SỐ 278
KINH ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG PHẬT HOA NGHIÊM
Hán dịch: Đời Đông Tấn, Tam tạng Pháp sư Phật-đà-bạt-đà-la, người nước Thiên Trúc
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 31: HẠNH BỒ-TÁT PHỔ HIỀN

Bấy giờ, Đại Bồ-tát Phổ Hiền bảo các vị Bồ-tát:

–Này Phật tử! Như chỗ đã nói là những điều giảng nói vi diệu. Vì sao? Vì tất cả Đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác tùy theo người nhận sự giáo hóa mà ứng hiện nói pháp. Chúng sinh ngu si bị những triền phược ràng buộc, cho là có ngã và ngã sở, chấp trước ngã kiến, thường theo điên đảo, sinh ra kiến hoặc tà vọng khởi lên hư vọng tà vạy. Họ bị triền phược trói buộc, lưu chuyển trong sinh tử, xa rời đạo Như Lai. Vì những chúng sinh như vậy nên Đức Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác xuất hiện ở đời.

Này Phật tử! Nếu Đại Bồ-tát khởi tâm sân hận thì trong tất cả ác không ác nào hơn được ác này. Vì sao vậy? Này Phật tử! Vì Đại Bồ-tát khởi lên lòng sân hận thì phải chịu trăm ngàn pháp môn chướng ngại.

Những gì là trăm ngàn?

Đó là Bồ-tát nhận sự chướng ngại chẳng thấy Bồ-đề, chướng ngại chẳng nghe được chánh pháp, chướng sinh vào cõi nước bất tịnh, chướng sinh vào đường ác, chướng sinh vào tám nạn, chướng nhiều bệnh tật, chướng bị nhiều hủy báng, chướng sinh vào đường ngu ám, chướng mất chánh niệm, chướng thiếu trí tuệ, chướng tai, mắt, mũi, lưỡi, thân, ý, chướng gần ác tri thức, chướng gần bè đảng ác, chướng gần người ác, chướng cùng người ác đồng ở, chướng chẳng ưa cộng sự với người hiền lành, chướng xa chánh kiến, chướng sinh vào nhà ngoại đạo, chướng lìa chánh giáo Phật, chướng vào cảnh giới ma, chướng chẳng thấy Thiện tri thức, chướng chẳng sinh các căn lành, chướng tăng thêm pháp chẳng lành, chướng sinh vào nhà ác, chướng sinh ra ở biên địa, chướng sinh trong người ác, chướng sinh ra bần cùng, chướng sinh ra các loài Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, La-sát, chướng chẳng ưa Phật pháp, chướng quen huân tập pháp kém dở, chướng ưa Tiểu thừa, chướng chẳng ưa Đại thừa, chướng sinh nhiều kinh sợ, chướng ưa sinh tử, chướng nhiễm trước ba cõi, chướng chẳng hộ Phật pháp, chướng chẳng ưa nghe thần lực tự tại của Phật, chướng lìa khỏi các căn thanh tịnh của Bồtát, chướng lìa hạnh Bồ-tát, chướng lìa đại nguyện thâm tâm của Bồ-tát, chướng chẳng giữ chánh niệm, chướng chẳng phát khởi tâm Nhất thiết trí, chướng về hạnh chẳng tịnh thí, chướng nghiệp chẳng tịnh, chướng báo chẳng tịnh, chướng các lực chẳng trưởng thành, chướng đoạn căn trí tuệ, chướng không thọ trì các hạnh Bồ-tát, chướng bài báng Phật pháp, chướng xa lìa Bồ-đề, chướng chẳng vào cảnh Phật, chướng rơi vào các cõi ma, chướng chẳng hề cầu Phật pháp, chướng nghe những việc đại trang nghiêm của Bồ-tát thì sinh ra sợ hãi, chướng chẳng ưa ở chung với Bồ-tát, chướng chẳng ưa cầu căn lành Bồ-tát, chướng tà kiến nghi ngờ, chướng tăng thêm ngu si, chướng bỏ giới Bồ-tát thuận theo sự phá giới, chướng chẳng tin vào giới của Như Lai, chướng nghe Đức Phật khen ngợi người giữ giới sinh lòng sân nhuế, chướng bỏ nhẫn nhục thường ưa giải đãi, chướng hủy báng những Bồ-tát có đức tinh tấn không thoái, chướng xa lìa Tam-muội tuệ, chướng bài báng Bát-nhã ba-la-mật, phương tiện thiện xảo, chướng chẳng biết phương tiện thị xứ phi xứ, chướng chẳng biết phương tiện độ thoát chúng sinh, chướng chẳng vào những thâm trí của Bồ-tát, chướng chẳng sinh các đạo Bồ-tát, chướng mù lòa đối với mười thứ mắt của Bồ-tát, chướng đối với pháp Bồ-tát chẳng thể sinh ra dòng pháp vô ngại, chướng tai mũi vô ngại, chướng chẳng đủ tướng tốt, chướng lưỡi vô ngại, chướng chẳng thể phân biệt âm thanh của chúng sinh, chướng ở trong chúng sinh sinh lòng giải đãi, chướng nghiệp cuồng loạn, chướng lìa khỏi ba thứ giới, chướng các nhập vô ngại, chướng bốn lỗi của miệng, chướng nghiệp ác của ý, chướng phát sinh thêm lên tham, nhuế, tà kiến; chướng chẳng cầu chánh pháp, chướng đối với pháp Bồ-tát sinh lòng giải đãi, chướng trong pháp tinh tấn của Bồ-tát sinh lòng nghi hoặc, chướng lìa bỏ pháp quyết định của Bồ-tát, chướng tổn giảm trí tuệ môn của Bồ-tát, chướng tổn giảm chánh niệm, chướng xa lìa Phật pháp, chướng chẳng huân tập pháp ly sinh của Bồ-tát, chướng lòng khiêm hạ của Bồ-tát, chướng xa lìa pháp ly sinh của Thanh văn, Duyên giác, chướng chẳng thuận chư Phật, Bồ-tát ba đời.

