SỐ 223
KINH MA-HA BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT
Hán dịch: Pháp sư Cưu-ma-la-thập
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 15

Phẩm 51: THÍ DỤ

Đức Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Ví như thuyền hư bị chìm giữa biển lớn, nếu người nào trong thuyền chẳng nắm phao, chẳng ôm cây ván hoặc thây chết thì những người ấy không thể vào bờ và sẽ chìm chết. Người nào nắm phao hoặc ôm cây ván, thây chết thì người này chẳng bị chìm chết, sẽ được vào đến bờ, an ổn tự do.

Cũng vậy, này Tu-bồ-đề! Thiện nam, thiện nữ nào cầu Phật đạo, nếu chỉ có tâm tin ưa mà chẳng theo Bát-nhã ba-lamật, chẳng biên chép, chẳng thọ trì, chẳng đọc, chẳng tụng, chẳng giảng nói, chẳng ghi nhớ, với năm pháp Ba-la-mật kia cho đến Nhất thiết chủng trí cũng đều chẳng y cứ, chẳng biên chép, đọc tụng, ghi nhớ, phải biết thiện nam, thiện nữ này giữa đường suy hao, chẳng đến được Nhất thiết chủng trí, sẽ chứng quả Thanh văn hoặc Bích-chiphật.

Này Tu-bồ-đề! Nếu thiện nam, thiện nữ nào cầu Phật đạo, có đức tin, đức nhẫn, có tịnh tâm, thâm tâm, có nguyện, có hiểu biết, có xả, có tinh tấn, theo Bát-nhã ba-la-mật, biên chép, thọ trì, đọc tụng, giảng nói, ghi nhớ, người này được sự che chở của Bát-nhã ba-la-mật sâu xa, cho đến được sự che chở của Nhất thiết chủng trí. Nhờ sự che chở nên người này chẳng bị giữa đường suy hao, vượt khỏi bậc Thanh văn, Bích-chi-phật, thường thanh tịnh cõi Phật, thành tựu chúng sinh, sẽ chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Này Tu-bồ-đề! Ví như có người dùng cái bình đất chưa nung chín để múc nước, phải biết không bao lâu cái bình ấy sẽ bể rã, trở về với đất.

Cũng như vậy, nếu thiện nam, thiện nữ dầu có tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, có đức tin, đức nhẫn, có tịnh tâm, thâm tâm, có nguyện, có hiểu biết, có xả, có tinh tấn, mà chẳng được sự che chở của Bát-nhã ba-la-mật sâu xa cho đến của Nhất thiết chủng trí, người này giữa đường bị suy hao, sẽ rơi vào các Thanh văn, Bích-chi-phật.

Này Tu-bồ-đề! Ví như có người dùng cái bình đất đã nung chín để đựng nước, phải biết cái bình này sẽ chứa được nước mà không bị rã.

Cũng vậy, có thiện nam, thiện nữ nào cầu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, có đức tin, đức nhẫn, có tịnh tâm, thâm tâm, có nguyện, có hiểu chắc tinh tấn, lại được sự che chở của Bát-nhã bala-mật cho đến Nhất thiết chủng trí, phải biết người này chẳng bị suy hao giữa đường mà vượt khỏi hàng Thanh văn, Bích-chi-phật, thường thanh tịnh cõi Phật, thành tựu chúng sinh, chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Ví như thuyền trang bị chưa hoàn thành mà chở tài vật vượt biển khơi, phải biết thuyền này sẽ bị chìm giữa biển, người một nơi, thuyền và tài vật chìm trôi một ngả. Vì phương tiện không đầy đủ nên lái buôn phải mất tài vật.

Cũng như vậy, thiện nam, thiện nữ nào dầu có tâm Bồtát, có đức tin, đức nhẫn, nguyện tịnh tâm, thâm tâm cho đến tinh tấn mà không được năng lực phương tiện của Bát-nhã bala-mật, cho đến Nhất thiết chủng trí che chở, phải biết người này giữa đường bị suy hao mất châu báu lớn, Nhất thiết chủng trí, đi theo các Thanh văn, Bích-chi-phật.

Này Tu-bồ-đề! Ví như người có trí, trang bị thuyền lớn đày đủ, sau đó mới cho thuyền hạ thủy chuyên chở tài vật, phải biết thuyền này sẽ không bị hư giữa đường, sẽ đến được chỗ muốn đến.

Cũng như vậy, thiện nam, thiện nữ nào cầu Phật đạo, có đức tin, có nhẫn, có tịnh tâm, thâm tâm, có nguyện, hiểu chắc, tinh tấn, lại được năng lực phương tiện của Bát-nhã ba-lamật cho đến Nhất thiết chủng trí che chở, phải biết người này sẽ được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, không bị suy hao giữa đường, không theo các Thanh văn, Bích-chi-phật.

Này Tu-bồ-đề! Ví như có người già hơn trăm tuổi, suy yếu nhiều bệnh. Người già bệnh này nằm liệt trên giường không thể dậy đi được, hoặc có dậy đi được cũng không thể bước đi xa một, hai mươi dặm.

Cũng như vậy, thiện nam, thiện nữ nào dầu có tâm Bồ-đề, có đức tin, đức nhẫn, có tịnh tâm, thâm tâm, có nguyện, hiểu chắc, tinh tấn nhưng chẳng được năng lực phương tiện của Bátnhã ba-lamật che chở, cho đến chẳng được năng lực phương tiện của Nhất thiết chủng trí che chở, phải biết người này giữa đường cũng rơi vào hàng Thanh văn, Bích-chi-phật.

