SỐ 202
KINH HIỀN NGU
Hán dịch: Đời Nguyên Ngụy, xứ Kinh châu, quận Cao xương,
Sa-môn Tuệ Giác và các vị khác cùng dịch.

Việt dịch:  Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh.

 

QUYỂN 11

Phẩm 53: ĐÀN-NHỊ-KỲ

Tôi nghe như thế này:

Một lúc nọ Đức Phật ở tại vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ. Bấy giờ, trong nước có một vị Bà-la-môn, tên Tân-đầu-lư-đỏaxà, có một người vợ hung dữ xấu xí, hai con mắt xanh dờn và cả thảy bảy đứa con gái, chẳng có sinh được một cậu con trai. Nhà nghèo khổ, các cô gái tánh tình cũng hung dữ, thường hay mắng chửi chồng, khi các cô cần gì mà chồng chưa kịp nhu cầu thì nổi sân khóc lóc, chồng của bảy cô gái đều tập hợp sống chung một nhà lo lắng sợ mất lòng các cô vợ ấy. Ruộng có lúa chín chưa kịp cắt, vị Bà-la-môn mượn trâu người khác đem về, định làm lúa; lại giữ trâu không cẩn thận, đứt dây chạy mất. Bấy giờ vị Bà-la-môn ngồi một mình suy nghĩ: “Mình kiếp trước làm tội gì mà chịu cảnh chua chát, độc hại đến như vậy! Trong nhà thì bị ác phụ chửi mắng, bảy đứa con gái cùng bảy thằng rể không đảm đang nổi công việc, lại còn làm mất trâu người khác, trời đất bao  la biết đâu mà tìm kiếm.” Tâm ông lo lắng thân thể tiều tụy, buồn rầu áo não, bèn đi tìm, đi mãi đến khu rừng gặp Đức Như Lai đang ngồi dưới gốc cây, tĩnh nhiên an lạc. Khi đó vị Bà-la-môn chống gậy đứng ngắm nhìn Thế Tôn thật lâu, bèn khởi niệm rằng: “Sa-môn Cù-đàm hiện nay an lạc nhất, không bị người đàn bà nào chửi mắng cãi cọ, không bị các con gái làm buồn rầu và không bị mấy thằng rể nghèo làm phiền khổ. Lại không có lo lắng ruộng vườn, không có việc mượn trâu lo bị mất… ” Đức Phật biết tâm của vị Bà-la-môn, bèn nói:

– Theo ông nghĩ, như Ta ngày nay yên tĩnh không có các thứ phiền não, không có ác phụ chửi mắng, không có bảy đứa con gái làm phiền não mình, cũng không có bảy thằng rể tập hợp về nhà mình, lại cũng không lo rầu về ruộng lúa, không phải mượn trâu người khác để mất phải chịu lo buồn.

Đức Phật lại bảo ông ta:

– Ông có muốn xuất gia không?

Ông liền bạch Phật:

– Như con hiện nay xem nhà cửa như là nhà mồ, các phụ nữ như là oán tặc. Thế Tôn từ bi thương xót cho con xuất gia, con rất mãn nguyện.

Đức Phật liền bảo:

– Thiện lai Tỳ-kheo!

Râu tóc ông ta tự rụng, áo trên thân đang mặc biến thành y casa. Đức Phật thuyết pháp cho ông, ngay đó ông được dứt sạch các trần cấu thành A-la-hán.

Ngài A-nan nghe việc đó, khen ngợi:

– Lành thay! Đức Như Lai khéo dẫn dắt hóa độ, thật khó nghĩ bàn. Vị Bà-la-môn này kiếp trước gieo trồng phúc báo gì mà nay lìa được các hoạn nạn, được các lợi lành, cũng như chiếc thảm sạch dễ nhuộm màu sắc.

Đức Phật bảo:

– Này A-nan, vị Bà-la-môn này, chẳng những ngày hôm nay nhờ ân đức của Ta xa lìa khổ não được an lạc, mà ở thời quá khứ cũng được nhờ ân Ta tránh khỏi các khổ ách, được an lạc.

