SỐ 202
KINH HIỀN NGU
Hán dịch: Đời Nguyên Ngụy, xứ Kinh châu, quận Cao xương,
Sa-môn Tuệ Giác và các vị khác cùng dịch.

Việt dịch:  Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh.

 

QUYỂN 11

Phẩm 52: VÔ NÃO

Tôi nghe như thế này:

Thuở nọ, Đức Phật ở tại vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá- vệ. Quốc vương lúc bấy giờ là vua Ba-tư-nặc, dưới triều có một quan phụ tướng rất thông minh lại giàu có, vợ của vị quan ấy mang thai sinh được một đứa con trai, tướng mạo khôi ngô hình dung đoan chánh lạ thường. Khi ấy quan phụ tướng rất vui mừng liền mời thầy về xem tướng. Thầy tướng trông thấy đứa bé liền nói:

– Phước tướng đứa trẻ này rất đặc biệt trong nhân gian, nó thông minh trí tuệ hơn người. Người cha nghe nói vui mừng, nhờ thầy tướng đặt tên. Thầy tướng hỏi:

– Từ khi mang thai đứa trẻ này có điềm lạ gì không?

Quan phụ tướng đáp:

– Bà nhà tôi tánh tình không hiền lành, nhưng từ khi mang thai đến nay tánh tình thay đổi lạ thường, tâm tánh cung kính thuận hòa, vui vẻ nhân đức, thương xót người nghèo khổ, không thích nói lỗi người khác.

Thầy tướng nói:

– Đây là ý chí của đứa bé.

Ông liền đặt tên là A-giác-tặc-kỳ (Tần dịch là Vô Não). Đứa bé ngày một lớn lên mạnh khỏe vô cùng, sức khỏe như một lực sĩ, có thể một mình địch nổi ngàn người, chạy nhanh như ngựa, người cha rất yêu mến. Khi đó trong nước có một vị Bà-la-môn thông minh học rộng nghe nhiều, có năm trăm người đệ tử theo học. Quan phụ tướng cũng dẫn đứa con trai mình theo học vị ấy, vị Bà-la-môn thu nhận truyền dạy. Vô Não đêm ngày siêng năng học tập, một ngày tiếp thu bàn bạc hơn học trọn năm. Học hành chưa bao lâu thì thông đạt tất  cả. Người thầy Bà-la-môn đối đãi đặc biệt, đi đâu cũng cho theo, các bạn đồng học rất là kính nể. Khi đó vợ của vị Bà-la-môn, trông thấy Vô Não tướng mạo đẹp đẽ khôi ngô, tài năng vượt hơn người, ôm lòng thương mến say đắm, nhưng các đệ tử thường cùng thầy Bà-la-môn đi lại, không lúc nào sống một mình nên bà không có dịp nói chuyện tỏ bày tâm sự, thường than thở lo buồn. Bỗng một hôm có một thí chủ đến thỉnh thầy Bà-la-môn và các đệ tử thọ cúng ba tháng. Thầy Bà-la-môn vào trong cùng vợ bàn bạc:

– Nay ta được người thỉnh mời đi ba tháng, vây nên để lại một người đệ tử để phụ giúp việc nhà. Khi đó người vợ mừng thầm toan tính trong lòng, thưa thầy Bà-la-môn rằng:

– Sự việc phải như vậy, việc nhà cũng nhiều, nên cần người có tài năng, có thể để lại Vô Não. Sau khi dặn dò mọi việc xong, thầy Bà-la-môn bảo Vô Não:

– Nay ta nhận lời mời của thí chủ phải đi, việc nhà rất nhiều, cần người lo liệu, con có tài năng, vì ta ở lại đảm trách việc ấy.

Vô Não thọ giáo liền ở lại không đi. Thầy Bà-la-môn cùng đồ chúng lên đường ra đi. Bà vợ vui mừng vô cùng, tự trang điểm rất đẹp, tỏ vẻ chuyện trò ẻo lả làm cho động lòng Vô Não. Nhưng Vô Năo kiên chí vô tâm không để ý. Bà vợ do lòng dục mãnh liệt nên nói thật với Vô Não:

– Ta đem lòng yêu mến từ lâu, nhưng vì đồ chúng đông đảo nên chưa tỏ bày được. Nay thầy chàng đi rồi, nên ta có ý giữ chàng lại, giờ đây một mình yên tĩnh, hãy nên chìu theo ý ta.

Vô Não hiểu ra liền nói:

– Theo pháp Phạm chí nhà ta, không dâm dục vợ của thầy, nếu trái phạm thì chẳng phải là Bà-la-môn, thà chọn lấy sự chết, chứ không làm việc này.

Lúc bấy giờ vợ thầy Bà-la-môn thấy nghịch ý mình, xấu hổ sân hận, lại toan mật kế, đợi ngày thầy Bà-la-môn trở về, tự xé rách áo, cào rách mặt mày, nằm phơi dưới đất, mình dính bụi bặm, không nói không rằng. Khi đó thầy Bà-la-môn cùng các đệ tử về đến, vào nhà ông thấy sắc trạng vợ như thế liền hỏi nguyên do vì sao. Bà vợ khóc lóc nói:

– Không nên hỏi vậy!

Lúc đó vị Bà-la-môn càng hỏi thêm nữa:

– Bà có chuyện gì hãy nói cùng tôi, tại sao không chịu nói?

Người vợ khóc mà nói:

– Vô Não đệ tử của ông, từ sau khi ông đi rồi, thường hay xâm phạm thân em, em không chìu theo ý, nó xé rách áo và làm cho đầu mặt em rách nát. Thằng đệ tử của ông nuôi, tại sao mà làm như vậy hả?

Vị Bà-la-môn nghe xong rất là phẫn hận, nói với vợ:

– Thằng Vô Não này sức lực một mình có thể địch ngàn người, lại là con của quan phụ tướng dòng tộc tôn quý thế lực, dù muốn trị nó, phải nên từ từ bàn mưu tính kế mới được.

