SỐ 190
KINH PHẬT BẢN HẠNH TẬP
Hán dịch: Đời Tùy, Tam tạng Pháp sư Xà-na-quật-đa, người Ấn độ
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh.

 

QUYỂN 36

Phẩm 39: NHÂN DUYÊN ĐỜI TRƯỚC CỦA DA-DU-ĐÀ

Thuở ấy, tại thành Ba-la-nại thuộc xứ Thiên trúc có bốn thiện nam đặc biệt hơn người, là nhà đại phú trưởng giả. Những vị đó là:

Người thứ nhất tên là Tỳ-la-ma (nhà Tùy dịch Vô cấu).

Người thứ hai tên là Tu-bà-đầu (nhà Tùy dịch Thiện Tý).

Người thứ ba tên là Phú-lan-na (nhà Tùy dịch Mãn Túc).

Người thứ tư tên là Già-bà-bạt-đế (nhà Tùy dịch Ngưu Chủ).

Bốn vị này nghe người ta nói đại thiện nam Da-du-đà (Thượng Tán) theo Sa-môn tu phạm hạnh. Nghe vậy, họ suy nghĩ: “Việc này thật hy hữu, phạm hạnh trong pháp của Đại Sa-môn Cù-đàm này phải hội đủ sự bền vững không lay động và vượt trên các pháp khác, thật là bậc nhất! Đó là lý do tại sao đại thiện nam Da-du-đà theo Sa-môn xuất gia tư phạm hạnh. Chúng ta ngày nay cũng đến Sa-môn cầu tu phạm hạnh.”

Cùng nhau thảo luận xong, họ rủ nhau đến chỗ Da-du-đà. Gặp mặt nhau, họ dùng lời tốt đẹp hỏi han chúc tụng, tâm ý mỗi người đều hoan hỷ cung kính, rồi ngồi qua một bên. Bốn vị Trưởng lão cùng nhau thưa Da-du-đà:

-Hạnh thanh tịnh này quyết phải bền vững, nhất định vượt hơn các pháp khác. Pháp này hội đủ những đặc tính như vậy, nên đáng kính đáng quý. Như Tôn giả ngày nay ở nơi Đại Sa-môn Cù-đàm tu hạnh thanh tịnh, chúng tôi cũng biết cầu Đại Sa-môn xin tu hành phạm hạnh.

-Bấy giờ Trưởng lão Da-du-đà liền cùng với bốn vị trưởng giả thành Ba-la-nại đồng đi đến Đức Phạt, đảnh lễ dưới chân Phật, sau khi đảnh lễ xong rồi, liền ngồi một bên. Da-du-đà liền bạch Đức Phât:

-Thưa Đại Giác Thế Tôn, bốn vị trưởng giả này đều là bạn cũ hết sức thân mật của con khi còn tại gia. Các vị thiện nam tử này là Vô Cấu, Thiện Ý, Mãn Túc và Ngưu Chủ, ngày nay đến đây quy y Thế Tôn. Lành thay Thế Tôn! Cúi xin Ngài theo căn cơ bốn trưởng giả này, mà thuyết pháp giáo hóa chỉ dạy.

Đức Thế Tôn vì bốn vị trưởng giả này mà thuyết các pháp vi diệu. Những pháp đó là Bố thí, Trì giới, Tinh tấn, Nhẫn nhục… thuyết các pháp môn. Những trưởng giả này được dạy các pháp như vậy, liền ngay tại chỗ ngồi xa lìa trần cấu, cho đến tất cả bao nhiêu pháp tập khởi đều biết rõ và tướng pháp tịch diệt cũng biết như thật. Như chiếc áo trắng sạch không vết nhơ, dễ nhuộm màu sắc.

Đúng vậy! Đúng vậy! Bốn vị trưởng giả này ngay tại chỗ ngồi… biết tất cả về tướng pháp tập khởi và tịch diệt các phiền não, chứng biết đúng như thật. Bốn vị trưởng giả này đều thấy tướng các pháp, được tướng các pháp, chứng tưởng các pháp, thể nhập tướng các pháp, vượt qua phiền não, tâm không chướng ngại, vượt khỏi lưới nghi, trừ diệt kết sử, được sự vô úy, chẳng phải biết từ người khác, hành theo Phật pháp. Họ dứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, ở trước Phật, họ quỳ gối chắp tay thưa Đức Phật:

-Bạch Đấng Đại Giác Thế Tôn, ngày nay chúng con đến cầu xin Thế Tôn cho chúng con được xuất gia, nương theo Phật pháp, thọ giới Cụ túc.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn liền bảo bốn vị trưởng giả:

-Này các Tỳ-kheo, thanh tịnh đến đây, vào trong giáo pháp của Ta tu phạm hạnh để diệt các khổ.

Khi Đức Thế Tôn nói những lời như vậy, bốn vị trưởng giả ở thành Ba-la-nại, tóc và râu đều rụng giống như vừa mới cạo cách đây bảy hôm, trên thân tự nhiên mặc ba pháp y, tay cầm bình bát. Bốn vị này liền thành người xuất gia thọ giới Cụ túc.

Bốn vị trưởng giả xuất gia thọ giới Cụ túc như vậy chưa được bao lâu, ở yên một chỗ, bỏ các việc thế gian, giữ gìn thân khẩu không dám phóng dật, siêng năng tinh tấn, ở nơi vắng lặng tu các thiện pháp, đứng ngồi một mình chưa từng gián đoạn như cứu lửa cháy đầu.

