SỐ 202
KINH HIỀN NGU
Hán dịch: Đời Nguyên Ngụy, xứ Kinh châu, quận Cao xương,
Sa-môn Tuệ Giác và các vị khác cùng dịch.

Việt dịch:  Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh.

 

QUYỂN 7

Phẩm 37: CHUYỆN BẢY NGƯỜI CON TRAI CỦA LÊ-KỲ-DI

Tôi nghe như thế này:

Thuở nọ, Đức Phật ở tại vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá- vệ. Bấy giờ trong triều vua Ba-tư-nặc có một vị đại thần tên Lê-kỳ- di, nhà rất giàu có, sinh được bảy người con trai, sáu người đã lấy vợ  rồi chỉ còn lại cậu út người thứ bảy đang hỏi vợ. Vị đại thần tự nghĩ: “Ta tuổi già yếu, chỉ còn một đứa con trai chưa lập gia đình, phải tìm nơi xứng đáng hơn.” Lúc đó vị đại thần có một người bạn thân dòng Bà-la-môn đến chơi, nhân đó mới bàn luận:

– Nay tôi có một cậu con trai út muốn lấy vợ cho nó mà chưa biết nơi nào, anh từ trước đến nay đi nhiều nước, phiền anh vì tôi tìm kiếm, nếu thấy có người con gái đoan chính hiền trí, tính tình thuần hậu, thích hợp với ý con tôi, giới thiệu để tôi cầu hôn cho nó. Khi ấy vị Bà-la-môn nhận lời. Sau này đi đến nước Đặc-xoa-thilợi, vị ấy thấy có năm trăm đồng nữ hái hoa nô đùa dùng làm đồ trang sức. Vị Bà-la-môn bèn đi theo để quan sát, họ đi đến một dòng suối nhỏ, các cô đều cởi giày lội qua, chỉ có một cô không cởi giày để vậy đi qua. Đi một lát đến một con sông, các cô gái đều vén quần áo lội qua, riêng có cô gái ấy để cả quần áo lội theo. Đi đến một khu rừng, các cô gái đều trèo cây hái hoa, thì cô gái này không leo lên cây mà đi nơi khác tìm kiếm được hoa rất nhiều. Khi đó vị Bà-la-môn đến hỏi cô gái:

– Tôi có chút nghi muốn được hỏi cô.

Cô gái nói:

– Có nghi gì xin cứ hỏi.

Vị Bà-la-môn nói:

– Trong các cô gái kia khi qua suối đều cởi giày, riêng cô không cởi, là có ý gì?

Cô gái đáp:

– Sao ông si mê thế, sở dĩ người ta mang giày là để giữ đôi chân, đi trên đất, mắt có thể trông thấy gai góc, sành ngói có thể tránh được, ở dưới nước sâu kín, mắt không trông thấy, nếu như có gai và các trùng độc làm hại chân, do đó tôi không cởi giày. Vị Bà-la-môn lại hỏi:

– Vì cớ gì cô mặc cả quần áo lội qua sông?

Cô gái đáp:

– Thân thể con gái, vẻ tướng có xấu có tốt, vén áo lội qua sông sợ người trông thấy, giả sử có dáng đẹp thì còn coi được, sợ e xấu xí, người ta trông thấy chê cười, vì lý do đó tôi không cởi áo lội qua.

Vị Bà-la-môn lại hỏi:

– Vì duyên cớ gì không chịu leo cây?

Cô gái đáp:

– Nếu leo lên cây lỡ cành bị gãy, nguy hại tánh mạng, do đó tôi không leo cây. Người con gái này là cháu của vua Ba-tư-nặc, mẹ là Đàm-maha-tiện, trước kia bà phạm tội chạy trốn sang nước này, lấy chồng sinh được một đứa con gái tên Tỳ-xá-ly, tức cô gái này. Khi đó vị Bà-la-môn nghe người con gái nói, biết chắc chắn là bậc Hiền năng, bèn hỏi cô gái:

– Cha mẹ cô còn sống không?

Cô gái đáp:

– Còn.

