SỐ 221
KINH PHÓNG QUANG BÁT-NHÃ
Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Vô-la-xoa, người nước Vu Điền
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 6

Phẩm 29: NHƯ HUYỄN

Bấy giờ, các Thiên tử nghĩ: “Chúng ta phải làm thế nào để nghe giáo pháp của Tôn giả Tu-bồ-đề?”

Biết tâm niệm của các Thiên tử, Tôn giả Tu-bồ-đề nói:

–Này các vị! Những người trong hội này nghe tôi thuyết pháp như người huyễn hóa, người này dầu có nghe cũng không nhận, không có thấy cũng không có chứng.

Các Thiên tử hỏi:

–Thưa Tôn giả! Chúng sinh như huyễn hóa chăng?

Tu-bồ-đề đáp:

–Đúng vậy! Tất cả chúng sinh như huyễn, những người trong hội này cũng như huyễn; chúng ta cũng như huyễn, như mộng. Năm ấm như huyễn như hóa; sáu căn, thức, trần như huyễn như hóa. Nội ngoại không và hữu pháp, vô pháp không, ba mươi bảy phẩm Trợ đạo và mười tám pháp Bất cộng cũng đều như huyễn như hóa. Tuđà-hoàn quả cho đến Phật đạo Chánh đẳng giác cũng như huyễn.

Ngay lúc đó, các vị Thiên tử hỏi Tôn giả Tu-bồ-đề:

–Tại sao đạt đến quả vị Phật rồi cũng lại như huyễn như mộng? Tu-bồ-đề đáp:

–Ta nói đạt đến quả Phật cũng như huyễn. Nếu còn có pháp nào hơn Niết-bàn tôi cũng nói như huyễn.

Này các Thiên tử! Mộng huyễn là một, không hai.

Bấy giờ các ngài như Tôn giả Xá-lợi-phất, Đại Mục-kiềnliên, Ma-ha Câu-hy-la, Ma-ha Ca-chiên-diên, Bân-nậu-văn-đà-nitử, Đại Ca-diếp… và vô lượng, vô số Bồ-tát đồng hỏi Tôn giả Tubồ-đề:

–Bát-nhã ba-la-mật rất sâu, rất rộng, khó hiểu, khó rõ, khó thấy, khó biết như vậy, ai sẽ là người có thể thấu triệt được?

Bấy giờ, Tôn giả A-nan thưa với các vị đại đệ tử cùng các Bồtát:

–Bát-nhã ba-la-mật này là pháp rất sâu, thâm diệu, rất rộng, khó thấy, khó hiểu, khó biết, chẳng thể nghĩ bàn, chỉ có các bậc không thoái chuyển, các Đại Bồ-tát, bậc Kiến đế hoàn toàn A-lahán từ vô lượng, vô số kiếp trước, ở chỗ chư Phật đã gieo trồng công đức, thường gần gũi các bậc Thiện tri thức và các thiện nam, thiện nữ có đại trí tuệ, những người này nghe Bát-nhã ba-la-mật sâu rộng và vi diệu liền có thể tin ưa thích, không bao giờ từ bỏ. Họ không dùng không để phân biệt năm ấm, không dùng năm ấm để phân biệt không; không dùng năm ấm để phân biệt Vô tướng, Vô nguyện; không dùng Vô tướng, Vô nguyện để phân biệt năm ấm; không dùng không sự sinh, không sự diệt để phân biệt năm ấm; không dùng năm ấm để phân biệt không sự sinh, không sự diệt; không dùng tịch tĩnh để phân biệt năm ấm, không dùng năm ấm phân biệt tịch tĩnh, cho đến sáu tình và các duyên khởi cũng lại như vậy. Từ Bố thí ba-la-mật đến Bát-nhã ba-la-mật cũng như vậy; từ nội ngoại không đến hữu pháp vô pháp không cũng như vậy; từ ba mươi bảy phẩm Trợ đạo đến mười tám pháp Bất cộng đều cũng như vậy; không dùng các môn Tam-muội và Đà-la-ni để phân biệt năm ấm, không dùng năm ấm để phân biệt các môn Tam-muội và Đà-la-ni; không dùng Tu-đà-hoàn, A-la-hán, Bích-chi-phật cho đến trí Nhất thiết để phân biệt không, không dùng không để phân biệt trí Nhất thiết. Cũng không dùng Vô tướng, Vô nguyện để phân biệt trí Nhất thiết, không dùng trí Nhất thiết để phân biệt Vô tướng, Vô nguyện; không dùng tánh đầy đủ, không đầy đủ để phân biệt không; không dùng không để phân biệt tánh đầy đủ, không đầy đủ, cho đến Vô tướng, Vô nguyện cũng như vậy; không dùng không sự sinh, không sự diệt để phân biệt tịch tĩnh; không dùng tịch tĩnh để phân biệt năm ấm.

