SỐ 202
KINH HIỀN NGU
Hán dịch: Đời Nguyên Ngụy, xứ Kinh châu, quận Cao xương,
Sa-môn Tuệ Giác và các vị khác cùng dịch.

Việt dịch:  Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh.

 

QUYỂN 8

Phẩm 40: ĐẠI THÍ TÁT BIỂN

Tôi nghe như thế này:

Thuở nọ, Đức Phật ở nước La-duyệt-kỳ, trong núi Kỳ-xà-quật  cùng các đệ tử một ngàn hai trăm năm mươi vị hội đủ.

Khi đó Đức Thế Tôn nghĩ đến cần một thị giả, các vị đệ tử lớn như Kiều-trần-như… cũng quan sát biết được ý nghĩ của Phật. Lúc đó Kiều-trần-như từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch y bày vai phải chắp tay quỳ thẳng bạch Phật, xin được gần gũi hầu hạ gìn giữ y bát, cúi mong thương xót hứa khả cho. Đức Phật bảo ngài:

– Ông tuổi đã già, tự mình cần ðýợc sự hầu hạ, làm sao nỡ khiến ông cung phụng được.

Khi đó, ngài Kiều-trần-như biết Đức Phật không nhận lời, lễ xong lui về chỗ ngồi. Ngài Đại Ca-diếp, Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên và các đệ tử năm trăm người lần lượt bạch Phật đều xin được hầu hạ, Đức Phật đều không nhận. Khi đó, A-na-luật thử quan sát ý của Phật thấy Ngài tâm hướng về A-nan, giống như mặt trời hướng Đông chiếu thẳng vào nhà ánh sáng từ cửa sổ hướng Đông thẳng đến vách Tây, ý chí của Thế Tôn cũng lại như vậy. Các đại đệ tử cũng đều quán sát biết như thế. Bấy giờ ngài Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên từ chỗ ngồi đứng dậy đến trước, nói với A-nan:

– Ý của Thế Tôn muốn được ông làm thị giả, ông giỏi khéo, lanh lợi, rất xứng đáng, nên mau đến thưa cầu làm thị giả của Đức Phật đi! Khi đó A-nan thấy các vị Thượng tọa đến trước và nói với như thế, liền chắp tay thưa với các vị Thượng tọa:

– Đức Thế Tôn công đức sâu dày, trí tuệ sâu xa, đem sự thân cận thường tình của tôi hầu hạ công việc sợ e chiêu lấy tội lớn, tự gây ương hoạn.

Ngài Xá-lợi-phất cùng các vị khác lại nói với tôi:

– Nay trông thấy Thế Tôn chuyên chú ý hướng về ông và muốn ông làm thị giả, như mặt trời mới mọc chiếu sáng vào nhà, ánh sáng từ hướng Đông chiếu thẳng đến vách phía Tây; Đức Thế Tôn chú tâm cũng lại như vậy. Lại nữa, Đức Thế Tôn cứu xét tình người có thể biết ông kham nhận, cho nên ông lưu ý, bây giờ nên mau thưa cầu làm thị giả. A-nan được các vị ấy nói thêm mãi, suy nghĩ về việc đó, chẳng biết phải làm sao, lại chắp tay thưa các Thượng tọa:

– Nếu nay Thế Tôn ban cho tôi ba điều nguyện, tôi nhận làm thị giả Phật, ba điều đó như thế nào? Đó là: 1. Y cũ của Thế Tôn chớ cho  tôi mặc; 2. Thức ăn dư của Thế Tôn chớ khiến tôi ăn; 3. Thời tiết tiến hiện, tùy tôi lo liệu. Được ba điều nguyện này, tôi có thể hầu Phật. Các ngài Xá-lợi-phất… nghe xong lời ấy rồi, đem việc ấy trình bày với Thế Tôn. Đức Phật nghe xong bảo Xá-lợi-phất và các đệ tử:

– A-nan sở dĩ không muốn mặc y cũ của Ta là ông lo nghĩ sâu xa e sợ các đệ tử ôm lòng ghen ghét mối khởi tâm này bởi vì quốc vương, các quan, dân chúng, đàn-việt cúng thí cho Phật những thứ y mịn màng quý đẹp, cho rằng A-nan vì tham cầu những thứ này mà làm thị giả. Lại không muốn ăn cơm thừa của Ta vì lo các đệ tử sinh lòng như vầy. Trong bát của Như Lai thức ăn thừa cũng là thức ăn ngon ngọt, đủ trăm mùi vị trên đời không có thức ăn này, cho rằng A-nan tham ăn mà muốn gần gũi Ta. A-nan tự lo thời tiết tiến hiện vì lo các đệ tử và các ngoại đạo tới lui nạn vấn. Không biết thời tiết, không đúng giờ giấc, làm xúc não. Vì làm thị giả phải xem đúng giờ giấc, thời tiết để dâng các món ăn uống thì thân thể mới được lợi ích, mỗi mỗi việc đều phải có chế độ và quan sát qua, vì thế mà ông đoán trước mới xin ba điều nguyện này. Lại nữa, ông A-nan này không chỉ ở đời này tự biết thời tiết mà ở đời quá khứ, ông cũng đã hầu hạ Ta và cũng khéo biết sự tiến cử như vậy.

Khi đó ngài Xá-lợi-phất thưa Đức Phật:

– Bạch Thế Tôn, không biết trong đời quá khứ ông A-nan hầu Phật khéo biết thời tiết, việc ấy như thế nào, xin Ngài nói cho chúng con được biết.

Đức Phật bảo:

– Xá-lợi-phất, ông muốn biết, hãy lắng nghe cho kỹ, Ta sẽ vì ông mà nói.

Ngài Xá-lợi-phất thưa:

– Dạ vâng! Thưa Thế Tôn, con xin chú ý nghe.

