SỐ 223
KINH MA-HA BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT
Hán dịch: Pháp sư Cưu-ma-la-thập
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 10

Phẩm 38: PHÁP THÍ

Phật bảo trời Đế Thích:

–Này Kiều-thi-ca! Nếu có thiện nam, thiện nữ nào dạy người trong cõi Diêm-phù-đề thực hành mười nghiệp lành thì người này được phước có nhiều chăng?

Thiên đế thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn! Người này được phước rất nhiều. Phật dạy:

–Này Kiều-thi-ca! Vẫn không bằng phước của người biên chép, thọ trì kinh Bát-nhã ba-la-mật rồi đem cho người khác bảo đọc tụng, giảng nói. Vì sao? Vì trong Bát-nhã ba-la-mật có nói rộng các pháp vô lậu. Các thiện nam, thiện nữ từ đây tu học, đã học, sẽ học, đang học, đã được, sẽ được, đang được, nhập vào chánh vị, đã được, sẽ được, đang được quả Tu-đàhoàn, cho đến quả A-la-hán. Người cầu đạo Bích-chi-phật cũng giống như vậy.

Các Đại Bồ-tát cầu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác đã nhập, sẽ nhập, đang nhập chánh pháp vị, đã được, sẽ được, đang được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Này Kiều-thi-ca! Thế nào là pháp vô lậu?

Đó là bốn Niệm xứ cho đến mười tám pháp Bất cộng.

Thiện nam, thiện nữ nào học pháp này thì đã được, sẽ được, đang được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Này Kiều-thi-ca! Nếu có thiện nam, thiện nữ nào dạy cho một người chứng quả Tu-đà-hoàn, người này được phước nhiều hơn dạy cho người trong một Diêm-phù-đề thực hành mười nghiệp lành.

Vì sao? Vì dạy cho người trong một Diêm-phù-đề thực hành mười nghiệp lành, chẳng được lìa hẳn khổ ba đường ác.

Còn dạy cho một người chứng quả Tu-đà-hoàn thì lìa hẳn khổ địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.

Cho đến quả A-la-hán và đạo Bích-chi-phật cũng giống như vậy.

Này Kiều-thi-ca! Nếu thiện nam, thiện nữ nào dạy cho người trong một Diêm-phù-đề chứng quả Tu-đà-hoàn, Tư-đàhàm, A-nahàm, A-la-hán, Bích-chi-phật, chẳng bằng dạy cho một người chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, được phước rất nhiều.

Vì sao? Vì từ nhân duyên của Bồ-tát mà sinh ra Tu-đàhoàn cho đến Bích-chi-phật, từ nhân duyên Bồ-tát mà sinh ra chư Phật.

Này Kiều-thi-ca! Vì thế nên biết rằng thiện nam, thiện nữ nào chép kinh Bát-nhã ba-la-mật đem cho người khác đọc tụng, giải thích thì được phước rất nhiều.

Vì sao? Vì trong Bát-nhã ba-la-mật này có nói rộng các pháp lành. Học các pháp lành này thì sinh ra các đại tộc ở nhân gian và chư Thiên các tầng trời cho đến trời Phi phi tưởng.

Học các pháp lành này thì sinh ra bốn Niệm xứ cho đến Nhất thiết chủng trí, thì có Tu-đà-hoàn cho đến Bích-chi-phật, thì có chư Phật.

Lại nữa, này Kiều-thi-ca! Bất luận dạy người trong một Diêmphù-đề, nếu có thiện nam, thiện nữ nào dạy cả chúng sinh trong bốn thiên hạ thực hành mười nghiệp lành, chẳng bằng người chép kinh Bát-nhã ba-la-mật đem cho người khác đọc tụng, giải thích, được phước rất nhiều, những điều khác như trên đã nói.

