SỐ 202
KINH HIỀN NGU
Hán dịch: Đời Nguyên Ngụy, xứ Kinh châu, quận Cao xương,
Sa-môn Tuệ Giác và các vị khác cùng dịch.

Việt dịch:  Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh.

 

QUYỂN 5

Phẩm 29: TRỌNG TÁNH

Tôi nghe như thế này:

Thuở nọ, Đức Phật ở tại khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ. Trong nước thời đó có một vị trưởng giả giàu có, của cải vô lượng, nhưng không có con trai. Mỗi khi mang thai, vợ chồng đều cầu đảo thần miếu xin một đứa con trai, vì lòng thành kính khấn nguyện, bà vợ mang thai, ngày tháng tròn đủ, sinh được một cậu con trai. Đứa trẻ tướng mạo đoan chánh, hiếm có trên đời. Cha mẹ thân quyến bày ra yến tiệc, cùng nhau hội tụ bên bờ sông lớn, uống rượu ca hát vui đùa. Cha mẹ ôm con cũng đi đến nơi hội tiệc ấy, người cha yêu mến đứa con, bế lên nhảy múa, nhảy múa xong, lại trao con cho bà. Người mẹ vì lo vui mừng ca múa đến sát bờ sông, do không thận trọng, bế con không chặt, sẩy tay đánh rơi cậu bé xuống nước. Lúc đó xuống mò tìm kiếm mà không vớt được, ông bà thương tiếc con, đau đớn ngất đi hồi lâu mới tỉnh lại. Đứa trẻ có phước đức, cuối cùng lại không chết. Rớt xuống dòng sông, theo nước trôi đi, có một con cá nuốt được đứa bé này, tuy ở trong bụng cá mà vẫn không chết, khi ấy ở một thôn nhỏ hạ lưu, có một người nhà giàu cũng không con trai, cũng luôn luôn cầu nguyện mà vẫn không được. Người nhà giàu đó, thường sai một gia nô bắt cá đem bán. Lúc đó, bắt được một con cá to, mổ bụng ra xem, được một đứa nhỏ diện mạo đoan chánh. Ông rất vui mừng, ôm đem cho mọi người xem và mừng rỡ nói:

– Từ lâu, tôi đã cầu nguyện miếu thần, đến hôm nay mới được đứa con, lòng thành được báo ứng, nên trời mới cho tôi. Ông liền nhờ một người vú cho nó bú mớm. Bấy giờ ở thôn trên, ông bà trưởng giả nghe nói ở thôn dưới, có vị trưởng giả nọ bắt được con cá, mổ bụng cá trong đó có một đứa nhỏ, vội vã đi đến nơi đó tìm kiếm con, mà nói:

– Đây là con tôi do ở bên bờ sông kia làm rớt đứa bé, hôm nay, ông được nó xin cho tôi được mang về.

Bấy giờ vị trưởng giả đó nói:

– Nhà tôi từ nào đến giờ cầu thần, cầu tự, nay thần mới báo ứng ban cho một đứa con, ông mất đứa con ở tại chỗ nào. Sự việc rối ren, mãi không xong, bèn đến nhờ đức vua xử đoán, lúc đó hai nhà đều có lý riêng, cha mẹ đứa nhỏ nói là con tôi, ngày giờ đó, tôi sẩy tay rớt dưới sông. Còn vị trưởng giả kia lại nói:

– Tôi được đứa nhỏ từ trong bụng con cá, đây thật sự là con tôi, không phải vợ ông sinh ra. Đức vua nghe nói thế, liền biết rõ mọi việc, giải quyết cho hai nhà cùng nhận nuôi một đứa con. Nếu nay cho một nhà, thì về lý không thể được, cho nên cùng chung nuôi dưỡng. Đến lúc nó trưởng thành, mỗi nhà cưới cho nó một người vợ, an trí gia nghiệp, sống luôn hai nơi. Vợ bên này sinh con tức thuộc nhà bên này, vợ nhà bên kia sinh con tức thuộc nhà bên kia. Lúc đó, hai vị trưởng giả đều vâng theo lời vua, đứa nhỏ lớn lên cả hai bên cùng cưới vợ, cung cấp đồ dùng không cho thiếu thốn. Bấy giờ đứa con ấy thưa với cha mẹ hai bên:

– Khi con sinh ra gặp phải nạn khổ rớt xuống sông bị cá nuốt, thoát chết được sống lại, nay ý muốn của con muốn được xuất gia, chỉ mong hai cha mẹ đồng cho phép con.

Khi đó hai bên cha mẹ lòng yêu mến con, không thể nghịch chống lại, bèn cho phép. Đứa con liền từ giã đến nơi Đức Phật ngự, cúi đầu dưới chân Phật, cầu xin vào đạo. Đức Phật nhận lời, khen rằng:

– Thiện lai Tỳ-kheo!

Râu tóc chàng tự rụng, trở thành Sa-môn, đặt tên là Trọng Tánh. Đức Phật vì Trọng Tánh thuyết pháp được dứt hết các khổ, chứng quả A-la-hán.

Ngài A-nan bạch Đức Phật:

– Bạch Đức Thế Tôn, Tỳ-kheo Trọng Tánh này vốn tạo nhân hạnh gì, trồng căn lành gì mà đời này sinh ra bị rớt xuống sông cá nuốt mà không chết?

Đức Phật bảo A-nan:

– Ông nên lắng nghe, Ta sẽ vì ông mà nói. Về kiếp quá khứ lâu xa, có Đức Phật ra đời hiệu là Tỳ-bà-thi, tập hợp đại chúng mà thuyết diệu pháp. Bấy giờ có một vị trưởng giả đến ở trong hội nghe, Đức Như Lai ấy rộng nói đại pháp về phước bố thí và phước trì giới. Nghe xong vị trưởng giả vui mừng lòng tin dũng mãnh, liền theo Đức Phật đó thọ Tam quy và thọ giới chẳng sát sinh, lại lấy một đồng tiền cúng dường cho Đức Phật đó. Do nhân duyên ấy, đời đời thọ phước, tiền bạc của báu, tự nhiên có không bị thiếu thốn.

Đức Phật bảo A-nan:

– Nên biết vị trưởng giả thuở xưa, nay chính là Tỳ-kheo Trọng Tánh vậy. Do thuở xưa cúng thí Đức Phật một đồng tiền, mà trong chín mươi mốt kiếp sinh ra, thường được tiền tài, cho đến đời nay, hai nhà cha mẹ cung cấp đồ dùng, do thọ giới không sát sinh mà bị rớt xuống sông, cá nuốt không chết. Vì thọ Tam quy, nay được gặp Ta, tắm gội pháp hóa, đắc quả A-la-hán. Bấy giờ ngài A-nan và đại chúng nghe Đức Phật nói thế, vâng tu hạnh lành, kính trọng Phật dạy, vui mừng tín thọ, đảnh lễ phụng hành.