SỐ 190
KINH PHẬT BẢN HẠNH TẬP
Hán dịch: Đời Tùy, Tam tạng Pháp sư Xà-na-quật-đa, người Ấn độ
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh.

 

QUYỂN 39-40

Phẩm 43: GIÁO HÓA BINH TƯỚNG

Bấy giờ người khắp mọi phương, hoặc từ các miền thành ấp xóm làng cho đến các lân quốc, nói với nhau có ý muốn xuất gia cầu thọ giới Cụ túc. Họ kéo nhau về thành Ba-la-nại đến bên Đức Phật bạch:

-Cho con xuất gia thọ giới Cụ túc.

Vì lý do này các vị Tỳ-kheo tiếp đón mệt nhọc, tiếng ồn ào của những người cầu xin xuất gia làm mất sự yên tĩnh nơi Đức Thế Tôn ở.

Một lúc khác, Đức Thế Tôn đang tĩnh tọa trong tịnh thất, suy nghĩ: “Nay người trong xóm làng, thành ấp và các lân bang từ khắp bốn phương kéo về đây, cầu Như Lai cho họ được xuất gia thọ giới Cụ túc. Do đó các người có ý cầu xin xuất gia này từ phương xa tới đây vừa mệt mỏi, vừa làm mất sự yên tĩnh. Nay Ta có thể cho các vị Tỳ-kheo đi đến các xóm làng thành ấp tha phương để giáo hóa mọi người. Có người nào cầu xin xuất gia thọ giới Cụ túc, nên đúng như pháp mà trao cho họ.”

Nghĩ như vậy rồi, vào buổi sáng, Đức Như Lai ra khỏi phòng, cho họp tất cả các Tỳ-kheo. Sau khi đại chúng vân tập đông đủ, Ngài tuyên bố:

-Này các thầy Tỳ-kheo, các thầy nên biết, Ta ở trong tịnh thất vắng lặng suy nghĩ thế này… các thầy nên đi đến các phương khác, đúng như pháp cho họ xuất gia thọ giới Cụ túc (như đã nói trên) chớ để họ đến đây đường xa khổ nhọc, lại làm mất sự yên tĩnh.

Ngài tuyên bố như vậy, rồi vẫn lặp lại:

-Ta bảo các thầy Tỳ-kheo nên đến các xóm làng thành ấp phương khác, nếu có người đến cầu xin xuất gia thọ giới Cụ túc, các thầy cho họ xuất gia thọ giới Cụ túc.

Ngài lại bảo các thầy Tỳ-kheo:

-Nếu có người đến cầu xin xuất gia, các thầy phải làm các việc sau: Trước tiên cạo bỏ râu tóc cho họ, tiếp đó dạy cho họ đắp y ca-sa hoại sắc. Khi họ phục sức chỉnh tề, dạy họ trịch áo vai bên hữu, ở trước đại chúng đầu gối bên phải quỳ sát đất, chắp tay đảnh lễ dưới chân Tỳ-kheo, lễ rồi họ đứng dậy, rồi bảo họ ngồi xổm chắp tay trước chư Tỳ-kheo và dạy họ đọc lên thế này: “Con tên… quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng.” Các thầy kể từ nay trở đi, y vào lời Ta chỉ dạy, nếu có người nào đến cầu xin xuất gia, thọ giới bằng cách đọc Tam quy thì đắc giới Cụ túc.

Bấy giờ vào mùa hạ, Đức Thế Tôn an cư tại vườn Nai trong thành Ba-la-nại. Ngài bảo các thầy Tỳ-kheo như thế này:

-Này các thầy Tỳ-kheo, nếu biết rằng Ta đã được giải thoát thì các thầy phải giáo hóa hàng trời người để cho nhiều người trong thế gian được lợi ích, được an lạc, hoặc khiến cho người trong thế gian cầu được lợi ích an lạc ở đời vị lai. Các thầy muốn đi đến các làng xóm khác thì được phép đi một mình không cần phải đi hai người. Lại nữa, các Tỳ-kheo, các thầy đi đến các xóm làng khác, vì số đông người nên thương xót giúp đỡ họ, phải thuyết các pháp trước, giữa và sau đều thiện, nghĩa lý vi diệu, đầy đủ không thiếu sót. Này các thầy Tỳ-kheo, phải nói các phạm hạnh, có chúng sinh nào ít trần cấu, kết sử mỏng ít, các căn được thuần thục, mà họ không được nghe chánh pháp thì không biết được thật tướng của các pháp.

Đức Phật bảo các thầy Tỳ-kheo:

-Từ ngày hôm nay, Ta sẽ đi lần về xóm Ưu-lâu-tần-loa nơi thôn Binh Tướng, thuyết pháp giáo hóa cho họ.

Đức Thế Tôn liền nói kệ:

Tỳ-kheo, Ta đã vượt các khổ.
Tự mình lợi lạc, lợi người khác
Nhiều người còn khổ trừ diệt
Nay sẽ vì họ khởi lòng thương.
Do vậy, hỡi các thầy Tỳ-kheo
Mỗi người hành đạo về mỗi xứ
Nay Ta cũng sẽ rời nơi đây
Hướng về Tần-loa nơi thôn ấy.

Khi đó Ma vương Ba-tuần ẩn thân đi đến bên Đức Phật, dùng kệ nói:

Ông bị các phiền não trói buộc
Cũng như trời, người không có khác
Đã bị tất cả dây ràng buộc
Sa-môn người chưa thoát khỏi lưới.

Khi Thế Tôn nghe bài kệ này, suy nghĩ: “Đây là lời nói của Ma vương Ba-tuần.” Ngài liền dùng kệ đáp lại:

Ta thoát ràng buộc đã từ lâu
Trời, người thuộc hữu, Ta không còn
Thân Ta đâu còn vướng trong lưới
Ngươi bị thu phục còn nói gì?

