SỐ 202
KINH HIỀN NGU
Hán dịch: Đời Nguyên Ngụy, xứ Kinh châu, quận Cao xương,
Sa-môn Tuệ Giác và các vị khác cùng dịch.

Việt dịch:  Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh.

 

QUYỂN 6

Phẩm 32: VUA KHOÁI MỤC BỐ THÍ MẮT

          Tôi nghe như thế này:

Thuở nọ, Đức Phật ở tại vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn đang tuyên diễn chánh pháp, đại chúng vây quanh lắng nghe, nhân dân trong thành, người thích nghe pháp lần lượt kéo nhau đi đến chỗ Phật. Khi đó trong thành có một vị Bà-la-môn mù ngồi bên vệ đường nghe nhiều người đi đường nhộn nhịp liền hỏi:

– Các người đi đâu mà đông thế?

Họ đáp:

– Ông không biết sao, Đức Như Lai ra đời việc ấy rất khó gặp, hiện Ngài đang thuyết pháp ở nước này. Chúng tôi muốn đến đó nghe Ngài thuyết pháp. Vị Bà-la-môn này tuy bị mù nhưng có biết một thuật nghe được tám thứ tiếng của chúng sinh, đều có thể phân biệt được tướng lộc của nó. Thế nào là tám thứ: 1. Điểu thanh; 2. Tam xích điểu thanh; 3. Phá thanh; 4. Nhạn thanh; 5. Cổ thanh; 6. Lôi thanh; 7. Kim linh thanh; 8. Phạm thanh. Điểu thanh là người nói như tiếng chim kêu là người có tính quên ân sinh thành dưỡng dục, chí không liêm khiết. Tam xích điểu thanh là người bẩm tính hung bạo, hay làm tổn hại người, ít có lòng Từ hòa thuận. Phá thanh là người con trai nói tiếng như con gái, con gái nói tiếng như con trai, người này bạc đức bần cùng hạ tiện. Nhạn thanh là người này có tính hốt của người làm của mình, nhưng hay chơi nhiều bạn bè và tiếp đón người xa lạ bốn phương. Cổ thanh là người có lời nói biện luận nhanh chóng, giải thích đạo lý sâu huyền, ắt làm quốc sự. Lôi thanh là người tiếng nói ầm ầm như sấm, trí tuệ sâu xa, phân tich được pháp tánh, giáo hóa thiên hạ. Kim linh thanh là tiếng nói như chuông, người này giàu có nhiều của cải vàng bạc có đến ngàn ức lượng. Phạm thanh là tiếng nói như cõi trời Phạm thiên, người này phước đức cao dày, nếu người tại gia làm Chuyển luân thánh vương, nếu xuất gia học đạo ắt thành Phật. Bấy giờ vị Bà-lamôn nói với người đi đường:

– Tôi có thể phân biệt được tiếng nói của người khác. Nếu thật sự là Phật đương nhiên là tiếng Phạm thiên, nhờ các anh dẫn tôi đến chỗ đó nghe thử coi có đúng là Phật không.

Lúc đó người đi đường dẫn anh ta dần dần đến chỗ Phật nghe Đức Phật thuyết pháp, quả nhiên tiếng Phật là Phạm âm vang xa, vui mừng quá hai mắt vị ấy được mở ra, trông thấy Đức Phật màu vàng tía, ba mươi hai tướng sáng rực như mặt trời, liền cung kính lễ Phật, vui mừng không lường. Đức Phật vì anh ta thuyết pháp, chí tâm lắng nghe, liền phá được hai mươi ức ác kiến, đắc quả Tu-đà-hoàn, được tuệ nhãn, bèn cầu xuất gia. Đức Phật nói:

– Thiện tai. Vị ấy liền thành Sa-môn, Đức Phật trùng tuyên phương tiện rộng vì anh ta thuyết pháp, không bao lâu đắc quả A-la-hán, tất cả chúng hội không ai cho là lạ.

Hiền giả A-nan, từ chỗ ngồi đứng dậy, quỳ thẳng chắp tay bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn, ngài xuất thế làm lợi ích rất nhiều, cứu giúp kẻ mù tối, ân ấy vô cùng cao cả. Vị Bà-la-môn này trong chốc lát được sáng con mắt thịt và được mắt tuệ thanh tịnh, không biết người ấy đối với Ngài ân nghĩa sâu dày như thế nào?