Sau khi tính xong xuôi, ông đi gặp Vô Não, tùy phương tiện an ủi dụ rằng:

– Sau khi ta đi một thời gian, con ở nhà gánh vác công việc cực nhọc, lại hết lòng trung thành, vì cảm thấy tấm lòng con như thế, ta muốn đáp lại. Ta có một bí pháp, từ xưa đến nay chưa nó, nếu thực hành thành công thì sinh được lên cõi trời Phạm thiên. Vô Não quỳ xuống thưa:

– Thưa thầy, bí pháp đó như thế nào?

Đáp:

– Nếu trong vòng bảy ngày chém đầu một ngàn người, lấy mỗi người một ngón tay, dùng một ngàn lóng tay ấy xỏ xâu đeo cổ, thì sau khi mạng chung chắc chắn sinh lên cõi Phạm thiên. Vô Não nghe việc ấy hãy còn hồ nghi do dự, mới thưa với thầy:

– Việc này không nên. Tại sao giết hại chúng sinh mà được sinh lên cõi Phạm thiên?

Người thầy nói:

– Con là đệ tử ta, há không tin ta nói những lời thiết yếu sao? Nếu không tin thì đoạn tuyệt tình nghĩa vậy, tùy con muốn đi đâu thì đi đừng ở lại đây nữa.

Nói rồi thầy Bà-la-môn trì chú, đem cây đao để dưới đất, đọc chú xong, tâm ác của Vô Não sinh khởi. Thầy Bà-la-môn biết được trong tâm ý Vô Não, bèn trao cho cây đao, chàng cầm đao đi ra ngoài đường gặp người thì giết ngay để lấy lóng tay xỏ xâu đeo, người ta  trông thấy bèn gọi là Ương-cừu-ma-la (Tần dịch là Chỉ Man). Ương-cừu-ma-la đi khắp nơi giết người chặt lấy trong bảy ngày được chín trăm chín mươi chín lóng tay, còn thiếu một lóng, nếu giết thêm được một người thì số lóng tay đầy đủ. Lúc đó người ta đều lẩn trốn ít ai dám đi ra đường, chàng ta đi khắp nơi tìm kiếm lại càng không gặp. Trong bảy ngày ấy chàng không được ăn uống, bà mẹ thương xót con sai người đi tìm kiếm, họ đều sợ sệt không dám đi. Bà mẹ bèn cầm thức ăn đích thân đi tìm con. Từ xa chàng ta trông thấy mẹ chạy đến định giết, lúc đó bà mẹ nói:

– Đồ con vật bất hiếu, tại sao dám ôm lòng ngỗ nghịch muốn giết hại ta.

Vô Não nói:

– Con được thầy truyền dạy trong vòng bảy ngày lấy được một ngàn lóng tay thì sẽ được sinh lên cõi Phạm thiên. Số ngày đã mãn mà chỉ số vẫn chưa đủ, sự việc chắc sắp hỏng rồi, nên con muốn giết mẹ.

Bà mẹ lại nói:

– Giả sử có sự việc như vậy thì chỉ chặt lấy lóng tay ta, chớ làm sao lại giết cả thân ta?

Lúc đó Đức Thế Tôn ở xa nhìn thấy biết hết mọi việc và biết chàng Vô Não có thể độ được, bèn hóa làm một vị Tỳ-kheo, đi bộ ngoài đường. Ương-cừu-ma-la trông thấy vị Tỳ-kheo liền bỏ ý định chặt lóng tay mẹ mà đuổi theo vị Tỳ-kheo để giết. Đức Phật thấy chàng chạy gần đến thì dùng thần lực đi nhanh hơn để chàng chạy theo không kịp. Ương-cừu-ma-la bèn hô to:

– Tỳ-kheo hãy dừng lại một chút!

Đức Phật đáp:

– Ta thường tự đứng, chỉ có ngươi là không đứng thôi.

Ương-cừu-ma-la lại hỏi:

– Tại sao ông đứng mà ta không đứng?

Đức Phật liền đáp:

– Các căn Ta tịch định mà được tự tại, còn ngươi theo thầy ác, thọ học tà giáo điên đảo thay đổi tâm ngươi không được định trụ, ngày đêm giết hại tạo vô biên tội. Chàng ta nghe xong tâm liền tỉnh ngộ, buông đao từ xa đảnh lễ Thế Tôn. Lúc đó Như Lai đợi chàng chạy đến, hiện trở lại thân Phật,  quang minh sáng rực như mặt trời, ba mươi hai tướng tốt trang nghiêm. Vô Não trông thấy Phật hào quang rực sáng uy nghi đường bệ, dập đầu xuống đất hối lỗi tự trách. Đức Phật bèn thuyết pháp cho chàng nghe. Nghe xong chàng được pháp nhãn tịnh, lòng tin thuần nhất, cầu xin xuất gia. Đức Phật hứa khả, bảo:

– Thiện lai Tỳ-kheo!

Râu tóc của Vô Não tự rơi rụng, pháp y mặc trên mình. Đức Phật lại giảng thuyết thêm thì tâm cấu của chàng đều dứt sạch, chứng quả A-la-hán.

Đức Phật dẫn chàng về tinh xá Kỳ hoàn. Bấy giờ nhân dân trong nước nghe tiếng tăm của Vô Não đều rất kinh sợ. Người và súc vật mang thai, sợ hãi không sinh ra được. Khi đó có một con voi, không thể sinh con ra được. Đức Phật bảo Vô Não đến đó thành thật nói rằng:

– Ta từ khi sinh ra đến nay không giết hại một người.

Vô Não thưa Phật:

– Con từ nào đến giờ giết rất nhiều, tại sao nói không giết hại?

Đức Phật nói:

– Ở trong Thánh pháp ngươi là mới sinh ra. Bấy giờ Vô Não bèn chỉnh y phục, vâng lời Đức Phật đi đến đó y như lời Phật dạy mà nói, con voi tức thời sinh được an ổn. Chàng trở về tinh xá, ngồi trong một gian phòng.