Đức Phật nói:

– Xá-lợi-phất, ở đời quá khứ tính theo số kiếp a-tăng-kỳ vô số vô lượng, có một vị vua nước lớn thống lãnh châu Diêm-phù-đề tám vạn bốn ngàn nước nhỏ, tám mươi ức tụ lạc. Vua ngự ở thành Bà-lâu-thi-xá. Khi đó trong thành có một vị Bà-la-môn tên Ni-câu-lâu-đà, thông minh hiểu rộng, thiên tài đặc biệt. Nhà vua rất tôn trọng ông, coi như thầy vậy. Tám vạn bốn ngàn vị vua nước nhỏ đều mến mộ khâm phục,  chiêm ngưỡng bốn phương hiến tặng và thường sai sứ đến thăm hỏi, nói tóm lại họ thờ phụng cũng như thờ vua không khác. Lúc đó vị Bà-la-môn giàu có như một vương gia nhưng không có con nối nghiệp nên lúc đi ra vào hay ngồi cũng lo buồn về việc này, không biết nơi nào có thể cầu nguyện được con, bèn cầu đảo với Phạm thiên, vua trời Đế Thích, Ma-hê-bạt-la và các trời nhật, nguyệt, tinh tú khác, nào là núi sông, thần cây… không thứ gì chẳng cầu nguyện. Thành tâm như vậy trải qua mười hai năm thì bà vợ lớn của ông cảm biết thọ thai. Có một thiếu phụ rất thông minh, có thể biết được việc này, cho rằng thai nhi ấy là con trai, đem việc này nói với vị Bà-la-môn. Ông rất vui mừng bảo các gia nội, thể nữ đến lo lắng cho phu nhân, lúc đi đứng, ăn uống, ngủ nghỉ hoặc mặc đồ trơn mịn,… không để trái ý bà. Mười tháng đã mãn, sinh được đứa con trai, mình sắc vàng tía, đầu tóc xanh mượt, đoan chính siêu phàm, tướng người thường khó có. Vị Bà-la-môn trông thấy vui mừng khôn xiết, liền mời thầy về xem tướng. Thầ tướng quan sát khen:

– Đứa bé này tướng tốt, phước đức to lớn, thiên hạ chưa từng có. Người cha rất vui mừng và nhờ đặt tên. Theo phong tục, cõi Thiên trúc đặt tên phải dựa vào hai điều kiện: 1. Tinh tú; 2. Điềm lạ.

Thầy tướng hỏi:

– Khi bà mang thai cậu bé này đến nay có điềm gì lạ không?

Người cha đáp:

– Mẹ của đứa trẻ này có lòng ghen ghét xấu ác, ít lòng từ thuận, không tu từ tuệ, từ khi mang thai đến nay tâm tính thay đổi, thương xót kẻ khổ ách như mẹ thương con hay làm việc bố thí, không có tham tiếc.

Thầy tướng nghe xong, vui vẻ nói:

– Đấy là do ý chí của đứa bé này nên khiến như vậy. Nên đặt tên là Ma-ha Xà-ca-phàn (Tần dịch là Đại Thí). Đứa bé dần dần lớn, cha mẹ rất yêu mến, xây riêng cho một cái cung, có cung điện ba mùa, để tùy theo thời tiết nóng lạnh. Mùa đông ở cung ấm áp, mùa hạ ở cung mát mẻ, mùa xuân, mùa thu ở cung giữa, sắp xếp các kỹ nữ hầu hạ giúp vui cho cậu. Cậu bé ấy rất thông minh và hiếu học, đọc thuộc mười tám bộ kinh của thế tục, văn nghĩa đều thông cả, các ngành kỹ thuật không chi chẳng thông suốt. Một  hôm Đại Thí thưa cha:

– Con ở trong cung điện đã lâu, nay con muốn được ra ngoài dạo chơi.

Cha nghe nói thế, lệnh cho gia nhân:

– Con ta là Đại Thí muốn ra ngoài dạo chơi, các ngươi nên quét dọn đường xá, trừ bỏ chỗ bất tịnh, dựng các tràng phan tán hoa đốt hương, trang nghiêm con đường, hết sức sạch sẽ. Sắp xếp dọn dẹp xong xuôi, lúc đó Đại Thí cỡi con voi trắng lớn, trang sức bằng bảy báu, đánh chuông đánh trống, trổi các kỹ nhạc, có hàng ngàn vạn người cỡi ngựa theo sau, đi trên một con đường lớn thẳng đến cổng thành. Lúc đó, nhân dân trong nước ở trên lầu gác hai bên đường, tranh nhau ra xem, nhìn không chán mắt, đều khen: “Rất là ít có, trông tướng mạo uy nghi như một Phạm thiên.” Đi quẹo sang đường khác tiến tới trước thì gặp một bọn người ăn xin, mặc áo quần dơ dáy, cầm những cái bát bể, cầu xin thương xót cho chút thức ăn.

Đại Thí trông thấy hỏi:

– Các người làm gì mà khổ nhọc đến như thế?

Có đứa đáp:

– Con không cha mẹ, anh em, vợ con, nghèo khổ cô độc, không chỗ nương cậy.

Có đứa nói:

– Con mắc bệnh hoài, không thể làm việc, không còn con đường sống.

Có đứa nói:

– Con gặp bất hạnh bị phá sản, nợ nần nhiều quá, không cách nào tự làm ăn được, cho nên phải đi xin ăn để kéo dài mạng sống thừa.

Đại Thí nghe xong, trong lòng chua xót, than thở mà đi. Lại đi tiến về phía trước thấy các đồ tể đang mổ xẻ súc sinh, cắt ra từng mảnh để cân bán. Đại Thí thấy thế hỏi:

– Chao ôi! Các ông làm gì thế?

Họ nói:

– Tổ phụ chúng tôi xưa nay sống nghề đồ tể, nếu chúng tôi bỏ nghề này thì lấy gì mà sống?

Đại Thí than thở rồi bước ra đi. Kế đến trông những người nông  phu cày ruộng, các loại côn trùng từ dưới đất chui lên bị cua ếch bắt nuốt ăn, lại có con rắn bò tới bắt cua ếch ăn lại, rồi trên trời chim khổng tước bay tới mổ rắn mà ăn. Đại Thí hỏi:

– Họ làm việc này để chi vậy?

Đáp:

– Cày ruộng để gieo lúa, sau này thu hoạch được lúa thóc ăn và đem nộp thuế cho nhà vua. Đại Thí nghe rồi, than thở mà ra đi. Lại đi tiến về phía trước, trông thấy những thợ săn giăng bẫy lưới để bắt cầm thú, thấy các cầm thú bị sa vào trong lưới, tự giãy giụa mà không thể thoát được, đau đớn kêu la, rất là sợ hãi. Đại Thí trông thấy thế hỏi:

– Các ông làm gì thế này?

Họ đáp:

– Chúng tôi chỉ chuyên nghề săn bắn, nếu không làm việc này thì không còn con đường sống.

Đại Thí nghe nói rồi, đau lòng chua xót mà đi. Lại tiếp tục đi tới gặp những người tung lưới ra kéo bắt cá rất nhiều, chất đống đầy đất, nằm ngổn ngang giãy giụa. Đại Thí ngạc nhiên hỏi:

– Các ông làm gì thế?

