SỐ 202
KINH HIỀN NGU
Hán dịch: Đời Nguyên Ngụy, xứ Kinh châu, quận Cao xương,
Sa-môn Tuệ Giác và các vị khác cùng dịch.

Việt dịch:  Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh.

 

QUYỂN 6

Phẩm 31: VUA NGUYỆT QUANG BỐ THÍ ĐẦU

Tôi nghe như thế này:

Thuở nọ Đức Phật ở nước Tỳ-xá-ly trong vườn cây Am-la (vườn Xoài). Khi đó Đức Thế Tôn nói với Hiền giả A-nan:

– Người được bốn thần túc có thể tuổi thọ trụ một kiếp, như Ta được bốn thần túc còn phải khéo tu tập. Vậy ông có biết Như Lai thọ mạng bao lâu không?

Ngài hỏi như vậy ba lần. Bấy giờ A-nan dường như bị ma ám, nghe Thế Tôn hỏi mà cứ lặng thinh không đáp lại. Đức Phật lại bảo:

– Này A-nan, ông hãy đi đến nơi yên tĩnh mà suy xét. Hiền giả A-nan từ chỗ ngồi đứng dậy đi vào trong rừng. A-nan vừa đi khỏi thì ma Ba-tuần đến chỗ Phật bạch:

– Đức Thế Tôn ở đời giáo hóa đã lâu, độ nhân gian thoát khỏi sinh tử nhiều như số cát sông Hằng, nay tuổi già yếu, Ngài nên vào Niết-bàn.

Lúc đó Đức Thế Tôn hốt một chút đất để trên móng tay mà hỏi ma Ba-tuần:

– Đất của quả địa cầu nhiều hay là đất trên móng tay nhiều?

Đáp:

– Đất của quả địa cầu nhiều, chứ chẳng phải đất trên móng tay nhiều.

Đức Phật lại nói:

– Ta độ chúng sinh cũng ít như đất trên móng tay, còn những người chưa được độ như đất của địa cầu.

Và Ngài nói với ma Ba-tuần:

– Ba tháng nữa Ta sẽ nhập Niết-bàn.

Lúc đó ma Ba-tuần nghe nói thế, vui mừng khoái chí mà đi ra. Bấy giờ A-nan ngồi ở trong rừng, bỗng ngủ mê, mộng thấy một cây to lớn cành lá um tùm che khắp hư không, hoa quả tươi tốt, tất cả những mầm cây nhỏ đâu đâu cũng nương nhờ công đức kỳ diệu của cây ấy không thể tả xiết. Bỗng có trận gió thổi đến làm cho cành lá tan nát như bụi nhuyễn, cho đến chỗ ở của lực sĩ, tất cả quần sinh không ai chẳng đau buồn. A-nan giật mình tỉnh dậy lo sợ bất an, lại tự suy nghĩ: “Mộng thấy cây to thật khác lạ khó lường, tất cả thiên hạ đều nhờ nương, duyên gì gặp gió thổi tan nát như thế? Nay Đức Thế Tôn giáo dục khắp tất cả cũng như cây to, chẳng lẽ Thế Tôn muốn vào Niếtbàn. Nghĩ như thế rồi, A-nan rất là lo sợ, bèn đi đến chỗ Phật, đảnh lễ bạch:

– Con vừa mộng thấy sự việc như thế… có lẽ nào Thế Tôn muốn vào Niết-bàn?

Đức Phật bảo:

– Này A-nan, như lời ông nói, sau ba tháng nữa Ta sẽ vào Niếtbàn! Khi Ta sắp vào Niết-bàn, Ta đã hỏi ông: “Người có được bốn thần túc, tuổi thọ có thể trụ một kiếp, Ta có bốn thần túc còn phải khéo tu.” Hôm nay Ta hỏi như vậy ba lần mà ông không đáp, sau khi ông đi rồi, ma Ba-tuần đến khuyên Ta vào Niết-bàn, Ta đã hứa rồi. A-nan nghe việc ấy đau thương buồn khổ không thể giữ kín được nữa, bèn đem việc ấy thông tin cho các vị đệ tử khác nghe, ai cũng đau buồn, đồng đi đến chỗ Phật ngự. Bấy giờ Thế Tôn bảo A-nan và các đệ tử:

– Tất cả vạn vật thế gian đều vô thường, có ai được thường, còn Ta đã vì các ông việc đáng làm đã làm rồi, việc đáng nói đã nói, các ông chỉ nên siêng năng tinh tấn tu tập sao lại lo buồn, thật là vô ích.