Bấy giờ vua Ba-tư-nặc tập hợp binh lính, đích thân tìm đến hỏ tội Ương-cừu-ma-la, đi thẳng đến tinh xá Kỳ hoàn để công kích. Khi đó trong tinh xá Kỳ hoàn có một Tỳ-kheo hình tướng xấu xí mà có âm thanh hay vô cùng, xướng lên tụng kinh âm thanh vang xa quân lính lắng tai nghe hoài không biết chán. Voi ngựa vảnh tai nghe, đứng hoài không chịu đi, vua ngạc nhiên hỏi quan lính hầu tại sao thế. Quân lính hầu thưa:

– Tâu bệ hạ, do tiếng tụng kinh khiến voi ngựa đứng lại không chịu đi.

Vua nói:

– Súc sinh mà còn ham thích nghe kinh pháp, chúng ta loài người tại sao không đi đến đó nghe?

Vua liền cùng quân lính đi đến tinh xá Kỳ hoàn, xuống ngựa cởi  kiếm đi thẳng đến chỗ Phật ngự kính lễ thăm hỏi:

– Bạch Thế Tôn, vừa rồi con có nghe tiếng một vị Tỳ-kheo tụng kinh âm thanh trong trẻo vang xa, nghe tiếng tụng kinh rất là khâm phục ngưỡng mộ, xin cho con được gặp mặt và con xin cúng thí cho vị ấy mười vạn tiền.

Đức Phật bảo:

– Trước tiên bệ hạ hãy cho tiền rồi sau đó hãy gặp vị ấy. Vì sao? Vì nếu gặp vị ấy trước rồi thì tâm bệ hạ không muốn cho một đồng tiền nào cả, vì hình tướng vị ấy xấu xí, không ai muốn nhìn thấy và không muốn cho tiền.

Vua từ chỗ ngồi đứng dậy quỳ xuống bạch:

– Bạch Thế Tôn, vị Tỳ-kheo này hình dung rất là xấu xí, mà tiếng tụng niệm vang xa nghe thật hay, không biết duyên đời trước như thế nào mà được báo như vậy?

Đức Phật bảo vua:

– Bệ hạ hãy để tâm lắng nghe Ta sẽ nói về tiền kiếp. Trong kiếp quá khứ có Đức Phật hiệu là Ca-diếp, sau khi hóa độ chúng sinh bèn nhập Niết-bàn. Lúc đó quốc vương đang trị vì thiên hạ tên Cơ-ly-tỳ, làm lễ hỏa thiêu thu lấy xá-lợi muốn dựng tháp thờ. Bấy giờ có bốn Long vương hóa làm hình người, đến gặp vua Cơ-ly-tỳ, hỏi về công trình xây tháp, làm làm bằng báu vật hay làm bằng đất. Vua liền nói:

– Muốn làm cái tháp to này không có nhiều vật báu, nay muốn làm bằng đất, vuông năm dặm, cao hai mươi lăm dặm, thật cao để mọi người trông thấy.

Long vương nói:

– Chúng tôi chẳng phải là người, đều là Long vương, nghe vua làm tháp mới đi đến thăm hỏi. Nếu như muốn dùng của báu thì chúng tôi sẽ giúp đỡ.

Vua rất vui mừng. Long vương liền nói:

– Ngoài bốn cổng thành có bốn dòng suối lớn. Dòng suối thành cửa Đông lấy đất dưới đáy suối xây dựng, sau khi xây xong nó sẽ làlưu ly xanh cam. Suối thành cửa Nam dùng đất dưới đáy làm gạch xây xong nó sẽ là vàng ròng. Đất dưới dòng suối thành cửa Tây, lấy làm gạch xây xong nó sẽ biến thành bạc trắng. Đất dưới suối thành cửa  Bắc lấy làm gạch, sau khi xây xong nó sẽ là bạch ngọc. Vua nghe xong vô cùng vui mừng, liền sai bốn người trông coi, mỗi người quản lý một mặt, ba mặt công tác sắp hoàn thành, riêng một mặt người trông coi lười biếng làm không xong. Vua đến xem thấy thế quở trách:

– Khanh không dụng tâm, không hết lòng công tác, trẫm sẽ phạt tội.

Người đó ôm lòng oán hận bèn tâu vua:

– Do tháp này quá lớn biết bao giờ hoàn thành. Sau khi vua đi rồi, vị ấy liền sai mọi người làm việc ngày đêm không ngừng, chẳng mấy chốc thì xong. Tòa tháp cao đẹp vô cùng, các châu báu sáng trưng, trang hoàng cực kỳ lạ đẹp, ai thấy đều cũng vui mừng. Để sám hối lỗi trước bê trễ, người ấy cầm một cái linh vàng treo ở tháp đập vào đầu mình một cái tự nguyện:

– Xin nguyện kiếp sau con sinh ra đời được âm thanh thật hay, tất cả chúng sinh nghe tiếng, không ai không tham thích nghe. Sau này có Đức Phật Thích-ca Mâu-ni ra đời, khiến cho con được gặp và được Ngài độ thoát sinh tử. Nói đến đây, Đức Phật gọi:

– Đại vương, vị quan trông coi công trình chậm chạp làm đại tháp kia, nay chính là vị Tỳ-kheo này vậy. Do duyên phiền trách cái tháp lớn, trong năm trăm kiếp sinh ra thường mang thân hình xấu xí. May sao ông ta vui mừng dùng cái linh đánh vào đầu và cầu nguyện được tiếng tốt và nguyện gặp Ta nên trong năm trăm đời được tiếng rất hay, nay lại gặp Ta được độ giải thoát. Vua nghe rồi bèn từ tạ muốn ra về. Đức Phật hỏi:

– Đại vương muốn đi đâu nữa?

Vua bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn, trong nước có giặc cướp tên Ương-cừu-ma-la giết hại nhân dân, tung hoành bạo hại, nay trẫm đem binh lính vây bắt hắn lại.

Đức Phật bảo vua:

– Ương-cừu-ma-la hiện nay con kiến còn không giết huống nữa là giết vật khác.

Vua tự nghĩ: “Có lẽ Thế Tôn đã đến hàng phục hắn rồi chăng.”

Đức Phật bảo:

– Đại vương, Vô Não nay đã xuất gia nhập đạo đắc quả A-lahán, đoạn dứt hẳn các việc ác, hiện đang ở trong phòng đó. Đại vương có muốn gặp không?

Vua thưa:

– Con muốn gặp.