Họ đáp:

– Cha ông chúng tôi từ xưa đến nay không có nghề gì khác, chỉ dựa vào nghề bắt cá bán để sinh sống. Đại Thí nghe xong, ôm lòng thương xót mà tự nghĩ: “Các chúng sinh đều do nghèo khổ thiếu ăn, thiếu mặc mà tạo nghiệp ác này, giết hại chúng sinh, tỏ ý vui mừng, sau khi lâm chung sẽ đọa vào ba đường tăm tối, sao mà họ làm kỳ lạ thế?” Nghĩ như thế rồi bảo quay xe trở về cung, nhớ mãi những buổi dạo chơi ưu sầu không vui, đi đến gặp cha xin một điều nguyện. Người cha nói:

– Này Đại Thí, tùy con muốn gì, cha không làm nghịch ý đâu.

Chàng liền nói:

– Trước kia, con đi ra ngoài thành dạo chơi trông thấy những người dân vì sự ăn mặc mà làm lụng rất cực nhọc, giết hại, dối trá, làm đủ các nghiệp ác, lòng cảm thấy rất xót xa, con muốn giúp cho họ, mong cha ban ân mở kho bố thí, cứu người nghèo thiếu.

Người cha bảo:

– Cha để dành của cải là để cho con, con muốn việc gì thì cứ làm, cha không trái ý đâu. Người con được cha dạy, liền hạ lệnh cho tất cả nhân dân là: “Ma-ha Xà-ca-phan (Đại Thí) muốn mở cuộc bố thí thật lớn, ai có cần gì thì hãy đến lấy.” Lệnh được truyền đi xong, nào Sa-môn, Bà-lamôn, người nghèo, kẻ thiếu nợ, cô đơn, bệnh tật…, những người ở ngoài thành xa xôi cũng lần lượt kéo đến, có những người dân ở cách xa từ một trăm dặm, hai ba trăm dặm, cho đến năm trăm, một ngàn dặm tới, lại cũng có người từ ba ngàn đến năm ngàn dặm tới, người mạnh khỏe dìu kẻ yếu đuối, bốn phương vân tập đều cho tất cả được như ý muốn, cần áo cho áo, cần lương thực cho lương thực, vàng bạc bảy báu, xe ngựa, ruộng vườn, súc vật… đều đem bố thí cả. Trải qua một thời gian, đồ vật trong các kho đã hết hai phần ba. Người giữ kho đến thưa với người cha:

– Ma-ha Xà-ca-phan từ khi bố thí đến nay, đồ đạc trong kho ba phần đã cho hết hai, chỉ còn có một phần, sợ e mai kia vua quan, khách khứa đến thì còn đâu mà tiếp đãi, xin ông hãy suy nghĩ kỹ để sau này chớ có trách phiền. Người cha nghe báo thế, tự nghĩ: “Ta rất yêu mến đứa con này, không thể làm trái ý nó, thà để kho lẫm trống không, chứ làm sao có thể chặt đứt việc bố thí như vậy.” Lại trải qua một thời gian, dùng những đồ vật trong kho còn lại một phần, người giữ kho thấy thế thưa:

– Trước đã đem bố thí đồ trong kho ba phần, chỉ còn dùng hai, nay kho tàng sắp trống không, tôi báo cho ông chủ biết, vậy nên hãy suy nghĩ lại.

Bấy giờ vị Bà-la-môn nói:

– Ta nặng tình quý con của ta chưa từng làm nghịch ý, nay ông có phương tiện mượn nhân duyên gì khác để giữ lại ít của cải, lương thực làm cho người ta ít đến xin nữa. Người giữ kho nghe rồi liền đóng cửa kho, những người xin đều đến nơi ở của Đại Thí. Đại Thí đi đến bảo người giữ kho phân phát đồ, nhưng anh ta không có ở đó, sai người đi tìm, trải qua một thời gian khó khăn mới gặp được. Anh giữ kho tuy có đem cho những người xin không được bao nhiêu. Đại Thí thầm nghĩ: “Nay người giữ kho lẽ nào dám không nghe lời ta, chắc đây là ý của cha sai người giữ kho. Song  phép làm con không nên làm khánh kiệt kho tàng của cha mẹ, bây giờ trong kho tàng này, của cải không còn bao nhiêu, vậy ta phải làm thế nào để được của cải thỏa mãn ý của ta tiêu dùng và ban giúp cho quần sinh”. Khi đó, Đại Thí liền hỏi mọi người:

– Nay ở thế gian này làm sự nghiệp gì có thể được nhiều của cải dùng hoài không hết.

Có người nói:

– Nên trồng nhiều ngũ cốc, tạo vườn thì có thể được nhiều tiền tài.

Hoặc có người nói:

– Nên nuôi nhiều gia súc, đến lúc buôn bán được nhiều tiền tài. Hoặc có người nói:

– Nếu sợ tai nạn nguy hiểm đi xa buôn bán thì được nhiều của cải.

Hoặc có người nói:

– Chỉ có đi biển tìm kiếm châu báu mới được nhiều của cải. Đại Thí nghe hết những ý kiến này, tự nói: “Cày cấy, trồng tỉa, nuôi súc vật hay đi xa mua bán không được lợi lộc cho mấy; chỉ có vào biển tìm châu báu, kế này ta chịu theo, ta quyết định đi làm việc này.” Nghĩ thế rồi, chàng đến thưa với cha mẹ:

– Nay con muốn ra biển đi tìm châu báu đem về để bố thí cho dân chúng nghèo thiếu. Xin cha mẹ vui lòng cho con được toại ý. Cha mẹ nghe nói, kinh ngạc hỏi:

– Người thế gian đi biển phần nhiều là những người nghèo khổ không nghề sinh sống, có thể chịu bỏ thân mạng, không lưu luyến gì. Con có làm việc gì mà lại muốn đi biển? Nếu muốn bố thí thì trong kho tàng nhà ta có bao nhiêu, con hãy đem hết đi, chớ đừng vào biển. Lại nữa đi biển, các thứ nạn rất nhiều, sóng to gió lớn, nào cá Makiệt, rồng dữ, La-sát, nào là núi non, nước sóng, khó mà vượt qua. Con có việc gì gấp mà đem thân vào chỗ tai nạn này làm chi. Chúng ta nên giữ mạng sống, cha không cho phép con đi, đừng có phân vân. Đại Thí nghe xong cảm thấy không được như ý nguyện rất là đau buồn, tự nghĩ: “Nay ta nguyện muốn làm việc lớn, giả như tham tiếc thân mạng thì làm sao có thể thành tựu việc gì?” Nghĩ xong phục mình xuống trước cha mẹ mà nói:

– Nếu cha mẹ ngăn giữ chí nguyện của con thì con xin nằm ở đây mãi không đứng dậy nữa. Cha mẹ nghe xong việc này, trong lòng nóng như lửa đốt, cùng mọi người đến trước khuyên can:

– Đường biển xa xôi gặp nhiều hiểm trở, người đi thì nhiều, người trở về rất ít, cha nhớ khi cầu sinh con phải cầu đảo các trời chí thành khẩn thiết, trải qua mười hai năm, khó khăn lắm mới sinh được con khôn lớn. Bây giờ con muốn bỏ cha mẹ mà đi, hãy bỏ ý muốn này đứng dậy ăn uống bình thường đi!