Lúc đó ngài Xá-lợi-phất nghe Thế Tôn sắp vào Niết-bàn, rất đau buồn than rằng:

– Như Lai nhập Niết-bàn sao mà nhanh chóng thế, vậy là con mắt sáng của thế gian tiêu diệt, mãi mãi hết chỗ nương cậy.

Lại bạch Phật rằng:

– Nay con không nỡ nhìn thấy Thế Tôn diệt độ, con muốn được nhập Niết-bàn trước, cúi mong Thế Tôn chứng minh hứa khả.

Ngài bạch như thế đến ba lần, Đức Phật nói:

– Ông nên biết! Tới thời thì các Hiền thánh cũng đều tịch diệt.

Lúc đó ngài Xá-lợi-phất được Đức Phật hứa khả rồi chỉnh tề y phục quỳ thẳng và nhiễu quanh Phật một trăm vòng, đến trước Đức Phật dùng kệ khen ngợi, rồi đỡ hai chân Phật để trên đầu ba lần, chắp tay đứng hầu đau đớn thưa:

– Con từ ngày nay cho đến mai sau, gặp Thế Tôn lần này là cuối cùng.

Rồi ngài chắp tay cung kính ra đi, dẫn Sa-di Quân-đề đến thành La-duyệt-kỳ là nơi sinh quán của ngài và bảo Sa-di Quân-đề:

– Ông vào trong thành rồi đến các thôn xóm nói với quốc vương, đại thần, tri thức, đàn-việt… để họ đến bái biệt.

Khi ấy Sa-di Quân-đề đảnh lễ dưới chân thầy rồi đi tuyên bố khắp nơi:

– Hòa thượng Xá-lợi-phất, thầy của tôi, hôm nay đang ở đây, ngài muốn nhập Niết-bàn, quý vị nào có muốn thăm hãy đi đến đó. Bấy giờ vua A-xà-thế và các bậc hào hiền, đàn-việt, v.v… nghe tin Quân-đề cho hay đều đau buồn khác miệng đồng lời mà nói như vầy

– Tôn giả Xá-lợi-phất là một vị đại tướng trong Phật pháp, là chỗ trông cậy ngưỡng mộ của chúng sinh, hôm nay nhập Niết-bàn sao mà nhanh chóng thế? Mọi người vội vã đi đến nơi ấy, trước là đảnh lễ, thăm hỏi xong, cùng nhau bạch:

– Được tin Tôn giả muốn xả thân mạng vào cõi Niết-bàn, chúng tôi nay mất chỗ nương nhờ.

Bấy giờ ngài Xá-lợi-phất nói với mọi người:

– Tất cả muôn vật thế gian đều vô thường, có sinh ắt phải có tử. Ba cõi đều là khổ, có ai được an vui, các vị có túc duyên sinh ra đời gặp Phật còn tại thế, kinh pháp khó được nghe, thân người khó được, nhớ tưởng siêng năng tu phúc nghiệp cầu thoát khỏi sinh tử, mọi thứ đều là phương tiện, rộng nói vì mọi người như tùy theo bệnh cho thuốc.

