KINH BỒ-TÁT ANH LẠC

Hán dịch: Đời Dao Tần, Sa-môn Trúc Phật Niệm, người Lương Châu.
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 11

Phẩm 31: CÚNG DƯỜNG XÁ-LỢI

Bấy giờ, Tôn giả Trưởng lão Tu-bồ-đề ở nơi đại chúng, tâm tự suy nghĩ: “Hôm nay được nghe Đức Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác thuyết giảng các pháp hết mực vi diệu, rộng lớn vô hạn vượt mọi lãnh vực nghĩ bàn, chẳng phải là chốn đạt được của hàng Bích-chi. Chư pháp là tự nhiên không có sinh diệt, vậy tại sao ở trong pháp không sinh diệt ấy là lại có ba đường ba Thừa?”

Suy nghĩ như thế rồi, Trưởng lão Tu-bồ-đề liền rời chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, để trần vai bên phải, đến trước Đức Phật quỳ mọp, đầu gối bên phải chạm sát đất, chắp tay cung kính và dùng kệ nêu bày:

Pháp Như Lai vốn không
Như hư không vô hình
Làm sao nơi ba đường
Đều có hành ba Thừa?
Nhất tướng vốn không tướng
Cũng chẳng thấy diệt sinh
Học đạo không cùng tận
Dứt tâm là bậc nhất.
Như biển không giảm tăng
Muôn dòng đổ chẳng đầy
Tánh chánh pháp hư không
Rộng lớn cũng như thế.
Phật là vua chúng Thánh
Ba cõi không kẻ sánh
Nêu giảng Tuệ vô cùng
Hóa độ kẻ mê lầm
Việc thành không nghĩ báo
Chẳng cầu bậc sang giàu
Nhằm tế độ muôn người
Đạt đạo quả Vô thượng.
Như mặt trời tỏa sáng
Chốn tối tăm được sáng
Bậc Thánh giáng thần sinh
Ai cũng được hóa độ.
Bốn đại vốn không chủ
Hốt nhiên có năm đường
Nhận lấy gốc ba độc
Bèn dấy tưởng không có.
Hình gắn nơi buộc trói
Thức tưởng còn hơn thế
Như chìm tại vực sâu
Muốn cứu vớt thật khó!
Bồ-tát học Đại thừa
Quốc độ thảy chẳng đồng
Ví muốn chọn Diệt độ
Xá-lợi làm hiện vật
Kính mong Nhân Trung Tôn
Nêu giảng nhằm khai ngộ
Vì khắp thế giới lớn
Phân biệt nẻo thiện ác.

Trưởng lão Tu-bồ-đề dùng kệ để hỏi Đức Phật xong, liền đứng dậy, đi nhiễu quanh chỗ Đức Phật ba vòng rồi trở lại chỗ ngồi cũ của mình.

Lúc này Đức Thế Tôn cũng dùng kệ đáp lại Trưởng lão Tu-bồ-đề:

Phật tử Tu-bồ-đề
Bậc nhất về Tuệ không
Thông đạt pháp ba đời
Nêu bày thật thâm diệu
Suy niệm chẳng về mình
Mà thương xót muôn kẻ
Luôn tưởng dứt sinh tử
Hằng tại chốn vô vi
Phật đạo chẳng nghĩ bàn
Giữ ý nên hợp luật
Nhập định, lực thần túc
Cảm ứng chẳng thể lường
Bồ-tát nẻo Đại thừa
Biến hiện như hằng sa
Giáo hóa đã trọn vẹn
Tịch nhiên dứt tâm ý
Thấy hành chưa chắc thành
Cũng như tâm còn mất
Thành cũng gốc không thành
Mới hợp tuệ giải thoát.

