SỐ 190
KINH PHẬT BẢN HẠNH TẬP
Hán dịch: Đời Tùy, Tam tạng Pháp sư Xà-na-quật-đa, người Ấn độ
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh.

 

QUYỂN 30

Phẩm 33: BỒ TÁT THÀNH PHẬT

Khi Bồ-tát thu phục tất cả ma oán, nhổ sạch các gai độc, dựng cờ chiến thắng, rồi ngồi nơi tòa Kim cang tiêu diệt tất cả tâm tranh đấu thuộc thế gian. Diệt tâm tranh đấu rồi, trong ngoài điều phục, tâm được thanh tịnh. Vì tất cả chúng sinh trong thế gian, Ngài làm những điều lợi ích, vì làm cho tất cả chúng sinh thế gian được an lạc, vì làm cho tất cả chúng sinh độc ác phát lòng Từ, vì đoạn tất cả những kết sử cấu trược của chúng sinh độc ác, nên tự mình Ngài đã trừ được triền cái thùy miên, tâm được thanh tịnh, hiện tiền trí tuệ sáng suốt, chánh niệm viên mãn, rồi cũng dạy cho chúng sinh, khiến họ đoạn trừ sự che lấp của thùy miên. Tự mình đã đoạn trừ tất cả trạo cử, tâm được thanh tịnh, không còn hỗn loạn, rồi cũng dạy cho chúng sinh khiến họ diệt trừ tất cả trạo cử để được thanh tịnh. Tự mình đã đoạn trừ được tâm nghi hối, xa lìa hành vi tối tăm, đối với tất cả các pháp thiện hay ác không còn nghi ngờ phân vân, tâm được thanh tịnh.

Khi Bồ-tát đoạn trừ năm tâm triền cái này rồi, phiền não lần lần yếu ớt. Tại sao như vậy? Vì năm pháp này hay che lấp trí tuệ, vì năm pháp này không trợ duyên phát sinh trí tuệ, vì năm pháp này cản ngăn thiện đạo vi diệu đi đến Niết-bàn. Tất cả những thứ như vậy Ngài đều đã xả bỏ, lìa tâm ái dục, các pháp bất thiện, phân biệt trong ngoài, tư duy quán sát, nhắt tâm tịch định, sắp chứng pháp hỷ lạc của Sơ thiền và theo đó tu tập.

Bấy giờ Bồ-tát lại tư duy: “Ta mới chứng được tâm tăng thượng, hiện tại được pháp an lạc vi diệu, tâm không phóng dật, cần phải chánh niệm xa lìa làng xóm, ở nơi vắng vẻ, tu tập để được rốt ráo.”

Lúc ấy Bồ-tát muốn xa lìa tất cả phân biệt, trong tâm thanh tịnh, hoàn toàn không còn phân biệt. Từ Tam-muội sinh Hoan hỷ lạc, chứng pháp Nhị thiền mà ở trong đó tu tập.

Lúc ấy Bồ-tát lại nghĩ thế này: “Ta nay đã sinh được tâm tăng thượng thứ hai, cho đến xa lìa tất cả tâm ác, thành tựu các hạnh, nhập vào Nhị thiền.”

Khi ấy Bồ-tát xa lìa hoan hỷ, xả bỏ, hành thanh tịnh chánh niệm, chánh tuệ, thân thọ an lạc là pháp được chư Thánh ca ngợi, chứng vào pháp Tam thiền mà ở trong đó tu tập.

Khi ấy Bồ-tát lại suy nghĩ: “Tâm ta đã chứng tâm tăng ích thứ ba này, cho đến nơi vắng vẻ tu hành.” Lúc ấy Bồ-tát sắp xả bỏ dục, xả bỏ khổ, cũng như ở trước xả bỏ phân biệt khổ vui, không khổ không vui đều xả, chánh niệm thanh tịnh, chứng pháp Tứ thiền mà ở trong đó tu tập.

Bấy giờ Bồ-tát lại tư duy: “Tâm tăng thượng này của Ta hiện chứng pháp hạnh an lạc ở Tứ thiền, Ta đã chứng biết, tâm không phóng dật, mà người thiện nam nhất tâm chánh niệm, ở nơi vắng lặng tu hạnh tịch tĩnh.”