Bấy giờ hội chúng nghe ngài nói thế, có người đắc quả Tu-đà- hoàn cho đến quả A-na-hàm, có người xuất gia thì chứng quả A-lahán. Lại có người phát tâm cầu đạo Vô thượng, nghe pháp xong rồi lễ tạ lui ra. Khi ấy ngài Xá-lợi-phất ngay đêm hôm sau, chánh thân  chánh ý, trụ tâm ở trước nhập vào Sơ thiền, từ Sơ thiền vào cõi Nhị thiền, từ Nhị thiền vào cõi Tam thiền, từ Tam thiền vào cõi Tứ thiền, từ Tứ thiền vào Không xứ định, từ Không xứ định vào cõi Thức xứ, từ Thức xứ vào Bất dụng xứ, từ Bất dụng xứ vào cõi Phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ, từ Phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ vào Diệt tận định, từ Diệt tận định rồi vào Niết-bàn. Bấy giờ trời Đế Thích biết ngài Xá-lợi-phất đã diệt độ, cùng thiên chúng và họ hàng quyến thuộc hơn trăm ngàn người mang hoa hương cúng dường đến nơi ngài Xá-lợiphất che kín cả hư không, đau buồn than thở lệ chảy như mưa, rải các thứ hoa lút đầy đến gối, lại nói:

– Tôn giả trí tuệ sâu như biển rộng, biện luận ứng cơ, âm thanh như nước suối chảy, giới định tuệ đầy đủ, là một đại tướng quân trong Phật pháp thay Đức Như Lai chuyển pháp luân, ngài nhập Niết-bàn sao mà nhanh chóng thế! Trong thành, ngoài thành nghe Xá-lợi-phất đã diệt độ, đều đem tô dầu, hương hoa cúng dường, đổ xô về vân tập, đau buồn luyến tiếc không thể cầm lòng mỗi người cầm hương hoa đến cúng dường. Bấy giờ trời Đế Thích sai Tỳ-thủ-yết-ma, hội tập các của báu, trang hoàng cỗ xe cao, an trí nhục thân của ngài Xá-lợi-phất trên chiếc xe cao. Trời, Rồng, Quỷ, Thần, quốc vương, thần dân hầu tống hô hào đến nơi đất bằng thẳng. Khi ấy trời Đế Thích sai các Dạ-xoa qua bờ biển lớn, lấy gỗ Ngưu đầu chiên-đàn. Dạ-xoa vâng lời, tìm kiếm mang về, chất thành đống lớn, đặt nhục thân trên đó, đổ dầu tô rồi phóng hỏa, đảnh lễ cúng dường rồi ra về. Sau khi lửa tắt, Sa-di Quân-đề thu xá-lợi của thầy, để đầy trong bát, gói vào ba y, mang đến nơi Phật, đảnh lễ, bạch:

– Hòa thượng Xá-lợi-phất, Thầy con đã nhập Niết-bàn, còn đây là y bát và xá-lợi. Khi đó, Hiền giả A-nan nghe nói thế, đau buồn hôn mê, hết sức cảm động, mà bạch Phật:

– Hôm nay Tôn giả ấy, vị đại tướng quân trong Phật pháp đã nhập Niết-bàn, con biết nương cậy vào đâu.

Đức Phật bảo A-nan:

– Ông Xá-lợi-phất đây tuy nhập Niết-bàn, song Giới, Định, Tuệ, Giải thoát, Giải thoát tri kiến Pháp thân của ông cũng chẳng diệt. Lại  nữa, ông Xá-lợi-phất không chỉ ngày nay không nỡ nhìn thấy Ta vào Niết-bàn nên diệt độ trước mà ở đời quá khứ cũng không kham nhìn Ta chết, mà ông còn chết trước Ta. Hiền giả A-nan chắp tay bạch Phật:

– Kính bạch Thế Tôn, trong quá khứ Tôn giả Xá-lợi-phất muốn chết trước Ngài, việc ấy như thế nào, cúi mong Ngài giải nói.

