SỐ 223
KINH MA-HA BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT
Hán dịch: Pháp sư Cưu-ma-la-thập
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 14

Phẩm 49: HỎI VỀ TƯỚNG

Bấy giờ, trong cõi đại thiên có các vị trời cõi Dục, cõi Sắc rải hoa hương rồi bay đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, sau đó đứng qua một phía mà bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Nói Bát-nhã ba-la-mật rất sâu, thế nào là tướng Bát-nhã ba-la-mật rất sâu?

Đức Phật bảo các vị trời cõi Dục, cõi Sắc:

–Này các Thiên tử! Tướng không, tướng vô tướng, tướng vô tác là tướng Bát-nhã ba-la-mật rất sâu, tướng vô khởi, không sinh, không diệt, chẳng nhơ, chẳng sạch, vô sở hữu, vô tướng, vô sở y, tướng hư không là tướng Bát-nhã ba-la-mật rất sâu xa.

Này các Thiên tử! Các tướng như là tướng Bát-nhã bala-mật rất sâu.

Đức Phật dùng pháp thế gian để giảng nói cho chúng sinh nghe, chớ chẳng phải Đệ nhất nghĩa.

Này các Thiên tử! Các tướng ấy, tất cả Trời, Người, Atu-la trong đời không phá hoại được. Vì sao? Vì Trời, Người, A-tula trong đời cũng là tướng.

Này các Thiên tử! Tướng không thể phá hoại tướng, tướng không thể biết tướng, tướng không thể biết vô tướng, vô tướng không thể biết tướng, tướng này là vô tướng, tướng, vô tướng là vô sở hữu. Nghĩa là biết tướng, người biết và pháp biết đều chẳng thật có. Vì sao? Này các Thiên tử, các tướng ấy chẳng phải sắc làm ra, chẳng phải thọ, tưởng, hành, thức làm ra, chẳng phải sáu pháp Ba-la-mật làm ra, cho đến chẳng phải Nhất thiết chủng trí làm ra.

Này các Thiên tử! Các tướng ấy chẳng phải sở hữu của người, của trời, chẳng phải thế gian, xuất thế gian, chẳng phải hữu lậu, vô lậu, chẳng phải hữu vi, vô vi.

Này các Thiên tử! Như có người hỏi rằng thế nào là tướng của hư không? Câu hỏi này có đúng chăng? Các vị trời thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn! Câu hỏi ấy không đúng. Vì hư không chẳng có tướng đẻ nói, vì hư không chẳng sinh khởi, chẳng phải là cái được làm ra.

Phật bảo các vị trời cõi Dục, cõi Sắc:

–Có Phật hay không có Phật, tánh tướng vẫn thường trụ. Vì tánh tướng đúng như thật mà Phật được gọi là Như Lai. Các vị trời thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn! Đức Phật được tánh tướng rất sâu của các pháp. Được tánh tướng ấy rồi thì được trí vô ngại. Trụ trong tướng này dùng Bát-nhã ba-la-mật nhóm họp tự tướng các pháp.

Bát-nhã ba-la-mật này là chỗ thường hành đạo của các Đức Phật. Do hành đạo này nên được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Do được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác mà thông đạt tất cả pháp tướng, hoặc tướng của sắc cho đến tướng của Nhất thiết chủng trí.

Phật dạy:

–Đúng vậy, này các Thiên tử! Tướng não hoại là tướng của sắc, cảm giác là tướng của thọ, duyên lấy là tướng của tưởng, sinh khởi tạo tác là tướng của hành, sẽ biết là tướng của thức. Đức Phật được tánh không của các tướng ấy.

Này các vị trời! Xả thí là tướng của Bố thí ba-la-mật, không nóng bức là tướng của Trì giới ba-la-mật, chẳng đổi khác là tướng của Nhẫn ba-la-mật, chẳng thoái lui là tướng của Tấn ba-la-mật, nhiếp tâm là tướng của Thiền ba-la-mật, xa lìa là tướng của Bát-nhã ba-la-mật. Đức Phật được tánh không của các tướng ấy.