Đức Phật bảo A-nan:

– Không những đời này Ta cho người này được mắt sáng mà ở đời quá khứ cũng đã cho như thế.

Ngài A-nan bạch:

– Bạch Đức Thế Tôn, việc cho mắt ở đời quá khứ như thế nào? Cúi mong Ngài thương xót giải nói đầy đủ cho chúng con rõ! Đức Phật bảo:

– Này A-nan, về đời quá khứ lâu xa vô lượng vô số kiếp không thể nghĩ bàn nhiều kiếp a-tăng-kỳ, ở châu Diêm-phù-đề này có một thành tên Phú-ca-la-bạt, ông vua nước đó tên Tu-đề-la (Tần dịch là Khoái Mục). Vì sao được gọi là Khoái Mục. Vì mắt ông sáng suốt thanh tịnh, thanh diệu vô cùng trông thấy xuyên suốt qua tường vách, thấy xa bốn mươi dặm bởi thế nên đặt hiệu là Khoái Mục. Vua thống trị châu Diêm-phù-đề tám vạn bốn ngàn nước, sáu vạn núi sông, tám mươi ức tụ lạc. Vua có hai vạn phu nhân thể nữ, một vạn đại thần, năm trăm thái tử. Vị thái tử thứ nhất tên là Thi-la-bạt-đà-đề (Tần dịch là Giới Hiền). Nhà vua rất có lòng Từ bi thương xót lo lắng cho dân cũng như người cha hiền chăm dạy dân tu thiện, dân chúng nghe theo  sự hóa độ của vua nên trong nước mưa hòa gió thuận, mùa màng tươi tốt, nhân dân an vui sung sướng. Bấy giờ ông vua ấy tự suy nghĩ: “Ta có nhân duyên phúc báu đời trước, nên nay được làm nhân chủ, của cải ngũ dục giàu có như nước bốn biển, phát ra lời nói thiên hạ phục tùng như gió thổi cỏ rạp xuống cả. Đời này thực dụng không biết gây tạo tiếp tục, sợ e đời sau nghèo khổ. Thí như nông phu cày ruộng, mùa xuân gieo trồng nhiều thì mùa hạ mùa thu thâu hoạch ắt được nhiều. Còn nếu mùa xuân lười biếng không làm, đến mùa thu làm sao trông mong có được ngũ cốc? Cho nên hôm nay đối với phước điền gieo trồng nhiều không nên giải đãi. Vua liền bảo quần thần mở kho lấy vàng bạc, châu báu, y phục, lương thực, tất cả thứ cần dùng đem ra cổng thành cho đến chất đầy trong chợ, tuyên lệnh khắp nơi tất cả nhân dân có ai thiếu thốn đều tới thọ thí và còn sắc lệnh tám vạn bốn ngàn nước nhỏ, cũng mở kho bố thí cho tất cả. Khi ấy các quần thần vâng lời vua dạy liền dựng phướn vàng, đánh trống vàng, khắp châu Diêm-phù-đề, Sa-môn, Bà-la-môn, kẻ nghèo khổ neo đơn, già cả bệnh tật, thảy đều thọ nhận của thí được vừa ý. Tất cả mọi người nhờ ân vua an lạc vui sướng, không còn lo buồn, họ ca tụng khen ngợi ân đức nhà vua vang dội khắp thiên hạ.

Bấy giờ kế bên có một nước nhỏ, vua tên là Bà-la-đà-bạt-di, tánh tình ngạo mạn, không tuân theo sắc lệnh của vua Khoái Mục, trị dân có năm điều quá độ, tánh nết vội vàng, ít suy nghĩ, đam mê sắc dục, bỏ bê việc quốc gia, không biết thâu dụng người trung lương hiền sĩ, bắt dân phục dịch cực khổ vô cùng; các nhà thương mại đến buôn bán, đánh thuế quá nặng. Vua đó có một vị quan tên là Lao-đà-đạt, thông minh trí lược, hiểu biết đạo lý thấy đức vua sai trái bèn can gián:

– Bệ hạ có năm việc không thể an ổn quốc gia, ắt phải chiêu họa hoạn, sợ e không bao lâu tai họa sẽ đến. Nghe quần thần nói thế, nhà vua bèn nói:

– Những việc ấy như thế nào?

