SỐ 223
KINH MA-HA BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT
Hán dịch: Pháp sư Cưu-ma-la-thập
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 11

Phẩm 41: TIN VÀ HỦY

Bấy giờ, Tuệ mạng Xá-lợi-phất bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Có Đại Bồ-tát tin hiểu Bát-nhã bala-mật này. Đại Bồ-tát ấy từ đâu sinh đến đây? Phát tâm Bồ-đề đã được bao lâu? Đã cúng dường bao nhiêu Đức Phật?

Thực hành sáu pháp Ba-la-mật được bao lâu mà nay có khả năng thuận theo và hiểu sâu ý nghĩa của Bát-nhã ba-la-mật? Phật nói:

–Đại Bồ-tát này đã cúng dường chư Phật mười phương mà sinh đến đây. Đại Bồ-tát này đã phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác từ vô lượng, vô biên a-tăng-kỳ trăm ngàn muôn ức kiếp. Từ lúc mới phát tâm Bồ-đề, Đại Bồtát này thường thực hành sáu pháp Bala-mật.

Này Xá-lợi-phất! Đại Bồ-tát này hoặc thấy, hoặc nghe Bát-nhã ba-la-mật liền nghĩ rằng: “Tôi thấy Phật, nghe Phật nói pháp.”

Này Xá-lợi-phất! Đại Bồ-tát này có khả năng thuận theo hiểu sâu ý nghĩa của Bát-nhã ba-la-mật vì không có tướng, không hai và không sở đắc.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn! Bát-nhã ba-la-mật này có thể nghe, có thể thấy được chăng?

Phật nói:

–Bát-nhã ba-la-mật này không có ai nghe, cũng không có ai thấy.

Bát-nhã ba-la-mật không nghe không thấy, vì các pháp sâu kín. Thiền định ba-la-mật, Tinh tấn ba-la-mật, Nhẫn nhục balamật, Trì giới ba-la-mật và Bố thí ba-la-mật không nghe không thấy, vì các pháp sâu kín.

Bốn Niệm xứ cho đến tám Thánh đạo không nghe không thấy, vì các pháp sâu kín.

Mười Lực cho đến mười tám pháp Bất cộng không nghe không thấy, vì các pháp sâu kín.

Phật và Phật đạo không nghe không thấy, vì các pháp sâu kín.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn! Thực hành đạo bao lâu mà Bồ-tát này có khả năng thực hành Bát-nhã ba-la-mật sâu xa này?

Đức Phật nói:

–Này Tu-bồ-đề! Trong đây phải nói theo thứ lớp.

Có Đại Bồ-tát bắt đầu phát tâm thực hành sáu pháp Ba-la-mật sâu xa, do năng lực phương tiện nên đối với các pháp không có sự phá hoại, chẳng thấy trong các pháp có pháp nào chẳng lợi ích, cũng chẳng bao giờ xa lìa thực hành sáu pháp Ba-la-mật, cũng chẳng xa lìa chư Phật. Từ một thế giới cho đến một thế giới, nếu muốn dùng năng lực thiện căn để cúng dường chư Phật, thì tùy ý liền được, chẳng bao giờ còn gá sinh trong bụng mẹ. Chẳng bao giờ lìa các thần thông, chẳng bao giờ sinh ra các phiền não và tâm niệm Thanh văn, Bích-chi-phật. Đi từ một cõi nước này cho đến một cõi nước khác để thành tựu chúng sinh, thanh tịnh cõi Phật.

Này Tu-bồ-đề! Các Đại Bồ-tát nên tu tập thực hành Bát-nhã ba-la-mật như vậy.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Có Đại Bồ-tát thường thấy chư Phật, hoặc từ vô lượng trăm ngàn muôn ức kiếp theo chư Phật thực hành sáu pháp Ba-la-mật, vì không có năng lực phương tiện, đều vì có sở đắc cho nên lúc nghe giảng nói Bátnhã ba-la-mật sâu xa, liền bỏ chúng hội, chẳng cung kính Bátnhã ba-la-mật sâu xa và chư Phật. Các vị Bồ-tát ấy hiện ngồi trong đại chúng này, nghe Bát-nhã ba-lamật sâu xa, vì không thích nên bỏ đi.