Này Phật tử! Đại Bồ-tát khởi lên một tâm sân hận phải chịu trăm chướng như vậy, cho đến trăm ngàn pháp chướng ngại. Vì sao vậy? Này Phật tử! Ta chẳng thấy một pháp ác nào sinh ra mà hơn được một tâm sân hận của Bồ-tát.

Này Phật tử! Vậy Đại Bồ-tát muốn mau chóng đầy đủ hạnh Bồ-tát thì nên phải tu tập mười thứ chánh pháp. Những gì là mười?

  1. Chẳng bỏ tất cả chúng sinh.
  2. Ở nơi các Bồ-tát sinh ra lòng tưởng nghĩ Như Lai.
  3. Thường chẳng bài báng tất cả Phật pháp.
  4. Đối với các cõi Phật được trí vô ngại.
  5. Cung kính tin ưa sở hạnh của Bồ-tát.
  6. Chẳng xả tâm Bồ-đề ngang bằng hư không pháp giới.
  7. Phân biệt Bồ-đề, rốt ráo Phật lực, đạt đến bờ kia.
  8. Tu tập tất cả những biện tài của Bồ-tát.
  9. Giáo hóa chúng sinh lòng không chán mệt.
  10. Ở nơi tất cả thế giới thị hiện thọ sinh mà chẳng đắm trước.

Này Phật tử! Đại Bồ-tát an trụ mười thứ chánh pháp như vậy thì có thể giữ lấy mười thứ pháp thanh tịnh. Những gì là mười?

  1. Đối với pháp thậm thâm rốt ráo thanh thịnh.
  2. Gần gũi Thiện tri thức thanh tịnh.
  3. Có thể hộ trì chánh pháp chư Phật thanh tịnh.
  4. Có thể phân biệt hết không giới thanh tịnh.
  5. Giỏi vào pháp giới thanh tịnh.
  6. Trí tuệ liễu ngộ các tâm hành thanh tịnh.
  7. Khiến cho căn lành của Bồ-tát thanh tịnh.
  8. Tâm thường chẳng chấp trước các kiếp thanh tịnh.
  9. Trí tuệ quán sát ba cõi thanh tịnh.
  10. Thành tựu chủng tánh chư Phật thanh tịnh.

Này Phật tử! Đại Bồ-tát an trụ ở những chánh pháp thanh tịnh đó thì có thể đầy đủ mười thứ chánh trí. Những gì là mười?

