp trụ như sáu pháp Ba-la-mật, sự trụ này vẫn không thể thấy huống chi là có sự đi và lại.

Các pháp trụ như nội ngoại không và hữu vô không, như trụ nơi ba mươi bảy phẩm Trợ đạo, trụ nơi mười tám pháp Bất cộng; như mười tám pháp Bất cộng cũng không đến không đi. Các pháp trụ như Thanh văn, Bích-chi-phật đạo, trụ như Vô thượng Bồ-đề cũng không có đi và lại. Vì sao? Vì quả Vô thượng Bồ-đề không có đi và lại cũng không thật có.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Người nào có khả năng hiểu được Bát-nhã bala-mật sâu xa này?

Phật dạy:

–Những Đại Bồ-tát tạo công đức từ thời Phật quá khứ, đã cúng dường vô lượng trăm ngàn chư Phật và đã thân cận các bậc bạn lành chân thật mới có khả năng hiểu được Bát-nhã ba-la-mật sâu xa.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Bậc Đại Bồ-tát có những tướng nào thì có khả năng hiểu được Bát-nhã ba-la-mật sâu xa?

Phật dạy Tu-bồ-đề:

–Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát nào đoạn trừ được dâm, nộ, si thì chính là tướng ấy. Bồ-tát nào có khả năng hiểu rõ được Bát-nhã ba-la-mật sâu xa, thì như là đã đoạn được dâm, nộ, si.