SỐ 228
KINH PHẬT MẪU XUẤT SINH TAM PHÁP TẠNG BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA
Dịch Phạn ra Hán: Đời Triệu Tống, Tam tạng Pháp sư Thi Hộ
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 25

Phẩm 31: BỒ-TÁT PHÁP THƯỢNG

Lúc ấy, Đại Bồ-tát Pháp Thượng nói với Bồ-tát Thường Đề:

–Thiện nam, Như Lai, nghĩa là không từ đâu đến cũng không đi về đâu. Vì sao? Vì chân như không động nên chân như là Như Lai. Pháp không sinh, không đến, không đi. Pháp không sinh chính là Như Lai. Thật tế không đến, không đi, thật tế chính là Như Lai. Tánh không, không đến, không đi, tánh không chính là Như Lai. Pháp không nhiễm, không đến, không đi, pháp không nhiễm chính là Như Lai. Tịch diệt không đến, không đi, tịch diệt chính là Như Lai. Hư không không đến, không đi, hư không chính là Như Lai.

Thiện nam! Ngoài những pháp ấy không có pháp nào có thể gọi là Như Lai. Nghĩa là vì Như Lai là chân như nên tất cả chân như đều là một. Thế nên, không phân biệt, không hai cũng không ba.

Thiện nam! Ví như bóng nắng của giữa những ngày đầu hạ cuối xuân, bấy giờ có người đến đó tìm nước, thì nước ấy từ đâu đến, có lẽ từ biển Đông chăng? Hay biển Nam, biển Tây, biển Bắc chăng? Sự đi cũng thế.

Bồ-tát Thường Đề nói:

–Trong bóng nắng không có nước để có thể nắm bắt, huống gì có đến có đi. Chỉ có người ngu si không có trí tuệ nên mới thấy hư vọng như thế.

Bồ-tát Pháp Thượng nói:

–Thiện nam! Các Đức Như Lai cũng vậy, người nào chấp vào âm thanh, sắc tướng quán các Đức Như Lai rồi sinh ra các sự phân biệt cho rằng Ngài có đến có đi. Nên biết đó là người ngu si không có trí tuệ nên mới thấy bằng hư vọng như thế. Vì sao? Vì Như Lai chính là Pháp thân, không phải là Sắc thân như ta thường thấy.

Thiện nam! Pháp tánh không đến, không đi, các Đức Như Lai cũng thế. Ví như nhà ảo thuật biến hóa ra bốn binh: Tượng binh, mã binh, xa binh và bộ binh. Bốn đội quân ấy, không đến cũng không đi, vì đó là do phép huyễn. Các Đức Như Lai cũng thế. Ví như có người trong giấc mộng, thấy một Đức Phật, hai Đức Phật, ba Đức Phật cho đến hàng ngàn Đức Phật.

Này thiện nam! Các Đức Phật ấy từ đâu đến và sẽ đi về đâu?

Bồ-tát Thường Đề thưa:

–Bạch Đại sĩ! Giấc mộng không có thật, nên không có pháp quyết định thì pháp ấy làm gì có sự đi lại.

Bồ-tát Pháp Thượng nói:

–Các Đức Như Lai cũng thế.

Như Đức Phật nói:

–Các pháp như mộng, nhưng có người hiểu rõ sự thật về các pháp ấy, nên dựa vào sắc tướng âm thanh, lời nói, tên gọi rồi chấp trước và phân biệt các Đức Như Lai có đến, có đi.

Thiện nam! Những ai đối với pháp này, không hiểu biết như thật, mà phân biệt hảo huyền, nên biết những hạng ấy được gọi là phàm phu ngu muội, phải chịu thân sinh tử, xoay chuyển trong các nẻo xa cách Bát-nhã ba-la-mật-đa và tất cả Phật pháp.

Này thiện nam! Người nào hiểu rõ lời Phật dạy: “Tất cả pháp đều như mộng, pháp ấy không có đến hoặc đi, thế nên không phân biệt và hiểu rõ các Đức Như Lai không đến, không đi, không sinh, không diệt. Ai biết rõ như thế, thì chính vị ấy là người thấy pháp, biết pháp và gần với Vô thượng Bồ-đề cũng chính là người hành Bát-nhã ba-la-mật-đa. Vị ấy, không mong cầu của tín thí trong nước mà ngược lại, có thể làm ruộng phước lớn cho thế gian.”

