SỐ 221
KINH PHÓNG QUANG BÁT-NHÃ
Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Vô-la-xoa, người nước Vu Điền
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 10

Phẩm 46: CHÂN TRI THỨC

Bấy giờ, Thích Đề-hoàn Nhân suy nghĩ: “Thiện nam, thiện nữ nào thoáng nghe được Bát-nhã ba-la-mật đều là người đã tạo công đức thời các Đức Phật quá khứ, đã gặp bậc Chân thiện tri thức, huống chi người đọc tụng, thọ trì thuyết giảng và thực hành theo những điều trong ấy.” Những người này đã cúng dường nhiều chư Phật, họ có khả năng hỏi và giải thích cho những người khác nghe hiểu; đời nay họ lại thọ trì Bát-nhã ba-la-mật như những giáo lý trong đó. Thiện nam, thiện nữ nào nghe Bát-nhã ba-la-mật mà không sợ hãi thì người này trong nhiều trăm ngàn kiếp đã thực hành rốt ráo những Ba-la-mật trong sáu pháp Ba-la-mật.

Tôn giả Xá-lợi-phất bạch Phật:

–Thiện nam, thiện nữ nào nghe Bát-nhã ba-la-mật sâu xa mà không khiếp sợ, nghe xong lại có khả năng giữ gìn đọc tụng thực hành theo những điều trong đó thì nên xem hàng Bồ-tát đó như Bồ- tát không thoái chuyển. Vì sao? Bát-nhã ba-la-mật rất sâu xa, những người chưa có khả năng thực hành sáu pháp Ba-la-mật thì nhất định không thể hiểu được.

Như vậy, bạch Thế Tôn! nếu có thiện nam, thiện nữ nào muốn chê bai hủy báng Bát-nhã ba-la-mật thì nên biết những người này trong quá khứ đã coi khinh Bát-nhã ba-la-mật. Vì sao? Vì khi nghe giảng Bát-nhã ba-la-mật, họ không tin nhận ưa thích, chưa từng nghe Phật và chúng đệ tử của Ngài để nghe cho đến thực hành sáu pháp Ba-la-mật, chưa nghe đến nội ngoại không, hữu vô không, ba mươi bảy phẩm Trợ đạo và mười tám pháp Bất cộng.

Thích Đề-hoàn Nhân hỏi Xá-lợi-phất:

–Bát-nhã ba-la-mật có những sự kỳ lạ đặc biệt nào? Hàng tân học Bồ-tát nghe Bát-nhã ba-la-mật sâu xa làm sao hiểu được sáu pháp Ba-la-mật? Làm sao hiểu được nội ngoại không, hữu vô không, ba mươi bảy phẩm Trợ đạo, mười Lực và mười tám pháp Bất cộng?

Thích Đề-hoàn Nhân lại nói với ngài Xá-lợi-phất:

–Bát-nhã ba-la-mật có tiếng tăm lớn, những ai không cung kính Bát-nhã ba-la-mật là không cung kính trí Nhất thiết.

Phật bảo Thích Đề-hoàn Nhân:

–Đúng như vậy!

Này Câu-dực! Người không cung kính Bát-nhã ba-la-mật là không cung kính trí Nhất thiết. Vì sao? Vì trí Nhất thiết của Như Lai đều từ Bát-nhã ba-la-mật sinh ra.

Này Câu-dực! Thiện nam, thiện nữ nào muốn trụ vào trí Nhất thiết thì phải trụ vào Bát-nhã ba-la-mật, người muốn phát sinh đạo tuệ thì tu tập thực hành Bát-nhã ba-la-mật. Thiện nam, thiện nữ nào muốn xa lìa các tập khí thì phải nên tu tập thực hành Bát-nhã ba-lamật; người nào muốn chuyển pháp luân của chư Phật thì phải thực hành Bát-nhã ba-la-mật; thiện nam, thiện nữ nào muốn đắc quả Tuđà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, Bích-chi-phật, Chánh đẳng giác thì phải tu tập thực hành Bát-nhã ba-la-mật.

Thích Đề-hoàn Nhân bạch Phật:

–Tại sao Bồ-tát phải trụ vào sáu pháp Ba-la-mật? Tu tập sáu

pháp Ba-la-mật, thực hành Bát-nhã ba-la-mật, tu tập pháp nội ngoại không, hữu vô không. thực hành ba mươi bảy phẩm Trợ đạo, bốn Vô sở úy và mười tám pháp Bất cộng.

Phật bảo Thích Đề-hoàn Nhân:

Lành thay, lành thay! Này Câu-dực! Người nào nương vào oai thần của Phật mới có thể hỏi Như Lai Vô Sở Trước Chánh Đẳng Giác như vậy.