Đức Phật bảo A-nan:

– Trong quá khứ lâu xa vô lượng vô số không thể nghĩ bàn atăng-kỳ kiếp, ở cõi Diêm-phù-đề này có một vị đại quốc vương tên Chiên-đà-bà-la-tỳ (Tần dịch Nguyệt Quang) thống lãnh Diêm-phù-đề tám vạn bốn ngàn nước, sáu vạn núi sông, tám mươi ức tụ lạc, vua có hai vạn phu nhân và thể nữ. Bà thứ nhất tên là Tu-ma-đàn (Tần dịch là Hoa Thi). Một vạn đại thần, ông quan lớn nhất tên là Ma-chiên-đà (Tần dịch là Đại Nguyệt). Vua có năm trăm thái tử, vị thái tử lớn nhất tên là Thi-la-bạt-đà (Tần dịch là Giới Hiền). Thành vua ở tên là Bạt- đà-kỳ-bà (Tần dịch là Hiền Thọ). Thành ấy ngang dọc bốn trăm dotuần làm thuần bằng vàng bạc, lưu ly, pha lê, bốn bên có một trăm hai mươi cửa, đường sá hẻm phố ngay thẳng chỉnh tề. Trong nước ấy có bốn hàng cây cũng toàn bằng vàng bạc, lưu ly, pha lê; hoặc cành vàng lá bạc lá vàng; hoặc cành lưu ly lá pha lê; hoặc cành pha lê lá lưu ly. Có các ao báu cũng toàn bằng vàng, bạc, lưu ly, pha lê tạo thành, cát dưới đáy ao cũng là bốn báu. Trong cung vua, chu vi bốn mươi dặm làm thuần bằng vàng bạc, lưu ly, pha lê. Nước đó giàu mạnh, nhân dân khoái lạc, những đồ quý báu đẹp lạ không thể kể xiết. Hôm đó vua ngồi trên bảo điện bỗng nhiên nghĩ như vầy: “Nói về người ta sống trên đời, tôn vinh hào quý, thiên hạ kính ngưỡng, nói ra không trái nghịch, ngũ dục các thứ quý báu hay đẹp, muốn gì được nấy, quả báo ấy đều do tích đức tu phước mà được. Thí như kẻ nông phu do mùa xuân trồng cấy đến mùa hạ, mùa thu thâu hoạch. Mùa xuân lại đến, nếu không siêng năng gieo trồng nữa thì mùa hạ mùa thu trông mong được gì? Nay ta cũng như vậy, do đời trước tu phước, đời này hưởng quả tốt, nếu đời này không tu thì kiếp sau không mong được gì”. Nghĩ như thế rồi bảo quần thần: “Nay ta muốn đem của cải quý báu trong kho bày ra các cửa thành cho đến trong chợ, mở một cuộc bố thí lớn, tùy chúng sinh cần gì đều đem cho hết”. Và còn hạ lệnh  tám vạn bốn ngàn nước nhỏ, đều mở kho bố thí cho tất cả. Chúng thần nói: “Rất tốt!”, vâng lời vua dạy liền dựng phướn vàng, đánh trống vàng, loan báo khắp nơi, tuân theo chiếu vua, xa gần trong ngoài khiến đều nghe biết. Lúc đó, trong nước, Sa-môn, Bà-la-môn, người bần cùng, già yếu, neo đơn,…; có người tật nguyền, kẻ mạnh dắt người yếu, đổ xô tụ tập vào cung. Cần y cho y, cần thức ăn cho thức ăn, vàng bạc vật báu, tùy bệnh cho thuốc, tất cả thứ cần thiết đều cho như ý cả.

Trong cõi Diêm-phù-đề, tất cả thần dân đều nhờ ân đức của vua vui vẻ vô cùng. Tiếng khen ngợi ca tụng vang rền ngoài đường, danh đức lẫy lừng vang khắp bốn phương, không ai chẳng khâm phục ngưỡng mộ ân hóa của vua.

Lúc đó, có một vị vua nước nhỏ bên cạnh tên Tỳ-ma-tư-na, nghe vua Nguyệt Quang được nhân dân khen ngợi, ôm lòng ghen ghét, ngủ nghỉ không yên, liền tự suy nghĩ: “Không tiêu diệt được ông Nguyệt Quang thì có lẽ danh tiếng của ta không nổi”. Nghĩ thế rồi vị ấy mời thỉnh các đạo sĩ đến bàn việc này. Sắc lệnh thỉnh mời các Phạm chí trong nước để cúng dường những bữa ăn uống đầy đủ trăm vị, cung kính cúng dâng, không để cho điều gì phật ý, trải qua ba tháng, rồi nói với các Phạm chí:

– Trẫm nay có một việc lo buồn triền miên trong lòng, đêm trăn trở không ngủ được không làm sao có thể giải thích. Đạo sĩ như các ông, trẫm đây rất cung kính, quý ngài có phương tiện gì giúp trẫm trừ diệt chăng?