Thiện nam! Ví như trong biển cả sinh ra các vật báu. Những loại ấy không phải từ phương Đông đến, cũng không phải từ phương Nam, phương Tây, phương Bắc, hoặc từ tám hướng sang mà chính là do nghiệp cảm của những chúng sinh tạo phước, nên biển lớn phát sinh các trân bảo. Những bảo vật ấy, đều sinh từ nhân duyên, nhân duyên hòa hợp nên sinh, nhân duyên ly tán nên diệt. Sinh không từ mười phương đến, khi diệt cũng không về mười phương. Thân của các Đức Như Lai cũng vậy, chỉ do nhân duyên hòa hợp sinh nhưng không trụ. Pháp nhân duyên cũng hoàn toàn sinh từ nhân duyên. Nhân duyên hòa hợp thì sinh, nhân duyên tan rã thì diệt, sinh không từ đâu đến, diệt cũng không về đâu.

Thiện nam! Ví như đàn không hầu có dây, có côn và có phím, người dùng tay đánh phát ra âm thanh, âm thanh ấy không từ đâu đến, không phải do dây, do phím, do côn, hoặc do tay, chỉ do nhân duyên hòa hợp thì sinh, nhân duyên ly tán thì diệt. Tiếng ấy diệt rồi cũng không về đâu.

Thiện nam! Các Đức Như Lai cũng thế, do tất cả các nhân duyên khế hợp với thiện căn mà sinh ra. Không thể chỉ một nhân một duyên mà thiện căn có thể phát sinh được. Ngược lại, tất cả hoàn toàn do nhân duyên sinh. Duyên hợp thì sinh, nhưng sinh không từ đâu đến. Duyên tan thì diệt, nhưng diệt cũng không về đâu.

Thiện nam! Ông nên hiểu rõ chư Phật không đến, không đi. Người nào biết các Đức Phật không có đến đi thì vị ấy đã an trụ nơi tất cả pháp không sinh, không diệt. Ai hiểu biết như thế thì chính vị ấy là người hành Bát-nhã ba-la-mật-đa có phương tiện thiện xảo, nhất định được thành tựu Vô thượng Bồ-đề.

Khi Đại Bồ-tát Pháp Thượng thuyết về sự không đến không đi của các Đức Như Lai, cả tam thiên thế giới đều chấn động sáu cách và hiện mười tám tướng như: động biến động, đẳng biến động; hống, động, tất cả đều biến động; lung lay, tất cả đều lung lay; vọt, tất cả đều nhảy vọt; hoan hô, tất cả đều hoan hô; vỗ tay, tất cả đều vỗ tay. Khi những tướng ấy xuất hiện, các cung điện của ma đều ẩn mất, các loài hoa chưa đến mùa nhưng đều nở rộ, những loài hoa có cây có trái đều nghiêng về phía Đại Bồ-tát Pháp Thượng. Trời Đế Thích, trời Tứ Thiên vương và các vị Thiên tử ở cõi Dục, ở trong hư không mưa hoa cúng dường Bồ-tát Pháp Thượng. Lại dùng các loài hoa trời rải trên Bồ-tát Thường Đề và nói:

–Thiện nam! Lành thay, lành thay! Này Bồ-tát Thường Đề! Chúng tôi nhờ Bồ-tát nên mới được nghe chánh pháp sâu xa tối thượng nơi Bồ-tát Pháp Thượng. Hôm nay, chúng tôi được lợi ích lớn thật hiếm có trong đời.

Bồ-tát Thường Đề thưa Bồ-tát Pháp Thượng:

–Vì nhân duyên gì chấn động đại địa và hiện những tướng như thế?

Đại Bồ-tát Pháp Thượng đáp:

–Thiện nam! Vừa rồi ta nói với ông rằng các Đức Như Lai không có đến đi nên mới có tướng ấy. Đồng thời khi ấy trong pháp hội có tám ngàn người chứng vô sinh, tám mươi ngàn ức người phát tâm Bồ-đề, sáu vạn người xa lìa trần cấu chứng Pháp nhãn thanh tịnh.

