SỐ 212
KINH XUẤT DIỆU
Tác giả: Tôn giả Pháp Cứu soạn
Hán dịch: Đời Diêu Tần, Sa-môn Trúc Phật Niệm, người đất Lương châu
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 27

Phẩm 31: LẠC (Vui)

Thắng thì oán hết
Thua thì tự khinh
Dứt thì vui sướng
Không tâm thắng, thua.

Thắng thì oán hết, thua thì tự khinh: Như kẻ thù đêm ngày rình rập đối phương, bởi y có mối thù lớn với đối phương. Đời này qua đời khác không xả bỏ mối oán thù ấy. Như vậy trải qua trăm ngàn thân, báo oán mới dứt, kẻ thua tự khinh. Cho nên nói: Thắng thì oán hết, thua thì tự khinh.

Dứt thì vui sướng, không tâm thắng, thua: Tất cả kết sử hết hẳn không còn. Lại không còn khởi lên ý tưởng mê đắm. Cũng không có tâm hơn, thua. Ta thắng, nó thua, hay nó thắng, ta thua.

Hoàn toàn không còn tâm phân biệt ta người. Cho nên nói: Dứt thì vui sướng, không tâm thắng, thua.
—————————————————————————————–

Nếu quấy rối người khác
Tìm an vui ở đời
Thì trở thành oán thù
Không bao giờ thoát khổ.

Nếu quấy rối người khác, tìm an vui ở đời: Trên đời này, có nhiều kẻ giữ khư khư tâm mê lầm, tâm thù oán sâu xa, xúc não, quấy rối kẻ khác, lấy đó làm chuyện vui thú cho mình, cho bà con dòng họ mình. Chuyện này như gieo giống đắng mà mong được trái ngọt. Thật uổng công, tốn thì giờ vô ích. Cho nên nói: Nếu quấy rối người khác, tìm an vui ở đời.

Thì trở thành oán thù, không bao giờ thoát khổ: Như chợt đánh lộn giết người, chuyện đó còn tha thứ. Còn như có tâm ác độc âm mưu hại người thì phải tránh xa hạng người ấy. Hạng người ấy chắc chắn rơi vào đường dữ. Vì sao? Vì họ khư khư giữ sự ngu muội của mình, không buông bỏ. Cho nên nói: Thì trở thành oán thù, không bao giờ thoát khổ.
—————————————————————————————–

Quá ưa thích ái dục
Đánh đập các chúng sinh
Để mong tìm an vui
Thì đời sau không vui.

Quá ưa thích ái dục: Tất cả chúng sinh đều ưa thích an vui chứ không ưa khổ não. Thấy khổ thì mọi người không ưa thích. Tự mình giết và vào bảo người giết, tự mình dâm dật và bảo người dâm dật. Tự mình nói dối, nói thêu dệt, dạy người nói láo, nói thêu dệt. Tự mình ăn cắp, dạy người khác ăn cắp. Cho nên nói: Quá ưa thích ái dục.

Đánh đập các chúng sinh: Việc làm không đúng pháp, gây oan uổng cho mọi người, ý lấy việc gây hại cho người làm gốc. Cho nên nói: Đánh đập các chúng sinh.

Để mong tìm an vui, thì đời sau không vui: Người làm ác đều vì bản thân mình. Bỏ thân này thọ thân khác chịu các khổ não, trải qua sinh tử, đắm chìm trong năm đường. Sinh nơi nào thì tội khổ vẫn đi theo. Cho nên nói: Để mong tìm an vui, thì đời sau không vui.
—————————————————————————————–

Ai muốn được vui sướng
Chớ đánh đập chúng sinh
Để mong tìm an vui
Thì đời sau được vui.

Ai muốn được vui sướng, chớ đánh đập chúng sinh: Tất cả chúng sinh đều ưa thích sự an vui, không ưa thích sự khổ. Thấy người bị khổ thì sinh tâm Từ bi thương xót với bốn tâm bình đẳng, coi kẻ khổ ấy như con đẻ của mình. Từ đầu, không khởi tâm oán giận đánh đập chúng sinh, sống ở đời ai cũng cầu yên thân. Nếu bây giờ ta xúc não, làm phiền nhiễu cho kẻ khác thì đời sau chịu vô số oan đối, cho nên nó: Ai muốn được vui sướng, chớ đánh đập chúng sinh, để mong tìm an vui thì đời sau được vui.
—————————————————————————————–

Ưa pháp, ưa tu hành
Cẩn thận, chớ làm ác
Khéo thực hành chánh pháp
Đời này, đời sau vui.

Người ta ở đời làm việc đạo pháp thì chọn pháp lành, bỏ pháp ác, đi đây đó để tìm thiện tri thức, để được dạy bảo những lời hay. Đến nơi nào cũng làm cho pháp sự được hưng thịnh. Cho nên nói:
Ưa pháp, ưa tu hành, cẩn thận chớ làm ác, khéo thực hành chánh
pháp, đời này, đời sau vui.
—————————————————————————————–

Giữ pháp, hành chánh pháp
Hành pháp được báo lành
Đúng theo luật pháp dạy
Hành pháp, không đọa ác.

Giữ pháp, hành chánh pháp, hành pháp được báo lành: Chính mình có khả năng giữ gìn pháp khiến không để rơi mất thì được phước báo đời sau. Cho nên nói: Giữ pháp, hành chánh pháp, hành pháp được báo lành.

Đúng theo luật pháp dạy, hành pháp không đọa ác: Người tu hành tự giữ mình bằng chánh pháp. Sinh nơi nào cũng không gặp tai họa xấu ác. Từ nhỏ đến lớn đều được phước. Hưởng hết phước trời, sinh xuống cõi người lại được hưởng phước. Cho nên nói: Đúng theo luật pháp dạy, thực hành chánh pháp, không bị đọa đường ác.
—————————————————————————————–

Giữ pháp, hành chánh pháp
Như dù lọng che thân
Đúng theo luật pháp dạy
Hành pháp, không đọa ác.

Người tu hành giữ gìn pháp sâu xa, là những lời dạy hay, diệt trừ các ấm cái như giữa trời nắng mà được dù lọng tốt đẹp, được ân cứu giúp. Cho nên nói: Giữ pháp, hành chánh pháp, như dù lọng che thân, đúng theo luật pháp dạy, hành pháp, không bị đọa.
—————————————————————————————–

Làm ác đọa địa ngục
Phải rơi vào đường ác
Phi pháp tự nhận chìm
Như tay cầm rắn độc.