Ngài A-nan bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn, trong thời quá khứ, ông ta được cứu khỏi khổ  nạn như thế nào? Xin Thế Tôn nói cho con được biết?

Đức Phật bảo:

– Này A-nan, hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ, Ta sẽ vì ông mà nói rõ ràng.

A-nan tôi liền bạch Phật:

– Dạ vâng, con đang lắng nghe.

Đức Phật bảo:

– Này A-nan, về thời quá khứ cách đây vô số kiếp a-tăng-kỳ, có một đại quốc vương tên là A-ba-la-đề-mục-già (Tần dịch là Đoan Chánh), dùng đạo trị vì dân chúng không để oan uổng một ai. Lúc đó, trong nước có một vị Bà-la-môn tên Đàn-nhị-kỳ, nhà nghèo cơm không đủ ăn, thiếu thốn vô cùng không thể tự lo nổi. Một hôm mượn trâu người khác để cày ruộng, cày xong dẫn trâu trả cho chủ dẫn trâu đến cổng nhà, quên mất không nói với chủ tiếng nào lại quay về nhà. Người chủ trâu tuy thấy tưởng là mượn dùng trâu chưa xong, cho nên không buộc trâu lại. Hai bên tưởng lầm, con trâu không buộc nọc, bỏ đi mất. Sau này chủ trâu hỏi, người kia nói là trả trâu rồi, hai bên bèn tranh cãi nhau. Bấy giờ chủ trâu dẫn Đàn-nhị-kỳ đi đến chỗ nhà vua xử về việc cho mượn trâu. Vừa ra ngoài đường thì bỗng gặp người chăn ngựa của nhà vua, có một con ngựa phóng chạy, người chăn ngựa hô to, nhờ ngăn chận con ngựa lại. Lúc đó Đàn-nhị-kỳ cúi xuống lượm viên đá ném con ngựa, trúng phải chân bị gãy. Người chăn ngựa lại bắt và dẫn đến nhà vua. Họ đi đến một dòng sông không biết chỗ để đi qua, bỗng gặp một thợ mộc, miệng ngậm chiếc búa, vén áo muốn lội qua. Lúc đó Đàn-nhị-kỳ hỏi người ấy rằng:

– Chỗ nào có thể lội qua?

Người đó đáp:

– Chỗ này.

Miệng người thợ mộc vừa hả ra nói thì chiếc búa rơi chìm xuống dòng sông, tìm mò mãi không được, bèn bắt ông cùng dẫn đến nhà vua. Lúc ấy Đàn-nhị-kỳ bị các chủ nợ giục bức, lại thêm bị đói khát bèn tấp vào quán rượu bên đường xin ít rượu trắng, bước lên giường ngồi uống, vô ý ngồi ngay bụng đứa bé đang nằm ngủ, đè bẹp đứa nhỏ khiến vỡ bụng chết mất. Lúc đó người mẹ đứa nhỏ lại bắt ông, cho rằng: “Ông là người vô đạo, giết chết con tôi oan uổng”, cùng giữ  ông dẫn đến cung vua. Đi đến gần một bức tường, trong lòng tự suy nghĩ: “Ta thật bất hạnh, họa đâu tự nhiên đến, nếu đến chỗ nhà vua, có lẽ họ giết ta, nay nếu ta bỏ chạy trốn, thì may ra được thoát.” Nghĩ vậy rồi, ông bèn leo qua tường chạy trốn, dưới chân tường bên kia có một người thợ dệt, ông nhảy xuống trúng phải làm ông thợ dệt chết ngay. Bấy giờ đứa con trai người thợ dệt chạy lại bắt ông, cùng mấy người kia dẫn ông đến nhà vua. Lại tiếp tục lên đường đi tới trước, dọc đường bỗng gặp một con chim trĩ đang ở trên ngọn cây, từ xa hỏi ông:

– Ông Đàn-nhị-kỳ hôm nay đi đâu đó?