Phật dạy tiếp:

–Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật thì không trụ vào năm ấm cũng như năm ấm không trụ và lệ thuộc vào năm ấm; không trụ vào nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý; không trụ vào sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; không trụ vào và làm theo mười hai xứ; không trụ và làm theo sáu pháp Ba-la-mật, nội ngoại không và hữu vô không; không trụ vào ba mươi bảy phẩm Trợ đạo, bốn Vô sở úy, mười Lực cho đến mười tám pháp Bất cộng và làm theo mười tám pháp Bất cộng. Vì sao? Vì không thấy năm ấm có thể trụ, có thể làm cho đến mười tám pháp Bất cộng cũng không thấy có thể trụ và làm theo.

Lại nữa, này Câu-dực! Bồ-tát không hòa hợp và làm theo năm ấm, cho đến không hòa hợp làm theo mười tám pháp Bất cộng của chư Phật. Vì sao? Vì năm ấm của quá khứ không thể thấy được, cho đến mười tám pháp Bất cộng của chư Phật cũng như vậy.

Tôn giả Xá-lợi-phất bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Bát-nhã ba-la-mật rất sâu xa.

Phật dạy:

–Năm ấm cũng rất sâu xa. Này Xá-lợi-phất! Cho đến mười tám pháp Bất cộng, chân như cũng rất sâu xa.

Tôn giả Xá-lợi-phất thưa:

–Bạch Thế Tôn! Bát-nhã ba-la-mật rất sâu xa, khó giữ gìn, khó nhận lấy.

Phật dạy:

–Năm ấm khó giữ gìn, khó nhận lấy, Bát-nhã ba-la-mật khó giữ, khó nhận cho đến mười tám pháp Bất cộng cũng vậy. Bát-nhã ba-la-mật khó giữ, khó nhận.

Xá-lợi-phất thưa:

–Bạch Thế Tôn! Bát-nhã ba-la-mật không có tướng đo lường được.

Phật dạy:

–Năm ấm không có tướng đo lường được, Bát-nhã ba-la-mật cho đến mười tám pháp Bất cộng không có tướng đo lường được, Bát-nhã ba-la-mật không có tướng đo lường được.

Phật bảo Xá-lợi-phất:

–Bồ-tát nào thực hành Bát-nhã ba-la-mật, nhưng không thực hành năm ấm sâu xa là thực hành Bát-nhã ba-la-mật cho đến không thực hành mười tám pháp Bất cộng sâu xa là thực hành Bát-nhã bala-mật. Vì sao? Vì năm ấm sâu xa chẳng phải là năm ấm cho đến mười tám pháp Bất cộng sâu xa chẳng phải là mười tám pháp Bất cộng.

Phật dạy:

–Bồ-tát nào thực hành Bát-nhã ba-la-mật nhưng không thực hành năm ấm khó giữ, khó nhận là thực hành Bát-nhã ba-la-mật. Vì sao? Vì năm ấm khó giữ khó nhận chẳng phải là năm ấm, mười tám pháp Bất cộng khó giữ khó nhận chẳng phải là mười tám pháp Bất cộng.

Này Xá-lợi-phất! Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật nhưng không thực hành tướng không lường được của năm ấm thì chính là thực hành Bát-nhã ba-la-mật. Vì sao? Vì năm ấm không có tướng lường được thì chẳng phải là năm ấm cho đến mười tám pháp Bất cộng của chư Phật không có tướng lường được thì chẳng phải là mười tám pháp Bất cộng.

Xá-lợi-phất bạch Phật:

–Bát-nhã ba-la-mật rất sâu xa khó hiểu và không thể lường được, không nên nói Bát-nhã ba-la-mật sâu xa cho hàng tân học Bồtát, vì những người này nghe rồi hoặc e dè hoặc sợ hãi nghi ngờ làm trở ngại sẽ không tin ưa, phải vì Đại Bồ-tát không thoái chuyển mà nói Bát-nhã ba-la-mật này. Những người này nghe rồi nhất định không nghi ngờ, sợ hãi, trở ngại và tin hiểu liền.

Thích Đề-hoàn Nhân hỏi Xá-lợi-phất:

–Nếu như giảng dạy Bát-nhã ba-la-mật sâu xa cho hàng tân học Bồ-tát thì có những lỗi lầm gì?

Xá-lợi-phất đáp:

–Người nào nói Bát-nhã ba-la-mật cho hàng Bồ-tát tân học sẽ làm cho họ sợ hãi nên có thể phỉ báng thì không được độ thoát và phải chịu tội đau khổ tàn khốc, lại bị gian nan gấp bội mới thành Chánh đẳng giác.