Đức Thế Tôn bảo Trưởng lão Tu-bồ-đề:

–Giáo pháp được thuyết giảng của vô số hằng sa chư Phật thời quá khứ nhằm cứu độ chúng sinh mỗi mỗi đều không giống nhau. Như có Bậc Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, giáo hóa chúng sinh làm thanh tịnh quốc độ Phật. Lại đi từ một cõi Phật này đến cõi Phật khác cúng dường kính lễ chư Phật Thế Tôn cùng tiếp độ chúng sinh, đối với cảnh giới Niết-bàn vô dư thảy đều chỉ dạy dặn dò, sau đấy thì Đức Như Lai mới chọn lấy cõi Diệt độ. Hoặc có Đức Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, luôn làm thanh tịnh quốc độ mình, hiện rõ các thần túc chẳng thể nghĩ bàn với những nẻo biến hóa. Lại nhập các pháp Định ý của chư Phật, rồi từ đấy diễn giảng chánh pháp với ba mươi bảy phẩm loại tu tập. Trải qua một kiếp đến cả trăm ngàn kiếp giáo hóa chúng sinh trọn đủ, thảy đều khiến cho chúng sinh xa lìa hẳn mọi nỗi khổ. Đối với cảnh giới Niết-bàn vô dư cũng đều chỉ rõ dặn dò, sau đấy Đức Như Lai mới thực hiện nhập Bát-nê-hoàn, lưu thân lại cho đời sau, khiến cho tất cả chúng sinh khắp mọi cõi phát khởi sự cung kính cúng dường, làm hiển lộ các thứ âm nhạc vi diệu đem lại sự an lạc thích thú. Lại còn thể hiện những thần biến với ánh hào quang soi tỏ sáu pháp Ba-la-mật, cũng như khiến cho vô số chúng sinh thảy đạt được đạo quả giải thoát. Hoặc có Đức Như Lai hiện thân ở đời giáo hóa, quyết tu khổ hạnh, làm người gánh vác các công việc quan trọng cho chúng sinh, du hóa đến hết thảy các quốc độ của chư Phật để nhận lãnh chánh pháp, tu tập đạo Vô thượng Bồ-đề. Lại ở các quốc độ ấy hiện đủ pháp thần túc, ở nơi vô số thế giới của chư Phật giáo hóa chúng sinh viên mãn mà đi vào cõi Diệt độ. Lại hiện ra toàn thân xá-lợi lưu lại cho đời đầy khắp cõi tam thiên đại thiên thế giới, giáo hóa dưỡng nuôi muôn loài làm thanh tịnh cõi Phật. Sự nghiệp ấy hoàn tất, lại khiến cho tất cả các chúng sinh đều vào cõi Vô dư Niết-bàn, sau đấy Đức Như Lai mới thực sự đi vào cõi Diệt độ.

Đức Phật bảo Trưởng lão Tu-bồ-đề:

–Pháp thân của Như Lai gồm đủ các đức, còn sắc thân giáo hóa chúng sinh thì chẳng thể nêu bày lường tính, lại lưu toàn thân xá-lợi để tiếp độ chúng sinh, nẻo hóa độ ấy là vô cùng tận. Như có các hàng thiện nam, thiện nữ, tín tâm vững chắc cung kính phụng sự Tam bảo cùng dốc lòng cúng dường ba đời chư Phật Thế Tôn thì công đức phước báo ấy là không thể lường tính hết được.

Trưởng lão Tu-bồ-đề thưa với Đức Phật:

–Kính bạch Thế Tôn! Như có các hàng thiện nam, thiện nữ, tin tưởng nơi Tam bảo, dứt sạch mọi thứ tà kiến cùng tâm do dự hồ nghi, cúng dường Pháp thân cùng sắc thân hiện tại và cúng dường toàn thân Xá-lợi, thế thì trong ba công đức ấy, công đức nào nhiều hơn?

Đức Phật bảo Trưởng lão Tu-bồ-đề:

–Này vị Tộc tánh tử! Như có người đạt được tín tâm giải thoát, dốc xây dựng tháp bảy báu khắp trong một cõi thiên hạ, tùy theo thời mà cúng dường vô số các thứ hương hoa, thế thì công đức phước báo ấy được xem là nhiều chăng?

Trưởng lão Tu-bồ-đề thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Phước đức ấy là hết sức nhiều!

