SỐ 221
KINH PHÓNG QUANG BÁT-NHÃ
Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Vô-la-xoa, người nước Vu Điền
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 10

Phẩm 47: GIÁC MA

Tôn giả Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Ngài đã khen ngợi những thiện nam, thiện nữ phát tâm Vô thượng Bồ-đề, thực hành sáu pháp Ba-la-mật làm nghiêm tịnh cõi Phật, giáo hóa chúng sinh có công đức như vậy. Thiện nam, thiện nữ ấy làm sao tiến tới tiêu diệt các sự trở ngại?

Phật dạy ngài Tu-bồ-đề:

–Biện luận không nhanh là việc ma.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Thế nào là Bồ-tát biện luận không nhanh biết rõ là việc ma?

Phật dạy:

–Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật kéo dài thời gian mới đầy đủ sáu pháp Ba-la-mật. Do vậy nên biết Bồ-tát biện luận không nhanh gọi là việc ma. Này Bồ-tát biện luận vội vã cũng là việc ma.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Vì sao biện luận vội vã cũng là việc ma?

Phật dạy:

–Bồ-tát thực hành sáu pháp Ba-la-mật biện luận vội vã. Vì sao? Vì Bồ-tát học không có thứ tự biện luận vội vã không được rốt ráo, vì vậy nên biết đó là việc ma. Khi Bồ-tát biên chép kinh này mà cười đùa với nhau, ý tán loạn không định, tâm ý không hòa thuận, như vậy là việc ma của Bồ-tát. Khi biên chép kinh này, Bồ-tát suy nghĩ: “Ta tìm không thấy hương vị Từ bi trong kinh này.” Vị ấy liền bỏ dở công việc nửa chừng. Bồ-tát nên biết đó là việc ma.

Này Tu-bồ-đề! Khi nói kinh này hoặc lúc thọ trì, nếu cống cao, nói thêu dệt, che giấu cho người khác thì đó là việc ma.

Khi thọ trì, phúng tụng, học tập kinh này, Bồ-tát cống cao cười đùa với nhau, thì Bồ-tát nên biết đó là việc ma.

Này Tu-bồ-đề! Khi thọ trì kinh này, Bồ-tát có ý loạn, không hòa thuận, nên biết đó là việc ma.

Tôn giả Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Tại sao khi không thấy được điều hay trong kinh, Bồ-tát liền bỏ dở công việc, không làm nữa, nên biết đó là việc ma?

Phật dạy:

–Hàng Bồ-tát chưa từng thực hành sáu pháp Ba-la-mật, không nên nghe Bát-nhã ba-la-mật mà nghĩ rằng: “Ta không được thọ ký nơi sáu pháp Ba-la-mật.” Do vậy Bồ-tát nghe Bát-nhã ba-la-mật không có vui mừng mà bỏ đi, ông nên biết đó là việc ma.

Tôn giả Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Vì sao Bồ-tát nói “Ta không được thọ ký”, nên không ưa thích mà bỏ đi?

Phật dạy:

–Người chưa đạt được đạo Bồ-tát thì nhất định không nhận được sự thọ ký Vô thượng Chánh đẳng giác. Thế nên, những người này mới nói “Ta không được thọ ký” và bỏ đi. Ông nên biết đây là việc ma.

Bồ-tát nào nghĩ rằng: “Làng xóm ta không nghe được Bát-nhã ba-la-mật và nơi ta sinh ra cũng không nghe đến điều này”, nên Bồtát bỏ đi không muốn học Bát-nhã ba-la-mật. Ý nghĩ xoay chuyển trong một niệm liền trải qua một kiếp, tùy theo ý xoay chuyển nhiều ít mà có số kiếp trải qua nhiều ít. Bồ-tát liền học những kinh khác nhưng không đi vào trí Nhất thiết cũng không đến được trí Nhất thiết. Như vậy hàng Bồ-tát này đã bỏ gốc rễ mà nắm lấy cành nhánh. Ông nên biết đó là việc ma.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Những loại kinh nào không bắt nguồn từ trí Nhất thiết và ai muốn đọc tụng những kinh khác đó?

Phật dạy:

–Này Tu-bồ-đề! Hàng Thanh văn thích ứng ba mươi bảy phẩm Trợ đạo và ba môn Giải thoát. Thiện nam, thiện nữ trụ vào hai pháp này cầu đạt được Tu-đà-hoàn đạo, Tư-đà-hàm đạo, A-na-hàm đạo, A-la-hán đạo thì không cầu đạt trí Nhất thiết mà còn có nghi ngờ.

Này Tu-bồ-đề! Đó là những người bỏ gốc mà nắm lấy cành lá. Vì sao? Vì hàng Bồ-tát này cũng từ Bát-nhã ba-la-mật sinh ra. Bátnhã ba-la-mật cũng sinh ra đạo pháp và Tục pháp. Ví như con chó được thức ăn của ông chủ, nhưng nó không chịu ăn, ngược lai, khi được thức ăn của người làm thuê thì nó lại ăn.