Khi Bồ-tát nhất tâm thanh tịnh, không cấu nhiễm, không có phiền não chướng ngăn che, tất cả khổ hoạn đều đoạn trừ diệt, tâm nhu hòa thư thái, tâm thuần thục đã trụ vào chỗ quyết định. Đêm ấy vào canh đầu, Ngài chứng thần thông về thân, thọ tất cả cảnh giới thần thông. Đó là một thân có thể hiện thành nhiều thân, hoặc hợp nhiều thân trở thành một thân. Khi hợp lại một thân rồi lại ở trong hư không, khuất dạng ở phương trên, xuất hiện ở phương dưới, khuất dạng ở phương dưới, xuất hiện ở phương trên, ẩn hiện tự tại. Khắp các phương Đông, Tây, Nam, Bắc biến hiện cũng lại như vậy. Xuyên qua núi hay vách đá không chướng ngại. Biến hóa tùy ý, vào trong vách rồi lại ra, ra rồi lại vào, đi trên đất cũng như đi trên nước, đi trên nước cũng như đi trên đất, ẩn hiện trong hư không cũng như chim bay. Hoặc tỏa khói mù, hoặc phóng ánh lửa như đống lửa lớn. Sức mạnh của mặt trời, mặt trăng hết sức chói lọi, nhưng có thể dùng bàn tay tiếp xúc được. Hiện thân cao lớn cho đến cõi Phạm thiên. Ví như thợ bạc và học trò của thợ bạc, lấy vàng ròng tạo thành các món đồ, liền thành theo ý muốn, cũng phân biệt biết giá trị tốt xấu của nó. Ví như thợ gốm và học trò thợ gốm đặt cục đất sét ổn định trên bàn quay, ý muốn làm vật gì liền thành vật đó, cũng biết giá trị của nó. Ví như thợ mộc và học trò thợ mộc, chặt lấy cây cối không mục không khô, muốn làm đồ vật gì thì thành đồ vật đó, cũng biết giá trị của nó. Ví như thợ khắc ngà voi và học trò của thợ khắc ngà voi, được ngà voi tôi:, muốn làm đồ vật gì thì thành đồ vật đó, cũng biết giá trị của nó.

Đúng như vậy, đúng như vậy! Bồ-tát cũng vậy, Ngài thành tựu tâm thanh tịnh, tâm không uế trược, tâm không chướng ngại, tâm không khổ lụy, tâm nhu hòa, tâm thành tựu thiện nghiệp và tâm chân thật tịch định như vậy. Vào canh một đêm ấy, tu tập tạo tác các thần thông, thành tựu trí tuệ, xuất hiện các cảnh giới thần thông. Đó là một thân hiện thành nhiều thân… nói tóm lại, thân cao cho đến cõi Phạm thiên.

Tâm Bồ-tát đã được tịch định như vậy, thanh tịnh như vậy, vô cấu như vậy, không ngăn che như vậy, Ngài diệt trừ tất cả phiền não khổ lụy, tâm hoàn toàn thuần thục, tâm được tịch diệt.

Bấy giờ ở giữa canh một đêm ấy, Bồ-tát lại chứng biết Túc mạng thông, tâm hành thành tựu, muốn từ tâm mình biết tất cả tâm niệm của người khác. Đó là biết chỗ thọ thân một đời, chỗ thọ thân hai đời, ba, bốn, năm, sáu, bảy, tám, chín, mười, hai mươi, ba mươi, bốn mươi, năm mươi, một trăm, hai trăm, một ngàn, muôn ngàn, vô lượng vạn ức, nửa kiếp, tiểu kiếp, trung kiếp, đại kiếp, vô lượng tiểu kiếp, trung kiếp, đại kiếp. Ta xưa ở chỗ này, tên thế này, dòng họ như vậy, chủng loại như vậy, ăn uống như vậy, thọ lạc như vậy, thọ mạng như vậy, chết rồi sinh vào xứ khác như vậy, ở nơi đó sinh ra rồi lại chết đi…

Lúc bấy giờ Bồ-tát do tướng như vậy, hành như vậy, biết tất cả tự thân của mình trong thời quá khứ đã như vậy, thân của người khác cũng như vậy. Lại tự biết tất cả đời quá khứ của mình. Như có người ra đi từ xóm làng của mình để đến xóm làng khác, trên lộ trình biết nơi nào ngồi, biết nơi nào đi, biết nơi nào ngủ, biết nơi nào nói, biết nơi nào im lặng. Đến xóm làng này rồi biết khoảng thời gian đi đến xóm làng ấy xa hay gần, biết nơi nào đã đi, nơi nào đã ngồi… cho đến nơi nào đã ngủ, nằm, nói, im lặng.