Cô bèn dẫn đến nhà để gặp mặt. Cô gái thưa cha:

– Bên ngoài có một vị Bà-la-môn muốn gặp cha.

Ông Đàm-ma-ha-tiện bèn đi ra. Chào hỏi xong, vị Bà-la-môn nhìn cô con gái nói:

– Đây là con gái của ông chăng?

Đáp:

– Đúng vậy!

Vị Bà-la-môn hỏi:

– Cô có ai hỏi cưới chưa?

Đáp:

– Chưa!

Vị Bà-la-môn nói:

– Trong nước Xá-vệ có một đại thần tên Lê-kỳ-di, ông có biết không?

Đáp:

– Biết.

Vị Bà-la-môn nói:

– Cậu con trai út của ông Lê-kỳ-di là một người thông minh, muốn cầu hôn con gái ông, có được không?

Đàm-ma-ha-tiện nói:

– Ông ta dòng quý phái, muốn cùng giai ngẫu, ðôi bên xứng cả. Vậy hãy định ngày làm lễ cưới. Khi đó có người bạn về nước Xá-vệ, vị Bà-la-môn viết thư gửi  cho Lê-kỳ-di, trình bày mọi việc. Quan đại thần nhận tin xong, sắm sửa sính vật, xe ngựa đi đến nước Đặc-xoa-thi-lợi. Sắp đến, ông bèn sai người đi trước báo. Đàm-ma-ha-tiện tiếp đãi rất trịnh trọng để gả con gái, mọi việc cưới gả xong xuôi, sắp trở về nước Xá-vệ. Khi đó, bà mẹ cô gái đứng trước mọi người dặn dò con gái:

– Từ nay về sau thường nên mặc áo đẹp, ăn uống cho ngon lành, hàng ngày phải soi gương, chớ quên lời mẹ dặn. Cô gái quỳ xuống vâng lời mẹ dạy. Ông Lê-kỳ-di nghe nói thế lấy làm bực, thầm nghĩ: “Nhân sinh nhất thế, khổ vui không cố định, áo đẹp, thức ăn ngon làm sao phải ngày nào cũng soi gương, thực là phi lý”. Tuy có ý nghĩ này, nhưng ông không tiện nói ra. Đến giờ chủ khách phải từ biệt nhau, lớn nhỏ lên đường tiến về nước. Giữa đường, gặp một khách xá có bốn mái hiên rất là mát mẻ, những người đi trước đều vào nhà nghỉ mệt, cô dâu đến sau, thưa với cha chồng:

– Nơi đây không thể ngừng nghỉ, phải mau đi ra bên ngoài. Cha chồng không trái ý con dâu, bèn ra ngoài lộ, số người không chịu đi ra. Lúc đó có một đàn voi đi ngang cọ vào cột nhà làm sập hết đè chết mấy người. Khi ấy ông Lê-kỳ-di thầm nghĩ: “Nay ta thoát chết là nhờ con dâu”, tâm nể phục càng thêm sâu đậm rồi cùng lên ngựa thẳng đường đi về. Đi một đỗi đến một con suối lớn, cỏ mọc tốt tươi, nước chảy thật đẹp, mọi người dừng chân nghỉ mệt bên bờ suối. Con dâu đến sau thấy thế nói:

– Đứng đây không nên, phải nhanh lên trên cao nghỉ mệt. Trong chốc lát, mây đen nổi lên, sấm chớp ầm ầm, mưa như thác đổ, chảy ngập tràn cả bờ khe suối ấy. Ông Lê-kỳ-di lại thầm nghĩ: “Hôm nay ta thoát chết lần thứ hai do con dâu mà được toàn thân mạng.” Lại tiếp tục đi thẳng về đến nước nhà, họ hàng thân quen, kẻ xa người gần đến chào mừng hỏi thăm. Quan đại thần vui mừng thết tiệc đãi đằng vui vẻ trọn một ngày. Khách khứa ra về hết rồi, ông Lê- kỳ-di triệu tập gia đình nói:

– Ta nay tuổi đã cao, mọi công việc gia đình muốn giao phó cho các người, ai có thể thay ta quản lý kho lẫm… Sáu cô dâu đều từ chối không dám nhận, cô dâu thứ bảy nói có thể làm được. Lúc đó đại thần bèn giao các chìa khóa kho cho cô ta. Từ khi nhận lãnh trách nhiệm, cô siêng năng, thức dậy sớm quét dọn  nhà cửa, nấu nướng xong xuôi, trước tiên dâng cơm nước cho cha mẹ chồng và các anh chị, kế đến lo cho các nô tỳ, gia bộc, phân công tác cho họ đi làm, sau đó mới đi ăn cơm, hàng ngày cứ như thế. Cha mẹ chồng thấy cô trung kiên cẩn thận, giỏi giang khác với người thường, lấy làm lạ tại sao không thấy cô áp dụng lời mẹ ruột dặn dò, bèn hỏi cô:

– Trước khi về nhà chồng, mẹ con căn dặn phải mặc đẹp, ăn ngon, hàng ngày soi gương, việc ấy như thế nào, con có thể nói cho cha nghe không?

Cô dâu út quỳ thưa:

– Mẹ con dạy bảo mặc áo đẹp nghĩa là phải sạch sẽ để khách đến nhà trông thấy tươi đẹp; dạy ăn ngon không phải là dùng thứ ngon béo mà phải ăn sau, lúc đói ăn thứ nào cũng đều ngon cả; còn soi gương không phải gương bằng đồng, mà ý nói sáng dậy sớm quét dọn trong ngoài, sửa giường chiếu, bàn ghế ngay thẳng, sạch sẽ. Mẹ con dặn là ý như vậy. Khi ấy cha mẹ chồng nghe rồi biết là người tài giỏi, khéo léo, biệt đãi hơn trước, các công việc trong nhà vui vẻ thoải mái, không còn lo nghĩ nữa. Một hôm có bầy chim nhạn bay vào biển kiếm ăn, sau khi no nê nó trở về ngậm những chùm lúa bay ngang qua cung vua rớt xuống trước điện, người trong hoàng cung thấy đem dâng lên cho vua. Đức vua thấy việc lạ kỳ, ắt trong đó có vị thuốc, ra lệnh đem phân phát cho bá quan đem về trồng. Đại thần Lê-kỳ-di cũng được một ít giống mang về nhà bảo con cái gieo trồng. Con dâu út nhận lấy, sai nô bộc cày đất gieo xuống, thời gian sau mọc tốt tươi, thu được nhiều hạt. Còn các quan kia gieo trồng vì chăm sóc không điều độ nên không mọc được. Lúc đó Vương phu nhân có bệnh, triệu tập các danh y để trị liệu, trong đó có một danh y nói:

– Phải cần có gạo lúa ở ngoài đảo để dùng thì khỏi bệnh.

Khi ấy đức vua tự nghĩ: “Trước đây có thứ giống đưa các quan trồng, nay đem thử coi có hiệu quả không”, liền triệu các quan thần hỏi:

– Trước kia trẫm sắc lệnh trồng giống lúa tẻ, nay đã chín chưa? Hôm nay có việc gấp cần làm thuốc trị bệnh”. Các quan đều nói nào là lúa không mọc, hoặc nói bị chuột cắn… Riêng quan đại thần Lê-kỳ-di về nhà hỏi:

– Trước kia gieo giống lúa tẻ có kết quả không? Nay cần nó để trị bệnh cho phu nhân?

Người dâu út thưa:

– Trong nhà rất nhiều, nếu dùng làm thuốc cho cả nước cũng đủ huống nữa là một người.

