SỐ 221
KINH PHÓNG QUANG BÁT-NHÃ
Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Vô-la-xoa, người nước Vu Điền
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 7

Phẩm 33: THỦ HẠNH

Đức Phật bảo Thích Đề-hoàn Nhân:

–Thiện nam, thiện nữ nào thọ trì, đọc tụng, tu tập sâu xa Bátnhã ba-la-mật thì khi thiện nam, thiện nữ đó vào trong quân trận nhất định không bị tổn hại; hoặc đao, thương, cung, tên; không trúng vào thân. Vì thiện nam, thiện nữ đó ngày đêm hành trì sáu pháp Bala-mật đã thu phục lưỡi kiếm dâm dục và mũi nhọn sân nhuế, ngu si cho mình và thu phục phẫn nộ ngu si cho kẻ khác, đã bẻ gãy thanh kiếm tà kiến cho mình lại bẻ gãy thanh kiếm tà kiến cho người; đã cắt đứt sợi dây phiền não ân ái cho mình, lại có khả năng cắt đứt phiền não ân ái cho người.

Này Câu-dực! Công dụng của pháp ấy như vậy nên thiện nam, thiện nữ đó không bị trúng thương, kiếm, cung, tên.

Lại nữa, này Câu-dực! Thiện nam, thiện nữ đó thọ trì, đọc tụng, thực hành Bát-nhã ba-la-mật; không xa lìa trí Nhất thiết, quyết chắc không trúng độc, không bị mê hoặc, không bị trúng đao binh; thân không bị nước, lửa làm hại. Các việc ác như vậy chắc chắn không đến với người đó.

Này Câu-dực! Vì Bát-nhã ba-la-mật là pháp thuật trên hết.

Thiện nam, thiện nữ nào học tập theo pháp thuật ấy thì tự không nghĩ việc xấu ác, cũng không nghĩ việc xấu ác về người, cũng không có ý niệm ác về hai bên. Vì không thấy có mình cũng không thấy có người, cũng không có sự thấy biết, cũng không có năm ấm, cho đến trí Nhất thiết cũng không; cũng không có sự có, cũng không có sự chứng đắc. Vì không có sự có nên không có ý niệm xấu ác, không có ý niệm xấu ác về mình cũng không có ý niệm xấu ác về người, đến lúc chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng giác, biết tất cả ý niệm của chúng sinh.

Vì học pháp môn này, nên biết quá khứ, hiện tại, tương lai chư Như Lai Vô Sở Trước Chánh Đẳng Giác đều từ trong đây mà thành Chánh đẳng giác.

Lại nữa, này Câu-dực! Thiện nam, thiện nữ nào học Bát-nhã ba-la-mật rồi biên chép, thọ trì, thì người hoặc phi nhân nhất định không tìm được chỗ sơ hở của họ. Vì sao? Vì tam thiên đại thiên thế giới và vô số thế giới ở mười phương từ cõi trời Tứ thiên vương cho đến cõi trời Sắc cứu cánh, chư Thiên đều hết lòng cung kính, tôn trọng và ủng hộ, làm lễ những thiện nam, thiện nữ thọ trì Bátnhã ba-la-mật. Người thọ trì Bát-nhã ba-la-mật được phước như vậy. Nếu chỉ biên chép giữ gìn Bát-nhã ba-la-mật, không đọc tụng hành trì thì người đó cũng giống như ở Bồ-đề đạo tràng; chung quanh hay bốn bên nếu có súc sinh, bên ngoài có người hoặc phi nhân muốn đến hại cũng không tìm được chỗ để hại họ. Vì quá khứ chư Như Lai Vô Sở Trước Chánh Đẳng Giác đều từ nơi đây mà thành Phật. Đương lai và hiện tại chư Như Lai Vô Sở Trước Chánh Đẳng Giác đều từ nơi đây mà thành Phật. Sau khi thành Phật lại cứu giúp tất cả chúng sinh thoát khỏi sợ hãi, đã không còn sợ hãi còn được phước đức ở cõi Người, cõi Trời, an lập trong ba thừa mà giải thoát họ. Vì sao? Này Câu-dực! Vì Bát-nhã ba-la-mật như mặt đất ở Bồ-đề đạo tràng bảo hộ tất cả chúng sinh, cần phải làm lễ cúng dường các thứ hoa thơm, hương bột, tràng phan, bảo cái, âm nhạc.

