SỐ 221
KINH PHÓNG QUANG BÁT-NHÃ
Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Vô-la-xoa, người nước Vu Điền
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 7

Phẩm 37: KHÔNG HAI

Bấy giờ, Hiền giả A-nan bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Ban đầu Thế Tôn đã nói, chẳng khen ngợi năm pháp Ba-la-mật, cũng chẳng khen ngợi mười tám pháp Bất cộng, chỉ khen ngợi Bát-nhã ba-la-mật. Vì sao vậy?

Phật bảo A-nan:

–Đối với năm pháp Ba-la-mật, mười tám pháp Bất cộng thì Bát-nhã ba-la-mật là hơn hết. Vì sao vậy? Này A-nan, chẳng làm việc Bố thí bằng trí Nhất thiết mà gọi là Bố thí ba-la-mật chăng?

A-nan thưa:

–Thưa Thế Tôn! Chẳng phải như vậy.

Phật hỏi:

–Chẳng làm việc Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định bằng trí Nhất thiết mà có thể khen ngợi là Trì giới… Thiền định bala-mật chăng?

A-nan thưa:

–Bạch Thế Tôn! Chẳng phải như vậy.

A-nan bạch Phật:

–Sao gọi Bố thí bằng trí Nhất thiết là Bố thí ba-la-mật… Bátnhã ba-la-mật?

Phật bảo A-nan:

–Bố thí không hai, vì Bố thí bằng trí Nhất thiết là Bố thí ba-lamật, không chỗ sinh khởi, không chỗ ỷ lại. Bố thí trí Nhất thiết là Bố thí ba-la-mật, không niệm sinh khởi, không niệm ỷ lại. Trí Nhất thiết không hai nên gọi là Bát-nhã ba-la-mật.

A-nan bạch Phật:

–Tại sao ý niệm Bố thí bằng trí Nhất thiết là không hai?

Phật dạy:

–Đối với năm ấm không hai, chí đạo không hai.

Phật dạy:

–Tại sao gọi năm ấm không hai, chí đạo không hai? Vì năm ấm tự nó là không. Cho nên năm ấm cùng các Ba-la-mật là một pháp, không hai; chí đạo cũng là một pháp, không hai.

Này A-nan! Đối với năm pháp Ba-la-mật, Bát-nhã ba-la-mật là hơn hết; cho đến trí Nhất thiết cũng như vậy. Ví như trên mặt đất được gieo năm giống lúa, tùy thuận phát sinh: Bát-nhã ba-la-mật là đất; các Ba-la-mật, ba mươi bảy phẩm Trợ đạo… Trí Nhất thiết đều do Bát-nhã ba-la-mật sinh ra. Trí Nhất thiết do Bát-nhã ba-la-mật sinh ra, năm pháp Ba-la-mật do trí Nhất thiết sinh ra.

Này A-nan! Bát-nhã ba-la-mật là nền móng của năm pháp Bala-mật, cho đến mười tám pháp Bất cộng đều tùy tùng theo đó.

Thích Đề-hoàn Nhân bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Thế Tôn đã từng thuyết pháp, khen ngợi công đức Bát-nhã ba-la-mật không cùng tận. Thiện nam, thiện nữ nào thọ trì, đọc tụng, biên chép, tu tập, cung kính cúng dường Bát-nhã ba-lamật thì công đức của người đó không cùng tận. Vì phụng trì Bát-nhã ba-la-mật nên mười nghiệp thiện hiển hiện trong thế gian, bốn Thiền, bốn Tâm vô lượng, bốn Không định, mười tám pháp Bất cộng đều hiển hiện trong thế gian. Vì phụng trì Bát-nhã ba-la-mật nên biết có dòng Sát-lợi, Phạm chí, Trưởng giả, Tứ Thiên vương… Cõi trời Sắc cứu cánh, mới biết có đạo quả Tu-đà-hoàn cho đến A-lahán, Bích-chi-phật, Bồ-tát, Phật.