Đại Bồ-tát Thường Đề nghe pháp ấy rồi tâm rất vui mừng phấn khởi nói rằng:

–Hôm nay ta đạt lợi ích tối thượng là nhờ nhân duyên cầu Bátnhã ba-la-mật-đa, nên được nghe Thiện tri thức nói về các Đức Như Lai không có đến đi. Ta đã được viên mãn thiện căn như thế, quyết định không còn thoái chuyển Vô thượng Bồ-đề. Nói rồi sắc thái phấn chấn phi thân vào không trung cao khoảng bảy cây Đa-la. Ở nơi ấy nghĩ rằng: “Giờ ta biết lấy đâu ra những loại hương thơm, hoa đẹp để cúng dường Đại Bồ-tát Pháp Thượng? Hiểu được ý nghĩ của vị ấy, trời Đế Thích liền đem hoa Mạn-đà-la đến dâng.” Thiên chủ nói:

–Thiện nam! Ông nên đem loài hoa quý này cúng dường Đại Bồ-tát Pháp Thượng. Vì lợi ích cho vô lượng chúng sinh, tôi xin giúp ông toại nguyện.

Nhận hoa của Đế Thích xong, Thường Đề tung lên cúng dường Đại Bồ-tát Pháp Thượng, rồi chắp tay thưa:

–Bạch Đại sĩ! Từ nay con đem thân này phụng thờ, hầu hạ, cúng dường ông. Phát nguyện rồi, từ không trung bước xuống đứng trước Bồ-tát.

Lúc ấy, cô gái con trưởng giả và năm trăm người hầu hạ đều thưa với Thường Đề:

–Chúng tôi đem thân mình và năm trăm cỗ xe để hầu cận cung cấp cúng dường ông. Nguyện đời đời sinh ra nơi nào đều được tao ngộ với ông và cùng với ông trồng căn lành, cùng ông gần gũi cúng dường các Đức Phật, các Bồ-tát. Giờ tôi dâng thân mình xin ông thọ nhận.

Bồ-tát Thường Đề hỏi cô gái con trưởng giả và mọi người:

–Các người thành tâm dâng cho tôi, nhưng những việc tôi làm mọi người phải đồng ý thì tôi mới nhận.

Tất cả đồng nói:

–Chúng tôi thành tâm dâng cho ông, những gì ông làm chúng tôi đều chấp thuận.

Nhận lời các cô gái xong, Bồ-tát Thường Đề thưa với Đại Bồtát Pháp Thượng:

–Cô gái con trưởng giả và năm trăm người hầu cho đến năm trăm chiếc xe báu này, con dâng lại cho Bồ-tát xin Bồ-tát tiếp nhận.

Khi ấy trời Đế Thích khen Đại Bồ-tát Thường Đề:

–Hay thay, hay thay! Bồ-tát vui vẻ hành pháp xả như thế quả thật hiếm có. Bồ-tát nào xả được như thế thì sẽ mau thành tựu Vô thượng Bồ-đề, đạt Bát-nhã ba-la-mật-đa và phương tiện thiện xảo.

Thiện nam! Thuở xưa khi các Đức Phật còn là Bồ-tát, việc cầu Bát-nhã ba-la-mật-đa và hành pháp xả của các vị ấy cũng như Bồtát hôm nay không khác.

Khi ấy, vì muốn Bồ-tát Thường Đề thành tựu thiện căn nên Đại Bồ-tát Pháp Thượng tiếp nhận lễ vật rồi trao lại cho vị ấy.

Chiều hôm sau, sau buổi thuyết pháp Bồ-tát Pháp Thượng đi vào nội cung.

Bồ-tát Thường Đề nghĩ: “Vì cầu pháp ta phải tinh tấn trong hai động tác đứng và đi, đợi lúc Đại Bồ-tát Pháp Thượng trở lại đăng tòa thì ta sẽ tiếp nhận chánh pháp sâu xa.”