Các Bà-la-môn cùng tâu vua rằng:

– Đức vua có điều gì lo buồn nên nói bày cho chúng tôi rõ?

Vua liền nói:

– Vua Nguyệt Quang kia, danh đức vang xa, bốn phương mến phục, chỉ có một mình trẫm xấu xí hẹp hòi, không có được tiếng khen. Để thỏa chí nguyện, muốn trừ khử ông ta phải làm cách nào mới có thể được?

Các Bà-la-môn nghe nói như thế đều nói rằng:

– Vua Nguyệt Quang kia từ ân thấm nhuần đến tất cả, giúp đỡ kẻ nghèo nàn, thương dân như con, chúng ta làm sao có tâm mưu làm việc ác này, thà tự giết thân mạng không thể làm việc này. Họ liền xin cáo thoái không nhận cúng dường nữa. Bấy giờ vua  Tỳ-ma-tư-na tăng thêm lòng phẫn uất, liền ra lệnh khắp nơi:

– Nếu ai có thể vì trẫm, lấy được đầu vua Nguyệt Quang, trẫm sẽ chia nửa giang sơn để cai trị và còn gả cho con gái nữa. Khi đó ở Hiếp sơn có một vị Bà-la-môn tên là Lao-độ-sai, nghe lệnh tuyên bố của nhà vua nên đến nhận lời. Vua rất vui mừng lặp lại lời ấy:

– Giả sử ngươi có thể làm được thành công, trẫm không trái với lời hứa. Ngươi định ngày nào đi?

Vị Bà-la-môn nói:

– Xin ban cho tôi lương thực cần thiết, bảy ngày nữa tôi sẽ lên đường.

Khi đó vị Bà-la-môn đọc chú tự bảo hộ thân, qua bảy ngày, bèn đến từ biệt, đức vua cấp cho lương thực, vật dụng cần thiết rồi lên đường ra đi. Lúc đó trong nước vua Nguyệt Quang có các thứ điềm quái lạ xuất hiện như: động đất, chớp giật, sao băng, ban ngày sương khói kéo mờ mịt, sấm chớp vang trời, các loài chim bay đầy trong hư không kêu la thảm thiết và tự nhổ lông cánh, hổ báo sài lang thuộc loài cầm thú tự đâm đầu xuống hố hoặc chạy la kêu rống. Tám vạn bốn ngàn ông vua nước nhỏ đều mộng thấy cành phướn vàng của nhà vua bị gãy, trống vàng bị bể, đại thần Đại Nguyệt mộng thấy quỷ đến cướp mão vàng của vua. Thấy điềm bất tường biến hiện, ai cũng ôm lòng lo buồn không thể tự an. Khi đó vị thần giữ cửa thành biết có một Bà-la-môn muốn đến lấy đầu vua, ông hóa phép làm cho mê mờ cứ đi lẩn quẩn bên ngoài không biết lối vào thành. Lúc đó, Bà-la-môn đi quanh quẩn cổng thành bao nhiêu vòng cũng không vào trong thành. Ông trời Thủ-đà-hội biết vua Nguyệt Quang đem đầu mình ra thí để cho đàn tràng được viên mãn, bèn báo mộng nói rằng: “Bệ hạ thế hạnh, bố thí không trái ý chúng sinh, có kẻ ăn xin ngoài cổng mà không vào được”. Nhà vua kinh ngạc liền ra lệnh cho đại thần Đại Nguyệt:

–Ông đi ra ngoài các cổng, bảo mọi người chớ ngăn cấm người nào vào xin.

