SỐ 221
KINH PHÓNG QUANG BÁT-NHÃ
Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Vô-la-xoa, người nước Vu Điền
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 6

Phẩm 32: ĐIỀU PHỤC CHÚNG SINH

Lúc bấy giờ, Thích Đề-hoàn Nhân bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Thật kỳ lạ và hy hữu thay! Nếu có người nào nghe, thọ trì, đọc tụng, thủ hộ và thực hành Bát-nhã ba-la-mật thì được công đức trong hiện tại, giáo hóa chúng sinh làm thanh tịnh cõi Phật, từ quốc độ Phật này đến quốc độ Phật khác, chiêm ngưỡng chư Phật rồi, tâm muốn cúng dường, tùy theo với ước nguyện gì liền có để cúng dường, được đầy đủ căn lành là do người ấy theo Phật nghe pháp đến được Vô thượng Bồ-đề, không giữa chừng quên sót, liền được gia đình thành tựu, phụ mẫu thành tựu, sinh ra thành tựu, quyến thuộc thành tựu, tướng mạo thành tựu, quang minh thành tựu, mắt thành tựu, tai thành tựu, Tam-muội thành tựu, Đà-la-ni thành tựu.

Bồ-tát dùng phương tiện quyền xảo biến hóa như Phật, đi từ quốc độ này đến quốc độ khác, tới chỗ không có Phật để tán dương công đức sáu pháp Ba-la-mật, tán dương nội ngoại không và hữu pháp, vô pháp không, bốn Thiền, bốn Đẳng, bốn Không định đều tán dương các công đức này. Lại tán dương công đức ba mươi bảy phẩm

Trợ đạo, mười tám pháp Bất cộng, dùng phương tiện quyền xảo mà thuyết pháp cho các hàng chúng sinh, đem giáo lý Tam thừa để giáo hóa chúng sinh.

Thích Đề-hoàn Nhân bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Thật lạ thay, hy hữu thay! Tại sao thọ trì một Ba-la-mật là thọ trì bao gồm cả năm Ba-la-mật, cũng bao gồm cả ba mươi bảy phẩm Trợ đạo, mười tám pháp Bất cộng, cũng là thọ trì pháp của Thanh văn, Bích-chi-phật và trí Nhất thiết?

Đức Phật bảo Thích Đề-hoàn Nhân:

–Này Câu-dực! Đúng như vậy! Người thọ trì Bát-nhã ba-la-mật là đã bao gồm các Ba-la-mật rồi, đã thọ trì ba mươi bảy phẩm Trợ đạo, mười tám pháp Bất cộng, Thanh văn, Bích-chi-phật đến trí Nhất thiết.

Lại nữa, này Câu-dực! Người thọ trì, người thuyết giảng, người đọc tụng, người ghi nhớ Bát-nhã ba-la-mật này liền được tất cả các công đức. Các ông hãy lắng nghe cho kỹ, ta sẽ nói các ông nghe các công đức của các thiện nam, thiện nữ này.

Thích Đề-hoàn Nhân thưa:

–Bạch Thế Tôn! Chúng con xin muốn nghe.

Đức Phật dạy:

–Này Câu-dực! Nếu có các hàng ngoại đạo, dị học và ma vương những bộ phái khác, những kẻ ương ngạnh có ý muốn phá hoại và chống trái Bồ-tát, những kẻ ấy vừa sinh lòng ác muốn đến phá hoại thì họ không thực hiện được, bị tiêu diệt nửa đường. Vì sao? Này Câu-dực! Vì Bồ-tát này ngày đêm thường thực hành sáu pháp Ba-la-mật. Vì do các chúng sinh tham lam, tranh giành của cải, còn Bồ-tát đều xả bỏ tất cả nội ngoại pháp và thực hành Bố thí ba-lamật để làm an ổn cho các chúng sinh. Vì chúng sinh mãi mãi làm những điều ác, còn Bồ-tát xả bỏ tất cả pháp bên trong va bên ngoài lấy việc Trì giới ba-la-mật làm an ổn cho các chúng sinh.

Do các chúng sinh mãi mãi kiện tụng, oán thù, sân hận lẫn nhau; Bồ-tát thì xả bỏ tất cả pháp bên trong, bên ngoài thực hành Nhẫn nhục ba-la-mật để an ổn cho các chúng sinh.