  1. Trí phân biệt tâm hành của tâm chúng sinh.
  2. Trí phân biệt những nghiệp báo của chúng sinh.
  3. Trí soi khắp tất cả chư Phật.
  4. Đối với pháp chư Phật, được trí phương tiện thứ lớp.
  5. Trí đầy đủ tất cả Tổng trì môn.
  6. Trí thành tựu tất cả văn tự biện tài.
  7. Trí giỏi biết tất cả ngôn ngữ của chúng sinh.
  8. Trí thị hiện thân ở tất cả thế giới.
  9. Trí soi khắp đầy đủ tất cả chúng sinh.
  10. Ở trong tất cả cõi đắc Nhất thiết trí.

Này Phật tử! Đại Bồ-tát an trụ ở mười thứ chánh trí như vậy thì được mười thứ pháp tùy thuận thể nhập thiện xảo của chư Phật. Những gì là mười?

  1. Tất cả thế giới trong một sợi lông.
  2. Một sợi lông sinh ra số cõi không thể nghĩ bàn.
  3. Tất cả thân chúng sinh đều vào một thân, ở nơi một thân sinh ra vô lượng các thân.
  4. Số kiếp không thể nêu bày hết đều vào một niệm khiến cho một niệm nhập vào trong số kiếp chẳng thể nêu bày hết.
  5. Tất cả Phật pháp đều vào một pháp khiến cho một pháp vào trong tất cả Phật pháp.
  6. Tất cả các nhập vào nơi một nhập khiến cho một nhập vào nơi tất cả các nhập.
  7. Tất cả các căn vào nơi một căn khiến cho một căn vào nơi tất cả các căn, tất cả các căn vào nơi pháp phi căn, pháp phi căn vào nơi tất cả các căn.
  8. Tất cả các tướng đều vào nơi một tướng và một tướng vào nơi tất cả tướng.
  9. Tất cả âm thanh ngôn ngữ vào nơi một âm thanh ngôn ngữ, một âm thanh ngôn ngữ vào nơi tất cả âm thanh ngôn ngữ.
  10. Tất cả ba đời đều vào nơi một đời khiến cho một đời vào nơi tất cả ba đời.

Này Phật tử! Đại Bồ-tát phân minh mười loại pháp thể nhập như vậy thì có thể an trú nơi mười loại trực tâm. Những gì là mười?

  1. Trực tâm an trú nơi pháp ngữ ngôn và phi ngữ ngôn của tất cả thi.
  2. Trực tâm an trú nơi chánh niệm tất cả chúng sinh.
  3. Trực tâm an trú nơi hư không giới.
  4. Trực tâm an trú nơi pháp giới vô lượng, vô biên.
  5. Trực tâm an trú nơi sự thuận theo chánh pháp tất cả Phật.
  6. Trực tâm an trú nơi thiện pháp sâu xa không hoại chánh pháp.
  7. Trực tâm an trú nơi sự trừ diệt tất cả nghi hoặc.
  8. Trực tâm an trú nơi pháp quán bình đẳng ba đời.
  9. Trực tâm an trú nơi chư Phật ba đời bình đẳng.
  10. Trực tâm an trú nơi vô lượng lực chư Phật.

Này Phật tử! Đại Bồ-tát an trú mười loại trực tâm như vậy thì được mười loại pháp phương tiện thiện xảo. Những gì là mười?

  1. Bồ-tát được phương tiện thiện xảo chiếu khắp tất cả pháp chư Phật sâu xa.
  2. Được phương tiện thiện xảo sinh ra thắng pháp chư Phật thậm thâm.
  3. Được phương tiện thiện xảo phân biệt diễn nói tất cả pháp chư Phật trang nghiêm.
  4. Được phương tiện thiện xảo thâm nhập vào pháp bình đẳng của tất cả chư Phật.
  5. Được phương tiện thiện xảo phân biệt được biệt tướng của tất cả Phật pháp.
  6. Được phương tiện thiện xảo vào chánh pháp của chư Phật không thể hoại.
  7. Được phương tiện thiện xảo vào pháp trang nghiêm của tất cả chư Phật.
  8. Được phương tiện thiện xảo dùng một phương tiện vào tất cả Phật pháp.
  9. Được phương tiện thiện xảo vào vô lượng các pháp phương tiện của chư Phật.
  10. Được phương tiện thiện xảo, ở nơi tất cả Phật pháp tâm được tự tại mà chẳng thoái chuyển.

Này Phật tử! Đó là mười thứ pháp phương tiện thiện xảo.