Đến xóm làng kia rồi, suy nghĩ trở về xóm làng mình thế này: “Từ xóm làng này trải qua chừng ấy thời gian sẽ đến xóm làng kia, đến nơi ấy sẽ nghỉ thời gian chừng ấy, thời gian đi chừng ấy, thời gian ngồi chừng ấy, thời gian nói chừng ấy, thời gian im lặng chừng ấy, thời gian chừng ấy sẽ đến làng ấp ấy.” Lại biết từ xóm làng ấy về đến xóm làng mình, trải qua số thời gian đi, đứng, nằm ngồi, nói năng, im lặng, dừng nghỉ…, tất cả đều biết. Bồ-tát với tâm định, tâm thanh tịnh, tâm không cấu nhiễm, tâm nhu hòa thư thái, tâm không khổ não, tâm có thể tạo các thiện nghiệp. Giữa canh đầu đêm ấy, chứng được trí túc mạng, chánh niệm chứng biết, tâm thành tựu các hạnh.

Bấy giờ Bồ-tát tư duy biết rõ chỗ sinh tử của mình và của người khác. Đó là một đời sinh sống ở nơi quốc độ nào đó, cho đến chỗ đã sinh sống trong vô lượng vô biên kiếp.

Khi ấy Bồ-tát như tướng trạng, như giáo pháp thứ tự nghe nói, tự biết cảnh giới thân mình đã sinh và nơi người khác đã sinh cũng lại như vậy. Bồ-tát nhớ biết cảnh giới của mình sinh, lại nhớ biết trong các cảnh giới chúng sinh thọ sinh, được tâm từ niệm: “Đây là người thân cũ của ta, đây là người xa lạ với ta. Bỏ thân người này lại sinh nơi ấy, ở thế giới này hay thế giới khác.” Giống như xe gió, như cây chuối không có lõi cứng, phiền não vô thường, sự thật này được tâm chứng biết rõ.

Bấy giờ Bồ-tát với tâm định, thanh tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu hòa, có thể tu tịnh nghiệp, nửa đêm ấy muốn thành tựu chứng Thiên nhĩ thông nên phát tâm đúng như vậy. Với Thiên nhĩ thanh tịnh hoàn toàn, vượt hơn người thường, Ngài nghe tất cả thứ tiếng. Đó là nghe tiếng địa ngục, hoặc tiếng súc sinh, hoặc tiếng trời, tiếng người, tiếng xa tiếng gần. Như ở nơi xóm làng, thành ấp, đô thị của một quốc gia, có người lên nhà cao, hoặc lên trên lầu và ở đó. Người ấy với tai rất thính nghe các thứ tiếng, đó là nghe tiếng thổi loa ốc, hoặc tiếng trống lớn, hoặc tiếng trống nhỏ, tiếng trống cơm, hoặc tiếng đàn không hầu, tiếng đàn tỳ bà, tiếng tiêu, tiếng sáo, tiếng sênh, hoặc nghe tiếng khóc, hoặc tiếng phụ nữ, hoặc tiếng đàn ông, hoặc tiếng đồng tử, hoặc tiếng đồng nữ. Như vậy, như vậy… tâm Ngài tịch định, thanh tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, không uế trược, nhu hòa tu các thiện nghiệp như vậy. Vào nửa đêm hôm ấy nghe đủ các thứ tiếng, cho đến tiếng ở địa ngục.

