KINH BỒ-TÁT ANH LẠC

Hán dịch: Đời Dao Tần, Sa-môn Trúc Phật Niệm, người Lương Châu.
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 44: CÁC THỪA

Bấy giờ nơi tòa ngồi có vị Bồ-tát tên là Tịnh Nhãn, liền rời chỗ ngồi đứng dậy, để trần vai bên phải, đến trước Đức Phật quỳ mọp, chắp tay cung kính thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ-tát phát tâm hướng về Đại thừa đạt đến trí tuệ vô ngại? Do tu tập pháp gì mà đạt được cõi diệt nẻo Đại thừa?

Đức Thế Tôn bảo Bồ-tát Tịnh Nhãn:

–Lành thay! Lành thay! Này vị Tộc tánh tử! Những điều nay Bồ-tát nêu hỏi ấy đều thuộc về lãnh vực uy thần của Phật đạt tới đấy! Bồ-tát hãy hết sức lắng nghe và khéo suy nghĩ ghi nhớ! Ta sẽ dùng kệ để giải tỏa mối hồ nghi của Bồ-tát.

Lúc này, Đức Thế Tôn bèn đọc bài tụng:

Chẳng dùng sắc hư bại
Hướng tới đạo bình đẳng
Quán sắc đạo không khác
Mới hợp nẻo đạo Thừa.
Tư duy sắc và đạo
Tánh như nhiên cũng vậy
Không thấy đạo hư hoại
Nẻo tu tập bậc Trí.
Gốc tánh đạo luôn bền
Tìm kiếm chẳng thể tận
Rất thuận nghĩ bậc nhất
Thừa ấy đạt vô ngại.
Người ngu tâm đảo điên
Cầu đạo ấm giữ nhập
Nhiễm vướng nơi ba cõi
Nên phải thọ sinh tử.
Các pháp không nhận giữ
Trên dưới cùng khoảng giữa
Chẳng thấy có tan rời
Đó là hướng Đại thừa.
Như thấy pháp chẳng pháp
Nơi hai ý chẳng động
Cũng chẳng dấy nhị kiến
Phát hướng tới cũng thế.
Hai là pháp hữu vi
Cũng gọi pháp vô vi
Trừ hai, chẳng thấy hai
Mới hợp đạo Vô thượng.
Vượt khỏi hàng phàm phu
Chưa tới đạo Thánh hiền
Đến được, chưa thành tựu
Cũng là phước điền đời.
Dốc lìa tám pháp tục
Như hoa không vướng bùn
Trăm kiếp hành luôn vượt
Thế mới hướng Đại thừa.
Chốn chốn tu chánh nghiệp
Nơi nơi hiện thần thông
Độ người chẳng thấy độ
Khẩu tâm ý hành mật.
Không thối nẻo sinh tử
Tâm dứt mọi khiếp nhược
Ý vững như Kim cang
Rất hợp Tuệ vô ngại.
Hư không chẳng thiện ác
Pháp giới thường thanh tịnh
Pháp cũng vốn không pháp
Đâu có chuyện cấu nhiễm?
Chẳng thấy lìa pháp tà
Mà tu đạo Vô thượng
Lại không kẻ kém cõi
Đó là tướng Đại thừa.
Các pháp gốc không tướng
Như không chẳng thể giữ
Cầu tướng gốc tự không
Kẻ trí nên biết rõ.
Phàm muốn hành vô ngại
Phương tiện là bậc nhất
Nguyện chúng sinh hoàn tất
Dẫn dắt đến đạo tràng.
Bạn lành là chánh pháp
Bền vững không bỏ quên
Lìa hẳn ấm giữ nhập
Không theo lối hồ nghi.
Như Phật hiện ở đời
Rồi cũng chọn diệt độ
Chánh pháp luôn tồn tại
Trọn chẳng hề biến đổi.
Các pháp được nêu đúng
Thiện ác chẳng hư hoại
Tánh cõi chân cũng thế
Thường trụ chẳng động chuyển.
Nẻo tu thật thâm diệu
Cõi ma không hề vướng
Các pháp lại cũng vậy
Vĩnh viễn lìa cõi tà
Muốn cầu đạo Vô thượng
Chẳng chấp pháp tu hành
Dứt có tưởng không tưởng
Mới hợp tuệ vô ngại.
Tuệ Phật dứt mọi chấp
Pháp pháp không chốn sinh
Không thấy đạo sinh diệt
Nêu thuận hành Đại thừa.
Hoặc dùng đầu mắc thí
Tâm tín không hề bỏ
Chẳng thấy có kẻ nhận
Dứt mọi chấp tưởng vọng
Các pháp vốn không sinh
Suy cứu không chốn chứa
Tướng các pháp cũng thế
Duyên mối chẳng thể thấy
Như người muốn tìm không
Nhằm biết bờ bến ấy
Ngày đêm luôn nhớ nghĩ
Công sức ấy thật phí.
Ngu lầm chấp tôi–ta
Bám nẻo thường, chẳng lìa
Đọa lạc nạn ba đường
