KINH BỒ-TÁT ANH LẠC

Hán dịch: Đời Dao Tần, Sa-môn Trúc Phật Niệm, người Lương Châu.
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 35: THÍCH ĐỀ-HOÀN NHÂN HỎI PHẬT

Bấy giờ, Thích Đề-hoàn Nhân cung kính thưa với Đức Phật:

–Kính bạch Thế Tôn! Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác thuyết giảng về hết thảy các pháp đều là thanh tịnh, cùng với vô lượng hằng sa quốc độ thế giới của chư Phật cũng đều thanh tịnh như hư không, không chốn có. Nay lại nghe Như Lai nói về việc nhận biết rõ về tất cả các pháp. Thế thì làm sao ở nơi các pháp vô hình tướng không thể nhìn thấy mà lại có thể nhận biết được hết thảy các pháp?

Đức Thế Tôn bảo Thích Đề-hoàn Nhân:

–Lành thay! Lành thay! Này Câu-dực! Ông đã có thể ở trước Như Lai mà nêu bày câu hỏi về ý nghĩa như thế. Ta nay sẽ vì ông mà mỗi mỗi nêu dẫn ví dụ, kẻ trí sẽ dựa theo đấy mà thông tỏ. Cũng như một nhà ảo thuật hóa tạo ra vạn vật, quốc độ với đủ thứ như thành quách, cung điện, nhà cửa, phòng ốc, đồ ăn uống, ngủ nghỉ, các gia đình nghèo hèn, giàu sang, tên hiệu, họ hàng, cha mẹ, anh em, nô bộc, hầu cận; lại huyễn tạo ra những người theo hộ vệ hai bên mình. Nhà ảo thuật như thế là đã nhận thấy các sự vật do mình hóa tạo ra, thì hoặc trải qua nhiều thời gian cung cấp cho mọi thứ cần dùng về y phục, đồ ăn uống, thuốc men, giường chiếu, chăn nệm, công việc cung cấp và thọ nhận ấy đã xảy ra như thật và ông đã trông thấy sự việc ấy cho là thật chăng?

Thích Đề-hoàn Nhân thưa với Đức Phật:

–Kính bạch Thế Tôn! Không hề có việc ấy! Vì sao? Vì hết thảy các pháp đều là không, đều là hư tịch huyễn hóa không chân thật. Kẻ ngu si do chấp trước sâu dày nên dấy điên đảo, vì các pháp là không đến, không đi, không gắn, không buộc, không tận, không chẳng tận, ảo hóa vô hình, cũng không thể dựa cậy.

Đức Phật bảo Thích Đề-hoàn Nhân:

–Đúng như thế! Này Câu-dực! Đại Bồ-tát lại cũng như vậy. Đạt được pháp Tam-muội Như huyễn tự nhiên định ý thì Bồ-tát có thể phân biệt nhận rõ nẻo sinh khởi của tất cả các pháp, không duyên không chấp, không thấy có sự thành bại, hóa độ dẫn đường cho hết thảy chúng sinh; không thấy có sự hóa độ cũng không thấy không có sự hóa độ; độ ở chỗ không có chốn độ, hóa ở nơi không có chốn hóa; tất cả đều không, đều hư tịch không có sinh diệt. Vì sao? Vì pháp Tam-muội Như huyễn định ý chánh thọ ấy là hết sức thâm sâu vi diệu vượt mọi bờ bến, cảnh giới như huyễn là chẳng thể nghĩ bàn. Duy chỉ có hàng Đại Bồ-tát mới có thể quan sát khắp và có đạt đến sự thông tỏ. Chẳng thấy sinh cũng chẳng thấy diệt, lại cũng không thấy đã có sinh hay sẽ có sinh. Vì sao? Vì chốn nhập vào tiếp cận của Bồ-tát là chẳng thể nghĩ bàn, chẳng phải là đối tượng nhận thức của hàng Lahán, Bích-chi. Nẻo hóa độ của Bồ-tát cũng như hư không. Nẻo độ của hư không là vô hình vô tượng. Pháp Tam-muội Như huyễn cũng lại như thế, cũng không có sự hạn chế phân chia của bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc, bốn hướng và hai phương trên, dưới.