Bất luận bốn thiên hạ, nếu có thiện nam, thiện nữ nào dạy cả chúng sinh trong tiểu thiên thế giới, trung thiên thế giới, đại thiên thế giới, cho đến dạy cả chúng sinh trong hằng sa thế giới thực hành mười nghiệp lành, chẳng bằng người chép kinh Bát-nhã ba-la-mật đem cho người khác đọc tụng, giải thích, được phước rất nhiều. Những điều khác như trên đã nói. Lại nữa, này Kiều-thi-ca! Có người dạy chúng sinh trong một Diêm-phù-đề cho họ đứng vững trên bốn Thiền, bốn Tâm vô lượng. Bốn Định vô sắc, năm Thần thông. Người này được phước nhiều chăng?

Thiên đế thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn! Người này được phước rất nhiều! Phật dạy:

–Vẫn chẳng bằng thiện nam, thiện nữ kia viết chép kinh Bátnhã ba-la-mật đem cho người khác đọc tụng, giải thích, được phước rất nhiều.

Vì sao? Vì trong Bát-nhã ba-la-mật có nói rộng các pháp lành. Những điều khác như trên đã nói. Cho đến dạy cả chúng sinh trong hằng sa thế giới ở mười phương thực hành mười nghiệp lành, so sánh phước đức cũng giống như vậy.

Lại nữa, này Kiều-thi-ca! Nếu có thiện nam, thiện nữ thọ trì, đọc tụng, giải thích, ghi nhớ Bát-nhã ba-la-mật thì người này được phước hơn người dạy cho cả chúng sinh trong Diêm-phùđề thực hành mười nghiệp lành cùng an lập trong bốn Thiền, bốn Tâm vô lượng, bốn Định vô sắc, đến năm Thần thông.

Người thọ trì, gần gũi cho đến ghi nhớ Bát-nhã ba-la-mật, chẳng do hai pháp, cũng chẳng do pháp không hai.

Thọ trì, gần gũi cho đến ghi nhớ Thiền định ba-la-mật, Tinh tấn ba-la-mật, Nhẫn nhục ba-la-mật, Trì giới ba-la-mật, Bố thí balamật, chẳng do hai pháp, cũng chẳng do pháp không hai.

Vì Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác nên ghi nhớ nội không cho đến Nhất thiết chủng trí, chẳng do pháp hai, cũng chẳng do pháp không hai.

Lại nữa, này Kiều-thi-ca! Nếu có thiện nam, thiện nữ nào do nhiều nhân duyên vì người khác mà giảng nói nghĩa Bátnhã ba-lamật, phân biệt, khai thị cho họ được hiểu biết.

Thế nào là nghĩa Bát-nhã ba-la-mật?

Nghĩa Bát-nhã ba-la-mật là:

Chẳng nên dùng hai tướng để quán, chẳng nên dùng tướng không hai để quán, chẳng phải tướng có, chẳng phải tướng không, chẳng vào, chẳng ra, chẳng thêm, chẳng bớt, chẳng nhơ, chẳng sạch, chẳng sinh, chẳng diệt, chẳng thủ, chẳng xả, chẳng trụ, chẳng bất trụ, chẳng phải thật, chẳng phải hư, chẳng phải hợp, chẳng phải tan, chẳng phải trước, chẳng phải chẳng trước, chẳng nhân, chẳng phải chẳng nhân, chẳng phải pháp, chẳng phải chẳng phải pháp, chẳng phải như, chẳng phải bất như, chẳng phải thật tế, chẳng phải chẳng phải thật tế.

Thiện nam, thiện nữ nào dùng nhiều nhân duyên giảng nói, khai thị, phân biệt cho người khác được hiểu biết nghĩa Bát-nhã bala-mật này. Người này được phước đức rất nhiều, hơn là tự mình thọ trì, đọc tụng cho đến ghi nhớ.

Lại nữa, này Kiều-thi-ca! Thiện nam, thiện nữ tự thọ trì cho đến ghi nhớ Bát-nhã ba-la-mật, cũng dùng nhiều nhân duyên giảng nói, phân biệt, khai thị cho người khác được hiểu biết, thì người này được công đức rất nhiều.