– Cứ như vậy từ một ngày, hai ngày đến sáu ngày, khuyên can mãi nhưng cậu vẫn giữ chí như ban đầu. Cha mẹ lo sợ quá cùng nhau bàn bạc: “Đứa con mình trước sau gì cũng muốn đi biển, chưa từng thoái tâm, thôi hãy để cho nó đi biển còn mong có ngày trở về, chứ nay cản trở nó nếu quá bảy ngày chắc là gặp họa, biết phải làm sao”. Bàn luận xong, họ đi đến bên con nắm tay mà nói với con:

– Cha mẹ chìu theo ý con, hãy đứng dậy đi ăn cơm. Ăn xong, Đại Thí đi ra ngoài tuyên bố với mọi người:

– Nay tôi muốn đi ra biển tìm châu báu, ai muốn đi theo thì cùng đi, tôi sẽ cung cấp đầy đủ dụng cụ.

Khi đó, trong nước có năm trăm người nghe tuyên bố chịu đi theo, liền soạn các thứ cần dùng định ngày xuất hành. Đến ngày lên đường từ biệt vua, quần thần, cha mẹ và các vương tử, dân chúng có hơn ngàn vạn người đưa tiễn, họ tặng tiền bạc và các thứ cần dùng, khóc lóc từ biệt. Đi được vài ngày thì ngừng nghỉ nơi cánh đồng rộng, gặp một bọn cướp đến trộm lấy. Đại Thí thương xót đem tiền của, lương thực ra cho và bắt đầu đi nữa. Đến một tòa thành tên Phóng bát, trong thành có một vị Bà-la-môn tên Ca-tỳ-lê. Khi đó Đại Thí đi đến chỗ ông ta muốn vay ba ngàn lượng vàng. Vị Bà-la-môn này có một đứa con gái, xinh đẹp, mình sắc vàng tía, đầu tóc xanh mượt, tướng mạo đoan chánh tuyệt đẹp không ai sánh bằng. Tám vạn bốn ngàn các tiểu vương quốc đến cầu hôn mà cô chưa chịu. Khi đó Đại Thí đi đến cổng hỏi muốn gặp Ca-tỳ-lê. Cô gái ở trong nhà nghe tiếng nói bên ngoài vui mừng kinh ngạc thưa với cha mẹ:

– Người ở bên ngoài kêu cửa đấy là chồng con.

Lúc đó ông Ca-tỳ-lê đi ra, gặp nhau, thấy tướng mạo của Đại  Thí, biết là phi phàm, nghe Đại Thí cần vàng, vui lòng chịu cho. Rồi ông tay trái cầm tráp vàng, tay phải nắm tay con gái, nói với Đại Thí:

– Nay con gái của ta đây dung mạo xinh đẹp khác thường, nhiều vương tử đến cầu hôn nhưng ta không gả, nay trông thấy cậu, tướng mạo đoan chánh, xin nhận lời đứa con gái này đi theo hầu hạ. Đại Thí nói:

– Hiện nay, tôi sắp đi biển phải qua nhiều nguy hiểm, không biết có an toàn hay không, bây giờ nhận con gái ông, việc này không thể được.

Ông Ca-tỳ-lê nói:

– Nếu như được tốt lành trở về, xin cậu hãy nhận chịu lời tôi. Khi đó, Đại Thí liền nhận lời. Bấy giờ ông Ca-tỳ-lê vui mừng bèn cho Đại Thí ba ngàn lượng vàng và đồ cần dùng. Đại Thí cảm ơn rồi từ biệt lên đường. Cậu bảo những người cùng đi đặt mua thuyền tốt, dày bảy lớp ván để chịu đựng nỗi với sóng gió. Đẩy thuyền xuống biển, dùng bảy sợi dây cột ở mạn thuyền rồi chàng lắc linh nói với các bạn thương buôn:

– Các bạn hãy lắng nghe! Đi biển có nhiều nạn nguy hiểm, nào là gió độc, La-sát, sóng to, nước xoáy, rồng dữ, ác khí, cá Ma-kiệt… rất nhiều tai nạn. Các bạn vào biển! Lúc này ai muốn trở về thì ở lại đây, kẻo thuyền nhổ neo tách bến có hối hận cũng không kịp. Nếu ai có thể vững lòng bền chí, không tiếc thân mạng, xa cha mẹ, anh em, vợ con. Nếu gặp được an ổn trở về thì của bảy báu mang về, bảy đời con cháu ăn cũng không hết.

Nói rồi bèn cắt đứt một dây, cứ mỗi ngày như thế, bảy ngày nói xong cắt đứt bảy sợi dây neo, trương buồm thuận gió, thuyền chạy như tên bay cùng các thương buôn đến nơi có của báu. Đại Thí là người nghe nhiều học rộng, biết các thứ của báu thứ nặng, thứ nhẹ, hạng quý, hạng thường, màu sắc tốt xấu, chỉ bảo cho mọi người thương buôn: “Như thế này là sắc báu, không nặng, giá rất quý có thể lấy; như thế này là thứ của báu bình thường rất nặng mà giá lại rẻ, chớ nên lấy.” Lại giao ước lấy của báu nhiều ít vừa phải, đừng tham quá nhiều sợ nặng thuyền bị đắm, còn lấy ít thì nhẹ thuyền nhưng lại tốn công mình đi cực nhọc. Dặn dò, nhắc nhở anh em xong, ai cũng siêng năng kiếm lấy, chất đầy trên thuyền, mọi thứ châu báu đẹp đẽ và chuẩn bị  trở về. Lúc đó Đại Thí không muốn lên thuyền, mọi người tụ tập lại hỏi ý Đại Thí vì sao. Đại Thí đáp:

– Tôi muốn đến điện của Long vương để xin ngọc Như ý. Dù bỏ thân mạng, xin không được, tôi quyết không trở về. Những lái buôn nghe thế đau buồn, cùng nhau nói:

– Chúng tôi nhờ cậu mà mạo hiểm đến đây, mong được hoàn toàn trở về nhà, nay vì sao cậu lại bỏ chúng tôi? Đại Thí nói:

– Tôi sẽ vì các anh cầu nguyện khiến cho các anh được an ổn trở về nhà.