Vì sao? Vì những người này đời trước lúc nghe nói về Bátnhã ba-la-mật sâu xa bèn bỏ đi nên đời nay nghe nói về Bátnhã ba-lamật sâu xa cũng bỏ đi, thân tâm không hòa hợp. Những người này gieo giống nghiệp duyên ngu si.

Do nghiệp duyên ngu si nên khi nghe giảng Bát-nhã ba-lamật sâu xa bèn khinh chê, vì khinh chê Bát-nhã ba-la-mật sâu xa tức là khinh chê Nhất thiết trí và Nhất thiết chủng trí của chư Phật ba đời.

Vì người này khinh chê Nhất thiết trí của chư Phật ba đời nên phát khởi nghiệp phá pháp. Do tội phá pháp kết hợp đủ nhân duyên nên đọa vào đại địa ngục trong vô lượng trăm ngàn muôn ức năm.

Những người phá pháp này, từ một đại địa ngục đến một đại địa ngục. Nơi đó, lúc kiếp hỏa phát khởi, người này lại gá sinh vào một đại địa ngục ở cõi khác, từ một đại địa ngục đến một đại địa ngục. Nếu lúc cõi đó hỏa tai phát khởi, thì người này lại gá sinh vào đại địa ngục ở cõi khác. Lần lượt gá sinh như vậy cho đến các thế giới ở khắp mười phương. Vì tội phá pháp chưa hết, nên sinh trở lại cõi này, từ một đại địa ngục cho đến một đại địa ngục, chịu vô lượng khổ. Khi cõi này phát khởi hỏa kiếp lại gá sinh vào đại địa ngục ở cõi khác.

Người này lúc gá sinh vào súc sinh chịu khổ vì tội phá pháp cũng như vậy.

Lúc tội nặng mỏng dần thì người này được thân người, sinh vào nhà người mù bẩm sinh, hoặc sinh vào nhà Chiên-đàla, sinh vào những nhà thấp hèn như quét rác hay khiêng thây chết… Hoặc không có mắt, hoặc một mắt, hoặc mắt mù, không lưỡi, không tai, không chân tay. Nơi người này gá sinh không có Phật, không có chánh pháp, không có đệ tử Phật. Vì sao? Vì tội phá pháp chứa nhóm quá sâu nặng nên chịu lấy quả báo như vậy.

Xá-lợi-phất bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Năm tội nghịch và tội phá pháp có tương tự nhau không?

Phật bảo:

–Chẳng nên nói là tương tựa. Vì sao? Vì nếu có người nghe nó Bát-nhã ba-la-mật sâu xa mà chẳng tin rồi hủy báng rằng chẳng nên học pháp ấy. Đó là phi pháp, chẳng phải pháp lành, chẳng phải lời Phật dạy, chẳng phải Phật giáo.

Người này tự hủy báng, cũng xúi giục người khác hủy báng Bát-nhã ba-la-mật.

Người này tự phá hoại thân mình, cũng phá hoại thân người khác.

Người này uống thuốc độc giết thân mình, cũng đầu độc người khác.

Người này tự làm mất thân mình, cũng làm mất thân người khác.

Người này tự chẳng tin, chẳng biết Bát-nhã ba-la-mật sâu xa, cũng làm cho người khác chẳng tin, chẳng biết.

Này Xá-lợi-phất! Ta còn chẳng cho nghe tên người ấy, huống chi là mắt thấy và ở chung. Vì sao? Vì phải biết người này gọi là kẻ làm nhơ chánh pháp, bị rơi vào tánh ô trược suy hoại. Ai nghe và tin theo lời người này thì cũng chịu khổ như vậy. Này Xá-lợi-phất! Nếu người nào phá hủy Bát-nhã ba-lamật thì gọi là kẻ hoại pháp.