Đức Thế Tôn lại dùng kệ cảnh tỉnh Ma vương Ba-tuần:

Tất cả sắc thanh, hương, vị, xúc
Là pháp ngũ dục, người say đắm
Ta nay đã loại trừ tất cả
Đã thu phục ma Ba-tuần ác.

Lúc ấy Ma vương Ba-tuần nghe kệ rồi, suy nghĩ: “Sa-môn Cù-đàm đã biết ý ta.” Nên ma rất khổ não, hết sức hối hận, bỗng nhiên biến dạng không còn ở đó.

Khi ấy chư Tỳ-kheo bạch Phật:

-Lành thay! Bạch Thế Tôn, nếu có người đến chỗ chúng con hỏi: “Thưa Tôn giả Tỳ-kheo, sao gọi là Sa-môn và Bà-la-môn?” Tỳ-kheo chúng con nghe hỏi như vậy phải giải đáp như thế nào?

Đức Phật bảo các thầy Tỳ-kheo:

-Nếu có người hỏi sao là Sa-môn, Bà-la-môn? Tỳ-kheo xuất gia phải như thế nào? Này các thầy, nên biết là lúc đó cần phải có chánh trí và cần phải có chánh tâm để quán sát.

Đức Thế Tôn vì nhân duyên này, theo thứ tự câu hỏi mà Ngài nói kệ trả lời cho các Tỳ-kheo:

Trừ diệt dua nịnh và ngã mạn
Tham sân dục hết, chẳng tham gì
Thể tánh thanh tịnh thường như vậy
Mới gọi Sa-môn hoặc Tỳ-kheo.
Phạm chí lậu hoặc phải diệt trừ
Sa-môn cần tinh tấn, khổ hạnh
Trừ sạch cấu nhiễm vượt trần lao
Là chân xuất gia phá các ác.

Các vị Tỳ-kheo nghe bài kệ này rồi, lại bạch Đức Phật:

-Hay thay! Bạch Thế Tôn, khi Tỳ-kheo chúng con khất thực phải nói lời gì? Hoặc nói cho tôi thức ăn? Hoặc nói thẳng rằng hãy bố thí thức ăn? Chúng con dùng phương tiện gì để khất thực?
Đức Thế Tôn bảo các thầy Tỳ-kheo:

-Này các thầy Tỳ-kheo, chẳng phải nói như lời các thầy. Lý do tại sao? Vì Tỳ-kheo phải giữ gìn thân tâm. Khi ấy Đức Thế Tôn dùng kệ bảo các thầy Tỳ-kheo:

Người trí khất thực không nên nói
Cũng không chỉ bảo cho ta ăn,
Thánh giả chánh niệm đứng im lặng
Mới gọi Tỳ-kheo chân khất thực.
Nếu là người trí đi khất thực
Chỉ nên chăm chú đứng một bên
Thí chủ thấy được như vậy rồi
Liền biết Sa-môn hành khất thực.

Các thầy Tỳ-kheo hỏi Đức Phật:

-Nếu có người sinh tín tâm cho thức ăn, họ cung kính chúng con, Tỳ-kheo chúng con phải nói những lời thế nào? Phải chăng nói với họ: “Người được tốt đẹp, lợi ích lớn?” Hay phải nói với họ:

“Người được an ổn lớn, được công đức lớn?” Hay phải nói với họ: “Ta nhận thức ăn rồi người sẽ được phước đức lớn?” Hay nói: “Không có phước?” Tỳ-kheo chúng con phải nói gì? Cúi xin Đức Thế Tôn chỉ dạy.

Đức Thế Tôn bảo các thầy Tỳ-kheo:

-Này các thầy không nên nói những lời như vậy. Ta nay phương tiện chỉ dạy các thầy phải nói lời thế này. Thế Tôn nói:

Bố thí tăng thêm phước đức lớn
Nhẫn nhục thì không có oán thù
Người tốt nên vứt bỏ sai lầm
Ly dục tự nhiên được giải thoát.
Tu phước thường được vui an ổn
Sở nguyện dễ thành nhiều lợi lạc
Hiện đời dễ được tâm tịch tịnh
Về sau chứng đắc quả Niết-bàn.

Đức Thế Tôn tóm lược bằng bài kệ này, để dạy cách thức chú nguyện trong khi thọ thực cho các Tỳ-kheo.

Bấy giờ các vị Tỳ-kheo nhận được lời chỉ dạy của Đức Phật như vậy, liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ dưới chân Phật, đi nhiễu quanh ba vòng, rồi tùy ý mỗi vị ra đi.

Sau khi các vị Tỳ-kheo mỗi người ra đi mỗi nẻo, thì các vị thần nơi đây như thần rừng, thần cây, thần kinh hành, thấy khu rừng vắng bóng Tỳ-kheo, dưới mỗi gốc cây và nơi kinh hành cũng trống trải. Họ tưởng nhớ ái mộ các Tỳ-kheo, nên đồng đến chỗ Đức Phật dùng kệ hỏi:

Các thần chúng con thật ái mộ
Thấy rừng cây vắng bóng Tỳ-kheo
Tỳ-kheo đa văn chúng Tăng ấy
Đệ tử Cù-đàm nay ở đâu?

Đức Thế Tôn dùng kệ đáp lời các vị thần hộ cây rừng:

Tỳ-kheo điều phục các căn xong
Du hành giáo hóa, độ chúng sinh
Có người đi đến Kiều-tát-la
Hoặc đến thành ấp Tỳ-da-ly
Hoặc đến quốc gia A-du-xà
Hoặc đến địa phương lớn Kim cương
Giải quyết nghi hoặc cho mọi người
Tùy thuận thời cơ mà thuyết pháp.