Khi đó ông Lê-kỳ-di liền lấy dâng cho vua, để làm thức ăn cho Vương phu nhân, ăn thứ gạo lúa tẻ ấy xong phu nhân khỏe hẳn. Vua rất vui mừng ban thưởng cho rất nhiều. Lúc bấy giờ hai nước Đặc-xoa-thi-lợi và Xá-vệ hiềm khích với nhau, thường thường xảy chuyện bất hòa thuận. Vua Đặc-xoa-thi-lợi muốn thử nước Xá-vệ coi có bậc Thánh trí không, bèn sai sứ đem đến nước Xá-vệ tặng hai con ngựa cái, dáng vóc sắc lông mẹ con giống nhau không khác, đố ai có thể biết được con ngựa nào là mẹ và con ngựa nào là con. Vua và quần thần đều không thể phân biệt được. Khi đó quan Lê-kỳ-di từ cung vua trở về nhà, con dâu út hỏi:

– Có tin tức gì hở cha?

Cha chồng nói:

– Mọi việc như đã thấy.

Con dâu thưa rằng:

– Việc này rất dễ, đâu có gì phải lo, chỉ cần lấy bó cỏ ngon, đưa trước đầu nó, nếu là ngựa mẹ thì nó đẩy bó cỏ cho con kia, nếu là ngựa con thì nó ăn liền.

Bấy giờ, ông Lê-kỳ-di đến tâu vua mọi việc như con dâu nói, bèn đem cỏ nhử thử, quả như lời cô con dâu nói, hai con ngựa phân biệt rõ ràng, rồi bảo với sứ giả đây là ngựa mẹ và kia là ngựa con. Khi ấy sứ giả nói:

– Nhận xét đúng không sai vậy. Vua rất vui mừng ban tước lộc gấp bội. Khi đó sứ giả trở về nước trình bày mọi việc, vua Đặc-xoa-thi-lợi bèn sai sứ đem sang hai con rắn dài bằng nhau, khó biết con nào đực, cái. Vua Ba-tư-nặc và các quần thần cũng không ai biết. Đại thần Lê-kỳ-di về hỏi con dâu việc đó như thế nào. Con dâu nói:

– Dùng một tấm lụa trải ở trên mặt đất, bắt hai con rắn để trên tấm lụa ấy, nếu là con cái, nó sẽ nằm im không động đậy, nếu là con đực thì nó quậy quọ không yên. Vì sao biết chắc như thế? Vì giống cái  thích sự trơn láng, mềm mại nên không muốn dao động; giống đực tánh cương nên lăn lộn không yên, suy ra mà có thể biết được vậy. Quan đại thần nghe rồi liền đến tâu vua. Đức vua kêu sứ giả rachỉ đây là con đực và kia là con cái. Sứ giả nói:

– Xác thật không sai.

Vua rất vui mừng, ban cho nhiều báu vật. Bấy giờ vua nước Đặcxoa-thi-lợi mang sang khúc gỗ dài một trượng, gốc ngọn bằng nhau, trơn nhẵn không có dấu vết búa rìu chặt mà nói:

– Đố biết khúc gỗ này đầu nào là gốc, đầu nào là ngọn?

Rất khó đoán, vua và các quan không ai có thể biết. Khi đó ông Lê-kỳ-di về hỏi con dâu. Con dâu nói:

– Việc này dễ thôi, lấy khúc gỗ ấy để trong nước, đầu gốc chìm xuống, đầu ngọn nổi lên. Nghe xong, ông đi đến tâu nhà vua. Vua làm theo lời đem khúc gỗ ra thử, quả thật như vậy, đầu chìm đầu nổi rõ ràng và kêu sứ giả nói:

– Nổi là ngọn, chìm là gốc.

Sứ giả nói:

– Đúng như vậy!

Nhà vua vui mừng, ban thưởng thêm nữa. Sứ giả trở về nước trình bày đầy đủ sự việc, đức vua nghe rồi trong lòng tin phục, sai sứ đem cho nhiều châu báu và nói rằng: “Trong nước đại vương thật sự có lắm hiền tài, từ nay về sau nên tu hiếu nghĩa”. Vua Ba-tư-nặc rất vui mừng, triệu quan Lê-kỳ-di vào hỏi:

– Các việc giải đáp vừa qua, tại sao khanh biết được?