Thích Đề-hoàn Nhân bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Nếu có thiện nam, thiện nữ biên chép Bátnhã ba-la-mật rồi thọ trì, cúng dường các thứ hoa thơm, hương bột, tràng phan, bảo cái, âm nhạc… hoặc sau khi Phật nhập diệt cúng dường xá-lợi bằng các thứ hoa thơm, tràng phan, bảo cái, âm nhạc… Cúng dường như vậy thì phước đức nào nhiều hơn?

Phật bảo Thích Đề-hoàn Nhân:

–Này Câu-dực! Ta hỏi ông, tùy theo lời ta hỏi mà nói ý ông

nghĩ sao? Như Lai Vô Sở Trước Chánh Đẳng Giác thành trí Nhất thiết, các tướng tốt như vậy là do học gì mà đạt được?

Thích Đề-hoàn Nhân bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Con nghe Như Lai Vô Sở Trước Chánh Đẳng Giác thành trí Nhất thiết, các tướng tốt đẹp đều do học Bát-nhã bala-mật mà đạt được.

Phật dạy:

–Đúng như vậy! Này Câu-dực! Không do thân này mà gọi là Như Lai. Vì trí Nhất thiết từ Bát-nhã ba-la-mật mà sinh ra.

Này Câu-dực! Thân Như Lai là nhà trí Nhất thiết. Như Lai nhờ từ nhà trí tuệ này mà được trí Nhất thiết, cho nên gọi là nhà trí Nhất thiết.

Sau khi ta nhập diệt nên cúng dường xá-lợi như thế này: Nếu có thiện nam, thiện nữ biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật rồi cúng dường kinh quyển bằng các thứ hoa thơm, tràng phan, bảo cái, âm nhạc, cúng dường như vậy là đã cúng dường trí Nhất thiết.

Cho nên, thiện nam, thiện nữ nào tu tập Bát-nhã ba-la-mật rồi cúng dường kinh quyển bằng các thứ hoa thơm, tràng phan, bảo cái, âm nhạc nên cung kính làm lễ họ. Sau khi ta Niết-bàn, xây tháp kiên cố rồi dùng các thứ hoa thơm, tràng phan, bảo cái âm nhạc cúng dường xá-lợi. Hoặc có thiện nam, thiện nữ biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật rồi dùng các thứ hoa thơm, tràng phan, bảo cái, âm nhạc cúng dường thì phước đức nhiều hơn cúng dường xá-lợi. Vì sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật sinh ra xá-lợi, nội ngoại không, hữu vô không, ba mươi bảy phẩm Trợ đạo, mười tám pháp Bất cộng đều từ trong đây sinh ra; các môn Tam-muội, Đà-la-ni giáo hóa chúng sinh làm thanh tịnh cõi Phật. Các vị Bồ-tát, cư sĩ thành tựu, sắc tướng thành tựu, tài sản thành tựu, quyến thuộc thành tựu, đại Từ, đại Bi…; dòng Sát-lợi, Bà-la-môn, Trưởng giả, Tứ Thiên vương cho đến cõi trời Sắc cứu cánh… từ quả vị Tu-đà-hoàn cho đến A-la-hán, Bích-chi-phật, Chánh đẳng giác, trí Nhất thiết đều từ trong đây mà ra.

Khi ấy, Thích Đề-hoàn Nhân bạch Phật:

–Người Diêm-phù-đề không hiểu biết Bát-nhã ba-la-mật nên họ không cung kính lễ bái phụng sự, cúng dường Bát-nhã ba-lamật.

Phật bảo Thích Đề-hoàn Nhân:

–Này Câu-dực! Ý ông nghĩ sao? Ông biết trong cõi Diêm-phùđề có bao nhiêu người tin Tam bảo? Có bao nhiêu người phỉ báng Tam bảo? Có bao nhiêu người cung kính Tam bảo?

Thích Đề-hoàn Nhân bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Số người tin theo Tam bảo rất ít!

Phật bảo:

–Này Câu-dực! Ý ông thế nào? Trong cõi Diêm-phù-đề có bao nhiêu người thành tựu ba mươi bảy phẩm Trợ đạo, ba môn Giải thoát, tám Bối xả, chín Thứ đệ thiền, sáu pháp Thần thông, bốn Tâm vô lượng, bốn Không định, bốn Vô ngại tuệ? Trong cõi Diêm-phù-đề có bao nhiêu chúng sinh diệt ba nghi đắc quả Tu-đà-hoàn? Có bao nhiêu chúng sinh giảm dần ba cấu đắc quả Tư-đà-hàm? Có bao nhiêu chúng sinh đoạn năm nghi đắc quả A-na-hàm? Có bao nhiêu chúng sinh sạch hết năm thượng phần kết sử chứng A-la-hán? Có bao nhiêu chúng sinh hướng đến đạo Bích-chi-phật? Có bao nhiêu chúng sinh thành Chánh đẳng giác?