Sau khi Đức Thế Tôn an cư tại thành Ba-la-nại, Ngài ở lại đó thời gian ngắn, một lần nữa Ngài nhắc nhở các thầy Tỳ-kheo tùy duyên du phương giáo hóa. Thế Tôn cũng rời thành Ba-la-nại, lần lần đi về chỗ thuở xưa Như Lai tu khổ hạnh, đó là thôn Ưu-lâu-tần-loa, thôn này có vị đại Bà-la-môn tên là Binh Tướng. Đến đây Ngài đi theo con đường cũ để đến giáo hóa vị ấy.

Khi Đức Thế Tôn đi trên con đường cũ, dọc đường thấy một khu lâm viên tươi tốt khả ái. Đức Thế Tôn rẽ sang đường tắt tiến sâu vào rừng, đi từ cây này đến cây kia, thấy có một cây ngay thẳng tươi đẹp, liền đến ngồi dưới gốc cây, ở lại một ngày để nghỉ ngơi.

Bấy giờ trong rừng có đám đàn ông bè bạn gồm ba mươi người trong đó hai mươi chín người có gia đình, một chàng còn độc thân. Tuy được hai mươi chín người bạn cùng hỏi vợ cho anh ta, nhưng không có một nàng nào anh ta vừa ý. Bỗng hôm ấy, có một dâm nữ đi lại, chàng trai không gia đình này cùng nàng hợp ý với nhau, nên nàng dâm nữ này cùng anh ta mặc tình hoan lạc, hành việc thế tục. Nàng ta chờ cơ hội ba mươi chàng trai này ngủ say, nàng lựa những vật quý giá rồi trốn đi.

Khi ba mươi chàng trai thức dậy, cùng nhau tìm kiếm dâm nữ, đi khắp cả khu rừng mà không gặp. Bỗng nhiên, từ xa thấy Đức Thế Tôn ngồi dưới gốc cây với tôn nhan đẹp đẽ đễ thương, mọi người ai cũng thích ngắm trông, các căn điều phục tâm ý tịch tĩnh, đã chứng được pháp nhãn tối thượng tối thắng, giống như voi chua tốt đẹp tuyệt vời, giống như ao lớn tràn ngập nước mát mẻ, có hào quang tỏa rộng một tầm, ánh như vàng ròng, thân hình đủ các tướng tốt như cây Ta-la dày đặc cả hoa, cho đến giông như tinh tú trong vòm trời đêm tối.

Các thanh niên thấy vậy, liền đến trước Đức Phật bạch:

-Thưa Tôn giả, ở nơi đây Ngài có thấy một dâm nữ hình dạng như vậy hay không?

Đức Phật hỏi lại:

-Này các anh, người phụ nữ mà các anh hỏi là người đàn bà nào vậy? Người đàn bà ấy vì lý do gì đi đến đây?

Lúc ấy đám chàng trai cùng đáp:

-Thưa Đại Thiện Tôn giả, anh em chúng tôi gồm ba mươi người đều là dân lương thiện, dừng ở trong rừng này. Hai mươi chín người đã lập gia đình, chỉ còn một người chưa lập gia đình độc thân không vợ. Chúng tôi cùng nhau tìm một dâm nữ làm vợ anh ta, để anh ta tạm thời khoái lạc. Thấy chúng tôi hoan lạc quá độ, ngủ say, nàng ấy trộm lấy bảo vật của chúng tôi rồi trốn mất.

Chúng tôi muốn tìm lại vật của người bạn này và của mình, nên đến đây kiếm người dâm nữ.

Bấy giờ Đức Phật bảo các chàng trai:

-Này các chàng trai, Ta hỏi các người, ý các người nên nghĩ thế nào, hiện giờ đây các người nên tìm nơi chính mình hay tìm người dâm nữ, trong hai việc đó việc nào lợi ích hơn?

Các chàng trai đồng đáp:

-Hay lắm! Thưa Thế Tôn, nếu chúng tôi tìm nơi chính mình là tốt nhất, không nên đi tìm người phụ nữ kia.

Đức Thế Tôn lại bảo:

-Này các chàng trai, nếu được như vậy xin các người hãy ngồi xuống đây! Ta sẽ nói pháp cho các người.

Lúc ấy ba mươi chàng trai đềng bạch Đức Phật:

-Xin vâng Đức Thế Tôn, chúng con sẽ y theo thánh giáo không dám trái lời.

Cả ba mươi người đều đảnh lễ dưới chân Đức Phật rồi lui qua ngồi một bên.

Bấy giờ Đức Thế Tôn tuần tự theo căn cơ của họ mà thuyết pháp bố thí, trì giới, nhiếp phục… các pháp đều là tướng hoại diệt, quán sát như thật, chứng biết được rồi, giống như chiếc áo trắng sạch, không lộn chỉ đen, không dính vết bẩn, tùy ý muốn nhuộm sắc gì thì thành sắc đó. Đúng vậy! Đúng vậy! Ba mươi chàng trai này ngay tại chỗ ngồi xa lìa trần cấu, diệt sạch tất cả phiền não, ở trong chánh pháp được pháp nhãn thanh tịnh, bao nhiêu pháp bất tịnh đều là tướng diệt. Quán sát biết được như vậy, các thiện nam tử này thấy tướng các pháp như vậy, hiểu, chứng và thể nhập được pháp tướng ấy, trừ diệt nghi ngờ, không mê đắm, đạt đến vô úy, không làm theo người khác. Khi hiểu được chánh pháp do Đức Thế Tôn dạy, tất cả đứng dạy lễ dưới chân Đức Phật, bạch:

-Lành thay! Bạch Thế Tôn, cúi xin Thế Tôn cho chúng con được xuất gia thọ giới Cụ túc.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các thiện nam:

-Này các thiện nam, hãy đến đây! Vào trong giáo pháp của Ta tu phạm hạnh thì dứt hết nguyên nhân đau khổ và diệt được trạng thái khổ đau.