Này Phật tử! Vậy nên Đại Bồ-tát phải nên một lòng cung kính nghe nhận pháp này. Vì sao? Vì Đại Bồ-tát nghe được pháp đó, dùng ít phương tiện thì mau chóng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác ngang bằng với ba đời chư Phật.

Lúc bấy giờ, nhờ thần lực Phật mà Bồ-tát nói lên pháp như vậy nên số mười thế giới nhiều như vi trần chẳng thể nói hết ức na-dotha cõi Phật sáu thứ chấn động, mưa xuống nhiều hơn cả chư Thiên, tất cả mưa mây hoa, mưa mây diệu hương, mưa mây mạt hương, mưa mây y lọng báu, tràng phan và các đồ trang nghiêm báu, mưa mây âm nhạc, mưa mây các Bồ-tát, mưa mây chẳng thể nêu bày hết để tán thán chư Phật, mưa mây chẳng thể nêu bày hết lời khen ngợi “Lành thay!”, mưa mây âm thanh Phật đầy khắp pháp giới, mưa mây thế giới thanh tịnh chẳng thể nói hết, mưa mây công đức Bồ-tát được trưởng dưỡng chẳng thể nói hết, mưa mây ánh sáng chẳng thể nói hết, mưa mây các loại thần lực tự tại chẳng thể nói hết. Như Đức Phật ngồi tại đạo tràng ở bốn thiên hạ thế giới này mà mưa xuống những chủng loại mưa mây như vậy, khi đang diễn nói các pháp thì mười phương thế giới cũng như vậy.

Bấy giờ, do thần lực của Đức Phật mà Bồ-tát nói pháp như vậy nên đi qua số cõi nhiều như số vi trần của mười thế giới chẳng thể nói, có số Đại Bồ-tát nhiều như số vi trần của mười thế giới chư Phật đi đến cõi này đầy khắp cả mười phương. Họ đều nói lên: “Hay thay, hay thay! Này Phật tử! Ông có thể nói được pháp sâu xa tối đại thệ nguyện thọ ký của chư Phật Như Lai như vậy. Chúng ta đều đồng danh hiệu Phổ Hiền, ở những thế giới Phổ thắng, từ chỗ các Đức Như Lai Phổ Tràng Tự Tại đi đến chỗ này. Tất cả thế giới cũng nói pháp này, từng câu, từng chữ, tất cả các hạnh không có tăng, giảm như vậy, nên chúng ta đến đây vì ông mà làm chứng. Như vậy số Đại Bồ-tát nhiều như số vi trần của mười thế giới Phật đến đây làm chứng thì tất cả chỗ của những Đức Như Lai trong mười phương cũng như vậy.”

Bấy giờ, Đại Bồ-tát Phổ Hiền dùng thần lực Phật và sức căn lành của mình quán sát mười phương và các pháp giới, muốn làm sáng các hạnh Bồ-tát, Bồ-đề chư Phật, muốn nói nguyện lớn, muốn phân biệt các kiếp của tất cả thế giới, muốn sáng tỏ sự tùy thời thị hiện của Phật xuất thế, muốn tùy theo căn của chúng sinh mà khiến họ đều nhận sự giáo hóa, muốn sáng tỏ những điều nói pháp không có hư vọng của Như Lai, muốn tùy theo sự gieo trồng căn lành được quả báo chẳng hư dối, muốn làm sáng Pháp thân thanh tịnh của Bồtát, phát ra âm thanh vi diệu giác ngộ chúng sinh, khởi lên tâm Bồđề nên nói kệ rằng:

Tất cả chúng hoan hỷ
Diệt sạch các ấm cái
Tất cả nghe cung kính
Các nguyện hạnh Bồ-tát.
Tùy Bồ-tát ba đời
Các nguyện hành đã làm
Ta sẽ nói thứ lớp
Pháp thắng diệu Bồ-tát.
Tất cả các số kiếp
Và số nghiệp thế gian
Ta nói không gì bằng
Ứng hóa hiện thế gian.
Thấy chư Phật quá khứ
Ở đó phát đại nguyện
Lợi ích loài sinh chúng
Diệt sạch tất cả khổ.
Vua luận sư Bồ-tát
Sở hành không đoạn tuyệt
Được pháp không gì bằng
Cảnh giới Nhất thiết trí.
Bồ-tát thấy quá khứ
Tất cả các Đạo sư
Phóng lưới ánh sáng lớn
Soi khắp cõi mười phương.
Phát đại nguyện như vậy
Ta làm đèn thế gian
Công đức trang nghiêm thân
Đầy đủ trí mười Lực.
Tất cả những quần sinh
Tham, nhuế, si thiêu đốt
Ta vì họ diệt tan
Vô lượng khổ đường ác.
Phát thệ nguyền như vậy
Kiên cố chẳng thoái chuyển
Hành đủ Bồ-tát hạnh
Sức vô ngại rốt ráo.
Thệ nguyện như vậy rồi
Hành thế gian không thoái
Sở hành không hư vọng
Pháp vương luận rốt ráo.
Ở trong một kiếp Hiền
Ngàn Đức Phật xuất thế
Tùy chánh pháp Phật đó
Thứ lớp phân biệt nói.
Như Phật Hiền kiếp này
Vô lượng kiếp cũng vậy
Pháp chư Phật vị lai
Ta sẽ nói thứ lớp.
Như trong một cõi Phật
Vô lượng cõi cũng vậy
Tánh tất cả Phật quốc
Ta đều phân biệt nói.
Phật lần lượt ra đời
Tùy nguyện, tùy danh hiệu
Tùy thọ ký của Ngài
Tùy thọ mạng Phật ấy,
Tùy chánh pháp tu trì
Chuyên cầu đạo vô ngại
Tùy chúng sinh giải hóa
Chánh pháp trụ thế gian,
Tùy cõi Phật thanh tịnh
Chúng sinh và pháp luân,
Thời, phi thời nói pháp
Lần lượt tịnh quần sinh
Tùy hạnh chúng sinh đó
Các nghiệp tánh đủ loại,
Thượng, hạ, trung sai khác
Nhận giáo hóa thích ứng
Trí thậm thâm như vậy
Bồ-tát vào hạnh đó.
Tu tập hạnh Phổ Hiền
Đầy đủ trí tuệ luân
Nghiệp thân không ngăn ngại
Khẩu nghiệp đều thanh tịnh
Nghiệp ý cũng thông suốt
Thông đạt pháp ba đời
Bồ-tát hành như vậy
Rốt ráo đạo Phổ Hiền.
Sinh mặt trời tịnh trí
Chiếu khắp các pháp giới
Ở kiếp chẳng thể nói
Và tất cả cõi Phật,
Bồ-tát biết một niệm
Ở đó không dính mắc
Hành giả vào như vậy
Chỗ thậm thâm kỳ đặc.
Trong diệu pháp Bồ-tát
Ta sẽ nói ít phần
Trí tuệ vô biên tế
Cảnh giới Phật rốt ráo,
Khéo vào tất cả chỗ
Thành tựu không thoái chuyển
Đủ tịnh tuệ Phổ Hiền
Nguyện Phổ Hiền tròn đủ.
Hạnh Bồ-tát rốt ráo
Vào sâu trí vô đẳng,
Ở trong một vi trần
Chứa hết tất cả cõi.
Thấy vô lượng Phật ấy
Nghe đủ pháp diễn nói
Như trong một vi trần
Tất cả trần cũng vậy.
Thấy cõi và chư Phật
Là trí khó nghĩ bàn
Trong mỗi một vi trần
Hiện khắp pháp ba đời
Đường tử sinh năm nẻo
Đều phân biệt rõ biết
Trong mỗi một vi trần
Có vô lượng cõi Phật.
Trong một biết vô lượng
Trong vô lượng biết một
Các pháp giới như vậy
Tất cả cõi chư Phật.
Đồng tánh và khác tánh
Đều có thể rõ biết
Thâm nhập trí vi tế
Phân biệt các thế giới.
Tất cả kiếp hoại thành
Đều hay phân biệt nói
Như những kiếp tu hành
Ba đời tức một niệm
Đồng hành chẳng đồng hành