Đức Phật nói:

–Nhưng không bằng các hàng thiện nam, thiện nữ đạt tín tâm giải thoát cúng dường xá-lợi bằng các thứ tơ lụa, vải vóc, hoa trái, dù lọng cùng đủ loại hương xông đốt. Công đức phước báo này thật chẳng thể nêu bày lường tính, không thể dùng thí dụ để so sánh được, hơn hẳn công đức trước. Vì sao? Vì công việc xây dựng các ngôi tháp bảy báu tùy theo thời mà kính lễ cúng dường, là đều từ nhân có xá-lợi nên mới được cúng dường.

Đức Phật bảo Trưởng lão Tu-bồ-đề:

–Lại cũng nói về các bảo tháp ấy. Như có hàng thiện nam, thiện nữ, cúng dường toàn thân xá-lợi khắp trong một cõi thiên hạ, theo thời mà cúng dường các thứ vải vóc, tơ lụa, hoa trái, dù lọng và đủ loại hương xông đốt, cùng cúng dường các tháp bảy báu trong một cõi thiên hạ, vậy thì công đức phước báo ấy được xem là nhiều chăng?

Trưởng lão Tu-bồ-đề thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Phước đức ấy là hết sức nhiều!

Đức Phật nói:

–Nhưng không bằng các hàng thiện nam, thiện nữ đạt được tín tâm giải thoát, cúng dường một sắc thân Đức Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Công đức phước báo trong trường hợp này là không thể lường tính, không thể dùng thí dụ để so sánh. Vì sao? Vì các hàng thiện nam, thiện nữ kia, cúng dường các ngôi tháp bảy báu khắp trong một cõi thiên hạ, cùng toàn thân xá-lợi cùng khắp một cõi thiên hạ với các thứ lụa vải, hoa quả, dù lọng và vô số hương thơm xông đốt, tất cả đều do sắc thân Như Lai mà được cúng dường.

Đức Phật bảo Tôn giả Tu-bồ-đề:

–Này vị Tộc tánh tử! Như có các hàng thiện nam, thiện nữ đạt tín tâm giải thoát, ở nơi hai cõi thiên hạ xây dựng khắp các ngôi tháp bảy báu, lại cúng dường toàn thân xá-lợi khắp trong hai cõi thiên hạ cùng hai sắc thân Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, với các thứ lụa vải, hoa trái, lọng dù và đủ loại hương thơm xông đốt, thế thì phước đức ấy được xem là nhiều chăng?

Trưởng lão Tu-bồ-đề thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Phước đức ấy là hết sức nhiều!

Đức Phật nói:

–Nhưng không bằng các hàng thiện nam, thiện nữ cúng dường

Pháp thân, vâng theo kính lễ, đọc tụng tu tập không hề biếng trễ, thì phước đức này càng nhiều hơn, không thể dùng thí dụ để so sánh được. Vì sao? Vì các hàng thiện nam, thiện nữ kia, cúng dường các ngôi tháp bảy báu trong hai cõi thiên hạ, cùng với toàn thân xá-lợi cũng trong hai cõi thiên hạ, lại cúng dường hai sắc thân Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác với các thứ vải lụa, hoa quả, lọng dù và vô số hương thơm xông đốt, tất cả đều do từ Pháp thân mà có được mọi sự cúng dường ấy.

Đức Phật bảo Trưởng lão Tu-bồ-đề:

–Này vị Tộc tánh tử! Như có các hàng thiện nam, thiện nữ, ở nơi ba cõi thiên hạ xây dựng khắp các ngôi tháp bảy báu, cùng cúng dường toàn thân xá-lợi trong ba cõi thiên hạ và ba sắc thân Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác với các thứ lụa vải, hoa trái, dù lọng và vô số hương thơm, vậy thì phước đức của sự cúng dường này được xem là nhiều chăng?

Trưởng lão Tu-bồ-đề thưa với Đức Phật:

–Kính bạch Thế Tôn! Phước đức ấy là hết sức nhiều!

Đức Phật nói:

–Nhưng không bằng các hàng thiện nam, thiện nữ thọ trì đọc tụng về Pháp thân thì phước đức này lại càng nhiều hơn nữa! Vì sao? Vì công việc xây dựng các ngôi tháp bảy báu khắp trong ba cõi thiên hạ, cùng cúng dường toàn thân xá-lợi cùng trong ba cõi thiên hạ và ba sắc thân Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, tất cả đều do Pháp thân mà có được mọi sự cúng dường kia.