Bấy giờ các thiện nam liền thành các vị Trưởng lão xuất gia đầy đủ giới Cụ túc. Đức Thế Tôn ân cần dạy bảo các Trưởng lão này về các pháp yếu. Họ được Đức Phật thuyết pháp một lần nữa.

Thời gian chẳng bao lâu, các thiện nam có chánh tín xả tục xuất gia, chí cầu tối thắng phạm hạnh, tự mình hiện chứng đắc thần thông, mỗi người tự nói lên: “Ta đã được quả báo tu phạm hạnh, việc làm đã xong, không còn thọ thân đời sau nữa.” Ngay khi biết như vậy, các Trưởng lão này đều chứng A-la-hán tâm giải thoát hoàn toàn.

Sau khi giáo hóa ba mươi vị Trưởng lão bằng hữu này chứng đạo quả rồi, Thế Tôn du hành đó đây, đi ngang qua khu rừng bạch diệp. Đến đó, Ngài tiến sâu vào trong rừng, thấy một cây vừa ý, trong lòng hoan hỷ, liền ngồi nghỉ dưới gốc cây này trải qua một ngày. Bấy giờ ở trong rừng này bỗng có sáu mươi người dòng họ Vân đi ngang qua. Từ xa họ trông thấy Thế Tôn đang ngồi dưới gốc cây đoan nghiêm dễ mến, ai cũng thích ngắm trông… giống như những vì sao trên bầu trời đêm. Thấy rồi, họ chánh tín thanh tịnh, hết sức hoan hỷ. Vì hoan hỷ nên họ đi đến chỗ Đức Phật, đến nơi đảnh lễ dưới chân Thế Tôn, lui ngồi về một bên rồi im lặng.

Bấy giờ Đức Phật vì sáu mươi người họ Vân này tuần tự thuyết các pháp như dạy thực hành bố thí, trì giới… chứng biết. Tất cả những vị Trưởng lão đều chứng A-la-hán, tâm hoàn toàn giải thoát.

Khi giáo hóa sáu mươi vị Trưởng lão Tỳ-kheo họ Vân khiến họ phát tâm xong, Đức Phật rồi nơi đó du hành đến phương khác.

Đức Thế Tôn dần dần đi về hướng sông Hằng. Khi Ngài gần đến bờ sông, ông lái đò từ xa trông thấy Đức Thế Tôn đi lại, liền vội vã đứng dậy, đến trước để đón tiếp Thế Tôn. Ông lái đò đến trước mặt Thế Tôn bạch:

-Lành thay! Đức Thế Tôn đã đến đây! Ngài từ phương xa nào đến đây vậy? Thưa Thế Tôn, nếu Ngài thương tưởng con, xin Ngài bước vào thuyền, con sẽ đưa Thế Tôn qua bờ bên kia mà con không lấy tiền đò.

Đức Thế Tôn liền lên đò. Ngồi vào đò rồi, Ngài nói kệ dạy bảo ông lái đò:

Ông giữ thuyền này được khô ráo
Thì thuyền sẽ nhẹ đi được nhanh
Nếu ông lìa dục tham, sân, não
Nhất định mau đến được bờ kia.
Ông dùng từ tâm làm khô thuyền
Khiến được nhẹ nhàng, mau qua sông
Nếu ông lìa được tham, sân nhuế
Chắc chắn mau được chứng Niết-bàn.
Ông dùng lòng bi làm khô thuyền
Khiến được nhẹ nhàng mau qua sông
Nếu ông lìa được tham, sân nhuế
Chắc chắn mau được chứng Niết-bàn.
Ông dùng tâm hỷ làm khô thuyền
Khiến được nhẹ nhàng mau qua sông
Nếu ông lìa được tham, sân nhuế
Chắc chắn mau được chứng Niết-bàn.
Ông dùng tâm xả làm khô thuyền
Khiến được nhẹ nhàng mau qua sông
Nếu ông lìa được tham, sân nhuế
Chắc chắn mau được chứng Niết-bàn.
Nếu có Tỳ-kheo hành tâm từ
Tin chắc giáo pháp Phật Thế Tôn
Mau chóng chứng được cảnh tịch định
Không lâu, đến Niết-bàn vắng lặng.
Nếu có Tỳ-kheo hành tâm bi
Tin chắc giáo pháp Phật Thế Tôn
Mau chóng chứng được cảnh tịch định
Không lâu, đến Niết-bàn vắng lặng.
Nếu có Tỳ-kheo hành tâm hỷ
Tin chắc giáo pháp Phật Thế Tôn
Mau chóng chứng được cảnh tịch định
Không lâu, đến Niết-bàn vắng lặng.
Nếu có Tỳ-kheo hành tâm xả
Tin chắc giáo pháp Phật Thế Tôn
Mau chóng chứng được cảnh tịch định
Không lâu, đến Niết-bàn vắng lặng.

Đức Thế Tôn nói bài kệ này rồi, lại bảo ông lái đò:

-Này thiện nam, hãy tát nước cho thuyền khô ráo.

Ngài nói lời này rồi thì bao nhiêu hình thức thế tục nơi người lái đò đều biến mất. Tay trái người lái đò tự nhiên bưng bình bát bằng đất, râu tóc trên đầu đều rụng, giống như Tỳ-kheo cạo tóc cách đó bảy ngày, oai nghi đi lại giống như vị Thượng tọa một trăm hạ, thành tựu như vậy, được xuất gia thọ giới Cụ túc.