Quan đại thần Lê-kỳ-di nói:

– Chẳng phải thần biết được, đó là do con dâu của thần có trí tuệ hơn người vậy. Quốc vương nghe rồi càng thêm vui mừng kính nể, kết nghĩa với con dâu của đại thần Lê-kỳ-di làm Vương muội. Trải qua một thời gian, cô Tỳ-xá-ly mang thai, ngày tháng đã mãn, sinh được ba mươi hai quả trứng trong mỗi một trứng nở ra một đứa con trai, hình thể nhan sắc đoan nghiêm đặc sắc, dần theo năm tháng lớn lên, sức khỏe hùng mạnh vô song, sức một người có thể địch nổi ngàn người, cha mẹ rất yêu quý, trong nước ai ai cũng kính nể. Sau này lấy vợ, đều là các  cô gái thuần hậu, con của các hào phú trong nước.

Bấy giờ bà Tỳ-xá-ly lòng tin rộng mở, thỉnh Đức Phật và chúng Tăng đến nhà cúng dường. Đức Phật nhân đó thuyết pháp, cả nhà và quyến thuộc đắc quả Tu-đà-hoàn, duy có cậu con út chưa được đạo quả gì. Cậu cỡi con voi trắng muốn ra ngoài dạo chơi, ngoài cổng có một cái hào rất sâu rộng, ngang hào ấy có một cái cầu lớn, khi ấy tuổi trẻ thích đến trên cầu chơi. Lúc ấy cũng có con của phụ tướng ngồi xe đi đến giữa cầu thì gặp nhau, ai cũng cậy thế dòng họ quý tộc giàu có, không chịu tránh sang nhường lối. Cậu con út của bà Tỳ-xá-ly liền nổi giận, trên lưng voi nhảy xuống nắm con quan phụ tướng và cả chiếc xe xô rớt xuống hào, thân thể bị thương tích đau đớn vô cùng, khóc lóc mà đi về, thưa với cha:

– Con của bà Tỳ-xá-ly ngang tàng hủy nhục làm tổn thương thân thể con đau đớn như thế này.

Người cha nghe xong, rất buồn rầu, thương con mà nói:

– Họ sức lực mạnh, lại là quốc thân, khó mà tranh thắng, nên suy nghĩ mật kế để báo thù này. Ông liền dùng bảy báu làm thành ba mươi hai chiếc roi ngựa, trong giữa roi để con dao nhọn đem tặng cho ba mươi hai người, mỗi người một cây, mà nói rằng:

– Các cậu tuổi trẻ, tính tình hay vui đùa nên sử dụng roi này, may ra họ nhận lấy, sẽ bắt tại tay. Thật sự các con bà Tỳ-xá-ly được roi rất vui mừng, bèn nhận lấy cả. Theo quốc pháp thời bấy giờ khi gặp vua không được mang đao theo mình, lúc đó quan phụ tướng thấy họ đã nhận lấy mà thường cầm sử dụng, bèn sàm tấu với đức vua rằng:

– Ba mươi hai người con trai của bà Tỳ-xá-ly, tuổi trẻ khỏe mạnh, một địch ngàn người, lại mưu kế định hại nhà vua. Đức vua tuy nghe nhưng vì tình thân nên vẫn chưa tin, ông lại tâu thêm rằng:

– Việc này không dối, hiện có chứng cứ, mỗi người họ có mang đao nhọn để trong roi ngựa, do đó suy đoán ra mà biết rõ ràng. Nhà vua liền sai lính lấy roi xem, quả như lời nói, ý vua tin, bèn chọn một số lực sĩ phục trong nội cung, nhất tề hô lên giết sạch, lấy ba mươi hai cái đầu để trong một cái hòm, buộc dây niêm phong lại tặng cho vương muội. Hôm đó là ngày Tỳ-xá-ly thỉnh Đức Phật và chúng Tăng đến nhà cúng dường, thấy vua tặng một cái hòm gọi là đem đến  cúng dường, gọi người khuân giúp, muốn mở ra xem, Đức Thế Tôn bảo:

– Hãy để đấy đừng mở ra, đợi khi dùng cơm xong hãy mở nắp. Sau khi thọ trai xong, Đức Phật bảo mọi người ngồi, Đức Phật vì duyên sự đó mà thuyết pháp:

– Thân này là vô thường, khổ, không, vô ngã, cuộc sống nhiều lo sợ, không được an ổn lâu dài, các thứ khổ não trói buộc, cay đắng khó lường, ân ái biệt ly đau buồn lẫn lộn, làm cho thân tâm mệt nhọc không được ích gì, chỉ có người trí có thể hiểu biết việc thiết yếu này.