Ông liền ngước lên trên ngọn cây trả lời với chim trĩ. Chim trĩ lại nói:

– Nếu ông đến đó vì tôi mà tâu nhà vua rằng: ‘Tôi ở trên cây khác tiếng kêu nghe không vui, nếu ở cây này thì kêu tiếng nghe mới hay, là tại vì sao thế?’ Nếu ông gặp nhà vua hãy vì tôi hỏi như thế giùm nhé!

Đi một lát lại gặp một con rắn độc nó hỏi:

– Ông Đàn-nhị-kỳ hôm nay ông muốn đi đâu thế?

Ông liền đem mọi việc xảy ra trình bày cho rắn độc nghe hết, con rắn lại nói:

– Ông đến chỗ vua hãy vì tôi mà tâu vua rằng:‘Tôi thường sáng sớm khi vừa ra khỏi hang thì thân thể tôi mềm nhũn, mà không có thứ bệnh gì cả. Đến chiều tối khi trở về hang thì thân thể thô xấu đau đớn, chướng ngại khó chui vào. Hỏi vua là tại làm sao thế? Khi đó Đàn-nhị-kỳ cũng nhận lời con rắn dặn. Đi một đỗi lại gặp một người đàn bà, hỏi rằng:

– Ông đi đâu thế?

Ông lại đem mọi việc xảy ra trình bày. Người đàn bà nói:

– Ông có đến chỗ vua, hãy vì tôi mà tâu rằng: Không biết tại sao tôi đến ở nhà chồng thì nhớ nhà cha mẹ mình; ở nhà cha mẹ mình thì cứ nhớ nhà chồng? Ông cũng nhận lời dặn. Bấy giờ các chủ cùng vây bắt ông lại, đem đến trước nhà vua. Lúc đó chủ trâu ra trước tâu vua:

– Tâu bệ hạ, người này mượn trâu của con không chịu trả trâu lại.

Nhà vua hỏi:

– Tại sao không trả trâu?

Đàn-nhị-kỳ thưa:

– Con thật là nghèo khốn, có lúa đang chín ở ruộng, ông ta có ý tốt đem trâu cho con mượn. Con dùng trâu xong đem trả lại, ông chủ cũng thấy trả trâu, nhưng con không nói là con trâu đang ở trước cổng ông ấy. Con đi về nhà một mình. Không biết con trâu kia vì sao mà mất. Vua nói với chủ trâu:

– Hai người nhà ngươi đều không đúng cả. Do Đàn-nhị-kỳ đem trả mà không nói tội đáng cắt lưỡi, còn ngươi thấy trâu mà không buộc giữ lại, tội đáng móc mắt.

Chủ trâu thưa:

– Con xin bỏ con trâu, không muốn bị móc mắt và cắt lưỡi anh kia.

Nhà vua liền cho được hòa giải. Người giữ ngựa ra tâu rằng:

– Tâu bệ hạ, anh này vô đạo làm gãy chân ngựa của tôi.

Vua bèn hỏi Đàn-nhị-kỳ:

– Người ta nuôi ngựa của nhà vua, tại sao ngươi đánh gãy cẳng con ngựa của y thế?

Đàn-nhị-kỳ tâu:

– Người chủ trâu dẫn con đi ngoài đường, bỗng đâu anh này hô to: Ngăn chận ngựa giùm tôi. Vì con sợ ngựa chạy mất, nên lấy hòn đá ném, trúng lỡ phải chân ngựa bị gãy, sự việc là như vậy.

Vua nói với người giữ ngựa:

– Do ngươi la to, vậy hãy cắt lưỡi ngươi, còn do người này ném ngựa, vậy hãy chặt tay.

Người giữ ngựa tâu vua:

– Để con tự lo lắng cho ngựa, xin chớ hành hình.

Hai người cùng hòa giải sự việc. Người thợ mộc đi ra tâu:

– Tâu bệ hạ, đàn-nhị-kỳ làm mất chiếc búa của con.

Nhà vua hỏi rằng:

– Ngươi làm gì mà đánh mất chiếc búa của anh ta?