Đức Phật bảo Trưởng lão Tu-bồ-đề:

–Này vị Tộc tánh tử! Như có các hàng thiện nam, thiện nữ, ở nơi bốn cõi thiên hạ xây dựng khắp các ngôi tháp bảy báu, cùng cúng dường toàn thân xá-lợi khắp trong bốn cõi thiên hạ và bốn sắc thân Đức Như Lai với các thứ vải lụa, hoa quả, dù lọng và vô số hương thơm, như vậy thì phước đức của sự cúng dường ấy là nhiều chăng?

Trưởng lão Tu-bồ-đề thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Phước đức ấy là hết sức nhiều!

Đức Phật nói:

–Nhưng không bằng các hàng thiện nam, thiện nữ thọ trì đọc tụng về Pháp thân đúng với giáo pháp, thì phước đức này lại càng nhiều hơn nữa, không thể dùng thí dụ để so sánh được. Vì sao? Vì công việc xây dựng các ngôi tháp bảy báu khắp trong bốn cõi thiên hạ, cùng cúng dường toàn thân xá-lợi trong bốn cõi thiên hạ và bốn sắc thân Đức Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, tất cả đều do Pháp thân mà có được mọi sự cúng dường trên.

Đức Phật bảo Trưởng lão Tu-bồ-đề:

–Như có các hàng thiện nam, thiện nữ, ở nơi cõi tiểu thiên thiên hạ xây dựng khắp các ngôi tháp bảy báu, cùng cúng dường toàn thân xá-lợi khắp trong tiểu thiên thiên hạ và một trăm sắc thân Đức Như Lai với các thứ vải lụa, hoa quả, dù lọng và vô số hương thơm xông đốt, như vậy thì phước đức của sự cúng dường ấy là nhiều chăng?

Trưởng lão Tu-bồ-đề thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Phước đức ấy là hết sức nhiều!

Đức Phật nói:

–Nhưng không bằng các hàng thiện nam, thiện nữ thọ trì đọc tụng về Pháp thân đúng với giáo pháp, thì phước đức này lại càng nhiều hơn nữa, không thể dùng thí dụ để so sánh được. Vì sao? Vì sự xây dựng các ngôi tháp bảy báu cùng cúng dường toàn thân xá-lợi trong một tiểu thiên thiên hạ và một trăm sắc thân Đức Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, tất cả đều do Pháp thân mà có được mọi sự cúng dường trên.

Đức Phật bảo Trưởng lão Tu-bồ-đề:

–Như có các hàng thiện nam, thiện nữ, ở nơi một cõi Trung thiên thiên hạ xây dựng khắp các ngôi tháp bảy báu, cùng cúng dường toàn thân xá-lợi khắp trong một cõi Trung thiên thiên hạ và một ngàn sắc thân Đức Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác với các thứ vải lụa, hoa quả, dù lọng và vô số hương thơm xông đốt. Như thế, này vị Tộc tánh tử! Phước đức của sự cúng dường ấy xem là nhiều chăng?

Trưởng lão Tu-bồ-đề thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Phước đức ấy là hết sức nhiều!

Đức Phật nói:

–Nhưng không bằng các hàng thiện nam, thiện nữ thọ trì đọc tụng về Pháp thân đúng với giáo pháp, thì phước đức này lại càng nhiều hơn nữa, không thể dùng thí dụ để so sánh được. Vì sao? Vì công việc xây dựng các ngôi tháp bảy báu khắp trong bốn cõi trung thiên thiên hạ, cùng việc cúng dường toàn thân xá-lợi trong một cõi trung thiên thiên hạ và một ngàn sắc thân Đức Như Lai, tất cả đều do Pháp thân mà có được mọi sự cúng dường ấy.

Đức Phật bảo Trưởng lão Tu-bồ-đề:

–Như có các hàng thiện nam, thiện nữ, ở nơi một cõi đại thiên thiên hạ xây dựng khắp các ngôi tháp bảy báu, cúng dường toàn thân xá-lợi khắp trong cõi đại thiên thiên hạ và một sắc thân Đức Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác với các thứ vải lụa, hoa quả, dù lọng và vô số hương thơm, như vậy thì phước đức của sự cúng dường ấy là nhiều chăng?