Xá-lợi-phất bạch Phật:

–Đức Thế Tôn nói người hoại pháp phải mang lấy tội nặng mà chẳng nói thân thể lớn nhỏ của người này phải chịu.

Phật dạy:

–Chẳng nên nói người này chịu thân lớn nhỏ. Vì sao? Vì người phá pháp này nếu nghe thân lớn nhỏ mà mình phải chịu thì sẽ bất tỉnh ngạt thở, hoặc chết, hoặc sắp chết. Người phá pháp này nghe thân như vậy, có tội nặng như vậy, sẽ rất buồn lo như mũi tên đâm vào tim, sẽ dần khô héo mà nghĩ rằng tội phá pháp phải mang thân đại quỷ, chịu vô lượng khổ như vậy.

Vì thế nên Phật chẳng cho Xá-lợi-phất hỏi thân lớn nhỏ mà người phá pháp này phải chịu.

Xá-lợi-phất thưa:

–Xin Đức Thế Tôn nói để làm điều răn sáng suốt cho người đời sau, khiến họ biết rằng tội nghiệp phá pháp phải mang thân lớn xấu, chịu khổ như vậy.

Đức Phật nói:

–Nếu người đời sau nghe tội phá pháp làm nghiệp nhân nặng nề phải chịu vô lượng khổ lâu dài trong đại địa ngục, cũng đủ làm điều răn sáng suốt rồi.

Xá-lợi-phất thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn! Nếu thiện nam, thiện nữ tánh lành thanh tịnh được nghe pháp này cũng đủ làm chỗ y chỉ, thà mất thân mạng chớ chẳng hủy phá chánh pháp. Họ tự nghĩ rằng nếu ta hủy phá chánh pháp thì sẽ phải chịu lấy sự khổ như vậy.

Tu-bồ-đề thưa:

–Các thiện nam, thiện nữ phải khéo giữ gìn ba nghiệp thân, khẩu, ý chớ để chịu lấy sự khổ như vậy, hoặc chẳng được thấy Phật, hoặc chẳng được nghe pháp, hoặc chẳng được gần gũi chư Tăng, hoặc sinh ở cõi nước không có Phật, hoặc sinh vào nhà nghèo hèn, hoặc bị mọi người chẳng tín nhận lời mình nói.

Bạch Đức Thế Tôn! Do nhân duyên khẩu nghiệp, có tội nặng phá pháp như vậy chăng?

Phật nói:

–Do nhân duyên khẩu nghiệp cũng có tội nặng phá pháp như vậy.

Này Tu-bồ-đề! Người ngu si ấy ở trong Phật pháp xuất gia thọ giới rồi, phá hoại Bát-nhã ba-la-mật sâu xa, chê bai chẳng tin nhận.

Này Tu-bồ-đề! Nếu phá Bát-nhã ba-la-mật, chê bai Bátnhã ba-la-mật, thì là phá Nhất thiết trí của chư Phật mười phương. Phá Nhất thiết trí là phá Phật bảo, phá Phật bảo là phá Pháp bảo, phá Pháp bảo là phá Tăng bảo, phá Tăng bảo là phá chánh kiến của thế gian, phá chánh kiến của thế gian là phá bốn Niệm xứ cho đến Nhất thiết chủng trí, phá Nhất thiết chủng trí thì mắc vô lượng, vô biên a-tăng-kỳ tội, phải chịu vô lượng, vô biên a-tăng-kỳ sự buồn khổ.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn! Có mấy nhân duyên mà người ngu si này chê bai, phá hoại Bát-nhã ba-la-mật sâu xa? Phật nói:

–Có bốn nhân duyên.

  1. Bị ma sai khiến.
  2. Chẳng tin pháp sâu xa, chẳng tin, chẳng hiểu, tâm không thanh tịnh.
  3. Gần gũi thầy bạn xấu ác, tâm mê tối biếng nhác, chấp chặt thân năm ấm.
  4. Thường tức giận, tự cao, khinh người.