Phật bảo Câu-dực:

–Ta đã nói thiện nam, thiện nữ thọ trì, đọc tụng, biên chép, tu tập, cúng dường Bát-nhã ba-la-mật, công đức người ấy không cùng tận, không thể tính kể, không thể hạn lượng. Cho nên thiện nam, thiện nữ phụng hành Bát-nhã ba-la-mật sẽ đạt được vô lượng giới tánh, vô lượng Tam-muội tánh, trí tuệ tánh, giải thoát tánh, kiến giải thoát tánh, quyết chắc không xa lìa trí Nhất thiết. Thiện nam, thiện nữ ấy được các công đức không thể tính kể.

Này Câu-dực! Ông nên biết, thiện nam, thiện nữ phụng hành Bát-nhã ba-la-mật, thuận theo Phật, không lìa trí Nhất thiết thì công đức thiện nam, thiện nữ này gấp trăm ngàn vạn ức lần công đức của hàng Thanh văn, Bích-chi-phật giữ gìn giới tánh, Tam-muội, trí tuệ, giải thoát, kiến giải thoát tánh; công đúc của người ấy hơn hết, không thể thí dụ được. Vì tâm người ấy đã lìa đạo quả A-la-hán, Bích-chi-phật. Ban đầu không có tâm niệm về đạo quả A-la-hán, Bích-chi-phật, vì người ấy thường thọ trì đọc tụng tu tập và dùng hương hoa cúng dường Bát-nhã ba-la-mật. Ta thường khen ngợi người ấy đời nay, đời sau được công đức vô cùng tận.

Thích Đề-hoàn Nhân bạch Phật:

–Con cũng thường ủng hộ thiện nam, thiện nữ phụng hành Bátnhã ba-la-mật khiến cho người đó không xa lìa trí Nhất thiết.

Phật bảo Thích Đề-hoàn Nhân:

–Khi thiện nam, thiện nữ đọc tụng Bát-nhã ba-la-mật có vô số trăm ngàn chư Thiên đến chỗ đó cung kính chắp tay lắng nghe Bátnhã ba-la-mật. Các Thiên tử lại dùng oai thần ủng hộ thiện nam, thiện nữ, làm cho tâm ý khai thông và hiểu biết trọn vẹn. Đó là thiện nam, thiện nữ được phước đức trong hiện tại.

Lại nữa, này Câu-dực! Ở trong bốn chúng đệ tử Phật, khi thiện nam, thiện nữ ấy nói về Bát-nhã ba-la-mật không biết mệt mỏi thì nhất định mọi người không thể nghe suông, huống chi là có sự khinh chê. Vì sao vậy?

Vì nhờ sự ủng hộ của Bát-nhã ba-la-mật, vì Bát-nhã ba-la-mật phân biệt các pháp, phân biệt giữa xuất thế và thế gian, giữa thiện và bất thiện, giữa hữu lậu và vô lậu, phân biệt Tỳ-kheo và không phải Tỳ-kheo, phân biệt Thanh văn, Bích-chi-phật và Phật. Đó gọi là phân biệt. Vì sao?

Vì thiện nam, thiện nữ ở trong nội ngoại không và hữu vô không, thường thuận Bát-nhã ba-la-mật, nên không thể bị chê bai được, cũng không ai có thể thấy được lỗi lầm của họ. Cho nên người thọ trì Bát-nhã ba-la-mật thì không ai có thể tìm được chỗ sơ hở của họ.

Lại nữa, này Câu-dực! Thiện nam, thiện nữ giữ gìn phụng hành Bát-nhã ba-la-mật thì tâm không bao giờ biếng nhác sợ hãi. Vì vậy, thiện nam, thiện nữ ấy nhất định không thấy điều sợ hãi, mệt mỏi. Đây là được phước trong hiện tại.