Bấy giờ, bốn vị thiện nam tử ở chỗ vắng lặng, vì chánh tín nến xuất gia cầu đạo, chẳng bao lâu liền được vô thượng phạm hạnh, tự thấy tướng các pháp, tự chứng thần thông, vô úy, tự xướng lên: “Đã đoạn sinh tử, đã được quả báo phạm hạnh, việc làm đã xong, không còn tái sinh đời sau.” Họ tự biết, tự chứng. Bốn vị trưởng giả này đồng một lúc chứng quả A-la-hán, tâm hoàn toàn giải thoát. Bấy giờ, ở thế gian có mười một vị A-la-hán: Thứ nhất là Thế Tôn, thứ hai là anh em Kiều-trần-như, thứ ba là Da-du-đà và bốn vị thiện nam tử đại trưởng giả bằng hữu thân thiết của Da-du-đà khi còn tại gia.

Bấy giờ có năm mươi bạn bè khi xưa còn ở tại nhà của Da-du-đà, từ các nước hợp lại, trong đó có những người từ nhỏ đến lớn cùng sống chung với Da-du-đà, nghe Da-du-đà theo Đại Sa-môn Cù-đàm tu phạm hạnh. Họ cùng nhau thảo luận: “Phạm hạnh này quyết phải là pháp tinh anh thù thắng, gồm đủ sự bền vững, nên Da-du-đà mới theo Đại Sa-môn Cù-đàm cầu tu phạm hạnh.” Năm mươi người này bàn luận như vậy, rồi cùng nhau kéo đến chỗ Da-du-đà. Sau khi họ gặp nhau, cung kính chào hỏi lẫn nhau, dùng những lời tốt đẹp đàm luận với nhau. Sau khi chào hỏi xong rồi, họ liền lui về một bên. Năm mươi vị bạn hữu này đều là hàng lối đại trưởng giả của mỗi nước khác nhau, là bạn cũ thân thiện của Da-du-đà khi còn ở tại nhà. Bấy giờ họ cùng thưa Da-du-đà:

-Bạch Nhân giả Da-du-đà, ngày nay phạm hạnh này chắc có lẽ là pháp tốt đẹp thù thắng hơn những pháp khác, nên Trưởng lão mới theo Đại Sa-môn Cù-đàm tu phạm hạnh. Ý chúng tôi cũng hoan hỷ cùng nhau đồng muốn đến chỗ Đại Sa-môn Cù-đàm tu phạm hạnh.

Lúc ấy Da-du-đà cùng năm mươi vị thiện hữu ngày xưa khi còn ở tại nhà đồng đến chỗ Đức Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi lui về ngồi một bên. Da-du-đà bạch Đức Thế Tôn:

-Bạch Đại Thiện Thế Tôn, con thuở xưa ở nhà có năm mươi vị bằng hữu tri thức, người lớn, người nhỏ, tất cả đều là hàng thiện nam tử, ý họ đều muốn quy y Như Lai. Xin Đức Thế Tôn đại từ thương mến mà nói pháp yếu, giáo hóa chỉ dạy cho họ.

Bấy giờ Đức Thế Tôn vì họ, tùy thuận nói các pháp. Những vị trưởng giả này nghe những lời giáo hóa của Đức Phật nói ra…, đối với tất cả các pháp đều biết như thật. Các vị trưởng giả này đều thành lậu tận A-la-hán, tâm hoàn toàn giải thoát.

Thời ấy, ở trong thế gian có sáu mươi mốt vị A-la-hán. Đó là: Thế Tôn, năm vị Tỳ-kheo Kiều-trần-như…, Da-du-đà, bốn vị thiện hữu của Da-du-đà ở thành Ba-la-nại: Vô cấu, Thiện Tý, Túc Mãn và Ngưu Chủ, cùng các vị Đại trưởng lão bằng hữu tại gia của Da-du-đà là năm mươi vị đều từ các nước khác nhau hợp lại, là những thiện nam tử hoặc lớn hoặc nhỏ.

Tại Lộc uyển thuộc thành Ba-la-nại đã độ những người như vậy, Đức Thế Tôn muốn du phương hóa độ, nên bảo Trưởng lão Da-du-đà:

-Này Da-du-đà, thầy ở lại đây, chớ nên theo Ta. Tại sao? Vì thầy từ nhỏ đến giờ thân chưa từng chịu khổ, lại nữa da thịt của thầy mịn màng, không thể ăn khổ, mặc áo thô, thầy ở lại đây thọ sự cúng dường của cha mẹ, tùy ý thọ dụng đồ ăn mặc tốt đẹp. Cha mẹ thầy có thể cúng dường cho thầy.

Da-du-đà vâng lời Đức Phật dạy, đứng cung kính bạch Phật:

-Y theo lời Thế Tôn chúng con không dám trái.

Da-du-đà vâng lời Đức Phật dạy ở lại trong thành Ba-la-nại, nhất định không dời bước.