Câu-dực nên biết! Ta nay sẽ vì ông mà nêu thêm về thí dụ. Cũng như hàng phàm phu gốc không hình sắc, chưa có thể phân biệt cội rễ thiền định, sinh cũng không biết sinh, chẳng sinh cũng không biết là chẳng sinh. Lại cũng không biết về điều sẽ sinh hay đã sinh, cũng chưa có thể nhận biết cứu cánh của các pháp mà tâm luôn nhớ nghĩ hướng tới. Chẳng thấy có trụ cũng chẳng thấy không trụ, chẳng thấy tận, cũng chẳng thấy không tận. Vì sao? Vì tâm vốn là vô hình không thể nương tựa hay bám víu, cũng chẳng là chỗ có thể nghĩ bàn của ba thừa.

Câu-dực nên rõ! Đại Bồ-tát cũng lại như vậy. Nhập pháp Tammuội Như huyễn ấy thì hết thảy các pháp đều như hiện ra nơi hiện tại, không có cảnh giới cũng không có bờ cõi tận cùng, có cũng không thấy có, không cũng chẳng thấy không. Vì sao? Vì cảnh giới của Bồtát là chẳng thể nghĩ bàn, nẻo hành hóa phép tắc trùm khắp cõi tam thiên đại thiên thế giới.

Câu-dực nên rõ! Ta nay sẽ vì ông mà dẫn thêm thí dụ. Cũng như Long vương Sa kiệt ý nhằm nhớ nghĩ đến mưa, như tại cõi Lục thiên, bèn mưa cam lồ; hoặc tại cõi Tứ Thiên vương trở lên thì có thể mưa bảy thứ châu báu. Long vương Nan-đà, Ưu-bát-nan-đà cùng Long vương Ma-na-tư, mưa ở trời thứ sáu trở lên thì mưa y phục trang sức hương thơm xâu chuỗi vòng hoa. Như mưa ở cõi trời thứ tư thì tự nhiên các thứ đồ ăn uống thảy đều sung túc. Này Câu-dực! Ý ông nghĩ sao? Chỗ tạo tác của các Long vương ấy là thật có chăng?

Thích Đề-hoàn Nhân thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Không có! Vì sao? Vì đó chính là do công đức của chư Thiên nên khiến cho các Long vương phụng hiến cúng dường.

Đức Phật lại hỏi Thích Đề-hoàn Nhân:

–Này Câu-dực! Cung điện bảy báu, y phục trang sức đầy đủ đều ở chỗ các Long vương tung xuống gốc là không chốn có. Nay lại tự nói là do công đức của chư Thiên nên khiến các Long vương tuôn mưa xuống các thứ vật báu. Như vậy thì các Long vương cùng các vật báu là có hay là không?

Thích Đề-hoàn Nhân thưa với Đức Phật:

–Kính bạch Thế Tôn! Theo diệu nghĩa của pháp được nêu giảng mà nói thì cũng không có Long vương cũng không vật báu. Vì sao? Vì hết thảy muôn vật đều là không đều là hư tịch, thân tôi cùng với cõi trời cũng là không thực có. Chỗ Long vương tuôn mưa xuống cũng không có mưa, không thấy tận cũng không thấy không tận. Những kẻ ngu si mê lầm tự dấy thức tưởng chấp.

Đức Phật bảo Thích Đề-hoàn Nhân:

–Này Câu-dực! Đúng như vậy! Đại Bồ-tát nhập pháp Tammuội Như huyễn, quan sát tường tận hết thảy các pháp, về nơi chốn sinh của các pháp cũng không thấy sinh, cũng chẳng thấy không sinh, thấy các pháp môn là Hữu tận, Vô tận, thấy các pháp môn huyễn hóa cũng là hữu tận vô tận. Lại thấy có vô lượng vô hạn các pháp môn giáo hóa. Lại thấy vô lượng vô hạn các pháp môn Du bộ của chư Thiên, Thế Tôn. Lại thấy vô lượng vô hạn các pháp môn nhận thức hội nhập vào màn lưới các căn. Lại thấy vô lượng vô hạn các pháp môn về muôn vật nơi các thế giới với sự thành trụ hoại không kiếp thiêu, tâm ý rộng lớn vượt qua mọi hành của chư Phật.

Này Câu-dực! Như thế là nên biết, các pháp là không sinh không diệt, chỉ do chúng sinh tự dấy thức chấp, chưa nhập pháp Định ý quan sát tâm người, không thông tỏ tuệ không để đạt diệu lý vô sinh.