Đàn-nhị-kỳ quỳ thưa:

– Tâu bệ hạ, lúc con định qua sông, hỏi anh ta chỗ khúc sông nào có thể qua, anh ta đáp lời, nên miệng ngậm chiếc búa phải bị rớt xuống sông, tìm mãi không được, sự thật là thế đấy.  Vua nói với thợ mộc:

– Do ngươi hả miệng ra nói mà rớt búa, đáng tội cắt lưỡi, theo phép gánh của cải, đúng lễ phải dùng bằng tay, còn ngươi miệng ngậm mà khiến phải rơi xuống nước, nay phải đập gãy hai răng trước của ngươi. Thợ mộc nghe xong, tâu đức vua rằng:

– Con thà bỏ chiếc búa, xin chớ hành phạt con. Hai người cùng hòa giải. Bấy giờ bà bán rượu lại tâu. Nhà vua nói:

– Đàn-nhị-kỳ, tại sao ngươi giết oan uổng con bà ta?

Ông quỳ bạch:

– Tâu bệ hạ, do mấy người này áp bức con, khiến con đói khát, đến xin bà này ít rượu, lỡ leo lên giường, vô ý đè bẹp con bà đang nằm, uống rượu vừa xong thì con bà ta tắt thở, chẳng phải con cố ý, cúi mong đại vương minh xét tha thứ. Vua bảo bà chủ quán:

– Quán rượu của bà, khách tới lui đông đảo, tại vì sao đặt con nằm ngủ nơi khách thường ngồi, lại đắp kín đứa nhỏ khiến người ta không thấy. Nay hai người nhà ngươi đều có tội cả. Con bà đã chết do Đàn-nhị-kỳ cùng bà ra cả. Bây giờ Đàn-nhị-kỳ làm rể nhà bà, khiến có được đứa con mới thả cho ra về.

Khi ấy bà bèn khấu đầu nói:

– Con tôi đã chết rồi, con không dùng thứ Bà-la-môn đói khát này làm chồng đâu.

Lúc đó hai người được hòa giải. Khi ấy con người thợ dệt ra trước tâu rằng:

– Tâu bệ hạ, người này cuồng bạo, nhảy giết chết cha con.

Nhà vua hỏi:

– Tại sao ngươi vô cớ giết oan uổng cha của anh ta?

Đàn-nhị-kỳ thưa:

– Tâu bệ hạ, các người có oan trái này bức bách con, con rất hoảng sợ, định vượt qua tường chạy trốn, bỗng nhảy rớt trên mình ông già, thật là việc chẳng phải con muốn thế. Vua nói với người con rằng:

– Cả hai đều không đúng, cha ngươi đã chết, vậy ngươi hãy bắt

Đàn-nhị-kỳ làm cha nhà ngươi.

Người con thưa:

– Cha con đã chết rồi, con trọn không dùng vị Bà-la-môn này làm cha đâu. Như vậy hai bên nhà vua cho hòa giải. Bấy giờ bản thân Đànnhị-kỳ đã xong việc, vui mừng vô cùng, thấy ở trước nhà vua có hai người mẹ đang tranh giành một đứa con, đến trước nhà vua cùng tâu. Bấy giờ nhà vua dùng quyền trí, lập kế nói với hai bà mẹ đó rằng:

– Hôm nay có một đứa trẻ, hai bà đều tranh giành. Trẫm bảo hai người mỗi người nắm một tay đứa nhỏ, ai kéo được thì đứa nhỏ này là con.

Lúc đó bà không phải mẹ đứa bé dùng hết sức nắm kéo đứa nhỏ về phía mình, không sợ nó thương tổn chút nào cả, còn người mẹ sinh đứa nhỏ ra vì lòng thương sâu nặng, thương yêu con, không nỡ nắm kéo. Vua quan sát người nào thật giả, bèn nói rằng:

– Bà dùng sức kéo đứa bé về mình, thật sự không phải con của bà, chỉ là mưu kế bắt con người khác thôi, nay đối trước mặt vua, phải nói sự thật đi.

Bà ấy bèn dập đầu trước nhà vua tạ tội:

– Con thật hư dối, không phải mẹ đứa trẻ. Đại vương là bậc Thánh hiền thông minh, xin tha thứ tội cho con. Đứa bé này xin trả lại cho mẹ của nó.

