KINH KHỞI THẾ NHÂN BỔN
Hán dịch: Sa-môn Đạt-ma-cấp-đa, người Thiên Trúc, đời Tùy
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 3: CHUYỂN LUÂN VƯƠNG

Chư Tỳ-kheo, trong châu Diêm-phù, khi Chuyển luân vương ra đời, thì ngay nơi cõi Diêm-phù ấy tự nhiên có đầy đủ bảy thứ quý báu. Vị Chuyển luân vương ấy lại có bốn thứ năng lực thần thông. Bảy thứ quý báu ấy là gì? Một là bánh xe vàng báu, hai là voi trắng báu, ba là ngựa báu màu xanh biếc, bốn là ngọc thần báu, năm là ngọc nữ báu, sáu là chủ kho tàng báu, bảy là tướng lĩnh báu. Đó là bảy thứ báu.

Chư Tỳ-kheo, thế nào là Chuyển luân thánh vương có đầy đủ bánh xe vàng báu? Chư Tỳ-kheo, Chuyển luân thánh vương ấy xuất hiện ở cõi Diêm-phù-đề, dùng nước rưới đầu, làm Sát-đế-lợi. Vào ngày chay tịnh, ngày rằm trăng tròn, nhà vua gội đầu, mặc áo lông trắng thẳng nếp, xõa tóc rũ xuống, trang sức bằng ngọc Ma-ni và các Anh lạc; ở trên lầu gác, quyến thuộc quần thần, vây quanh sau trước. Khi ấy, trước vua, tự nhiên có bánh xe báu bằng vàng trời, có ngàn tăm, trục, vành, các bộ phận đầy đủ, hiện đến, chẳng phải do thợ làm thành; đường kính bánh xe bằng bảy khuỷu tay. Bấy giờ Chuyển luân thánh vương quán đảnh Sát-đế-lợi nghĩ thế này: “Khi xưa ta từng nghe nói thế này: Nếu có vua quán đảnh Sát-đế-lợi vào ngày chay tịnh, ngày rằm trăng tròn, gội đầu, mặc y phục bằng lông trắng thẳng nếp, mang các Anh lạc, ở trên lầu gác, quyến thuộc, quần thân sau trước vây quanh thì khi ấy trước vua tự nhiên có bánh xe báu bằng vàng trời, có ngàn tăm, trục vành, các bộ phận đầy đủ, hiện đến, chẳng phải do công thợ, toàn bằng màu vàng, đường kính bằng bảy khuỷu tay. Khi có điềm này thì vua đã thành tựu đức của Chuyển luân vương. Nay ta nhất định xứng đáng là Chuyển luân vương”. Bấy giờ Chuyển luân vương quán đảnh Sát-đế-lợi muốn thử bánh xe báu kia, liền ra lệnh trang bị bốn loại binh chủng là tượng binh, mã binh, xa binh, bộ binh. Bốn binh chủng đã trang bị xong, nhà vua liền đi đến bên bánh xe vàng. Đến nơi, để lộ cánh tay phải, đầu gối quỳ xuống đất, ở trước bánh xe vàng, dùng tay phải vỗ bánh  xe báu và nói thế này: “Này bánh xe báu! Nay nếu ta là Chuyển luân vương thì hãy vì ta mà hàng phục những vùng đất chưa hàng phục”. Bánh xe báu tức thời chuyển bánh để hàng phục các nơi chưa hàng phục.

Chư Tỳ-kheo, khi ấy, vua quán đảnh Sát-đế-lợi đã thấy bánh xe vàng báu kia chuyển động, liền trang bị xa giá đi về hướng Đông. Bánh xe báu kia và bốn loại binh chủng: tượng, mã…cùng lúc đi theo.