Này Tu-bồ-đề! Do bốn nhân duyên trên đây mà người ngu si muốn phá hoại Bát-nhã ba-la-mật sâu xa. Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn! Người tương đắc với bạn ác, gieo trồng hạt giống bất thiện, chẳng siêng năng tinh tấn tu pháp lành thì khó tin, khó hiểu Bát-nhã ba-la-mật sâu xa này. Phật bảo:

–Đúng vậy, người ấy khó tin, khó hiểu Bát-nhã ba-lamật sâu xa này.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn! Vì sao Bát-nhã ba-la-mật này rất sâu khó tin, khó hiểu?

Đức Phật nói:

–Này Tu-bồ-đề! Sắc chẳng trói, chẳng mở. Vì sao? Vì tánh không thật là sắc.

Thọ, tưởng, hành, thức chẳng trói, chẳng mở. Vì sao? Vì tánh không thật có thọ, tưởng, hành, thức.

Bố thí ba-la-mật cho đến Bát-nhã ba-la-mật chẳng trói, chẳng

mở. Vì sao? Vì tánh không thật có là sáu pháp Ba-la-mật.

Nội không cho đến vô pháp hữu pháp không chẳng trói, chẳng mở. Vì sao? Vì tánh không thật có nội không cho đến vô pháp hữu pháp không.

Bốn Niệm xứ cho đến Nhất thiết trí và Nhất thiết chủng trí chẳng trói, chẳng mở. Vì sao? Vì tánh không thật có là bốn Niệm xứ cho đến Nhất thiết trí và Nhất thiết chủng trí.

Này Tu-bồ-đề! Căn bản của sắc chẳng trói, chẳng mở. Vì sao? Vì tánh căn bản không thật có là sắc.

Cho đến căn bản của Nhất thiết chủng trí chẳng trói, chẳng mở. Vì sao? Vì tánh căn bản không thật có là Nhất thiết chủng trí.

Này Tu-bồ-đề! Phần sau của sắc cho đến phần sau của Nhất thiết chủng trí chẳng trói, chẳng mở. Vì sao? Vì tánh của phần sau không thật có sắc, cho đến Nhất thiết chủng trí.

Này Tu-bồ-đề! Sắc hiện tại cho đến Nhất thiết chủng trí hiện tại chẳng trói, chẳng mở. Vì sao? Vì hiện tại tánh không thật có sắc, cho đến là Nhất thiết chủng trí.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn! Những người chẳng siêng năng tinh tấn, chẳng gieo trồng căn lành, gần gũi bạn ác, biếng nhác, ưa quên, không có trí tuệ phương tiện khéo léo, thật khó tin, khó hiểu Bátnhã ba-la-mật.

Phật dạy:

–Này Tu-bồ-đề, đúng vậy! Những người ấy thật khó tin khó hiểu Bát-nhã ba-la-mật này. Vì sao? Vì sắc thanh tịnh thì quả cũng thanh tịnh. Thọ, tưởng, hành, thức thanh tịnh thì quả cũng thanh tịnh, cho đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thanh tịnh thì quả cũng thanh tịnh.

Lại vì sắc thanh tịnh tức là Bát-nhã ba-la-mật thanh tịnh, Bátnhã ba-la-mật thanh tịnh tức là sắc thanh tịnh. Cho đến Nhất thiết chủng trí thanh tịnh tức là Bát-nhã ba-la-mật thanh tịnh, Bát-nhã bala-mật thanh tịnh tức là Nhất thiết chủng trí thanh tịnh.

Sắc thanh tịnh và Bát-nhã ba-la-mật thanh tịnh không hai, không khác, không đoạn, không hoại. Cho đến Nhất thiết chủng trí thanh tịnh và Bát-nhã ba-la-mật thanh tịnh không hai, không khác, không đoạn, không hoại. Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Vì chẳng hai thanh tịnh nên sắc thanh tịnh. Vì chẳng hai thanh tịnh nên Nhất thiết chủng trí thanh tịnh.

