SỐ 223
KINH MA-HA BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT
Hán dịch: Pháp sư Cưu-ma-la-thập
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 8

Phẩm 30: BA LẦN KHEN NGỢI

Bấy giờ, các Thiên vương và các vị trời, các Phạm vương và các Phạm thiên, các Thần tiên và các Thiên nữ đồng thời ba lần khen ngợi:

–Hay thay, hay thay! Pháp của Đại đức Tu-bồ-đề giảng nói đều do nhân duyên, do ân lực của Đức Phật ra đời ban bố giáo pháp này.

Nếu có Đại Bồ-tát nào thực hành chẳng xa lìa Bát-nhã ba-lamật này, thì chúng tôi xem vị đó như Đức Phật.

Vì sao? Vì trong Bát-nhã ba-la-mật này dầu không có pháp nào thật có, từ sắc cho đến Nhất thiết chủng trí, nhưng có giáo pháp ba thừa, tức là Thanh văn thừa, Bich-chi Phật thừa và Phật thừa.

Phật dạy:

–Đúng vậy, này các Thiên tử! Như lời của các vị nói: Trong Bát-nhã ba-la-mật này dầu không có pháp nào thật có, từ sắc cho đến Nhất thiết chủng trí, nhưng có giáo pháp ba thừa: Thanh văn thừa, Bích-chi-phật thừa và Phật thừa.

Này các Thiên tử! Nếu có Đại Bồ-tát thực hành Bátnhã ba-lamật này mà chẳng lìa thì nên xem như Đức Phật, vì không thật có vậy. Vì sao?

Trong Bát-nhã ba-la-mật nói rộng về giáo pháp ba thừa: Thanh văn thừa, Bích-chi-phật thừa và Phật thừa. Trong Bố thí bala-mật, Phật không thật có. Rời Bố thí ba-la-mật, Phật cũng không thật có.

Cho đến Nhất thiết chủng trí, Phật không thật có, lìa Nhất thiết chủng trí, Phật cũng không thật có.

Này các Thiên tử! Nếu Đại Bồ-tát học tất cả pháp này, thì từ Bố thí ba-la-mật cho đến Nhất thiết chủng trí, vì việc trên đây nên xem vị ấy như Phật.

Này Thiên tử! Thuở xưa, vào thời Phật Nhiên Đăng, ở đầu ngã tư đường trong thành Hoa nghiêm, ta được thấy Phật và nghe pháp, liền chẳng lìa công hạnh Bố thí ba-la-mật cho đến chẳng lìa công hạnh Bát-nhã ba-la-mật; chẳng lìa nội không cho đến vô pháp hữu pháp không; chẳng lìa bốn Niệm xứ đến tám phần Thánh đạo; chẳng lìa bốn Thiền, bốn Tâm vô lượng, bốn Vô sắc định; chẳng lìa tất cả môn Tam-muội, tất cả môn Đà-la-ni; chẳng lìa bốn Vô sở úy, mười Lực, bốn Vô ngại trí, mười tám pháp Bất cộng; chẳng lìa đại Từ, đại Bi và vô lượng Phật pháp khác, vì không thật có.

Bấy giờ, Đức Phật Nhiên Đăng thọ ký cho ta, qua một atăngkỳ kiếp ở vị lai, sẽ thành Phật hiệu là Thích-ca Mâu-ni Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.

Các vị trời thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn! Rất là ít có, Bát-nhã ba-la-mật này có công năng làm cho các Đại Bồ-tát được trí Nhất thiết, vì từ sắc đến Nhất thiết chủng trí chẳng thủ, chẳng xả.

Bấy giờ, Đức Phật nhìn khắp hội chúng các Tỳ-kheo, Tỳkheoni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, các Đại Bồ-tát, các Thiên vương, các Phạm vương và các Thiên tử, Thiên nữ. Nhìn khắp hội chúng xong, Đức Phật bảo trời Đế thích:

–Này Kiều-thi-ca! Hoặc Đại Bồ-tát, hoặc bốn chúng, hoặc các Thiên tử, Thiên nữ, nếu ai nghe, thọ trì, đọc tụng, gần gũi, giảng nói, nhớ nghĩ Bát-nhã ba-la-mật này, chẳng rời tâm của Nhất thiết trí thì các loài ma chẳng phá hoại được.

Vì sao? Vì thiện nam, thiện nữ này biết rõ sắc không cho đến Nhất thiết chủng trí là không. Không chẳng thể phá hoại không, vô tướng chẳng thể phá hoại vô tướng, vô tác chẳng thể phá hoại vô tác.

Vì sao? Vì các pháp này tự tánh, tự tướng không thật có cho nên không việc gì phá hoại được thì đâu có ai chịu não hại! Lại nữa, này Kiều-thi-ca! Thiện nam và thiện nữ này, các người, chẳng phải người không thể hại được.