Chư Tỳ-kheo, trước và sau bánh xe báu, lại có bốn vị đại thiên đi kèm. Địa phương nào mà bánh xe báu kia đến dừng nghỉ thì Chuyển luân vương và bốn loại binh chủng tượng, mã…cũng đều dừng lại nghỉ tại nơi ấy. Lúc bấy giờ tất cả các vị Quốc vương ở phương Đông đều lấy bát vàng đựng đầy cơm bạc, hoặc lấy bát bạc đựng đầy cơm vàng. Làm như vậy đầy đủ rồi, cùng đi đến trước chỗ Chuyển luân vương. Đến nơi, họ tâu với Chuyển luân vương: “Tâu đại vương, ngài đến đây thật quí hóa! Đây là thiên vật (xin dâng ngài)! Nhân dân phương Đông này giàu có, an lạc, không có sợ sệt; nhân dân đông đúc, thật rất dễ thương. Cúi xin Đại thiên xót thương thọ nhận! Xin lân mẫn, chúng thần tuân mệnh phụng sự thiên vương, quyết không thay lòng đổi dạ”. Khi ấy Chuyển luân vương bảo các vua: “Các ông nếu đã thành tâm như vậy thì các ông ở trong quốc độ của mình hãy trị hóa đúng như pháp. Vì sao? Vì nếu các ông để cho trong quốc độ của mình có những điều ác phi pháp xảy ra thì ta sẽ trị tội các ông. Nay ta ra lệnh cho các ông phải chấm dứt sát sanh, và dạy cho dân chúng không sát sanh, không lấy vật không cho, không tà dâm, không nói dối… không tà kiến. Nếu các ông chấm dứt sát sanh, không lấy vật không cho, không tà dâm, nói lời chân thật, chánh kiến thì ta biết là các ông và đất nước các ông đã hàng phục”. Bấy giờ, các Quốc vương ở phương Đông nghe Chuyển luân vương dạy như vậy rồi, cùng lúc đồng thọ nhận mười nghiệp thiện; thọ nhận rồi làm theo. Mỗi quốc độ đều như pháp trị hóa. Vì sự tự tại của Chuyển luân vương nên ngài đi đến chỗ nào, bánh xe báu đi theo đến đó. Bánh xe báu bằng vàng trời của Thánh vương đã hàng phục các quốc độ phương Đông như vậy rồi, đến bờ biển phương Đông du hành cùng khắp rồi quay về. Kế đến, lần lượt đi đến phương Nam, phương Tây, cho đến phương Bắc, y theo con đường Chuyển luân vương ngày xưa đã đi mà đi. Chuyển luân vương và bốn loại binh chủng khi dẫn nhau đi thì bánh xe báu này dừng lại chỗ nào thì ở ngay chỗ ấy, Chuyển luân vương và bốn loại binh chủng liền dừng lại chỗ đó. Bấy giờ tất cả các Quốc vương ở phương Bắc cũng đều mang bát bằng vàng trời đựng đầy cơm bạc; hoặc bát bằng bạc trời đựng đầy cơm vàng. đến nơi, quỳ thẳng, thưa: “Thiên vương đến đây, thật là vinh hạnh! Thiên vương đến đây, thật là vinh hạnh! Chúng tôi ở phương Bắc này trông chờ Thiên vương. Ở đây, nhân dân đông đúc, giàu có, an lạc, không gì lo sợ, thật là dễ mến. Xin Thiên vương ở lại trị hóa. Chúng tôi xin thần phục”. Chuyển luân vương liền dạy: “Nếu quả như vậy, các ông hãy tự trị hóa quốc độ của mình, nhất mực y theo giáo lệnh, đừng làm trái pháp. Vì sao? Vì đừng để cho trong quốc độ của ta có người phi pháp và kẻ làm ác. Lại nữa, các ông đừng sát sanh và dạy người không sát sanh, không lấy vật không cho, và việc tà dâm, nói dối cho đến tà kiến, các ông phải đoạn trừ. Nếu lìa sát sanh cho đến nếu thực hành chánh kiến, làm được như vậy thì ta biết là quốc độ của các ông đều đã hàng phục”. Các vị vua ấy cùng tâu với Chuyển luân vương: “Chúng tôi sẽ phụng hành đúng như lời Thiên vương dạy”. Bấy giờ các Quốc vương ở các phương Bắc nghe Chuyển luân vương dạy như vậy rồi đều tuân theo, thọ mười nghiệp thiện; thọ rồi thực hành, giữ đúng như pháp, y luật trị hóa. Do sức tự tại nên Chuyển luân vương đi đến chỗ nào, bánh xe báu theo đến nơi ấy. Bánh xe vàng này cứ như thế lần lượt hàng phục phương Bắc rồi, qua tới bờ biển Bắc, có bao quốc độ đều đi khắp biên giới, xong rồi