Bấy giờ Đức Thế Tôn, vì Thiên đế Thích mà nói bài tụng:

Nẻo chính cửa vào đạo
Nhận rõ hành ba đời
Lần lượt theo năm đường
Phá dứt mọi chốn có.
Bồ-tát quán như Phật
Tuệ phân biệt đạo sáng
Ta gốc tạo các hành
Như nay mới đạt được.
Thế giới đều như không
Bỉ–ngã dứt hai tưởng
Cung kính nơi chư Phật
Nay đạt tướng Vô đỉnh
Diện mạo như Ưu-đàm
Rộng lớn tỏ đủ nét
Chẳng sinh cũng chẳng diệt
Đức, trời người tôn quý.
Câu-dực nên nhớ gốc
Các hành không thiếu sót
Dũng mãnh không biếng lười
Cứu cánh gốc ngọn không.
Nơi tòa không dấy tưởng
Chẳng thấy có chân đứng
Chẳng dựa gốc các hành
Nên hiệu là Sa-môn.
Thật chẳng có Nê-hoàn
Cũng không có năm nẻo
Bồ-tát chốn du hóa
Quyền biến thấy có sinh
Từ trong vô số kiếp
Không dục không chốn tham
Khởi đầu tâm không hối
Huống lại có vướng dựa
Như từ đấy đến nay
Tu thiện chẳng lìa gốc
Một hành thành Phật đạo
Chuyển chánh pháp vô thượng
Nương tạm cõi sinh tử
Giáo hóa vô số người
Khiến tỏ pháp vô sinh
Tự nhiên hợp đạo giáo.

Đức Thế Tôn, vì Thích Đề-hoàn Nhân thuyết xong bài kệ này, bấy giờ có vô số trăm ngàn chư Thiên chúng nhân, ở nơi chỗ ngồi liền đạt được tâm vô sinh. Lại có vô số chư Thiên, Long, Thần, thảy đều phát tâm cầu đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Đức Phật bảo Thích Đề-hoàn Nhân:

–Như có các hàng thiện nam, thiện nữ cùng bốn bộ chúng Tỳkheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, thọ trì đọc tụng pháp Định ý như huyễn vô tận này thì liền có thể đạt được đầy đủ Pháp tạng vô lượng. Thế nào là Pháp tạng vô lượng? Như muốn có được đầy đủ các pháp Biện tài của Như Lai, thì phải nên tu học pháp Định ý như huyễn là Pháp tạng vô tận.

Lại nữa, này Câu-dực! Như các hàng thiện nam, thiện nữ, muốn đạt được sự lãnh hội rốt ráo về trí tuệ Phật, thì phải nên tu học pháp Tam-muội Như Huyễn Định Ý Vô Tận này.

Lại nữa, này Câu-dực! Như các hàng thiện nam, thiện nữ, muốn đạt được du hóa đến các thế giới chư Phật, gần gũi kính lễ chư Phật, thì phải nên tu học pháp Tam-muội Như huyễn định ý vô tận này.

Đức Phật bảo Thích Đề-hoàn Nhân:

–Như có các hàng thiện nam, thiện nữ, muốn được chuyển pháp luân vô thượng như chỗ chuyển của Đức Phật tại giữa đại chúng đạt vô sở úy, thì phải nên tu học pháp Định ý như huyễn, là Pháp tạng vô tận ấy.

Lại nữa, này Câu-dực! Như các hàng thiện nam, thiện nữ, muốn đạt được trăm ngàn pháp Tổng trì của chư Phật nhằm đem lại sự an lạc cho chính mình, thì phải nên tu học pháp Định ý như huyễn ấy là Pháp tạng vô tận.

Đức Phật bảo Thích Đề-hoàn Nhân:

–Như các hàng thiện nam, thiện nữ, muốn đạt được hết thảy sở nguyện của chúng sinh, muốn có được thần túc biến hóa làm thanh tịnh cõi Phật, thì phải nên tu học pháp Định ý như huyễn là Pháp tạng vô tận.

Lại nữa, này Câu-dực! Như các hàng thiện nam, thiện nữ, muốn khiến cho vô lượng chúng sinh nơi các thế giới chư Phật với vô lượng tánh, hành thảy cùng một nẻo hướng tới, thì phải nên tu học pháp Định ý như huyễn ấy là Pháp tạng vô lượng.

Lại nữa, này Câu-dực! Như các hàng thiện nam, thiện nữ, muốn khiến cho vô lượng quốc độ thế giới của chư Phật hợp nhất thành một, sắc tướng như màu vàng ròng, thì phải nên dốc tu học pháp Định ý như huyễn ấy là Pháp tạng vô tận. Vì sao? Vì tất cả chư Phật thảy đều từ pháp ấy mà thành tựu; chư Phật thời quá khứ đều từ pháp Định ý như huyễn này mà thành tựu được đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Chư Phật Thế Tôn hiện tại trong mười phương cũng đều từ pháp Định ý như huyễn là Pháp tạng vô tận ấy mà thành tựu được đạo quả Vô thượng Bồ-đề. Vô số hằng sa chư Phật vị lai cũng sẽ dốc tu tập pháp Định ý như huyễn là Pháp tạng vô tận này.