Bấy giờ Đức Như Lai muốn Tỳ-kheo lái đò tăng sự hoan hỷ nên Ngài lại thuyết pháp một lần nữa. Chẳng bao lâu sau, thiện nam này do tu phạm hạnh đầy đủ, hiện chứng các pháp, được các pháp thần thông, muốn thoát khỏi sinh tử, tu hành thanh tịnh, việc làm đã xong, tự nói: “Ta không còn thọ thân đời sau.” Rồi Trưởng lão này thành A-la-hán, tâm giải thoát hoàn toàn.

Đức Phật giáo hóa vị Trưởng lão này xong, liền dạy Trưởng lão đi truyền bá giáo pháp hóa độ chúng sinh. Trưởng lão Tỳ-kheo lái đò nhận lời chỉ dạy của Đức Phật, ra đi du phương giáo hóa.

Đức Phật chỉ còn một mình không có người thứ hai để làm bạn. Ngài lần lần đi về xóm Ưu-lâu-tần-loa.

Lúc ấy Đế Thích, vua trời Đao-lợi, thầm nghĩ: “Không biết giờ đây Đức Như Lai đang hoằng hóa xứ nào?” Vị ấy quán sát, thấy Đức Như Lai một mình đang hướng về xứ Ưu-lâu-tần-loa. Thấy vậy, Đế Thích liền ẩn thân biến thành đồng tử Phạm chí đẹp đẽ dễ thương, mọi người đều thích trông ngắm, trên đầu để búi tóc dùng thế chiếc mão, thân mặc áo vàng, tay trái bưng bình nước rửa bằng vàng ròng, tay phải cầm chiếc gậy quý báu, hiện trước mặt Đức Thế Tôn, rước lấy ba y và bình bát của Đức Phật rồi làm người hướng đạo.

Đế Thích đi trước, khi nào ngang qua châu, huyện, xóm làng, thành ấp, dùng thần thông bay vọt lên hư không, lượn quanh trên mỗi châu, huyện, xóm làng, thành ấp ấy ba vòng, rồi đứng trên hư không. Khi đồng tử biến hóa với hình dáng đẹp đẽ dễ thương như vậy làm mọi người thích trông ngắm uy đức như vậy. Thấy thế, hàng ngàn vạn người đủ các thành phần kéo nhau tụ tập, cùng hỏi đồng tử:

-Này đồng tử, ngươi là người gì? Nhà ở đâu? Thuộc dòng họ nào? Anh em tên họ là chi? Lý do gì đến đây?

Đồng tử liền dùng kệ đáp các câu hỏi của quần chúng:

Trượng phu biết đủ ở thế gian
Tự mình giác ngộ, đời không bằng
Hiệu A-la-hán khéo độc hành
Ta đang làm đệ tử của Ngài.
Chúng sinh chìm đắm biển phiền não
Khốn khổ không sao lên bờ được
Ngài đang làm người lái thuyền pháp
Ta mình qua khỏi, muốn chở người.
Nếu Ngài du hóa độ thế gian
Ta nguyện theo hầu làm đệ tử
Ngài đã dẹp sạch tham sân si
Hắc ám vô minh cũng xé nát
Hữu lậu thế gian đều trừ diệt.
Ta làm đệ tử cung phụng Ngài
Tuyệt diệu trong đời không ai bằng
Làm gì có kẻ hơn Ngài được?
Như Lai Thế Tôn nay xuất hiện
Ta theo hầu cận khắp đó đây
Bậc Vô Thượng Tôn trong thế gian.
Ngày nay Ngài sắp đến xứ này.

Khi Đế Thích nói kệ này rồi, Như Lai Thế Tôn hiện ra trước mặt. Mọi người thấy dung nhan Thế Tôn khả ái, rất đặc biệt, được mọi người Ưa thích trông ngắm. Thân thể Ngài giống như bầu trời đêm được những vì sao tô điểm. Thấy vậy dân chúng nói với nhau:

-Vị thầy như vậy mới có đệ tử như vậy. Đệ tử như vậy mới có vị thầy như vậy.

Vì đại chúng, Đức Thế Tôn bằng lời vi diệu khéo léo phương tiện thiện xảo thuyết nghĩa lý các pháp.

Bấy giờ những người trong hội này nghe Như Lai thuyết diệu pháp, có người phát tâm cầu xin xuất gia, hoặc có người chứng quả Tu-đà-hoàn, quả Tư-đà-hàm, quả A-na-hàm, quả A-la-hán, có người gây nhân duyên chủng tử Thanh văn thừa ở đời vị lai, có người gây nhân duyên chủng tử Duyên giác thừa ở đời vị lai, hoặc có người gây nhân duyên chủng tử Bồ-tát thừa ở đời vị lai, cũng có người thọ pháp Tam quy và Ngũ giới.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Thiên chủ Đế Thích ra về vì đã đến giờ khất thực. Thế Tôn đắp y, mang bình bát, một mình ra đi khất thực, lần lần đi đến thôn Phạm chí Binh Tướng. Vào thôn, Ngài đi thẳng đến nhà Phạm chí. Đến nhà, Đức Phật tiến vào bên trong ngõ, trải tòa mà an tọa.

Lúc đó nhà vị Bà-la-môn có hai người con gái: một tên là Nan-đà, một tên là Ba-la. Khi ấy hai nàng đến chỗ Đức Phật, đồng đảnh lễ sát chân Phật rồi lui đứng về một bên. Bấy giờ Đức Thế Tôn biết ý hướng của hai nàng, kết sử đã nhẹ yếu, biết các giới và các nhập nên Ngài nói pháp Bốn chân lý. Khi hai nàng nghe Đức Phật giảng pháp Bốn chân lý như vậy, phá tan được hai mươi lớp núi kiến chấp, ngay khi đó họ được chứng quả Tu-đà-hoàn. Hai nàng đã thấy được thật tướng các pháp, xin Đức Phật thọ pháp Tam quy và Ngũ giới. Hai nàng đắc giới rồi, liền rước bình bát từ nơi tay của Đức Phật, đem các thức ăn uống đầy đủ sắc hương mỹ vị đựng đầy trong bát, đem hiến dâng cho Phật. Đức Phật nhận thức ăn rồi liền rời khỏi thôn này.

