PHỤ TỬ HỢP TẬP KINH
(KINH CHA CON GẶP NHAU)
Hán dịch: Đời Tống, Tam tạng Nhật Xưng
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 27: VUA TỊNH PHẠN TIN HIỂU

Khi ấy, Đức Thế Tôn bảo Tịnh Phạn:

–Này Đại vương! Như trên đã nói pháp môn giải thoát, Đại vương nên để tâm chánh niệm quán sát dũng mãnh tinh tiến quyết định tu hành. Chư Phật quá khứ vị lai và hiện tại đều nương vào đó mà chứng Bồ-đề vô thượng. Do đó nên hưởng tất cả mọi sự vui sướng của thế gian, tiêu trừ tất cả khát ái ở thế gian, có khả năng nhiếp phục tất cả ngã mạn thế gian, hay phá tất cả tà kiến thế gian, diệt trừ mọi tội ác của hữu tình, khiến cho kẻ phàm phu dị sinh chưa đạt Sơ địa đều được pháp tánh bình đẳng. Các pháp yếu như vậy không phải là cảnh giới sở hành của Thanh văn và Bích-chi-phật. Đó chỉ là việc tu hành của các Bồ-tát.

Này Đại vương! Nên suy nghĩ như vầy: “Ta làm thế nào để làm con mắt sáng nhiều đời cho hàng trời người và làm thuyền bè ở trong sông ái, làm đạo sư ở nơi đường hiểm, làm chủ cho những ai không chỗ nương tựa, tự độ rồi lại độ cho nhiều người khác, tự giải thoát rồi khiến cho người khác được giải thoát, tự được an ổn khiến cho người khác được an ổn, tự chứng Niết-bàn rồi khiến cho người khác được chứng.”

Này Đại vương! Không nên quán pháp ấy thọ hưởng vui sướng, phóng túng theo năm dục hiện tại thế gian. Các căn như huyễn cảnh giới như mộng. Đó là đối với sắc cảnh thanh hương vị xúc tâm sinh tham trước không bao giờ biết đủ.

Này Đại vương! Thời quá khứ vô lượng vô biên kiếp, có Chuyển luân vương tên là Vô Biên Xưng, giàu có tự tại, oai đức to lớn, voi ngựa xe cộ và các loại xe báu, luân báu tối thắng, không ai có thể phá hoại; đã từng thân cận vô lượng chư Phật và đã trồng nhiều căn lành ở nơi các Đức Phật ấy, tùy theo ý nghĩ đều được thành tựu.

Này Đại vương! Hôm nọ, vua Vô Biên Xưng suy nghĩ: “Ta nên thử xem năng lực của phước đức, nhờ phước của ta khiến cho tất cả cây cối hoa quả trong bốn thiên hạ đều được tươi tốt, thọ dụng không bao giờ hết.” Vừa nghĩ xong, tất cả cây cối hoa quả trong bốn thiên hạ đều được tươi tốt.

Này Đại vương! Vua Vô Biên Xưng nghĩ như vầy: “Nay ta hãy thử xem năng lực thiện căn của ta khiến tất cả nhân dân trong bốn thiên hạ nếu ai có nguyện gì đều được tùy ý không có sai trái.” Nghĩ như vậy rồi, nhân dân trong bốn thiên hạ tất cả sự mong cầu đều được như ý.

Này Đại vương! Vua Vô Biên Xưng lại nghĩ: “Nhờ sức thiện căn của ta khiến mưa nước hương thơm xuống bốn thiên hạ.” Vừa nghĩ xong liền mưa nước hương thơm xuống khắp cả bốn thiên hạ.

Này Đại vương! Vua Vô Biên Xưng lại suy nghĩ: “Nhờ sức thiện căn của ta khiến cho mưa hoa đẹp xuống bốn thiên hạ.” Y như ý nghĩ, mưa đủ loại hoa đẹp tối thượng xuống bốn thiên hạ.

Này Đại vương! Vua Vô Biên Xưng lại suy nghĩ: “Nhờ sức thiện căn của ta khiến mưa xuống y báu khắp bốn thiên hạ.” Y như ý nghĩ, liền mưa y báu xuống bốn thiên hạ.

Này Đại vương! Vua Vô Biên Xưng lại suy nghĩ: “Nhờ sức thiện căn của ta khiến mưa bạc xuống bốn thiên hạ.” Y như ý nghĩ, liền mưa bạc xuống bốn thiên hạ.

Này Đại vương! Vua Vô Biên Xưng lại nghĩ: “Nhờ sức thiện căn của ta khiến mưa vàng ròng xuống bốn thiên hạ.” Y như ý nghĩ, liền có mưa vàng đổ xuống khắp bốn thiên hạ. Vì sao? Vì thuở xưa Vua Vô Biên Xưng cùng với các chúng sinh đồng tu thiện nghiệp cho nên được như vậy.