Các thương buôn nghe rồi, lòng lo sợ không yên. Đại Thí tay cầm lư hương, hướng về bốn phương, rồi tự lập thệ: “Tôi không quản mệt nhọc vào biển tìm châu báu để cứu giúp sự nghèo đói của quần sinh, nguyện đem công đức này cầu thành Phật, như tôi chí thành xin nguyện này được thành tựu, khiến cho những người thương buôn và thuyền châu báu không gặp nạn dữ, an toàn về nước”. Nguyện xong, các thương buôn đều nắm tay chân Đại Thí khóc lóc từ biệt về nước, nhổ neo trương buồm trở về Diêm-phù-đề đều được an ổn. Bấy giờ Đại Thí sau khi từ biệt mọi người đi xuống nước đến mắc cá chân, trải qua bảy ngày đi nước sâu đến mông, đi bảy ngày nữa thì nước đến ngang lưng, bảy ngày nữa thì nước ngang đến cổ, bảy ngày nữa thì trôi nổi hoài đến một quả núi, hai tay chống cây để leo lên núi, đi bảy ngày thì đến đỉnh núi, ở trên đỉnh ngọn núi đó bằng thẳng, đi bảy ngày rồi lại xuống núi, bảy ngày đến chân núi tới một ven nước, dưới nước có hoa sen sắc vàng, có các con rắn cực độc quấn quanh cọng sen. Đại Thí thấy thế liền ngồi ngay thẳng nhiếp niệm tại tâm, nhập pháp Từ bi tam-muội, nghĩ tới những con rắn độc này vốn khi sinh ra đều do lòng tham sân si tật đố, cho nên sinh trong đây, thọ thân hình độc ác xấu xa. Đem lòng Từ thương xót, nên khiến những con rắn độc ấy đều hết nọc độc. Đại Thí đứng dậy bước trên những bông hoa mà đi, trải qua bảy ngày mới thoát qua khỏi rắn độc này, đi tiến tới phía trước thấy các La-sát, chúng ngửi thấy hơi người đều tìm đến. Đại Thí thấy rồi nhiếp tâm Từ bi quán thì những La-sát tự phát tâm cung kính, đến gần hỏi:

– Ông từ đâu đến?

Đại Thí nói:

– Tôi muốn tìm châu Như ý. La-sát vui mừng tự nghĩ: “Người phúc đức này đi đến Long cung, nhưng đường hãy còn xa, làm sao khiến vượt qua sự khổ nhọc nổi? Ta nên giúp vượt qua các nguy hiểm”, liền dùng thần lực đưa qua bốn trăm do-tuần rồi để trên mặt đất. Lúc đó Đại Thí đi thẳng tới trước thấy một cái thành bạc, sáng sạch trắng tinh, biết là Long cung, vui mừng đi tới thấy ngoài thành có bảy lớp hào, trong toàn là rắn độc trông rất ghê sợ. Đại Thí tự nghĩ: “Những con rắn này đều do đời trước tâm nộ rất nhiều, nên phải thọ thân hình xấu ác như vầy.” Lòng Từ bi thương xót coi nó như con nhỏ, tâm từ quán xong thì các con rắn độc đều mất hết, chàng liền bước đi thẳng đến Long cung, thấy có hai con rồng, thân quấn quanh thành, giao đầu ngay cánh cửa. Thấy Đại Thí, chúng ngóc đầu nhìn kinh ngạc. Khi đó Đại Thí nhập Từ bi quán, rồng độc cúi đầu không dám nhìn nữa. Đại Thí bước lên đi vào. Trong thành Long vương ngồi trên tòa bảy báu trông thấy Đại Thí kinh ngạc thầm nghĩ: “Ngoài thành ta có bảy lớp hào, trong hào đều có rắn độc, rồng dữ, Dạ-xoa, thế mà người này vào được đến đây”. Long vương liền đến tiếp đón hỏi han cung kính, làm lễ, mời ngồi trên giường bảy báu, đem các món ăn ngon ra thết đãi. Ăn xong, Long vương hỏi ý của Đại Thí đến đây làm gì. Đại Thí đáp:

– Người ở cõi Diêm-phù-đề nghèo khổ, tôi đến đây kiếm của báu về để bố thí cho họ. Cuộc sống của họ vì sát hại, dối trá… tạo đủ thứ nghiệp ác, sau khi mạng chung đọa vào ba đường ác, tôi thấy thương xót muốn cứu giúp họ nên vượt đường xa hiểm trở đến đây yết kiến đại vương xin viên ngọc Như ý dùng để cứu tế, công đức làm được việc này xin thệ cầu thành Phật. Nếu không nghịch ý xin hãy ban cho.

Long vương nói:

– Ngọc Như ý là của báu khó được, ngài vượt qua bao nguy hiểm đến đây, nếu vui lòng xin hãy ở lại đây một tháng, nhận chút cúng dường và nhân đó thuyết pháp cho tôi, tôi sẽ biếu ngọc Như ý. Đại Thí nhận lời, Long vương hàng ngày thết đãi trăm vị của biển, ca múa để phục vụ cho Đại Thí. Đại Thí giảng pháp Tứ niệm xứ tuệ cho vua nghe. Trải qua một tháng thì từ biệt trở về. Long vương  vui mừng mở châu Như ý trên búi tóc đem dâng cho Đại Thí, mà nói:

– Đại sĩ có lòng Từ rộng lớn cứu giúp nạn khổ và có ý chí mãnh liệt chắc chắn thành Phật. Tôi nguyện làm một đệ tử trí tuệ.

Đại Thí nhận lời, nói:

– Ngọc này của ngài có năng lực như thế nào?