Vua liền đi đến đứng bên ngoài phòng. Nghe Tỳ-kheo Vô Não đang ho, vua nhớ lại ông hung ác giết người chặt lấy lóng tay khắp nơi việc ấy qua rồi, nay sinh vào nơi chỗ Phật. Vua đem việc ấy thưa với

Phật. Đức Phật bảo:

– Đại vương, không chỉ đời này nghe tiếng ông ta không bị đọa địa ngục mà đời sau cũng dứt tuyệt đọa địa ngục. Đại vương hãy lắng nghe, thời quá khứ lâu xa, ở châu Diêm-phù-đề này có một nước lớn tên Ba-la-nại. Bấy giờ, trong nước có một con chim độc, thường bắt các côn trùng độc để ăn, nên thân nó cực độc không thể đụng chạm được, người đụng đến nó phải chết, cây đụng thì chết khô. Khi đó conchim này gặp một khu rừng, đậu trên một cội đại thọ, khằng khặc muốn kêu. Trong khu rừng đó có một bạch tượng vương đang đứng dưới gốc cây, nghe tiếng con chim độc, đứng im dưới đất không dám nhúc nhích. Đại vương nên biết, con chim độc lúc bấy giờ chính là tiền thân của Vô Não ngày nay vậy, còn bạch tượng vương là tiền thân của đại vương đó.

Vua lại bạch Đức Phật:

– Ương-cừu-ma-la hung bạo giết người nhiều như vậy, nay nhờ đến Thế Tôn hàng hóa tu thiện. Vì sao được duyên phước như vậy?

Đức Phật bảo vua:

– Ương-cừu-ma-la không chỉ đời này giết nhiều người nhờ Ta hàng hóa, mà ở thời quá khứ ông ta cũng giết nhiều người như vậy, Ta cũng hàng hóa ông ta, rồi hắn suy nghĩ làm việc thiện.

Vua lại bạch Đức Phật:

– Đời trước hắn hại người ta, được Thế Tôn hàng phục hóa độ, việc ấy như thế nào? Xin Thế Tôn giải nói cho chúng con được nghe.

Đức Phật nói:

– Đại vương, hãy lắng nghe! Về quá khứ lâu xa cách đây vô số kiếp a-tăng-kỳ, ở Diêm-phù-đề này có một nước lớn tên Ba-la-nại,  quốc vương lúc bấy giờ tên Ba-la-ma-đạt. Khi đó quốc vương đem bốn loại binh vào trong núi rừng săn bắn, vua kéo quân đến một cái đầm rượt đuổi cầm thú, chỉ còn một mình chạy vào rừng sâu. Lúc ấy vua rất mệt, xuống ngựa ngồi nghỉ. Khi đó, ở trong rừng có một con sư tử cái, tới thời kỳ phát dục, chạy đi kiếm đực. Kiếm mãi mà không gặp con sư tử nào, bỗng gặp ông vua đang ngồi nghỉ, nó khởi lòng dâm dục rất mạnh, muốn cùng ông vua giao dâm, nó đi đến gần bên vua, nhỏng đuôi đưa đít đứng chờ. Vua biết ý nó, nhưng lại tự nghĩ: “Đây là loài thú dữ, sức mạnh có thể giết ta, nếu không chìu theo ý nó, sợ e nó hại chết.” Vì thế chìu theo sư tử, hành dục xong rồi sư tử bèn bỏ đi. Lúc đó các binh lính rượt theo cũng vừa chạy đến, vua cùng binh lính kéo về hoàng cung. Bấy giờ con sư tử cái ấy thọ thai, mãn tháng nó sinh được một đứa con, hình thể rất giống người, chỉ là có vằn trên mình. Sư tử biết là có con với vua bèn ngậm đứa con tìm đến trước vua. Vua suy nghĩ nhớ lại việc lúc trước biết là con mình, liền nhận lấy nuôi dưỡng, do cặp chân có rằn ri nên đặt tên nó là Ca-ma-sa-ba-đà (Tần dịch là Bác Túc). Nuôi nó dần dần lớn lên, rất có tài năng và sức mạnh, sau khi vua băng hà Bác Túc có hai bà phu nhân, một người dòng Sát-đế-lợi, còn một người là dòng Bà-la-môn. Một ngày nọ vua Bác Túc đi ra ngoài thành dạo vườn hoa xem cảnh, ra lệnh hai phu nhân đi theo sau. Vua nói:

– Ai đi đến trước thì ngày hôm ấy cùng ta vui vẻ, còn ai đến sau thì ta không tìm kiếm đâu.

Sau khi vua đi rồi, hai vị phu nhân trang điểm rất đẹp, lên xe cùng đi. Được nửa đường thì trông thấy Thiên tự, vị phu nhân dòng Bà-la-môn xuống xe làm lễ, lễ xong vội vã đi, đành phải tới sau. Vua y theo lời hứa, trách vị phu nhân ấy. Lúc ấy phu nhân dòng Bà-la-môn phiền não sân giận oán trách Thiên thần:

– Vì tôi bận lễ lạy ông khiến vua coi thường, nếu ông có sức trời, tại sao không giúp tôi.

Phiền não sân giận bà tự ngầm tính kế. Sau khi vua trở về cung, bà càng thêm hầu hạ lo lắng, theo vua cầu xin rằng:

– Thiếp nghe nói trong nước chàng có một ngôi Thiên miếu mỗi ngày càng phóng túng, đại vương cần lưu ý cẩn thận!

Vua liền nghe theo, ra ngoài sai người đập phá Thiên tự như đất  bằng, rồi trở về trong cung. Thần giữ miếu buồn rầu khổ não, đi vào trong cung muốn làm thương tổn cung vua, Thiên thần ngăn cản không cho vào. Có một Tiên nhân ở trong núi Tiên, vua Bác Túc lúc đó thường đến cúng dường. Hằng ngày đến giờ ăn thì vị Tiên bay vào cung không thích ăn thức ăn ngon, chỉ thích dùng những thứ thô sơ. Bỗng một hôm Tiên nhân không đến, Thiên thần biết được hóa làm hình vị Tiên ấy để đi vào cung, thần giữ cung cũng biết được không cho vào, bèn đứng từ xa ngoài cổng tâu vua. Vua nghe Tiên nhân đang ở ngoài, trách người giữ cổng, vội ra lệnh mời vào. Khi đó thần giữ cung nghe có lệnh vua nên không ngăn cản. Vị ấy bèn đi thẳng vào, đến ngồi chỗ Tiên nhân thường ngồi. Vua sai dọn thức ăn như thường khi cúng dường, lúc đó hóa Tiên nhân, không chịu ăn, mà nói với vua:

– Đây là thức ăn thô xấu, lại không có thịt cá, làm sao có thể ăn.