Thích Đề-hoàn Nhân hỏi Xá-lợi-phất:

–Có Bồ-tát nào chưa thọ ký nghe Bát-nhã ba-la-mật sâu xa mà không sợ hãi không?

Xá-lợi-phất đáp:

–Có người nghe Bát-nhã ba-la-mật sâu xa này mà không sợ hãi thì không bao lâu nữa sẽ được thọ ký, chỉ còn gặp một Đức Phật, hai Đức Phật liền được thọ ký.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo ngài Xá-lợi-phất:

–Như vậy, như vậy! Người nào nghe Bát-nhã ba-la-mật sâu xa mà không sợ hãi thì nên biết đó là người từ lâu đã phát ý Đại thừa Bồ-tát thực hành sáu pháp Ba-la-mật, cúng dường chư Phật. Nhờ việc làm đó lần lượt vượt lên điều đã học, đã làm trước đây.

Xá-lợi-phất bạch Phật rằng:

–Bạch Thế Tôn! Con đã hiểu được những lời Ngài giảng.

Bạch Thế Tôn! Nếu có thiện nam, thiện nữ nào phát tâm Bồtát, hoặc ngay trong giấc mộng thực hành sáu pháp Ba-la-mật, hoặc thấy ngồi trên tòa của Đức Phật thì nên biết thiện nam, thiện nữ này không bao lâu nữa sẽ đạt đến địa vị Chánh đẳng giác, huống chi những ai thực hành sáu pháp Ba-la-mật cầu chứng Chánh đẳng giác mà không nhanh chóng thành địa vị Phật?

Thiện nam, thiện nữ nào nghe Bát-nhã ba-la-mật và luôn thực hành vâng giữ theo thì đã thành tựu công đức lành, đã từng cúng dường chư Phật thời quá khứ, đã gặp được bậc Chân thiện tri thức, thọ trì, đọc tụng Bát-nhã ba-la-mật thì không bao lâu nữa sẽ được thọ ký vào địa vị Vô thượng Bồ-đề, nên biết Bồ-tát không còn thoái chuyển nơi địa vị Chánh đẳng giác, những người đang tin và sẽ tin Bát-nhã ba-la-mật cũng sẽ được như vậy.

Bạch Thế Tôn! Như có người đi qua nơi hoang vắng một trăm, hai trăm, ba trăm cho đến bốn trăm do-tuần có đủ các tai nạn kịch liệt, đói khát, giặc cướp ngăn đường, đến khi trông thấy rừng cây, vùng đất chăn trâu thì họ biết rằng chỗ ở dân cư cách đó không xa và vui mừng biết chắc họ sẽ thoát khỏi các tai nạn không còn sợ hãi, không còn đói khát. Người nào thọ trì Bát-nhã ba-la-mật sâu xa thì nên biết rằng Bồ-tát này được thọ ký không bao lâu nữa sẽ thành Phật. Bồ-tát này không còn sợ phải đi vào địa vị La-hán, Bích-chiphật. Đây là điềm báo trước bậc Đại Bồ-tát thành tựu.

Phật bảo Xá-lợi-phất:

–Những việc thuyết giảng biện tài của ông đều là Phật sự.

Tôn giả Xá-lợi-phất bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Như có người muốn thấy biển lớn liền bắt đầu đi ra hướng biển, không dừng nghỉ. Không thấy một gốc cây nào cũng chẳng thấy ngọn núi nào, người ấy suy nghĩ: “Không bao lâu nữa ta sẽ đến gần biển lớn.” Mặc dầu chưa thấy biển lớn nhưng người này vẫn tưởng tượng rằng: “Theo như những việc ta thấy thì biết không bao lâu nữa ta sẽ đến được biển lớn.”

Bạch Thế Tôn! Bậc Đại Bồ-tát nên biết như vầy: “Những người nghe, thọ trì, đọc tụng Bát-nhã ba-la-mật thì dù chưa được các Như Lai thọ ký thành Vô thượng Bồ-đề, nhưng biết rằng không bao lâu nữa họ sẽ thành Phật.” Vì sao? Vì họ thấy và thọ trì, đọc tụng Bát-nhã ba-la-mật.

Bạch Thế Tôn! Như vào mùa xuân cây cối đâm chồi nảy lộc hấp thu không khí thì người trông thấy biết rằng cây này không bao lâu nữa sẽ ra lá đơm bông kết quả. Vì sao? Vì cây này đã hiện tướng tốt đẹp ra báo trước, người Diêm-phù-đề nhìn thấy thì không một người nào không hoan hỷ.