Làm ác đọa địa ngục, phải rơi vào đường ác: Người làm ác chứ không phải cha mẹ, anh em, bà con họ hàng làm, do tội lỗi chính mình làm gây ra. Tạo tội thì tự mình chịu tai ương, không ai thay thế cho mình được. Kiến chấp của ngoại đạo, dị học khác nhau. Theo kiến chấp của ngoại đạo thì mình tạo tội nhưng kẻ khác phải chịu quả báo. Cho nên nói: Làm ác đọa địa ngục, phải rơi vào đường ác.

Phi pháp tự nhận chìm, như tay cầm rắn độc: Như người trong tay cầm rắn độc, hoặc dùng chú thuật mà bắt nó, hoặc dung cỏ thuốc mà bắt nó, hoặc được thầy dạy cách dùng tay cầm rắn độc để chơi. Chú thuật hết hiệu nghiệm thì bị rắn cắn, chết đọa vào địa ngục, ngạ quỷ súc sinh, trôi lăn trong sinh tử không lúc nào ra khỏi.
Cho nên nói: Phi pháp tự nhận chìm, như tay cầm rắn độc.
—————————————————————————————–

Bất luận pháp, phi pháp
Hai việc đều có báo
Phi pháp vào địa ngục
Chánh pháp sinh cõi trời.

Bất luận pháp, phi pháp, hai việc đều có báo: Các loài chúng sinh làm những việc lành dữ, không tự giác biết quả báo của tai ương và phước đức, người làm lành, không biết có quả báo của việc lành, người làm ác không biết có quả báo của việc ác. Như người được thức ăn có lẫn chất độc, khi được là ăn ngay, không biết trong đó có chất độc. Chất độc lan mạnh làm hại thân. Người làm ác cũng giống như vậy, ngay lúc ấy là ngon miệng, nhưng về sau bị tai ương, đến nỗi mất mạng không đến được cõi lành. Người có mắt sáng nhìn thức ăn biết liền. Thấy món ấy là sạch, không có chất độc nên lấy ăn, do vậy không bị nạn khổ về sau. Cho nên nói:

Bất luận pháp và phi pháp, hai việc đều có quả báo. Phi pháp vào địa ngục. Chánh pháp sinh cõi trời.
—————————————————————————————–

Thí và giằng một chỗ
Việc ấy trí không khen
Vừa thì vừa giằng lại
Hai việc ấy ngang nhau.

Thuở xưa, trong thành Xá-vệ có một vị trưởng giả tên Tối Thắng, lại có vị trưởng giả khác tên Nan Hàng, cả hai vị đều tham lam bỏn sẻn nhất trong nước, tài sản vật quý rất nhiều, bảy thứ báu đầy đủ, voi ngựa, xe cộ, kẻ ăn, người ở, lúa thóc ruộng vườn nhiều không kể xiết. Nhà của hai ông đều có bảy lớp cửa, họ ra lệnh cho người giữ cửa không cho một người hành khất nào lọt vào sân nhà.

Ở trên thì hai ông cho phủ lưới sắt để chim chóc khỏi bay vào ăn thóc lúa. Bốn vách tường nhà đều bằng sắt vì sợ chuột khoét cắn phá đồ đạc.

Lúc ấy, năm vị đại Thanh văn theo thứ lớp đến giáo hóa hai vị trưởng giả, các vị này từ dưới đất vọt lên dạy họ pháp thí, nhưng hai vị này nghe rồi đều không chịu thực hành. Sau đó Đức Phật tự đến, ngồi nằm trên hư không, phát ra ánh sáng rực rỡ, nói pháp nhiệm mầu cho họ nghe. Họ nghe pháp nhưng lòng vẫn chưa thấu đạt. Họ thầm nghĩ: “Phật đến nhà ta chẳng lẽ để Ngài về tay không. Thôi, hãy vào kho lấy một tấm dạ bố thí Như Lai.”

Nghĩ xong, ông trưởng giả liền đứng dậy vô kho lựa một tấm dạ xấu, không dè lại nhằm tấm dạ tốt. Ông để tấm đó lại, lấy tấm khác, nhưng tình cờ tấm này lại càng tốt hơn tấm trước. Tâm ý cứ giằng co nhau không thể quyết định được.

Ngay trong ngày ấy, A-tu-luân chiến đấu với trời Đao-lợi, hễ trời thắng thì A-tu-luân thua, còn A-tu-luân thắng thì các trời thua.

Khi ấy Đức Phật dùng Thiên nhãn quán thấy tâm ông trưởng giả, có lúc tâm bố thí thắng, có lúc tâm bỏn sẻn thắng, nên Ngài nói bài kệ:

Thí và giằng một chỗ
Việc ấy trí không khen
Vừa thí vừa giằng lại
Hai việc ấy ngang nhau.

Trưởng giả từ xa nghe lời ấy, tâm rất hổ thẹn, lời Như Lai nói chính là vì ta. Ông liền mở kho lấy tấm dạ tốt bố thí. Còn trưởng giả Nan Hàng thì lấy năm trăm lạng vàng ra bố thí. Tâm ý mở tỏ, mỗi người đều thấy đạo mầu.
—————————————————————————————–

Người gặp trăm ngàn việc
Dứt bỏ oán kiêu mạn
Bố thí lòng thanh tịnh
Là người mạnh hơn hết.

Người gặp trăm ngàn việc, dứt bỏ oán kiêu mạn: Người tu mà ở tại gia thì cứ mãi đắm mê tài sản sự nghiệp, bận rộn các việc, tâm không yên định, cho nên người muốn tu đạo thì phải lìa bỏ gia nghiệp, dứt bỏ kiêu mạn, không khởi ý tưởng mê đắm. Khi bố thí chớ cầu đền ân. Khiêm cung tự hạ mình, tu các cội gốc công đức. Khinh thường người khác, coi trọng mình là tai họa. Do vậy, bậc Thánh dạy hãy ở nơi thanh vắng, sau đó tu tập chân đạo. Cho nên nói: Người gặp trăm ngàn việc, dứt bỏ oán kiêu mạn.

Bố thí lòng thanh tịnh là người mạnh hơn hết: Bố thí có năm công đức. Dứt bỏ tâm kiêu mạn tự đại, ý thường trong sạch, không còn nhơ bẩn. Cho nên nói: Bố thí lòng thanh tịnh là người mạnh hơn hết.
—————————————————————————————–

Nhẫn ít được thắng nhiều
Giữ giới thắng lười biếng
Có lòng tin bố thí
Đời sau quả báo tốt.