trở về. Bấy giờ, ở trong cõi Diêm-phù-đề, vua chọn lựa một địa điểm hùng vĩ nhất, đẹp đẽ nhất, sạch sẽ nhất cho bánh xe báu dừng lại chỗ đó. Chỗ ấy từ Đông sang Tây rộng bảy do-tuần; Nam sang Bắc ước chừng mười hai do-tuần. Đi được như vậy rồi, bấy giờ, vào ban đêm, chư Thiên đi xuống, tự nhiên vì Chuyển luân thánh vương tạo lập cung điện, hoàn thành tức thời. Khi đã hoàn thành, cung điện ấy rực rỡ, trang nghiêm, do bốn báu tạo thành, đó là vàng, bạc, pha lê, lưu ly cõi trời. Khi ấy bánh xe báu bằng vàng ròng cõi trời vì Thánh vương, đang ở cửa trong của cung điện vọt lên hư không, ung dung dừng lại như dính vào trục xe, không lay, không động. Ngay khi ấy Chuyển luân vương rất vui mừng, vô cùng phấn khởi nghĩ thế này: “Nay ta đã được bánh xe báu cõi trời rồi ư?”

Chư Tỳ-kheo, Chuyển luân thánh vương ấy có bánh xe báu bằng vàng trời, hoàn hảo tự nhiên, hình dáng là như thế. Chư Tỳ-kheo, Chuyển luân vương lại có voi báu màu trắng hoàn hảo như thế nào?

Chư Tỳ-kheo, Chuyển luân vương vào buổi sáng sớm, khi đang ngồi trong cung quan sát liền có voi báu xuất hiện, màu lông đẹp đẽ, hình thể toàn trắng như hoa Câu-vật-đầu, bảy chi chấm đất, có đại thần lực, bay đi trên không. Đầu nó màu đỏ, như con trùng Đà-la-cù-ba-ca. Voi có sáu ngà nhọn hoắt, rất đẹp, trang nghiêm nhiều màu, giống như lúa vàng. Voi tên là Ô-bô-sa-tha. Chuyển luân thánh vương thấy voi báu rồi nghĩ như thế này: “Voi này đã xuất hiện, nếu khi được điều phục thì có thể đảm nhận các việc, trở thành thuần phục để cưỡi chăng?” Bấy giờ, trong vòng một ngày, con voi báu ấy liền được điều phục, có thể đảm nhận việc kéo xe cho vua và tất cả việc khác. Giống như con voi đã được điều phục qua vô lượng trăm ngàn năm đến nay, nghiêm trang, hiền lành, tùy thuận, thích ý, con voi báu kia trong vòng một ngày, chịu sự điều phục, đảm nhận các việc cũng giống như thế. Khi ấy Chuyển luân vương muốn thử voi báu, vào buổi sáng sớm, khi mặt trời vừa mọc cưỡi voi báu kia chu du cùng khắp, đến tận bờ biển, thấu chốn biên thùy. Chu du khắp nơi rồi, trở về đến chỗ cung điện cũ, Chuyển luân vương kia mới ăn điểm tâm. Do nhân duyên ấy, bấy giờ nhà vua, trong lòng vô cùng hoan hỷ, cho rằng vì mình nên mới sanh voi báu như vậy. Chư Tỳ-kheo, Chuyển luân vương ấy có voi báu trắng, tự nhiên, hoàn hảo là như vậy.

Chư Tỳ-kheo, Chuyển luân thánh vương có ngựa báu hoàn hảo như thế nào?