Thuở ấy đại Bà-la-môn Đề-bà nghe người khác nói: “Hiện giờ, Đại Sa-môn Cù-đàm đang ở xứ này.” Nghe rồi, ông ta thầm nghĩ: “Xưa ta thỉnh vị Sa-môn này cúng dường đồ ăn uống chừng ấy. Ngày nay ta sa sút, tài sản thiếu hụt, khốn khổ, ta không biết tính sao đây?!.” Đại Bà-la-môn Đề-bà nghe tin này và suy nghĩ như vậy, vội vã trở về nhà nói với vợ:

-Thuở xưa, vị Đại Sa-môn ở thôn Ưu-lâu-tần-loa, tu khổ hạnh. Lúc ấy ta nguyện cúng dường Đại Sa-môn. Ngày nay, Ngài trở lại xứ này, chúng ta phải tính cách gì?

Người vợ đáp:

-Xin phu quân cho phép em nói. Em nhớ thuở xưa tuổi còn thanh xuân, lúc ấy đại Bà-la-môn Binh Tướng thường trêu ghẹo em, van em cùng người làm việc thế tục. Lúc ấy em không đồng ý, người ấy chỉ dùng tay chạm vào mình. Nếu ngày nay Thánh phu quân đồng ý để em cùng Binh Tướng làm việc thế sự, em sẽ đòi ông ta nhiều ít tiền của, đem sắm thức ăn cúng dường Đại Sa-môn.

Đại Bà-la-môn Đề-bà đáp:

-Việc này không được, theo lý của Bà-la-môn không được làm chuyện như vậy.

Nhưng đại Bà-la-môn suy nghĩ một kế. Ngay khi ấy, Đề-bà đi đến nhà Bà-la-môn Binh Tướng. Đến nơi, vị ấy thưa với đại Bà-la-môn Binh Tướng:

-Lành thay Binh Tướng! Xin ngài cho tôi mượn năm trăm tiền. Nếu tôi trả được thì tốt, còn bằng không thì hai vợ chồng tôi cùng nhau đến nhà ngài làm người phục dịch.

Khi ấy đại Bà-la-môn Binh Tướng liền cho Đề-bà mượn đủ số năm trăm tiền và nói:

-Ông đem tiền đi tùy ý sử dụng. Sự việc nếu xong thì trả lại cho ta, nhưng không được mượn tiền người khác trả cho ta. Đúng như lời giao ước của ông, thân ông ra sức để kiếm tiền trả lại cho ta.

Lúc ấy đại Bà-la-môn Đề-bà y theo lời giao kèo, nhận năm trăm tiền từ nơi Binh Tướng, liền trở về nhà giao số tiền này cho vợ và bảo:

-Em nên sắm thức ăn uống trong sạch, mùi vị thật ngon.

Đề-bà đích thân đi ra ngoài rừng, tìm đến chỗ Đức Phật, đến gặp Đức Phật, chào hỏi, an ủi, liền lui đứng về một bên, ý muốn thỉnh Như Lai.

Khi ấy, Đại Bà-la-môn Đề-bà bạch Phật:

-Lành thay! Bạch Đại đức Sa-môn Cù-đàm, cúi xin Ngài sáng mai nhận sự cúng dường trai phạn của con.

Đức Thế Tôn im lặng nhận lời. Đại Bà-la-môn Đề-bà biết Đức Phật im lặng nhận lời mời của mình nên rời chỗ ngồi đứng dậy, nhiễu quanh Đức Phật ba vòng rồi về nhà.

Đêm hôm đó, mọi đường trong thành phố bán đủ các thức ăn nấu chín. Đêm ấy, đại Bà-la-môn Đề-bà sắm đầy đủ các thức ăn cao lương mỹ vị như thức ăn uống cứng, mềm.

Qua đêm, trời vừa bừng sáng, trong nhà rưới nước quét dọn đạch sẽ, trần thiết giường tòa… Xong, Đề-bà đi đến chỗ Đức Phật, quỳ, thưa:

-Lành thay! Bạch Sa-môn, trai phạn sắm sửa xong rồi, xin mời Ngài đến nhà con thọ thực.

Bấy giờ, thấy đến giờ thọ trai, Thế Tôn đắp y, mang bình bát, ung dung đi bộ hướng về nhà Bà-la-môn Đề-bà. Đến nhà rồi, Ngài ngồi vào tòa đã thiết sẵn. Bấy giờ vợ chồng Bà-la-môn Đề-bà thấy Đức Phật đã an tọa, liền tự tay bưng đủ thức ăn uống sạch sẽ thơm ngon, đứng trước Phật, dâng cúng Thế Tôn, cúi xin Đức Như Lai tự ý thọ dụng.

Hầu Đức Phật thọ trai xong, Đề-bà ngồi trên tọa cụ cạnh Như Lai. Thấy Đề-bà ngồi rồi, tùy căn cơ của vị đại Bà-la-môn này, Ngài thuyết các pháp, chỉ dạy khiến cho Đề-bà được hoan hỷ. Sau đó Như Lai rời chỗ ngồi ung dung ra về.

Khi ấy đại Bà-la-môn Đề-bà theo hầu đưa Đức Phật ra về. Vợ của Đề-bà mượn áo của người khác mặc để dâng cúng thức ăn cho Phật. Cúng dường cho Phật, nàng thấy Đức Phật ra về, liền cởi áo để một nơi, lo quét dọn nhà cửa. Lúc ấy, có một tên trộm lấy chiếc áo mang đi. Vợ Đề-bà thấy mất áo, hết sức sầu não.

