SỐ 221
KINH PHÓNG QUANG BÁT-NHÃ
Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Vô-la-xoa, người nước Vu Điền
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 11

Phẩm 52: THÍ DỤ

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Vì trong biển lớn có thuyền bị vỡ nát, người trong thuyền nếu không ôm lấy tấm ván mà bám vào thây người chết, nên biết người đó không thể sống, bị chìm không cứu được, vì không bám vào chỗ đáng nên bám. Ngược lại, người trong thuyền ấy biết bám vào tấm ván, cột buồm thì được cứu thoát an ổn, vì người đó biết bám vào vật đáng bám mà được cứu sống.

Tu-bồ-đề! Nếu có thiện nam, thiện nữ hành Bồ-tát đạo với lòng tin ưa ít ỏi, tuy gặp Bát-nhã ba-la-mật nhưng không đọc tụng, thọ trì, nương tựa, gần gũi, không tu tập hành trì sáu pháp Ba-la-mật, cho đến trí Nhất thiết cũng không gần gũi. Nên biết, người đó giữa đường gặp trở ngại, không thể đắc trí Nhất thiết, sẽ giữ lấy quả vị tu chứng của La-hán, Bích-chi-phật.

Nếu có thiện nam, thiện nữ hành Bồ-tát đạo, đối với Vô thượng Chánh đẳng giác có lòng tin, ưa thích, có năng lực, có chánh niệm, có hiểu biết, có phương tiện, có tu tập, gặp Bát-nhã ba-la-mật liền ghi chép thọ trì, học tập, gần gũi, đọc tụng. Nên biết, những người này có thể thọ trì Bát-nhã ba-la-mật sâu xa, thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đạt đến trí Nhất thiết, luôn luôn không gặp trở ngại nửa chừng, cũng chẳng rơi vào La-hán, Bích-chi-phật đạo, có thể giáo hóa chúng sinh, làm thanh tịnh cõi Phật.

Ví như có người cầm bình đất chưa nung để lấy nước, nên biết không bao lâu nó sẽ rã nát. Vì sao? Vì dùng vật đất chưa nung chín.

Tu-bồ-đề! Nếu có thiện nam, thiện nữ hành Bồ-tát đạo, tuy có tin ưa, có chánh niệm, có phương tiện, có hiểu biết, có gần gũi, có hành trì, nhưng đối với Vô thượng Chánh đẳng giác thì không thọ trì sáu pháp Ba-la-mật, không có phương tiện quyền xảo, lại không thọ trì nội ngoại không và hữu vô không, không thọ trì năm Thần thông, ba mươi bảy phẩm Trợ đạo cho đến trí Nhất thiết cũng không gần gũi. Nên biết người này giữa đường gặp trở ngại.

Tu-bồ-đề! Giữa đường gặp trở ngại gì? Tức sẽ đi vào La-hán và Bích-chi-phật đạo.

Ví như có người cầm bình nung chín đi đến sông, giếng, ao hồ lấy nước. Nên biết, người này lấy nước trở về được yên ổn, không bị chảy. Vì sao? Vì biết dùng bình đã nung chín.

Nếu có thiện nam, thiện nữ hành Bồ-tát đạo, đối với Vô thượng Chánh đẳng giác có lòng tin ưa, có phương tiện, có chánh niệm, có hiểu biết, có tu tập, có trí tuệ, thọ trì sáu pháp Ba-la-mật và phương tiện quyền xảo, gần gũi trí Nhất thiết. Nên biết người này đạt đến Vô thượng Chánh đẳng giác, không bị cản trở.

Tu-bồ-đề! Ví như trên biển lớn có thuyền mới đóng chưa chắc chắn, chưa hoàn hảo, chưa trang bị đầy đủ, lại chở hàng hóa trong thuyền rất nhiều. Nên biết thuyền đó không bao lâu, giữa đường sẽ bị hư hại, bị tổn thất mỗi thứ một nơi. Vì dùng phương tiện chưa hoàn hảo nên khách buôn bị mất hàng hóa quý báu.

Tu-bồ-đề! Nếu có thiện nam, thiện nữ hành Bồ-tát đạo, đối với Vô thượng Chánh đẳng giác, tuy có tin ưa, có chánh tín, có phương tiện, có chánh niệm, có hiểu biết, nhưng công đức ít, dù gặp Bát-nhã ba-la-mật, nhưng không ghi chép, thọ trì, đọc tụng, học tập đối với sáu pháp Ba-la-mật, không thọ trì học tập cũng không gần gũi việc của trí Nhất thiết, không có phương tiện quyền xảo. Tu-bồ-đề, nên biết người này giữa đường gặp trở ngại, bị mất báu quý, báu quý là trí Nhất thiết. Giữa đường người đó đi vào Lahán, Bích-chi-phật đạo.

Ví như người có trí, trước tiên sửa chữa thuyền đó, trang bị vững chắc đầy đủ, chở hàng hóa đến chỗ muốn đến, nên biết người này sẽ đi đến nơi, không bị mất. Vì sao? Vì người đó dùng thuyền đầy đủ và vững chắc.

Nếu có thiện nam, thiện nữ hành Bồ-tát đạo, có lòng tin ưa lớn, có thí, có niệm, có hiểu biết, có thực hành nơi Vô thượng Chánh đẳng giác, gặp Bát-nhã ba-la-mật liền học tập, ghi chép, đọc tụng, hành trì. Đối với sáu pháp Ba-la-mật đều có công đức, thường gần gũi trí Nhất thiết, mới chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng giác, rốt ráo không bị trở ngại, không đi vào La-hán, Bíchchi-phật đạo.