Khi ấy tâm Bồ-tát tịch định, thanh tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, vào nửa đêm hôm ấy, khi thành tựu chứng Thiên nhãn thông, hơn mắt người thường, thấy khắp tất cả, hoặc thấy tất cả chúng sinh qua đời bị đọa; hoặc sinh làm chúng sinh thượng giới, chúng sinh hạ giới, chúng sinh xinh đẹp, chúng sinh xấu xí; hoặc đọa làm tất cả chúng sinh trong ác đạo, hoặc sinh làm các chúng sinh trong cõi thiện, đi hay đứng lại; hoặc tạo nghiệp, theo nghiệp đã tạo, Ngài đều thấy rõ. Lại thấy biết các chúng sinh tạo thân nghiệp bất tịnh, ý nghiệp bất tịnh, hủy báng Sư tăng, chấp tà kiến, do tà kiến nên tạo nghiệp ác. Do đó, bỏ thân ấy rồi, sinh vào cõi ác địa ngục, chịu các đau khổ. Có những chúng sinh vì khẩu nghiệp chịu nhiều cách khổ trong cõi ác, những chúng sinh này do khẩu nghiệp bất tịnh, tạo tất cả các nghiệp ác về miệng, do vì nhân duyên này, chết sinh vào trong loài súc sinh, chịu các đau khổ. Những chúng sinh thân làm các ác nghiệp, đủ các nghiệp về thân. Do vì nhân duyên này, tạo các ác nghiệp về ý, đầy đủ ác nghiệp về ý, cho đến hủy báng tất cả Thánh hiền, có nhiều tà kiến, do vì nhân duyên tà kiến, khi bỏ thân qua đời đọa vào ngạ quỷ, chịu cảnh khổ ngạ quỷ.

Còn những chúng sinh thân nghiệp thanh tịnh, khẩu nghiệp thanh tịnh, không hủy báng Thánh hiền. Do vì hành chánh kiến, tạo nghiệp chánh kiến, do vì nhân duyên này khi qua đời sinh lên các cõi trời. Những chúng sinh do thân, khẩu tạo nghiệp thanh tịnh đầy đủ, tất cả không phạm, không khuyết, không hủy báng Thánh hiền là do có chánh kiến. Do nhân duyên chánh kiến như vậy, khi qua đời bỏ thân này sinh làm người.

Bồ-tát dùng Thiên nhãn thanh tịnh hơn mắt người thường, thấy chúng sinh hoặc khi đọa lạc, hoặc khi thọ sinh làm chúng sinh thượng giới, trung giới và hạ giới, hoặc thân tốt đẹp hay xấu xí, hoặc thân có mùi thơm hay mùi hôi thối, hoặc cho đến theo chỗ tạo nghiệp sinh nơi thiện đạo hay ác đạo, Ngài đều biết một cách đúng sự thật như vậy. Ví như có người ở nơi ồn ào trong thành phố, xóm làng, thành ấp của một nước, người này lên một tòa lâu đài rất cao lớn, ngồi trong đó, dùng Thiên nhãn thanh tịnh quán sát người qua lại, hoặc từ phương Đông đến, hoặc từ phương Tây đến, hoặc từ phương Tây sang phương Đông, hoặc từ phương Đông sang phương Tây, hoặc từ phương Nam sang phương Bắc đến, hoặc đến hoặc đi, hoặc đứng, hoặc ngồi, di chuyển qua lại trong đó.

Hoặc có người đi về miền ngược, hoặc có người đi về miền xuôi, bao nhiêu cảnh tượng như vậy…

Bồ-tát vào nửa đêm hôm ấy tâm tịch tĩnh thanh tịnh không cấu nhiễm, không phiền não, nhu hòa tạo các thiện nghiệp, cho đến thấy tất cả chúng sinh tạo bao nhiêu nghiệp thiện, nghiệp ác, theo đó mà thọ báo.

Có kệ nói:

Địa ngục thọ nghiệp rất cực khổ
Súc sinh ăn và nuốt lẫn nhau
Ngạ quỷ chịu khổ thường đói khát
Nhân gian nguy khốn cầu tài sản.
Chư Thiên hết phước khổ biệt ly
Khổ này rất nặng không dụ được
Chúng sinh xoay vần trong các loại
Tất cả mọi nơi không an lạc.
Đó là vực sâu quỷ giết mạng
Cũng là nơi đáy biển phiền não
Chúng sinh chìm đắm không ra được
Luân chuyển đây đó đến rồi đi.
Quán sát năm cõi đều như vậy
Thiên nhãn thông suốt thấy cùng khắp
Phiền não trước sau không thật có
Như lột hết bẹ, cây chuối mất.