Này Tu-bồ-đề! Tương lai có người học đạo Bồ-tát đắc được Bát-nhã ba-la-mật sâu xa liền bỏ đi, nhưng lại nắm lấy cành lá.

Này Tu-bồ-đề! Ông nên biết đó là việc ma của Bồ-tát.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Như có người muốn thấy con voi, khi bắt được voi rồi lại bỏ đi, trở lại tìm dấu chân voi. Như vậy ý ông nghĩ sao? Người này có sáng suốt không?

Tôn giả Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Không.

Phật dạy:

–Vào đời sau có người thực hành Bồ-tát đạo được Bát-nhã bala-mật sâu xa liền bỏ đi, rồi lại tìm học kinh pháp của Thanh văn, Bích-chi-phật. Ý ông nghĩ sao? Bồ-tát này có sáng suốt không?

Tu-bồ-đề đáp:

–Bạch Thế Tôn! Không.

Phật dạy:

–Bồ-tát này đang học việc ma!

Này Tu-bồ-đề! Ví như có người muốn thấy biển lớn, nhưng khi thấy rồi lại bỏ đi mà tìm nước trong dấu chân trâu rồi nói: “Tại sao biển lớn mà nhỏ như thế này?” Ý ông nghĩ sao? Người này có sáng suốt không?

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Không.

Phật dạy:

–Đời sau có người học đạo Bồ-tát được Bát-nhã ba-la-mật lại bỏ đi tìm kinh pháp của Thanh văn và Bích-chi-phật thọ trì, học tập và đọc tụng.

Này Tu-bồ-đề! Hàng Bồ-tát này nên biết đó là việc ma.

Này Tu-bồ-đề! Ví như một người thợ muốn dùng kích thước cung điện của mặt trời mặt trăng mà lại dựng lên cung điện Đế Thích. Ý ông nghĩ sao? Người thợ này tuy khéo léo nhưng có thể làm được không?

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Việc này rất khó, chẳng phải kẻ phàm phu ngu si ở đời có khả năng làm được.

Phật dạy:

–Đời sau có người thực hành đạo Bồ-tát được học Bát-nhã bala-mật sâu xa, giữa đường lại bỏ đi tìm kinh pháp của Thanh văn và Bích-chi-phật, muốn được trí Nhất thiết và sự việc trí Nhất thiết. Ý ông thế nào? Người này có thể thành tựu trí Nhất thiết không?

Tu-bồ-đề thưa:

–Không thể thành tựu.

Phật dạy:

–Bồ-tát nên biết rõ đó là việc ma.

Này Tu-bồ-đề! Ví như có người muốn thấy Chuyển luân thánh vương, nhưng khi thấy rồi lại quan sát tiểu vương thật rõ rồi nói: “Thân thể của Thánh vương có khác gì tiểu vương đâu?” Ý ông nghĩ sao? Người này có sáng suốt không?

Tu-bồ-đề đáp:

–Bạch Thế Tôn! Không.

Phật dạy:

–Đời sau có người thiếu đức học đạo Bồ-tát, được nghe Bátnhã ba-la-mật sâu xa rồi học tập, thực hành và giữ gìn theo, nửa đường lại bỏ dở rồi tìm học kinh pháp của Thanh văn, Bích-chi-phật. Người này nói: “Ở trong kinh pháp này đầy đủ trí Nhất thiết.” Ý ông nghĩ sao? Bồ-tát này có sáng suốt không?

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Không.

Phật dạy:

–Đó là việc ma của Bồ-tát.

Ví như có người đói được thức ăn có trăm mùi vị, liền suy nghĩ muốn được thức ăn sáu mươi vị thôi, người ấy liền bỏ thức ăn trăm vị mà ăn thức ăn sáu mươi vị. Ý ông thế nào? Người này có sáng suốt không?

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Không.

Phật dạy:

–Đời sau có người học đạo Bồ-tát đạt được Bát-nhã ba-la-mật sâu xa liền bỏ đầy đủ lại cầu trí Nhất thiết trong kinh pháp của Thanh văn, Bích-chi-phật. Ý ông nghĩ sao? Người này có sáng suốt không?

Tu-bồ-đề thưa:

–Không!

Phật dạy:

–Đó là việc ma của Bồ-tát. Thí như có người đàn ông được viên ngọc ma-ni vô giá rồi chọn lấy thủy tinh. Ý ông thế nào? Người này có sáng suốt không?

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Không.

Phật dạy:

–Đời sau có người học đạo Bồ-tát được Bát-nhã ba-la-mật sâu xa rồi bỏ đi và chọn lấy kinh pháp của Thanh văn, Bích-chi-phật. Người như vậy có thông minh không?