Này Đại vương! Đại địa trong Diêm-phù-đề này ngang rộng một vạn tám ngàn du-thiện-na, lại có sáu mươi ức thành quách lớn. Trong đó có một thành tên là Bảo trang nghiêm, rộng ngang bằng mười hai du-thiện-na, bốn phía bằng phẳng thành tựu khéo léo. Bên ngoài thành có cây Đa-la xòe ra bảy lớp, tạo thành bằng bốn thứ báu như vàng, bạc, lưu ly, pha-chi-ca, trang nghiêm tuyệt diệu, trông thật yêu thích. Nếu cây bằng vàng thì lá hoa quả đều là bạc; cây bằng bạc thì lá hoa quả đều là vàng ròng. Cây phệ-lưu-ly thì lá hoa quả đều là pha-chi-ca. Cây pha lê lá hoa quả đều là lưu ly. Bảy lớp thành báu ấy đều có linh báu và các thứ trân kỳ vi diệu phủ lên trên. Ngoài thành lại có bảy lớp hào báu đều bằng bảy thứ báu, mỗi mỗi hào báu sâu nửa do-tuần, rộng một do-tuần, đáy trải bằng cát vàng, chứa đầy nước tám công đức mát mẻ trong trẻo. Các loại chim tập hợp lại nơi ấy kêu hót phát ra tiếng vi diệu. Hoa Ưu-bát-la, hoa Câumột-na, hoa Bát-nột-ma, hoa Phân-đà-lợi nở rộ cả. Thềm bệ xung quanh đều làm bằng bốn thứ báu. Vàng ròng làm thềm, bạc làm bệ; bạc làm thềm, vàng ròng làm bệ. Lưu ly làm thềm, pha lê làm bệ; pha lê làm thềm, lưu ly làm bệ. Mỗi mỗi thềm đều làm bằng bảy thứ báu, cạnh thềm đều trồng cây chuối màu vàng. Lại ở đầu thềm đặt các tòa báu, trang trí khéo léo thật đáng yêu thích. Trang nghiêm phong phú như vậy đều là nhờ sức thiện căn tích tập của vua Vô Biên Xưng nên nới được như vậy. Xung quanh thành Bảo Trang Nghiêm ấy lại có tám vạn bốn ngàn vườn rừng thanh tịnh, trong mỗi vườn có tám ao lớn, moi ao đều rộng nửa du-thiện-na, bờ của mỗi ao đều có bốn bực thềm cấp, được làm bằng bốn thứ báu trang nghiêm khéo léo. Ao ấy chứa đầy nước tám công đức, các loại hoa sen nhiều màu sắc nở rộ trên mặt ao ấy. Trên bờ ao lại có các loại hoa như: Hoa A-đề-mục-các-đa, hoa Chiêm-bát-ca, hoa Phược-thỉ-kế, hoa Tômạn-na, hoa A-du-ca, hoa Bà-sư-ca. Các loại hoa thơm đẹp này làm chỗ để cho vua Vô Biên Xưng cùng các nhân dân du ngoạn thưởng thức vui chơi.

Này Đại vương! Cung thành của vua ấy cao rộng đẹp đẽ. Cây Đa-la báu được trồng thẳng hàng, phía trên đó lưới báu giăng khắp, linh báu phát tiếng vi diệu như là tiếng của năm thứ nhạc. Nhân dân ấy nhờ đức giáo hóa của vua nên được giàu có vui sướng tự tại, sống đời sống an ổn.

Này Đại vương! Hôm nọ vua Vô Biên Xưng suy nghĩ: “Nay ta nên đến Đông thắng thần châu.” Nghĩ thế rồi, vua liền dẫn bốn bộ binh bay lên hư không để đến nơi ấy. Các vua nhỏ nơi đó đều ra nghênh đón cung phụng. Tất cả đều đem đất nước chí thành dâng hiến. Vua Vô Biên Xưng ở nơi đó trải qua trăm ngàn vạn năm.

Này Đại vương! Vua Vô Biên Xưng lại suy nghĩ: “Nay ta nên đến Tây ngưu hóa châu.” Nghĩ vậy rồi liền dẫn bốn binh chúng bay lên hư không để đến châu ấy. Các vua nhỏ ở nơi ấy đều đến nghênh đón cung phụng. Tất cả đều đem đất nước chí thành dâng hiến. Vua ở châu ấy trải qua trăm ngàn vạn nam.

Này Đại vương! Vua Vô Biên Xưng lại suy nghĩ: “Ta nay nên đến Bắc câu-lô châu. Nghĩ vậy rồi liền dẫn bốn bộ binh bay lên hư không để đến châu đó.” Các nhân dân châu ấy đều hoan hỷ quy hóa. Vua ở châu đó trải qua trăm ngàn vạn năm.

Này Đại vương! Vua Vô Biên Xưng lại suy nghĩ: “Ta nghe nói có Tam thập tam thiên ở trên đỉnh núi Tu-di, nay ta nên đến đó.” Nghĩ vậy rồi liền cỡi long tượng cùng với bốn binh chủng bay lên hư không để đến đảnh Tu-di. Lúc đó vua Vô Biên Xưng hỏi ngự thần:

–Ngươi thấy Tu-di cho đến biển cả và bốn thiên hạ việc ấy như thế nào?

Ngự thần tâu:

–Hạ thần thấy tướng ấy quay tròn không cố định. Cũng như cái khuôn của người thợ gốm.

Những gì ngươi thấy long tượng vương này đi nhanh chưa dừng. Vua lại đến trước hỏi tiếp ngự thần:

–Ngươi thấy Tu-di tướng ấy thế nào?