Thuở đó, ở thành Ba-la-nại thuộc xứ Thiên trúc, có năm trăm vị thương nhân trưởng giả cũng lại là bạn bè của Da-du-đà khi còn ở nhà. Các thương nhân này vào biển tìm ngọc quý, sau khi trở về cùng hỏi thăm chỗ ở Da-du-đà. Họ hỏi thăm biết Da-du-đà ngày nay theo Đại Sa-môn Cù-đàm tu phạm hạnh. Nghe như vậy, họ cùng nhau bàn luận: “Phạm hạnh này phải là giáo pháp vô thượng vi diệu hơn những pháp khác. Nếu chẳng phải như vậy thì tại sao thiện nam tử Da-du-đà ngày nay hướng về Đại Sa-môn Cù-đàm tu phạm hạnh. Chúng ta ngày nay cũng nên cùng nhau đến Đại Sa-môn Cù-đàm cầu tu phạm hạnh.”

Lúc ấy năm trăm vị thương nhân đại trưởng giả cùng nhau đến chỗ Da-du-đà, Đến nơi, họ đồng bạch Da-du-đà:

-Thưa nhân giả Da-du-đà, từ lâu chúng ta không gặp mặt nhau, anh em chúng tôi đi vào biển, nay mới trở về nhà, nghe Nhân giả xuất gia, cho nên cùng nhau kéo đến đây vấn an. Nhân giả có được an ổn khoái lạc không? Có phiền não hay không?

Bao lời niềm nở tốt đẹp cùng nhau an ủi như vậy. Chào hỏi qua lại xong rồi, họ cùng nhau cung kính đứng lui về một bên.

Năm trăm vị thương nhân trưởng giả bạch Trưởng lão Da-du-đà:

-Thưa nhân giả Da-du-đà ở đây rất tốt đẹp.

Da-du-đà liền trả lời:

-Đúng vậy, đúng vậy. Ở đây hết sức tốt đẹp.

Lúc bây giờ, năm trăm vị thương chủ trưởng giả liền theo Trưởng lão Da-du-đà bỏ tục xuất gia thọ giới Cụ túc. Nhưng họ trải qua thời gian khá lâu mà không đắc đạo.

Đức Thế Tôn du hóa các nước, rồi quay về ngự tại tinh xá vườn cây Kỳ-đà thuộc thành Xá-bà-đề. Khi ấy Trưởng lão Da-du-đà đã trải qua thời gian ở Lộc Uyển khá lâu, sau khi mãn hạ cùng năm trăm Tỳ-kheo rời khỏi vườn Nai. Nghe Đức Phật hiện ngự tại tinh xá Kỳ-đà, muốn yết kiến Đức Phật, các khách tăng này đi đến vườn Kỳ-đà. Bấy giờ, các Tỳ-kheo cựu trú nơi đây, có người tiếp bát, có người tiếp y, khăn, nên trong căn phòng lúc này xôn xao ồn ào lớn tiếng.

Lúc ấy, tuy Đức Thế Tôn biết nhưng vẫn hỏi Trưởng lão A-nan:

-Này A Nan, trong căn phòng ấy hôm nay vì cớ gì to tiếng xôn xao ồn ào như vậy?

Tôn giả A-nan bạch Phật:

-Bạch Như Lai Thế Tôn, hiện có năm trăm Tỳ-kheo khách đến, mà Trưởng lão Da-du-đà là vị thủ chúng. Chúng con thấy Tỳ-kheo khách đến, các vị Tỳ-kheo cựu trụ nơi đây cùng nhau hỏi thăm qua lại và tiếp rước y bát cất trong phòng, nên phát ra tiếng nói lớn.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Tôn giả A-nan:

-Này Trưởng lão A-nan, đã đúng lúc vì Ta mời các Tỳ-kheo khách đến đây.

Trưởng lão A-nan nghe theo lời Phật dạy, liền đến báo các Tỳ-kheo khách:

-Thưa các vị Tỳ-kheo khách, hiện giờ Đức Thế Tôn gọi tất cả chư vị Tỳ-kheo khách đến.

Tất cả Tỳ-kheo khách nghe A-nan nói như vậy, liền thưa với Tôn giả A-nan:

-Như lời Ngài dạy, chúng tôi xin vâng.

Năm trăm vị khách Tăng vâng lời chỉ dạy của Tôn giả A-nan cùng nhau đến chỗ Đức Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, lễ bái xong, lui về đứng một bên. Các Tỳ-kheo khách lui về một bên rồi, đều đứng im lặng.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo khách:

-Này các thầy, vì cớ gì các thầy nói lớn tiếng như vậy, giống như người thế gian cãi nhau la lên: “Hô hô! Ha ha! Tiếng ấy giống như người câu cá la lên mỗi khi họ cùng nhau theo rượt đuổi bắt cá. Này các thầy Tỳ-kheo, các thầy nên trở về chỗ cũ, không được ở nơi đây cùng Ta, Ta đuổi các thầy ra khỏi chỗ này.

Bấy giờ, năm trăm vị tân Tỳ-kheo khách nghe Đức Phật nói như vậy, đồng bạch Phật:

-Chúng con xin y theo lời Phật dạy.