Bấy giờ bà Tỳ-xá-ly bỗng tỉnh ngộ, đắc quả A-na-hàm, vui mừng chắp tay bạch Thế Tôn:

– Cúi mong thương xót, chứng minh cho con xin bốn điều nguyện:

  1. Con xin được cúng dường chăm sóc thuốc thang, ăn uống cho các Tỳ-kheo có bệnh.
  2. Xin được cúng dường cho các thầy Tỳ-kheo nuôi bệnh.
  3. Các vị Tỳ-kheo ở xa đến con xin cúng dường lương thực.
  4. Các Tỳ-kheo đi xa con xin cúng dường lương thực.

Tại vì sao? Các vị Tỳ-kheo bệnh, do không có thuốc thang, thức ăn phù hợp thì bệnh khó hết, hoặc có thể dẫn đến mất mạng. Các Tỳ- kheo chăm sóc bệnh nhân vì không đi khất thực được, nguyên do người bệnh cần trợ giúp sớm tối không cố định giờ giấc nên dễ sinh tâm buồn bực, thì bệnh này khó giảm bớt cho nên phải cúng thí cho vị ấy. Hoặc các vị Tỳ-kheo từ phương xa khác đến, vì xứ lạ chưa có người quen như đi khất thực hoặc gặp chó dữ hoặc gặp người xấu làm tổn hại hủy nhục… Vì thế nên con muốn cúng dường trước. Còn vị Tỳ- kheo đi xa phải cần bạn bè, do không lương thực, hoặc đi không kịp, giữa đường gặp nguy hiểm, một mình gặp nhiều thú dữ, côn trùng độc hại hoặc gặp tai nạn cho nên con muốn được cúng dường các vị ấy. Khi đó, Đức Thế Tôn nghe bà Tỳ-xá-ly xin bốn điều nguyện này, khen rằng:

– Lành thay! Lành thay! Như nguyện của bà công đức rất lớn, giống như cúng dường Phật không khác. Nói xong, Đức Phật cùng chư Tăng trở về Kỳ hoàn. Sau khi Thế Tôn đi rồi, bà sai người mở nắp hòm ra xem, thấy ba mươi hai cái đầu nằm ở trong đó. Vì tâm ái đã  dứt, không sinh lòng lo buồn, chỉ nói:

– Đau khổ thay! Thương xót thay! Người sống ắt phải chết, không được lâu dài, trôi lăn trong năm đường đến nỗi thế này! Bấy giờ thân tộc của ba mươi hai nhà vợ nghe về sự lý như vậy, rất đau buồn phẫn nộ, đồng nói:

– Đại vương vô đạo, sát hại người hiền lành oan uổng. Họ cùng hợp binh muốn đi báo thù, quân lính tụ tập vây quanh cung vua. Bấy giờ, nhà vua lo sợ, chạy đến chỗ Phật, họ nghe tin vua chạy trốn bèn dẫn binh đến vây quanh tinh xá Kỳ hoàn. Khi đó ngài A-nan nghe vua Ba-tư-nặc giết ba mươi hai đứa con của Tỳ-xá-ly, bà con nhà vợ muốn báo thù, bèn chắp tay bạch Thế Tôn:

– Nhân duyên gì mà ba mươi hai đứa con của bà Tỳ-xá-ly bị vua giết.

Đức Thế Tôn bảo:

– Ba mươi hai người con của Tỳ-xá-ly không chỉ đời này bị vua giết chết cùng một lúc. Ông hãy lắng nghe, Ta sẽ vì ông nói về việc đó.