Như người già hơn trăm tuổi, suy yếu nhiều bệnh, muốn đứng dậy bước đi, có hai người khỏe mạnh hết lòng dìu hai bên, nhờ đó người già bệnh đến được chỗ muốn đến.

Cũng như vậy, thiện nam, thiện nữ nào cầu Phật đạo, có đức tin, có nhẫn, có tịnh tâm, thâm tâm, có dục, hiểu chắc, xả, tinh tấn, lại được năng lực phương tiện của Bát-nhã ba-lamật cho đến Nhất thiết chủng trí che chở, phải biết người này giữa đường không rơi vào các Thanh văn, Bích-chi-phật mà đến được chỗ muốn đến, đó là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Đến đây Đức Phật lại khen Tu-bồ-đề:

–Lành thay, lành thay! Tu-bồ-đề! Vì các Bồ-tát mà thưa hỏi Như Lai việc như vậy.

Này Tu-bồ-đề! Nếu có thiện nam, thiện nữ nào từ lúc mới phát tâm đến nay, dùng tâm ngã ngã sở mà bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ. Lúc bố thí cho đến trí tuệ, người này nghĩ rằng: mình là thí chủ, mình bố thí cho người ấy, mình bố thí vật ấy, cho đến nghĩ rằng mình là người tu trí tuệ, mình tu trí tuệ ấy, mình có trí tuệ. Người này chẳng biết bờ này, bờ kia, chẳng được sự che chở của Bát-nhã ba-lamật, cho đến chẳng được sự che chở của Nhất thiết chủng trí. Vì trong Bát-nhã ba-la-mật cho đến Bố thí ba-la-mật không có sự phân biệt như vậy. Xa lìa bờ này bờ kia, đó là tướng của sáu pháp Ba-la-mật. Vì không được che chở nên người này chẳng đến được Nhất thiết chủng trí mà theo các Thanh văn, Bích-chi-phật.

Này Tu-bồ-đề! Thế nào là người cầu Phật đạo mà không có phương tiện?

Người cầu Phật đạo từ lúc bắt đầu phát tâm đến nay không có năng lực phương tiện khi thực hành sáu độ, người này cho rằng mình là thí chủ bố thí cho người và dùng tài vật ấy để bố thí, cho đến nghĩ rằng mình tu tuệ ấy, có tuệ ấy, do đó mà có quan niệm tự cao: Nơi bố thí tự cao, trì giới tự cao, nhẫn nhục tự cao, tinh tấn tự cao, thiền định tự cao, trí tuệ tự cao. Người này chẳng biết rằng không phân biệt nhớ tưởng, xa lìa bờ này, bờ kia là tướng của sáu pháp Ba-lamật. Vì không biết bờ này, không biết bờ kia nên người này không được sự che chở của Bố thí ba-la-mật, cho đến không được sự che chở của Nhất thiết chủng trí, do đó không thể đến được Nhất thiết chủng trí mà theo các hàng Thanh văn, Bích-chi-phật.

Thế nên, này Tu-bồ-đề! Nếu Đại Bồ-tát chẳng được năng lực phương tiện của Bát-nhã ba-la-mật che chở thì sẽ theo các Thanh văn, Bích-chi-phật. Nếu được sự che chở của năng lực phương tiện Bát-nhã ba-la-mật thì Đại Bồ-tát sẽ mau được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, không bị đi theo Thanh văn, Bíchchi-phật.

Thế nào là được sự che chở?

Này Tu-bồ-đề! Từ ban sơ đến nay, Bồ-tát dùng năng lực phương tiện mà bố thí, không có tâm ngã, ngã sở, cho đến không có tâm ngã, ngã sở mà tu trí tuệ. Bồ-tát này chẳng nghĩ rằng: “Mình có bố thí, đó là của mình bố thí, chẳng vì bố thí mà tự cao, cho đến chẳng vì trí tuệ mà tự cao.” Bồ-tát này chẳng nghĩ rằng: “Mình là thí chủ, mình bố thí cho người ấy, mình đem vật ấy để bố thí.” Cho đến chẳng nghĩ rằng: “Mình tu trí tuệ, mình có trí tuệ ấy.” Vì sao? Vì trong Bố thí ba-la-mật không có sự phân biệt như vậy, xa lìa bờ này, bờ kia là tướng của Bố thí ba-la-mật, cho đến xa lìa bờ này, bờ kia là tướng của Bát-nhã ba-la-mật. Vì sao? Vì trong Bát-nhã ba-la-mật không sự nhớ nghĩ, phân biệt như vậy.

Bồ-tát này biết bờ này, biết bờ kia. Bồ-tát này được Bố thí bala-mật che chở, cho đến được Bát-nhã ba-la-mật che chở, được nội không, ngoại không cho đến được Nhất thiết chủng trí che chở. Vì được sự che chở đó nên Bồ-tát này chẳng theo các Thanh văn, Bíchchi-phật mà đến được Nhất thiết chủng trí.

Thế nên, này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát vì được năng lực phương tiện của Bát-nhã ba-la-mật che chở nên chẳng theo các Thanh văn, Bích-chi-phật mà mau được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.