Ngự thần tâu:

–Nay hạ thần thấy Tu-di, biển cả thảy đều chấn động.

Nay sắp đến đảnh núi Tu-di, long tượng vương đi chậm chưa dừng. Vua lại tiến đến trước hỏi tiếp ngự thần:

–Ngươi thấy Tu-di tướng ấy thế nào?

Ngự thần tâu:

–Nay hạ thần thấy Tu-di và biển cả không còn lay động.

Long tượng vương này nay đã đến đảnh núi Tu-di. Khi vua Vô

Biên Xưng và bốn binh chúng đến Tu-di, chúa trời Đế Thích từ xa trông thấy liền hoan hỷ đến nghênh đón nói như vầy:

–Lành thay! Đại vương!

Nói thế rồi chia nửa tòa mời vua đến ngồi. Lúc đó, vua Vô Biên Xưng đến ngồi vào nửa tòa đó, ở lại cõi trời đó trải qua vô lượng năm cùng với chúa trời chia đôi cai trị. Ở được thời gian lâu vua lại suy nghĩ: “Ta có thể rời cõi trời này một mình làm vua.” Vừa khởi lên ý nghĩ như thế, vua và binh chúng tức thời đọa xuống vườn báu trong thành Bảo trang nghiêm. Lúc đó, người giữ vườn thấy việc ấy rồi nói với người trong thành rằng: “Nay có Thiên nhân xuống nơi đây.” Vua cai trị đương thời tên là Tác Ái nghe nói như vậy liền vội nghênh giá đến vườn ấy, thấy việc trên hết sức kinh ngạc, liền cho bày biện các thứ hương hoa, hương bột, hương xoa đến trước vua ấy, bày vai phải gối phải quỳ sát đất chắp tay thăm hỏi an ủi thưa:

–Thánh vương là ai và từ đâu đến đây?

Vua ấy đáp:

–Ngươi đã từng nghe thuở xưa có Chuyển luân thánh vương tên là Vô Biên Xưng không?

Vua Tác Ái thưa:

–Tôi có nghe các bậc kỳ cựu nói thuở xưa có vua tên là Vô Biên Xưng, oai đức tự tại thống lãnh bốn thiên hạ cùng với bốn binh chúng bay lên hư không đến Tam thập tam thiên.

Vị vua ấy bảo:

–Người mà ngươi đã nghe đó đâu phải ai lạ chính là ta đây.

Lúc vua Vô Biên Xưng từ trên trời đọa xuống rồi, đầu tiên nghe nhân gian ăn uống khí vị không thể kham nhận. Cũng như dầu tô để trên cát nóng.

Lúc đó, vua Tác Ái thấy vị vua ấy thay đổi không thể đứng yên liền thưa:

–Ngài có gì để chỉ dạy, đời tương lai tôi tuyên truyền những gì? Vua Vô Biên Xưng bảo:

–Này Tác Ái! Ta từ xưa đến nay, giàu có tự tại làm vua trong bốn thiên hạ, tất cả những gì cần dùng đều được như ý, được chúa trời Đao-lợi chia nửa tòa. Do lòng tham không chán nên từ trên trời đọa xuống đây, các việc như trên nên nói như vậy. Vua nói lời ấy rồi liền mạng chung.

Đức Phật bảo:

–Này Đại vương! Vua Vô Biên Xưng thuở đó đâu phải người nào lạ, nay chính là thân ta đây. Vì thế nên biết, các căn như huyễn, cảnh giới như mộng, buộc tâm chánh quán chớ sinh nghi hoặc.

Lúc đó Đức Thế Tôn nói kệ rằng:

Muốn cầu chánh pháp tài
Tịnh tâm luôn chất trực
Năm dục không bền vững
Người trí nên xa lìa.
Nếu rõ được các pháp
Thì chán vui năm dục
Khéo hàng phục tâm ấy
Hay phá các phiền não.
Do nhờ đoạn phiền não
Không thọ các đường ác
Người lìa được nghiệp ấy
Được thế gian cung kính.
Lìa tham dục nhiễm ô
Chỉ rõ lỗi của dục
Tâm làm lợi quần sinh
Xưng tối thắng thế gian.
Nghe lỗi lầm năm dục
Mau sinh tướng nhàm chán
Dùng trí tịnh tâm ấy
Thế gian không ai bằng.
Đại trượng phu tối thắng
Hay diệt ác chúng sinh
Khiến lìa nghiệp tham ấy
Thế gian không ai bằng.
Đại trượng phu tối thắng
Hay diệt ác chúng sinh
Khiến lìa nghiệp sân hận
Thế gian không ai bằng.
Đại trượng phu tối thắng
Hay diệt ác chúng sinh
Khiến lìa tâm si mạn
Là bậc Trí thanh tịnh.

Khi Đức Thế Tôn nói kệ rồi lại vì vua Tịnh Phạn nói pháp yếu.