Tu-bồ-đề! Ví như có người một trăm hai mươi tuổi, người này có bệnh, hoặc bị trúng gió, hoặc nóng lạnh. Ý ông nghĩ sao? Người đó có thể tự mình đi, đứng, nằm, ngồi được không?

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Không thể được. Vì sao? Vì người đó tuổi đã già rồi, dù không bệnh đi đứng cũng không nổi, huống chi có bệnh. Sức lực đã tiêu mòn, đâu có thể đi đến chỗ muốn đến.

Tu-bồ-đề! Nếu có thiện nam, thiện nữ hành Bồ-tát đạo, đối với Vô thượng Chánh đẳng giác tuy có lòng tin ưa, có thí, có niệm, có năng, có hành, nhưng đối với sáu pháp Ba-la-mật công đức ít, không gần gũi trí Nhất thiết, không có phương tiện quyền xảo. Nên biết, người đó giữa đường gặp trở ngại, đi vào La-hán, Bích-chiphật đạo. Vì sao? Vì không đạt được phương tiện quyền xảo của Bát-nhã ba-la-mật sâu xa.

Tu-bồ-đề! Như người già kia bệnh đã bớt, nhưng có nhờ hai người khỏe mạnh, một người dìu bên nách, một người đở cánh tay. Họ nói với người già rằng: “Ông hãy yên tâm, đừng sợ hãi, chúng tôi sẽ đưa ông đến nơi và không bỏ ông giữa chừng.” Phật hỏi:

–Tu-bồ-đề! Người này có thể đến nơi được không?

Tu-bồ-đề đáp:

–Bạch Thế Tôn! Có thể đến được.

Phật dạy:

–Nếu thiện nam, thiện nữ hành Bồ-tát đạo, đối với Vô thượng Chánh đẳng giác có lòng tin ưa, có năng lực, có phương tiện, có tu tập, có trí tuệ, có công đức nơi sáu pháp Ba-la-mật, thường gần gũi trí Nhất thiết, có phương tiện quyền xảo. Nên biết Bồ-tát này không bị trở ngại, có khả năng chứng Vô thượng Chánh đẳng giác mà tâm không lay động, không đi vào Thanh văn, Bích-chi-phật đạo.

Bấy giờ, Thế Tôn khen ngợi Tu-bồ-đề:

–Lành thay, lành thay! Tu-bồ-đề vì các Đại Bồ-tát mà thưa hỏi Như Lai việc như vậy.

Nếu có Bồ-tát dùng ý tưởng về tự ngã mà phụng hành sáu pháp Ba-la-mật và nói:

–Ta là người hành trì sáu pháp Ba-la-mật.

Đó là Bồ-tát cống cao ngã mạn. Người làm những hành động đó trọn đời không đắc sáu pháp Ba-la-mật.

Thiện nam, thiện nữ này cũng không biết bờ bên này, bờ bên kia, không được sự hộ trì của sáu pháp Ba-la-mật, của trí Nhất thiết, giữa đường rơi vào La-hán, Bích-chi-phật địa, cũng không sinh từ trong Nhất thiết trí.

Tu-bồ-đề! Thế nào là Bồ-tát không có phương tiện quyền xảo?

Thiện nam, thiện nữ này hành Bồ-tát đạo không dùng phương tiện quyền xảo để hành trì sáu pháp Ba-la-mật nên đối với sáu pháp Ba-la-mật đều có tưởng về tự ngã, tưởng ta có làm việc này. Hành trì sáu pháp Ba-la-mật mà tự cống cao ngã mạn. Vì sao? Vì trong sáu pháp Ba-la-mật không bao giờ có ý niệm ấy, không có sự phân biệt. Người có ý niệm như vậy thường ở bờ bên này, chỉ biết bờ bên này, không biết bờ bên kia, không được sự hộ trì của sáu pháp Ba-la-mật và trí Nhất thiết, giữa đường đi vào La-hán, Bích-chi-phật đạo, cũng không sinh ra từ trong trí Nhất thiết.

Tu-bồ-đề! Bồ-tát như vậy không được sự hộ trì của phương tiện quyền xảo, liền đi vào La-hán Bích-chi-phật.

Tu-bồ-đề! Thế nào là Bồ-tát hành trì Bát-nhã ba-la-mật, được

sự hộ trì của phương tiện quyền xảo, không rơi vào La-hán, Bích-chiphật đạo, thành Vô thượng Chánh đẳng giác?

Tu-bồ-đề! Bồ-tát hành trì Bát-nhã ba-la-mật không có ý niệm về tự ngã, đối với sáu pháp Ba-la-mật không cống cao ngã mạn. Bồ-tát biết bờ bên này, bờ bên kia, được sự hộ trì của sáu pháp Bala-mật và phương tiện quyền xảo, được sinh ra từ trí Nhất thiết; không đi vào La-hán, Bích-chi-phật đạo.

Tu-bồ-đề! Bồ-tát hành trì như vậy sẽ không đi vào La-hán, Bích-chi-phật đạo vì được sự hộ trì của sáu pháp Ba-la-mật, của phương tiện quyền xảo và trí Nhất thiết.