Khi Đề-bà đưa Đức Phật xong trở về, thây vợ mình ưu sầu khổ não, liền hỏi:

-Vì sao em buồn rầu như vậy?

Người vợ đáp:

-Thưa thánh phu phải biết, chiếc áo em mượn của người ta, không biết bị kẻ nào đánh cắp, bỗng nhiên mất dạng.

Đề-bà nghe nói như vậy, tinh thần mờ mịt, chẳng biết làm sao, nói lên:

-Ta mượn năm trăm tiền của Binh Tướng để sắm đồ cúng dường. Nàng thì mượn áo của người khác mặc, nay bị đánh cắp.         Nhà ta nghèo khó, làm sao trả đủ số tiền? Sẽ tính kế gì đây?

Khi ấy Đề-bà muốn tự tử, liền vào trong rừng thây ma, trèo lên một đại thọ, muốn lao mình xuống đất nhưng không thể rơi, lại càng thêm sầu não.

Nói về kẻ trộm, sau khi đánh cắp được chiếc áo, đi vào rừng thây ma, tình cờ tên lưu manh đến dưới gốc cây mà Đề-bà đang ở trên đó, đào đất chôn chiếc áo, đại tiện lên rồi bỏ đi. Đề-bà từ trên cây nhìn xuống, thấy tự sự như vậy, sau khi tên lưu manh đi rồi, ông từ trên cây trèo xuống, đào đất lấy chiếc áo rồi trở về nhà.

Nói về người vợ, khi quét dọn trong nhà, quét sạch từng nơi, ở một góc nhà tự nhiên đất nứt ra. Nàng cúi đầu nhìn xuống, thấy một chiếc bình bằng đồng đỏ, bên trong đựng đầy vàng. Nói sơ lược cho đến bình thứ hai, bình thứ ba, bình thứ tư đều là bình đầy vàng như vậy. Dưới các bình này lại thấy có một chum bằng đồng đỏ cũng đựng đầy vàng như vậy. Rất đổi kinh ngạc, nàng kêu cho chồng hay:

-Thánh phu! Thánh phu! Hãy đến đây gấp! Đến đây gấp! Em đã được rồi!

Khi nghe vợ mình kêu như vậy Đề-bà, suy nghĩ: “Người vợ đáng thương này vì sao đến nổi lãng trí mà nói lời điên cuồng, là “em được rồi”, nhưng được vật gì vậy? Chiếc áo trước kia nàng mượn của người khác đã bị đánh mất, giờ này ta lấy lại, hiện còn ở đây. Vì cớ gì vợ ta lại la lên: “Em được rồi!”” Khi ấy Đề-bà cầm áo đi vào nhà, hỏi vợ:

-Này vợ hiền, em nói được vật gì vậy?

Người vợ vừa chỉ vàng vừa nói:

-Thánh phu, em được vật này đây.

Đề-bà lại nói với vợ:

-Áo em đánh mất, anh cũng được lại đây.

Rồi người vợ đem chiếc áo trả lại cho chủ nó mà mình đã mượn khi trước. Bấy giờ đại Bà-la-môn Đề-bà suy nghĩ: “Ta nay không thể giấu riêng tiêu hết số vàng nhiều như vậy.” Nghĩ rồi, liền mang năm trăm tiền đi trả lại Bà-la-môn Binh Tướng.

Đến nơi, ông nói với đại Bà-la-môn Binh Tướng:

-Tôi đã mượn ngài năm trăm tiền, nay xin hoàn lại cho ngài. Binh Tướng nói với Đề-bà:

-Trước tôi đã nói với anh không được mượn tiền người khác trả cho tôi, chỉ dùng sức mình kiếm tiền trả cho tôi mà thôi.

Đề-bà nói:

-Tôi không vay mượn của người khác.

Binh Tướng hỏi:

-Ông từ đâu mà có?

Đề-bà đáp:

-Tôi được một kho vàng dưới đất.

Binh tướng không tin việc này. Khi ấy Đề-bà liền đưa Binh Tướng về nhà mình để chỉ kho vàng. Khi Binh Tướng vào thì thấy kho vàng của Đề-bà là một đống tro, nên nói với Đề-bà:

-Ông có điên chưa mà nói với ta đống tro này là vàng!

Lúc ấy Đề-bà lại một lần nữa nói với Bà-la-môn Binh Tướng: -Đây là vàng thật, không phải là tro lửa.

Nói như vậy đến hai, ba lần, rồi dùng tay đặt vào bình vàng mà nói lên:

-Đây là vàng, không phải tro.

Đề-bà lại phát lời thệ nguyện: “Nếu do sức nhân duyên thiện nghiệp của tôi được vàng này, xin hiện ra cho Bà-la-môn Binh Tướng thấy!” Vừa dứt lời, Binh Tướng thấy vàng không phải là tro. Bấy giờ Binh Tướng thấy kho dưới đất toàn là vàng, nên hỏi Đề-bà:

-Nhân giả cúng dường ai? Là trời hay là Tiên nhân, hay là thiện nhân nào mà vị ấy ban cho nhân giả được phước báo như vậy

Đề-bà đáp:

-Gia đình tôi ngày hôm nay chỉ cúng dường Đại Sa-môn, rước về nhà hiến dâng trai phạn. Hay là nhờ công đức này nên cảm lấy quả báo như thế.

Lúc ấy Binh Tướng nói với Đề-bà:

-Nhân giả ngày nay được kho vàng này đều do nhân duyên thiện nghiệp cúng dường Sa-môn, cho nên được quả báo này. Không người nào có thể cướp được, không người nào có thể làm mất được. Nhân giả chẳng nên nghi ngờ, an ổn mà thọ hưởng.