Nhẫn ít được thắng nhiều, giữ giới thắng nhiều lười biếng: Có nhiều người lòng tin quá ít, tâm giận dữ lẫy lừng, giữ giới, nhẫn nhục cũng lại quá ít. Ai thực hành được nhẫn nhục thì chiến thắng được oán thù. Người giữ giới thì thắng được biếng nhác. Như ngài A-na-luật có lần bố thí cho vị Bích-chi-phật nên trong chín mươi kiếp không hề bị đọa vào đường ác. Sau sinh vào nhà họ Thích, là em chú bác với Phật, đi xuất gia học đạo và chứng đắc đạo quả.

Cho nên nói: Nhẫn ít được thắng nhiều, giữ giới thắng nhiều lười biếng, có lòng tin bố thí, đời sau quả báo tốt.
—————————————————————————————–

Vui thay phước báo lớn
Ước nguyện đều thành tựu
Mau được diệt bậc nhất
Dần vào bờ Vô vi.

Vui thay phước báo lớn, ước nguyện đều thành tựu: Người tu phước là do đời trước lập nguyện mà ra. Hễ gặp ruộng phước là gieo, dù ít nhưng thâu gặt vô lượng. Nếu như đời trước xúc phạm, làm phiền nhiễu Thánh hiền, tâm bố thí không thuần nhất, không có tâm bình đẳng thì kiếp sau nếu được làm người dung mạo sẽ xấu xí, bị mọi người khinh chê. Làm ác chịu quả khổ, làm lành hưởng quả lành. Cho nên nói: Vui thay phước báo lớn, ước nguyện đều thành tựu.

Mau được diệt bậc nhất (Niết-bàn) dần vào bờ Vô vi: Các kết sử dứt hết, các công đức đầy đủ, trong sạch sáng suốt, trong ngoài đều thanh tinh, ý mong cầu nghĩa bậc nhất thì nghĩa liền thành tựu.

Muốn được mãi mãi đi vào nơi Hư vô thì liền được ngay, không không có gì trở ngại, cho các ác ma tà vạy bên ngoài muốn đến hủy hoại người có phước đức này thì chúng cũng không làm gì được. Giống như xưa, ma vương dẫn mười tám ức chúng, một than trăm đầu, hình tượng đáng sợ như cọp, sói, sư tử, rắn độc, cùng kéo
đến dọa nhát Như Lai, nhưng phước lực của Như Lai khiến các ma phải tiêu tan. Ma vương rút lui rồi, Đức Thế tôn liền nói bài kệ này:

Vui thay phước báo lớn
Ước nguyện đều thành tựu
Mau được diệt bậc nhất
Dần vào bờ Vô vi.
—————————————————————————————–

Nếu ai tìm phương tiện
Thánh hiền ban trí tuệ
Dứt hết cội gốc khổ
Nên biết được may lớn.

Ai tìm được phương tiện, thánh hiền ban trí tuệ: Người học muốn tu tập pháp Thánh hiền thì phải tinh tấn mạnh mẽ, ý không phân tán. Sau mới ứng hợp với đạo Thánh hiền. Cho nên nói: Ai tìm phương tiện, Thánh hiền ban trí tuệ.

Dứt hết cội gốc khổ, nên biết được may lớn: Khổ chính là năm ấm lẫy lừng, dứt được khổ ấy là ứng hợp với đạo pháp. Cho nên nói: Dứt hết cội gốc khổ, nên biết được may lớn.
—————————————————————————————–

Ưa pháp, ngủ yên lành
Tâm ý thuần thanh tịnh
Pháp do Hiền thánh dạy
Được người trí ưa thích.

Người học tu hành đạt được pháp sâu xa, phân biệt rõ rang nghĩa câu. Tâm ý điềm nhiên lặng lẽ, không còn ý tưởng nào khác.

Nhập định nhất tâm, không bị các tà ma làm lay động. Giáo pháp do Hiền thánh dạy, miệt mài tu tập không thể lìa bỏ. Những điều người trí tu tập không phải là điều kẻ ngu luận bàn được. Cho nên nói: Ưa pháp ngủ yên lành, tâm ý thuần thanh tịnh, pháp do Hiền thánh dạy, được người trí ưa thích.
—————————————————————————————–

Nếu người tâm ưa thiền,
Thì cũng ưa vắng lặng
Cũng ưa bốn ý chỉ
Cùng với bảy giác ý
Cùng bốn thần túc kia
Tám phẩm đạo Hiền thánh.

Nếu người tâm ưa thiền thì cũng ưa vắng lặng: Người tu hành sở dĩ ưa thích thiền định là muốn từ cõi Niết-bàn vô dư mà bước vào Diệt độ. Không sinh, không diệt. Cho nên nói: Nếu người tâm ưa thiền thì cũng ưa vắng lặng.

Cũng ưa bốn ý dứt, cùng với bảy giác ý: Ngăn dứt kết sử không cho sinh khởi gọi là ý dứt. Có sự giác ngộ nên gọi là giác ý.

Cho nên nói: Cũng ưa bốn ý dứt, cùng với bảy giác ý.

Cùng bốn thần túc kia, tám phẩm đạo Hiền thánh: Pháp thần túc cũng cắt đứt được kết sử. Đối với pháp hiện tại được an lạc vô vi, tu tập tám phẩm đạo Hiền thánh. Đối với pháp hiện tại cũng cắt đứt kết sử, được an vui lợi ích tốt đẹp. Cho nên nói: Cùng bốn thần túc kia, tám phẩm đạo Hiền thánh.
—————————————————————————————–

Khéo vui với nắm cơm
Khéo vui với pháp phục
Khéo vui với kinh hành
Vui ở trong rừng núi.

Khéo vui với nắm cơm, khéo vui với pháp phục: Như người tu hành đã được trí tuệ, dứt bỏ tất cả, phân biệt rõ ý tưởng về ăn, ý không còn mê đắm. Khi ăn, món ngon hay dở đều không sinh tâm khen chê. Pháp phục ngay thẳng, không trái với cách phục sức do bậc Tiên thánh chế ra. Cho nên nói: Khéo vui với nắm cơm, khéo vui với pháp phục.
Khéo vui với kinh hành, vui ở trong rừng núi: Như trong khế kinh của Phật có nói: người đi kinh hành được năm công đức. Năm công đức gồm:

1. Có khả năng đi xa được.
2. Thức ăn tự nhiên tiêu hóa.
3. Mau tiêu hóa thức ăn.
4. Không bệnh.
5. Người đi kinh hành mau được thiền định.