Chư Tỳ-kheo, Chuyển luân vương ấy, vào buổi sáng sớm, ngồi trên cung điện, thì ngay trước mặt vua, ngựa báu màu xanh biếc xuất hiện, thân thể xanh mướt, sắc lông óng ả, đầu đen, lông bờm bung ra, có sức thần thông, bay đi trên không, tên nó là Bà-la-la-ha. Chuyển luân vương thấy ngựa rồi, nghĩ thế này: “Ngựa này đã xuất hiện, nếu khi đã điều phục thì có thể nhận lãnh các việc, có thể vì ta làm tốt việc chuyên chở chăng?” Khi ấy, trong vòng một ngày, ngựa báu kia liền được điều

phục, đảm nhận các việc. Giống như con ngựa đã được điều phục từ vô lượng năm đến nay, hiền lành vô cùng, con ngựa này cũng vậy, khi điều phục chỉ trong vòng một ngày, có thể đảm nhận tất cả mọi việc. Khi ấy Chuyển luân vương muốn thử ngựa báu vào buổi sáng sớm, khi mặt trời vừa mọc, cưỡi lên ngựa báu đi khắp cõi nước, trở về cung điện, Chuyển luân vương mới dùng sáng. Vì nhân duyên ấy nên sanh hoan hỷ, phấn khởi vô cùng: “Nay ta đã có ngựa báu màu xanh biếc”.

Chư Tỳ-kheo, Chuyển luân vương ấy có ngựa báu hoàn hảo là như vậy.

Chư Tỳ-kheo, Chuyển luân vương có ngọc báu hoàn hảo là như thế nào?

Chư Tỳ-kheo, Chuyển luân vương ấy có ngọc Ma-ni báu, sắc tỳ lưu ly, có tám cạnh đẹp đẽ, chẳng phải do thợ làm ra, tự nhiên phát ra ánh sáng trong suốt. Chuyển luân vương thấy ngọc ấy rồi, nghĩ như thế này: “Ngọc Ma-ni báu này đầy đủ các tướng, phải treo nó ở trong cung để phát ánh sáng”. Khi ấy Chuyển luân vương muốn thử ngọc báu Ma-ni nên trang bị bốn binh chủng là tượng binh, mã binh, xa binh và bộ binh. Đủ bốn binh chủng rồi, vào nửa đêm, mây đen dày đặc, sấm chớp nổi lên, mưa rơi lất phất, khi ấy Chuyển luân vương lấy viên ngọc báu treo trên ngọn cờ đi ra ngoài vườn, ý muốn dạo chơi thử xem tính chất của ngọc. Chư Tỳ-kheo, ngọc báu Ma-ni ở trên đầu ngọn cờ, ánh sáng tỏa khắp, chiếu cả bốn phương, thân của bốn binh chủng cũng đều chiếu sáng, như mặt trời chiếu sáng thế gian. Lúc bấy giờ, tất cả Bà-la-môn, Cư sĩ… cư trú ở cõi ấy đều thức dậy, làm các công việc vì tưởng là đã sáng, mặt trời đã mọc. Do nhân duyên ấy, Chuyển luân vương cảm thấy vui mừng, vô cùng phấn khởi, tự nghĩ: “Ngọc báu này vì ta mà xuất hiện chăng?”

Chư Tỳ-kheo, Chuyển luân vương có ngọc báu hoàn hảo là như vậy.

Chư Tỳ-kheo, thế nào gọi là ngọc nữ báu hoàn hảo của Chuyển luân thánh vương?

Chư Tỳ-kheo, ngọc nữ báu của Chuyển luân vương xuất hiện, không lùn, không cao, không to, không bé, chẳng trắng, chẳng đen, đoan trang thùy mị, trông thật đáng yêu, đẹp đẽ vô cùng, dung mạo hoàn hảo. Khi trời nóng thì thân ngọc nữ mát; khi trời lạnh thì thân ấm; trên thân tiết ra mùi hương Chiên đàn, miệng luôn thơm mùi thơm hoa sen xanh, vì Chuyển luân vương ngủ trễ dậy sớm, cần mẫn cung kính phụng sự; phàm làm việc gì cũng không phật ý vua. Tâm của nàng còn không khởi ác niệm, huống là thân, khẩu. Do nhân duyên ấy, Chuyển luân thánh vương cảm thấy hoan hỷ, phấn khởi vô cùng, trong lòng tự nghĩ: “Ngọc nữ báu này vì ta mà xuất hiện chăng?”

Chư Tỳ-kheo, Chuyển luân vương ấy, có ngọc nữ báu hoàn hảo là như vậy.

Chư Tỳ-kheo, thế nào gọi là bề tôi báu chủ kho tàng, đầy đủ oai thần của Chuyển luân thánh vương?