Lúc ấy, Đại Bồ-tát Pháp Thượng nhập định Bát-nhã ba-la-mậtđa và vô số định của hàng Bồ-tát trải qua bảy năm. Trong thời gian ấy, Đại Bồ-tát Thường Đề chỉ có đi, đứng và nghĩ rằng: “Bao giờ Đại Bồ-tát Pháp Thượng mới xuất định trở lại pháp tòa để ta được nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa, chứ không đoái hoài đến việc ngồi, nằm, ăn uống, mỏi mệt….”

Cũng khoảng thời gian ấy, cô gái con trưởng giả và năm trăm người hầu học theo Bồ-tát Thường Đề, chỉ có đi đứng nhất tâm đợi vị ấy xuất định, không đoái hoài đến việc ngồi, nằm, ăn uống, mỏi mệt.

Trong lúc mọi người dùng tâm mến mộ pháp chuyên cần tinh tấn chợt nghe trong không trung có tiếng bảo: “Sau bảy ngày Bồtát Pháp Thượng mới xuất định.” Nghe như thế Bồ-tát Thường Đề rất vui mừng phấn khởi, rồi cùng cô gái con trưởng giả và năm trăm người hầu dùng các vật báu trang sức pháp tòa. Cô cùng mọi người cởi chiếc áo tốt để xếp lên làm tòa cho Bồ-tát Pháp Thượng, còn Bồ-tát Thường Đề thì đi khắp nơi tìm nước về rưới đất. Bấy giờ, chúng ma che giấu những nơi có nước. Chúng nghĩ: “Bồ-tát Thường Đề tìm nước không có thì sẽ buồn khổ, tâm buồn khổ nên thoái chuyển tâm đạo và căn lành không tăng trưởng.” Biết được cảnh tượng đó là do oai lực của ma. Bồ-tát Thường Đề nghĩ: “Ta nên tự cắt thân để lấy máu, rưới đất xung quanh pháp tòa.” Vì sao? Vì xung quanh chỗ ngồi bụi bậm dơ bẩn. Vả lại, để cầu pháp vô thượng, giả sử cần phá đến thân mình ta có tiếc gì. Thiết nghĩ từ nhiều kiếp về trước do nhân duyên ái dục mà ta phải thọ nhận sinh tử trôi lăn trong sáu đường, những việc làm ấy hoàn toàn không có lợi ích, nhưng ta chưa từng xả thân vì chánh pháp. Thế nên hôm nay ta phải tinh tấn.

Nghĩ vậy rồi, Bồ-tát Thường Đề cầm dao bén rạch thân để lấy máu rưới đất. Cô gái con Trưởng giả và năm trăm người hầu theo học Bồ-tát Thường Đề nên cũng làm theo như vậy. Bồ-tát Thường Đề, cô gái và mọi người rất dũng mãnh kiên cố, sau khi thực hiện việc này thiện căn càng tăng trưởng nên ma ác không thể quản thúc.

Lúc ấy, trời Đế Thích nhờ Thiên nhãn thấy sự việc như vậy, nghĩ rằng: Đại Bồ-tát Thường Đề rất là hiếm có, phát đại dũng mãnh mặc áo giáp kiên cố không tiếc thân mình, phát đại tinh tấn vì cầu pháp, vì muốn thành tựu Vô thượng Bồ-đề để độ chúng sinh thoát nỗi khổ luân hồi. Nghĩ rồi trời Đế Thích liền làm cho vùng đất rưới máu biến thành nước hương Chiên-đàn màu đỏ và đất khắp một trăm do-tuần đều trở thành hương Chiên-đàn.

Đế Thích lại khen ngợi Bồ-tát Thường Đề:

–Lành thay, lành thay! Thiện nam! Vì cầu pháp vô thượng nên Bồ-tát phát đại tinh tấn. Các Đức Phật thời quá khứ, khi còn ở quả vị Bồ-tát các vị ấy cũng đã thực hiện những việc như hôm nay của Bồtát.

