SỐ 202
KINH HIỀN NGU
Hán dịch: Đời Nguyên Ngụy, xứ Kinh châu, quận Cao xương,
Sa-môn Tuệ Giác và các vị khác cùng dịch.

Việt dịch:  Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh.

 

QUYỂN 5

Phẩm 30: TÁN ĐÀN NINH

Tôi nghe như thế này:

Thuở nọ, Đức Phật ở tại khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn cùng các đệ tử một ngàn hai trăm năm mươi người hội về đó. Lúc ấy, trong nước có năm trăm đứa trẻ ăn xin, thường theo Đức Phật và chúng Tăng xin ăn để sống, trải qua nhiều năm, chán nản, suy nghĩ: “Lũ chúng ta tuy nương nhờ phước báo của chư Tăng được kéo dài mạng sống mà việc khổ cứ càng nhiều, ngày nay chúng ta thà rằng theo Đức Phật cầu xin xuất gia.” Chúng bèn cùng nhau đi đến chỗ Phật và đồng thưa với Phật:

– Đức Như Lai ra đời rất là khó gặp, chúng con sinh ở nơi hạ tiện, nhờ ân cao cả cứu giúp thân mạng. Chúng con ham muốn được xuất gia, kính mong Thế Tôn, việc ấy có được hay không? Bấy giờ Đức Thế Tôn nói với bọn trẻ ăn xin:

– Pháp của Ta thanh tịnh, không có phân biệt sang hèn. Thí như nước sạch dùng rửa các thứ bất tịnh, dù sang hay hèn, tốt hoặc xấu, nam hay nữ, nước có thể rửa cả không thứ chi chẳng sạch. Lại cũng giống như lửa, đến nơi nào, thì núi sông vách đá, tất cả vạn vật có trong trời đất đều bị nó thiêu cháy cả. Giáo pháp của Ta cũng như hư không, trai gái lớn nhỏ, giàu nghèo sang hèn, ai cũng có thể vào được.

Bấy giờ bọn trẻ ăn xin nghe Đức Phật nói thế đều vui mừng, lòng tin mạnh lên gấp bội, thành tâm hướng về Đức Phật cầu xin nhập  đạo. Đức Thế Tôn bảo:

– Thiện lai Tỳ-kheo! Tóc xanh rơi rụng, pháp y mặc trên thân, trở thành h́nh tướng Sa-môn. Đức Phật vì họ thuyết pháp tâm khai ý giải, dứt hết các lậu, thành A-la-hán. Lúc đó các trưởng giả, thứ dân trong nước… hay tin Đức Phật cho những đứa ăn mày xuất gia nhập đạo, đều khởi lòng khinh mạn mà nói rằng:

– Tại sao Như Lai nhận những đứa trẻ ăn xin hạ tiện đứng vào trong hàng Tăng chúng. Chúng ta có làm việc phước, thỉnh Phật và chúng Tăng cúng dường trai phạn, làm sao có thể khiến cho bọn hạ tiện này ngồi trên giường chiếu của nhà ta và dùng những thức ăn của ta.

Bấy giờ thái tử Kỳ-đà sửa soạn trai phạn cúng dường thỉnh Đức Phật và chúng Tăng, bèn sai người đến bạch Phật:

– Kính mong Đức Thế Tôn chứng minh thọ nhận con thỉnh mời cùng với chư Tỳ-kheo Tăng.

Nhân tiện thái tử bạch Phật:

– Những đứa trẻ ăn mày vừa làm Tỳ-kheo, chúng con không thỉnh, xin chớ đi đến. Đức Phật bèn nhận lời thỉnh. Giờ cơm ngày mai Đức Phật và chúng Tăng đã được cung thỉnh. Đức Phật bảo các đứa trẻ ăn mày Tỳ- kheo:

– Hôm nay Ta và chư Tăng được thỉnh đi phó trai, các người không có được mời nên đừng đến, hãy đi đến xứ Uất-đa-la-việt lấy lúa tẻ chín tự nhiên rồi trở về (nhà) cùng thái tử theo thứ tự mà ngồi ăn thứ gạo lúa tẻ ấy.