Trưởng lão Tu-bồ-đề thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Phước đức là hết sức nhiều!

Đức Phật nói:

–Nhưng không bằng các hàng thiện nam, thiện nữ thọ trì đọc tụng về Pháp thân đúng với giáo pháp, thì phước đức này lại càng nhiều hơn nữa, không thể dùng thí dụ để so sánh được. Vì sao? Vì công việc xây dựng các ngôi tháp bảy báu khắp trong một cõi Đại thiên thiên hạ, cùng việc cúng dường toàn thân xá-lợi trong đại thiên thiên hạ và một vạn sắc thân Đức Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, tất cả đều do Pháp thân mà có được mọi sự cúng dường ấy.

Đức Phật bảo Trưởng lão Tu-bồ-đề:

–Như có các hàng thiện nam, thiện nữ, ở nơi cõi tam thiên thiên hạ xây dựng khắp các ngôi tháp bảy báu, cùng cúng dường toàn thân xá-lợi khắp trong tam thiên đại thiên thiên hạ và một ức sắc thân Đức Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, với các thứ vải lụa, hoa quả, dù lọng và vô số hương thơm xông đốt, như vậy thì phước đức của sự cúng dường ấy được xem là nhiều chăng?

Trưởng lão Tu-bồ-đề thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Phước đức ấy là hết sức nhiều!

Đức Phật nói:

–Nhưng không bằng các hàng thiện nam, thiện nữ thọ trì đọc tụng về Pháp thân đúng với giáo pháp, thì phước đức này lại càng nhiều hơn nữa, không thể dùng thí dụ để so sánh được. Vì sao? Vì công việc xây dựng các ngôi tháp bảy báu khắp trong cõi tam thiên đại thiên thiên hạ, cùng việc cúng dường toàn thân xá-lợi trong cõi tam thiên đại thiên thiên hạ và một ức sắc thân Đức Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, tất cả đều do Pháp thân mà có được mọi sự cúng dường ấy.

Đức Phật bảo Trưởng lão Tu-bồ-đề:

–Này vị Tộc tánh tử! Hãy bỏ qua lãnh vực tam thiên đại thiên thế giới. Như có các hàng thiện nam, thiện nữ, từ một thế giới đến hàng trăm ngàn cõi Phật, xây dựng khắp các ngôi tháp bảy báu trong ấy thảy đều kính thờ toàn thân xá-lợi, lại cúng dường hàng ức trăm ngàn sắc thân Đức Như Lai, như vậy thì phước đức của sự xây dựng thờ kính cúng dường ấy được xem là nhiều chăng?

Trưởng lão Tu-bồ-đề thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Phước đức ấy là hết sức nhiều!

Đức Phật nói:

–Nhưng không bằng các hàng thiện nam, thiện nữ thọ trì đọc tụng về Pháp thân đúng với giáo pháp, thì phước đức này lại càng nhiều hơn nữa, không thể dùng thí dụ để so sánh được. Vì sao? Vì công việc xây dựng các ngôi tháp bảy báu khắp trong một cảnh giới Phật cho đến trăm ngàn vạn ức cõi Phật, cùng với việc tôn trí toàn thân xá-lợi nơi các ngôi tháp báu ấy để kính thờ, lại cúng dường hàng ức trăm ngàn sắc thân Đức Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, tất cả đều do Pháp thân mà có được mọi sự cúng dường ấy.

Bấy giờ Đức Thế Tôn, vì Trưởng lão Tu-bồ-đề mà nói bài tụng:

Bồ-tát hành phương tiện
Theo hình tướng hóa độ
Chẳng nơi thức không diệu
Công sức tự trang nghiêm.
Phàm muốn tường cõi không
Thông tỏ quán gốc không
Tâm trụ hình không ngại
Chánh quán tự giác ngộ.
Pháp giới chúng sinh khác
Nẻo hướng giải thoát đồng
Vượt khỏi bờ sinh tử
Không lại thức có không.
Người gốc nhiễm bốn dòng
Nổi chìm bốn dòng xiết
Bốn đại đều về gốc
Cũng thành bốn quả chứng.
Như Lai nhập chánh định
Tuệ nhận rõ có không
Pháp vô tận sáng rỡ
Trí biện tài không ngại.
Ý tự thu hơi thở
Không dấy các tưởng loạn
Tâm điên đảo vì buộc
Dùng kiếm trí tuệ dứt.
Gốc tướng thức không hình
Nẻo nhập không gián đoạn
Chốn hành vượt nghĩ bàn
Thọ ký nên đạt ngộ.
Cõi chư Phật thanh tịnh
Biến hiện thật diệu kỳ
Thảy do từ Pháp thân
Đạt tôn quý lồng lộng.
Gốc không, chẳng ba đường
Cũng không thành Chánh giác
Đều tự niệm chúng sinh
Nên có tâm hơn kém.
Nhẫn là kho các pháp
Hành tịnh không cấu nhiễm
Sinh dứt không tạo nữa
Do từ quả Pháp thân
Quán nẻo hành các pháp
Nghe pháp không hề chán
Dẫn dắt cho muôn người
Thảy cùng hưởng vị pháp.
Nên nơi vô số kiếp
Thấu rõ biển tử sinh
Quán ba đời thanh tịnh
Thông đạt gốc Pháp thân.

Đức Thế Tôn nói xong bài kệ này, bấy giờ có tới vô số trăm ngàn chúng sinh thảy đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Lại có trăm ngàn vị Tỳ-kheo, hai trăm năm mươi vị Ưu-bà-tắc lìa bỏ mọi thứ phiền não bụi bặm cấu uế, đạt được Pháp nhãn thanh tịnh.

Lúc này, Trưởng lão Tu-bồ-đề thưa với Đức Phật:

–Kính bạch Thế Tôn! Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, đầy đủ ba đạt vô ngại, thần thông thanh tịnh, diễn giảng về Pháp thân hết mực thâm diệu. Nay con muốn xin hỏi, kính mong Bậc Đại Giác Ngộ thương xót chỉ dạy.

Đức Thế Tôn bảo Trưởng lão Tu-bồ-đề:

–Như có điều gì cần nêu hỏi thì lúc này rất thích hợp, Như Lai sẽ mỗi mỗi phân biệt rõ.

Trưởng lão Tu-bồ-đề thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Sắc thân Như Lai, toàn thân Xá-lợi, hai thứ pháp tánh ấy có gì khác nhau?

Đức Phật bảo Trưởng lão Tu-bồ-đề:

–Lành thay câu hỏi ấy! Sắc thân Như Lai do các đức tích tụ, từ đấy diễn giảng khắp các giáo pháp, dùng ba nghiệp dẫn dạy chúng sinh. Những gì là ba nghiệp?

  1. Thân hành thanh tịnh, ngăn chận xua trừ nẻo bất thiện.
  2. Miệng nói ngôn ngữ chân thật, không nêu các thứ sai trái tà vạy.
  3. Ý chuyên tập trung hướng đến đạo pháp dứt mọi vọng niệm.

Đó gọi là ba nghiệp đầy đủ sự thanh tịnh đạt đến đạo tràng. Còn

toàn thân xá-lợi là biểu hiện gắn liền với thân thể, nhưng lìa ba nghiệp ấy và hoàn toàn vượt khỏi ngôn ngữ giáo hóa. Chính do đấy mà có thể có hào quang biểu lộ uy thần, khiến người cung kính tôn thờ thì có được phước đức hơn kém.

Trưởng lão Tu-bồ-đề thưa với Đức Phật:

–Kính bạch Thế Tôn! Như Thế Tôn đã nói, do có ba nghiệp đều có tiến thoái nên mới có sự sai khác; chỗ gọi là cúng dường sắc thân cùng cúng dường toàn thân xá-lợi, pháp tánh là đồng một pháp không có nhiều mối. Nay con hỏi Như Lai về sắc thân cùng toàn thân xá-lợi, không hỏi Như Lai về ba nghiệp dẫn dạy giáo hóa. Sao Thế Tôn lại dùng ba nghiệp để trả lời? Phàm về ba nghiệp là cảnh giới thu giữ của thức, thức chẳng phải sắc thân, sắc thân chẳng phải thức.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo Trưởng lão Tu-bồ-đề:

–Này vị Tộc tánh tử! Ý ông nghĩ sao? Toàn thân xá-lợi với hào quang thể hiện uy đức cùng với sắc thân Như Lai khác nhau chăng?