Bạch Thế Tôn! Bồ-tát được nghe Bát-nhã ba-la-mật, nghe rồi thọ trì, đọc tụng, thực hành theo. Thế nên biết rằng công đức của Bồtát này đã thành tựu viên mãn, đã cúng dường vô lượng trăm ngàn chư Phật đến lúc gặt hái công đức trước và đắc thành quả Phật. Chư Thiên trên trời đã từng gặp chư Phật đều hoan hỷ nói: “Các vị Bồ-tát đời quá khứ đều nhận sự thọ ký có, điềm lành ứng ra như vậy.”

Bạch Thế Tôn! Như người mẹ mang thai, thai dần dần lớn lên thì người mẹ đứng ngồi không yên, bước đi không thuận lợi, khí lực suy kém, ăn uống kém cỏi, ngồi nằm không yên, dần dần cảm thấy đau nhức, chán những thói quen cũ, chịu những sự khổ não. Người mẹ khác xem thấy hiện tượng ấy biết được người phụ nữ này không bao lâu nữa sẽ sinh con. Bậc Đại Bồ-tát đã tạo gốc lành từ xa xưa, đã cúng dường bao nhiêu trăm ngàn chư Phật, thường gặp bậc chân trí thức công đức thành tựu. Bậc Đại Bồ-tát thực hành các công đức rồi liền đắc được Bát-nhã ba-la-mật, thọ trì, đọc tụng, thực tập, tu hành những điều theo đúng như Pháp.

Bạch Thế Tôn! Bậc Đại Bồ-tát này không bao lâu nữa nhất định sẽ được thọ ký thành Vô thượng Bồ-đề.

Phật dạy:

–Lành thay, lành thay! Những điều ông vừa nói là Phật sự.

Tôn giả Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Kỳ lạ thay, đặc biệt thay! Thế Tôn biết trước việc sẽ xảy ra cho Bồ-tát.

Phật dạy Tu-bồ-đề:

–Bậc Đại Bồ-tát Vô thượng Bồ-đề muốn làm lợi ích cho chúng sinh đem an ổn cho tất cả trời, người; muốn đem bốn việc thực hành Bồ-tát đạo là:

  1. Bố thí cho người.
  2. Có lòng nhân ái.
  3. Làm lợi người.
  4. Cộng tác giúp đỡ.

Bồ-tát khuyến khích người làm mười điều lành, chính mình thực hành bốn Thiền và bốn Không định; khuyến khích người thực hành bốn Thiền và bốn Không định, còn chính mình thực hành sáu pháp Ba-la-mật; khuyến hóa người thực hành sáu pháp Ba-la-mật, còn mình thì đem Bát-nhã ba-la-mật khuyến hóa làm cho người đắc được đạo Tu-đà-hoàn tự mình khuyên người thực hành La-hán, Bíchchi-phật đạo, không nhận sự chứng đắc La-hán, Bích-chi-phật đạo; khuyến hóa giúp đỡ vô số trăm ngàn Bồ-tát thực hành sáu pháp Bala-mật, tự mình vươn lên địa vị không thoái chuyển, khuyến hóa người trụ vào địa vị không thoái chuyển, tự mình thanh tịnh quốc độ Phật, khuyến hóa người làm thanh tịnh quốc độ Phật, tự mình đầy đủ thần thông, khuyến khích người tu tập thần thông; tự mình thanh tịnh pháp môn Đà-la-ni, khuyến hóa người thanh tịnh pháp môn Đà-la-ni; tự mình thực hành đầy đủ biện tài, khuyên người thực hành biện tài; tự mình thành tựu thân tướng, khuyến hóa người thành tựu thân tướng; tự mình thành tựu trụ thứ tám, khuyến hóa người tu tịnh khiết hành địa; tự mình đắc được mười Lực của Phật, khuyến hóa người thực hành mười Lực; tự mình xây dựng trí Nhất thiết, khuyến hóa người xây dựng trí Nhất thiết; tự mình xa lìa các tập khí, khuyến hóa người xa lìa các tập khí; tự mình chuyển bánh xe pháp, khuyến hóa người chuyển bánh xe pháp.

Tôn giả Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Kỳ lạ thay, đặc biệt thay! Bậc Đại Bồ-tát vì chúng sinh mà làm đầy đủ các công đức, tu hành Bát-nhã ba-la-mật, cầu đạt quả vị Vô thượng Bồ-đề.

–Bạch Thế Tôn! Bậc Đại Bồ-tát niệm Bát-nhã ba-la-mật làm sao được đầy đủ?