Thích Đề-hoàn Nhân bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Có rất ít chúng sinh thành tựu ba mươi bảy phẩm Trợ đạo… Cho đến thành Chánh đẳng giác.

Phật bảo Thích Đề-hoàn Nhân:

–Đúng như vậy Câu-dực! Chúng sinh rất nhiều mà người phát tâm Bồ-đề thì rất ít. Vì sao? Vì kiếp trước không thấy Phật, không nghe Pháp, không gặp Tỳ-kheo Tăng, không Bố thí, không Nhẫn nhục, không Tinh tấn, không nghe về Thiền, không nghe Bát-nhã bala-mật, không nghe nội ngoại không, hữu vô không, cũng không nghe ba mươi bảy phẩm Trợ đạo, mười tám pháp Bất cộng, cũng không nghe, cũng không nhớ nghĩ, cũng không nghe có Tam-muội, trí Nhất thiết, cũng không nhớ nghĩ sự việc ấy. Vì vậy cho nên, này Câu-dực! phải biết là rất ít chúng sinh tin Tam bảo. Ở trong đó rất ít chúng sinh phát tâm hướng đến Bích-chi-phật. Ở trong đó lại có rất ít chúng sinh hành đạo Bồ-tát, rất ít chúng sinh hành đạo Bồ-tát hướng đến Chánh đẳng giác.

Này Câu-dực! Ta ở trong thế gian này dùng Phật nhãn thấy vô số chúng sinh khắp mười phương không thể tính kể hành Vô thượng Chánh đẳng giác, không xa lìa Bát-nhã ba-la-mật và phương tiện quyền xảo; hoặc một, hoặc hai vị trụ ở bậc không thoái, phần đông ở địa vị A-la-hán và Bích-chi-phật không xa lìa Bát-nhã ba-la-mật và phương tiện quyền xảo. Do vậy, thiện nam, thiện nữ phát tâm hướng đến Chánh đẳng giác nên thọ trì, đọc tụng, tu tập, biên chép, hành trì Bát-nhã ba-la-mật rồi dùng các thứ hoa thơm, tràng phan, lọng báu, âm nhạc để cúng dường chư Phật. Ngoài ra các công đức đều ở trong Bát-nhã ba-la-mật; cần phải thọ trì, đọc tụng, tu tập.

Những công đức nào đi vào Bát-nhã ba-la-mật? Đó là Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, nội ngoại không, sở hữu không, vô sở hữu không, các Tam-muội Đà-la-ni, ba mươi bảy phẩm Trợ đạo, mười tám pháp Bất cộng, đại Từ, đại Bi. Ngoài ra vô lượng Phật pháp khác đều ở trong Bát-nhã ba-la-mật cũng nên thọ trì, đọc tụng, tu tập. Vì sao? Này Câu-dực! Thiện nam, thiện nữ nên biết cung kính như vậy. Chư Như Lai khi mới hành Bồ-tát đạo cũng học Bát-nhã ba-la-mật, cũng hành Thiền ba-la-mật, Tinh tấn ba-la-mật, Nhẫn nhục ba-la-mật, Trì giới ba-la-mật, Bố thí ba-lamật; từ nội ngoại không cho đến hữu vô không, các môn Tam-muội Đà-la-ni cho đến mười tám pháp Bất cộng, đại Từ, đại Bi. Ngoài ra vô số Phật pháp, chúng ta cần phải học tập, tôn kính. Bát-nhã bala-mật cùng với Phật pháp đều là giáo pháp của Như Lai, Bích-chiphật, A-la-hán, A-na-hàm, Tư-đà-hàm, Tu-đà-hoàn cho đến trí Nhất thiết đều ở trong Bát-nhã ba-la-mật mà thành tựu, đưa người sang bờ giải thoát.

Này Câu-dực! Khi Như Lai còn tại thế hoặc sau khi Niết-bàn, thiện nam, thiện nữ đều phải cung kính đảnh lễ sáu pháp Ba-la-mật, cũng nên cung kính đảnh lễ bậc trí Nhất thiết. Vì sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật ở thế gian ủng hộ các vị Bồ-tát Thanh văn, Bích-chi-phật, người, trời đều nương Bát-nhã ba-la-mật mà được an ổn.