Trưởng lão Tu-bồ-đề thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Toàn thân xá-lợi có uy thần công đức, tùy theo sở niệm của mỗi người mà các nguyện đều được sung mãn. Sắc thân Như Lai chúng tướng gồm đủ, cũng có uy thần công đức, thể hiện qua việc tiếp độ giáo hóa chúng sinh vô cùng tận, nẻo hóa độ đều khác nên có sự khác nhau.

Đức Phật bảo Trưởng lão Tu-bồ-đề:

–Này vị Tộc tánh tử! Sự biến hiện của Như Lai với các hình tướng, hào quang gồm đủ, đầy khắp cả vô lượng thế giới trong mười phương, khéo sử dụng các phương tiện để tùy theo hình loại mà hóa độ thích hợp. Toàn thân xá-lợi lại có được công năng ấy chăng?

Trưởng lão Tu-bồ-đề thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Như kinh Bản Sinh đã nêu dạy, Đỉnh Vương Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, trải qua mười hai na-thuật kiếp trụ thế giáo hóa, thuyết pháp đầy đủ viên mãn rồi mới lìa bỏ thọ mạng, ở nơi cảnh giới Niết-bàn vô dư mà thị hiện việc nhập Bát-nê-hoàn, để lại thân xá-lợi tôn trí khắp mọi thế giới. Lại trải qua mười hai na-thuật kiếp được người đời cúng dường như Phật còn tại thế, thuyết pháp giáo hóa, chốn hóa độ cũng như vậy. Kính bạch Thế Tôn! Vì thế nên sắc thân Như Lai và toàn thân xá-lợi đều không khác nhau.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo Trưởng lão Tu-bồ-đề:

–Đỉnh Vương Như Lai với xá-lợi toàn thân ở đời giáo hóa, đó là được nhận biết từ gốc hay chẳng phải nhận biết từ gốc?

Trưởng lão Tu-bồ-đề thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Chẳng phải nhận biết từ gốc! Đó đều là sự thể hiện uy thần của Đức Như Lai Đảnh Vương.

Đức Thế Tôn bảo Trưởng lão Tu-bồ-đề:

–Đúng vậy! Đúng vậy! Như Trưởng lão vừa nói, do uy thần của Đức Như Lai Đảnh Vương ấy mà xá-lợi toàn thân kia mới thể hiện qua ngôn ngữ giáo hóa, vì vậy mà sắc thân và toàn thân xá-lợi pháp tánh chẳng đồng.

Bấy giờ Đức Thế Tôn vì Trưởng lão Tu-bồ-đề, nên nói bài kệ:

Phật quá khứ Đảnh Vương
Trụ thế giáo hóa lâu
Mười hai na-thuật kiếp
Thuyết pháp không tăng giảm
Viên mãn nhập Niết-bàn
Lưu thân thuyết giảng pháp
Nẻo hóa độ vô lượng
Tu tinh tấn thành Phật.
Xá-lợi biết chẳng biết
Do uy thần Đảnh Vương
Rời gốc không chấp gốc
An nhiên đạt giải thoát.
Trưởng lão nay đạt không
Lậu dứt, không trở ngại
Nhận rõ cõi Như Lai
Vốn bao la tịch tĩnh.

Bấy giờ nơi tòa ngồi có đến tám vạn bốn ngàn chư Thiên cùng chúng nhân được nghe Đức Phật thuyết giảng nên thảy đều dốc tâm cầu đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nguyện rằng: “Chúng con về sau này thành tựu đạo quả Phật-đà, đều được như Đức Như Lai Đảnh Vương giáo hóa chúng sinh không khác.”

Lúc này Trưởng lão Tu-bồ-đề đi nhiễu quanh chỗ Phật ba vòng rồi cung kính đảnh lễ ngang chân Phật và trở lại chỗ ngồi của mình.