Phật dạy:

–Thực hành Bát-nhã ba-la-mật cũng không thấy năm ấm có tăng có giảm. Thế nên, bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật được đầy đủ niệm cho đến trí Nhất thiết, cũng không thấy có tăng có giảm. Đó là Bồ-tát được đầy đủ niệm.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật không thấy chánh pháp, cũng không thấy phi pháp, cũng không thấy pháp ác, pháp lành, không thấy đời quá khứ hiện tại vị lai, cũng không thấy được thọ ký, cũng không thấy không thọ ký; pháp hữu vi, pháp vô vi, ba cõi, sáu pháp Ba-la-mật cho đến trí Nhất thiết cũng không thấy được.

Vì thế, Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật được đầy đủ niệm. Vì sao? Vì Pháp, tướng pháp của các pháp không phá hoại, không, không vững chắc, hư dối, pháp cũng không có sinh, không có tuổi thọ, không có mạng.

Tôn giả Tu-bồ-đề thưa:

–Những lời Thế Tôn dạy thật chẳng thể nghĩ bàn.

Phật dạy Tu-bồ-đề:

–Do năm ấm chẳng thể nghĩ bàn nên những lời dạy cũng chẳng thể nghĩ bàn.

Này Tu-bồ-đề! Vị Bồ-tát nào thực hành sáu pháp Ba-la-mật biết được năm ấm chẳng thể nghĩ bàn thì biết được đầy đủ Bát-nhã ba-la-mật cho đến trí Nhất thiết, biết được sự chẳng thể nghĩ bàn, biết đầy đủ về Bát-nhã ba-la-mật.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Những người nào sẽ tin hiểu Bát-nhã ba-lamật sâu xa?

Phật dạy:

–Những Bồ-tát đã từ lâu thực hành Bát-nhã ba-la-mật, làm các việc lành cúng dường vô lượng chư Phật, gặp bậc chân trí thức thì cũng chính những hàng Bồ-tát này mới tin hiểu Bát-nhã ba-la-mật sâu xa.

Tu-bồ-đề thưa:

–Những Bồ-tát thực hành sáu pháp Ba-la-mật, làm các việc lành từ xưa đến nay cúng dường bao nhiêu Đức Phật và gặp các bậc chân tri thức.

Phật dạy Tu-bồ-đề:

–Bậc Đại Bồ-tát không có tên năm ấm, không phân biệt năm ấm, cũng không do tưởng mà có sự phân biệt năm ấm, cũng không có tên năm ấm phân biệt có thực và sáu tình, ba cõi, sáu pháp Ba-lamật, nội ngoại không, hữu vô không, ba mươi bảy phẩm Trợ đạo, mười tám pháp Bất cộng, đạo tuệ và trí Nhất thiết cũng không có tên phân biệt, cũng không do tưởng mà có tên phân biệt, có sự hư dối, có sự thật. Vì sao?

Này Tu-bồ-đề! Do năm ấm chẳng thể nghĩ bàn cho đến trí Nhất thiết cũng chẳng thể nghĩ bàn, nên Đại Bồ-tát đã từ lâu xa thực hành sáu pháp Ba-la-mật, làm các việc lành và gặp các bậc Chân thiện tri thức.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Bát-nhã ba-la-mật rất sâu xa, vì năm ấm rất sâu xa, vì trí Nhất thiết rất sâu xa nên Bát-nhã ba-la-mật rất sâu xa.

Bạch Thế Tôn! Bát-nhã ba-la-mật là sự tích tụ những vật quý báu, là sự tích tụ quý báu của các quả vị Tu-đà-hoàn, La-hán, Bíchchi-phật, cũng là sự tích tụ của các địa vị Vô thượng Bồ-đề, mười Lực, bốn Vô sở úy, bốn Vô ngại tuệ, bốn Vô lượng tâm, bốn Không định, năm Thần thông, ba mươi bảy phẩm Trợ đạo, mười tám pháp Bất cộng và trí Nhất thiết cho đến sự tích tụ quý báu của các pháp.

–Bạch Thế Tôn! Bát-nhã ba-la-mật là sự tích tụ của thanh tịnh, vì thanh tịnh của năm ấm cho đến thanh tịnh của trí Nhất thiết.

–Bạch Thế Tôn! Bát-nhã ba-la-mật thật là kỳ diệu, trong Bátnhã ba-la-mật sâu xa này làm sao còn gây trở ngại?

Phật dạy:

–Đúng là còn có gây trở ngại. Thiện nam, thiện nữ nào muốn viết Bát-nhã ba-la-mật thì phải nhanh chóng viết, hoặc là muốn thọ trì đọc tụng thực hành thì đều phải nhanh chóng thực hiện. Vì sao? Vì khi chưa thọ trì, biên chép và thực hành thì hay bị trở ngại.