Chẳng đạt chốn cứu cánh.
Bậc chân, đạo Thánh hiền
Ba đạt không ngăn ngại
Còn chưa tận nguồn không
Huống chi hạng người thường.
Người đều chấp nẻo thường
Vô minh che nẻo sáng
Sinh tử khổ chồng chất
Do đâu được giải thoát?
Tài trí không vướng mắc
Nhằm cầu đạo Vô thượng
Hai nẻo thí chẳng cùng
Cứu cánh sao hằng đạt?
Giới luật hành vô ngã
Pháp bậc nhất chốn an
Lại cũng dứt tướng ấy
Hành vượt niệm giới tuệ
Chẳng tu tự nhiên đạt
Trí trừ gốc vô minh
Giới đủ, đạo thanh tịnh
Trong như trăng tròn hiện
Thân như bọt nước tụ
Cũng như điện vụt lóe
Ý căn như ngựa hoang
Giới là đạo thanh tịnh
Tối thắng không kẻ sánh
Các Thánh Thiên Trung Thiên
Tâm dứt hết thảy ác
Định tịch Ba-la-mật.
Giữ giới và phạm giới
Định loạn chẳng nêu bày
Nhận rõ các pháp giới
Giới là đạo giải thoát.
Đạt Nhẫn Ba-la-mật
Gắng nhận mọi khổ não
Từ bi thấm khắp loài
Không còn tưởng cao thấp
Nhớ tìm pháp quá khứ
Sinh diệt không dừng lâu
Pháp khen, chê, tôn, trách
Sao có được thuận hợp.
Từng phần rõ hình tướng
Trọn chẳng dấy niệm ác
Nhận rõ nẻo trong ngoài
Thân tâm an nhiên trụ
Oán thù nhằm mong hại
Diệt ấy nguy đến thân
Nhẫn đó như đất chở
Không chấp có xấu tốt.
Thệ nguyện lớn nhẫn nhục
Dứt tưởng niệm đối kháng
Nên khiến mọi chúng sinh
Trông thấy thảy vui mừng
Muốn rõ biển Đại thừa
Nên dứt tâm khiếp nhược
Thân đoan nghiêm, tâm chính
Đạt được nhẫn vô sinh
Gốc từ vô số kiếp
Lưu chuyển trong sinh tử
Nên vì một chúng sinh
Mang đủ áo giáp nguyện
Các pháp không khởi diệt
Lại không tưởng hủy hoại
Kẻ ngu tâm điên đảo
Không tỏ tuệ quá khứ
Tánh pháp giới thường trụ
Kẻ học chẳng trọn vẹn
Nên thông tỏ gốc ngọn
Sinh ấy không chốn sinh
Chúng sinh chẳng thấu đạt
Tuệ vô ngại vi diệu
Quyết tìm phương tiện khéo
Dứt trừ tâm đảo điên
Chư Phật hiện ở đời
Hóa độ kẻ mê lầm
Lại cũng không buông thả
Luôn tinh tấn dũng mãnh
Nhận rõ tất cả pháp
Như huyễn, bóng ngựa hoang
Cầu thật, không quả báo
Như quán không, vô hình
Chúng sinh không niệm thực
Tự dấy tưởng tham vướng
Dần tỏ nẻo giáo pháp
Khiến rõ chốn giải thoát
Phương tiện nhớ nghĩ ấy
Mọi sở nguyện tất đạt
Mỗi mỗi tư duy quán
Trí vô ngại thành tựu
Niệm giữ hành trong ngoài
Chốn chốn cầu tánh không
Không dựa, không vướng chấp
Gốc ngọn sinh tử tịnh
Dốc học vui chốn tĩnh
Nơi riêng dứt sợ hãi
Thiền định tuệ tư duy
Sáu thần thông khéo hiện
Tại nơi đông hay vắng
Nhất tâm không vọng loạn
Chẳng mất pháp uy nghi
Đó là định vi diệu.
Pháp định có nhiều loại
Ý dứt, hành vô lậu
Hai giải thoát thêm tăng
Đó là định vi diệu
Quán khắp hết thảy pháp
Chốn yên tâm chẳng dời
Nơi một trở lại một
Đó là định vi diệu.
Tâm đạo luôn kiên cố
Ý diệt tâm hằng dứt
Tiếp độ người thuần thục
Đó là định vi diệu.
Luôn nhớ Bậc Chánh Giác
Đạo, Pháp thân Như Lai
Mọi sắc tướng chán lo
Đó là định vi diệu.
Lại tu sáu tư niệm
Hành theo đúng thứ lớp
Dứt niệm, không tư tưởng
Đó là định vi diệu.
Bốn đôi tám bậc quý
Sinh từ nẻo vô vi
Vô số chẳng hữu số
Đó là định vi diệu.
Kẻ trí tu bốn Thiền
Định không, vượt nẻo thức
Tỏ rõ thân trong ngoài
Đó là định vi diệu.
Chư Phật khắp mười phương
Xa trông chúng sinh ấy
Chẳng lo mắt thấy sắc
Tự nhiên đạo thành tựu