Vua bèn tâu:

– Đại Tiên từ trước đến nay, thường dùng thanh khiết, cho nên không sai người làm thịt cá dọn lên. Hóa Tiên nhân lại bảo:

– Từ đây về sau, chớ có bày thức ăn thô sơ nữa hãy dọn thịt ta ăn.

Y như lời, vua bèn dọn đầy đủ thức ăn ngon, ăn xong hóa Tiên đi về. Ngày mai vị Tiên cũ bay đến, vua sai dọn các thức ăn thịt cá ngon lạ, Tiên nhân nổi giận oán trách nhà vua. Vua nói:

– Hôm qua đại Tiên vừa bảo như vậy!

Tiên nhân nói: “Hôm qua ta có việc, không ăn một ngày, không có đến đây. Ai nói với các ngươi, chỉ do các ngươi coi thường ta, nên mới làm như vậy”, bèn khiến nhà vua trong mười hai năm phải ăn thịt người. Nói xong Tiên nhân bay về trong núi. Từ đó về sau nhà vua cứ ăn thịt người. Một hôm quan coi nhà bếp quên không làm thịt người, sắp đến giờ ăn không biết tính thế nào, bèn đi ra ngoài thành kiếm thịt, thì thấy một đứa con nít mập mạp bị chết nằm trên mặt đất, ông bèn vội vã gánh đem về trong nhà bếp, thêm các gia vị thật ngon làm thức ăn cho vua. Hôm ấy vua ăn rồi cảm thấy ngon gấp bội bình thường, liền hỏi viên quan coi nhà bếp:

– Từ trước đến nay trẫm ăn thịt, chưa có thứ thịt nào ngon như thịt này. Đấy là thịt gì?  Quan coi bếp hoảng sợ, dập đầu trước nhà vua, xin vua tha tội mới dám nói ra. Vua nói:

– Cứ nói thật, trẫm không hỏi tội ngươi đâu.

Quan coi bếp tâu vua rằng:

– Hôm trước, vì không chuẩn bị thịt may đâu gặp một đứa nhỏ chết, thần mới đem về làm thức ăn dâng cho bệ hạ.

Vua nói:

– Thịt ấy ngon lạ khác thường. Vậy từ nay về sau, cứ làm thứ thịt như vậy.

Quan coi bếp tâu vua:

– Hôm trước ngẫu nhiên gặp xác đứa nhỏ chết, mới đem về làm thịt, nay bắt trẻ con làm thịt e rằng phạm quốc pháp.

Nhà vua nói:

– Ngươi hãy bí mật đi bắt, giả sử có người biết, thì sau khi xử là do trẫm cả.

Quan coi bếp vâng lời âm thầm bắt con nít làm thịt dâng cho vua ăn, hằng ngày như vậy. Lúc đó người dân trong thành, có người đi ngoài đường khóc lóc nói là mất con, họ truyền miệng hỏi với nhau, do đâu mà có sự việc như thế. Các quan cùng nhau bàn bạc, nên thử rình xem sao. Họ bố trí người ở khắp nơi trong đường nhỏ, thì trông thấy quan nhà bếp của vua bắt con nít, họ rình bắt được, trói dẫn đến nhà vua, đem mọi việc lâu nay ra trình bạch. Vua nghe xong im lặng không đáp. Ba lần tâu vua rằng:

– Nay bắt dược kẻ trộm con nít, tội đã đành rành, phải nên quyết đoán, tại sao bệ hạ im lặng?

Vua bèn nói:

– Đấy là trẫm bảo!

Các đại thần lòng ôm hận lui ra, họ đi ra ngoài cùng nhau bàn bạc:

– Thì ra nhà vua là kẻ trộm bắt con nít của chúng ta, vua ăn thịtngười thì làm sao mà cai trị dân được, chúng ta nên trừ khử đi tai họa này!

Tất cả đồng tâm cùng nhau tính kế. Trong vườn bên ngoài thành, có một cái hồ nước đẹp, thường ngày vua đến đó tắm gội, các quan phục binh trong vườn, đợi khi vua xuống ao tắm, phục binh nhất thời  bao vây bốn bề, bắt vua mà giết. Vua thấy quân lính tập hợp kinh sợ hỏi:

– Tại sao các ngươi vây quanh bức trẫm?

Các quan đáp:

– Luận về đạo làm vua phải dưỡng nuôi dân, trái lại nhà vua lại giết người ăn thịt, dân chúng oán thán, cho nên đều muốn giết vua.

Vua nói:

– Trẫm thật vô trạng, từ nay về sau, trẫm không làm như vậy nữa, sẽ tự cải hối, chỉ mong các ngươi tha trẫm.

Các quan nói:

– Trọn quyết không tha, chính vậy khiến ngày nay trời mưa tuyết đen và làm trên đầu ông sinh con rắn độc đen. Ông không cần phải van xin, không cần phải nói nhiều lời. Khi đó vua Bác Túc nghe các quan nói xong, tự biết ắt phải chết không còn con đường thoát, liền nói với các quan:

– Dù muốn giết ta hãy cho ta thêm vài phút.

Các quan đồng ý đứng chờ, nhà vua tự thệ nguyện: “Thân ta lâu nay cũng có tu hạnh lành, làm vua trị vì thiên hạ, cúng dường Tiên nhân tập hợp các đức ấy khiến cho ngày nay ta biến thành La-sát phi hành.” Nói xong, vua liền được bay lên hư không, nói với các quan:

– Các ngươi hợp lực muốn cưỡng giết ta, nhờ ta có may mắn lớn lại có thể tự thoát. Từ nay về sau các ngươi cứ yêu thương vợ con đi, ta sẽ lần lượt bắt ăn.