Thiện nam, thiện nữ nào có khả năng biên chép thọ trì Bát-nhã ba-la-mật trong một tháng, hoặc hai tháng, ba tháng, bốn tháng, năm tháng cho đến một năm mới hoàn thành thì cần phải biên chép, thọ trì, đọc tụng và học tập theo. Người nào trong một tháng biên chép xong thì học tập, thọ trì cũng sẽ hoàn tất; nếu họ biên chép thọ trì cho đến một năm thì cũng sẽ hoàn thành. Vì sao? Vì trong các sự quý báu phần nhiều khởi lên những nguyên nhân gây trở ngại.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Việc biên chép, thọ trì, đọc tụng, thực hành, nhớ nghĩ Bát-nhã ba-la-mật sâu xa này luôn luôn bị ma Ba-tuần tìm cách tiêu diệt.

Phật dạy Tu-bồ-đề:

–Nếu ma Ba-tuần muốn tiêu diệt thì không thể nào tiêu diệt hay làm cho người không thể thực hành, giữ gìn, học tập Bát-nhã bala-mật.

Xá-lợi-phất bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Nhờ ân đức gì làm cho ma Ba-tuần không thể tiêu diệt việc học tập Bát-nhã ba-la-mật sâu xa?

Phật Bảo Xá-lợi-phất:

–Đó là việc của Phật làm cho ma Ba-tuần không thể tiêu diệt, cũng nhờ ân đức của mười phương chư Phật ủng hộ Bồ-tát này.

Những người thọ trì Bát-nhã ba-la-mật sâu xa làm cho không bị ma Ba-tuần tiêu diệt. Vì sao? Này Xá-lợi-phất! Bồ-tát thọ trì Bátnhã ba-la-mật được chư Phật hộ trì nên Thiên ma Ba-tuần không thể tiêu diệt và gây trở ngại được. Vì sao? Này Xá-lợi-phất! Những Bồtát nào biên chép, thọ trì, học tập, nhớ nghĩ, đọc tụng Bát-nhã ba-lamật thì sẽ được sự ủng hộ của chư Phật làm cho ma Ba-tuần không gây trở ngại giữa đường.

Này Xá-lợi-phất! Nếu thiện nam, thiện nữ nào suy nghĩ: “Bây giờ ta sẽ biên chép, thọ trì Bát-nhã ba-la-mật, đều là việc làm của chư Phật.”

Xá-lợi-phất bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Nếu có thiện nam, thiện nữ nào biên chép, học tập, thọ trì Bát-nhã ba-la-mật thì đều được nhờ ân Phật hộ trì.

Phật dạy:

–Đúng vậy, đúng vậy!

Xá-lợi-phất bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Mười phương hiện tại chư Như Lai Vô Sở Trước Chánh Đẳng Giác với Phật nhãn có thể biết thiện nam, thiện nữ nào biên chép, học tập, thọ trì Bát-nhã ba-la-mật, đọc tụng, nhớ nghĩ Bát-nhã ba-la-mật?

Phật dạy Xá-lợi-phất:

–Những người biên chép, thọ trì, đọc tụng, thực hành Bát-nhã ba-la-mật đều đã được chư Như Lai Vô Sở Trước Chánh Đẳng Giác trong mười phương thấy biết. Những thiện nam, thiện nữ thực hành Bồ-tát đạo biên chép, thọ trì, học tập, đọc tụng, thực hành Bát-nhã ba-la-mật không bao lâu nữa sẽ đạt đến quả vị Vô thượng Bồ-đề.

Này Xá-lợi-phất! Nếu thiện nam, thiện nữ nào thực hành Bồtát đạo biên chép thọ trì Bát-nhã ba-la-mật, đọc tụng thực hành theo những việc trong Bát-nhã ba-la-mật này, ưa thích cúng dường Bátnhã ba-la-mật bằng những loại hoa thơm, hương bột, hương nước, tạp hương, lọng lụa, lọng hoa, cờ xí thì chư Phật với Thiên nhãn chắc chắn thấy được những thiện nam, thiện nữ này. Những thiện nam, thiện nữ nào biên chép thọ trì, vâng làm và học tập Bát-nhã ba-lamật thì được phước rất lớn, công đức lớn và được hạnh thù thắng. Những thiện nam, thiện nữ giữ gìn các công đức lành này thì nhất định không còn đọa vào đường ác, đắc quả vị không thoái chuyển, quyết chắc không rời xa chư Phật, sáu pháp Ba-la-mật; Nhất định không rời xa nội ngoại không và hữu vô không, đạt được quả vị Vô thượng Bồ-đề, không bao giờ rời xa ba mươi bảy phẩm Trợ đạo, mười tám pháp Bất cộng.