Bấy giờ chư Tỳ-kheo theo lời dạy liền dùng Thần túc thông của La-hán bay đến thế giới đó mỗi người tự lấy đầy bát trở về, giữ gìn oai nghi theo thứ tự từ trên hư không mà hạ xuống, giống như đàn chim nhạn bay đến vương cung của thái tử Kỳ-đà, theo thứ tự ngồi nghiêm chỉnh và dùng thức ăn ấy.

Bấy giờ thái tử trông thấy chúng Tỳ-kheo uy nghi tiến chỉ, thần thông phúc đức, tâm vui mừng cung kính khen ngợi chưa từng có mà bạch Phật:

– Bạch Đức Thế Tôn, các vị Hiền thánh Đại đức này từ đâu đến  mà uy thần to lớn, đầy đủ các tướng rất đáng kính phục. Kính mong Như Lai vì con nói về những vị này, nhân duyên ngọn ngành như thế nào?

Đức Phật bảo:

– Này Kỳ-đà, nếu ông muốn biết, vậy hãy khéo lắng nghe suy nghĩ, Ta sẽ vì ông mà nói. Các Tỳ-kheo này, chính ngày hôm qua ông không chịu thỉnh, Ta và chúng Tăng muốn họ đến để được thái tử mời. Các Tỳ-kheo này vì không được thỉnh, nên đã đi qua xứ Uất-đa-la-việt lấy gạo lúa tẻ tự nhiên về dùng đấy.

Bấy giờ thái tử Kỳ-đà nghe nói như thế, ôm lòng xấu hổ, buồn rầu tự than:

– Con bị ngu si che đậy mất, không phân biệt được sáng tối.

Lại nói:

– Công đức Thế Tôn thật khó nghĩ bàn, ngày nay được thọ pháp hóa thấm nhuần, hiện đời được thân phước an lạc, lại mãi mãi kiếp sau đạt được vô vi an lạc. Như Lai ngày nay sở dĩ đến đây chỉ vì những đứa trẻ này không ngoài việc gì khác. Những vị này kiếp trước gieo trồng hạnh lành gì, tu công đức gì mà đời này gặp được Thế Tôn đặc biệt tế độ. Lại tạo lỗi gì mà từ khi sinh ra đến nay phải chịu đi ăn mày khốn khổ đến thế? Kính mong Thế Tôn từ mẫn chỉ bày cho con thấy được điều ấy.

Đức Phật bảo:

– Nếu ông muốn biết nên khéo lắng nghe, Ta sẽ vì ông mà giải nói đầy đủ ngọn ngành việc ấy.

Thái tử nói:

– Dạ, con xin lắng nghe!

Bấy giờ Đức Thế Tôn nói:

– Này Kỳ-đà, trong quá khứ lâu xa vô lượng vô số không thể nghĩ bàn a-tăng-kỳ kiếp, ở cõi Diêm-phù-đề này có một nước lớn tên Ba-la-nại. Trong nước có một ngọn núi tên Lợi sư (Tần dịch là Tiên Sơn). Chư Phật thuở xưa thường ở trong núi này, nếu lúc không có Phật thì có Bích-chi-phật trụ trong núi đó, giả sử lúc không có Bích-chi-phật thì có các vị đệ tử của các bậc Tiên nhân ngũ thông, cũng nương nơi ấy, không bao giờ để trống. Bấy giờ trong núi có hơn hai ngàn vị Bích-chi-phật thường ở trong núi đó. Khi ấy trong nước có Hỏa tinh  xuất hiện là điềm tai ương xấu, sao này đã hiện trong hai mươi năm, trong nước hạn hán không có trời mưa, trồng tỉa không được, toàn dân đói khát.

Lúc đó trong nước có một vị trưởng giả tên Tán-đà-ninh, nhà ông giàu có, của cải lúa thóc vô lượng, thường cúng dường cho các đạo sĩ. Bấy giờ có một ngàn Đại sĩ đi đến nhà ông, xin được cúng dường, nói:

– Chúng tôi ở trong núi đó, gặp lúc nước bị hạn hán, khất thực không được, nếu trưởng giả có thể cúng dường thì chúng tôi ở lại đây, nếu không thể cúng thí nổi thì chúng tôi đi đến nơi khác.

Khi ấy vị trưởng giả liền hỏi thủ kho:

– Hôm nay trong kho của ta có đủ gạo cúng dường các Đại sĩ này không? Ta muốn thỉnh họ.