Năm trăm Tỳ-kheo khách này nghe lời Phật đuổi, đảnh lễ dưới chân Phật, nhiễu quanh Đức Phật ba vòng, rồi từ tạ ra đi. Họ mang y bát ra khỏi tinh xá, đi đến một bờ sông, sông này tên là Bà-la-cù-ma-đế (nhà Tùy dịch là Tú-mị-chủ) Họ ở tại bờ sông Tú-mị này ngày đêm siêng năng không nghỉ, đầu đêm cuối đêm không nằm không ngủ, dụng tâm dũng mãnh chí nguyện mong cầu tu tập, để chứng được các pháp trụ đạo. Họ dụng tâm không ngừng nghỉ, trong thời gian chẳng bao lâu sự tu tập được kết quả. Những thiện nam tử này đều chánh tín xả tục xuất gia, lại chuyên tu tập phạm hạnh vô thượng, công năng tu tập đã xong, hiện tiền thấy được thật tướng các pháp, chứng được các phép thần thông, liền đoạn trừ tất cả kết sử, tự xướng lên: “Sinh tử đã dứt, được hoàn tất phạm hạnh, việc làm đã xong, lại không thọ sinh đời sau, tự chứng tự biết.” Tất cả những Trưởng lão này đều thành A-la-hán, tâm giải thoát hoàn toàn, không còn lo sợ.

Thuở ấy, Đức Thế Tôn đang ngự tại tinh xá Xá-bà-đề-kỳ-đà trong thời gian ngắn, Ngài sắp du hóa các thôn xóm còn lại, từ xóm làng này dần đến xóm làng khác. Khi đến thành Tỳ-da-ly, hướng về ao Di-hầu, trên bờ ao có tinh xá bằng cỏ, Ngài dừng nghỉ ở nơi đây.

Vào một hôm, mặt trời đã xế bóng, Đức Thế Tôn từ thiền định dậy, ra khỏi thảo tinh xá, đến chỗ đất trống trải tọa cụ ngồi. Các vị Tỳ-kheo bao vây chung quanh tả hữu trước sau. Khi ấy Đức Thế Tôn bảo Trưởng lão A-nan:

-Này Trưởng lão A-nan, Ta thấy các Tỳ-kheo ở bờ sông Bà-la-cù-ma-đế, nơi đấy có hào quang rực rỡ, mà ở trên bờ sông Bà-la-cù-ma-đế là năm trăm vị Tỳ-kheo.

Đức Phật nói như vậy ba lần. Đức Phật bảo Tôn giả A-nan: -Thầy hãy đến gọi các Tỳ-kheo ấy tới gặp Ta.

Tôn giả A-nan nghe Đức Phật sai như vậy, liền đến chỗ một Tỳ-kheo niên thiếu, đến nơi bảo Tỳ-kheo đó:

-Lành thay! Này Trưởng lão, thầy mau đến bờ sông Bà-la-cù-ma-đế, nơi đó đang có các Tỳ-kheo. Thầy đến thưa các vị Trưởng lão đó: “Đức Thế Tôn muốn gặp các vị Trưởng lão. Nếu các vị thấy đúng lúc, nên mau đến yết kiến Thế Tôn.”

Vị Tỳ-kheo niên thiếu nghe Trưởng lão A-nan dặn như vậy, liền thưa Tôn giả A Nan:

-Y như Tôn giả dạy, tôi xin vâng lời.

Khi ấy Tỳ-kheo trưởng lão niên thiếu, cấp tốc đi trong khoảnh khắc như tráng sĩ duỗi cánh tay. Đúng vậy, đúng vậy, khi vị Tỳ-kheo-niên thiếu mất dạng từ thành Tỳ-da-ly để đi đến bờ sông Bà-la-cù-ma-đế, xuất hiện nơi các Tỳ-kheo đó. Đến nơi, vị Tỳ-kheo niên thiếu liền thưa các vị Tỳ-kheo kia:

-Lành thay! Các vị Trưởng lão, ngày nay nếu các vị thấy hợp thời, Đức Thế Tôn muốn gặp các vị Trưởng lão, quý vị nên biết, mau đến hầu Thế Tôn.

Khi ấy, các vị Tỳ-kheo ở bên bờ sông kia thưa vị Tỳ-kheo niên thiếu:

-Như Trưởng lão dạy, chẳng dám sai lời.

Bấy giờ, các vị Tỳ-kheo nghe vị Tỳ-kheo niên thiếu nói như vậy, trong thời gian như tráng sĩ duỗi cánh tay, đều khuất bóng tại bờ sông Bà-la-cù-ma-đế và xuất hiện tại thảo tinh xá bên bờ ao Di-hầu trong thành Tỳ-da-ly.

Khi ấy, Đức Thế Tôn đang nhập vào Bất động tam-muội, Trưởng lão Da-du-đà và năm trăm Tỳ-kheo cũng nhập vào Bất động tam-muội. Canh một đêm ấy, Tôn giả A-nan đứng dậy, trịch áo vai bên phải, sửa sang y phục chấp tay hướng về Đức Thế Tôn thưa:

-Cúi xin Đức Thế Tôn biết cho, đêm nay đã đến canh một, Ngài có thể hỏi chuyện an ủi các Tỳ-kheo khách.

Đức Thế Tôn như vậy cho đến nửa đêm, Tôn giả A-nan lại thỉnh:… Đức Thế Tôn im lặng không nói. Lúc bấy giờ, đã hết canh ba, Tôn giả A-nan lại thưa thỉnh:… Đức Thế Tôn vẫn im lặng.