Chư Tỳ-kheo, Chuyển luân vương ấy có vị quan báu chủ kho tàng xuất hiện, rất giàu có nhiều của, có nhiều công quả. Vị quan ấy do nghiệp báo nên sanh ra có thiên nhãn, thấy rõ trong lòng đất; hoặc kho tàng có chủ, hoặc kho tàng vô chủ đều bị đôi mắt của vị ấy phát hiện. Lại nữa, hoặc ở dưới nước, trên bờ, hoặc xa, hoặc gần, hễ chỗ nào có thì vị quan chủ kho tàng ấy đều vì vua mà giữ gìn đúng như pháp. Nếu là vật vô chủ thì vị ấy liền thu lấy bỏ vào vàng, bạc của mình, khi Chuyển luân vương có việc cần dùng về tài bảo thì kịp thời cung cấp đầy đủ. Khi ấy, vị quan chủ kho tàng kia liền đi đến chỗ Chuyển luân vương thưa: “Tâu Đại thánh thiên vương, nếu Thiên vương cần dùng tài bảo gì thì xin Thiên vương chớ lo. Thần sẽ vì Thiên vương cung cấp đầy đủ theo nhu cầu”. Khi ấy Chuyển luân vương muốn thử vị quan báu chủ kho tàng nên đi đến bên bờ nước, ngồi lên trên thuyền, ra giữa dòng sông, bảo vị quan chủ kho tàng: “Ông là vị quan chủ kho tàng; ta cần dùng tài bảo. Hãy mau cung cấp đầy đủ. Hãy mau cung cấp đầy đủ!”. Vị quan chủ kho tàng tâu: “Cúi xin Đại thiên vương, hãy đợi giây lát, thuyền này đến bờ, ngay tại nơi ấy, thần sẽ lấy tài bảo để cung cấp cho Thiên vương sử dụng”. Nhà vua bảo: “Nay ta không muốn lên bờ lấy tài bảo, chỉ ở ngay đây, hãy cung cấp đầy đủ cho ta!” Vị quan chủ kho tàng liền tâu: “Xin tuân thánh chỉ, chẳng dám trái lệnh!” Khi ấy, vị quan chủ kho tàng, nhận thánh chỉ rồi, liền vén tay áo bên phải, gối phải quỳ trên thuyền, đưa tay quơ trong nước, ngón tay như càng cua, cào dồn nhiều vàng bạc, chứa đầy đồ đựng, đặt ở trên thuyền, dâng lên Chuyển luân vương, tâu: “Đây là vàng bạc cõi trời. Chư Thiên đem của báu này dâng lên Thiên vương để ngài sử dụng”. Khi ấy Chuyển luân vương bảo với vị quan chủ kho tàng: “Ta không cần tài bảo, chỉ thử ngươi thôi”. Vị quan chủ kho tàng nghe vua nói vậy, thu lại vàng bạc bỏ vào trong nước. Do nhân duyên ấy, Chuyển luân vương cảm thấy hoan hỷ, phấn khởi vô cùng, tự nghĩ: “Ta nay đã có vị quan báu chủ kho tàng rồi chăng?

Chư Tỳ-kheo, Chuyển luân vương ấy có vị quan báu hoàn hảo chủ kho tàng là như vậy.

Chư Tỳ-kheo, thế nào gọi là vị tướng giỏi lãnh đạo quân đội của Chuyển luân vương?