A-nan thưa:

– Dạ vâng!

Đức Phật bảo A-nan:

– Vào thời quá khứ lâu xa, ba mươi hai người này cùng là bạn thân với nhau, một hôm bàn bạc cùng nhau đi trộm trâu của người khác. Khi ấy trong nước đó có một bà già không có con, sống khốn khổ cô đơn một mình. Những người ăn trộm trâu dẫn đến nhà bà cùng nhau giết trâu. Bà già vui vẻ cho mượn nồi niêu, củi nước để đun nấu, đến lúc hạ đao, con trâu quỳ xuống xin tha mạng, họ không nghe đều muốn giết nó, con trâu bèn kết thề: “Hôm nay các ngươi giết ta, đời sau, ta sẽ không tha cho các ngươi đâu, cho đến các ngươi có tu đắc đạo, ta cũng không tha nữa.” Sau khi con trâu thệ nguyện xong, họ giết trâu, cùng nhau nấu nướng ăn uống no nê. Bà già nhân đó cũng được ăn một bữa no đủ, vui vẻ nói rằng: “Nhờ các anh mà hôm nay ăn đã một bữa.”

Đức Phật bảo A-nan:

– Con trâu thuở đó nay đầu thai làm vua Ba-tư-nặc, mấy người  trộm trâu nay là ba mươi hai người con của bà Tỳ-xá-ly. Còn bà già đó chính là Tỳ-xá-ly. Từ đó quả báo mãi đến năm trăm đời, thường bị giết, cho đến hôm nay, bà già đó vì vui mừng theo, thường phải làm mẹ để chịu đau lòng, sầu não. Đời này gặp được Ta, mới được chứng đạo.

Ngài A-nan chắp tay lại bạch Phật:

– Họ tu phước gì mà được sinh ra mạnh khỏe và vào nhà giàu có?

Đức Phật bảo:

– Này A-nan, ở đời quá khứ, thời Phật Ca-diếp, có một bà lão kính tin Tam bảo, nhà bà giàu có, một hôm lấy các thứ hương với dầu để sơn tháp, đi giữa đường thì gặp ba mươi hai người. Bà khuyên họ rằng: “Tôi muốn dùng dầu tô lên tháp, các anh giúp tôi đi sau này đời đời sinh ra được phúc đức khỏe mạnh, thân hình đoan chánh”. Lúc đó, ba mươi hai người vui vẻ cùng đi, tô tháp xong xuôi, họ tự nghĩ: “Do bà lão này khiến chúng ta gieo trồng được phước nghiệp, nguyện khi sinh ra nơi được giàu sang, bà ấy làm mẹ, còn chúng ta làm con, thường được như vậy không lìa nhau gặp Phật nghe pháp, tu mau đắc đạo. Bà lão vui mừng nói: “Có thể các cậu sẽ được như nguyện.” Từ đó đến nay đã được năm trăm đời, thường sinh vào nhà tôn quý. Bà lão thuở đó chính là Tỳ-xá-ly, ba mươi hai chàng trai là ba mươi hai đứa con bà ngày nay.

Khi bà Tỳ-xá-ly nghe Phật thuyết pháp, tâm sân của bà liền ngừng dứt, tự nghĩ: “Hình phạt của vua chẳng phải tạo nghiệp ác, mà đó là do các con tự gieo lấy, nên nay phải thọ báo. Do giết một con trâu mà còn chịu quả báo như vậy. Vua Ba-tư-nặc là thí chủ của ta làm sao mà ôm lòng ác muốn giết hại trừ bỏ họ được?” Thân thuộc nhà vợ dập đầu trước đức vua cầu xin tha lỗi, vua cũng vui mừng không hỏi tội họ. Khi đó, Đức Thế Tôn vì bốn chúng rộng thuyết các pháp:

“Nghiệp thiện nên tu, nghiệp ác phải lìa”, giảng rõ pháp Tứ diệu đế, chúng hội nghe xong, đều được chứng đạo, vâng lời Đức Phật hoan hỷ phụng hành.