Khi ấy, Bồ-tát Thường Đề lại nghĩ: “Lúc Đại Bồ-tát Pháp Thượng thăng tòa thuyết pháp, ta không có hương hoa thì lấy gì để cúng dường?” Hiểu được ý nghĩ của vị ấy, trời Đế Thích liền dâng lên một ngàn hộc hoa Mạn-đà-la. Nhận hoa xong, Bồ-tát cùng mọi người phân lấy một nửa rải bên pháp tòa.

Bảy ngày đã trôi qua, Đại Bồ-tát Pháp Thượng xuất định đến ngồi trên pháp tòa, cùng vô số chúng hội cung kính vây quanh. Trông thấy Đại Bồ-tát Pháp Thượng, Bồ-tát Thường Đề rất vui mừng, ví như Bí-sô đạt thiền thứ ba, liền đem số hoa còn lại dâng lên cúng dường vị ấy. Pháp cúng dường được tiến hành xong, ông chắp tay lắng nghe tiếp nhận chánh pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Lúc ấy, Đại Bồ-tát Pháp Thượng nhân nơi Bồ-tát Thường Đề, nói với chúng hội rằng:

–Quý vị nên biết Bát-nhã ba-la-mật-đa được ví như tất cả pháp bình đẳng, tất cả pháp xa lìa, tất cả pháp không động, tất cả pháp không niệm, tất cả pháp vô úy, tất cả pháp vô vị, tất cả pháp vô biên, tất cả pháp không sinh, tất cả pháp không diệt, hư không vô biên, biển cả vô biên, núi Tu-di trang nghiêm, hư không không phân biệt; sắc, thọ, tưởng, hành, thức vô biên; địa, thủy, hỏa, phong, không, thức đại vô biên; pháp kim cang dụ bình đẳng, tất cả pháp không phân biệt, tất cả pháp không thể nắm bắt, tất cả pháp bình đẳng không tánh, tất cả pháp không hoại, tất cả pháp không thể nghĩ bàn.

Khi nghe pháp ấy, tại pháp hội Bồ-tát Thường Đề được thể nhập các định như: Định nhất thiết pháp bình đẳng, định Nhất thiết pháp ly, định Nhất thiết pháp không động, định Nhất thiết pháp vô niệm, định Nhất thiết pháp vô úy, định Nhất thiết pháp vô vị, định Nhất thiết pháp vô biên, định Nhất thiết pháp vô sinh, định Nhất thiết pháp vô diệt, định Hư không vô biên, định Núi Tu-di trang nghiêm, định Hư không không phân biệt; định Sắc, thọ, tưởng, hành, thức vô biên; định Địa, thủy, hỏa, phong, không, thức đại vô biên; định Kim cương pháp dụ bình đẳng, định Nhất thiết pháp không phân biệt, định Nhất thiết pháp vô sở đắc, định Nhất thiết pháp bình đẳng vô tánh, định Nhất thiết pháp vô hoại, định Nhất thiết pháp không thể nghĩ bàn. Đại Bồ-tát Thường Đề thể nhập gồm sáu vạn môn định và bằng định lực ấy, được thấy vô số Đức Phật trong hằng hà sa tam thiên thế giới khắp mười phương. Các vị đều dùng những danh tự, văn pháp tuyên thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa cho đại chúng Thanh văn, Bồ-tát và trời, người, như Đại Bồ-tát Pháp Thượng hiện trong hội này.

Bấy giờ, Đức Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Như ta vừa nói, Đại Bồ-tát Thường Đề chuyên cần cầu Bátnhã ba-la-mật-đa bằng nhiều phương tiện với tinh tấn kiên cố, vị ấy được nghe pháp này nơi Bồ-tát Pháp Thượng và được thể nhập các môn định. Khi xuất định vị ấy liền đạt thông tuệ, như nước biển cả sâu rộng không cùng, hiện đời thường được thấy Phật, đời đời sinh ở cõi các Đức Phật, không rời một khoảnh khắc.

Tu-bồ-đề! Ông nên biết, người cầu Bát-nhã ba-la-mật-đa có những công đức và lợi ích như thế. Bởi vậy, những Đại Bồ-tát ở trong chánh pháp của ta, vị nào muốn cầu Bát-nhã ba-la-mật-đa thì nên cầu như vị ấy.