Ông quan thưa:

– Bệ hạ có tính vội vàng ít suy nghĩ, không lo việc lớn sau này sẽ hối. Ngài ham mê sắc dục, không lo việc nước, bên ngoài có gian thần, việc tình lý không nơi minh xét, người trung lương hiền sĩ trong  nước không trọng dụng, không lo phòng ngừa việc chưa xảy ra. Bắt nhân dân làm nhiều việc cực khổ, oán hận rất nhiều, khách thương buôn nước khác đến đánh thuế quá nặng, trái với thông thường, cho nên hàng hóa bị ách tắc, giá cả đắt đỏ. Năm việc này là triệu chứng mất nước, xin bệ hạ thay đổi để cho dân theo chánh sách cũ. Vua Tu-đề-la ân từ rộng khắp châu Diêm-phù-đề, người người đều khâm phục. Riêng nước ta không kính thuận, nên dân chúng oán hận, không nhờ được ân đức. Cúi xin bệ hạ giáng ý, bố thí cho nhân dân để con cháu hưởng phúc lộc lâu dài. Vua Ba-la-đà-bạt-di nghe ông quan này nói xong, sắc mặt nổi giận, không chịu nghe theo. Quan Lao-đà-đạt càng thêm bực bội, thầm nghĩ: “Mình thấy nhà vua trị chính không khéo, tiến cử người trung thành ra phụ giúp nước, đã không nghe lại còn phát cáu, không nghe theo lời mình, lời nói đã không được trọng dụng, tất nhiên sẽ trừ khử mình chăng? Vì dân lo tính chưa thành mà sự việc đã (phế lộ) hư kế hoạch.” Vua sai quân lính đến hỏi tội, quan Lao-đà-đạt biết trước nhà vua muốn bắt, bèn lên ngựa chạy thoát, quân lính rượt đuổi theo, ông Lao-đà-đạt giỏi về thuật bắn, ông quay lại bắn chết mười tám người, quân lính tuy đuổi kịp, nhưng không dám đến gần. Ông chạy sang đến nước Phú-ca-la-bạt, vào yết kiến vua Khoái Mục. Vua hỏi han vui vẻ, cùng vua đối đáp sự lý phân minh. Vua thấy người có tài liền lập làm đại thần, dần dần thân cận, ông trình bày mọi sự việc nguyên do đến đây để cho vua nghe. Nghe xong, vua hỏi quần thần:

– Nước đó có thuộc quyền cai trị của trẫm không?

Quần thần đáp:

– Thuộc của đại vương nhưng họ làm lơ và ít khi lui tới.

Lao-đà-đạt nói:

– Ba-la-đà-bạt-di kia ngoan cố và mờ ám, hoang dâm vô độ, không biết lễ độ, không tuân lệnh bệ hạ, dân chúng oán ghét coi như kẻ thù, xin bệ hạ cấp cho binh mã, hạ thần đích thân đến đó hàng phục. Vua Khoái Mục nghe lời Lao-đà-đạt, liền hạ lệnh các nước tuyển chọn binh lính ngay ngày hôm đó vân tập kéo quân đến nước vua Ba-la-đà-bạt-di. Bấy giờ vua Ba-la-đà-bạt-di được vua nước bên cạnh sai người đến nói về việc đó, toàn cõi Diêm-phù-đề đều sắc lệnh  dấy binh sắp đánh nước của ngài, nhanh chân chạy trốn chớ yên ổn ngồi đó. Vua Ba-la-đà-bạt-di nghe tin lo buồn mê loạn không biết xoay trở cách nào. Vội mặc một cái áo đen dơ dáy, lẩn trốn ở nơi kín đáo, có quan phụ tướng tìm đến chỗ, ông hỏi:

– Bệ hạ có việc gì mà lo lắng thế, xin hãy nói bày.