Này Xá-lợi-phất! Sau khi Như Lai diệt độ, Bát-nhã ba-la-mật sẽ còn lại ở phương Nam. Các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưubà-di ở phương Nam sẽ thọ trì đọc tụng, học tập, biên chép, giữ gìn Bát-nhã ba-la-mật này, quyết chắc không còn rơi vào cõi ác, được phước đức trong cõi trời, cõi người, do thực hành theo sáu pháp Bala-mật. Họ hiểu rõ sáu pháp Ba-la-mật rồi sẽ cúng dường phụng sự chư Phật, sau khi phụng sự nhờ ba thừa mà được giải thoát.

Này Xá-lợi-phất! Bát-nhã ba-la-mật truyền đến phương nào cũng được bốn hàng học sĩ thọ trì, biên chép, giữ gìn, đọc tụng Bátnhã ba-la-mật sâu xa, do công đức giữ gìn nên không rơi vào đường ác, nhận được phước đức cõi trời, cõi người, cũng sẽ phụng hành sáu pháp Ba-la-mật. Họ hiểu rõ sáu pháp Ba-la-mật rồi sẽ cúng dường phụng sự chư Phật, sau khi phụng sự nhờ pháp ba thừa mà được độ thoát.

Này Xá-lợi-phất! Bát-nhã ba-la-mật này sẽ di chuyển về phương Bắc, bốn hàng đệ tử ở phương Bắc cũng sẽ thọ trì biên chép, giữ gìn, đọc tụng, thực hành sáu pháp Ba-la-mật sâu xa, nhờ công đức giữ gìn nên không bị sinh vào ba cõi ác, nhận phước đức của hai cõi trời và người, họ cũng sẽ vâng làm theo sáu pháp Bala-mật, cũng sẽ phụng sự chư Phật, Thế Tôn và nhờ pháp ba thừa mà được độ thoát.

Này Xá-lợi-phất! Bấy giờ, Bát-nhã ba-la-mật sâu xa sẽ làm Phật sự. Vì sao? Này Xá-lợi-phất! Sau khi ta Niết-bàn, lúc Pháp sắp diệt hết ta đã biết trước thiện nam, thiện nữ ấy thọ trì Bát-nhã ba-lamật. Ta lại biết thiện nam, thiện nữ ấy hết lòng cúng dường Bát-nhã ba-la-mật bằng các thứ hương thơm, vải lụa, lọng hoa, nhờ công đức vâng giữ Bát-nhã ba-la-mật nên họ không rơi vào ba đường ác, nhận được phước lành của hai cõi, thực hành sáu pháp Ba-la-mật, cúng dường chư Phật và nhờ pháp ba thừa mà được độ thoát. Vì sao? Này Xá-lợi-phất! Như Lai đã thấy người này, đã khen ngợi những người này, Như Lai đã chỉ rõ nơi chốn của những người này, chư Phật hiện tại trong mười phương, cũng khen ngợi, cũng thấy người này, cũng chỉ rõ những người này.

Xá-lợi-phất bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Bát-nhã ba-la-mật này về sau sẽ được phổ biến ở phương Bắc chăng?

Phật dạy:

–Như lời ông nói, thiện nam, thiện nữ đời sau sẽ nhận học, biên chép giữ gìn thực hành Bát-nhã ba-la-mật. Ông nên biết những người này phát tâm Đại thừa, cúng dường đã nhiều chư Phật và tạo công đức lành từ lâu rồi.

Xá-lợi-phất thưa:

–Bạch Thế Tôn! Về sau ở phương Bắc sẽ có bao nhiêu thiện nam, thiện nữ hành Bồ-tát đạo, thọ trì, đọc tụng và hiểu được Bátnhã ba-la-mật? Phật dạy:

–Này Xá-lợi-phất! Về đời sau mặc dù có nhiều thiện nam, thiện nữ thọ trì Bát-nhã ba-la-mật, nhưng chỉ một số ít người thành tựu được Đại thừa.

Này Xá-lợi-phất! Đó là những thiện nam, thiện nữ hành Bồ-tát đạo nghe thuyết Bát-nhã ba-la-mật sâu xa thì không hỏi vặn, không nhàm chán, không sợ hãi. Vì sao? Vì những thiện nam, thiện nữ này đã được thấy Phật, đã được nghe chư Phật giảng dạy pháp sâu xa. Vì những thiện nam, thiện nữ này đã đầy đủ sáu pháp Ba-la-mật; đầy đủ nội ngoại không, hữu vô không, mười tám pháp Bất cộng và ba mươi bảy phẩm Trợ đạo. Những thiện nam, thiện nữ này đã tạo nhiều công đức, phát tâm Vô thượng Bồ-đề vì tất cả chúng sinh.