Đều phân biệt rõ biết
Vào sâu các thế giới
Thanh tịnh chẳng thanh tịnh.
Trong thân cõi không lường
Một cõi vô lượng thân
Tất cả trong mười phương
Vô lượng các thế giới,
Chủng loại vô số tánh
Tất cả đều rõ biết
Trong tất cả ba đời
Vô lượng cõi nước Phật,
Đầy đủ trí thậm thâm
Đều rõ biết thành bại
Các thế giới mười phương
Có thành hoặc có bại,
Phổ Hiền thâm nhập hết
Tất cả đều rõ biết
Dùng mắt tịnh tuệ thấy
Vô lượng các cõi Phật
Phân biệt rõ các nghiệp
Tùy hành vì thanh tịnh.
Bồ-tát Ma-ha-tát
Giỏi biết hạnh chúng sinh
Do vì các nghiệp ác
Sinh vào cõi chẳng tịnh
Vô lượng, vô biên cõi
Rõ biết là một cõi
Vào các cõi như vậy
Chúng sinh chẳng thể biết.
Tất cả các thế giới
Khiến vào trong một cõi
Thế giới chẳng tích tụ
Cũng lại chẳng lìa tan
Hoặc cúi hoặc ngưỡng lên
Hoặc cao hoặc dưới thấp
Tướng chúng sinh thế giới
Bồ-tát đều rõ biết.
Hoặc có cõi trùm khắp
Vô lượng cõi chư Phật
Biết đủ thứ là một
Biết một là tất cả.
Phổ Hiền chân Phật tử
Dùng trí chẳng nghĩ bàn
Biết cõi khó nghĩ bàn
Thông đạt vô biên cõi,
Biết thế giới ảo hóa
Cõi chúng sinh biến hóa
Biết các pháp hóa hiện
Chư Phật hóa rốt ráo.
Pháp thế gian sâu xa
Đủ thứ việc trang nghiêm
Chúng sinh vô lượng báo
Tâm nghiệp đều trang nghiêm,
Chân Phật tử khéo học
Diệu pháp giới thậm thâm
Đủ thần lực tự tại
Tràn đầy cõi mười phương.
Chúng sinh cùng các kiếp
Thường nói pháp thế gian
Tất cả không thể biết
Chỉ trừ Đẳng Chánh Giác.
Như Lai và thế giới
Đủ thứ các danh hiệu
Vô lượng kiếp diễn nói
Còn chẳng thể rốt ráo,
Huống gì tâm, cảnh giới
Pháp chư Phật ba đời
Diệu pháp giới chân thật
Tất cả cõi chư Phật.
Niệm vô ngại sạch trong
Trí vô ngại đầy đủ
Phân biệt nói pháp giới
Trí tuệ đến bờ kia.
Các thế giới như vậy
Trang nghiêm vô lượng nghiệp
Trong một niệm Bồ-tát
Rõ biết cõi ba đời.
Ở trong thế giới đó
Hành các hạnh tối thắng
Đẳng chánh giác rốt ráo
Lực tự tại hiển hiện.
Đời vị lai như vậy
Trong tất cả thế giới
Phật lần lượt ra đời
Bồ-tát đều rõ biết.
Họ hành những diệu nguyện
Cảnh giới tu công đức
Tùy kiếp thành Chánh giác
Bồ-tát biết rõ ràng.
Cũng biết tuổi thọ Phật
Và việc độ chúng sinh,
Tùy pháp môn phương tiện
Vì chúng chuyển pháp luân.
Bồ-tát biết như vậy
Đủ hạnh địa Phổ Hiền
Thành tựu Nhất thiết trí
Ngang bằng các Như Lai.
Cõi mười phương hiện tại
Những cõi Phật không lường
Vào sâu thế giới ấy
Thông đạt các pháp giới.
Ở trong thế giới đó
Vô số Phật hiện tại
Sơn vương vô ngại luận
Pháp tự tại rốt ráo.
Biết tịnh độ, chúng sinh
Hóa ứng, lực tự tại
Hết vô lượng ức kiếp
Thường nghĩ chỉ việc đó.
Thế gian tôn điều ngự
Thành tựu lực tự tại
Bồ-tát độ rốt ráo
Vào sâu trí tuệ tạng.
Bồ-tát phát sinh đủ
Mắt, tai, mũi vô ngại
Lưỡi vô ngại dài rộng
Khiến chúng đều hoan hỷ.
Tâm tối thắng vô ngại
Thanh tịnh khắp vô lượng
Trí vô ngại thậm thâm
Pháp ba đời rõ biết.
Giỏi học các hóa hiện