Lại nữa, này Câu-dực! Nếu có thiện nam, thiện nữ thọ trì Bátnhã ba-la-mật và dùng hương hoa, tràng phan, lọng báu để cúng dường thì thiện nam, thiện nữ ấy được cha mẹ thương yêu; anh em, bà con, bạn bè đều cung kính; khắp mười phương các vị A-la-hán, Bích-chi-phật, Bồ-tát, đều thương tưởng. Thiện nam, thiện nữ ấy được người trong nhân gian và chư Thiên, A-tu-la kính mến.

Khi người ấy thực hành sáu pháp Ba-la-mật, không ngưng nghỉ, không xa lìa nội ngoại không, hữu vô không, ba mươi bảy phẩm Trợ đạo, mười tám pháp Bất cộng, các môn Tam-muội, Đà-la-ni, không xa lìa thần thông Bồ-tát giáo hóa chúng sinh, làm thanh tịnh cõi Phật, quyết chắc không bị gián đoạn. Vì oai lực Bát-nhã có khả năng thu phục sự phỉ báng của ngoại đạo.

Này Câu-dực! Đây gọi là thiện nam, thiện nữ thực hành Bátnhã ba-la-mật được phước đức đời này, đời sau.

Này Câu-dực! Nếu thiện nam, thiện nữ biên chép thọ trì, đọc tụng Bát-nhã ba-la-mật thì tam thiên đại thiên thế giới, Tứ Thiên vương đều lắng nghe Bát-nhã ba-la-mật, sau đó cung kính làm lễ rồi mới từ giã. Từ cõi trời Đao-lợi cho đến cõi trời Sắc cứu cánh, chư Thiên, loài người thực hành Bồ-tát đạo đều đến lắng nghe Bátnhã ba-la-mật, sau đó cung kính làm lễ rồi mới từ giả. Trong mười phương, Tứ Thiên vương cho đến cõi trời Sắc cứu cánh và loài Rồng, Quỷ, Thần, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-na, Khẩnna-la, Ma-hầu-la-già đều đến nghe Bát-nhã ba-la-mật, cung kính làm lễ, cúng dường. Thiện nam, thiện nữ ấy nên biết đó là Bố thí pháp.

Trong ba ngàn thế giới cho đến mười phương thế giới, các Thiên tử ở cõi Tứ Thiên vương và cõi Sắc cứu cánh đều hành Bồtát đạo cũng ủng hộ thiện nam, thiện nữ hành Bát-nhã ba-la-mật. Các việc tà vạy xấu ác, nguy hiểm không thể xâm phạm và họ trừ được nghiệp đời trước không còn phải trả nữa. Như vậy, này Câudực! Đây là thiện nam, thiện nữ được phước ở đời hiện tại. Đến chỗ thiện nam, thiện nữ vì chư Thiên muốn chứng Vô thượng Chánh đẳng giác, muốn cứu hộ chúng sinh, làm cho chúng sinh được an ổn, vui sướng.

Khi ấy, Thích Đề-hoàn Nhân bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Thiện nam, thiện nữ làm sao để biết khắp mười phương chư Thiên ở cõi Tứ Thiên vương và cõi Sắc cứu cánh đến cung kính thọ trì, làm lễ Bát-nhã ba-la-mật? Thiện nam, thiện nữ làm sao biết được điều đó?

Phật bảo Thích Đề-hoàn Nhân:

–Thiện nam, thiện nữ nếu thấy màu sắc khác thường sáng rực là biết lúc ấy có chư Thiên, loài người đến lắng nghe Bát-nhã ba-lamật và làm lễ cúng dường.

Này Câu-dực! Thiện nam, thiện nữ ở chỗ đó chưa từng nghe mùi hương ấy, nếu nghe mùi hương vi diệu khác thường thì biết lúc ấy chư Thiên, dòng dõi quý phái đến lắng nghe Bát-nhã ba-la-mật và cung kính làm lễ cúng dường.

Này Câu-dực! Thiện nam, thiện nữ vui sống thanh bạch, vì vui sống thanh bạch nên được chư Thiên hoan hỷ đến chỗ thiện nam, thiện nữ lắng nghe Bát-nhã ba-la-mật rồi phụng hành làm lễ cúng dường.