Cho đến cuối đêm, sắp đến giờ điểm trống thức, sao mai sắp mọc, Trưởng lão A-nan lại đứng dậy, trịch áo vai bên phải, sửa sang y phục chắp tay hướng về Đức Thế Tôn, bạch:

-Xin Đức Thế Tôn biết cho, đã đến cuối đêm, chẳng bao lâu nữa trống canh báo thức sẽ điểm, sao mai sắp mọc, bạch Thế Tôn nay có thể giáo huấn an ủi các Tỳ-kheo khách, lại e chư Tỳ-kheo ngồi đã lâu nên thân thể mệt mỏi.

Khi ấy Đức Thế Tôn bảo Tôn giả A-nan:

-Này Trưởng lão A-nan, người không biết sự việc này. Vì lý do gì? Này Trưởng lão A-nan, nếu thầy biết sự việc này thì không nên thưa thỉnh vì chánh định này không phải là cảnh giới của thầy. Tại sao? Này A-nan, Ta đang nhập vào chánh định Bất động, năm trăm vị Tỳ-kheo khách này cũng như Trưởng lão Da-du-đà đều nhập vào chánh định Bất động, mà Da-du-đà là người đứng đầu. Ta tự biết việc này là như vậy.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bằng giọng sư tử rống nói kệ:

Đã vượt vũng bùn dục phiền não
Các gai kết sử đã nhổ xong
Đến chỗ tham si đều diệt sạch
Chẳng ở trong vòng khổ với vui.
Vượt qua được đến bờ bên kia
Như vậy mới thật là dũng mãnh
Cũng gọi Tỳ-kheo phá hết ác
Cũng gọi người giải thoát hoàn toàn.

Khi Đức Thế Tôn nói kệ rồi, năm trăm vị Tỳ-kheo cho là việc hy hữu chưa từng có. Do sinh tâm hy hữu chưa từng có, họ cùng nhau nói:

-Các vị Trưởng lão, việc này thật hy hữu! Trưởng lão Da-du-đà này có thần thông lớn nên mới khiến tất cả năm trăm Tỳ-kheo chúng ta, như Da-du-đà. Xưa ở tại nhà là bằng hữu nay cũng như nhau. Cha mẹ thân tộc của vị ấy đều có phước đức.

Bấy giờ năm trăm vị Tỳ-kheo đều sinh nghi, muốn hỏi Đức Thế Tôn để giải bày, nên cùng nhau bạch Phật:

-Thưa Đức Thế Tôn, Trưởng lão Da-du-đà này trong quá khứ trồng các căn lành gì mà thời hiện tại sống trong nhà giàu có phước đức như vậy? Nhiều tài sản như vậy? Nhiều ngọc quý như vậy? Gia súc đầy đủ như vạy? Sinh trong nhà đầy đủ như vậy? Khi mới sinh có chiếc lọng báu che trên thân ngài như vậy? Cha mẹ vì ngài kiến tạo ba tòa nhà như vậy? Xưa trồng nghiệp gì mà nay được quả báo như vậy? Lại âối với các cô gái đẹp lại tưởng như thây ma và nhân gì được gặp Đức Phật xuất gia thọ cụ túc giới thành A-la-hán? Nhân gì mà mẹ và vợ ngài đều được Thánh pháp? Nhân duyên gì thân bằng quyến thuộc cùng thương chủ triều đình các nước thành năm trăm Tỳ-kheo, ở tại bờ sông Bà-la-cù-ma-đế đồng chứng quả A-la-hán?

Thưa hỏi như vậy rồi, họ đều yên lặng.

Khi ấy, Đức Thế Tôn liền bảo năm trăm vị Tỳ-kheo khách: -Này các thầy Tỳ-kheo, chú ý lắng nghe! Ta nhớ thuở quá khứ ở thành Ba-la-nại này, có một người sắp kinh doanh nhiều sự nghiệp, nghĩ thế này: “Nếu sự việc này của ta thành tựu, ta lại làm việc khác, Việc khác này được thành tựu rồi, ta lại làm việc khác nữa. Nếu tất cả những sự việc đều được thành tựu rồi thì sau đó sẽ ta sắm sửa đầy đủ thức ăn uống cao lương mỹ vị, như đồ ăn uống mềm, cứng…, mỗi thứ đều được đầy đủ, đem cúng dường Sa-môn, hay Bà-la-môn, để họ ăn uống thật no đủ.”

Người này do nhân duyên thiện nghiệp ý chí dũng mãnh, lại được nhiều phước đức, nên tất cả các việc kinh doanh nhờ đó đều được thành tựu. Người này thấy sự nghiệp đã thành tựu, nên vào một buổi sáng mai nọ, thức dậy sửa soạn đầy đủ các thức ăn uống cứng mềm và mang đầy đủ thức ăn uống này đi đến cửa thành. Đến nơi bày biện xong xuôi, ông ta thầm nghĩ: “Nơi cửa thành này, nếu gặp Sa-môn hay Bà-la-môn đầu tiên, ta sẽ đem nhiều thức ăn uống… cứng mềm để hiến dâng.”

Thuở ấy, ngoài cửa thành có vị Bích-chi-phật hiệu là Na-dà-la Thi-khí (nhà Tùy dịch là Thạnh Kế) thường ở tại thành Ba-la-nại. Vị Tôn giả Bích-chi-phật này vào buổi sáng sớm hôm ấy, đắp y mang bình bát, đi bộ chậm rãi hướng về thành Ba-la-nại để khất thực.