Long vương đáp:

– Ngọc này có thể làm mưa hai ngàn do-tuần biến thành mọi th cần dùng. Đại Thí tự nghĩ: “Hạt châu này tuy biến nhanh, nhưng chưa có thể làm cho ta giúp rộng lớn hơn nữa”. Bấy giờ các rồng lớn nhỏ tiễn đưa Đại Thí đến cổng thành rồi từ tạ ra về. Đại Thí đi thẳng tới trước, từ xa thấy một cái thành, toàn là lưu ly xanh, màu sắc nó trong sạch, đi đến mới thấy bên ngoài thành cũng có bảy lớp hào, trong hào cũng đầy các rắn độc. Đại Thí trông thấy, thầm nghĩ: “Các rắn độc này do lòng sân hận tật đố mới sinh trong đây, chịu thân hình xấu ác”. Chàng bèn ngồi ngay thẳng nhập Từ bi quán tăng thêm lòng thương xót, lòng Từ bi lan tỏa, các rắn không còn độc hại nữa, giẫm bước lên đầu của chúng mà đi vào thành, cũng thấy hai con rồng dùng thân quấn quanh thành, hai đầu giao nhau trước cổng. Chúng trông thấy Đại Thí ngóc đầu trừng nhìn. Đại Thí lúc đó đem lòng Từ bi nhìn chúng, lòng từ lan tỏa khiến trừ đi độc hại của nó. Rồng gục đầu, Đại Thí tiến bước vào trong thành. Khi đó trong thành có một Long vương ngồi trên điện bảy báu, trông thấy Đại Thí kinh ngạc thầm nghĩ: “Ngoài thành có bảy lớp hào rắn độc, các rồng, Dạ- xoa, khó có thể vượt qua, người này làm thế nào mà có thể đến đây?” Long vương liền bước xuống đón tiếp chào hỏi cung kính làm lễ mời lên trên điện ngồi tòa bảy báu, bày các món ăn ngon lạ, ăn xong rồi, Long vương hỏi nguyên do vì sao đến đây. Đại Thí nhân đó trả lời ý của mình đến chỉ muốn cầu ngọc Như ý. Long vương nói:

– Ngọc Như ý rất là khó được, vả lại người muốn được nó, thì phải nhận lời ta mời ở lại đây hai tháng và thuyết giảng về hạnh Bồ- tát. Long vương bày ra các thức ăn uống và ca múa hát để cúng dường Đại Thí. Đại Thí dùng biện tài phân biệt nói Tứ thần túc. Trải qua hai tháng mới xong rồi từ tạ ra về. Long vương liền mở hạt châu  trên búi tóc dâng cho và lập thệ:

– Đại sĩ có lòng Từ bi cứu giúp quần sinh, tâm rộng lớn ấy chắc chắn thành Phật, ta nguyện làm đệ tử học pháp thần túc. Đại Thí nhận lời nói:

– Như lời ngài đã nguyện, sẽ được thành tựu, còn viên ngọc ngài cho đây, năng lực như thế nào?

Long vương đáp:

– Châu Như ý này có thể mưa xuống bốn ngàn do-tuần, biến ra tất cả các thứ cần dùng, ngài nghĩ gì thì nó biến thành như thế. Đại Thí tự nghĩ: “Tuy hạt châu này có phép hay lạ nhưng chưa được như ý của ta”. Bấy giờ Long vương, rồng lớn nhỏ đều tiễn đưa Đại Thí ra đến cổng thành, thương mến, quyến luyến rồi từ biệt ra đi. Đại Thí lại đi về phía trước, trông thấy cái thành bằng vàng, màu sắc chói lọi rất đẹp. Đại Thí đi đến thấy ở ngoài hành cũng có bảy lớp hào, trong hào cũng có những con rắn độc. Đại Thí tự nghĩ những con rắn độc này cũng do đời trước có thói sân tật đố nên nay mang thân hình xấu ác này, rồi ngồi thẳng khởi lòng Đại bi tăng thêm lòng thương mến, các rắn độc đều không còn, rồi giẫm bước qua tới trước cổng thành, cũng trông thấy hai con rồng dùng thân quấn thành giao đầu trước cổng. Trông thấy Đại Thí, chúng ngẩng đầu nhìn trừng. Đại Thí y như pháp nhập định quán Từ bi, rồng bèn cúi đầu. Đại Thí bước qua rồi vào trong thành. Trong thành đó cũng có Long vương ngồi trên bảo điện, từ xa trông thấy Đại Thí, ngạc nhiên tự nghĩ: “Bên ngoài thành của ta đây có bảy lớp hào, trong đó đầy dẫy rắn độc, ngoài ra còn có rồng, Dạ-xoa, không ai có thể đi qua. Nay người này là ai mà có thể đến được nơi đây?” Tâm rất ngạc nhiên lạ lùng, Long vương liền bước xuống nghênh tiếp hỏi han, cung kính làm lễ và mời lên bảo điện mời ngồi tòa bảy báu. Ngồi xong, Long vương bảo đem các món thơm ngon thết đãi, ăn xong rồi hỏi nguyên do vì sao đến đây? Đại Thí đáp:

– Người ở Diêm-phù-đề, phước đức mong manh, vô cùng nghèo khổ, làm lụng lao lực, giết hại, dối trá để kiếm sự ăn mặc, đủ mười nghiệp chẳng lành, sau khi mạng chung lại đọa trong ba đường khổ. Tôi vì lòng thương xót, muốn cứu giúp họ, mới vào biển tìm Long vương, nghe nói ngài có châu Như ý nên không quản đường xa nguy  hiểm, mong được đến đây.

Long vương nói:

– Ngọc báu Như ý là vật khó có được. Đại sĩ đến đây mong được châu ấy. Nếu ngài muốn được ngọc ấy, hãy ở lại đây bốn tháng, thọ sự cúng dường nhỏ mọn của tôi và giảng giải đạo pháp cho tôi nghe. Đại Thí nhận lời. Long vương vui mừng, ngày ngày bày các món mỹ vị đích thân dâng các món ngon ngọt, lại bảo trổi các thứ âm nhạc, múa hát giúp vui. Đại Thí dùng biện tài phân biệt danh tự, ngọn nguồn các pháp, rộng tuyên giáo nghĩa. Long vương một lòng lắng nghe lãnh thọ, sớm chiều thăm hỏi, không để mất giờ giấc. Long vương sắp đặt giờ cho các rồng, Dạ-xoa tới lui hầu hạ chu đáo trong bốn tháng, nghiêm chỉnh rất hợp phép tắc. Bốn tháng đã mãn, Đại Thí từ biệt ra về. Bấy giờ Long vương liền cởi châu Như ý trong búi tóc dâng cho

Đại Thí và lập thệ:

– Đại sĩ thệ nguyện rộng lớn, lòng tự cứu tế bao la, thương xót các quần sinh, không màng khó nhọc, chắc chắn sẽ thành Phật. Tôi nguyện làm một đệ tử tổng trì.