Đức Phật bảo:

–Này Đại vương! Đời quá khứ vô lượng kiếp có Chuyển luân vương tên là Địa Sinh, trị thế bằng thiện pháp, đầy đủ bảy báu như: Luân báu, voi báu, ngựa báu, châu báu, binh báu, nữ báu, chân tạng thần báu. Vua có thái tử tên là Địa Thiên kế thừa ngôi vị của vua cha Chuyển luân vương. Phụ tướng đại thần quán đảnh cho vua, làm Sát-đế-lợi quán đảnh thánh vương. Đến ngày mười lăm tháng trăng tròn tắm rửa gội đầu sạch sẽ, mặc áo mới thanh tịnh, dùng các vòng hoa ma-ni, đội mũ thiên quan, các loại anh lạc để trang nghiêm thân, trên lầu cao được các thể nữ vây quanh. Phương Đông có kim luân báu, thiên bức đầy đủ, hạt võng viên mãn, ánh sáng chiếu đến bảy thước.

Lúc đó, Địa Thiên vương thấy việc này rồi liền nói:

–Ta xưa từng nghe các bậc kỳ cựu nói: “Nếu lúc Sát-đế-lợi làm lễ quán đảnh thì có kim luân hiện.” Như trước đã nói nên quyết định biết làm Chuyển luân vương. Nay ta hãy thử nghiệm việc đó xem sao.”

Địa Thiên vương liền từ chỗ ngồi đứng dậy bày vai phải gối phải, quỳ sát đất, hướng về kim luân chắp tay nói như vầy:

–Kim luân này sẽ rơi xuống đất.

Khi vua cầu như vậy, Kim luân lien rơi đến trước vua. Vua dùng hương vi diệu, y phục tối thượng, dùng bánh xe báu đặt trong lòng bàn tay phải mà nói với bánh xe rằng:

–Ta nay muốn đến Đông Thắng thần châu.

Vừa nói xong, Kim luân bay lên hư không đến châu ấy. Địa Thiên Thánh vương xuất hiện nơi đó, đất ấy bằng phẳng, trải các hoa báu, nhờ oai lực của vua đất đều chấn động. Những nơi như giếng, ao, sông, hồ, lâu nay khô cạn, nay chứa đầy nước tám công đức, đó là: nhẹ, sạch, ngọt, trơn, không dơ, không hôi, người uống vào không chán, khoái thích không đau bụng. Tất cả rừng cây hoa quả sum suê, các cây khô héo đều được tươi tốt. Những nơi vua đi đều được kim luân hướng dẫn trước; đến các quốc độ các vua lớn nhỏ đều dùng mâm vàng đựng đầy bạc, hoặc dùng mâm bạc đựng đầy vàng để cung phụng nghênh đón thăm hỏi rằng:

–Lành thay, Thánh vương! Nay quốc độ an ổn, cúi xin Thánh vương hãy ở nơi đây cai trị hóa độ nhân dân, chúng tôi sẽ cung cấp những người hầu hạ.

Thánh vương nói:

–Ta nay không cần quốc độ, trân báu. Các ngươi nên tùy thuận những lời răn dạy, hãy xa lìa sát sinh, trộm cắp, tà dâm; cũng chớ có vọng ngữ cho đến tà kiến; mười nghiệp bất thiện. Các ngươi nên sống với mười điều thiện, cũng dạy người khác thực hành mười điều thiện, hiếu dưỡng với cha mẹ, phụng thờ, sư trưởng, chớ làm các việc phi pháp, tu hành thiện hạnh, cũng khuyến khích người khác tu các việc thiện.

Lúc đó, Địa Thiên và bốn binh chúng từ nơi Đông thắng thần châu qua hết cảnh giới của con người, vượt qua đại hải đến Tây ngưu hóa châu và Bắc câu-lô châu, tuyên dương công đức giáo hóa của vua. Sau khi tất cả đều được hàng phục, vua cùng bảo luân trở về Diêm-phù-đề, trụ trên hư không nơi cửa cung vua. Lúc đó, bốn thiên hạ biến thành bảy báu, tất cả các khổ của ba đường ác và tiếng bất thiện, tám vạn thảy đều tiêu diệt huống nữa lại có người tạo nghiệp ác. Vì sao? Vì bản nguyện của Địa Thiên Chuyển luân thánh vương. Lại luân báu ấy ở trong hư không xoay tròn qua lại trong bốn thiên hạ, tất cả mọi nơi đều mọc lúa thơm tự nhiên không cần phải gieo trồng. Lại luân báu quay tròn trên thiên hạ các cây Kiếp-ba, phát sinh ra y báu, tất cả hữu tình thọ dụng như ý. Lại luân báu ay quay tròn trong thiên hạ, những ai mang bệnh nặng đều được thuyên giảm. Chỉ có ba bệnh. Một là ý vui, hai là đoàn thực, ba là già suy.

Các chúng sinh ấy sống đến ngàn năm. Nếu như có khổ nhỏ thì tự nhiên tiêu trừ. Có vô lượng vô biên việc hy hữu như vậy đồng thời xuất hiện. Lúc đó, Địa Thiên vương bỗng suy nghĩ: “Nay ta ở đây giàu có tự tại, lại còn có nhiều chỗ hơn cả nơi đây.” Vua lại nghĩ tiếp: “Ta xưa từng nghe trên đỉnh núi Tu-di có Tam thập tam thiên khoái lạc vô cùng, nay ta nên đến đó.” Nghĩ thế rồi liền cùng bốn binh chúng đến nơi ấy. Lúc đó, chúa trời Đế Thích thấy Địa Thiên vương từ xa đi đến liền đứng dậy nghênh đón, dùng lời hay để thăm hỏi, chia tòa mời ngồi và cùng nhau cai trị. Vua ở nơi ấy trải qua đã lâu, Địa Thiên vương muốn rời khỏi Đế Thích để làm vua một cõi. Nghĩ như vậy rồi vua cùng binh chúng đọa xuống Diêm-phù-đề nơi thành Mạt-độ-la. Địa Thiên vương ở lâu nơi Thiên cung hưởng thọ các thú vui vi diệu tối thượng, bỗng đọa vào nhân thế, không có tạm an ổn. Cũng như dầu tô để trên cát nóng, thân tâm bỗng biến đổi không thể kham nhận.