Vì các chúng sinh biếng nhác, Bồ-tát thì xả bỏ tất cả pháp bên trong, bên ngoài, thực hành Tinh tấn ba-la-mật để an ổn cho các chúng sinh.

Vì các chúng sinh thường loạn tâm, Bồ-tát thì xả bỏ tất cả pháp bên trong, bên ngoài, thực hành Thiền định ba-la-mật để an ổn cho các chúng sinh.

Vì các chúng sinh mãi mê chìm đắm trong trí ác, Bồ-tát thì xả bỏ tất cả pháp bên trong, bên ngoài thực hành Bát-nhã ba-la-mật để an ổn cho các Bồ-tát.

Vì các chúng sinh luôn ân ái trong vòng sinh tử, Bồ-tát thì dùng phương tiện quyền xảo để nhổ tận gốc ái trong sinh tử để an ổn cho các chúng sinh và thực hành bốn Thiền, bốn Đẳng, bốn Không định, ba mươi bảy phẩm Trợ đạo, Không, Vô tướng, Vô nguyện, khuyến hóa và giúp đỡ để an ổn các chúng sinh đắc quả Tu-đà-hoàn đến quả A-la-hán, khuyến hóa chúng sinh đắc quả Bích-chi-phật, khuyến hóa và an ổn chúng sinh thực hành Bồ-tát hạnh để chứng quả Phật.

Này Câu-dực! Hành Bồ-tát hạnh là công đức hiếm có trong đời hiện tại, qua đời sau liền chứng Vô thượng Bồ-đề, chuyển pháp luân ứng với căn cơ của tất cả chúng sinh để độ thoát họ. Đó là đức thù thắng đời sau của Bồ-tát.

Lại nữa, Câu-dực! Có thiện nam, thiện nữ nào mà thọ trì, đọc tụng, ủng hộ và thực hành Bát-nhã ba-la-mật này mà chỗ ở có ma, thiên ma, các hàng dị học ngoại đạo và những kẻ ương ngạnh muốn phá hoại quấy nhiễu hoặc muốn đoạn nửa đường hoặc kiện tụng, đem những điều xấu ác đến thì chúng không bao giờ thực hiện được những điều đó. Đó là Bồ-tát thực hành công đức của mình, càng làm sáng tỏ và thù thắng không ai sánh kịp.

Nhờ nghe Bát-nhã ba-la-mật này liền phát sinh ba thừa để được độ thoát.

Này Câu-dực! Ví như có vị thuốc tên là Ma-kỳ. Có con rắn đói đi kiếm trùng để ăn, trùng trông thấy rắn liền chạy đến chỗ vị thuốc ấy, rắn muốn qua bắt nhưng do hơi thuốc nên không thể tiến đến được. Vì sao? Vì do oai lực của cây thuốc đó nên làm cho rắn nửa đường vội lui về. Này Câu-dực! Cây thuốc Ma-kỳ này có oai lực như vậy đó.

Nếu có thiện nam, thiện nữ nào thực hành đọc tụng, giảng thuyết thực hành Bát-nhã ba-la-mật này, hoặc có ai muốn phá rối hoặc muốn đoạn diệt đấu tranh hướng đến người đó nhưng nhờ sức oai đức của Bát-nhã ba-la-mật này, thì họ không bao giờ đến nơi đó được. Tại sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật này là định của các pháp, chẳng phải là việc tranh cãi của các pháp.

Các pháp là những gì? Chính là tham, sân, si, mười hai nhân duyên, ý có chấp trước, các kiến chấp về ngã, người, chúng sinh, đoạn, thường, vô cấu, vô hữu, các tà, tật đố, ác giới, sân hận, biếng nhác, loạn ý, ác trí thường tưởng, lạc tưởng, tịnh tưởng, ngã tưởng, nghiệp ân ái; chấp thọ sắc, thọ, tưởng, hành, thức; chấp thọ sáu pháp Ba-la-mật, chấp thọ nội ngoại không và hữu pháp, vô pháp không, chấp thọ ba mươi bảy phẩm Trợ đạo, mười tám pháp Bất cộng, chấp thọ trí Nhất thiết, chấp thọ Niết-bàn làm tăng trưởng năm căn. Đó là không của các pháp.