Tu-bồ-đề nói với các Thiên tử:

–Bát-nhã ba-la-mật rất thâm diệu nên những người có trí tuệ luôn luôn thực hành. Vì sao? Vì pháp này không có gì để lo cũng không có gì để buồn. Nếu không lo buồn thì chúng sinh cũng không đoạn tuyệt.

Xá-lợi-phất nói với Tôn giả Tu-bồ-đề:

–Trong Bát-nhã ba-la-mật này rộng nói giáo pháp ba thừa và giáo pháp bảo hộ Bồ-tát, từ bậc bắt đầu phát tâm đến bậc trụ Địa thứ mười, sáu pháp Ba-la-mật, ba mươi bảy phẩm Trợ đạo, mười tám pháp Bất cộng và pháp bảo hộ Đại Bồ-tát.

Đây là Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật để giáo hóa chúng sinh, đi đến các cõi Phật, chẳng tổn mất chút thần thông nào, tùy họ ưa thích gì đều do thiện căn xưa kia cúng dường chư Phật liền đạt như ý nguyện. Theo chư Phật, Thế Tôn để nghe và lãnh thọ giáo pháp mãi đến trí Nhất thiết không đoạn tuyệt, chưa từng rời Tam-muội, thời sẽ được biện tài vô ngại, biện tài bất tận, biện tài đúng căn cơ, biện tài lanh lợi, biện tài đúng nghĩa, biện tài hơn tất cả thế gian.

Tu-bồ-đề nói:

–Đúng như vậy, như Xá-lợi-phất nói Bát-nhã ba-la-mật rộng nói đầy đủ giáo pháp ba thừa và giáo pháp Bồ-tát thừa. Đại thừa Bồtát được biện tài tối thượng, không thủ đắc và cũng không chấp trước. Không chấp vào ngã sở, tri kiến, thọ mạng, năm ấm, từ Bố thí ba-la-mật đến Trí tuệ ba-la-mật, từ nội ngoại không đến hữu pháp, vô pháp không, từ ba mươi bảy phẩm Trợ đạo, mười tám pháp Bất cộng đến Nhất thiết chủng trí.

Xá-lợi-phất hỏi:

–Vì sao trong Bát-nhã ba-la-mật rộng nói giáo pháp ba thừa mà không sự đắc? Vì sao nói bảo hộ cả Bồ-tát? Vì sao trong Bát-nhã ba-la-mật được Biện tài tối thượng mà không sự đắc?

Tu-bồ-đề nói:

–Từ nội không cho đến giáo pháp ba thừa đều xuất phát từ Bát-nhã ba-la-mật cũng không sự đắc. Từ nội ngoại không đến hữu pháp, vô pháp không, rộng nói giáo pháp ba thừa cũng không sự đắc. Từ nội ngoại không rộng nói giáo pháp bảo hộ Bồ-tát đạt được biện tài tối thượng vi diệu trong tất cả thế gian, cũng không sự đắc. Từ hữu pháp, vô pháp không đến Bồ-tát đạt được Biện tài tối thượng đều ủng hộ cho tất cả thế gian không sự đắc vậy.