Lúc ấy tâm Bồ-tát vắng lặng thanh tịnh không cấu nhiễm như vậy, xa lìa các điều ác, tâm điều hòa thư thái, tạo các thiện nghiệp
như vậy. Khi tâm đã được tịch định rồi lại vào khoảng cuối đêm ấy, tâm Ngài muốn chứng thần thông như ý thì tự phát khởi. Sau khi đã chứng thần thông như ý rồi lại chứng Tha tâm thông. Ngài biết chúng sinh từ đâu sinh, biết chúng sinh suy nghĩ việc gì, biết khắp tất cả một cách như thật. Hoặc chúng sinh có tâm dục, làm việc dâm dục, Ngài đều biết một cách đúng sự thật. Hoặc chúng sinh có tâm ly dục, xa lìa dâm dục, Ngài đều biết một cách đúng sự thật. Hoặc chúng sinh có tâm sân hận, phát khởi sân hận, Ngài biết một cách đúng sự thật. Hoặc chúng sinh có tâm xa lìa sân hận, xa lìa các việc sân hận, Ngài biết một cách đúng sự thật. Hoặc chúng sinh có tâm ngu si, Ngài biết một cách đúng sự thật. Hoặc chúng sinh có tâm xa lìa ngu si, xa lìa được việc ngu si, Ngài biết một cách đúng sự thật.

Nói tổng quát, chúng sinh có tâm ái dục hay lìa ái dục, cho đến hữu vi hay vô vi, hạ đẳng hay thượng lưu, yên tĩnh hay loạn động, rộng hay hẹp, lớn hay nhỏ, có giới hạn hay không có giới hạn, tâm hướng thượng hay hướng hạ, đắc định hay không đắc định, giải thoát hay không giải thoát, Ngài đều thông hiểu đúng sự thật.

Ví như kẻ nam hay người nữ, chính lúc tuổi trẻ thường ưa thích trang điểm, sau khi trang điểm xong rồi hoặc có lúc dùng gương sáng hay có lúc dùng nước trong, soi thấy tất cả mặt mình.

Đúng như vậy! Đúng như vậy! Bồ-tát tịch định cũng như vậy, tâm Ngài thanh tịnh, tâm không cấu nhiễm, tâm không phiền não, tâm điều hòa thư thái làm các thiện nghiệp cũng như vậy.

Tâm đã được tịch định rồi, vào cuối đêm đó do tâm thanh tịnh, theo ý muốn chứng thần thông Túc mạng trí, cũng vậy biết cả tâm mình, biết tâm người khác, phát tâm từ đâu, khởi tâm từ đâu, tất cả các tâm đều thông hiểu đúng sự thật như vậy.

Hoặc chúng sinh có tâm dục, hoặc lìa tâm dục, Ngài đều thông hiểu, cho đến tâm giải thoát hay không giải thoát, Ngài đều thông hiểu đúng sự thật như vậy.

Khi Bồ-tát đã chứng được tâm thanh tịnh, không có tâm cấu uế, lìa tất cả điều ác, tâm điều hòa thư thái, làm tất cả việc lành. Bồ-tát đã chứng được tâm tịch định như vậy rồi, lại vào cuối đêm hôm đó, theo ý muốn, Ngài chứng thần thông Vô lậu tận trí, trong tâm phát khởi trí tuệ suy nghĩ thế này: “Tất cả chúng sinh chìm đắm trong biển khổ não, nghĩa là luôn luôn trải qua cảnh sinh, già, bệnh, chết. Kết liễu thân mạng ở cõi này rồi thác sinh nơi cảnh giới kia. Sau khi thọ sinh rồi lại mắc phải tất cả các khổ cũng như vậy, không thể nào biết được để xa lìa các khổ này. Đó là các khổ sinh, già, bệnh, chết.”

Ngài tư duy thế này: “Ta nay phải dùng những phương pháp gì, làm sao lìa được các khổ như vậy? Ta phải tạo nghiệp gì?

Làm sao xa lìa sinh, già, bệnh, chết để qua bên kia bờ giải thoát?”

Ngài nói kệ:
Thế gian chìm đắm biển sinh tử
Mãi mãi, chết rồi lại thọ sinh
Bị khổ, già, bệnh, luôn buộc ràng
Mê muội không thể thoát ra được.

Khi Bồ-tát nói kệ này rồi, Ngài lại tư duy sự già, bệnh, chết của ta từ đâu đến? Do nhân duyên gì lại có sự già, bệnh, chết này?”

Khi Bồ-tát suy nghĩ như vậy, Ngài biết được nguyên nhân của già, bệnh, chết là sinh, vì do có sinh nên mới có già, bệnh, chết tiếp theo.

Bồ-tát lại tư duy: “Sinh từ đâu mà có? Do nhân duyên gì mà có sinh?” Sau khi tư duy, Ngài biết do có hữu nên có sinh.