Bấy giờ Đề-bà lại nghĩ: “Ta do cúng dường trai phạn cho Sa-môn mà được quả báo công đức như vậy.” Ông ta hết sức vui mừng hớn hở tràn ngập toàn thân, không thể tự chế. Sau đó ông ta đi đến chỗ Đức Phật, đến nơi dùng lời tốt đẹp chào hỏi, sau khi hỏi thăm, lui ngồi về một bên và thỉnh Phật một lần nữa:

-Cúi xin Đại Sa-môn sáng mai nhận sự cúng dường của con.

Đức Thế Tôn im lặng nhận lời thỉnh. Đề-bà thấy Đức Phật im lặng nhận lời thỉnh của mình, liền rời chỗ ngồi đi nhiễu quanh Đức Thế Tôn ba vòng rồi từ tạ ra về. Khi về đến nhà, trong ngày đó tất cả đường phố đều bán năm thứ thức ăn đã nấu chín (như đã nói ở trên), cho đến sau khi dâng cúng trai phạn cho Phật xong rồi, hai vợ chồng cùng trải chỗ ngồi trước mặt Đức Phật muốn nghe giáo pháp.

Đức Phật biết căn tánh hai người, kết sử đã yếu kém nên Ngài vì họ thuyết các pháp tướng của bốn chân lý. Họ nghe rồi, trừ sạch hai mươi lớp núi chấp ngã, liền chứng quả Tu-đà-hoàn. Họ đã thấy được thật tướng các pháp liền thọ ba pháp quy y và phụng trì năm giới cấm.

Bấy giờ Đức Thế Tôn rời chỗ ngồi đứng dậy, thư thái ra về. Sau đó các thầy Tỳ-kheo đều suy nghĩ, cùng hỏi nhau: “Đại Bà-la-môn Đề-bà và vợ của người trước kia đã tạo nghiệp gì mà ngày nay được quả báo gặp được Như Lai liền chứng Thánh pháp như vậy? Và lại tạo nghiệp gì mà đang bần cùng bỗng nhiên trở thành đại phú?” Chư Tỳ-kheo đặt nghi vân như vậy, cùng nhau đến chỗ Đức Phật, thưa hỏi:

-Lành thay! Bạch Thế Tôn, đại Bà-la-môn Đề-bà và vợ xưa đã tạo nghiệp gì mà ngày nay được quả báo gặp Phật, chứng Thánh pháp? Lại tạo nghiệp gì mà trước nghèo bỗng nhiên sau một ngày giàu như vậy?

Lúc bây giờ Đức Thế Tôn bảo các thầy Tỳ-kheo:

-Này các thầy Tỳ-kheo, nếu muốn nghe, hãy chú ý theo dõi. Đại Bà-la-môn Đề-bà do tạo hai nghiệp quá khứ và hiện tại.

Nghiệp quá khứ như thế nào?

Này các Tỳ-kheo phải biết, Ta nhớ thuở quá khứ trong thời Hiền kiếp, bấy giờ tuổi thọ của chúng sinh là hai vạn tuổi, có Đức Phật ra đời hiệu là Ca-diếp, đầy đủ mười hiệu Như Lai, Vô Thượng Chánh Chánh Đẳng Giác… Khi Đức Phật Ca-diếp viên mãn bổn nguyện thành Bậc Tối Thượng Trượng Phu, trở lại trong vườn Nai, là chỗ chư Thánh đời trước ở, thuộc thành Ba-la-nại, chuyển pháp luân độ chúng sinh qua đến bờ giải thoát, dựng ngọn cờ pháp, khai hóa vô lượng ngàn ức chúng sinh trụ vào thiện đạo.

Thuở ấy, tại thành Ba-la-nại có một người đến chỗ Đức Phật Ca-diếp cầu thọ Tam quy và Ngũ giới, nhưng suốt cuộc đời họ không biết làm việc. Khi lâm chung, họ phát nguyện thế này: “Tôi nghe Đức Phật Ca-diếp đã thọ ký cho một vị Bồ-tát tên là Hộ Minh, rằng vị Bồ-tát này ở vào đời tương lai, khi tuổi thọ của chúng sinh một trăm tuổi, sẽ thành Phật hiệu là Thích-ca Mâu-ni Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Tôi nguyện gặp được Đức Thế Tôn này.”

Theo nhân duyên này, các thầy phải biết, vị Ưu-bà-tắc thọ Tam quy, Ngũ giới mà không bố thí lúc đó nay là Bà-la-môn Đề-bà. Vị ấy lúc đó thọ Tam quy, trì Ngũ giới làm người ưu-bà-tắc, khi lâm chung phát lời nguyện gặp Ta. Do nhân duyên này nên nay được gặp Ta. Lại do lúc đó không làm việc bố thí nên nay mắc quả báo nghèo cùng. Đây là tạo tác nghiệp quá khứ.

Thế nào là nghiệp hiện tại?

Này các Tỳ-kheo phải biết, khi xưa Ta tu khổ hạnh sáu năm, Đề-bà tùy nghi đem cho Ta thức ăn uống. Nay Ta thành Vô thượng Bồ-đề, vị ấy lại thỉnh về nhà cúng dường trai phạn. Do nhân duyên này hiện đời được quả báo như vậy. Do vậy, các Tỳ-kheo cần phải biết, đôi với Phật, Pháp, Tăng sinh tâm hy hữu cung kính sẽ được quả báo như vậy. Cũng như Bà-la-môn Đề-bà hiện nay được phước báo kho vàng. Còn trước kia không được quả báo tốt là do bỏn sẻn, tham lam không chịu bố thí nên nửa đời trước bị quả báo bần tiện, khốn khổ. Các thầy phải học như vậy.

Đức Thế Tôn từ thành Ba-la-nại đến xóm Ưu-lâu-tần-loa, trong khoảng thời gian này có tám vạn người được Đức Phật giáo hóa, đi vào Phật pháp.