Này các vị trời! Tâm không nhiễu loạn là tướng của bốn Thiền, bốn Tâm vô lượng, bốn Định vô sắc. Đức Phật được tánh không của các tướng ấy.

Này các vị trời! Xuất thế gian là tướng của ba mươi bảy phẩm Trợ đạo, xa lìa là tướng của không giải thoát, vắng lặng là tướng của vô tướng giải thoát, khổ là tướng của vô tác giải thoát. Đức Phật được tánh không của các tướng ấy.

Này các vị trời! Siêu thắng là tướng của mười Trí lực, chẳng kinh sợ là tướng của bốn Vô úy, biết khắp là tướng của bốn Trí vô ngại, người khác không được là tướng của mười tám pháp Bất cộng. Đức Phật được tánh không của các tướng ấy.

Này các vị trời! Thương xót chúng sinh là tướng của đại Từ, đại Bi, chân thật là tướng của không sai lầm, không chấp là tướng của thường xả, hiện tại biết rõ là tướng của Nhất thiết chủng trí. Đức Phật được tánh không của các tướng ấy.

Này các vị trời! Vì được tướng của tất cả pháp nên Đức Phật được gọi là bậc trí vô ngại.

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Bát-nhã ba-la-mật là mẹ của các Đức Phật. Bát-nhã ba-lamật hiển bày tướng thế gian. Thế nên Phật nương vào pháp để trụ, cúng dường, cung kính, tôn trọng, khen ngợi pháp ấy. Pháp ấy là gì? Chính là Bát-nhã ba-la-mật. Đức Phật nương vào Bát-nhã ba-la-mật để trụ, cúng dường, cung kính, tôn trọng, khen ngợi Bát-nhã ba-lamật. Vì Bát-nhã ba-la-mật này sinh ra các Đức Phật.

Này Tu-bồ-đề! Vì Đức Phật là người biết về tác giả. Nếu có người hỏi để biết về tác giả thì người đáp đúng, không ai hơn Đức Phật.

Này Tu-bồ-đề! Vì Đức Phật là người biết tác giả nên đối với pháp của Đức Phật đi và đạo của Đức Phật sẽ chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Đức Phật lại cúng dường, cung kính, tôn trọng, khen ngợi pháp ấy, đạo ấy và thọ trì, giữ gìn pháp ấy, đạo ấy.

Này Tu-bồ-đề! Đó gọi là Đức Phật là người biết tác giả.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Đức Phật biết tất cả pháp không có tướng tạo tác vì không có tướng tác giả. Tất cả pháp không có tướng sinh khởi vì không có hình dáng sự việc.

Này Tu-bồ-đề! Do Bát-nhã ba-la-mật mà Đức Phật biết các pháp không có tướng tạo tác, không có tướng sinh khởi. Vì vậy mà Đức Phật là người biết tác giả.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Đức Phật nhờ Bát-nhã ba-la-mật mà được tất cả pháp chẳng sinh, vì không có sở đắc. Thế nên Bát-nhã ba-la-mật sinh ra các Đức Phật, hiển bày tướng thế gian.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn! Nếu tất cả pháp là không biết, là không thấy tại sao Bát-nhã ba-la-mật lại sinh ra các Đức Phật, hiển bày tướng thế gian?

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Đúng vậy, tất cả pháp không biết, không thấy. Thế nào là không biết, là không thấy? Vì tất cả pháp vốn không, là luống dối chẳng bền chắc, nên tất cả pháp không biết, không thấy.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Tất cả pháp không nương tựa, không có lệ thuộc, thế nên tất cả pháp không biết, không thấy.

Do đó mà Bát-nhã ba-la-mật sinh ra các Đức Phật, hiển bày tướng thế gian.

Vì chẳng thấy sắc, chẳng thấy thọ, tưởng, hành, thức, cho đến chẳng thấy Nhất thiết chủng trí nên Bát-nhã ba-la-mật hiển bày tướng thế gian, sinh ra các Đức Phật. Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn! Tại sao chẳng thấy sắc cho đến chẳng thấy Nhất thiết chủng trí nên Bát-nhã ba-la-mật hiển bày tướng thế gian?