Lại cũng thấy kẻ ấy
Mỗi mỗi nơi thuyết pháp
Không sinh tưởng tai nghe
Thức diệt chẳng vướng lại
Tưởng chúng sinh vô lượng
Dốc ý nên thấy rõ
Chẳng dấy tâm nhị kiến
Nên sinh từng ấy niệm.
Nhớ nghĩ kiếp quá khứ
Hằng sa chẳng thể tính
Tâm trước sau cũng thế
Dũng mãnh không biếng trễ
Lại đến vô lượng cõi
Thị hiện pháp thần túc
Tâm trụ, thân tự theo
Khiến rõ pháp thần túc
Diễn nói đạo cam lồ
Chẳng mất hành tịnh tiến
Từ kiếp đến trăm kiếp
Tuệ vô ngại không dứt
Đạt trí Ba-la-mật
Nhận rõ ấm và nhập
Vì người thuyết pháp liệu
Chẳng vướng chấp tôi–ta
Hành với các phương tiện
Cùng rõ dâm, nộ, si
Nhân duyên dứt cấu, chấp
Khiến tỏ đạo thanh tịnh.
Gốc ngã tự tạo hành
Giải thoát dứt sợ hãi
Các duyên hội hợp nên
Các pháp không nơi chốn
Tự quán cũng quán Phật
Quán pháp không cũng thế
Nẻo sinh tử Nê-hoàn
Kẻ trí bèn giác ngộ.
Khéo biết tánh trí tuệ
Khiến cầu tuệ giác ngộ
Ba đời trong tối tăm
Hốt nhiên thấy ánh sáng.
Trí ấy là Đại trí
Trí Phật vượt nghĩ bàn
Dẫn dắt cho muôn loài
Thành trí vô thượng ấy.
Phàm chấp Nhất thiết trí
Không thể vượt mức đó.
Tu tập đủ các trí
Nẻo Đại thừa nên quả.
Từ trí chỉ có hiệu
Chẳng có đạo chân thật
Trí ấy trên mọi trí
Cứu vớt hết thảy nạn.
Như dốc cầu trí tuệ
Như cầu tánh hư không
Tâm không chóng đạt đến
Huống lại dấy tưởng loạn.
Cõi hư không vô lượng
Vô lượng chẳng thể thấy
Trí ấy cũng như vậy
Vô lượng không bờ bến.
Giả sử hết thảy người
Lên thuyền trí tuệ đó
Vui khắp bến sinh tử
Chẳng tới biển Nê-hoàn.
Như người trăm ngàn kiếp
Muốn khen công đức ấy
Trí tuệ đuốc lớn sáng
Nào soi thấu kho sâu.
Vô tận, chẳng thể tận
Cũng không tám không nhàn
Dốc tụng tuệ vô ngại
Tối tôn cõi trời, người.
Mới chẳng đọa nẻo ác
Sáu tình luôn gồm đủ
Sinh nơi cõi trời, người
Trong các hạng hào quý.
Hết thảy loài chúng sinh
Đều sẽ thành trí đạo
Thọ trì chánh pháp ấy
Chưa từng mang lo sợ.
Ủng hộ gốc chánh pháp
Chốn an, đạo giải thoát
Dốc chuyển xe chánh pháp
Hiện khắp cõi thế gian.
Nơi trăm ngàn ức kiếp
Trọn chẳng vướng sinh tử
Tất thành Bậc Chánh Giác
Đều từ tuệ vô ngại.
Dũng mãnh hơn mọi người
Hàng phục các loài ma
Trí tuệ thêm tinh tấn
Pháp Tổng trì luôn giữ.
Như có người một niệm
Uống khắp nước sông hồ
Đi đến khắp bốn cõi
Chẳng thể tận nguồn ấy.
Kẻ trí phương tiện khéo
Luôn tự mình suy niệm
Chỉ uống nước bốn biển
Nên mới đến được khắp.
Muốn thành đạo Vô thượng
Trí tuệ sáng vô ngại
Thọ trì niệm đọc tụng
Thọ ký cũng chẳng lâu
Tuy Phật chưa ra đời
Hiện ba mươi hai tướng
Nên dốc hành Phật sự
Độ khắp vô lượng người.
Nay ta thành chánh giác
Tôn quý nhất ba cõi
Đều do việc thọ trì
Kho đại tuệ vô ngại.

Lúc Đức Thế Tôn thuyết giảng xong pháp ấy, đây là pháp hết mực thâm diệu, khó lường, vượt mọi nghĩ bàn, cũng chẳng phải là chốn đạt được của hàng La-hán, Bích-chi. Bấy giờ nơi chúng hội có đến mười hai ngàn chư Thiên và chúng nhân thảy đều phát tâm cầu đạo quả Vô thượng Bồ-đề. Lại có ba vạn bảy ngàn vị Bồ-tát đạt được pháp Nhẫn bất khởi. Lại còn có vô lượng vị Tỳ-kheo tâm được giải thoát khỏi mọi thứ phiền não ràng buộc; có đến bốn mươi sáu cai chúng sinh dứt sạch mọi bụi bặm cấu uế, đạt được Pháp nhãn thanh tịnh.