Người tu đạo được pháp nhiệm mầu bốn đế chân như, nghe pháp, tâm ngộ, liền vào chốn núi sâu vắng bóng người, để tu tập các thiền định, ở trong thế giới Niết-bàn vô dư mà nhập Niết-bàn.

Cho nên nói: Khéo vui với kinh hành, vui ở trong rừng núi.
—————————————————————————————–

Đã đến nơi an vui
Hiện pháp được vô vi
Bởi vượt các lo sợ
Các đắm nhiễm thế gian.

Đã đến nơi an vui, hiện pháp được vô vi: Như người tu hành tự vui với pháp chân thật trong thế giới Niết-bàn hữu dư. Lần hồi đến được cảnh giới Niết-bàn dứt hết phiền não. Cho nên nói: Đã đến nơi an vui, hiện pháp được vô vi.

Bởi vượt các lo sợ, các đắm nhiễm thế gian: Đã thấy được đạo, vượt các khổ nạn, vượt khỏi các đắm nhiễm thế gian, ra ngoài ba cõi. Làm ruộng phước an lành cho chúng sinh. Cho nên nói: Bởi vượt các lo sợ, các đắm nhiễm thế gian.
—————————————————————————————–

Khéo vui với niệm đãi
Khéo quán sát các pháp
Đẹp thay đời không hại
Nuôi dưỡng các chúng sinh.
Vui đời không ái dục
Vượt các tâm đắm nhiễm
Dứt tâm kiêu mạn mình
Đây là vui bậc nhất.
Đức Như Lai giáng thần vào cung vua, Ngài quán sát thế gian là vô thường, muôn vật như huyễn, cho nên Ngài xả bỏ ngôi vua vào núi sâu học đạo, tu khổ hạnh nhiều năm, ngồi dưới cây Bồ-đề thành Đẳng chánh giác. Rồi sau đó, bảy đêm bảy ngày Ngài nhìn cây Bồ-đề không nháy mắt. Khi ấy Như Lai liền đứng dậy đi đến chỗ rồng đầu đàn Văn Lân, tới cung điện của rồng này và nói bài kệ trên. Nghe kệ, tâm ý rồng được mở tỏ. Mở mắt thấy thân Như Lai, chua xót gạt lệ, tự nhớ kiếp trước hèn mọn, nên nói bài kệ:

Khéo vui với niệm đãi
Khéo quán sát các pháp
Đẹp thay đời không hại
Nuôi dưỡng các chúng sinh.
Vui đời không ái dục
Vượt các tâm đắm nhiễm
Dứt tâm kiêu mạn mình
Đó là vui bậc nhất.
—————————————————————————————–

Người già giữ giới, vui
Có tin đầy đủ vui
Vui phân biệt nghĩa thú
Vui không làm điều ác.

Người già giữ giới vui: Người học đạo, dù tuổi già nhưng không nề khổ nhọc, không có tâm lui sụt, dù tuổi còn trẻ nhưng mắt thấy vinh hoa ở thế gian lại chán ngán. Đạo ở trong tâm chứ không luận già trẻ, chỉ có tâm cứng cỏi mới đến được đạo. Nếu có tín tâm thì đến đâu không được? Cho nên nói: Người già giữ giới vui.

Có tin đầy đủ vui: Người có lòng tin thì bốn việc không làm lay động. Dù có hóa thành thân Phật với ánh sáng rực rỡ, muốn đến dối gạt cũng không thể làm cho thân tâm bị lay động. Cho nên nói: Có tin đầy đủ vui.

Vui phân biệt nghĩa thú: Người nào nói năng giỏi đều do việc làm đời trước, qua ức, ngàn muôn kiếp mới được biện tài như vậy.

Mỗi lời dạy nói ra đều rõ ràng các nghĩa. Mỗi ý nhắm tới đều không mất đầu mối thứ lớp. Từ ý nghĩa của một câu có thể giảng rộng hằng trăm ngàn nghĩa, không bao giờ có những lời lẽ nào thô tục cho nên nói: Vui phân biệt nghĩa thú.

Vui không làm điều ác: Người không làm điều ác thì sinh lên cõi trời, cõi người hưởng phước. Cho nên nói: Vui không làm điều ác.
—————————————————————————————–

Đời có cha mẹ vui
Nhóm họp hòa cũng vui
Đời có Sa-môn vui
Chí lặng vui cũng vậy.

Đời có cha mẹ vui, nhóm họp hòa cũng vui: Như trong khế kinh Phật có nói: Công ân sâu nặng của cha mẹ không thể ghi chép cho hết. Nếu người con hiếu muốn báo ân đó, vai phải cõng cha, vai trái cõng mẹ từ khi sinh ra, đến khi lớn lên đi khắp trời đất, trải qua trăm ngàn kiếp cũng không thể báo ân cha mẹ dù chỉ một ngày. Vì sao? Vì nhờ cha mẹ nuôi lớn thân này, ta mới mở sáu giác quan thấy được cuộc đời. Mẹ nhường khô, nằm ướt, luôn luôn che chở bảo vệ cho con, vì thế nếu người con hiếu muốn báo ân thì trăm ngàn phần cũng chưa được một. Cho nên nói: Đời có cha mẹ vui, nhóm họp hòa cũng vui.

Đời có Sa-môn vui, chí lặng vui cũng vậy: Xuất gia học đạo, dứt bỏ ân ái, xa lìa gia nghiệp, thường hành ba nghiệp, không mất chí nguyện, lại được trăm ngàn chúng sinh kính mến, nhớ tưởng, thường xuyên cúng dường, cung cấp những món cần dùng. Phạm chí xuất gia tu hành gian khổ chỉ nhằm cởi bỏ sự trói buộc. Mọi việc làm đều thanh tịnh. Không gây việc ác. Cho nên nói: Đời có Sa-môn vui, chí lặng vui cũng vậy.
—————————————————————————————–

Chư Phật ra đời vui
Nói pháp nhận được vui
Chúng Tăng hòa cũng vui
Hòa thì luôn an vui.