Cõi chúng sinh hóa hiện
Tự hóa, hóa thế gian
Hóa bờ kia rốt ráo.
Trang nghiêm các loại nghiệp
Trang sức các thế gian
Thành tựu trí tuệ Phật
Khéo biết tất cả tướng.
Mỗi một thân Như Lai
Dùng vô lượng phương tiện
Tùy chỗ ứng hóa ấy
Độ thoát vô lượng chúng.
Vào sâu cảnh giới trí
Tuệ nhật giữa thế gian
Sở hành chẳng thoái chuyển
Dạo khắp tất cả cõi,
Hiểu rõ các thế gian
Như mộng như huyễn hóa.
Tất cả cõi chúng sinh
Liễu đạt đều như chớp
Chẳng thủ kiếp hư vọng
Và tất cả thế gian
Thông hiểu phi thật chân
Ở đó không chấp trước
Vô lượng, vô số kiếp
Hiểu rõ chỉ một niệm.
Biết niệm cũng phi niệm
Nghĩ thế gian không thật
Chẳng động nơi bản tòa
Một niệm đi mười phương.
Vô lượng, vô biên kiếp
Thường hóa độ chúng sinh
Các kiếp chẳng thể nói
Chỉ khoảng trong một niệm.
Chẳng khiến kiếp ngắn hơn
Pháp sát-na rốt ráo
Tất cả những thế gian
Và tâm các chúng sinh.
Chẳng một cũng chẳng hai
Bồ-tát đều rõ biết
Kiếp thế giới chúng sinh
Chư Phật và pháp Phật.
Đều như huyễn hóa thành
Pháp giới không có hai
Ở khắp cõi mười phương
Thị hiện vô lượng thân.
Chẳng thủ thân hư vọng
Không dính mắc pháp giới
Trong trí tuệ không hai
Sinh ra Nhân sư tử.
Chẳng chấp pháp không hai
Vì biết không một, hai
Bồ-tát biết các pháp
Như sóng nắng, điện chớp.
Như vang cũng như mộng
Như huyễn, như biến hóa
Thuận theo vào như vậy
Mọi cảnh giới Thế Tôn.
Thành tựu trí bình đẳng
Chiếu khắp cùng pháp giới
Dùng đại Bi vô lượng
Quán sát các chúng sinh.
Xa lìa lòng nhiễm trước
Quán thế gian thanh tịnh
Thân tịnh lớn vô tận
Vào sâu chỗ phương tiện.
Bồ-tát thường chánh niệm
Diệu pháp Luận Sư tử
Thấy thế gian khổ não
Phát vô lượng đại nguyện.
Sở hành đều sạch trong
Khắp cùng các pháp giới
Chư Phật và Bồ-tát
Phật pháp cùng thế gian.
Quán Bồ-tát phương tiện
Thông đạt không sai biệt
Tạng pháp thân thanh tịnh
Tất cả các thế gian.
Thế gian và Pháp thân
Cả hai không chấp trước
Ví như trong nước trong
Thấy bóng không thật có.
Pháp thân đến mười phương
Mà cũng không chỗ đến
Không chỗ dính mắc này
Thân thế gian thanh tịnh.
Tuy thân mà phi thân
Vì các pháp vô sinh
Vào sâu thân vô tận
Phi sinh cũng phi diệt.
Phi thường phi vô thường
Thị hiện các thế gian
Diệt tan ác tà kiến
Thành tựu được chánh kiến,
Quán các pháp bình đẳng
Chẳng chấp ngã, ngã sở.
Ví như nhà ảo thuật
Bày ra mọi thứ huyễn,
Vốn không từ đâu đến
Cũng không đi đến đâu
Huyễn cũng chẳng có lượng
Cũng chẳng có vô lượng.
Ở trong đại chúng ấy
Thị hiện lượng, vô lượng
Dùng tâm tịch diệt này
Tu tập các căn lành.
Xuất sinh pháp chư
Phật Phi lượng vô phi lượng
Có lượng có vô lượng
Đều là vọng tưởng suông.
Phân biệt tất cả nẻo
Chẳng chấp lượng, vô lượng
Pháp thậm thâm chư
Phật Tịch diệt tối sâu xa.
Vô lượng trí thậm thâm
Biết các đường sâu xa
Bồ-tát lìa ngu muội
Tâm ý tịnh không lường.
Tu tập các căn lành
Đầy đủ vô lượng nguyện