Người giữ kho nói:

– Xin cứ thỉnh, có đủ lương thực đủ để cúng dường. Vị trưởng giả liền thỉnh một ngàn vị Bích-chi-phật cúng dường trai phạn. Hôm sau lại có một ngàn người xấu khác cũng đến nhà ông muốn được cúng dường, vị trưởng giả lại hỏi người giữ kho:

– Anh xem trong kho lương thực còn nhiều ít, có thể một ngàn vị nữa muốn được cúng dường có thể đủ hay không? Người giữ kho nói:

– Lương thực có đầy đủ, nếu muốn thiết trai cúng dường, ngài cứ hợp thời mà thỉnh.

Lúc đó, vị trưởng giả bèn thỉnh những vị ấy, sai năm trăm người lo việc cúng dường trai phạn, những người lo công việc cơm nước trải qua nhiều ngày, trong lòng bèn sinh mệt mỏi, chán nản nói:

– Chúng ta đã quá cực nhọc đều do những người nhỏ ăn xin này. Bấy giờ vị trưởng giả bảo gia nhân đi mời, hãy nuôi một con chó, lúc đi mời cũng dẫn nó theo, cứ hàng ngày như thế. Một hôm, người này bỗng quên đã đến giờ đi mời, đến giờ, con chó một mình đi đến các chỗ thường đến, hướng các Đại sĩ cất tiếng sủa to. Các vị Bích-chi-phật nghe tiếng chó sủa liền biết có người đến thỉnh, liền sửa soạn đi đến nhà trưởng giả đúng như pháp thọ trai và nhân đó nói:

– Trưởng giả, hôm nay trời mưa, ông nên trồng cấy. Vị trưởng giả nghe lời liền sai gia nô đem nông cụ ra đồng cày  ruộng trồng tỉa các thứ ngũ cốc, tiểu mạch, đại mạch… Trải qua một thời gian, các thứ gieo trồng nảy sinh ra những quả bầu. Trưởng giả thấy kỳ lạ hỏi, các Đại sĩ nói:

– Việc này đừng lo, chỉ nên lo vun tưới. Như lời các Đại sĩ, họ siêng năng vun bón tưới nước. Thời gian sau, các quả bầu to lớn, liền bổ nó ra xem thì thấy các thứ ngũ cốc đầy ắp trong đó. Vị trưởng giả rất vui mừng, cả nhà lo kho vựa tích trữ đầy ắp. Trong thân tộc, người cả nước thảy đều được nhờ. Lúc bấy giờ năm trăm người gia nô nói với nhau:

– Hôm nay thu hoạch được tốt như vậy đều do ân đức của các Đại sĩ. Trước đây chúng ta đối với những vị ấy nói lời xấu ác, bây giờ nên đến trước các vị ấy thỉnh cầu xin sám hối. Những Đại sĩ nghe xong đều hỷ xả cả. Họ sám hối xong lại còn đứng lên thệ rằng: “Nguyện chúng con kiếp sau sinh ra gặp được Hiền thánh, mong được giải thoát.” Vì thế trong năm trăm kiếp họ thường phải chịu làm thân ăn mày, nhân họ được sám hối và thệ nguyện, nên nay gặp Ta và được độ thoát. Thái tử nên biết, Đại phú Tán-đà-ninh kiếp xưa chẳng ai khác lạ, chính là Ta đây, người giữ kho tàng nay là ông Tu-đạt, người hàng ngày đến giờ đi thỉnh mời các đại sĩ nay là vua Ưu-điền. Còn con chó vì có tiếng sủa báo tin, đời đời được tiếng hay, chính nay là trưởng giả Mỹ Âm vậy. Còn năm trăm người gia nô phục dịch công tác cơm nước nay là năm trăm vị A-la-hán này đây.

Bấy giờ thái tử Kỳ-đà và toàn thể hội chúng nghe Đức Phật nói về tiền kiếp như thế cảm niệm ân đức của Đức Phật khắc ghi trong lòng, chuyên cần tinh tấn, có người khởi tâm hướng cầu Phật đạo, người người tinh tấn, cầu đạt bản tâm, vui mừng đảnh lễ phụng hành.