Nói xong, La-sát bay đi đến ở trong rừng núi, chờ người đi qua lại bắt ăn thịt. Nhân dân sợ hãi trốn tránh, tuy nhiên vẫn bắt ăn thịt rất nhiều người. Các La-sát khác bay theo, đồ chúng dần dần nhiều, nên việc bắt hại quần chúng càng rộng rãi. Sau này các La-sát ấy thưa vua Bác Túc La-sát rằng:

– Chúng tôi phụng sự vì vua bay theo, nguyện xin cho chúng tôi một bữa tiệc.

Bấy giờ vua Bác Túc hứa cho, nói:

– Các ngươi canh bắt các ông quan đúng một ngàn, ta sẽ đãi cho một bữa tiệc linh đình.

Nói xong các La-sát chia nhau đi bắt. Chúng phong tỏa các cửa núi rừng, bắt được chín trăm chín mươi chín ông quan, còn thiếu một  người, số chưa đủ số. Các ông quan ấy suy nghĩ: “Chúng ta cùng cấp, làm sao đi về được. Nếu họ bắt được Tu-đà-tố-di, thì Tu-đà-tố-di có nhiều cách có thể cứu giúp chúng ta.” Tính kế như vậy rồi bèn thưa với vua La-sát Bác Túc:

– Nếu bệ hạ muốn làm một bữa tiệc đặc biệt khác thường, thuần là thịt các quan, không dùng những người dân thường, hãy nên bắt Tu- đà-tố-di, ông ấy rất có tiếng, như vậy bữa tiệc của bệ hạ mới ngon. Vua La-sát nghe nói thế, liền bay đi bắt Tu-đà-tố-di và các thể nữ. Sáng sớm, ra ngoài thành đến khu vườn có ao nước tắm gội, trông thấy một vị Bà-la-môn đi khất thực, vua Tu-đà-tố-di nói với vị Bà-lamôn:

– Hãy đợi ta tắm xong, sẽ bố thí.

Vua liền đi đến khu vườn, xuống ao nước tắm. Lúc đó vua La-sát bay tới bắt lấy, mang về trong núi. Tu-đà-tố-di buồn rầu khóc lóc. Lúc đó vua Bác Túc hỏi:

– Nghe nói người danh đức thù thắng đệ nhất, có chí Đại trượng phu, tại sao mà buồn rầu khóc lóc như trẻ con vậy? Tu-đà-tố-di tâu cùng vua La-sát rằng:

– Tôi không thương thân hay tham tiếc thọ mạng, nhưng từ khi sinh ra đến nay chưa từng nói dối, sáng này tôi đi ra khỏi cung thì thấy một Đạo sĩ, tôi đang đi xe ở trước mà Đạo sĩ cứ theo sau tôi xin ăn. Tôi hứa là sau khi tắm trở về sẽ bố thí cho, nhưng vừa đi ra đã bị đại vương bắt đem đến đây. Nghĩ lại hôm nay bị vọng ngữ mất đi sự thành tín, cho nên tôi buồn, chứ chẳng tiếc gì tấm thân này cả, mong đại vương thương xót cho tôi về bảy ngày, để bố thí cho đạo sĩ kia xong xuôi rồi sẽ trở lại đây nạp mạng. Vua Bác Túc La-sát nghe rồi nói rằng:

– Nay cho ngươi được trở về, sau này phải tự đến nạp mạng chịu chết, cho dù sau này ngươi không trở lại ta cũng có thể tự bắt ngươi được.

Nói xong thả ra. Vua Tu-đà-tố-di về đến nước nhà. Ông đạo sĩ cũng còn chờ ở đấy, vua vui mừng làm lễ cúng dường Bà-la-môn. Bấy giờ vị Bà-la-môn biết được nhà vua không lâu sẽ phải quay trở lại nạp mạng cho La-sát, sợ vua quyến luyến quốc gia mà âu sầu, bèn vì nhà vua thuyết kệ:

Trời đất bao la rốt cùng kiếp số
Đều là tro bụi Tu-di biển lớn.
Ở trong suy tàn Trời, Rồng, Người, Quỷ
Nước có gì thường hai nghi còn mất.
Luân chuyển không cùng sinh, lão, bệnh, tử,
Ưu bi làm hại sự cùng nguyện trái
Bệnh lỡ không ngoài dục thâm họa trọng
Nước nào đáng tin ba cõi đều khổ
Duyên thành các thứ có vốn tự không
Thật ắt có giả thạnh rồi ắt suy
Đều như huyễn ảo chúng sinh ngu xuẩn
Đất nước cũng vậy, ba cõi đều không
Mượn cỡi bốn rắn (tứ đại) thần thức vô hình
Cho là xe đẹp voi báu vô minh
Thần không là nhà hình không thường chủ
Há có nước sao hình thần còn lìa.

Bấy giờ vua Tu-đà-tố-di nghe xong bài kệ này, suy nghĩ nghĩa lý sâu xa vui mừng vô cùng, liền lập thái tử, thay mình làm vua, rồi từ biệt các quan, trở về nơi đã hứa. Các quan đồng nói với vua:

– Xin bệ hạ hãy ở lại, chớ có lo sợ Bác Túc! Chúng thần suy tính kế, đã phòng bị làm một cái nhà bằng sắt, để bệ hạ trong đó. Bác Túc dù có mạnh mẽ cũng không thể bắt ra được. Vua bảo các quan và thần dân rằng:

– Người sống trên đời thành thật uy tín làm gốc. Hư dối mà sống thà là chết mà giữ chữ tín, sống không vọng ngữ lại còn nói các thứ lợi thành tín.