Thiên đế bạch Phật rằng:

–Bạch Đức Thế Tôn! Thiện nam, thiện nữ này phải giảng nói, khai thị, phân biệt nghĩa Bát-nhã ba-la-mật như vậy làm cho người khác được hiểu biết ư?

Phật dạy:

–Đúng vậy, này Kiều-thi-ca! Thiện nam, thiện nữ giảng nói, khai thị, phân biệt nghĩa Bát-nhã ba-la-mật như vậy giúp cho người khác được hiểu biết, được vô lượng, vô biên, vô số phước đức.

Nếu có người cúng dường vô lượng, vô số chư Phật mười phương, trọn đời tùy theo những việc cần dùng mà cung kính, tôn trọng, khen ngợi, cúng dường hoa hương, cho đến phướn lọng.

Nếu có người dùng nhiều nhân duyên giảng rộng nghĩa Bátnhã ba-la-mật, khai thị, phân biệt nghĩa làm cho người khác hiểu biết thì được công đức rất nhiều. Vì sao? Vì quá khứ, vị lai, hiện tại chư Phật học từ Bát-nhã ba-la-mật này mà đã được, sẽ được, đang được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Lại nữa, này Kiều-thi-ca! Nếu thiện nam, thiện nữ trong vô lượng, vô biên, vô số kiếp thực hành Bố thí ba-la-mật, chẳng bằng thiện nam, thiện nữ giảng nói nghĩa Bát-nhã ba-la-mật, khai thị, phân biệt cho người khác hiểu biết phước đức rất nhiều.

Vì sao? Vì không có sở đắc.

Thế nào gọi là có sở đắc?

Này Kiều-thi-ca! Nếu Đại Bồ-tát có sở đắc mà bố thí. Lúc bố thí, thấy có người cho, người nhận, vật để cho, đó gọi là được Đànna mà chẳng được ba-la-mật.

Lúc trì giới, cho rằng ta trì giới, đây là giới, đó gọi là được Thila mà chẳng được ba-la-mật.

Lúc nhẫn nhục, cho rằng ta nhẫn nhục, vì người ấy mà nhẫn nhục, đó gọi là được Sằn-đề mà chẳng được Ba-la-mật.

Lúc tinh tấn, cho rằng mình tinh tấn, vì việc đó mà siêng năng tinh tấn, đó gọi là được Tỳ-lê-da mà chẳng được Ba-lamật.

Lúc tu thiền, cho rằng mình tu thiền, việc tu tập là thiền, đó gọi là được Thiền-na mà chẳng được Ba-la-mật.

Lúc tu tuệ, cho rằng mình tu tuệ, việc tu tập là tuệ, đó gọi là được Bát-nhã mà chẳng được Ba-la-mật.

Thiện nam, thiện nữ nào thực hành như vậy thì chẳng được đầy đủ Bố thí ba-la-mật, cho đến chẳng được đầy đủ Bát-nhã ba-lamật.

Thiên đế thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn! Đại Bồ-tát tu thế nào để được đầy đủ Bố thí ba-la-mật, cho đến đầy đủ Bát-nhã ba-la-mật? Phật dạy:

–Này Kiều-thi-ca! Lúc bố thí, Đại Bồ-tát chẳng thấy người cho, chẳng thấy người nhận, chẳng thấy vật đem cho. Người này được đầy đủ Bố thí ba-la-mật.

Cho đến lúc tu tuệ, Đại Bồ-tát chẳng thấy tuệ, chẳng thấy tuệ được tu tập thì người này được đầy đủ Bát-nhã ba-lamật.

Thiện nam, thiện nữ nào thực hành Bát-nhã ba-la-mật như vậy, nên vì người khác mà giảng nói nghĩa Bát-nhã ba-lamật, khai thị, phân biệt cho họ được hiểu. Năm pháp Ba-la-mật kia cũng giống như vậy.

Vì sao? Vì đời vị lai có người muốn nói Bát-nhã ba-la-mật nhưng chỉ nói tương tư Bát-nhã ba-la-mật.

Có thiện nam, thiện nữ nào phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, vì nghe tương tự Bát-nhã ba-la-mật này mà mất chánh đạo.