Khi các vị trời tôn quý đến, thì trong đó những vị trời, quỷ thần có chút ít oai thần đều phải tránh đi vì chẳng chịu nỗi oai thần của các vị trời tôn quý này. Thiện nam, thiện nữ ấy đều xa lìa các hoạn nạn.

Chỗ ở của các thiện nam, thiện nữ ấy thường sạch sẽ thanh khiết, thường được cúng dường đèn hương, các thứ hoa rất trang nghiêm. Thiện nam, thiện nữ ấy không bao giờ chán nản mệt mỏi, thân thể nhẹ nhàng thường được an ổn; đi, đứng, nằm, ngồi đều như vậy. Vị ấy không mộng thấy những điều ác, chỉ mộng thấy Phật nghe pháp, gặp Tỳ-kheo Tăng; chỉ mộng thấy ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp; chỉ mộng thấy các đệ tử và quyến thuộc vây quanh nghe thuyết pháp; chỉ nghe sáu pháp Ba-la-mật, ba mươi bảy phẩm Trợ đạo, mười tám pháp Bất cộng; chỉ nghe giảng đầy đủ sáu pháp Ba-la-mật; chỉ thấy Phật ở dưới gốc cây; chỉ thấy các vị Bồ-tát đi đến dưới gốc cây Bồ-đề khi thành Chánh đẳng giác; chỉ thấy sau khi thành đạo, Phật chuyển pháp luân; chỉ thấy vô số Bồ-tát sẽ thành trí Nhất thiết dạy bảo chúng sinh làm thanh tịnh cõi Phật, chỉ nghe vô số âm thanh chư Phật khắp mười phương; chỉ nghe phương kia, Phật kia, ở nước kia và đệ tử của Phật có trăm ngàn Bồ-tát và quyến thuộc vây quanh nghe pháp; chỉ thấy mười phương chư Phật nhập Niết-bàn; chỉ thấy sau khi Phật nhập Niết-bàn xá-lợi được thu nhặt, xây tháp và dùng hương hoa để cúng dường.

Này Câu-dực! Thiện nam, thiện nữ chỉ mộng thấy sắc tướng thù thắng vi diệu như vậy, cho nên thiện nam, thiện nữ khi thức, khi ngủ đều yên vui. Thân thể an ổn trong sạch, nhẹ nhàng; không tham ăn uống, y phục, không mong cầu sự cúng dường.

Này Câu-dực! Ví như vị Tỳ-kheo tu hành, tâm ý tại thiền định, không tham vật thực, chỉ dùng thiền định biết đủ. Vì sao vậy? Vì chư Thiên, Quỷ, Thần đều dùng không khí trong sạch để làm thức ăn. Chư Phật ở mười phương, chư Thiên, Quỷ, Thần đều dùng không khí trong sạch để làm thức ăn.

Phật bảo Câu-dực:

–Thiện nam, thiện nữ nào muốn được công đức ở hiện tại phải nên thọ học, biên chép, đọc tụng Bát-nhã ba-la-mật, không xa lìa trí Nhất thiết.

Thiện nam, thiện nữ không thọ trì Bát-nhã ba-la-mật mà chỉ biên chép, dùng hương hoa, tràng phan, lọng báu cúng dường Bátnhã ba-la-mật thì công đức không thể tính kể. Nếu họ còn học tập, đọc tụng, giữ gìn Bát-nhã ba-la-mật, không xa lìa trí Nhất thiết thì công đức nhiều hơn công đức cúng dường mười phương hằng hà sa chư Phật. Có người cúng dường mười phương chư Phật hiện tại, suốt đời dùng hương hoa, tràng phan, lọng báu cúng dường; hoặc là sau khi Phật Niết-bàn, thu nhặt xá-lợi, xây tháp bảy báu, cúng dường nhưng hư trước thì không bằng thiện nam, thiện nữ thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật sẽ được công đức nhiều gấp trăm vạn lần so với người đã làm việc cúng dường trước đây.