Chư Tỳ-kheo, do sức phước đức, Chuyển luân vương ấy tự nhiên có vị tướng báu xuất hiện. Vị ấy thông minh, có nhiều mưu lược, hiểu rõ quân cơ, đầy đủ thân tuệ. Nếu Chuyển luân vương cần binh lực, thì ông có thể chuẩn bị đầy đủ: Nếu muốn binh lính chạy thì liền chạy, muốn giải tán liền giải tán, muốn đứng yên liền đứng yên. Khi ấy vị tướng lãnh báu liền đi đến chỗ Chuyển luân vương. Đến nơi, tâu với Chuyển luân vương: “Nếu nhà vua muốn huấn luyện quân lính, xin nhà vua đừng lo. Thần sẽ huấn luyện quân lính cho ngài, khiến cho chúng thuần phục, tùy thuận như ý muốn”. Khi ấy Chuyển luân vương muốn thử vị tướng lãnh báu kia nên liền ra lệnh điều động đủ bốn binh chủng là tượng binh, mã binh, xa binh và bộ binh, tất cả đều như nhau. Hạ lệnh điều động đủ bốn loại binh chủng xong, khi ấy vua ra lệnh cho vị tướng lãnh báu kia: “Ông là tướng lãnh, hãy vì ta mà khéo léo chuẩn bị quân lính, huấn luyện khiến chúng tùy thuận: chạy tốt, đi tốt, tập hợp tốt, giải tán tốt, đúng như pháp, chớ sai trái”. Vị tướng lãnh ấy nghe Chuyển luân vương ra lệnh như vậy liền tâu với vua: “Như lời Thiên vương dạy bảo, thần không dám trái lệnh”. Bốn binh chủng ấy, sau khi đã chuẩn bị rồi, y theo sắc lệnh của vua, bảo chạy thì chạy, bảo giải tán thì giải tán,… cho đến muốn đứng yên thì đứng yên. Do nhân duyên ấy, Chuyển luân vương rất hoan hỷ, phấn khởi vô cùng, nghĩ rằng ta nay đã có tướng lãnh báu.

Chư Tỳ-kheo, Chuyển luân vương ấy có vị tướng lãnh báu, đầy đủ oai lực là như vậy.

Chư Tỳ-kheo, nếu có bảy thứ báu xuất hiện như thế thì sau dó chắc chắn được gọi là Chuyển luân thánh vương.

Chư Tỳ-kheo, Chuyển luân vương ấy tuổi tác thọ mạng rất lâu dài. Trong tất cả thời gian, tất cả thế gian, không có người nào có được sự an ổn lâu dài như Chuyển luân vương. Sinh mạng tồn tại lâu dài, đó là thần thông thứ nhất – thọ mạng đầy đủ của Chuyển luân vương.

Lại nữa, chư Tỳ-kheo, thân thể mà vị Chuyển luân vương ấy bẩm thọ không bệnh, ít não, các tướng đầy đủ. Lại nữa, bụng của vua không lớn, không nhỏ; lạnh, ấm, mát, nóng, điều hòa theo thời tiết; tới lui nhẹ nhàng, ăn uống tiêu hóa, an ổn khoái lạc. Trong tất cả mọi thời, không có người nào khác ở thế gian sanh ra mà được như vậy, ít bệnh, không có các nỗi buồn rầu như thánh vương kia. Đó là thần thông thứ hai – thần lực đầy đủ của Chuyển luân thánh vương.

Lại nữa, chư Tỳ-kheo, báo thân có được của Chuyển luân kia đoan chánh khả ái, thường được thế gian ưa nhìn ngắm, đẹp đẽ tuyệt vời, sắc thân thanh tịnh, trang nghiêm trọn vẹn. Ở trong tất cả thời gian, trong loài người, không có ai thọ sanh mà có được như thế, đoan chánh, khả ái, được thế gian ngắm nhìn hình tướng hoàn hảo của Chuyển luân vương ấy. Đó là thần thông thứ ba – sắc mạo đầy đủ của Chuyển luân thánh vương.

Lại nữa, chư Tỳ-kheo, do nhân duyên nghiệp báo, Chuyển luân vương kia có đại phước đức; đó là đầy đủ các loại của cải, đầy đủ các loại châu báu trân kỳ của thế gian. Trong mọi thời, không có ai thọ sanh trong loài người mà có sự giàu có như thế, có tài sản như thế, có nhiều y phục, đồ chơi, báu vật tràn đầy bằng với vị vua Chuyển luân ấy. Đó là thần thông thứ tư – quả báo đầy đủ của Chuyển luân thánh vương.

Chư Tỳ-kheo, nếu người có đầy đủ bốn loại thần thông như thế, thì sau đó mới được gọi là Chuyển luân thánh vương.

Chư Tỳ-kheo, lại nữa, vị Chuyển luân thánh vương có phước đức được nhân dân yêu mến, kính trọng, tâm thường hoan hỷ an vui, giống như con thương kính cha mình. Nhân dân được Chuyển luân vương thương yêu, lòng luôn nhớ nghĩ như cha thương con.