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Nếu chẳng duyên theo sắc để sinh phân biệt, chẳng duyên theo thọ, tưởng, hành, thức để sinh phân biệt, cho đến chẳng duyên theo Nhất thiết chủng trí để sinh phân biệt, đó gọi là chẳng thấy tướng của sắc, thọ, tưởng, hành, thức, cho đến chẳng thấy tướng của Nhất thiết chủng trí, nên hiển bày tướng thế gian. Do đó mà Bát-nhã ba-la-mật sinh ra các Đức Phật, hiển bày tướng thế gian.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Thế nào là Bát-nhã ba-la-mật sinh ra các Đức Phật, hiển bày tướng thế gian?

Này Tu-bồ-đề! Bát-nhã ba-la-mật hiển bày thế gian không. Hiển bày thế gian không như thế nào?

Là hiển bày năm ấm thế gian không, hiển bày mười hai nhập thế gian không, hiển bày mười tám giới thế gian không, hiển bày mười hai nhân duyên thế gian không, hiển bày ngã kiến cùng sáu mươi hai kiến chấp thế gian không, hiển bày mười nghiệp lành thế gian không, hiển bày bốn Thiền, bốn Tâm vô lượng, bốn Định thế gian không, hiển bày ba mươi bảy phẩm Trợ đạo thế gian không, hiển bày sáu pháp Ba-la-mật thế gian không, hiển bày nội không, ngoại không, cho đến vô pháp hữu pháp không thế gian không, hiển bày tánh hữu vi, tánh vô vi thế gian không, hiển bày mười Trí lực cho đến Nhất thiết chủng trí thế gian không. Đó là hiển bày thế gian không.

Thế nên, này Tu-bồ-đề! Bát-nhã ba-la-mật sinh ra các Đức Phật, hiển bày tướng thế gian.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Đức Phật do Bát-nhã ba-la-mật hiển bày thế gian không, nên biết thế gian không, giác thế gian không, tư duy thế gian không, phân biệt thế gian không. Thế nên, Bát-nhã bala-mật sinh ra các Đức Phật, hiển bày tướng thế gian.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Bát-nhã ba-la-mật hiển bày Phật thế gian không.

Thế nào là hiển bày Phật thế gian không? Là hiển bày không của năm ấm thế gian, cho đến hiển bày không của Nhất thiết chủng trí thế gian.

Thế nên Bát-nhã ba-la-mật sinh ra các Đức Phật, hiển bày tướng thế gian.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Bát-nhã ba-la-mật hiển bày Phật là chẳng thể nghĩ bàn của thế gian. Hiển bày chẳng thể nghĩ bàn của năm ấm thế gian, cho đến hiển bày chẳng thể nghĩ bàn của Nhất thiết chủng trí thế gian.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Bát-nhã ba-la-mật hiển bày Phật lìa thế gian. Hiển bày năm ấm ly thế gian cho đến hiển bày Nhất thiết chủng trí lìa thế gian.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Bát-nhã ba-la-mật bày tướng vắng lặng của Phật và thế gian. Hiển bày năm ấm thế gian vắng lặng cho đến Nhất thiết chủng trí thế gian là vắng lặng.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Bát-nhã ba-la-mật hiển bày rốt ráo không của Phật và thế gian, thế nào là rốt ráo không của thế gian. Hiển bày năm ấm rốt ráo không của thế gian, cho đến hiển bày rốt ráo không của Nhất thiết chủng trí và thế gian.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Bát-nhã ba-la-mật hiển bày tánh không của Phật và thế gian. Hiển bày năm ấm tánh không của thế gian cho đến hiển bày Nhất thiết chủng trí tánh không của thế gian.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Bát-nhã ba-la-mật hiển bày Phật pháp không của thế gian. Hiển bày năm ấm pháp không của thế gian, cho đến vô pháp không của Nhất thiết chủng trí ở thế gian.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Bát-nhã ba-la-mật hiển bày Phật vô pháp không của Phật và thế gian. Hiển bày năm ấm hữu pháp không của thế gian, cho đến hiển bày hữu pháp không của Nhất thiết chủng trí ở thế gian.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Bát-nhã ba-la-mật hiển bày hữu pháp không của thế gian, hiển bày năm ấm hữu pháp không của thế gian, cho đến hiển bày hữu pháp không của Nhất thiết chủng trí ở thế gian.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Bát-nhã ba-la-mật hiển bày vô pháp hữu pháp không của Phật và thế gian. Hiển bày năm ấm vô pháp hữu pháp không của thế gian cho đến hiển bày vô pháp hữu pháp không của Nhất thiết chủng trí ở thế gian.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Bát-nhã ba-la-mật hiển bày độc nhất không của Phật và thế gian. Hiển bày năm ấm độc nhất không của thế gian, cho đến hiển bày độc nhất không của Nhất thiết chủng trí ở thế gian.