Này Xá-lợi-phất! Ta đã vì những thiện nam, thiện nữ này thuyết về trí Nhất thiết, quá khứ chư Như Lai Vô Sở Trước Chánh Đẳng Giác cũng đã thuyết trí Nhất thiết. Những người cầu đạo Vô thượng Bồ-đề đều vì sự sinh, già, bệnh, chết, ta cũng vì họ thuyết đạo Bồ-đề. Những thiện nam, thiện nữ này từ nhỏ cho đến trọn đời đều cầu đạo Vô thượng Bồ-đề nên ma và các thiên ma chắc chắn không thể phá hoại được, huống chi những người có ác hạnh khác muốn phỉ báng Bát-nhã ba-la-mật sâu xa.

Này Xá-lợi-phất! Những thiện nam, thiện nữ nào nghe Bát-nhã ba-la-mật sâu xa liền được hoan hỷ rất vi diệu làm cho nhiều người đạt đến địa vị Vô thượng Bồ-đề.

Phật dạy:

–Khi còn làm Bồ-tát, ta đã phát thệ nguyện: Ta sẽ giúp đỡ vô số người khuyến hóa họ hành đạo Bồ-tát, ta sẽ thọ ký họ thành Vô thượng Bồ-đề. Nếu có người phát tâm Bồ-tát thì ta nhất định hoan hỷ. Nếu có người nào khuyến hóa người khác làm cho họ phát tâm Vô thượng Bồ-đề thì ta cũng rất hoan hỷ. Thiện nam, thiện nữ nào hành Bát-nhã ba-la-mật thì người này ở đời trước đã phát thệ nguyện trước chư Phật, nay lại phát thệ nguyện độ chúng sinh với ta, ta phải làm lợi ích, làm an ổn, khuyến hóa tất cả chúng sinh phát tâm Vô thượng Bồ-đề làm cho họ không còn bị thay đổi. Vì sao? Vì chư Phật ở quá khứ cũng đã tùy hỷ, cho những người phát tâm Bồ-tát, lập thệ nguyện như vậy.

Này Xá-lợi-phất! Ta rất hoan hỷ vì những thiện nam, thiện nữ muốn an ổn giúp đỡ chúng sinh, mong cầu địa vị Vô thượng Bồ-đề, xa lìa sáu trần, được hạnh thanh tịnh vi diệu, đã được hạnh thanh tịnh vi diệu rồi lại đem tịnh thí, bố thí thanh tịnh rồi lại được nhận phước. Do công đức thanh tịnh vi diệu, nhận được phước thanh tịnh vi diệu rồi lại vì chúng sinh phân biệt tất cả bên trong và bên ngoài làm cho chúng sinh được phước thanh tịnh vi diệu. Nhờ giữ gìn công đức này, họ được nghe chư Phật ở các quốc độ khắp mười phương thuyết Bátnhã ba-la-mật. Nghe nhận rồi, họ lại khuyến hóa những chúng sinh khác làm cho đạt đến Vô thượng Bồ-đề.

Tôn giả Xá-lợi-phất bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Những lời của Đức Như Lai Vô Sở Trước Chánh Đẳng Giác thật kỳ lạ! Pháp quá khứ hiện tại tương lai không một pháp nào Như Lai không biết; những việc làm của chúng sinh không một việc nào Như Lai không biết. Như Lai cũng biết được sự việc của chúng Tăng, sự việc của chư Phật trong quá khứ, hiện tại, vị lai. Nếu có thiện nam, thiện nữ nào được sáu pháp Ba-la-mật rồi muốn đọc tụng, thọ trì, nhưng ý muốn thoái lui thì không thể học sáu pháp Ba-la-mật được. Nếu thiện nam, thiện nữ nào mong cầu sáu pháp Ba-la-mật, không có thoái lui, siêng năng, không biếng nhác thì trong một lúc có thể có đầy đủ sáu pháp Ba-la-mật.

Tôn giả Xá-lợi-phất bạch Phật:

–Thiện nam, thiện nữ nào thực hành như vậy liền được kinh điển sâu xa, được ứng hợp với Bát-nhã ba-la-mật chăng?

Phật dạy:

–Đúng như vậy! Kinh sâu xa như vậy là ứng hợp với Bát-nhã ba-la-mật. Vì sao? Vì có công năng khuyến hóa giúp đỡ chúng sinh làm cho họ phát tâm Vô thượng Bồ-đề.

Này Xá-lợi-phất! Đối với sáu pháp Ba-la-mật, thiện nam, thiện nữ nào không kể đến sinh, già, bệnh, chết mà siêng năng, không biếng nhác thực hành theo Bát-nhã ba-la-mật, làm thanh tịnh cõi Phật giáo hóa chúng sinh, làm cho đạt được quả vị Vô thượng Bồ-đề thì ý chí không bao giờ biếng nhác.