Bồ-tát lại tư duy: “Hữu này từ đâu mà có? Do nhân duyên gì mà có hữu này?” Bồ-tát tư duy như vậy rồi biết do có thủ mới có hữu này.

Bồ-tát lại tư duy: “Thủ này từ đâu mà có? Do nhân duyên gì mà thủ?” Sau khi tư duy, Ngài biết do ái nên có thủ.

Bồ-tát lại tư duy: “Ái này từ đâu mà có? Do nhân duyên gì có ái này?” Bồ-tát tư duy như vậy rồi biết do có thọ mới có ái này.

Bồ-tát lại tư duy: “Thọ này từ đâu mà có? Do nhân duyên gì có thọ này?” Bồ-tát tư duy như vậy rồi biết do có xúc mới có thọ này.

Bồ-tát lại tư duy: “Xúc này từ đâu mà có? Do nhân duyên gì có xúc này?” Bồ-tát tư duy như vậy rồi, biết do có lục nhập mới có xúc này.

Bồ-tát lại tư duy: “Lục nhập từ đâu mà có? Do nhân duyên gì mà có lục nhập?” Sau khi tư duy, Ngài biết do có danh sắc nên có lục nhập.

Bồ-tát lại tư duy: “Danh sắc này từ đâu mà có? Do nhân duyên gì mà có? Từ đâu mà sinh?” Bồ-tát tư duy như vậy rồi, biết do có thức mới có danh sắc.

Bồ-tát lại tư duy: “Thức này do nhân duyên gì mà có? Từ đâu mà sinh?” Bồ-tát tư duy như vậy rồi, biết do có hành mới có thức.

Bồ-tát lại tư duy: “Các hành này do nhân duyên gì mà có? Từ đâu mà sinh?” Bồ-tát tư duy như vậy rồi, biết do có vô minh nên mới có hành.

Bồ-tát lại tư duy thế này: “Do duyên vô minh nên có các hành, do duyên các hành nên có thức, do duyên thức nên có danh sắc, do duyên danh sắc nên có lục nhập, do duyên lục nhập nên có xúc, do| duyên xúc cho nên có thọ, do duyên thọ cho nên có ái, do duyên ái: cho nên có thủ, do duyên thủ cho nên có hữu, do duyên hữu cho nên có sinh, do duyên có sinh cho nên có lão, do duyên có lão cho nên có bệnh, chết và cho đến các khổ: buồn, lo, khổ não… Các khổ như vậy đều làm nhân sinh lẫn nhau.” Pháp này, Bồ-tát trước đây chưa từng nghe từ người khác và chưa từng thấy từ pháp này sinh nhãn, sinh trí, sinh ý, sinh tuệ và sinh minh.

Bồ-tát lại tư duy: “Không còn cái gì để không còn già, bệnh, chết? Diệt cái gì để diệt già, bệnh, chết?” Tư duy như vậy, Bồ-tátl biết rõ vì không sinh nên không già bệnh chết, diệt sinh thì diệt già, bệnh, chết.

Bồ-tát lại tư duy thế này: “Không còn cái gì để không có sinh này? Do diệt cái gì để diệt cái sinh này?” Bồ-tát lại tư duy nghĩ biết thế này: “Do không hữu thì sinh này không, do diệt hữu nên sinh này diệt.’

Bồ-tát lại tư duy thế này: “Không còn cái gì… cho đến các hành đều không? Cho đến diệt cái gì… cho đến để các hành đều diệt?” Bồ-tát lại tư duy nghĩ biết thế này: “Do không vô minh nên các hành đều không. Do diệt vô minh nên các hành đều diệt.”

Bồ-tát lại tư duy: “Do diệt vô minh nên các hành đều diệt, do các hành diệt cho nên thức cũng theo đó diệt.” Nói lược cho đến sinh,, già, buồn, lo, khổ não đều diệt. Như vậy tất cả các khổ và tập nhân của khổ đều diệt hết. I