Vua Ba-la-đà-bạt-di nói:

– Khanh không hay biết gì sao? Trước đây Lao-đà-đạt chạy trốn sang nước vua Khoái Mục, do đó hắn mưu toan với vua Khoái Mục sắc lệnh cho tám vạn bốn ngàn nước đem binh lính đến tiêu diệt nước ta đó. Quan phụ tướng nói:

– Nên hạ lệnh quần thần cùng bàn bạc thử. Vua liền triệu tập quần thần bàn bạc mọi kế hoạch, quan phụ tướng nói:

– Tôi nghe vua Khoái Mục tự thệ bố thí, chỉ trừ cha mẹ ra, không thứ gì ông ta không bố thí, cũng không làm nghịch ý người ta. Hiện nay trong nước có một vị Bà-la-môn mù, nên khuyên ông ta đến đó xin đôi mắt của vua. Nếu xin được, ta không cần đánh trả lại mà binh lính cũng tự rút lui.

Vua nghe nói thế liền chịu, sai quan phụ tướng đi tìm vị Bà-lamôn đó. Quan phụ tướng sai người tìm kiếm và dẫn ông ta đến nói:

– Hiện nay trong nước có việc sắp bị giặc xâm chiếm, mong người cùng phụ giúp cho một việc.

Vị Bà-la-môn nói:

– Tôi nay mù lòa làm sao có thể giúp được việc nước?

Quan phụ tướng nói:

– Vua nước Tu-đề-la muốn hợp binh lại đến đánh nước ta, chúng tôi khỏe mạnh còn có thể chạy trốn tránh, còn tàn tật mù lòa như anh có thể chạy thoát được sao? Vua ấy có thể bố thí tất cả, tùy theo người cần, không làm nghịch ý, bây giờ anh đến xin đôi mắt ắt chắc chắn được. Nếu anh xin được mắt của vua ấy, thì binh lính có thể ngừng không tấn công nữa. Giả sử làm xong việc này sẽ thưởng anh trọng hậu.

Vị Bà-la-môn nói:

– Nay tôi không thấy đường đi, phải làm thế nào? Vua lại khuyên: “Trẫm sẽ sai người dẫn anh đi”, liền ban cho  lương thực và đồ cần dùng khi đi đường, rồi họ lên đường. Khi đó nước của vua Khoái Mục có nhiều điềm bất tường hiện ra: Trong hư không vang tiếng sấm chớp, sao rơi, mây kéo mờ mịt, đất nứt, các loài chim bay kêu la thảm thiết tự mở lông cánh, hổ báo sư tử, các loại cầm thú gầm rống rung cả mặt đất. Quốc vương, thần dân đều rất kinh sợ. Bấy giờ vị Bà-la-môn đi đến thành lớn, băng ngang qua trước điện lớn tiếng rằng:

– Tôi ở nước khác, nghe thấy danh đức nhà vua, bố thí tất cả không trái ý người, cho nên lặn lội từ xa đến đây muốn được ăn xin. Vua nghe lời ấy, liền hỏi:

– Lặn lội đường xa có bị mệt mỏi không? Nếu muốn xin các thứ cần dùng gì, quốc độ, châu báu, xe ngựa, áo quần, thức ăn uống, tùy bệnh cho thuốc, các thứ cần dùng đều sẽ cấp cho.

Vị Bà-la-môn nói:

– Vật bên ngoài bố thí phước đức không huyền diệu, bố thí nơi thân quả báo mới lớn. Tôi từ lâu đã mất đôi mắt, sống trong đêm dài tăm tối, nay nghe đại vương bố thí, nên có ý đến xin đôi mắt của ngài.

Vua nghe vui mừng, nói với Bà-la-môn:

– Nếu muốn được mắt, trẫm sẽ cho.

Vị Bà-la-môn nói:

– Ngài muốn cho tôi, bao giờ thì có thể cho được?

Vua nói:

– Bảy ngày nữa ta sẽ cho ngươi.