Đại thần Đại Nguyệt đi đến cổng thành. Lúc đó vị Thần giữ cổng thành liền hiện nguyên hình thưa Đại Nguyệt rằng:

– Có một Bà-la-môn từ nước khác đến ôm lòng xấu ác muốn xin  đầu vua, nên tôi không cho vào.

Đại thần nói:

– Nếu có việc này, quả là tai nạn lớn, nhưng vua đã có lệnh, không được trái ý, vậy phải làm sao?

Lúc đó Thần giữ cổng thành bèn biến mất dạng. Đại thần Đại Nguyệt liền suy nghĩ: “Nếu để vị Bà-la-môn này đến ắt xin đầu vua, ta nên làm đầu bằng bảy báu năm trăm cái để làm việc buôn bán”. Ông liền mướn thợ làm. Bấy giờ vị Bà-la-môn đi tới trước điện lớn tiếng xướng rằng:

– Tôi ở nơi xa xôi, nghe công đức nhà vua, bố thí cho tất cả, không nghịch ý mọi người, nên từ xa đến đây, muốn xin một việc. Nhà vua nghe vui mừng, tác lễ hỏi thăm:

– Đi đường không quá mệt mỏi chăng? Tùy ông muốn gì, nước thành, vợ con, châu báu xe cộ, ngự xa hay voi ngựa, bảy báu hay nô tỳ, tất cả mong muốn đều được cho cả.

Vị Bà-la-môn nói:

– Tất cả vật bên ngoài, tuy đem bố thí nhưng phúc báo chưa là rộng lớn, bố thí nhục thân, phước ấy mới thật là vi diệu. Tôi từ xa đến, muốn được cái đầu nhà vua, nếu không trái nghịch, vậy nên bố thí cho.

Vua nghe lời ấy hăng hái vô lượng. Vị Bà-la-môn nói:

– Như bố thí cái đầu cho ta, vậy bao giờ mới cho được?

Vua nói:

– Bảy ngày sau sẽ cho ông cái đầu.

Bấy giờ đại thần Đại Nguyệt đem cái đầu bằng bảy báu đến để tạ thay, vỗ vào trước ngực nói với Bà-la-môn rằng:

– Đầu của vua bằng xương thịt máu hợp thành là vật bất tịnh, dùng thứ ấy làm gì? Nay ông lấy cái đầu bằng bảy báu dùng để buôn bán đủ để giàu có nuôi sống trọn đời.

Vị Bà-la-môn nói:

– Tôi không dùng của ấy, chỉ muốn được cái đầu của nhà vua. Khi ấy đại thần Đại Nguyệt dùng mọi thứ can gián mà vẫn mãi không hồi chuyển, liền nổi giận mổ tim thành bảy miếng, chết trước mặt nhà vua. Lúc đó nhà vua hạ lệnh triều thần cỡi voi đi tám ngàn dặm loan tin các nước nhỏ rằng:

– Sau bảy ngày nữa, vua Nguyệt Quang cái đầu bố thí cho vị Bà-la-môn, ai muốn tới xin của cải hãy mau đi đến.

Bấy giờ tám vạn bốn ngàn vua nước nhỏ nườm nượp kéo đến bái kiến đại vương rồi vỗ vào ngực mình nói:

– Cõi Diêm-phù-đề này, loài người nhờ ân đức của ngài mà được mùa màng tươi tốt, an cư lạc nghiệp, vui vẻ không hoạn nạn. Tại sao chỉ vì một người mà bỏ cả thứ dân không thương xót. Cúi mong rủ lòng thương, xin chớ bố thí đầu. Một vạn đại thần đều mọp đầu sát đất, vỗ ngực trước mặt vua, chỉ mong thương xót các chúng thần, chớ có bố thí đầu, sẽ mãi mãi xả bỏ. Hai vạn phu nhân cũng đầu mọp sát đất, ngưỡng bạch vua rằng:

– Xin chớ xả thí đầu, bệ hạ như bóng mát che khắp, nếu đem đầu bố thí, chúng thần thiếp biết nương tựa vào đâu? Năm trăm thái tử khóc to trước mặt vua:

– Chúng con còn non trẻ, phải nương nơi nào, ngưỡng mong thương xót, chớ dùng đầu bố thí, hãy nuôi dưỡng chúng con được lớn thành người.