Chư Tỳ-kheo, Chuyển luân vương ấy ngồi trong xe cực kỳ lộng lẫy muốn du lịch nhìn xem vườn rừng và các cảnh đẹp. Khi ấy, nhân dân được thấy Chuyển luân vương đều rất vui mừng, nói với người đánh xe: “Xin ông khéo điều khiển xe. Xin hãy ghì cương lại, đi chậm chậm, từ từ, chớ đi quá nhanh. Vì sao? Vì nếu ông đi từ từ, cho xe đi chậm rãi, thì chúng tôi có nhiều thời gian để được chiêm ngưỡng Chuyển luân thánh vương”. Chuyển luân vương nghe lời nói ấy, cũng bảo người đánh xe như thế: “Ngươi hãy khéo điều khiển xe. Hãy cho xe đi từ từ chậm rãi, cẩn thận, chớ vội vàng! Vì sao? Vì nếu ngươi khéo điều khiển xe cho đi thong thả thì ta có nhiều thời gian để xem xét khắp nhân dân”.

Chư Tỳ-kheo! Nhân dân nơi ấy thấy Luân vương rồi, đều tự mang trân bảo của mình đến trước để dâng hiến lên Chuyển luân thánh vương. Đến nơi rồi, họ tâu: “Chúng thần xin dâng lên Thiên vương! Những vật này thuộc về của ngài. Xin ngài thọ nhận, tùy ngài sử dụng. Những vật này chỉ có ngài mới xứng đáng sử dụng”.

Chư Tỳ-kheo, Chuyển luân vương ấy khi xuất hiện ở thế gian thì châu Diêm-phù này sạch sẽ bằng phẳng, không có gai gốc và rừng rậm, gò nổng, nhà xí, đồ dơ bẩn, chỗ hôi hám, sỏi đá, ngói gạch, cát, đất, phèn…, tự nhiên đầy đủ bảy báu: vàng, bạc…, thời tiết điều hòa, không lạnh, không nóng.

Lại nữa, chư Tỳ-kheo, khi Chuyển luân vương xuất hiện thế gian thì châu Diêm-phù này tự nhiên hình thành tám vạn thành ấp, đều sung sướng an lạc, không có sự sợ hãi, lúa gạo dư dã, xóm làng đông đúc, nhân dân phát đạt, thật đáng yêu.

Lại nữa, chư Tỳ-kheo, khi Chuyển luân vương xuất hiện ở thế gian thì ở châu Diêm-phù này, xóm làng, thành ấp, chốn vua cai trị, nhà cửa san sát, gà bay đụng nhau, nhân dân sung sướng an lạc không thể nghĩ bàn.

Lại nữa, chư Tỳ-kheo, khi Chuyển luân vương xuất hiện thế gian ở châu Diêm-phù này, thường vào nửa đêm, từ trong ao A-nabà-đạt-đa, nổi lên đám mây lớn trùm khắp châu Diêm-phù cùng các núi biển, rồi mưa liền trút xuống, giống như một màng sửa trải. Nước mưa đầy đủ mùi vị tám công đức. Nước thấm sâu bốn ngón tay, không chảy tràn lan, ngay khi rơi xuống, liền thấm vào lòng đất, mất hút không thấy. Vào cuối đêm, mây mù tan hết, lại từ trong biển, gió mát nổi lên thổi tan khí ẩm, nhân dân xúc chạm, cảm thấy an lạc. Lại nữa, khí ẩm ngọt ngào kia thấm nhuận châu Diêm-phù, làm cho khắp nơi đều phù nhiêu tươi tốt. Giống như ở đời, người thợ giỏi làm tràng hoa, hoặc đệ tử của người thợ ấy, làm thành tràng hoa rồi, dùng nước tưới lên, làm cho hoa thấm nhuận, màu hoa tươi thắm cũng giống như vậy.

Lại nữa, khi Chuyển luân vương xuất hiện ở đời thì đất đai cõi Diêm-phù-đề này luôn luôn màu mỡ, tốt tươi. Giống như có người dùng dầu thoa lên đất. Loại nước thấm ướt màu mỡ tốt tươi ấy cũng giống như thế.