Các vị Tứ Thiên vương, các vị Thích Đề-hoàn Nhân và các vị Phạm vương đến cõi trời Sắc cứu cánh trong tam thiên đại thiên thế giới và các hàng trời người đều đồng ủng hộ các thiện nam, thiện nữ nào mà có thực hành đọc tụng giảng thuyết và thọ trì Bát-nhã ba-lamật này, thời đời hiện tại được chư Phật trong mười phương đồng ủng hộ họ.

Các thiện nam, thiện nữ nào mà thực hành đọc tụng thuyết giảng và thọ trì Bát-nhã ba-la-mật thì tất cả các việc ác đều tiêu diệt, các việc lành luôn luôn tăng trưởng, đối với sáu pháp Ba-la-mật cũng được tăng trưởng không thủ đắc.

Nếu có nói ra điều gì mọi người đều tin nhận, với tất cả chúng sinh cùng kết làm thân hữu, lời nói không lỗi lầm, không sân hận, không tự ý buông lung, không tật đố, tự mình không sát sinh, dạy người làm việc lành.

Vì tất cả chúng sinh mà khen ngợi đức không sát sinh, thường khen ngợi những người không sát sinh. Tự mình xa lìa trộm cắp, dạy người không trộm cắp, thường khen ngợi đức không trộm cắp. Tự mình làm việc thanh tịnh, dạy người không dâm dục, lại khen ngợi đức không dâm dục. Tự mình xa lìa nói dối lời nói thô ác, nói ác khẩu, nói thêu dệt, xa lìa tật đố, sân hận, tà kiến, dạy người thấy những điều chân chánh, thường khen ngợi công đức của chánh kiến. Tự mình thực hành sáu pháp Ba-la-mật thường khuyên bảo và giúp đỡ mọi người thực hành sáu pháp Ba-la-mật, khen ngợi công đức rộng lớn khi thực hành sáu pháp Ba-la-mật. Tự mình thực hành nội ngoại không và khuyên người làm việc không, cũng lại khen ngợi công đức thực hành việc không. Đối với hữu pháp, vô pháp không cũng như vậy.

Tự mình thực hành các môn Đà-la-ni và các môn Tam-muội, của các điều trên. Tự mình thực hành ba Tam-muội, tám Bối xả, chín Thứ đệ thiền, mười Lực của Như Lai, bốn Vô sở úy, bốn Vô ngại trí, đại Từ, đại Bi, mười tám pháp Bất cộng, Nhất thiết chủng trí, dạy người thực hành Nhất thiết chủng trí, khen ngợi tán thán công đức của Nhất thiết chủng trí. Thường thực hành sáu pháp Ba-la-mật mà bố thí cho tất cả chúng sinh, hồi hướng Vô thượng Bồ-đề cũng không thủ đắc.

Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định và Trí tuệ, chỉ vì tất cả chúng sinh, làm cho họ được giải thoát và chứng Vô thượng Bồ-đề cũng không thủ đắc.

Các thiện nam, thiện nữ thực hành sáu pháp Ba-la-mật nên suy nghĩ: Nếu ta không thực hành Bố thí thì sẽ sinh vào nhà bần cùng, hạ tiện, không thể giáo hóa chúng sinh cũng không thể được cõi Phật thanh tịnh và chẳng chứng được trí Nhất thiết.

Nếu ta không thọ trì Giới luật sẽ sinh trong ba đường ác, không được làm thân người, không thể giáo hóa chúng sinh, không được cõi Phật thanh tịnh cũng không được Nhất thiết chủng trí.

Nếu ta không thực hành nhẫn nhục liền hủy hoại các căn, không thể thực hiện được tướng lưỡi che trùm cả mặt, hình thể không đầy đủ, không thể được sắc thân trọn vẹn của Đại Bồ-tát, không thể giáo hóa chúng sinh, không thanh tịnh cõi Phật cũng không chứng được Nhất thiết chủng trí.

Ta không tinh tấn mà biếng nhác thì thân sẽ sinh nơi đường ác, ngu muội, không thể giáo hóa chúng sinh, không thanh tịnh cõi Phật cũng không chứng được trí Nhất thiết.

Nếu ta không thực hành thiền định thì tâm ý rối loạn, không có khả năng đạt được các tuệ Tam-muội, không thể giáo hóa chúng sinh, không được cõi Phật thanh tịnh cũng không chứng được Nhất thiết chủng trí.