Chư Phật ra đời vui: Như Lai ra đời thật khó được gặp, như hoa Ưu-đàm-bát mấy ngàn muôn kiếp mới nở một lần. Chúng sinh thấy hoa Ưu-đàm-bát thì cũng vui cả mừng, bảo nhau rằng: “Không bao lâu nữa Như Lai ra đời. Điềm lành đã hiện đâu có sai? Kinh sách xưa đã có ghi chép rằng: Nếu khi hoa này xuất hiện ra đời thì không bao lâu nữa Như Lai sẽ ra đời. Các trời, loài người đều vui mừng. Bày đủ các món cúng dường, chiêm ngưỡng hình dung sang rỡ của Như Lai”. Cho nên nói: Chư Phật ra đời vui.

Nói pháp nhận được vui: Đức Phật mới thành đạo, các tướng đầy đủ, bốn mươi chín ngày lặng yên nhập định. Không giảng nói pháp vị cho chúng sinh nghe. Sau đó, Phạm thiên thưa thỉnh, Ngài mới giảng nói pháp lành cho bốn chúng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưubà-tắc, Ưu-bà-di và các hàng Trời, Rồng, Kiền-đạp-hòa, A-tu-luân, Chiên-đà-la, Ma-hưu-lặc, loài người và chẳng phải loài người, giảng nói pháp lành, chúng sinh nhờ ân đều được cứu giúp. Cho nên nói: Nói pháp nhận được vui.

Chúng Tăng hòa cũng vui, hòa thì luôn an vui: Chúng không phải là một người, mà là bốn, tám, hoặc đến vô số. Chúng của Như Lai là bậc nhất. Chúng của Như Lai có tứ song, tám bối, mười hai hiền sĩ. Chúng sinh cùng nhau đến cúng dường. Nếu kính trọng Thánh chúng thì được phước vô lượng. Bởi ruộng phước này mà sinh ra đạo quả, vừa ngon vừa đẹp, không khô xốp, mọi mong cầu đều toại nguyện. Điều mà các bậc Thánh quý trọng trên hết chính là Hòa. Cho nên nói: Chúng Tăng hòa cũng vui, hòa thì luôn an vui.
—————————————————————————————–

Giữ giới đầy đủ vui
Học rộng, biết nhiều vui
Thấy bậc chân nhân vui
Bước chân giải thoát vui.

Giữ giới đầy đủ vui: Có các chúng sinh gặp người giữ giới thì thờ phụng cúng dường, thường chiêm ngưỡng, về sau được phước báo, ở yên trong vô vi, vui sướng tự do. Cho nên nói: Giữ giới đầy đủ vui.

Học rộng, biết nhiều vui: Chúng sinh gặp được người học rộng, biết nhiều, họ tiếp nhận lời dạy của vị ấy, hiểu rõ không bỏ sót danh thân, cú thân, vị thân, nghĩa lý thông đạt, suy tìm các nghĩa, nghe liền tỉnh ngộ, không cần nghe lại lần nữa. Cho nên nói:
Học rộng, biết nhiều vui.

Thấy bậc chân nhân vui, bước đi giải thoát vui: Nếu có chúng sinh trồng cội gốc công đức từ kiếp trước, nay gặp bậc Hiền thánh, bậc A-la-hán, được định Diệt tận và định vắng lặng, nếu chúng sinh bố thí cho bậc chân nhân ấy thì hiện đời được quả báo tốt, tiền bạc tài sản dồi dào, mong cầu nguyện gì cũng thỏa ý, không có ước muốn nào không đạt kết quả. Họ không bao giờ còn đắm nhiễm các kết sử. Cho nên nói: Thấy bậc chân nhân vui, bước đi giải thoát vui.
—————————————————————————————–

Vui bởi nước trong mát
Vui pháp tài nhóm họp
Vui được trí tuệ sáng
Vui do dứt mạn, tà.

Vui bởi nước trong mát: Như nước sông trong lành mát mẻ, tiếng chảy êm đềm, nước ngon ngọt, không làm hại ai. Người học ưa thích nó nên được đầy đủ nhiều thứ. Cho nên nói: Vui bởi nước trong mát.

Vui pháp tài nhóm họp: Của cải gom về đúng phép, không trái lý. Do vậy, của ấy không bị huyện quan tịch thâu, không bị trộm cướp chiếm đoạt, không bị nước trôi lửa cháy. Vì sao? Vì tài lợi ấy thu được bằng chánh pháp, không phải ép uổng chúng sinh mà tự nhiên được như vậy. Cho nên nói: Vui pháp tài nhóm họp.

Vui được trí tuệ sáng: Như người học kia được trí tuệ bậc nhất của thế gian nên có khả năng phân biệt tất cả các pháp, vầng trí tuệ ấy phát ra, ai nhận được liền tỉnh ngộ. Cho nên nói: Vui được trí tuệ sáng.

Vui do dứt mạn, tà: Ai kiêu mạn thì ưa khinh miệt kẻ khác. Từ nhiều kiếp đến nay gieo trồng công đức lành, nhưng không được rốt ráo đều do sinh tâm tức giận. Cho nên nói: Vui do dứt mạn, tà.
—————————————————————————————–

Vui được thấy Hiền thánh
Cùng gặp nhau cũng vui
Không sống với kẻ ngu
Cho nên vui mãi mãi.

Vui được thấy Hiền thánh, cùng gặp nhau cũng vui: Bậc Hiền thánh đạt đạo đầy đủ, các công đức viên mãn, nhiều kiếp tu học chứa nhóm công hạnh nên được mọi người cung kính. Kính thờ bậc Hiền thánh sau được an vui, của cải vô số. Mọi người trong nhà hòa thuận, bà con họ hàng ngày càng đông đảo. Cho nên nói: Vui được thấy Hiền thánh, cùng gặp nhau cũng vui.

Không sống với kẻ ngu, cho nên vui mãi mãi: Người lành tu đức, tìm kiếm bạn lành, thấy bạn xấu thì tìm cách xa lìa. Vì sao? Vì bản tính kẻ ác là không bao giờ làm lành. Họ làm cho kẻ khác bi rơi vào chỗ tăm tối, không cho thấy ánh sáng rực rỡ. Cho nên nói: Không sống với kẻ ngu, cho nên vui mãi mãi.
—————————————————————————————–

Không sống với kẻ ngu
Trải qua biết bao ngày
Khó ở chung với họ
Như ghét mà gặp hoài
Ở chung người khôn, dễ
Như gặp gỡ người thân.

Không sống với kẻ ngu, trải qua biết bao ngày: Nếu người tu hành sống với kẻ ngu thì đêm ngày đọa lạc rơi vào sinh tử. Dù ức Phật quá khứ cũng không cứu vớt được. Cho nên nói: Không sống với kẻ ngu, trải qua biết bao ngày.