Chư Tỳ-kheo, Chuyển luân vương xuất hiện ở đời, tuy trải qua số năm lâu xa vô lượng nhưng cũng có và cũng chịu những xúc giác như người thế gian. Giống như người có thân thể ốm yếu, ăn thức ăn ngon, phải vận động làm việc, tiếp xúc với sự mệt nhọc chút đỉnh mới mau tiêu hóa. Chuyển luân vương khi đã sống lâu ở thế gian, tiếp xúc với sự sanh tử cũng giống như thế.

Chư Tỳ-kheo, khi Chuyển luân vương kia mạng chung, xả thân mạng rồi, sanh lên cõi trời, cùng ở cảnh trời Ba mươi ba.

Lại nữa, chư Tỳ-kheo, ngay khi Chuyển luân vương mạng chung, ở trên không trung, mưa các loại hoa: hoa sen xanh, hoa sen hồng, hoa sen vàng, hoa sen trắng và các loại hoa khác để cúng dường Chuyển luân vương. Lại mưa bột Thiên trầm thủy, bột Đa-già-la, bột hương Chiên đàn, và các loại hoa Mạn-đà-la trời. Lại có các loại âm nhạc vi diệu cõi trời không đánh mà tự tấu, cũng có tiếng vi diệu cõi trời ca hát tán thán cúng dường thân Chuyển luân vương để tạo phước lợi.

Chư Tỳ-kheo, khi ấy ngọc nữ báu, chủ kho tàng báu, tướng lãnh báu… liền dùng các thứ nước thơm, tắm rửa thân Chuyển luân vương. Dùng nước thơm tắm rửa xong, trước hết dùng vải Kiếp-ba-ta quấn lại, sau đó mới dùng áo lông thẳng nếp mặc vào. Tiếp đến lại dùng đủ năm trăm tấm mền tinh tế đẹp đẽ theo thứ lớp đắp lên rồi buộc lại. Làm như vậy xong rồi dùng kim quan đã đựng đầy dầu tô, đặt thân Chuyển luân vương vào; đặt yên vào kim quan rồi, lại đặt kim quan vào trong quách bạc; đặt vào quách bạc rồi, dùng đinh đóng lại. Lại tập trung tất cả các loại cây Hương lại, chất thành đống lớn, sau đó thiêu đốt. Thiêu đốt xong, đem để tại ngã tư đường, kiến tạo một ngôi tháp báu, cao một do-tuần, rộng nửa do-tuần, trang trí nhiều màu, dùng bốn báu tạo nên đó là vàng, bạc, lưu ly và pha lê. Tháp có bốn bờ tường, chung quanh rộng năm mươi do-tuần, có bảy lớp bờ tường, bảy lớp lan can,…như trên lược nói…cho đến các loại chim đều tự ca hót. Khi ấy ngọc nữ báu, chủ kho tàng báu và tướng lãnh báu dựng tháp báu cho Chuyển luân vương hoàn thành xong, sau đó bày biện đủ thứ đồ cúng dường thượng hạng; đủ mọi hạng người đến xin, cần thức ăn cho thức ăn, cần thức uống cho thức uống, cần xe cho xe, cần y phục cho y phục, cần của cải cho của cải, cần báu vật cho báu vật, cấp phát hết, ai cũng đầy đủ.

Chư Tỳ-kheo, sau khi Chuyển luân vương mạng chung bảy ngày, bánh xe báu, voi báu, ngựa báu và ngọc Ma-ni báu kia tự nhiên tất cả đều biến mất. Ngọc nữ báu, chủ kho tàng báu và tướng lãnh báu cũng đều mạng chung. Bốn thành báu kia cũng đều biến đổi, trở thành thành đất. Nhân dân cõi ấy cũng lần lượt theo đó mà giảm.

Chư Tỳ-kheo, Tất cả các hành hữu vi vô thường, chuyển biến như thế, không có gì thường trụ, rã tan ly tán, không được tự tại là pháp ma, diệt, tan trong giây lát, chẳng tồn tại lâu.

Chư Tỳ-kheo, vì thế các vị phải bỏ các hành, phải nên viễn ly, phải nên chán ghét, cần phải mau cầu con đường giải thoát.