Lúc đó, Địa Thiên vương nói kệ rằng:

Vương giả xưng tự tại
Nhưng chưa đoạn tham dục
Như lửa thêm củi khổ
Thế nên mau xa lìa.
Như khát uống nước muối
Thì tâm càng khát thêm
Nên biết người trước dục
Không chán cũng như vậy.
Như các sông chảy biển
Chưa bao giờ tràn đầy
Nên biết người trước dục
Không chán cũng như vậy.
Như gương soi hình dung
Hiển hiện luôn thay đổi
Nên biết người trước sắc
Không chán cũng như vậy.
Như tiếng vang hang trống
Ứng đáp không dừng dứt
Nên biết người trước thanh
Không chán cũng như vậy.
Cũng như đựng đầy hương
Thọ luân chưa từng đủ
Nên biết người trước hương
Không chán cũng như vậy.
Như trộn thức ăn ngon
Lúc nào cũng ăn dùng
Nên biết người trước vị
Không chán cũng như vậy.
Như gió thổi hư không
Chuyển động mãi không dừng
Nên biết người trước xúc
Không chán cũng như vậy.
Như uống nước trong mộng
Không thể hết tưởng khát
Người ý trước các pháp
Không chán cũng như vậy.
Nếu ham thích các dục
Lửa tham càng cháy thêm
Nên dùng nước tịnh trí
Dập tắt không còn gì.

Khi Địa Thiên Chuyển luân thánh vương nói kệ rồi, liền diệt mất.

Đức Phật bảo:

–Này Đại vương! Địa Thiên vương đâu phải ai lạ, chính là ta đây.

*********

Đức Phật bảo:

–Này Đại vương! Nay ta nói tiếp, vào thời xa xưa có Chuyển luân thánh vương tên là Mạn-đạt-đa có oai thế lớn, phước đức đầy đủ, sinh ra từ đảnh của vua cha. Đời trước đã từng tu phạm hạnh, từng gặp vô lượng vô biên chư Phật, ở chỗ Đức Phật ấy trồng các công đức căn bản, kế thừa ngôi vị quán đảnh của phụ vương, thống trị bốn thiên hạ, giàu có tự tại, xuất hiện ở Diêm-phù-đề cai trị giáo hóa, vui thích năm dục thù thắng số một, an ổn sung túc, nhân dân đông nhiều, làng xóm thành ấp gà bay đến nhau, đất không có ngói gạch sạn đá gai gốc. Giá như có gò núi thì phần nhiều phát sinh ra vàng báu, ao suối vườn rừng trang nghiêm. Trong nước có một thành lớn tên là A-du-xà, phía Đông tây của thành ấy rộng mười hai do-tuần, Đông bắc rộng bảy do-tuần, lưới báu, linh báu được treo phủ lên trên. Vua có nhiều quyến thuộc cung kính vây quanh. Cũng như thành lớn Diệu kiến của Đế Thích. Vua Mạn-đạtđa xây cung điện hợp với ba mùa. Cung thứ nhất tên là Nguyệt Quang, mùa nóng thì vua ở cung này. Cung điện thứ hai tên là Lưu ly tạng, vào mùa mưa thì vua ở cung này. Cung điện thứ ba tên là Nhật quang, mùa lạnh thì vua ở cung này. Nếu khi vua vào điện Nguyệt Quang cùng với hậu phi, thế nữ, quyến thuộc vây quanh trước sau thì thân thể mát mẻ. Cũng như hương Ngưu đầu chiên-đàn xoa vào thân, thân thể của vua an ổn điều hòa cũng lại như vậy. Cũng như Đế Thích cùng các Thiên tử ở tại điện Quảng thắng, hưởng thọ vui thích tối thắng vi diệu. Nếu gặp mùa mưa thì vua và quyến thuộc vào điện Lưu ly. Ví như dùng hương Đa-ma-la-bạt-đátla xoa vào thân, ý vua khoái thích cũng lại như vậy. Nếu mùa lạnh vua và quyến thuộc vào điện Nhật quang. Như dùng hương trầm thủy xoa vào thân, thân thể của vua ấm áp khi vào điện ấy cung như vậy.

Này Đại vương! Bỗng nhiên trong cung của vua Mạn-đạt-đa trong bảy ngày mưa xuống các vàng báu. Mãn bảy ngày rồi vua khen chưa từng có, phước nghiệp thanh tịnh cẩm báo đến như vậy. Vua trụ thế cai trị giáo hóa trải qua vô lượng năm.