Khó ở chung với họ, như ghét mà gặp hoài: Ghét mà phải gặp là khổ nạn, đều do vô minh cả, bởi không theo thầy lành, không ở chung với thiện tri thức. Cho nên nói: Khó ở chung với họ, như ghét mà gặp hoài.

Ở chung người khôn, dễ, như gặp gỡ người thân: Điều mà người trí tu học chắc chắn cao thượng, nên mọi người trông thấy đều vui mừng. Cười trước, nói sau, vui tươi hòa nhã, trong ngoài hòa thuận không hề tranh chấp. Cho nên nói: ở chung người khôn, dễ, như gặp gỡ người thân.
—————————————————————————————–

Khó gặp bậc tôn quý
Không uổng việc thác sinh
Nếu sinh vào nơi đâu
Nhà ấy chắc chắn mừng.
Khó gặp bậc tôn quý, không uổng việc thác sinh: Ức ngàn muôn kiếp không thể gặp được. Bậc Tôn quý chính là Phật, Thế Tôn. Nơi Ngài sinh ra là vua cha thanh tịnh, mẹ chân chánh, gia đình giàu có, tài sản vật báu rất nhiều, bảy báu đầy đủ vàng bạc châu báu xa cừ, mã não, trân châu, hổ phách, voi, ngựa, xe, không thiếu thốn thứ gì. Cho nên nói: Khó gặp bậc Tôn quý, không uổng việc thác sinh.

Nếu sinh vào nơi đâu, nhà ấy chắc chắn mừng: Quyến thuộc đầy đủ, sống ở kinh đô, không phải biên giới. Cho nên nói: Nếu sinh vào nơi đâu, nhà ấy chắc chắn mừng.
—————————————————————————————–

Tất cả được ngủ ngon
Phạm chí được diệt độ
Không bị dục làm nhiễm
Thoát hẳn mọi ràng buộc.
Dứt hết điều xấu, tốt
Hàng phục phiền não trong
Dứt hẳn, được ngủ ngon
Tâm thức đều trong sáng.

Thuở xưa, sau khi Đức Phật thành đạo không bao lâu, Ngài độ cho năm vị trước, kế đó năm vị bên dòng sông xóm quê, rồi đến mười ba hiền sĩ, ba mươi bảy người trong chúng… cộng chung lúc ấy là sáu mươi mốt đệ tử Phật.

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các vị đệ tử:

–Các vị nên đi giáo hóa khắp nơi, độ người trong cõi Diêmphù- lợi này. Ta muốn riêng mình đến bên bờ sông độ ba ông Ca-diếp thầy trò cả thảy ngàn người. Kế độ hai ông Xá-lợi-phất và Mục kiền liên. Kế đến độ vua Bình-sa, ở vườn trúc Ca-lan đà thuộc thành Vương xá.

Khi ấy trưởng giả Cấp Cô Độc đến thành La-duyệt hỏi vợ cho con. Ông tạm ngụ nơi nhà ông trưởng giả Tạo Đại, gặp lúc các tôi trai, tớ gái trong nhà vị này đang làm việc của mỗi người, có người chẻ củi, đốt lửa nấu thức ăn, có người bày biện chỗ ngồi, trải các tấm thảm. Bấy giờ trưởng giả tự mình bày biện một tòa ngồi cao, treo phướn lọng bằng lụa, dầu thơm rưới đất.

Trưởng giả Cấp Cô Độc hỏi vị trưởng giả kia:

–Hôm nay, nhà ông bày biện tiếp đãi khách quý không phải lễ nhỏ. Có phải để đón Quốc vương đến nhà chăng? Hay là sắp làm đám cưới cho con hay gả con đây? Xin nói cho tôi được biết.

Chủ nhà trả lời:

–Hôm nay tôi bày biện các thức ăn ngon, trời, người không thể lường biết được, cũng không phải để đón vua, các quan đại thần, cũng không phải để cưới dâu hay gả con chi cả, mà tôi bày biện các thức ăn uống thịnh soạn này là để sáng sớm thỉnh Đức Phật và Tỳ-kheo Tăng đến nhà cúng đường.
Trưởng giả Cấp Cô Độc nghe danh hiệu Phật và Tỳ-kheo Tăng, khắp mình nổi ốc, vừa buồn vừa vui. Ông liền đến chỗ Phật, lễ lạy sát chân Ngài rồi ngồi qua một bên. Trong giây lát ông đứng dậy, bước ra bạch Phật:

–Cúi thưa Bậc Thiên Tôn, Ngài đi đứng tới lui vẫn nhẹ nhàng, khỏe mạnh chứ? Mong được nghe lời Ngài để ở tại đây con được ngủ yên.

Khi ấy Đức Thế Tôn liền nói bài kệ này cho ông Cấp Cô Độc nghe:

Tất cả được ngủ ngon
Phạm chí được diệt độ
Không bị dục làm nhiễm
Thoát hẳn mọi ràng buộc.
Dứt hết điều xấu, tốt
Hàng phục phiền não trong
Dứt hẳn, được ngủ ngon
Tâm thức đều trong sáng.

—————————————————————————————–

Cẩn thận chớ đắm dục
Phải giữ gìn hạnh tu
Phải nghĩ bỏ thế gian
Quán sát việc vui sướng.

Cẩn thận chớ đắm dục, phải giữ gìn hạnh tu: Người học đạo không chịu khổ nhọc thì không thành công. Cần phải chịu đựng gian khổ rồi sau mới thành công. Cần lìa bỏ thiền thế tục và giải thoát thế tục, mà tu thiền vô lậu và giải thoát vô lậu. Cho nên nói:

Cẩn thận chớ đắm dục, phải giữ gìn hạnh tu.

Phải nghĩ bỏ thế gian, quán sát việc vui sướng: Người được cái vui nhỏ thì lại tìm cái vui lớn hơn. Cho nên nói: Phải nghĩ bỏ thế gian, quán sát việc vui sướng.
—————————————————————————————–

Như niềm vui thế tục
Và cái vui cõi trời
Đó gọi là ái hết
Mười sáu chưa được một.

Như niềm vui thế tục và cái vui cõi trời: Cái vui thế tục là cái vui cõi Dục, cái vui cõi trời là vui cõi Sắc. Chúng sinh hai cõi ấy sống trong đêm dài sinh tử, mê lầm trong năm đường, không biết đâu là bản chân, tham đắm quả báo của phước thiền thế tục, trôi lăn trong năm đường, giáp vòng thì trở lại đầu, cho là được đạo, diệt độ hoàn toàn, không còn sinh tử. Cho nên nói: Như niềm vui thế tục và cái vui cõi trời.