Đại Thí nhận lời, lại hỏi:

– Hạt châu ngài cho năng lực nó như thế nào?

Long vương nói:

– Hạt châu này có thể mưa xuống rộng tám ngàn do-tuần biến ra bảy báu cần dùng. Đại Thí vui mừng, tự nghĩ: “Đất châu Diêm-phù-đề, bảy ngàn do-tuần, công năng ngọc này đạt được nguyện vọng của ta.” Trước sau đã được ba hạt châu, buộc ở chéo áo, Đại Thí liền đi ra ngoài thành. Các rồng lớn nhỏ tiễn đến ngoài thành, đều quyến luyến thương mến, cùng từ biệt ra về. Đại Thí đem hạt châu ra cầu nguyện. Nếu thật sự là châu Như ý, hãy khiến thân ta có thể bay lên hư không. Cầu nguyện xong, thân chàng nhấc bổng lên hư không và có thể bay qua biển, nghỉ ngơi trên bãi cát. Lúc đó trong biển các rồng cùng nhau bàn luận:

– Trong biển chúng ta chỉ có ba hạt châu, công năng nó rất lớn, khó có gì sánh bằng, người này nay lấy nó đem đi, đáng tiếc châu báu này, chúng ta nên đi lấy lại. Bàn bạc xong, họ bí mật mở lấy hạt châu lại. Đại Thí ngủ tỉnh dậy không thấy châu báu, bèn suy nghĩ: “Ở đây không có người, ắt là  rồng biển lấy châu báu của ta đem đi, ta vì châu này phải vượt qua bao gian lao nguy hiểm, mong ngày đem về nước để cứu chúng sinh cho mãn nguyện, dù có lấy châu báu của ta, rốt cùng ta sẽ không tha, ta sẽ dùng hết sức tát cạn biển này, ta thề bỏ mạng ở đây, nếu không lấy lại được ngọc Ma-ni, quyết định không về.” Suy nghĩ thế rồi, chàng đi đến bờ biển, nhặt được một cái mu rùa, dùng hai tay tát biển.

Thần biển biết ý hiện ra hỏi:

– Nước biển sâu rộng ba trăm ba mươi sáu vạn dặm cho dù tất cả nhân dân cùng nhau hết sức để tát cũng không thể cạn nổi, huống là một mình ông tát làm sao được?

Đại Thí nói:

– Nếu người ta chí tâm, muốn làm việc gì thì việc ấy cũng không ngại. Ta được châu báu này để làm lợi ích cho tất cả quần sinh, đem công đức này cầu thành Phật, tâm ta không giải đãi, làm sao không thể được?

Lúc đó trời Thủ-đà-hội, từ xa trông thấy Đại Thí một thân một ý siêng năng cực nhọc để đem lại an lạc cho tất cả chúng sinh, thầm nghĩ: “Chúng ta làm sao không đến trợ giúp và kêu gọi bạn bè đến giúp cậu ta.” Đại Thí múc nước đổ thì tất cả các trời dùng y trời đựng chứa nước, rồi đem đổ đi nơi khác. Một lần tát biển như vậy nước giảm đi bốn mươi dặm, hai lần tát giảm đi tám mươi dặm, ba lần tát giảm đi một trăm hai mươi dặm. Những con rồng ăn cắp châu Như ý hoảng sợ đến chỗ Đại Thí, nói:

– Xin hãy ngừng tay, đừng tát biển nữa.

Đại Thí ngừng nghỉ, rồng đến hỏi:

– Ông cần châu báu này dùng để làm những việc gì?

Đại Thí nói:

– Dùng để cứu giúp tất cả chúng sinh.

Rồng lại hỏi:

– Theo ông nói, ở trong biển chúng tôi, chúng sinh rất nhiều, vì sao không cho, mà lại muốn đem đi.

Đại Thí nói:

– Những loài trong biển cũng là chúng sinh, nhưng không bị đau khổ dữ dội như nhân dân ở Diêm-phù-đề, ở trên đấy vì tiền tài mà họ sát hại, dối trá tạo mười nghiệp ác, sau khi chết phải đọa vào ba  đường. Ta vì loài người muốn cho họ hiểu giáo pháp nên đến đây xin châu Như ý, trước giúp họ được ăn mặc đầy đủ, sau dạy họ tu Thập thiện.

Rồng nghe xong, đem trả ba viên ngọc Như ý. Bấy giờ Thần biển thấy Đại Thí tinh tấn dũng mãnh làm công việc như thế, liền thệ rằng:

– Hôm nay ngài tinh tấn như thế, ắt sẽ thành Phật, tôi nguyện làm một đệ tử tinh tấn. Đại Thí được châu rồi tiếp tục bay đi, hỏi thăm các bạn thương buôn, liền hạ xuống, đồng bạn trông thấy kinh ngạc vô cùng, đều khen:

– Thật rất kỳ lạ, rất đặc biệt.

Rồi họ cùng nhau đi về thành Phóng bát. Vị Bà-la-môn Ca-tỳ-lê nghe tin Đại Thí đi biển tốt lành trở về, vô cùng mừng rỡ, ra nghênh đón hỏi han và mời các bạn thương buôn ở lại, mở tiệc thết đãi, dọn ra các món ăn ngon lạ quý hiếm, ăn xong bàn nói chuyện về cuộc hành trình đã qua. Lúc đó Đại Thí cầm châu Như ý chỉ vào trong nhà của vị Bà-la-môn (Ca-tỳ-lê) thì các kho tàng đầy ắp của báu, mọi người trông thấy khen ngợi việc chưa từng có. Khi đó ông Ca-tỳ-lê trang điểm cho con gái đẹp đẽ đem các châu báu trang sức nơi thân, trước rửa tay, sau đó dẫn con gái giao cho Đại Thí. Đại Thí nhận cô gái, ông Ca-tỳ-lê vui mừng bảo năm trăm kỳ nữ có đủ tài năng và năm trăm bạch tượng chở nhiều châu báu rất là kỳ lạ để tiễn đưa con gái. Đại Thí bảo các bạn cỡi voi lên đường, trong thành người lớn kẻ nhỏ đến đưa tiễn, trổi các âm nhạc, trở về nước nhà. Từ khi Đại Thí từ biệt ra đi, cha mẹ đau buồn thương nhớ khóc than mù cả đôi mắt. Nghe tin con trở về nước, Đại Thí đến lễ bái thăm hỏi, cha mẹ nghe tiếng, lấy tay xoa đầu vuốt mặt con mới biết chắc chắn con đã trở về, vui buồn lẫn lộn, than trách con:

– Con thật vô tâm, bỏ cha mẹ đi biển để cha mẹ thương nhớ, con vào biển trở về mang được những vật gì? Đại Thí lấy ngọc Như ý ra đưa cho cha mẹ, ông bà cầm viên ngọc mà nói:

– Nay trong kho nhà ta, đá quý như ngọc này cũng không ít, vì sao phải cực khổ mới tìm được thứ này.  Đại Thí cầm ngọc báu chỉ vào mắt cha mẹ, tự nhiên cặp mắt hai người trong sáng hơn xưa. Như gió xua mây, ông bà được trông thấy trở lại, lòng rất vui mừng, cảm niệm oai thần của ngọc báu, khen ngợi rất là kỳ lạ:

– Con tuy cực khổ nhưng cũng không uổng công.

Đại Thí bèn cầm hạt châu cầu nguyện:

– Nếu là viên ngọc Như ý, thì hãy khiến cho chỗ ngồi của cha mẹ tôi biến thành giường tòa châu báu quý lạ, phía trên có tán lớn bảy báu trang nghiêm. Nói xong thì được như ý ngay, tất cả đều vui mừng. Đại Thí lại cầm châu báu cầu nguyện:

– Xin nguyện khiến cho cha mẹ, vua quan, dân chúng các kho tàng đều được đầy ắp. Chàng liền lấy châu ấy đưa khắp bốn hướng, thì nhà nào cũng đều được đầy đủ vàng bạc châu báu, không ai chẳng kinh ngạc. Đại Thí sai người cỡi voi đi tám ngàn dặm, thông báo cho tất cả nhân dân ở Diêm-phù-đề biết rằng: “Đại Thí đi biển trở về tốt lành, được hạt châu Như ý, hạt châu ấy công năng rất kỳ diệu, sau bảy ngày nữa sẽ khiến cho hạt châu ấy mưa xuống tất cả châu báu, thức ăn tùy theo ý muốn mọi người. Ai muốn lấy được thì phải giữ trai giới thanh tịnh chờ đợi.” Đến ngày thứ bảy. Đại Thí tắm gội sạch sẽ, mặc y áo mới, rồi đi đến một vùng đất bằng thẳng, buộc châu Như ý trên đầu ngọn phướn cao, tay cầm lư hương cầu nguyện:

– Nguyện cho người ở cõi Diêm-phù-đề, tất cả những người nghèo khổ muốn được giúp cho đều không ai bị thiếu thốn. Nếu thực là ngọc Như ý thì xin lần lượt mưa các thứ cần thiết cho chúng sinh. Cầu nguyện vừa xong, bốn phương mây kéo mát râm, gió thổi lên, thổi các thứ bất tịnh nhơ bẩn trên mặt đất sạch sẽ, kế đến mưa lâm râm đè sạch bụi, rồi đến mưa ra các thức ăn uống trăm vị ngon lạ, tiếp đến mưa ngũ cốc, y phục, các thứ bảy báu quý hiếm đầy dẫy châu Diêm-phù-đề. Người dân lần lượt đến lấy; áo quần, thức ăn uống dư dã, nên họ trông thấy các châu báu cũng như gạch ngói. Bấy giờ Đại Thí thấy dân chúng đầy đủ, bèn sai người đi thông báo cho khắp cõi Diêm-phù-đề biết rằng: “Tất cả dân chúng trước đây do nghèo thiếu ăn mặc và châu báu mà sát hại, dối trá lẫn nhau, thấy lợi quên nghĩa, không sợ tội phúc, sau khi mạng chung phải đọa lạc  trong ba đường ác, cũng như từ chỗ tối vào chỗ tối thêm, thọ tội nhiều kiếp. Tôi thường thương xót không người cứu giúp, nên quên mình dấn thân vào biển cả nguy hiểm, được hạt báu Như ý này đem về cứu tế, mọi người đã được đầy đủ không còn thiếu thốn gì nữa. Giờ đây tôi khuyên mọi người siêng tu Thập thiện, giữ gìn thân khẩu ý, nhân từ hiếu thuận, tinh tấn khắc phục ý, chớ nên phóng dật!” Đại Thí dùng các phương tiện rộng khuyên làm lành. Chàng làm các văn thư gửi cho vua quan khuyên dân chúng đều được nghe biết. Bấy giờ tất cả dân chúng trong Diêm-phù-đề được nhờ ân Đại Thí, họ nghĩ nên làm gì để đền ân đức ấy. Họ chỉ biết tuân lời giáo hóa tu Thập thiện, chuyên tập lòng từ kính, giữ gìn thân, khẩu, ý thanh tịnh, sau khi mạng chung đều được sinh lên cõi trời.

Nói đến đây, Đức Phật nhắc lại:

– Này Xá-lợi-phất, ông nên biết vị Bà-la-môn Ni-câu-lầu-đà thuở đó nay là vua Tịnh Phạn, cha Ta; còn bà mẹ nay là Ma-ha Mada, mẹ của Ta. Đại Thí chính là tiền thân của Ta. Vị Long vương ở thành bằng bạc nay là Xá-lợi-phất, Long vương trong thành lưu ly nay là Mục-kiền-liên, Long vương ở thành bằng vàng nay chính là A-nan, Thần biển thuở đó nay là ông Ly-việt. Ông A-nan khi đó làm Long vương thết đãi Ta khéo biết thời nghi, cho đến ngày nay cũng muốn hầu Ta cho đúng thời tiết. A-nan muốn được ba nguyện ấy là tùy ý muốn của ông. A-nan nghe Đức Phật nói về tiền kiếp, rất vui mừng, từ chỗ ngồi đứng dậy chắp tay bạch:

– Con xin đem thân này làm thị giả, xin Thế Tôn từ bi hứa khả Bấy giờ chúng hội nghe Đức Phật thuyết về tiền kiếp, cảm niệm đại ân chuyên tâm tư duy pháp Tứ diệu đế, có người đắc quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm và A-la-hán, có người gieo trồng nhân duyên căn lành Bích-chi-phật, có người phát tâm Vô thượng Bồ-đề, có người được trụ Bất thoái địa, đều hoan hỷ đảnh lễ phụng hành.