Bấy giờ đức vua bảo các thần dân, phu nhân, thái tử:

– Xét ra trẫm từ xưa thọ thân cho đến nay, trải qua ách sinh tử lâu dài. Nếu như ở trong địa ngục một ngày, sống rồi chết, bỏ thân vô số, trải qua nước sông phân, giường sắt, phẩn uế, xe lửa, hầm than, cho đến các địa ngục khác, các thân như thế bị thiêu đốt chết rồi lại chết, mãi mãi không có phước báo. Nếu ở trong loài súc sinh, thì bị người chém giết để cung cấp cho người ta ăn, phá hoại tiêu nát, cũng lại vô số, thân ấy bỏ không cũng là không có phúc báo. Hoặc đọa làm ngạ quỷ, lửa trong mình cháy ra hoặc là vòng lửa bay tới chém đứt đầu, chết đi sống lại như vậy vô số lần, thân bị giết như thế cũng không có phước báo. Nếu sinh ở nhân gian vì tranh tài sắc, lòng tham hận nổi lên sát hại lẫn nhau, hoặc kéo quân đánh nhau, giết thân như vậy cũng lại vô số. Vì tham nhuế si mê thường giết nhiều thân, chưa từng làm phước mà bỏ thân mạng. Nay thân trẫm đây các thứ bất tịnh, sẽ phải xả bỏ, không thể bảo tồn được lâu, bỏ cái đầu nhơ uế xấu xa này, để đổi lấy cái lợi lớn, làm sao không nên cho? Trẫm đổi cái đầu này, bố thí cho Bà-la-môn để lấy công đức thệ cầu Phật đạo. Nếu thành Phật rồi công đức đầy đủ sẽ dùng phương tiện độ thoát cho các ông. Nay lòng trẫm muốn bố thí được  viên mãn, chớ nên ngăn đạo tâm vô thượng của trẫm. Tất cả các tiểu vương, thần dân, phu nhân, thái tử nghe vua nói vừa xong, im lặng không nói lời nào.

Hôm ấy đúng ngày hứa, vị Bà-la-môn nói rằng:

– Nay vua, thần dân, đại chúng vây quanh, tôi riêng có một mình, thế lực đơn lẻ yếu kém, không dám ở trong đây mà chặt đầu vua, nếu muốn cho tôi nên ra sau hoa viên.

Bấy giờ đức vua bảo các tiểu vương, thái tử, thần dân rằng:

– Tất cả các ông giả sử yêu thương trẫm, xin chớ làm hại vị Bà-la-môn này.

Nói xong vua cùng vị Bà-la-môn ra sau hoa viên. Khi đó vị Bà-la-môn nói với vua:

– Bệ hạ sức vóc mạnh khỏe, giả sử cắt đầu đau đớn rồi hối tiế rồi sao? Vậy hãy lấy tóc ngài buộc chặt trên cây, sau đó mới có thể cắt đầu dễ dàng.

Khi đó, vua ngồi dưới gốc cây to cành lá sum suê, buộc tóc và nhánh ngang, nói với Bà-la-môn:

– Ông cắt đầu xong đem để trên bàn tay tôi, rồi sau đó hãy từ trong tay tôi mà lấy đi. Nay tôi đem đầu bố thí cho ông, nguyện công đức này không cầu được làm Phạm vương, Ma vương, Đế Thích, Chuyển luân thánh vương để vui sướng ở ba cõi mà chỉ cầu đạo Vô thượng chánh chân, tế độ chúng sinh, dẫn đến cõi Niết-bàn an lạc. Bấy giờ, vị Bà-la-môn dơ tay muốn chém, Thọ thần thấy thế rất là buồn rầu: “Người như vậy, tại sao lại muốn giết?” liền dùng tay tát vào lỗ tai vị Bà-la-môn, làm cho đầu quay sang hướng khác, rụng rời tay chân, dao rớt xuống đất không thể chém được. Khi ấy nhà vua ngước mặt nói với Thọ thần rằng:

– Từ xưa đến nay, ở ngay tại gốc cây này ta đã từng bố thí chín trăm chín mươi chín cái đầu, hôm nay bố thí cái đầu này vừa đủ số một ngàn. Xả bỏ cái đầu này rồi thì nguyện bố thí mới được viên mãn, ông đừng ngăn cản đạo tâm Vô thượng của tôi. Lúc đó thọ thần nghe vua nói thế, bèn khiến cho vị Bà-la-môn bình phục như cũ. Bấy giờ vị Bà-la-môn đứng dậy trở lại cầm đao chém ngang cổ vua, đầu rơi vào tay. Khi ấy trời đất sáu lần chấn động, cung điện của các cõi trời dao động không yên, các Thiên tử lo  sợ ngạc nhiên không biết điềm tướng gì, mới quán thấy một vị Bồ-tát vì tất cả chúng sinh đem đầu bố thí, đều cùng bay xuống, cảm động việc hy hữu của nhà vua, lệ rơi như mưa, cùng nhau khen ngợi rằng:

– Đại vương Nguyệt Quang đem đầu bố thí, đối với Đàn ba-lamật nay được viên mãn. Tiếng tăm ấy vang khắp thiên hạ. Vua Tỳ-ma-tiễn nghe tiếng nói này rồi, vui mừng kinh ngạc, vỡ tim ra chết. Bấy giờ vị Bà-la-môn vác đầu vua đi, các vua, thần dân, phu nhân, thái tử, đã trông thấy đầu vua rơi xuống đất, tiếng đau buồn gào khóc ngất đi, có người cảm thương quá thổ huyết mà chết, còn có người đứng ngây người không biết gì, hoặc có người tự bức tóc mình, hoặc có người xé quần áo mình ra từng mảnh, hoặc có người dùng hai tay cào lên mặt, tiếng khóc vang xa rung động trời đất. Bấy giờ vị Bà-la-môn ghê gớm đầu vua hôi tởm, liền vất xuống đất, giẫm lên rồi đi. Nhân dân mắng chửi vị Bà-la-môn độc ác, không dùng cái đầu, mà xin làm chi. Khi đó vị Bà-la-môn đi đâu người ta thấy cũng nguyền rủa, không người nào cho ăn, đói khát tiều tụy hết sức khốn khổ, giữa đường gặp người quen hỏi thăm tin tức về vua Tỳ-ma-tiễn. Biết vua đã băng hà, mất hết hy vọng, buồn rầu lo lắng, tim vỡ bảy mảnh, thổ huyết ra chết liền. Vua Tỳ-ma-tiễn và Lao-độ-sai sau khi chết đều đọa vào địa ngục mê lộ Atỳ, còn những thần dân vì thương nhớ ân vua mà chết đều được sinh lên cõi trời.

Nói đến đây, Đức Phật nhắc lại rằng:

– Này A-nan, nên biết vua Nguyệt Quang thuở đó nay chính là Ta. Vua Tỳ-ma-tiễn nay là ma Ba-tuần. Vị Bà-la-môn tên Lao-độ-sai nay là ông Điều-đạt. Thọ thần nay là Mục-liên. Đại thần Đại Nguyệt chính là Xá-lợi-phất ngày nay, nên nay không nỡ thấy Ta chết mà muốn chết trước Ta. Cho đến ngày nay, ông cũng không nỡ nhìn thấy Ta nhập Niết-bàn, mà ông nhập diệt trước. Đức Phật nói việc đó xong, Hiền giả A-nan và các đệ tử thương mến vui mừng, cùng nhau tán thán công Đức Như Lai có hạnh kỳ đặc, đều cùng chuyên tu, có người đắc quả A-la-hán, có người phát tâm Vô thượng chánh chân, đều rất vui mừng kính lễ vâng lời.