Vì sao? Vì chẳng hai thanh tịnh này và sắc thanh tịnh cho đến Nhất thiết chủng trí thanh tịnh không hai, không khác.

Vì ngã thanh tịnh, chúng sinh cho đến người biết, người thấy thanh tịnh nên sắc cho đến Nhất thiết chủng trí thanh tịnh. Vì sắc cho đến Nhất thiết chủng trí thanh tịnh nên ngã, chúng sinh cho đến người biết, người thấy thanh tịnh.

Vì sao? Vì ngã cho đến người thấy thanh tịnh này và sắc cho đến Nhất thiết chủng trí thanh tịnh chẳng hai, chẳng khác, không đoạn, không hoại.

Này Tu-bồ-đề! Vì tham, sân, si thanh tịnh nên sắc cho đến Nhất thiết chủng trí thanh tịnh.

Vì sao? Vì tham, sân, si thanh tịnh và sắc cho đến Nhất thiết chủng trí thanh tịnh chẳng hai, chẳng khác.

Này Tu-bồ-đề! Vì vô minh thanh tịnh nên hành thanh tịnh, vì hành thanh tịnh nên thức thanh tịnh, vì thức thanh tịnh nên danh sắc thanh tịnh, vì danh sắc thanh tịnh nên lục nhập thanh tịnh, vì lục nhập thanh tịnh nên xúc thanh tịnh, vì xúc thanh tịnh nên thọ thanh tịnh, vì thọ thanh tịnh nên ái thanh tịnh, vì ái thanh tịnh nên thủ thanh tịnh, vì thủ thanh tịnh nên hữu thanh tịnh, vì hữu thanh tịnh nên sinh thanh tịnh, vì sinh thanh tịnh nên già chết thanh tịnh, vì già chết thanh tịnh nên Bát-nhã ba-la-mật thanh tịnh, vì Bát-nhã ba-la-mật thanh tịnh nên Thiền-na thanh tịnh, cho đến vì Đàn-na thanh tịnh nên nội không thanh tịnh, vì nội không thanh tịnh nên cho đến vô pháp hữu pháp không thanh tịnh, vì vô pháp hữu pháp không thanh tịnh nên bốn Niệm xứ cho đến Nhất thiết trí thanh tịnh, vì Nhất thiết trí thanh tịnh nên Nhất thiết chủng trí thanh tịnh. Vì sao? Vì Nhất thiết trí này và Nhất thiết chủng trí không hai, không khác, không đoạn, không hoại.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Vì Bát-nhã ba-la-mật thanh tịnh nên sắc thanh tịnh, cho đến vì Bát-nhã ba-la-mật thanh tịnh nên Nhất thiết trí thanh tịnh.

Vì sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật này và Nhất thiết trí không hai, không khác.

Này Tu-bồ-đề! Vì Thiền định ba-la-mật thanh tịnh nên cho đến Nhất thiết trí thanh tịnh, cho đến Bố thí ba-la-mật thanh tịnh nên cho đến Nhất thiết trí thanh tịnh. Vì nội không thanh tịnh nên cho đến Nhất thiết trí thanh tịnh. Vì bốn Niệm xứ thanh tịnh nên cho đến Nhất thiết trí thanh tịnh.

Này Tu-bồ-đề! Vì Nhất thiết trí thanh tịnh nên cho đến Bát-nhã ba-la-mật thanh tịnh.

Này Tu-bồ-đề! Vì hữu vi thanh tịnh nên vô vi thanh tịnh.

Vì sao? Vì hữu vi thanh tịnh và vô vi thanh tịnh không hai, không khác, không đoạn, không hoại.

Này Tu-bồ-đề! Vì quá khứ thanh tịnh nên vị lai và hiện tại thanh tịnh. Vì vị lai thanh tịnh nên quá khứ và hiện tại thanh tịnh. Vì hiện tại thanh tịnh nên quá khứ và vị lai thanh tịnh.

Vì sao? Vì hiện tại thanh tịnh và quá khứ và vị lai thanh tịnh không hai, không khác, không đoạn, không hoại.