Vua liền hạ chiếu tám vạn bốn ngàn nước nhỏ hay. Sau bảy ngày nữa, vua nước Tu-đề-la sẽ khoét mắt bố thí cho vị Bà-la-môn, vậy ngày hôm đó các vị đều nên vân tập đến. Các vua, nhân dân nghe lệnh này rồi, khắp nơi kéo đến chỗ đại vương, tám vạn bốn ngàn các vua, thần dân cúi đầu sát đất, vỗ ngực trước mặt vua khóc lóc mà thưa:

– Chúng tôi đều là người ở châu Diêm-phù-đề, nhờ ân đức đại vương che chở, nếu đem mắt bố thí cho vị Bà-la-môn thì tất cả nhân dân sẽ nương cậy vào đâu? Cúi mong bệ hạ hồi ý, chớ vì một người mà xả bỏ tất cả.

Một vạn đại thần cũng đều dập đầu sát đất, ngưỡng tâu vua:

– Tại sao không thương xót chúng tôi, vì ý của một người mà bỏ cả chúng tôi, cúi mong hồi ý chớ cho đôi mắt của ngài.  Hai vạn phu nhân, dập đầu xuống đất, vỗ ngực trước vua cũng đều cầu thỉnh:

– Cúi mong đại vương hồi ý chớ đem mắt bố thí, đó là niềm an ủi chúng tôi. Năm trăm thái tử than khóc trước mặt vua:

– Cúi mong phụ vương nên thương xót chúng con, chớ đem mắt ra bố thí, để vỗ về chúng con. Bấy giờ thái tử Giới Hiền tâu vua rằng:

– Xin khoét mắt con để thay vua cha, vì thân con dù chết, đất nước không có ảnh hưởng. Đại vương không mắt, trong nước làm sao trông cậy được.

Bấy giờ vua Khoái Mục bảo các vương thần, phu nhân, thái tử:

– Trẫm thọ thân này đến nay, trầm luân trong sinh tử lâu dài, giả sử chết nhưng xương của thân ấy gom lại trong nhiều kiếp, có thể cao như núi Tu-di, còn máu tiết chảy ra nhiều hơn nước bốn biển, còn bú sữa mẹ nhiều hơn nước bốn con sông lớn, những lúc biệt ly, nước mắt khóc đau buồn hơn nước bốn biển. Khi ở trong địa ngục, thân bị đốt cháy, mổ xẻ thì những đôi mắt bỏ đi vô số kể. Khi mang thân loài ngạ quỷ, thọ các cực hình, lửa từ trong thân cháy ra, thiêu đốt phá hoại như thế biết bao nhiêu là đôi mắt. Lúc đọa làm loài súc sinh, tranh giành nhau ăn, bị người đâm chém, các thứ tử thương không thể kể xiết. Mang thân người ở nhân gian, sống lâu hay chết yểu, hoặc tranh sắc dục, mưu hại lẫn nhau, sát hại với nhau, chết như thế phá hư không biết bao nhiêu đôi mắt. Chính như sinh lên trời, mạng sống cũng không bao lâu. Từ xưa đến nay cũng thọ không biết bao nhiêu thân hình ở trong ba cõi này, trôi nổi trong năm đường. Vì tham, nhuế, si, thân người tan vụn số như bụi trần, chưa từng đem bố thí để cầu Phật đạo. Đôi mắt này là vật tanh hôi, không bao lâu sẽ bị tiêu hoại, nay được dùng bố thí không nên không cho. Nay đem mắt này bố thí cầu được mắt Nhất thiết trí Phật đạo Vô thượng, nếu nguyện ta thành ta sẽ cho các ngươi mắt tuệ thanh tịnh, chớ ngăn cản ý cầu đạo vô thượng của ta. Mọi người trong hội im lặng không nói một lời, ngoảnh bảo tả hữu rằng:

– Có thể móc mắt ta.

Các thần tả hữu đều nói:

– Thà đập phá thân tôi nát nhỏ như hạt cải chứ không thể dùng tay khoét mắt của đại vương.

Vua bảo các quần thần:

– Các ông hãy tìm kiếm cho một người có con mắt đen và hay nhìn xuống dẫn đến đây. Các thần tìm được dẫn đến cho vua. Vua liền đưa đao ra lệnh khoét mắt. Khoét được một con để trong tay vua. Vua bèn lập thệ: “Ta đem mắt này dùng để bố thí, cầu thành Phật đạo, nếu sau này thành Phật thì vị Bà-la-môn được mắt này sẽ trông thấy sáng suốt”. Thệ xong, vua đặt vào hố mắt của vị Bà-la-môn, anh ta được sáng mắt, trông thấy vua và mọi người chung quanh, vui mừng nhảy nhót, không tự chủ được và tâu vua:

– Được một con mắt vua, đủ để tôi trông thấy, xin vua để lại một con mà dùng.