Đó gọi là ái hết, mười sáu chưa được một: Người tu hành trước phải nhổ bỏ gốc ái dục, bẻ gãy hết cành lá, giữ tâm lo sợ việc chưa xảy ra, sau mới được vui vô lậu, tâm tự tại an nhiên. Thế nhưng trong mười sáu phần chưa được một phần. Cho nên nói: Đó gọi là ái hết, mười sáu chưa được một.
—————————————————————————————–

Hãy bỏ gánh nặng đi
Không tạo gánh nặng nữa
Gánh nặng khổ cuộc đời
Bỏ được vui sướng nhất.

Hãy bỏ gánh nặng xuống, không tạo gánh nặng nữa: Như người gánh nặng phải trải qua bao chỗ hiểm nạn, vật nặng mang gánh kia thật ra không có giá trị bởi nó không phải hàng hóa cần kíp cho thế gian. Chũng không phải vàng bạc, vật quý, xa cừ, mã não, châu báu, hổ phách. Đó không phải là hàng hóa cần yếu cho đời. Người bên đường can ngăn:

–Vật mà anh đang gánh đâu phải là vật báu thật, sao không bỏ đi để tìm cái chân thật?

Người này liền bỏ đi, tìm cái chân thật. Quan sát chúng sinh cũng giống như vậy, là gánh nặng thân năm ấm đi trong cõi Dục, trôi lăn trong sinh tử không thể ra khỏi được. Bậc Thánh nói:

–Hiện nay ngươi mang thân năm ấm nhơ bẩn, hôi thối sao
gánh vác nó làm gì? Hãy mau bỏ đi, tìm cái nhẹ hơn.

Khi ấy chúng sinh liền tìm cách bỏ thân cõi Dục mà thọ than cõi Sắc. Đã thọ thân cõi Sắc rồi, bậc Thánh đến dạy bảo:

–Cần bỏ thân này để đến với trí tuệ vô lậu, năm phần pháp tánh.

Cho nên nói: Hãy bỏ gánh nặng đi xuống, không tạo gánh nặng nữa, gánh nặng khổ cuộc đời, bỏ được vui sướng nhất.
—————————————————————————————–

Dứt hết các ái dục
Và diệt tất cả hành
Diệt luôn gốc năm ấm
Không sinh lại ba cõi.

Như người tu hành quán sát bằng trí tuệ vô lậu, dứt bỏ ái dục cõi Dục, ái dục cõi Sắc, ái dục cõi Vô sắc, nghiệp của thân, của miệng, của ý. Dứt hẳn ba nghiệp của thân, bốn nghiệp của miệng, ba nghiệp của ý. Hiểu rõ gốc ngọn sinh khởi của năm ấm, không còn đắm mê các hành vi tạo tác trong ba cõi. Cho nên nói: Dứt hết các ái dục và diệt tất cả hành, diệt luôn gốc năm ấm, không sinh lại ba cõi.
—————————————————————————————–

Nghĩa sinh khởi thì vui
Bạn lành được phước vui
Kia diệt, vui vắng lặng
Xoay vần cho mọi người
Khổ lấy vui làm gốc.

Nghĩa sinh khởi thì vui, bạn lành được phước vui: Như người đi buôn gian khổ nhọc xác, xông pha mạo hiểm để có được của báu, bình yên trở về nhà, bà con họ hàng đón mừng. Nam nữ lớn nhỏ thảy đều hớn hở. Bạn bè cũng được nhờ ân. Nếu người ấy lại rộng lòng bố thí cho khắp tất cả mọi người không còn các khổ, lấy vui làm gốc. Bà con họ hàng vui sướng không thể lìa bỏ. Cho nên nói: Nghĩa sinh khởi thì vui, bạn lành được phước vui, kia diệt, vui vắng lặng, xoay vần cho mọi người, khổ lấy vui làm gốc.
—————————————————————————————–

Như lò lửa kia
Bốc cháy hừng hực
Dần dần tắt ngấm
Không biết lửa đâu?
Những người thấy điều đó
Ra khỏi bùn ái dục
Đi cũng không nơi chốn
Do được vui bất động.

Như lò than kia, bốc cháy hừng hực: Như thợ rèn đốt cháy sắt nóng. Nó nóng hừng hực không đến gần được. Do vậy, bậc Thánh quán sát thấy lửa dâm, nộ, si của chúng sinh tự đốt cháy họ nhưng họ không hay biết. Cho nên nói: Như lò than kia, bốc cháy hừng hực.

Dần dần tắt ngấm, không biết lửa đâu? Như hòn sắt nóng kia lần lần nguội đi, không biết sức nóng tan biết đi đâu, cũng không biết cái lạnh từ đâu đến. Cho nên nói: Dần dần tắt ngấm, không biết lửa đâu?

Người thấy những điều đó, ra khỏi bùn ái dục: Người tu hành được đẳng giải thoát không còn gì ngăn ngại, ra khỏi bùn sâu ái dục thì xa lìa bờ bến sinh tử. Cho nên nói: Người thấy những điều đó, ra khỏi bùn ái dục.

Đi cũng không nơi chốn, do được vui bất động: Hạng người như vậy thì tinh thần mờ tối, thức thể nhập với không, cũng không còn biết Đông, Tây, Nam, Bắc, bốn góc, trên dưới. Đến cũng không biết từ đâu, đi cũng không biết về đâu, giống như hòn sắt nóng dần dần nguội đi, không biết cái nóng tan biến về đâu, cũng không biết cái lạnh từ đâu đến. Cho nên nói: Đi cũng không nơi chốn, do được vui bất động.
—————————————————————————————–

Trong đó không nổi giận
Luôn thay đổi không ngừng
Dứt lo, không còn buồn
Lặng lẽ quán thế gian.

Trong đó không nổi giận: Giận làm nhiễm ô tâm người, không đến được đạo. Chỉ có người không còn phiền não mới thoát khỏi tâm giận dữ. Cho nên nói: Trong đó không nổi giận.

Luôn thay đổi không ngừng: Ở đời người ta tạo nghiệp có nặng, nhẹ khác nhau. Hoặc có người thầm hứa với lòng là không gây ra kết sử, hoặc có người biết mà cố phạm để trần lao nổi lên.