Lúc đó, vua Mạn-đạt-đa suy nghĩ: “Ta nghe phía Tây có Đại Ngưu hóa châu.” Nghĩ vậy rồi cùng với bốn binh chúng bay lên hư không, từ Diêm-phù-đề dần dần đến châu ấy. Đến rồi, vua thọ dụng những món ăn uống tối thượng, quốc độ nhân dân an ổn vui sướng sung túc, ở trong cung vua mưa xuống châu báu trong bảy ngày, bằng với Diêm-phù-đề không khác. Vua ở châu đó trải qua trăm ngàn vạn năm.

Lúc đó, vua Mạn-đạt-đa suy nghĩ: “Ta nghe phương Đông có Đại Thắng thân châu.” Nghĩ vậy rồi cùng với bốn binh chúng bay lên hư không, từ Ngưu hóa châu dần dần đến nơi ấy. Vua đến nơi ấy rồi thọ dụng các món ăn ngon vi diệu tối thượng, cai trị giáo hóa nhân dân an ổn vui sướng sung túc, trong cung cũng mưa châu báu bảy ngày bằng với Ngưu hóa châu không khác. Vua ở châu đó trải qua trăm ngàn vạn năm.

Này Đại vương! Vua Mạn-đạt-đa tự suy nghĩ: “Ta nghe phương Bắc có câu-lô châu, nhân dân châu ấy không sinh tưởng phân biệt ngã và ngã sở, ta nay nên đến đó thử xem.” Nghĩ vậy rồi cùng với bốn binh chúng bay lên hư không, từ Thắng thân châu dần dần đi đến châu ấy. Đến rồi vua thử xem quyến thuộc mới biết đúng như vậy. Ở châu ấy vua hưởng thọ khoái lạc trải qua vô lượng năm.

Này Đại vương! Vua Mạn-đạt-đa lại suy nghĩ: “Ta từng nghe có Tam thập tam thiên an trụ trên đảnh núi Tu-di, nay ta đích thân đến đó quán sát.” Nghĩ vậy rồi cùng bốn binh chúng bay lên hư không, từ Câu-lô châu liền đến nơi ấy. Lúc đó, Thiên chủ cùng các Thiên tử tập hợp tại Diệu pháp đường đàm luận việc trời. Thấy Mạn-đạt-đa từ xa đến, chúa trời Đế Thích liền chia nửa tòa mời vua ngồi. Khi vua Mạn-đạt-đa vừa ngồi vào tòa có mười điều hơn Thiên chủ. Đó là:

  1. Thọ mạng.
  2. Dung nghi.
  3. Danh xưng.
  4. Khoái lạc.
  5. Tự tại.
  6. Đoan chánh.
  7. Âm thanh.
  8. Trong thân luôn thoảng mùi hương thơm.
  9. Hương vị thức ăn.
  10. Xúc chạm mịn màng.

Sự thọ dụng của vua Mạn-đạt-đa và Thiên chủ đều giống nhau, chỉ có mắt nháy là khác biệt. Các Thiên tử đem việc đó để bàn luận, biết được Thiên chủ và Nhân vương hai thứ có khác.

Đức Phật bảo:

–Này Đại vương! Vua Mạn-đạt-đa tuy sinh ở nhân gian nhưng hình nghi cùng với Thiên chủ như nhau không khác, phước báo thù thắng chưa từng có. Vua ở cõi trời ấy trải qua vô lượng năm được làm Thiên chủ tự tại tối thắng, ở trong bốn thiên hạ giàu có vui sướng hơn hết. Mặc dù được Đế Thích chia nhau cai trị, nhưng tâm vẫn chưa thấy đủ. Hôm nọ, vua Mạn-đạt-đa bỗng đổi ý: “Nay ta một mình có thể làm Thiên chủ, cần gì Đế Thích, vậy mau rời nơi đây.” Vừa khởi ý nghĩ như vậy, vua cùng bốn binh chúng từ cõi trời đọa xuống Diêm-phù-đề trong vườn Tối thắng thuộc thành A-du-xà. Khi rơi xuống, oai quang của vua chiếu khắp Diêm-phù-đề, ánh sáng ấy che cả ánh sáng của mặt trời mặt trăng. Lúc đó, nhân dân ra khỏi thành để xem, thấy việc ấy rồi kinh ngạc chưa từng có, liền vào thành rao lên như vầy: “Nay có Thiên nhân và bốn binh chúng từ trên hư không rơi xuống trong vườn Tối thắng.”

Này Đại vương! Lúc đó, vua và nhân dân trong thành liền sửa soạn các thứ hương xoa, hương bột, ca múa, kỹ nhạc, tràng phan, bảo cái, vòng hoa, anh lạc, các món trang nghiêm thân vội vã đến vườn Tối Thắng.

Này Đại vương! Lúc vua Mạn-đạt-đa mới rơi xuống nhân gian, đất sáu cách chấn động. Lúc đó, nhân dân có tất cả hương trang nghiêm thù thắng tối thượng đều đem đến vườn Tối thắng để xoa lên thân vua cúng dường. Vua Mạn-đạt-đa từ lâu đã hưởng thọ khoái lạc tối thượng vi diệu của thiên cung nên không thể kham nhận những thứ của con người. Thí như dầu tô để trên cát nóng, thân thể chi phần của vua mệt mỏi biến đổi không khi nào yên.