Thế nên Đại Bồ-tát phải vì người này mà giảng nói đủ nghĩa Bát-nhã ba-la-mật, khai thị, phân biệt cho họ hiểu.

Trời Đế Thích thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn! Thế nào là tương tự Bát-nhã ba-lamật?

Phật dạy:

–Có thiện nam, thiện nữ nào nói có sở đắc Bát-nhã bala-mật, đây là tương tự Bát-nhã ba-la-mật.

Thiên đế thưa:

–Thế nào là thiện nam, thiện nữ nào nói có sở đắc Bát-nhã bala-mật, đây là tương tự Bát-nhã ba-la-mật? Phật bảo:

–Thiện nam, thiện nữ nói rằng sắc là vô thường, thọ, tưởng, hành, thức là vô thường, thực hành như vậy là thực hành Bát-nhã bala-mật. Người tu hành tìm sắc vô thường, tìm thọ, tưởng, hành, thức vô thường, đó là thực hành tương tự Bát-nhã ba-la-mật.

Nói nhãn vô thường cho đến ý vô thường, nói sắc vô thường cho đến pháp vô thường, nói nhãn giới, sắc giới, nhãn thức giới vô thường cho đến ý giới, pháp giới, ý thức giới vô thường, nói địa chủng vô thường cho đến thức chủng vô thường, nói nhãn xúc vô thường cho đến ý xúc vô thường, nói các thọ do nhãn xúc làm duyên sinh ra vô thường cho đến các thọ do ý xúc làm duyên sinh ra vô thường.

Như nói về vô thường, đối với nói khổ, nói vô ngã cũng giống như vậy.

Lúc hành giả thực hành Bố thí ba-la-mật, vì nói sắc cho đến các thọ do ý xúc làm duyên sinh ra vô thường, khổ, vô ngã, nếu thực hành được như vậy là thực hành Bát-nhã ba-lamật.

Như lúc thực hành Bố thí ba-la-mật, lúc thực hành Trì giới bala-mật cho đến Bát-nhã ba-la-mật, lúc thực hành bốn Thiền cho đến bốn Định vô sắc, lúc thực hành bốn Niệm xứ cho đến Nhất thiết trí, cũng nói cho nghe vô thường, khổ, vô ngã, nếu thực hành được như vậy là thực hành Bát-nhã ba-la-mật.

Này Kiều-thi-ca! Như trên gọi là tương tự Bát-nhã ba-lamật.

Lại này, Kiều-thi-ca! Thuở vị lai có thiện nam, thiện nữ nào nói tương tự Bát-nhã ba-la-mật rằng các người tu hành Bát-nhã bala-mật, lúc tu hành Bát-nhã ba-la-mật, các người sẽ được Địa thứ nhất cho đến Địa thứ mười. Với Thiền-na cho đến Bố thí ba-la-mật cũng nói như vậy.

Nghe lời giải thích như trên, hành giả dùng tương tự có sở đắc, dùng tổng tướng tu Bát-nhã ba-la-mật này, đó gọi là tương tự Bátnhã ba-la-mật.

Lại nữa, này Kiều-thi-ca! Thiện nam, thiện nữ nào muốn nói Bát-nhã ba-la-mật, bảo rằng các người tu hành Bát-nhã ba-la-mật rồi sẽ vượt hơn các Thanh văn, Bích-chi-phật, đó gọi là nói tương tự Bát-nhã ba-la-mật.

Lại nữa, này Kiều-thi-ca! Thiện nam, thiện nữ vì cầu Phật đạo, nên giải thích rằng các người tu hành Bát-nhã ba-la-mật xong, sẽ nhập vào địa vị Bồ-tát, được pháp Nhẫn vô sinh. Đã được pháp Nhẫn vô sinh nên trụ vào thần thông của Bồ-tát, từ một cõi Phật đến một cõi Phật, cúng dường, cung kính, tôn trọng, khen ngợi chư Phật. Đây là giải thích tương tự Bátnhã ba-la-mật.