Vị thương gia này thấy vị Bích-chi-phật oai nghi khoan thai, đi đứng trang nghiêm, bước đi thong thả không có nghiêng lệch, không liếc nhìn hai bên, bước đi chậm rãi nhìn thẳng về trước, giữ gìn oai nghi không nhanh không chậm, phục sức tương xứng, trong ngoài nghiêm chỉnh, ai cũng thích chiêm ngưỡng. Vị thương gia này thấy rồi, tâm sinh thanh tịnh, hết sức hoan hỷ, đem thức ăn dâng cúng vị Bích-chi-phật.

Bấy giờ, vị Bích-chi-phật thầm nghĩ: “Ta được bố thí thức ăn mỹ vị, mà giờ thọ trai chưa đến, còn thì giờ trống, cần phải tọa thiền nhất tâm buộc niệm.” Suy nghĩ như vậy rồi, ngài liền lui bước hướng thẳng đến bờ sông. Nơi đấy có một tàng cây, ngài liền ngồi kiết già dưới gốc cây ấy, thân thể ngay ngắn ý tưởng chánh định, nhất tâm tịch tĩnh không lay, không động, an trú như vậy.

Thuở ấy, vị vua cai trị thành Ba-la-nại tên là Bà-lam-ma-đạt-đa (nhà Tùy dịch là Phạm Đức) sửa soạn bốn binh xe cộ, kéo ra khỏi cửa thành. Ngay lúc ấy bỗng nhiên có một người từ trong xóm tay cầm chiếc lọng đi ngược chiều nhà vua. Người này từ xa trông thấy Quốc vương Phạm Đức từ trước đi lại, nên thầm nghĩ: “Ta phải lánh mặt đừng để vua trông thấy.”

Người này suy nghĩ như vậy rồi, liền lánh xuống mé đường, rẽ đi một lối khác, đường rẽ này dẫn đến bờ sông Ba-la-nại. Người ấy đi xuôi theo dòng sông, chưa được bao xa, bỗng nhiên thấy một vị Bích- chi-phật đang ngồi kiết già dưới tàng cây nọ bên bờ sông, chánh niệm tư duy, thân không lay động. Thân vị Bích-chi-phật bị ánh nắng nên cả mình đều ướt đẫm mồ hôi. Người này thấy vậy, suy nghĩ: “Vị Tiên này chắc có lẽ là người trì giới thanh tịnh, nhất định người sẽ chứng thật tướng các pháp, nay ánh sáng rọi vào thân thể, làm nóng bức khó chịu.” Nghĩ như vậy rồi, người này tay cầm chiếc lọng đến che mát trên thân Bích-chi-phật.

Lúc ấy vị Bích-chi-phật biết giờ thọ trai sắp đến, nên suy nghĩ: “Giờ ăn của ta đã đến, nên phải xả thiền đứng dậy.”

Khi vị Bích-chi-phật xuất thiền, bỗng thấy có người cầm lọng che mát thân mình. Thấy rồi vì thương tưởng người này, ngài bay vọt lên hư không hiện mười tám sự biến hóa, ở trong hư không biến dạng những hành động tới lui: hoặc quỳ, hoặc đứng, hoặc nằm, hoặc ngồi, hoặc bốc khói nóng, hoặc phóng hào quang, hoặc khi biến ra nước, lúc vọt lên, khi chìm xuống, lđc ẩn lúc hiện… Vị Bích-chi-phật thị hiện vô lượng, vô biên những thần thông như vậy.

Bấy giờ, người này liền đối với vị Bích-chi-phật Na-dà-la Thi-khí sinh tín tâm thanh tịnh, chắp tay chí thành đảnh lễ, phát nguyện: “Tôi nguyện đời sau được gặp Thánh nhân như thế này hay hơn thế này. Gặp rồi, những giáo pháp ngài nói ra, tôi nguyện ở trong giáo pháp ấy được mau chứng biết, nguyện đời vị lai không đọa vào ác đạo.” Rồi người này lại thưa thỉnh vị Bích-chi-phật:

-Xin thỉnh ngài dùng cơm.

Liền đó vị ấy lại thưa hỏi:

-Tôn giả hiện giờ ở đâu?

Đáp:

-Ta ở chỗ đó… Ta đi xứ kia…

Sau đó, vị ấy lại tìm đến thảo am, chỗ vị Bích-chi-phật ở. Tới nơi vị ấy rưới nước quét dọn trong ngoài, dùng bùn tô đắp, dọn dẹp cỏ rác xong, rồi thỉnh ý Bích-chi-phật:

-Ý con muốn dâng bốn sự nhu cầu cúng dường, những gì ngài cần con sẽ cung cấp đầy đủ tất cả y phục, thực phẩm…

Cung phụng vị Bích-chi-phật như vậy rồi, về nhà đối với cha mẹ, vợ con, thân tộc, vị ấy trình bày lại sự việc như trên:

-Ta thấy một vị Tiên nhân như vậy, giới hạnh như vậy, thanh tịnh chứng diệu pháp như vậy. Thưa các vị, nếu thấy hợp thời các vị nên đến đó cúng dường tôn trọng.

Bấy giờ cha mẹ, vợ con, thân bằng quyến thuộc nghe xong, liền đồng nhau đi đến chỗ vị Bích-chi-phật Na-dà-la Thi-khí, đem tâm thanh tịnh cung kính cúng dường.