Lúc đó, vua trong thành thưa hỏi:

–Ngài là vị trời nào đọa xuống đây?

Vua Mạn-đạt-đa đáp:

–Ngươi từng nghe xưa có Chuyển luân thánh vương tên là Mạn-đạt-đa không?

Vua và nhân dân thưa:

–Chúng tôi từng nghe có Chuyển luân thánh vương tên là Mạnđạt-đa có oai đức lớn, thống lãnh bốn thiên hạ, rời cõi người cùng với bốn binh chúng bay lên Tam thập tam thiên.

Vị trời mới rơi xuống nói:

–Vua Mạn-đạt-đa thuở xưa đó chính là ta đây, do không biết nhàm chán nên mới như thế này. Ai đối với phước báo mà biết đủ ư?

Lúc đó, vua và các thần dân trong thành dùng kệ hỏi:

Tôi nghe kỳ cựu nói
Xưa có Chuyển luân vương
Tên là Mạn-đạt-đa
Có oai thế to lớn
Cùng bốn binh quyến thuộc
Lên Tam thập tam thiên
Giáo hóa các Thiên nhân
Vì họ nói chánh pháp.
Vua Mạn-đạt-đa ấy
Bỏ vui trời chịu khổ
Sức vô thường gia hại
Do tâm không biết đủ,
Nhân dân đều chắp tay
Đảnh lễ chân Đại vương
Vua di chúc lời gì
Vị lai tôi sẽ nói.
Lúc đó Mạn-đạt-đa
Nói với mọi người rằng
Ta do đắm trước vui
Từ trời mà đọa xuống,
Co sức oai đức lớn
Thống lãnh bốn thiên hạ
Thọ dục lạc không chán
Từ trời mà đọa xuống,
Xưa tự ở trong cung
Bảy ngày mưa trân báu
Thọ dục lạc không chán
Từ trời mà đọa xuống
Chúa trời Đế Thích kia
Chia nửa tòa cùng trị
Bị ác giác não loạn
Từ trời đọa xuống đây.
Đối dục lạc không chán
Không tin lời của Phật
Tự phá hoại phước nghiệp
Lưu chuyển biển luân hồi.
Đời có bậc Đại trí
Hay lìa dục si ám
Và giáo hóa người khác
Biết đủ khéo quán sát,
Nếu suy nghĩ chân chánh
Tùy thuận các thiện pháp
Phá hoại nghiệp luân hồi
Và khổ sinh, già, chết.
Quán xúc như lửa cháy
Quán thọ cũng như vậy
Biết rõ như thế rồi
Không còn khởi tham lam.
Người ngu trước cảnh giới
Như nghe tiếng âm nhạc
Rõ căn cảnh vốn không
Biết pháp lìa tự tánh.
Sáu xứ không vắng lặng
Chỉ biến kế phân biệt
Nếu rõ được sắc không
Thì không sinh tham trước.
Người trí khéo phòng hộ
Nhàm chán khổ luân hồi
Mắt tuệ thường chiếu sáng
Lìa hết mọi lỗi lầm.

Đức Phật nói:

–Này Đại vương! Vua Mạn-đạt-đa thuở đó đâu phải người nào lạ, Đại vương chớ nhìn đâu khác, nay chính là thân ta đây. Do cậy vào oai lực phước đức tự do, tham lam không chán, cho nên phải chịu đọa lạc. Thế nên, Đại vương! Hãy xả bỏ giàu có kiêu mạn tự do mà an trụ tịnh tâm chớ sinh buông lung. Nếu lìa buông lung thì được lợi ích cả mình và người, sinh các căn lành, trụ lý bình đẳng và có khả năng chứng nhập pháp tánh chân như.

Đại vương nên biết! Nếu hữu vi giới, vô vi giới cả hai bình đẳng, không có tướng nam, cũng không có tướng nữ, không có quá khứ, hiện tại, vị lai, nên đối với pháp này an trụ tự tâm, quyết định chánh quán chớ chạy theo lời người khác.

Này Đại vương! Thuở xưa có vua tên là Nê-di xuất hiện ở thế gian, đem chánh pháp cai trị hóa độ, tâm thường vắng lặng không sinh buông lung, dù ở bất cứ đâu cũng xa lìa hạnh buông lung, vì sợ các tội ác nên không dám tái phạm.

Này Đại vương! Vua Nê-di chú ý kiên cố, thường hay quán sát

ba đời bình đẳng; quán tất cả các pháp thời quá khứ trụ lý bình đẳng vốn lìa tự tánh; tất cả các pháp hiện tại, vị lai lìa tự tánh cũng lại như vậy.

Này Đại vương! Vua Nê-di quán pháp ba đời bình đẳng bình đẳng, không sinh chấp trước. Lại quán tất cả chúng sinh ở thế gian bị bốn điên đảo làm mê hoặc, đối với bất tịnh lại tưởng là tịnh, đối với bức bách lại tưởng an lạc, đối với vô thường lại khởi tưởng thường, đối với vô ngã mà tưởng là ngã. Lúc đó vua Nê-di suy nghĩ: “Người ngu thế gian thật đáng thương xót. Tất cả các pháp tự tánh vắng lặng, do si vọng che lấp nên không biết gì. Vậy nên bày phương tiện dùng bốn nhiếp pháp giáo hóa các hữu tình khiến sinh lòng tin tùy thuận.”