Lại nữa, này Kiều-thi-ca! Vì cầu Phật đạo nên thiện nam, thiện nữ giải thích rằng các người học Bát-nhã ba-la-mật này, thọ trì, đọc tụng, ghi nhớ thì sẽ được vô lượng, vô biên, vô số công đức, đó gọi là nói tương tự Bát-nhã ba-la-mật.

Lại nữa, này Kiều-thi-ca! Vì cầu Phật đạo nên thiện nam, thiện nữ nói rằng như chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại, tất cả công đức thiện căn từ khi bắt đầu phát tâm cho đến thành Phật, đều hồi hướng về Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Đây là giải thích tương tự Bát-nhã ba-la-mật. Thiên đế thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn! Vì sao thiện nam, thiện nữ vì cầu Phật đạo, không nói tương tự Bát-nhã ba-la-mật?

Phật dạy:

–Này Kiều-thi-ca! Nếu thiện nam, thiện nữ vì cầu Phật đạo mà nói Bát-nhã ba-la-mật như vầy: Này thiện nam! Ngươi tu hành Bátnhã ba-la-mật chớ quán sắc vô thường. Vì sao? Vì sắc, tánh sắc là rỗng không. Tánh sắc ấy chẳng phải pháp, pếu chẳng phải pháp, thì gọi là Bát-nhã ba-la-mật.

Trong Bát-nhã ba-la-mật, sắc chẳng phải thường, chẳng phải vô thường. Vì sao? Vì trong Bát-nhã ba-la-mật, sắc còn không thật có, huống chi là thường và vô thường. Giải thích thọ, tưởng, hành, thức cũng giống như vậy. Giải thích như vậy thì gọi là chẳng nói tương tự Bát-nhã ba-la-mật.

Lại này, Kiều-thi-ca! Vì cầu Phật đạo, nên thiện nam, thiện nữ nói rằng: “Ngươi tu hành Bát-nhã ba-la-mật, đối với các pháp chớ có đi qua cũng chớ có đứng lại.” Vì sao? Vì trong Bátnhã ba-la-mật, không có pháp gì qua được, đứng được. Bởi tất cả pháp tự tánh là rỗng không. Tự tánh rỗng không là chẳng phải pháp, nếu chẳng phải pháp thì tức là Bát-nhã ba-lamật.

Trong Bát-nhã ba-la-mật không có pháp gì vào được, ra được, sinh được, diệt được. Giải thích như vậy thì gọi là chẳng nói tương tự Bát-nhã ba-la-mật. Cho đến nói rộng như vậy trái hẳn với tương tự, thì gọi là chẳng nói tương tự Bát-nhã ba-la-mật.

Này Kiều-thi-ca! Thiện nam, thiện nữ phải nói nghĩa Bátnhã ba-la-mật như vậy. Nếu nói nghĩa Bát-nhã ba-la-mật như vậy, thì được công đức hơn trước.

Này Kiều-thi-ca! Nếu có người giáo hóa tất cả chúng sinh trong Diêm-phù-đề, trong bốn thiên hạ, trong tiểu thiên thế giới, trong trung thiên thế giới, trong đại thiên thế giới, cho đến giáo hóa tất cả chúng sinh trong hằng sa cõi nước ở mười phương đều được quả Tu-đà-hoàn, quả Tư-đà-hàm, quả A-na-hàm, quả A-la-hán, quả Bích-chi-phật. Ý ông nghĩ sao? Người này được phước có nhiều chăng?

Thiên đế thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn! Người này được phước rất nhiều. Phật dạy:

–Vẫn không bằng thiện nam, thiện nữ dùng nhiều nhân duyên vì người khác giảng nói, khai thị, phân biệt nghĩa Bátnhã ba-la-mật này cho họ hiểu. Bảo rằng các vị đến lãnh thọ Bát-nhã ba-la-mật này, siêng đọc siêng tụng, giảng nói, ghi nhớ, thực hành đúng như trong Bát-nhã ba-la-mật này nói. Vì sao? Vì từ Bát-nhã ba-la-mật sinh ra Tu-đà-hoàn cho đến đạo Bích-chi-phật.

