SỐ 221
KINH PHÓNG QUANG BÁT-NHÃ
Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Vô-la-xoa, người nước Vu Điền
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 7

Phẩm 36: KHIỂN DỊ ĐẠO SĨ

Bấy giờ có người ngoại đạo đến chỗ Đức Phật, muốn cật vấn, Thích Đề-hoàn Nhân liền nghĩ: “Hôm nay bọn ngoại đạo muốn đến phỉ báng Phật, muốn phá hủy Bát-nhã ba-la-mật, ta hãy tụng niệm Bát-nhã ba-la-mật đã được nghe từ Phật.” Thích Đề-hoàn Nhân liền đọc tụng Bát-nhã ba-la-mật. Bọn đạo sĩ ngoại đạo muốn hủy hoại Bát-nhã ba-la-mật đang ở xa liền nhiễu Phật một vòng rồi quay đi.

Khi ấy Xá-lợi-phất suy nghĩ: “Tại sao bọn đạo sĩ ngoại đạo ở đằng xa nhiễu Phật một vòng rồi quay đi?”

Biết tâm niệm của Xá-lợi-phất, Đức Phật bảo:

–Thích Đề-hoàn Nhân tụng Bát-nhã ba-la-mật có công dụng như vậy nên bọn ngoại đạo kia ở xa nhiễu Phật một vòng rồi quay về.

Phật dạy:

–Vì bọn ngoại đạo kia đến gặp Phật mà không có một chút thiện ý nào chỉ đem tâm nhỏ mọn để tìm chỗ hay dở của Phật mà thôi.

Phật bảo Xá-lợi-phất:

–Khi người đọc tụng Bát-nhã ba-la-mật; nếu trời, người, Samôn, Bà-la-môn, ngoại đạo trong thế gian đem tâm nhỏ mọn để tìm chỗ hay dở của người ấy thì họ không thể tìm được.

Vì trong tam thiên đại thiên thế giới này, các vị Thiên tử, Tứ Thiên vương cho đến Thiên tử ở cõi Sắc cứu cánh; các đệ tử, các Bồtát đều thọ trì Bát-nhã ba-la-mật. Vì sao? Vì họ đều từ Bát-nhã bala-mật sinh ra.

Lại nữa, Xá-lợi-phất! Hằng hà sa số thế giới ở phương Đông, chúng đệ tử, chư Như Lai, Bích-chi-phật, Bồ-tát, Trời, Rồng, Quỷ, Thần đều thọ trì Bát-nhã ba-la-mật. Vì họ đều ở trong Bát-nhã ba-lamật sinh ra.

Khi ấy, ma Ba-tuần suy nghĩ: “Bấy giờ, Phật đang cùng bốn chúng đệ tử và các Thiên tử ở cõi Dục giới, Sắc giới hội họp; trong hội chúng ấy đều thọ trì Bát-nhã ba-la-mật, chắc sẽ thành Chánh đẳng giác. Vậy ta nên đến đó cắt ngang đạo lý của họ.”

Nghĩ vậy rồi, Ma vương liền hóa bốn loại binh đi đến chỗ Phật.

Thích Đề-hoàn Nhân suy nghĩ: “Ngày nay ma dẫn bốn loại binh muốn đến chỗ Phật. Bốn loại binh oai hùng do ma hóa ra tinh thông sắc sảo, binh lính của vua Bình-sa không có được nhu vậy; binh lính vua nước Xá-vệ, dòng họ Thích, các trưởng giả Tỳ-da-lợi cũng không có được. Như vậy ma đã hóa hiện bốn loại binh ấy là ma Ba-tuần, ngày đêm thường tìm chỗ dở của Phật, làm rối loạn tâm chúng sinh. Bây giờ ta nên im lặng đọc tụng Bát-nhã ba-lamật.”

Thích Đề-hoàn Nhân định tâm rồi chậm rãi đọc Bát-nhã ba-lamật. Ma Ba-tuần cũng dần dần bỏ đi. Khi ấy, các Thiên tử Tứ Thiên vương và Thiên tử cõi Sắc cứu cánh tung hoa trời ở giữa hư không để cúng dường Phật và cùng nhau khen ngợi. Cầu mong cho Bát-nhã ba-la-mật tồn tại lâu dài ở Diêm-phù-đề để người Diêm-phù-đề thường được tụng Bát-nhã ba-la-mật. Bát-nhã ba-la-mật tồn tại lâu dài cũng như Phật còn tại thế chưa nhập diệt. Phật còn tại thế giáo pháp được tồn tại. Giáo pháp tồn tại, Tỳ-kheo Tăng có mặt trong thế gian. Khi ấy Tam bảo nhất định không bị diệt. Bát-nhã ba-la-mật cũng sẽ tồn tại trong tam thiên đại thiên thế giới; mười phương hằng hà sa thế giới cũng sẽ như vậy. Bát-nhã ba-la-mật là muôn hạnh tối thượng của Đại Bồ-tát.

Thiện nam, thiện nữ thọ trì Bát-nhã ba-la-mật, biên chép kinh ấy tùy theo phương diện, nơi chốn đáng tôn quý nhất mà soi sáng, nên biết chỗ đó không còn tối tăm. Trong tất cả mọi nơi, chỗ đó là hơn hết.

Phật bảo Thích Đề-hoàn Nhân:

–Này Câu-dực! Nên biết đó là nơi đáng tôn quý nhất trong mọi nơi.

Lại nữa, này Câu-dực! Không chỉ ở trong cõi người, Bát-nhã ba-la-mật là chỗ tôn quý, mà ở trên cõi trời cũng lại là chỗ tôn quý.

Khi ấy, các Thiên tử rải hoa trời cúng dường Phật rồi cùng nhau khen ngợi.

–Thiện nam, thiện nữ nào thọ trì, đọc tụng Bát-nhã ba-la-mật thì Ma và Thiên ma nhất dịnh không tìm được chỗ sơ hở của họ. Đức Thế Tôn của chúng ta cũng sẽ ủng hộ người ấy. Vì sao? Vì chúng ta thấy thiện nam, thiện nữ ấy như chiêm ngưỡng Đức Thế Tôn vậy.

Thích Đề-hoàn Nhân bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Thiện nam, thiện nữ vốn đã làm vô lượng việc lành, đọc tụng, thọ trì Bát-nhã ba-la-mật là do đối với đời quá khứ, các Đức Phật, người ấy đã làm vô lượng công đức, gần gũi Thiện tri thức mà đạt được như vậy. Cho nên muốn đạt trí Nhất thiết cần phải học Bát-nhã ba-la-mật, muốn đạt Bát-nhã ba-la-mật cũng cần phải học trí Nhất thiết. Vì Bát-nhã ba-la-mật tức là trí Nhất thiết, trí Nhất thiết tức là Bát-nhã ba-la-mật, giống nhau không sai không khác.

Phật bảo Thích Đề-hoàn Nhân:

–Này Câu-dực! Trí Nhất thiết, chư Như Lai Vô Sở Trước Chánh Đẳng Giác đều từ Bát-nhã ba-la-mật sinh ra. Vì sao? Này Câu-dực! Trí Nhất thiết, Bát-nhã ba-la-mật là một pháp chứ không phải hai.