Bồ-tát thuở xưa chưa từng nghe như vậy, trong pháp như vậy sinh nhãn, sinh trí, sinh ý, sinh minh, sinh quang, sinh tuệ. Khi tâm Bồ-tát được định như vậy, thanh tịnh không cấu nhiễm, tâm Bồ-tát thư thái, lìa tất cả phiền não, tâm thuần thục. Tâm được vắng lặng, Ngài biết vô minh này một cách đúng sự thật, cũng biết vô minh với nhân như vậy mà sinh, cũng biết vô minh với duyên như vậy mà diệt, biết rõ chắc chắn đây là tướng diệt hết vô minh, biết rõ chắc chắn đã chứng thánh đạo. Nói tóm lược cho đến các pháp: Thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, hữu, thủ, sinh, lão, bệnh, tử đều biết rõ: “Đây là nguyên nhân của tất cả già, bệnh, chết. Đây là diệt tất cả già, bệnh, chết. Tất cả già, bệnh, chết này bị diệt, diệt rồi sẽ đắc đạo.” Ngài đều biết thế này: “Đây là nguyên nhân của Khổ đế. Biết đúng như thật đây là Khổ đế diệt, biết đúng như thật Khổ đế này diệt rồi sẽ đắc đạo. Biết thật đúng đây là các lậu, biết thật đúng đây là nguyên nhân các lậu, biết thật đúng sự diệt tận các lậu. Các lậu như vậy, diệt rồi sẽ đắc đạo.”

Ngài biết đúng như thật đây là dục lậu, biết đúng như thật đây là hữu lậu, đây là vô minh lậu. Biết đúng như thật các lậu này đều diệt không còn sót thì dứt hẳn thọ sinh các cõi.

Như nơi thành ấp, hoặc nơi bên thành, hoặc nơi xóm làng cách nhau chẳng xa có một ao nước, nước trong ao trong sạch, ngon ngọt mát lạnh, không chút vẩn đục, luôn luôn đầy ắp, bờ ao bằng phẳng, bốn bên bờ có nhiều loại cây bao bọc chung quanh, trang trí đẹp đẽ.

Trong ao có đá, sạn và nhiều loại thủy tộc: hoặc trai, hoặc ốc, cá sấu, trạnh, ba ba hoặc cá, lươn, cá mè, cá đuôi, cho đến cá Ma-kiệt… chúng lội qua lội lại Đông, Tây, Nam, Bấc, đuổi kiếm thức ăn. Hoặc có con đứng, hoặc có con rượt đuổi lẫn nhau, mà lại có người ở trên bờ, dùng con mắt trong sáng nhìn thấy trông suốt những loài động vật này, biết đây là trai, đây là ốc lớn, đây là rùa, đây là trạnh, đây là ba ba, đây là sạn, đây là đá, đây là cá, đây là cá Ma-kiệt, một số tìm mồi, một số nằm im ngủ, một số chạy khắp Đông, Tây, Nam, Bắc, một số rượt đuổi lẫn nhau. Bao nhiêu cảnh tượng như vậy, tâm Bồ-tát định như vậy, thanh tịnh như vậy, không cấu nhiễm như vậy, không phiền não như vậy, tâm điều hòa thư thái, tâm thuần thục như vậy. Tâm Ngài đã được tịch định rồi, biết rõ ràng đây là vô minh, biết rõ ràng đây là nguyên nhân của vô minh, đây là vô minh diệt, đây là vô minh diệt rồi sẽ chứng đạo.

Nói tóm lược, biết rõ ràng cho đến: ở đây các lậu hoặc đều bị diệt sạch không còn gì cả.

Khi Bồ-tát biết như vậy, thấy như vậy, tâm giải thoát khỏi dục lậu, tâm giải thoát khỏi hữu lậu, tâm giải thoát khỏi vô minh lậu.

Đã giải thoát ba lậu rồi, sinh Tuệ giải thoát, sinh Tuệ giải thoát rồi liền biết: “Thọ sinh của Ta đã hết, phạm hạnh đã thành, việc làm đã hoàn tất, hoàn toàn không thọ sinh đời sau.” Canh ba đêm ấy đã qua, bước sang canh tư cuối đêm ấy, khi sao Mai sắp xuất hiện, phần đêm còn lại vẫn yên tĩnh, tất cả chúng sinh đi lại hay ở một nơi, tất cả đều chưa thức dậy. Lúc ấy Thế Tôn liền sinh tri kiến thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Có kệ nói:

Đêm ấy bốn canh qua hết ba
Còn một canh sau, sao mai mọc
Các loài sinh sống đều chưa thức
Lúc ấy Đại Thánh Vô Thượng Tôn
Diệt hết các khổ chứng Giác ngộ
Bậc Nhất Thiết Trí trong thế gian.