Vua đáp lại:

– Ta đã hứa chắc chắn cho hai mắt, không nên trái lời. Bèn móc thêm một con, để trong lòng bàn tay, lập thệ rằng: “Ta đem mắt này dùng để bố thí cầu thành Phật đạo, chí thành không dối, vị Bà-la-môn này được con mắt tôi, xin cho mắt được sáng tỏ.” Bấy giờ trời đất chấn động, cung điện các cõi trời cũng đều dao động, các thiên nhân kinh ngạc sợ hãi trông thấy Bồ-tát móc mắt bố thí, cùng nhau bay đến, chật kín cả hư không, dùng các hương hoa rải xuống cúng dường, khen ngợi:

– Lành thay! Lành thay! Việc làm của đại vương rất là hiếm lạ.

Vua trời Đế Thích đến trước hỏi:

– Thật là hiếm lạ, dám làm công việc như thế, muốn cầu phước báo gì?

Vua nói:

– Tôi không cầu sự an vui của cõi Ma vương, Phạm thiên, Tứ Thiên vương, Đế Thích hay Chuyển luân thánh vương. Tôi đem công đức này thệ cầu Phật đạo độ thoát chúng sinh, đến Niết-bàn an lạc. Vua Đế Thích lại hỏi:

– Ngài nay móc mắt đau đớn như thế, có hối hận sân nhuế không?

Vua nói:

– Không hối hận cũng không sân hận.

Trời Đế Thích lại nói:

– Ta nay xem thấy ngài máu chảy như lưu ly, thân thể sa sút, tự nói không hối hận, việc này khó tin.

Vua liền tự thệ:

– Tôi móc mắt bố thí, không có ý hối hận, để cầu Phật đạo, nếu thật sự không dối thì khiến hai mắt tôi bình phục như cũ. Vua thệ xong, hai mắt hoàn toàn trông thấy, sáng suốt gấp bội hơn lúc trước. Các trời, nhân dân, tất cả đại hội không thể tự chế, vui mừng nhảy nhót ngợi khen. Vua nói với vị Bà-la-môn:

– Nay ta cho ông mắt khiến ông được trông thấy, sau này thành Phật, sẽ khiến cho ông được mắt trí tuệ. Nói xong sai người dẫn ông ta vào kho, ban cho một gánh tài vật mang về bổn quốc. Vua Ba-la-đà-bạt-di hay tin đích thân ra nghênh đón và hỏi:

– Anh xin được mắt không?

Đáp:

– Được mắt! Tôi nay đã nhìn thấy.

Lại hỏi:

– Hiện giờ vua Khoái Mục còn sống hay chết?

Đáp:

– Các trời giáng xuống nghe vua ấy thệ nguyện, bỗng mắt vua ấy bình phục như cũ, mà còn sáng mắt hơn lúc trước. Vua Ba-la-đà-bạt-di nghe lời nói này, buồn rầu tức giận vỡ tim ra chết.

Nói đến đây Đức Phật bảo:

– Này A-nan, nên biết vua Tu-đề-la thuở đó nay chính là tiền thân của Ta, còn Ba-la-đà-bạt-di nay là ông Điều-đạt. Vị Bà-la-môn xin mắt nay chính là vị Bà-la-môn đắc đạo bị mù trong hội này đấy. Kiếp trước Ta cho ông ta mắt, cho đến ngày nay vừa trông thấy Ta liền được mắt thịt, lại được mắt tuệ. Ta vì chúng sinh đời đời làm những hạnh khổ, tích công lũy đức cho đến ngày nay thành Phật. Các ông nên siêng năng cầu ra khỏi ba cõi. Khi Đức Phật nói đến đây, người trong chúng hội cảm niệm ân của Phật, có người đắc quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, có người phát tâm thành đạo Vô thượng. Ngài A-nan và chúng hội nghe Đức Phật nói xong, vui mừng phụng hành, lễ tạ lui ra.