Vị ấy trải qua một thời gian ngắn phát sinh thiện niệm thế này: “Ở tại gia bị nguy hiểm lớn vì phiền não trói buộc, xuất gia được an lạc lớn và giải thoát vô vi; tại gia không thể hoàn tất việc giải thoát, cũng không thể hoàn toàn vô cấu, cũng không thể hoàn toàn vô nhiễm cho đến cả cuộc đời này, muốn thanh tịnh vô cấu hoàn toàn cũng không thể được, vậy ta nên đến vị Tiên nhân kia xin xuất gia.” Nghĩ như vậy rồi, vị ấy đi đến thưa vị Bích-chi-phật Na-dà-la Thi-khí:

-Lành thay! Thưa Đại tiên, xin ngài cho con được xuất gia.

Vị Bích-chi-phật không đồng ý. Vị ấy lại thưa thỉnh lần thứ hai, rồi cho đến lần thứ ba:

-Lành thay! Thưa Đại tiên, xin ngài cho con được xuất gia.

Bấy giờ, vị Bích-chi-phật Thi-khí thương tưởng vị ấy vì đã ba lần thưa thỉnh, liền bảo:

-Này thiện nam tử, hôm nay ông muốn xuất gia, thì cách đây chẳng bao xa có vị ngoại đạo tên Ba-lê-bà-la-xà (nhà Tùy dịch Hành Hành Phục Hành) ông nên đến đó tu tập điều phục thân tâm, lấy đó làm nhân duyên để đời sau xuất gia ở trong chánh pháp.         Ông nên nguyện cầu, ở đời vị lai có một Đức Phật xuất hiện, hiệu là Thích-ca Mâu-ni Như Lai, nguyện gặp được Phật, gặp rồi chớ bỏ lỡ cơ hội, ở trong giáo pháp của Như Lai, được xuất gia thệ nguyện lìa xa các khổ.

Bấy giờ vị ấy vâng lời vị Bích-chi-phật Na-dà-la Thi-khí, tuân hành không dám trái ý, thỉnh vị Bích-chi-phật trọn đời nhận tứ sự cúng dường. Bấy giờ Tôn giả Bích-chi-phật Na-dà-la Thi-khí, tùy duyên trụ ở đời, thọ mạng đã mãn, nhập vào Niết-bàn. Vị ấy thấy vị Bích-chi-phật nhập Niết-bàn, liền cùng tất cả quyến thuộc nhóm họp liệm thân ngài làm lễ hỏa táng cúng dường đúng như pháp. Nghĩa là xây tháp thờ xá-lợi, trên đảnh tháp xây bánh xe hình tròn úp xuống, treo các bảo linh, phướn lọng, hoa thơm và các ngọn đèn thắp sáng liên tục để cúng dường.

Vị ấy trải qua thời gian cúng dường chư Phật, liền xuất gia ở trong pháp ngoại đạo Bà-la-bà-la-xà. Sau khi xuất gia, vị ấy trở vào rừng tu tập, thường vào mỗi buổi sáng đi vào thành Ba-la-nại khất thực độ nhật.

Một hôm, khi vào Ba-la-nại khất thực, tới nơi khu rừng nọ, vị ấy bỗng thấy một tử thi nữ vì bệnh nặng mà chết, da ngã màu xanh gần tan rữa, giòi tửa chui rúc khắp các lỗ trên thân. Thấy rồi, đứng gần bên đường quan sát tường tận, vị ấy sinh tưởng bất tịnh, rồi đi. Vị ấy buột niệm thân bất tịnh như vậy, nghĩ nhớ chẳng quên, lại luổn quán tưởng cực nhọc thành tựu, tâm đắc tứ thiền. Vị ấy lại phát lời nguyện: “Nguyện đời vị lai gặp được Đức Phật Thích-ca xuất hiện ở đời, ngày ấy tôi gặp Phật, nguyện làm đồng tử ở bên Phật xuất gia tu phạm hạnh, những giáo pháp Đức Như Lai nói ra, nghe rồi tôi nguyện mau chứng biết.”

Vị ấy tùy tuổi thọ sống ở đời một thời gian rồi tạ thế. Sau khi qua đời sinh lên cung Phạm thiên. Vị ấy từ cõi Phạm thiên giáng sinh xuống nhân gian, trải qua nhiều kiếp số như vậy, thân tối hậu sinh vào nhà trưởng giả cự đại phú trong thành Ba-la-nại, mà vị trưởng giả này có nhiều tiền của tài sản, y phục ngọc ngà, cho đến tất cả không có gì thiếu hụt.

Bấy giờ Đức Thế Tôn lại bảo các thầy Tỳ-kheo:

-Lại còn các nhân duyên khác Ta sẽ nói đầy đủ.

Cũng tại thành Ba-la-nại này, có một nước tên là Ca-thi, vua nước này tên là Kỳ-lê-thi (nhà Tùy dịch là Tổn sấu). Sau khi Đức Phật Thi-khí nhập Niết-bàn, vua Kỳ-lê-thi dùng bảy báu: vàng, bạc, pha lê, lưu ly, mã não, san hô, hổ phách xây tháp cúng dường, bên ngoài xây thành bằng đá bao bọc bảo tháp, tháp cao một do-tuần, rộng nửa do-tuần. Tháp mà Quốc vương Kỳ-lê-thi xây tên là Đà-xa-bà-lê-dà (nhà Tùy dịch là Thập Tướng). Luân tướng của tháp: Tầng thứ nhất vua Kỳ-lê-thi làm. Tầng thứ hai do đại phi của vua làm. Tầng thứ ba do trưởng tử của vua làm. Tầng thứ tư do công chúa của vua tên là Ma-lê-ni (nhà Tùy dịch Tiểu Man) làm. Tầng thứ năm do con trai thứ hai của vua Kỳ-lê-thi làm. Tầng thứ sáu do con trai thứ ba của vua Kỳ-lê-thi làm. Tầng thứ bảy do con trai thứ hai của vua Kỳ-lê-thi làm.