Thế nên, này Tu-bồ-đề! Bát-nhã ba-la-mật thường sinh ra các Đức Phật, hiển bày tướng Phật và thế gian.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Bát-nhã ba-la-mật sâu xa này hiển bày tướng thế gian, đó là tướng chẳng sinh ở đời này, đời sau. Vì sao? Vì các pháp không có tướng để sinh ra đời này, đời sau được.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn! Bát-nhã ba-la-mật này vì việc lớn mà phát khởi, vì việc chẳng thể nghĩ bàn mà phát khởi, vì việc không thể nói mà phát khởi, vì việc vô lượng mà phát khởi, vì việc vô đẳng mà phát khởi.

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Đúng vậy, này Tu-bồ-đề! Bát-nhã ba-la-mật này vì việc lớn, vì việc chẳng thể nghĩ bàn, vì việc không thể nói, vì việc vô đẳng đẳng mà phát khởi.

Thế nào Bát-nhã ba-la-mật vì việc lớn nên phát khởi?

Này Tu-bồ-đề! Việc lớn của các Phật là: cứu tất cả chúng sinh, chẳng lìa bỏ tất cả chúng sinh.

Thế nào là Bát-nhã ba-la-mật vì việc chẳng thể nghĩ bàn nên phát khởi?

Này Tu-bồ-đề! Việc chẳng thể nghĩ bàn là Phật pháp, là pháp của Như Lai, là pháp của Đấng Tự Nhiên, là pháp của Bậc Nhất Thiết Trí.

Thế nào Bát-nhã ba-la-mật vì sự bất khả nêu lên mà phát khởi?

Này Tu-bồ-đề! Việc không thể nói là vì trong tất cả chúng sinh không ai có thể tư duy, nói lên, so lường được pháp của Phật, pháp của Như Lai, pháp của Đấng Tự Nhiên, là pháp của Bậc Nhất thiết trí.

Thế nào là Bát-nhã ba-la-mật vì việc vô lượng mà phát khởi?

Này Tu-bồ-đề! Trong tất cả chúng sinh không ai lường được pháp của Phật, pháp của Như Lai, pháp của Đấng Tự Nhiên, là pháp của Bậc Nhất Thiết Trí, thế nên Bát-nhã bala-mật vì việc không thể so lường mà phát khởi.

Thế nào Bát-nhã ba-la-mật vì việc không gì sánh bằng mà phát khởi?

Này Tu-bồ-đề! Trong tất cả chúng sinh không ai sánh ngang với Đức Phật huống chi là hơn, thế nên Bát-nhã ba-lamật vì sự không sánh bằng mà phát khởi.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn! Bát-nhã ba-la-mật chỉ vì pháp của Phật, pháp của Như Lai, pháp của Đấng Tự Nhiên, là pháp của Bậc Nhất Thiết Trí, là sự chẳng thể nghĩ bàn, không thể nêu lên, không thể lường, không sánh bằng mà phát khởi ư? Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Đúng vậy, pháp của Phật, của Như Lai, của Đấng Tự Nhiên, của Bậc Nhất Thiết Trí là sự chẳng thể nghĩ bàn, không thể nói lên, không thể so lường, không thể sánh bằng. Sắc, thọ, tưởng, hành, thức cho đến Nhất thiết chủng trí, pháp tánh, pháp tướng đều cũng chẳng thể nghĩ bàn, không thể nêu lên, không thể so lường, không thể sánh bằng. Trong đây, tâm và tâm sở đều không thật có.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Vì sắc không thật có cho đến Nhất thiết chủng trí không thật có nên sắc cho đến Nhất thiết chủng trí đều chẳng thể nghĩ bàn, không thể nói lên, không thể so lường, không thể sánh bằng.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn! Tại sao vì sắc không thật có nên chẳng thể nghĩ bàn đến không gì sánh bằng? Cho đến do đâu mà Nhất thiết chủng trí không thật có nên Nhất thiết chủng trí chẳng thể nghĩ bàn đến không thể sánh bằng?