Vua rộng vì phân biệt nói rõ các tội hư vọng. Các quan nghe thế đau buồn không nói được một lời nào. Vua bèn đứng dậy đi ra ngoài thành, tất cả đều tống tiễn vua. Vua phải dùng mọi cách ví dụ cho các quan hiểu xong rồi lên đường mà đi. Khi ấy vua Bác Túc La-sát tự suy nghĩ: “Tu-đà-tố-di hôm nay phải đến”, bèn ngồi trên đỉnh núi chờ, từ xa trông ngóng, thấy vua cùng mọi người tuần tự kéo đến, thấy mặt mũi vua vui vẻ mừng rỡ và nói đúng như lời hẹn. Vua Bác Túc La-sát hỏi:

– Mau đến đây, người sống trên đời không ai chẳng tiếc thọ mạng, nay người sắp chết, vì sao vui mừng gấp bội lúc bình thường? Nhà ngươi trở về nước được lợi lành gì chăng? Tu-đà-tố-di nói:

– Tâu đại vương, ngài khoan ân cho tôi về bảy ngày để bố thí, giữ được thành tín, lại được nghe nói Diệu pháp, dụng tâm nghe hiểu, nên hôm nay chí nguyện đã được thỏa mãn, dù có chết cũng được, không có tiếc gì mạng sống cả. Vua Bác Túc nói:

– Ngươi nghe pháp gì? Thử nói cho ta nghe có được không? Tu-đà-tố-di vì vua La-sát nói bài kệ ấy, lại còn dùng phương tiện rộng rãi vì ông thuyết pháp, giảng rõ về tội sát sinh và quả báo ác nghiệp; lại nói về phước báo của tâm Từ bi không sát sinh. Vua Bác Túc nghe xong, đảnh lễ và thọ sự chỉ giáo ấy, không có tâm muốn hại nữa, bèn thả vua và các quan lính trở về nước. Vua Tu-đà-tố-di liền thâu binh lính rồi đem vua Bác Túc về nước làm vua như cũ. Trước kia thề với Tiên nhân, mười hai năm đã mãn. Từ đó về sau Bác Túc không dám ăn thịt người nữa, bèn trở về nước làm vua trị dân như lúc cũ.

Nói đến đây, Đức Phật nhắc lại:

– Thưa đại vương, Tu-đà-tố-di thuở đó chính là tiền thân của Ta, còn vua  Bác Túc nay là Ương-cừu-ma-la ngày nay. Những người trong mười hai năm theo vua Bác Túc kiếm ăn, nay là các người bị Ươngcừu-ma-la bắt giết. Những người này đời đời thường bị Ương-cừu-mala giết hại. Còn Ta cũng đời đời hàng phục ông ta làm thiện. Ta nhớ lại trong kiếp quá khứ lúc còn phàm phu còn biết giáo hóa khiến ông ta không sát sinh, huống hồ ngày nay Ta thành Bậc Như Lai, đầy đủ đức hạnh, dứt sạch mọi việc ác, há không thể hàng phục hóa độ ông ta sao?

Vua Ba-tư-nặc lại bạch Phật:

– Nay những người này kiếp trước có duyên gì mà thường đời đời bị ông ta giết mãi như thế? Mong Thế Tôn nói cho con được rõ.

Đức Phật nói:

– Đại vương hãy lắng nghe, trong đời quá khứ lâu xa, ở châu Diêm-phù-đề này có một nước lớn tên Ba-la-nại, quốc vương nước đó tên Ba-la-ma-đạt. Đức vua có hai vị thái tử, đều có tài năng khỏe  mạnh, dung mạo đoan chánh đẹp đẽ lạ thường, đức vua rất yêu mến. Lúc đó người em tự nghĩ: “Nếu như vua cha băng hà, người anh chắc chắn kế vị, còn ta tuổi nhỏ, không mong gì được ngôi vị ấy. Sinh ở đời nay đã không được làm vua thì sống làm gì, chi bằng tìm nơi u tĩnh để cầu đạo Tiên.” Nghĩ thế rồi người em đi đến tâu vua cha:

– Tâu phụ vương, con rất ham thích vào núi sâu cầu học đạo Tiên, xin phụ vương cho phép con được đi vào núi tìm thầy học đạo. Vua đồng ý. Thái tử ra đi, trải qua vài năm thì vua cha băng hà, người anh kế vị, thống trị nhân dân chưa bao lâu thì người anh cũng bị bệnh rồi qua đời, chưa có con nối dõi, lại càng không có người nối cơ nghiệp. Quần thần tập hợp lại bàn bạc, mà không tìm được cách nào giải quyết. Có một ông quan nói:

– Đức vua còn một thái tử, trước kia đã xin vua vào rừng núi tu tiên, nay chúng ta nên mời về để lên ngôi. Các quan đều vui vẻ nói:

– Sự việc này rất hợp lý. Nói rồi họ dẫn binh lính vào núi tìm kiếm, gặp được và trình bày mọi việc cầu thỉnh thái tử thương xót về lo cai trị đất nước. Thái tử đáp:

– Việc này thật đáng sợ, nay ta vui trong tĩnh lặng, mãi mãi không lo buồn, còn người đời hung ác, ham giết hại lẫn nhau. Nếu ta về làm vua, thấy những việc xấu xa ấy, nay ta đã được tịnh lạc, không muốn về làm vua.

Các quan lại tâu:

– Vua băng hà không người nối dõi, chỉ còn có một mình thái tử (đại Tiên) thuộc dòng vua chúa, nhân dân đất nước một ngày không thể thiếu vua được. Cúi mong thái tử thương xót trở về hoàng cung. Các quan chí thành khẩn thiết cầu thỉnh, ý thái tử không nỡ bèn nhận lời theo họ về hoàng thành. Thái tử từ nhỏ học theo Tiên đạo, chưa tập theo việc đời, về trị quốc gia, dần dần gần gũi nữ sắc, càng nhiễm dâm dục, dâm dật phóng đãng, ngày đêm ăn nằm không thể tự khắc phục, bèn ra lệnh trong nước:

– Tất cả phụ nữ, trước khi đi lấy chồng, phải ăn nằm với trẫm trước.

Từ đó về sau khắp trong nước, con gái sắp về nhà chồng, ngay  cả phụ nữ đoan chánh, cũng bị nhà vua lăng nhục. Bấy giờ có một người con gái đang đi trên đường chỗ đông người, đứng trần truồng, mọi người đều kinh tởm, đồng đến chê trách cô gái:

– Ngươi vì sao không xấu hổ, lại làm việc như vậy?