Độ vô lượng chúng sinh
Khiến đến chỗ an ổn.
Quán các pháp bình đẳng
Ở đó không dính mắc
Hiểu sâu chân thật tế
Các pháp vô sở hữu.
Giác ngộ các thế gian
Các pháp không sinh diệt
Biết sâu tất cả pháp
Tùy ứng hóa chúng sinh.
Mưa khắp pháp cam lộ
Tràn đầy các thế gian
Dạy vô lượng chúng sinh
Khiến phát tâm Bồ-đề.
Chẳng xả hạnh Bồ-tát
Đều được không thoái chuyển
Tùy thuận chánh pháp Phật
Được Pháp thân rốt ráo.
Rõ biết hết thế gian
Tất cả thân chúng sinh
Phân biệt các chúng sinh
Và tất cả cõi Phật.
Vào sâu biển trí tuệ
Thông đạt biển mười phương
Trong tịnh thân Như Lai
Hiện khắp thân chúng sinh.
Mắt Bồ tất tịnh minh
Đều có thể nhìn thấy
Trong vô lượng ức kiếp
Khen ngợi thân Như Lai.
Tận cùng tất cả kiếp
Vẫn còn chưa rốt ráo
Sau khi Phật Niết-bàn
Bồ-tát Ma-ha-tát.
Trong từng niệm niệm còn
Phân bố các xá-lợi
Đời vị lai như vậy
Có người cầu Phật đạo.
Vô lượng tâm Bồ-đề
Trí quyết định rõ biết
Trong ba đời như vậy
Chư Phật hiện ở đời.
An trụ hạnh Phổ Hiền
Đều phân biệt rõ biết
Phân minh rõ như vậy
Các hạnh địa vô lượng.
Thành tựu trí kiên cố
Hay chuyển luân không thoái
Vô lượng trí tuệ sâu
Cảnh Như Lai rốt ráo.
Trí Minh tịnh Phổ Hiền
Vào sâu không thoái chuyển
Tất cả Tối Thắng Tôn
Vào sâu diệu cảnh giới
Không thoái chuyển rốt ráo
Được Bồ-đề Vô thượng
Tâm vô lượng, vô biên
Tất cả chủng loại nghiệp.
Tu tập những tưởng hành
Một niệm có thể biết
Tâm học, tâm vô học
Ô nhiễm chẳng ô nhiễm.
Bồ-tát, trong một niệm
Giác ngộ vô lượng tâm
Rõ biết chẳng nhất, nhị
Chẳng bẩn, chẳng sạch trong.
Cũng chẳng phải tích tập
Đều khởi từ nhân duyên
Phân minh hết như vậy
Tất cả tâm chúng sinh.
Các cõi Phật thế gian
Đều chính là hư vọng
Diệu phương tiện như vậy
Vào sâu hạnh Bồ-tát.
Cùng Phổ Hiền bình đẳng
Hóa sinh pháp Như Lai
Tất cả loại chúng sinh
Tưởng thiện ác chẳng đồng.
Hoặc có kẻ sinh thiên
Hoặc người đọa đường ác
Bồ-tát thấy thế gian
Đều từ nghiệp duyên khởi.
Dính mắc hư vọng tưởng
Lưu chuyển ở sinh tử
Những chúng sinh mười phương
Lưới hư dối che lấp.
Trong một niệm Bồ-tát
Phương tiện giải thoát xong
Các căn, nhập như vậy
Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân.
Phân biệt biết nghiệp ý
Tưởng thế gian chẳng đồng
Mỗi một cảnh giới mắt
Sinh ra vô lượng mắt.
Vô số tướng chẳng đồng
Vô lượng không giới hạn
Tùy sở hành chúng sinh
Tất cả nghiệp thiện ác.
Gặt quả báo nơi đó
Tùy vạn hữu chẳng đồng
Mắt Phổ Hiền thanh tịnh
Vào sâu lực các địa.
Mỗi một cảnh giới mắt
Sinh ra vô lượng trí
Những thế gian như vậy
Đều phân biệt rõ biết.
Tất cả hạnh rốt ráo
Mau đạt không thoái chuyển
Phật thuyết, Bồ-tát thuyết
Cõi thuyết, chúng sinh thuyết.
Tất cả ba đời thuyết
Bồ-tát rõ biết thảy
Quá khứ là vị lai
Vị lai là quá khư
Hiện tại là khứ, lai
Bồ-tát rõ biết hết.
Vô lượng đời như vậy
Giác ngộ tướng chẳng đồng
Hành phương tiện rốt ráo
Đầy đủ trí chư Phật.