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Vì không ai so lường được sắc cho đến không ai lường được Nhất thiết chủng trí nên sắc không thật có, cho đến Nhất thiết chủng trí không thật có.

Vì sao? Này Tu-bồ-đề! Vì sắc tướng chẳng thể nghĩ bàn nên không ai lường được cho đến vì sắc tướng không gì sánh bằng nên không ai so lường được. Vì Nhất thiết chủng trí chẳng thể nghĩ bàn nên không ai so lường được, cho đến vì Nhất thiết chủng trí không sánh bằng nên không ai so lường được.

Này Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao? Trong chẳng thể nghĩ bàn, cho đến đối với không sánh bằng có thể được chăng? Sắc, thọ, tưởng, hành, thức cho đến Nhất thiết chủng trí có thể được chăng?

–Bạch Đức Thế Tôn, không thể được!

–Thế nên, này Tu-bồ-đề! Tất cả pháp đều chẳng thể nghĩ bàn cho đến cũng đều không sánh bằng.

Này Tu-bồ-đề! Phật pháp đây chẳng thể nghĩ bàn, không thể nói lên, không thể so lường, không thể sánh bằng.

Đó gọi là Phật pháp chẳng thể nghĩ bàn cho đến nói là không gì sánh bằng.

Này Tu-bồ-đề! Phật pháp không thể nghĩ bàn vì vượt quá sự suy nghĩ bàn luận. Phật pháp không thể nói lên vì vượt quá sự nói lên. Phật pháp không thể so lường vì vượt quá sự so lường. Phật pháp không gì sánh bằng vì vượt quá sự sánh bằng.

Này Tu-bồ-đề! Do đó nên tất cả pháp không thể nghĩ bàn cho đến không gì sánh bằng.

Này Tu-bồ-đề! Không thể nghĩ bàn là nói nghĩa ấy không thể nghĩ bàn, không thể nói lên, là nói nghĩa ấy không thể nói lên, không thể so lường là nói nghĩa ấy không thể so lường, không thể sánh bằng là nói nghĩa ấy không gì sánh bằng.

Này Tu-bồ-đề! Pháp của các Đức Phật này không thể nghĩ bàn cho đến không sánh bằng.

Không thể nghĩ bàn như hư không chẳng thể nghĩ bàn, không thể nói lên như hư không chẳng thể nói lên, không thể so lường như hư không không thể so lường, không sánh bằng như hư không không gì sánh bằng.

Này Tu-bồ-đề! Đó gọi là không thể nghĩ bàn cho đến không gì sánh bằng của Phật pháp.

Phật pháp vô lượng như vậy, tất cả Trời, Người, A-tu-la không ai có thể tính lường, nghĩ bàn được.

Lúc Đức Phật nói phẩm Phật pháp chẳng thể nghĩ bàn, không thể nói lên, không thể suy lường, không thể sánh bằng này có năm trăm Tỳ-kheo và hai mươi Tỳ-kheo-ni vì chẳng lệ thuộc tất cả pháp nên phiền não dứt, tâm được giải thoát, chứng A-la-hán, sáu muôn Ưu-bà-tắc và ba muôn Ưu-bà-di xa lìa bụi nhơ, được Pháp nhãn thanh tịnh, hai mươi Đại Bồ-tát được pháp Nhẫn vô sinh, sẽ được thọ ký trong Hiền kiếp này.