Do vậy, bậc Thánh dạy bảo kẻ hậu sinh, là bởi muốn người tu hành biết sửa đổi lỗi lầm cũ, dứt họa ngày mai. Người ưa thích tu học thì rèn tập sự quý báu của tâm chưa bị đọa lạc, sẽ đến được ngôi nhà thánh. Rồi sau đó mới biết sự đáng tôn sùng của Thánh pháp, pháp nhơ thì chớ gần. Cho nên nói: Luôn thay đổi không ngừng.

Dứt lo không còn buồn: Như người tu hành nhổ sạch hết gốc lo buồn, nên tương ưng với gốc vui, lặng lẽ quán sát sự thay đổi của cuộc đời, như ngựa ảo ngoài đồng bởi nắng lóa. Cho nên nói: Dứt lo không còn buồn, lặng lẽ quán thế gian.
—————————————————————————————–

Có vui, không có khổ
Học rộng, hiểu chánh pháp
Nếu bị tổn hại gì
Là bởi người tham sắc.

Có vui, không có khổ, học rộng hiểu chánh pháp: Như người nhập định, đêm ngày thiền tư, tâm không lìa định, dạo chơi trong Không, Vô tướng, Vô nguyện. Khi ấy, thân dù có gian khổ, nhưng tinh thần vắng lặng vô vi, không bị thương tổn. Như người tu kia không có tâm giận dữ, từ bi thương xót chúng sinh như mình, không khác. Cho nên nói: Có vui, không có khổ, học rộng, hiểu chánh pháp.

Nếu bị tổn hại gì, là bởi người tham sắc: Như người tu học quán sát cội gốc thì thấy bệnh dâm, nộ, si là đầu mối mọi tai họa, đều khởi lên tâm ý tham dục, giận dữ, cùng nhiễm ô nhau, trở thành tai họa lớn. Không thể ra khỏi sinh, già, bệnh, chết, lo buồn, khổ não, nguồn gốc các tai họa. Cho nên nói: Nếu bị tổn hại gì, là bởi người tham sắc.
—————————————————————————————–

Không kết đời sống vui
Đại pháp biết gốc kết
Người nên biết vết kết
Tâm mọi người bị trói
Cũng trói bởi gốc sắc.

Người không kết sử thì dâm, nộ, si hết, không còn ưa thích thế tục bởi nó là gốc của các kết sử. Tâm oán thù giận dữ cũng không còn sinh khởi. Kẻ sáng trí suy xét và cắt đứt những thứ bệnh kia. Chính mình hết bệnh lại chữa trị cho kẻ khác khỏi bệnh. Cũng không còn dính mắc vào các sắc, tâm không lay động bởi khen chê, được mất. Cho nên nói: Không kết đời sống vui, đại pháp biết gốc kết, người nên biết vết kết, cũng trói buộc gốc sắc.
—————————————————————————————–

Tất cả chịu khổ nhục
Tất cả hưởng niềm vui
Tâm hơn, thua nổi dậy
Rốt cuộc không được gì.
Tất cả chịu khổ nhục, tất cả hưởng niềm vui: Khi gặp khốn đốn, thì tâm không thảnh thơi. Nhìn sắc mặt người thường sợ hãi thất chí.

Người thong dong thì muốn điều gì đều được ngay, như vang theo tiếng. Cho nên nói: Tất cả chịu khổ nhục, tất cả hưởng niềm vui.

Tâm hơn, thua nổi dậy, rốt cuộc không được gì: Người ta sống ở đời khi giàu sang, lúc nghèo hèn không thường hằng, hoặc làm Chuyển luân thánh vương, nhưng về sau chuyển làm các vua nhỏ, khi cao lúc thấp, khi tôn quý lúc hèn mọn. Chỉ có đạo Thánh hiền là không cao thấp sang hèn. Cho nên nói: Tâm hơn, thua nổi dậy, rốt cuộc không được gì.
—————————————————————————————–

Những ai muốn sống vui
Nhẫn được báo nhẹ kia
Nhẫn là nhẫn với người
Không nhẫn với các hữu.
Tóm lại, nói lược nghĩa ấy: Không hại mà sinh hại, không não mà sinh não, không đáng giận mà giận. Không oán mà gây oán. Như trên không khác.
—————————————————————————————–

Những ai muốn sống vui,
Đáng mê lầm không mê
Mê là đối với người
Riêng ta không bị mê.
Những ai muốn sống vui
Mình không còn kết sử
Phải sống bằng niệm thực
Như tầng trời Quang âm
Thường ăn bằng ý niệm
Ý thân không tựa nương.
Thôn dã bị khổ vui
Kia đây không đốt cháy
Từng trải vui, có vết
Không vết, sao từng trải.

Thôn dã bị khổ vui, kia đây không đốt cháy: Người tu đạo nương tựa cạnh thành phố, làng mạc, hoặc ở chỗ đồng trống không có bóng người. Có khi gặp cảnh khổ, mọi người đau lòng, khi gặp cảnh vui thì cũng không lấy đó làm vui. Không khởi tâm vui, phát sinh mười hai thứ bệnh. Kia là chỉ sáu trần, đây là chỉ sáu giác quan. Cho nên nói: Thôn dã bị khổ vui, kia đây không đốt cháy.

Có từng trải chuyện vui, có vết tích, không vết tích, sao có từng trải: Người ta sống trên đời này tâm thường buông lung, trước từng trải sau vui thì tăng thêm gốc tội. Có khi đọa vào địa ngục với từng trải vui kia. Không từng trải thì không có vết tích, cũng lại không có địa ngục từng trải vui. Cho nên nói: Có từng trải chuyện vui, có vết tích, không có vết tích sao có từng trải?
—————————————————————————————–

Chỗ có bậc Thánh hiền
Không đắm dục nhơ bẩn
Dù cho gặp khổ vui
Vẫn không khởi tâm hại.

Chỗ có bậc Thánh hiền, không đắm dục nhơ bẩn: Bậc Thánh ở đời thường tự che giấu tung tích mình. Không đắm mê những ý tưởng tham dục, không sinh khởi chất bẩn tham dục. Thánh hiền ở đây chỉ cho bậc A-na-hàm, A-la-hán. Cho nên nói: Chỗ có bậc Thánh hiền, không đắm dục nhơ bẩn.

Dù cho gặp khổ vui, vẫn không khởi tâm hại: Tuy gặp khổ, vui nhưng vẫn không khởi những ý tưởng mê đắm. Cho nên nói: Dù cho gặp khổ vui, vẫn không khởi tâm hại.