Lại nữa, này Kiều-thi-ca! Thiện nam, thiện nữ giáo hóa chúng sinh trong một Diêm-phù-đề cho đến giáo hóa chúng sinh trong hằng sa cõi nước ở mười phương, khiến phát tâm Bồđề, cho đến giúp họ không thoái chuyển, dầu được phước rất nhiều, nhưng vẫn không bằng người giảng nói Bát-nhã ba-lamật cho người nghe, dùng mọi nhân duyên khai thị, phân biệt cho họ hiểu, bảo họ tu hành đúng như lời dạy trong Bát-nhã bala-mật, sẽ được Nhất thiết trí, pháp Nhất thiết trí và Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Vì sao? Vì từ Bát-nhã ba-la-mật sinh ra các Đại Bồ-tát mới phát tâm, cho đến sinh ra các Đại Bồ-tát không thoái chuyển. Lại nữa, này Kiều-thi-ca! Chúng sinh trong một Diêm-phùđề cho đến trong hằng sa thế giới ở mười phương phát tâm cầu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Nếu có thiện nam, thiện nữ vì họ mà nói rộng nghĩa Bát-nhã ba-la-mật và khai thị, phân biệt cho họ được hiểu biết.

Có người vì một Bồ-tát không thoái chuyển mà giảng nói Bátnhã ba-la-mật và khai thị, phân biệt cho được hiểu biết thì người này được phước rất nhiều.

Lại nữa, này Kiều-thi-ca! Nếu có chúng sinh trong một Diêmphù-đề, cho đến trong hằng sa thế giới ở mười phương đều được không thoái chuyển. Có thiện nam, thiện nữ đem giảng giải ý nghĩa Bát-nhã ba-la-mật cho những người này nghe. Trong đây có một Bồ-tát muốn mau chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nếu có người giảng giải ý nghĩa Bát-nhã ba-la-mật cho Bồ-tát này thì được phước nhiều hơn. Thiên đế thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn! Như Đại Bồ-tát càng gần đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, lại càng nên giáo hóa thực hành sáu pháp Ba-la-mật, càng nên giáo hóa thực hành nội không cho đến vô pháp hữu pháp không, bốn Niệm xứ cho đến mười tám pháp Bất cộng. Lại nên cúng dường y phục, đồ nằm, ẩm thực, thuốc men, tùy theo sự cần dùng mà cung cấp.

Thiện nam, thiện nữ dùng pháp thí và tài thí cúng dường Đại Bồ-tát này thì được công đức hơn những công đức trước. Vì Đại Bồtát này mau thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Tu-bồ-đề nói:

–Lành thay, lành thay! Này Kiều-thi-ca! Ông vì đệ tử bậc Thánh mà an ủi các Đại Bồ-tát vì Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nên đem pháp thí, tài thí làm lợi ích, theo lẽ thì phải như vậy.

Vì sao? Vì từ các Bồ-tát sinh ra chư Phật, Thánh chúng.

Nếu Bồ-tát chẳng phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, thời Bồ-tát này chẳng thể học sáu pháp Ba-lamật cho đến mười tám pháp Bất cộng, chẳng thể được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Nếu chẳng thể được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, thì không có Thanh văn và Bích-chi-phật.

Này Kiều-thi-ca! Vì thế nên các Đại Bồ-tát học sáu pháp Bala-mật cho đến mười tám pháp Bất cộng.

Do học sáu pháp Ba-la-mật cho đến mười tám pháp Bất cộng mà được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Do được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác nên dứt diệt ba đường ác địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Thế gian có các dòng hào tộc, có các tầng trời từ tầng trời Tứ vương cho đến trời Phi phi tưởng, có Bố thí ba-la-mật cho đến Bát-nhã ba-lamật, có nội không cho đến vô pháp hữu pháp không, có bốn Niệm xứ cho đến mười tám pháp Bất cộng, có Thanh văn thừa, Bích-chi-phật thừa và Phật thừa đều xuất hiện ở thế gian.