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Không.

Phật dạy:

–Đó là việc ma của Bồ-tát.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Nếu có thiện nam, thiện nữ nào biên chép Bát-nhã ba-la-mật rồi, do nhân duyên khác phát sinh nên không biên chép nữa; hoặc bị sự trở ngại của sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; hoặc bị Bố thí ba-la-mật, Trì giới ba-la-mật, Thiền định ba-la-mật trở ngại cho đến quả vị Vô thượng Bồ-đề làm trở ngại. Vì sao? Này Tubồ-đề, Bát-nhã ba-la-mật chẳng phải trở ngại, chẳng thể nghĩ bàn cũng chẳng phải lựa chọn, không phát sinh, không hoại diệt, không chấp trước, không đoạn dứt, không ngăn ngại, chẳng phải thấy, chẳng phải làm, chẳng phải nương tựa. Vì sao? Này Tu-bồ-đề! Bátnhã ba-la-mật không phải là tượng pháp. Bồ-tát nào khi biên chép kinh này mà bị các sự trở ngại ấy thì nên biết đó làviệc ma.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Bát-nhã ba-la-mật này có thể biên chép không?

Phật dạy:

–Không! Vì sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật thật ra không thể thấy được, cho đến Bố thí ba-la-mật, trí Nhất thiết và các sở hữu đều không thể thấy được. Vì sao? Vì không thật có sở hữu nên không thể biên chép.

Này Tu-bồ-đề! Thiện nam, thiện nữ nào thực hành Bồ-tát đạo mà suy nghĩ: “Bát-nhã ba-la-mật sâu xa này không thật có sở hữu”, thì đó là việc ma.”

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Những người thực hành Bồ-tát đạo biên chép kinh văn Bát-nhã ba-la-mật, mới vào văn liền nghĩ: Ta đã chép Bátnhã ba-la-mật.

Bạch Thế Tôn! Sáu pháp Ba-la-mật này không có văn tự. Vì sao? Vì sáu pháp Ba-la-mật không có văn tự, năm ấm không có văn tự, cho đến trí Nhất thiết cũng không có văn tự.

Bạch Thế Tôn! Thiện nam, thiện nữ nào thực hành Bồ-tát đạo cho đến trí Nhất thiết mà cho rằng không có văn tự để đi vào trong Bát-nhã ba-la-mật cũng là việc ma của Bồ-tát.

Phật dạy:

–Này Tu-bồ-đề! Thiện nam, thiện nữ nào hành Bồ-tát đạo mà trong khi biên chép Bát-nhã ba-la-mật nhớ nghĩ đến thôn, xóm, làng, xã, quận, huyện, đất nước hoặc nghe những tiếng gọi tôn quý của cha mẹ, nhớ nghĩ đến cha mẹ, anh chị em; hoặc nhớ nghĩ đến việc dâm dục, giặc giã… suy nghĩ này nối tiếp suy nghĩ khác. Lợi dụng sự nghĩ nhớ của Bồ-tát, những lúc này ma Ba-tuần gây trở ngại làm cho Bồ-tát bỏ việc nửa chừng không biên chép Bát-nhã ba-la-mật nữa. Này Tu-bồ-đề! Đó là việc ma của Bồ-tát.

Phật dạy tiếp:

–Thiện nam, thiện nữ nào hành Bồ-tát, trong khi biên chép giữ gìn Bát-nhã ba-la-mật, bắt đầu được cúng dường y phục, chăn mền, của cải, thức ăn, giường nằm, thuốc thang nên nói rằng: “Ta biên chép Bát-nhã ba-la-mật cho nên được cúng dường như vậy.” Người ưa thích như thế nên biết đó là việc ma của Bồ-tát.

Này Tu-bồ-đề! Khi Bồ-tát biên chép kinh này, ma Ba-tuần sẽ trực tiếp nói với Bồ-tát các kinh sâu xa kỳ lạ khác, Bồ-tát có phương tiện thắng trí không nghe lời ma dụ. Vì sao? Vì các kinh này không làm cho người đạt đến trí Nhất thiết.

Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát nào không có phương tiện thắng trí thì khi nghe Bát-nhã ba-la-mật sâu xa liền muốn bỏ đi.

Phật dạy tiếp:

–Vì các Bồ-tát, ta sẽ nói rõ các phương tiện thắng trí. Người nào muốn tìm các phương tiện thắng trí thì nên tìm trong Bát-nhã bala-mật sâu xa.

Này Tu-bồ-đề! Thiện nam, thiện nữ nào cầu Bồ-tát thừa mà bỏ Bát-nhã ba-la-mật sâu xa, muốn cầu phương tiện thắng trí trong phương tiện kinh pháp của Thanh văn, Bích-chi-phật.

Này Tu-bồ-đề! Ông nên biết đó là việc ma của Bồ-tát.