Đức Phật bảo Thích Đề-hoàn Nhân:

–Ta nay sẽ vì ông mà nêu thêm về thí dụ, kẻ trí sẽ nhờ đấy mà tự thông tỏ. Cũng như ngọn lửa dữ cháy rực rỡ lại tăng thêm củi khô vào và có gió lớn thổi mạnh nên càng cháy dữ dội hơn nữa, có thể thiêu đốt cả vùng núi rừng rộng lớn không hề dừng dứt, điều chính yếu là phải dời dọn sạch phần cỏ cây khô thì sức cháy của lửa mới giảm xuống. Đại Bồ-tát cũng như thế, phải phát tâm dốc sức tu học nhằm tế độ chúng sinh, tư duy phân biệt về nẻo hướng tới pháp giới, cho đến vô số hằng sa quốc độ, cùng quán hư không về cội nguồn của chúng sinh. Lại tự tư duy về cội nguồn tâm niệm của vô lượng chúng sinh nơi vô số hằng sa quốc độ thế giới, mỗi mỗi đều phân biệt, lại tự tính toán so sánh: “Ta dùng trí gì để có được đầy đủ nguyện ấy.” Lại mỗi mỗi nhận rõ nẻo đã hướng tới của các pháp, sẽ chuyển pháp nào, làm sao để giáo hóa. Bấy giờ Bồ-tát lại tự suy nghĩ: “Ta vốn phát nguyện thực hiện đầy đủ các điều thiện nhằm hóa độ khắp mọi chúng sinh khiến họ đạt được theo nguyện của ta một cách sung túc.”

Lại tự thực hiện đủ các uy nghi phép tắc, chuyển nhập các hành căn bản của ba đời, tự nhớ nghĩ để chuyển pháp hội nhập vào nẻo chẳng thể nghĩ bàn. Sự tính toán so sánh như vậy là nhằm hóa độ những người chưa được hóa độ đối với hết thảy thế giới hoặc có hoặc không. Lại đi đến khắp mọi thế giới chư Phật, vô lượng vô hạn vượt mọi sự nghĩ bàn cũng là cùng tạo được đầy đủ nẻo công đức, không làm cho chánh pháp bị gián đoạn cũng như chốn hướng đến của các thệ nguyện lớn lao quan trọng. Thể hiện lòng Từ bi bao la gắn liền với thệ nguyện to lớn ấy, suy cứu đến tận cùng về mọi nẻo sinh tử, tâm không hề thiếu sót giảm sút. Vì sao? Vì tất cả các trí thảy đều được phát huy đầy đủ. Lại quan sát mọi nẻo tâm ý tưởng niệm của chúng sinh nên thuận theo lối nào để được dẫn dắt, luôn nhớ đến chúng sinh như mẹ yêu thương con cái. Vì thế, Đại Bồ-tát giữ vững tâm tôi luyện trong vô lượng lao khổ ấy để hội nhập vào cõi vô hạn lượng của pháp Tam-muội, cùng quan sát mọi thế giới không rời bỏ thệ nguyện gốc, tạo được tác dụng thật rộng lớn vô hạn.

Bấy giờ Đức Thế Tôn, vì Thích Đề-hoàn Nhân, lại nói bài tụng:

Bồ-tát mới phát tâm
Thệ nguyện thật rộng lớn
Tỏa khắp cõi hư không
Sở nguyện mới đầy đủ
Lúc hóa độ chúng sinh
Chẳng thấy có chốn độ
Thông tỏ gốc ba đời
Nhân duyên chỉ tan hợp
Tâm chính không ngửa nghiêng
Gốc chính thuận đạo giáo
Luôn mong phương tiện tốt
Đạt dần đến giải thoát
Tâm không chút khiếp nhược
Ngày đêm tư duy pháp
Nhất hành được thành Phật
Cũng chẳng nhận từ thầy
Gốc thân tâm cùng hành
Đạo lực rõ thanh tịnh
Xuất gia nơi thanh vắng
Nhập định thân không động
Hết thảy pháp bừng sáng
Chiếu tỏa khắp mười phương
Tự tu trí túc mạng
Nên rõ gốc muôn loài.

Lúc Đức Thế Tôn, vì Thích Đề-hoàn Nhân, nêu giảng pháp ấy xong thì hết thảy các vị trong chúng hội không ai là không hoan hỷ và cùng phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.