Nếu ta làm ác trí thì không thể được phương tiện quyền xảo để vượt hơn bậc A-la-hán, Bích-chi-phật, không thể giáo hóa chúng sinh, không được cõi Phật thanh tịnh cũng không đạt được Nhất thiết chủng trí.

Các thiện nam, thiện nữ nên suy nghĩ: Nếu ta không thể vì tâm tham lam, tật đố mà không thực hành đầy đủ Bố thí ba-la-mật; nếu ta không thể vì giới ác mà không thực hành đầy đủ Giới ba-la-mật; nếu ta không thể vì sân hận mà không thực hành đầy đủ Nhẫn nhục ba-la-mật; nếu ta không thể vì giải đãi mà không thực hành đầy đủ Tinh tấn ba-la-mật; nếu ta không thể vì tâm rối loạn mà không thực hành đầy đủ Thiền định ba-la-mật; nếu ta không thể vì trí ác mà không thực hành đầy đủ Trí tuệ ba-la-mật; nếu ta không thực hành đầy đủ sáu pháp Ba-la-mật thì không bao giờ thành tựu trí Nhất thiết.

Các thiện nam, thiện nữ này mà thọ trì, đọc tụng, thủ hộ và thực hành Bát-nhã ba-la-mật này thời sẽ được các công đức đời này và đời sau không bao giờ xa lìa tâm trí Nhất thiết.

Thích Đề-hoàn Nhân bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Thật hy hữu thay, kỳ diệu thay! Những điều Bố thí mà Đại Bồ-tát làm ra là nhờ Bát-nhã ba-la-mật hướng dẫn nên mới được như vậy.

Phật hỏi:

–Này Câu-dực! Đại Bồ-tát làm việc Bố thí nhờ Bát-nhã ba-lamật làm người dẫn đường như thế nào?

Thích Đề-hoàn Nhân bạch Phật:

–Những điều mà thế gian bố thí thì không dùng phương tiện quyền xảo. Nếu cúng dường cho chư Phật, Thanh văn, Bích-chi-phật và bố thí những người bần cùng khốn khổ, không dùng phương tiện quyền xảo nên sinh tâm cống cao. Họ nghĩ rằng: Ta thực hành đầy đủ Bố thí ba-la-mật, Trì giới ba-la-mật, Nhẫn nhục ba-la-mật, Tinh tấn ba-la-mật, Thiền định ba-la-mật. Ta thực hành đầy đủ Bát-nhã ba-la-mật, đối với thế tục, Ba-la-mật liền sinh tâm cống cao. Ta thực hành đầy đủ ba mươi bảy phẩm Trợ đạo, ba Tam-muội; ta thực hành đầy đủ các môn Đà-la-ni.

Họ nghĩ rằng: Ta thực hành đầy đủ mười Lực, mười tám pháp Bất cộng, ta sẽ giáo hóa chúng sinh, thanh tịnh cõi Phật và chứng được trí Nhất thiết với những người có tâm ngã mạn cống cao, đó là Bát-nhã ba-la-mật của thế gian. Nếu Bồ-tát thực hành pháp thế gian này thì sinh tâm ngã mạn tự cao.

Bồ-tát thực hành Bố thí ba-la-mật, không thấy có tự ngã, không thấy có người cho, không thấy có vật để cho, cũng không thấy có người nhận. Đó là Đại Bồ-tát bố thí và được Bát-nhã ba-lamật làm người dẫn đường. Bồ-tát thực hành trì giới mà chẳng có Giới ba-la-mật để trì. Bồ-tát thực hành nhẫn nhục cũng không có Nhẫn nhục ba-la-mật. Bồ-tát thực hành tinh tấn, chẳng có Tinh tấn ba-la-mật. Bồ-tát thực hành Đại trí cũng không có Bát-nhã ba-lamật. Bồ-tát thực hành ba mươi bảy phẩm Trợ đạo cho đến mười tám pháp Bất cộng không có sự có và không thủ đắc. Bồ-tát thực hành đại Từ, đại Bi; thực hành trí Nhất thiết cũng không có sự có và không thủ đắc.

Bạch Thế Tôn! Đây là sự thực hành của Đại Bồ-tát có Bát-nhã ba-la-mật dẫn đường.