Này Câu-dực! Sau khi Phật diệt độ, nếu có thiện nam, thiện nữ xây tháp bảy báu, cao bốn mươi dặm cúng dường xá-lợi, trọn đời cung kính cúng dường các thứ hoa trời, hương bột, lọng lụa, lọng báu thì phước đức đó có nhiều không?

Thích Đề-hoàn Nhân bạch Phật:

–Thưa Thế Tôn! Rất nhiều.

Phật dạy:

–Không phải vậy, nếu có thiện nam, thiện nữ thọ trì, đọc tụng, biên chép, giữ gìn Bát-nhã ba-la-mật, không lìa trí Nhất thiết và cúng dường hương hoa, tràng phan, lọng báu thì phước đức tăng gấp bội không thể kể được.

Lại nữa, này Câu-dực! Thiện nam, thiện nữ nào xây tháp bảy báu, cao bốn mươi dặm khắp cõi Diêm-phù-đề và cúng dường xá-lợi bằng các thứ hương hoa trời, y phục, tràng phan, lọng báu thì phước đức có nhiều không?

Thích Đề-hoàn Nhân thưa:

–Bạch Thế Tôn! Rất nhiều.

Phật dạy:

–Không phải như vậy! Nếu thiện nam, thiện nữ cúng dường Bát-nhã ba-la-mật thì phước đức tăng gấp bội.

Lại nữa, này Câu-dực! Nếu thiện nam, thiện nữ xây tháp bảy báu, khắp bốn châu thiên hạ và cúng dường như trước thì không bằng thiện nam, thiện nữ cúng dường Bát-nhã ba-la-mật, phước đó tăng gấp bội.

Này Câu-dực! Thiện nam, thiện nữ nào xây tháp bảy báu khắp tiểu thiên quốc độ, cúng dường xá-lợi và làm việc cúng dường như trước; hoặc xây tháp bảy báu khắp trung thiên quốc độ cúng dường xá-lợi và làm việc cúng dường như trước; hoặc xây tháp bảy báu khắp tam thiên đại thiên quốc độ cúng dường xá-lợi và làm việc cúng dường như trên thì không bằng thiện nam, thiện nữ cúng dường Bát-nhã ba-la-mật, phước đức tăng gấp bội; hoặc số người trong tam thiên đại thiên quốc độ, mỗi người đều xây tháp bảy báu cúng dường như trên cũng không bằng thiện nam, thiện nữ cúng dường Bát-nhã ba-la-mật, phước đức đó tăng gấp bội.

Thích Đề-hoàn Nhân bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Đúng như vậy! Cúng dường Bát-nhã ba-lamật là đã cúng dường chư Như Lai ba đời.

Phật dạy:

–Sau khi Phật Niết-bàn, ở phương Đông hằng hà sa số quốc độ, mỗi mỗi chúng sinh ở đó đều xây tháp bảy báu, cúng dường như trên, từ đời này sinh đến đời khác cho đến lúc qua đời, thì người đó phước đức có nhiều không?

Thích Đề-hoàn Nhân thưa:

–Bạch Thế Tôn! Rất nhiều.

Phật dạy:

–Phước đức đó không bằng phước đức thiện nam, thiện nữ biên chép, thọ trì, đọc tụng Bát-nhã ba-la-mật rồi dùng các thứ hương hoa, tràng phan, lọng báu, âm nhạc cúng dường. Vì sao? Vì tất cả pháp lành đều ở trong Bát-nhã ba-la-mật.

Những gì là pháp lành?

Đó là năm giới, mười pháp thiện, bốn Thiền, bốn Tâm vô lượng, bốn Không định, ba mươi bảy phẩm Trợ đạo. Ba Giải thoát môn, bốn Đế, tám Bối xả, chín Thứ đệ thiền, sáu pháp Ba-la-mật, từ nội ngoại không cho đến hữu vô không, các môn Tam-muội, Đà-lani, mười Lực, mười tám pháp Bất cộng, bốn Vô sở úy, bốn Vô ngại tuệ, đại Từ, đại Bi, Đạo sư, trí Nhất thiết là giáo pháp của các Đức Như Lai Vô Sở Trước Chánh Đẳng Giác. Các vị A-la-hán, Bích-chiphật, các Đức Như Lai trong ba đời đều học trong Bát-nhã ba-la-mật mà thành tựu sang bờ giải thoát.