Vì sao? Vì thiện nam và thiện nữ này, đối với tất cả chúng sinh khéo tu tâm Từ, Bi, Hỷ, Xả, vì không thật có.

Lại nữa, này Kiều-thi-ca! Thiện nam và thiện nữ này không bao giờ bị chết bất ngờ.

Vì sao? Vì thiện nam và thiện nữ này thực hành Bố thí balamật, đối với tất cả chúng sinh đều dùng tâm bình đẳng mà cung cấp.

Lại nữa, này Kiều-thi-ca! Trong tam thiên đại thiên thế giới, các Thiên vương, các Phạm vương và các Thiên tử, các Thiên nữ, có ai phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác mà chưa nghe Bát-nhã ba-la-mật này và chưa thọ trì, gần gũi thì vị trời ấy nay phải nghe, thọ trì, gần gũi, đọc tụng, chánh nhớ nghĩ, chẳng lìa tâm của Nhất thiết trí.

Lại nữa, này Kiều-thi-ca! Các thiện nam và thiện nữ nghe Bátnhã ba-la-mật rồi thọ trì, gần gũi, đọc tụng, chánh nhớ nghĩ, chẳng lìa tâm của Nhất thiết trí, thì hoặc ở nhà vắng, hoặc ở núi rừng, hoặc ở chỗ đông người không bao giờ có sự kinh sợ.

Vì sao? Vì các thiện nam và thiện nữ này biết rõ nội không, biết rõ ngoại không, cho đến biết rõ vô pháp hữu pháp không, vì không thật có.

Các vị trời bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Các thiện nam và thiện nữ thọ trì Bátnhã ba-la-mật và gần gũi, đọc tụng, chánh nhớ nghĩ, chẳng lìa tâm của Nhất thiết trí, thì các vị trời chúng tôi sẽ thường che chở người đó.

Vì sao? Bạch Đức Thế Tôn! Vì nhân duyên của Đại Bồ-tát nên dứt được ba đường ác, dứt được sự nghèo cùng của trời, người, dứt được các tai hoạn, tật bệnh, đói khát.

Vì Đại Bồ-tát làm nhân duyên nên có mười nghiệp lành xuất hiện ở thế gian, và cũng xuất hiện ở bốn Thiền cho đến Nhất thiết chủng trí.

Vì Đại Bồ-tát làm nhân duyên nên thế gian mới có những nhà đại tộc, những dòng họ tôn quý và Chuyển luân thánh vương cùng các vị trời từ Tứ vương cho đến trời Sắc cứu cánh.

Vì Đại Bồ-tát làm nhân duyên nên có quả xuất thế Tuđà-hoàn cho đến đạo Bích-chi-phật.

Vì Đại Bồ-tát làm nhân duyên nên có thành tựu chúng sinh, thanh tịnh cõi Phật mà có chư Phật xuất hiện ở thế gian, mà có chuyển pháp luân, mà biết có Phật bảo, Pháp bảo và Tỳ-kheo Tăng bảo.

Bạch Đức Thế Tôn! Do nhân duyên trên đây nên tất cả thế gian, các vị trời, người và A-tu-la phải che chở vị Đại Bồtát này.

Phật dạy:

–Đúng vậy, này các Thiên tử! Vì Đại Bồ-tát làm nhân duyên mà dứt ba đường ác cho đến có Tam bảo xuất hiện trên thế gian. Vì thế nên các vị trời, người, A-tu-la phải thường che chở, cúng dường cung kính, tôn trọng khen ngợi vị Đại Bồtát này.

Này các Thiên tử! Cúng dường kính trọng Đại Bồ-tát này tức là cúng dường Phật.

Này các Thiên tử! Ví như trong cõi tam thiên đại thiên, hàng Thanh văn và Bích-chi-phật đông đúc như rừng rậm, lúa mè, tre lau, có thiện nam, thiện nữ cúng dường, cung kính khắp tất cả các vị ấy cũng không bằng phước đức cúng dường, kính trọng vị Đại Bồ-tát mới phát tâm chẳng lìa sáu pháp Bala-mật.

Vì sao? Vì chẳng do Thanh văn và Bích-chi-phật làm nhân duyên nên có Đại Bồ-tát và chư Phật ra đời, mà do Đại Bồtát làm nhân duyên nên có Thanh văn, Bích-chi-phật và chư Phật xuất hiện ở thế gian.

Cho nên, này Kiều-thi-ca! Tất cả thế gian, các vị trời, người và A-tu-la phải thường che chở, cúng dường, cung kính, tôn trọng khen ngợi vị Đại Bồ-tát này.