Này các Tỳ-kheo, phải biết lúc bấy giờ con thứ ba của vua Kỳ lê-thi vì thờ xá-lợi của Đức Phật Ca-diếp Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác mà xây tầng tháp thứ sáu, nay là Tỳ-kheo Da-du-đà vậy.

Đức Phật bảo các thầy Tỳ-kheo:

-Trong thời quá khứ, vị ấy cầm lọng che mát Bích-chi-phật và trang nghiêm luân tướng trên tầng tháp xá-lợi của Phật Ca-diếp sáng rực, nên nay thành tựu quả báo, vừa mới sinh tự nhiên có lọng báu che trên đầu.

Lại nữa, thuở xưa Da-du-đà tạo nghiệp cất thảo am cho Bích-chi-phật Na-dà-la Thi-khí và đem đủ thứ tài vật: Y phục, đồ ăn uống… cúng dường vị Bích-chi-phật này, nên nay hưởng quả sinh trong nhà giàu có, khi tuổi thành niên cha mẹ kiến tạo ba tòa nhà, thọ hưởng phước báo một cách tự tại.

Lại nữa, trong quá khứ Da-du-đà do vì tạo thiện nghiệp: Từng ở trong rừng thấy nữ tử thi, sinh tưởng bất tịnh tâm hồn luôn tưởng nhớ thân bất tịnh, nên ngày nay được quả báo sống tại gia đối với hàng gái đẹp mà tưởng như bãi tha ma.

Lại nữa, trong quá khứ Da-du-đà do vì gây thiện duyên đối trước vị Bích-chi-phật Na-dà-la Thi-khí phát lời thệ nguyện: “Ta nguyện đời đời về sau không sinh trong ác đạo.” Do sức thiện nghiệp này nên các đời về sau không trải qua các ác thú, chỉ từ cõi trời sinh xuống cõi người, hoặc từ cõi người sinh lên cõi trời hưởng quả báo an lạc.

Lại nữa, trong quá khứ Da-du-đà do vì nhân duyên ở trước vị Bích-chi-phật Na-dà-la Thi-khí phát lời thệ nguyện vị lai: “Gặp bậc Tôn giả đại tiên như thế này, hoặc gặp các bậc Tối thắng hơn. Nếu Đức Tôn nói ra các pháp yếu vi diệu, ta nguyện nghe là thọ trì tất cả, nghe rồi đều chứng biết.” Nhờ phước lực đó, nên nay được phước báo gặp Ta là Đức Thế Tôn Tối Thắng, lại ở trong giáo pháp của Ta xuất gia chứng quả lậu tận A-la-hán.

Lại nữa, trong quá khứ Da-du-đà do vì nhân duyên lần đầu tiên gặp vị Bích-chi-phật Na-dà-la Thi-khí, tâm sinh hoan hỷ, vì hoan hỷ nên trở về nhà truyền lại cho cha mẹ, vợ con, lục thân quyến thuộc, xưng dương tán thán vị Bích-chi-phật đại tiên Na-dà-la Thi-khí có nhiều công đức. Thân bằng quyến thuộc nghe lời tán thán này, tâm sinh hoan hỷ kính tín cung kính bội phần. Họ cùng nhau sắm sửa các thứ cúng dường, đến chỗ Bích-chi-phật lễ bái thiết lễ tứ sự cúng dường đầy đủ. Nhờ thiện nghiệp đó nên nay được phước báo là cha mẹ vợ con cùng thân bằng quyến thuộc của Tỳ-kheo Trưởng lão Da- du-đà, ở trong pháp của Ta đều được Thánh pháp; lại hàng thiện hữu tri thức của Da-du-đà khi còn tại nhà, đến bên bờ sông Bà-la-cù-ma- đế, năm trăm vị Tỳ-kheo ở đây một thời gian lâu đều chứng A-la-hán. Những người trong quá khứ gặp vị Bích-chi-phật, mỗi người đều đồng nguyện, đồng tâm phát lời thệ rằng ở chỗ bậc Đại tiên Thánh nhân trồng các thiện nghiệp như vậy, nên nay họ được quả báo ấy.

Khi ấy, Đức Thế Tôn lại nói kệ:

Cúng dường chân Thánh như thế ấy
Được đại quả báo số vô lượng
Bích-chi Thi-khí cùng Thế Tôn
Cùng bậc lậu tận A-la-hán,
Lại còn cúng dường Bậc Thập Lực
Đầy đủ Vô uý đầy tướng tốt
Các Bậc Thánh trí đại từ bi
Hưởng được quả báo không cùng tận.
Cúng dường ruộng phước Phật Duyên giác
Và các Thanh văn chúng giải thoát
Hiện thọ quả báo cõi trời người
Sau chứng tịch diệt đại Niết-bàn.