Cô gái liền đáp:

– Con gái đứng nơi đám con gái có gì đâu mà xấu hổ. Các ngươi đứng đấy không xấu hổ thì ta đối với các ngươi cũng đâu có gì khác, có gì đâu mà hổ thẹn!

Mọi người nói:

– Tại sao ngươi nói như vậy?

Cô gái nói rằng:

– Chỉ có một mình ông vua là nam tử, phụ nữ cả nước đều bị ông ta làm nhục. Các ngươi nếu là phái nam đều để làm như vậy sao? Lúc đó mọi người càng hổ thẹn cùng nói với nhau rằng:

– Như lời cô gái này thật chí lý. Họ âm thầm truyền miệng với nhau đồng tâm hợp mưu kế, muốn cùng phế vua. Khi đó, ở ngoài thành có khu vườn, có ao nước trong mát, nhà vua thường thường đến đó tắm gội, các quan mai phục lính trong vườn, đợi vua xuống ao tắm thì xông ra bao vây bắt áp bức muốn giết. Nhà vua kinh sợ nói:

– Các ngươi muốn làm gì thế?

Các quan nói:

– Nhà vua không lo việc đất nước, lại cứ hoang dâm vô độ, phá hoại, rối loạn thuần phong mỹ tục, làm ô nhục nhiều nhà người ta, ai ai cũng đều thấy biết, không thể nhẫn nại nữa, cho nên muốn trừ khử nhà vua, đi cầu bậc hiền tài khác cai trị. Nhà vua nghe nói thế hoảng sợ nói với các quan:

– Trẫm thật có lỗi, trẫm không phụ các khanh thỉnh mới trẫm về làm vua. Trẫm xin tự sửa lỗi, không bỏ bê triều chính nữa, mong các khanh hãy tha cho trẫm, để trẫm làm lại từ đầu.

Các quan lại nói:

– Giả sử hôm nay trời có mưa xuống tuyết đen trên đỉnh đầu nhà vua sinh ra con rắn độc, rốt cùng cũng không buông tha, không cần phải nói nhiều lời nữa. Vua nghe rồi tự biết ắt phải chết, bèn nổi sân hận nói với các  quan rằng:

– Ta vốn ở núi, không tham dự việc đời, các ngươi cưỡng bức ta về đưa ta lên làm vua, từ khi ta làm vua chưa từng có việc gì bị thất bại, thế mà hôm nay các ngươi đồng tâm sĩ nhục ta. Nay ta đơn độc sức yếu, không thể chống lại các ngươi, ta thề kiếp sau sinh ra sẽ giết lại các ngươi. Tuy nhà vua thề như thế, các quan vẫn cứ giết nhà vua. Nói đến đây Đức Phật nhắc lại:

– Đại vương nên biết, vị vua Tiên nhân kia chính là Ương-cừuma-la kiếp trước, còn các quan đồng tâm giết vua nay là những người bị Ương-cừu-ma-la giết vậy. Từ đó đến nay sinh ra họ cứ thường bị giết như vậy.

Bấy giờ vua Ba-tư-nặc quỳ bạch Đức Phật:

– Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo Vô Não giết những người này, mà hôm nay lại tu đắc đạo, vậy kiếp sau có thọ báo không? Đức Phật bảo:

– Đại vương, việc làm ấy ắt có báo. Hôm nay Tỳ-kheo Vô Não ở trong phòng, lửa của địa ngục từ trong lỗ chân lông vọt ra thiêu đốt đau đớn dữ dội. Lúc đó Như Lai muốn cho chúng hội biết việc làm ác ắt có tội báo, liền sai một Tỳ-kheo đi đến phòng của Vô Não đâm thủng một lỗ nhỏ xem. Vị Tỳ-kheo ấy vâng lời, đi đến làm thế, thấy trong phòng Vô Não bị cháy tiêu tan cả. Tỳ-kheo ấy kinh ngạc trở về bạch Phật. Đức Phật bảo vị Tỳ-kheo ấy rằng:

– Hành báo là như thế đấy?

Vua và chúng hội không ai không tin hiểu. Khi đó, Tôn giả Anan quỳ bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn, Ương-cừu-ma-la có túc duyên gì, thân thể mạnh khỏe, như một lực sĩ, còn chạy nhanh như bay, lại được gặp Phật, độ thoát sinh tử. Cúi mong Thế Tôn thương xót, vì chúng hội nói những việc đó.

Đức Phật bảo:

– Này A-nan, các ông hãy lắng nghe!

Về quá khứ thời Đức Phật Ca-diếp, có một vị Tỳ-kheo chấp tác công việc cho chúng Tăng. Một hôm đi gánh gạo, giữa đường mắc mưa, không có chỗ trú mưa, gạo và thức ăn đều bị ướt đẫm. Khi đó vị  Tỳ-kheo suy nghĩ: “Vì ta sức lực yếu nên đi chậm chạp phải bị mắc mưa”, liền tự lập thệ: “Nguyện đời sau tôi sinh ra có sức mạnh địch nổi ngàn người, thân nhẹ đi nhanh chạy như chim bay, tương lai có Phật Thích-ca Mâu-ni ra đời, khiến tôi được gặp và được độ thoát sinh tử.”

Này A-nan, vị Tỳ-kheo làm việc cho chúng Tăng nay chính là Ương-cừu-ma-la. Do ở đời trước, xuất gia trì giới, phụng sự chúng Tăng, lập nguyện như thế, cho nên từ đó đến nay, đời đời sinh ra được thân thể mạnh khỏe, tướng mạo đoan chánh, được như ý nguyện. Lại gặp được Ta, độ thoát sinh tử. Bấy giờ ngài A-nan và cả chúng hội Tỳ-kheo, vua quan thần dân nghe Đức Phật nói về nhân duyên hành báo, thảy đều cảm khích, tư duy về Tứ diệu đế, có người đắc quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-nahàm và A-la-hán, có người gieo trồng căn lành Bích-chi-phật, có người phát tâm cầu Vô thượng chánh giác, có người trụ Bất thoái chuyển. Họ đều giữ thân, khẩu, ý tức khắc làm việc thiện, nghe Đức Phật nói xong thảy đều vui mừng phụng hành.