Khi Đức Thế Tôn chứng tri kiến, tất cả trời, người, Sa-môn, Bà-la-môn, cung điện Phạm thiên và cung điện ma ở nơi thế gian này hết sức sáng chói. Những núi Tiểu thiết vi và Đại thiết vi, trong những núi này từ xưa đến nay luôn luôn tối tăm, chưa từng thấy ánh sáng mặt trời, mặt trăng. Tuy rằng mặt trời mặt trăng có công năng to lớn như vậy, có ánh sáng như vậy, có oai lực như vậy, mà ánh sáng chói lọi ấy không thể chiếu sáng nơi đây. Nhưng ngày nay nơi đây tự nhiên trong suốt, ánh sáng tràn ngập. Tất cả chúng sinh ở đây đều thấy lẫn nhau, đều biết lẫn nhau, đều nói với nhau: “Nơi đây cũng có chúng sinh ư? Nơi đây cũng có chúng sinh ư!”

Tất cả cây cối ở thế gian ra hoa kết quả rồi liền theo đó chín muồi rơi xuống đất. Do thế lực của Thế Tôn, bầu trời đang trong sáng, không có bụi mù, không có khói ráng, bỗng nhiên kéo mây thành trận mưa nhẹ rưới đất, lại thổi cơn gió mát, điều hòa lạnh nóng, rồi các phương lại trong sáng hiển hiện rõ ràng. Trên hư không, tất cả chư Thiên trổi nhạc trời, dùng giọng chư Thiên ca ngợi tán thán và mưa xuống vô lượng các loại hoa Mạn-đà-la, hoa Ma-ha mạn-đà-la…; lại mưa xuống các loại thiên y như y Kiều-xá-đa…; lại mưa xuống các loại bảo vật như vàng, bạc, lưu ly…; lại mưa xuống các thứ hoa sen như hoa sen xanh, hoa sen trắng và hoa sen trắng lớn; lại rải nhiều lớp các thứ hương bột, hương thoa trên mình Đức Phật. Chung quanh nơi đây một do-tuần, các loại hoa, hương bột và hương hoa ngập lên đến đầu gối. Bấy giờ cõi đại địa chấn động sáu cách, tất cả chúng sinh đều thọ hưởng cực kỳ an lạc, không có các khổ làm não loạn. Ngay lúc bấy giờ không có một chúng sinh nào sinh tâm dục não, sân hận, tham lam, ngu si; lại cũng không có tâm công cao, ngã mạn, sợ sệt, không tạo các tội lỗi, không có các bệnh tật, các hoạn nạn đều hết, không phát khởi trở lại. Tất cả chúng sinh đói khát đều được no nê, những chúng sinh say sưa đều được tỉnh táo, lại không uống rượu. Những chúng sinh điên cuồng đều trở lại tâm bình thường. Những chúng sinh đui mù đều được thấy, chúng sinh điếc lại được nghe. Những chúng sinh thân thể khiếm khuyết đều được đầy đủ. Những chúng sinh bần cùng đều được của quý. Những chúng sinh gầy ốm đều được mập mạp. Những chúng sinh bị trói buộc trong lao ngục thì tất cả gông cùm tự nhiên tháo gỡ. Những chúng sinh trong địa ngục đều được khỏi khổ.

Những sự khủng bố của loài súc sinh đều được tiêu diệt. Loài ngạ quỷ hết cái khổ đói khát…, tất cả đều được no nê.

Có kệ nói:

Lúc ấy chúng sinh diệt phiền não
Đều rất an lạc, khổ không còn
Say sưa điên dại được bình thường
Những người đang sợ, được bình an.

Khi Đức Thế Tôn chứng quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác rồi, liền nói kệ với giọng Sư tử rống:

Thuở xưa tạo nghiệp công đức lợi
Ý muốn việc chỉ đều thành tựu
Mau chóng chứng thành tâm thiền định
Niết-bàn bờ giác, lại đến nơi.
Tất cả bao nhiêu kẻ thù nghịch
Ba-tuần quyền lực khắp Dục giới
Không thể hại Ta, đều quy phục
Do sức trí tuệ đầy phước đức.
Ai luôn dũng mãnh siêng tinh tấn
Muốn cầu Thánh trí nào có khó
Các khổ lập tức được diệt trừ
Bao nhiêu tội nghiệp đều diệt sạch.

Sau khi Như Lai thành đạo, đầu tiên Ngài cảm hứng nói bài kệ này.