Mọi người đều được vua thả cho về. Lại có hai người khác cùng tranh một tấm lụa cùng đến trước vua phân xử. Nhà vua lại dùng trí như trên đã xử. Khi đó Đàn-nhị-kỳ bèn tâu vua rằng:

– Tâu bệ hạ, những người oan trái này khi dẫn con đến đây, dọc đường đi có gặp một con rắn độc, nhờ con tâu vua: “Không biết vì sao khi ra khỏi hang, thân thể mềm nhũn dễ dàng bò ra, nhưng khi trở vào hang thì đau đớn khó khăn, nó không tự biết duyên cớ gì?”

Nhà vua nói:

– Việc đó dĩ nhiên! Khi nó ra khỏi hang, không có mọi việc phiền não, tâm tình nhu hòa, thân cũng như vậy, khi nó ở ngoài thì thú chim quấy rối, lòng nó sân hận, thân bèn thô xấu to ra, nên khi vào hang, chướng ngại khó hơn lúc ra. Ngươi có thể nói với nó: “Nếu ngươi ở ngoài hang giữ lòng không sân hận thì sẽ được vào như lúc ra  không khác, không có chướng ngại khó khăn gì cả.” Đàn-nhị-kỳ lại tâu vua:

– Tâu bệ hạ, dọc đường con gặp một phụ nữ nhờ con thưa vua rằng: “Khi cô ở nhà chồng thì lại nhớ nhà mẹ cha, nếu lúc ở nhà mẹ cha lại nhớ nhà bên chồng, không biết duyên cớ gì.”

Vua lại nói:

– Ngươi hãy nói với cô ta rằng: “Do cô ta có tâm tà, ở nhà cha mẹ mình lại càng nuôi dưỡng chồng, còn cô ở nhà chồng lại nhớ nhà bên mình vì có chút chán ghét, còn có ý niệm làm dâu, cho nên mới có tâm nhớ như thế.”

Ngươi có thể nói với cô ta rằng:

– Cô hãy giữ tâm bỏ tà theo chánh thì không có tâm trạng đó nữa.”

Đàn-nhị-kỳ lại tâu vua rằng:

– Tâu bệ hạ, bên đường có một con chim trĩ ở trên ngọn cây nhờ hỏi vua: “Nó ở trên ngọn cây này thì hót nghe âm thanh hòa nhã rất hay, nó không hiểu vì sao mà có việc như vậy?”

Vua bảo Đàn-nhị-kỳ:

– Sở dĩ như vậy là ở dưới gốc cây nó hát hay có cái búa vàng, còn gốc cây khác không có cái búa vàng nên nó đậu hót nghe không hay.

Vua bảo:

– Đàn-nhị-kỳ, ngươi có nhiều tội lỗi nay đã giải quyết xong, trẫm thả ngươi ra về.

Chàng ta nói:

– Nhà con nghèo khổ vô cùng, vậy cái búa vàng ở dưới gốc cây nên là của con, con sẽ lấy nó dùng.

Vua nói:

– Ngươi có thể đào lấy.

Vâng lời vua dạy, chàng ta đào lấy búa vàng, đem về mua bán tạo cơ nghiệp ruộng vườn, mọi thứ cần dùng đều mua sắm không thiếu gì cả trở thành người giàu có, khoái lạc suốt đời.

Nói đến đấy, Đức Phật bảo:

– Này A-nan, vị vua lúc bấy giờ là A-bà-la-đề-mục-khư, há phải người nào khác, chính là tiền thân của Ta. Vị Bà-la-môn Đàn-nhị-kỳ  nay chính là Tân-đâu-lư-đỏa-xà. Khi xưa Ta miễn tội cho họ, bố thí trân bảo, khiến ông ta được khoái lạc. Nay Ta thành Phật lại cứu ông khỏi khổ, ban cho tài bảo Pháp tạng. Khi đó ngài A-nan và tứ chúng nghe Đức Phật nói xong vui mừng phụng hành.