Vua mới bảo rằng: “Các ngươi nên biết rõ tất cả các pháp vốn lìa tự tánh, nếu pháp lìa tự tánh thì nên biết pháp ấy không phải quá khứ, hiện tại, vị lai.” Vì sao? Vì tất cả pháp tự tánh là không. Nếu tự tánh pháp là không thì không thể phân biệt mà nói là quá khứ, hiện tại, vị lai.

Này Đại vương! Vua Nê-di chỉ rõ pháp ba đời bình đẳng rồi, lúc đó chúng hội trăm ngàn vạn ức chúng sinh nghe pháp hiểu rõ và đạt được Vô sinh pháp nhẫn.

Lúc đó, Tam thập tam thiên và các Thiên tử tập hợp tại Diệu pháp đường cùng nhau bàn luận, dùng thiên nhãn xa thấy trong Diêm-phù-đề có vua Nê-di đem mười điều thuận giáo hóa cai trị, tất cả nhân dân đều được pháp lợi, phương tiện khéo léo lợi ích chúng sinh.

Khi ấy, chúa trời Đế Thích ở các chỗ khác dùng thiên nhĩ thanh tịnh nghe nói như trên, mỗi mỗi Thiên chủ đều đến và ngồi trong hội hỏi các Thiên tử vừa rồi nói việc gì. Các Thiên tử đáp:

–Nay người ở Diêm-phù-đề vui được pháp lợi, có vua Nê-di thâm hiểu thông đạt các pháp, phương tiện khéo léo, nhiếp hóa chúng sinh, khiến người điên đảo lìa điên đảo. Vừa rồi bàn luận chính là việc này đây.

Lúc đó, Thiên chủ nói với các Thiên tử:

–Vua Nê-di đời trước đã trồng công đức căn bản, thành tựu sức oai thần đầy đủ, các ngươi muốn thấy vua Nê-di kia không?

Các Thiên tử đều đáp:

–Chúng tôi đều muốn thấy.

Lúc đó, Đế Thích ra lệnh lính ngự tên là Ma-đa-lê:

–Ngươi nên trang nghiêm ngàn cổ xe báu cùng những hầu hạ đến Diêm-phù-đề chỗ vua Nê-di tâu như vầy: “Tâu Đại vương. Đây là ngàn xe báu của Đế Thích sai tôi đến đón Đại vương. Cúi xin ngài lên xe chớ sinh sợ hãi, các Thiên tử muốn thấy Thánh vương.” Lính ngự thưa:

–Nay Đại vương bay lên trời có hai con đường để đến. Một là từ con đường điên đảo của chúng sinh mà đến; hai là từ con đường không điên đảo của chúng sinh mà đến.

Vua Ne-di bảo:

–Ngươi nên dắt ta đi giữa hai con đường ấy.

Lúc đó, lính ngự Ma-đa-lê vâng lệnh vua dạy, đi theo con đường giữa.

Vua Nê-di lại bảo:

–Ngươi nên dừng xe tạm nghỉ giây lát để ta quán sát con đường điên đảo mà chúng sinh ở. Lúc đó, vua Nê-di dùng nguyện lực, trong khoảng chốc lát khiến vô lượng chúng sinh đều được Tịch tĩnh thần thông du hý Tam-ma-địa và đạt Vô sinh pháp nhẫn. Chỉ trong giây lát mà vua Nê-di thành tựu đại lợi như vậy. Vì sao? Vì vua đã tích tập hạnh không buông lung, phương tiện khéo léo, lợi lạc chúng sinh.

Lúc đó, Ma-đa-lê lần lượt tiến đến trước hướng dẫn vua đến đảnh núi Tu-di. Trước hết, vua thấy cây rừng xanh tươi rồi hỏi lính ngự:

–Trong đây nhất định là chỗ ở của chúng sinh không điên đảo.

Lính ngự thưa:

–Rừng này là của Tam thập tam thiên, các Thiên tử đang ở trong Diệu Pháp đường, nhất tâm chiêm ngưỡng muốn thấy Đại vương, xin chớ nghi sợ, nen vào nhà này.

Lúc đó vua Nê-di dung nghi hòa duyệt, thân tâm không động.

Đế Thích từ xa trông thấy liền đứng dậy nghênh đón.

–Lành thay, Đại vương! Từ xa dùng oai thần đến đây không biết mệt mỏi.

Nói rồi liền chia nửa tòa mời ngồi, cùng nhau thăm hỏi. Vua Nê-di mới ngồi vào tòa, Đế Thích khen:

–Lành thay, Đại vương! Vui được thiện lợi, có khả năng khiến cho pháp Phật hưng thạnh lâu dài.

Đế Thích bảo các Thiên tử:

–Vua Nê-di đây từ lâu đã trồng các thiện căn, thành tựu công đức không thể nghĩ bàn, phương tiện khéo léo, chỉ trong giây lát giáo hóa tám mươi ức hữu tình lìa điên đảo, trụ vào pháp Phật.

Ma-đa-lê lúc đó không biết gì, vua Nê-di vì các Thiên tử mà nói pháp yếu, rồi thưa với Thiên chủ rằng:

–Tôi nay trở về cõi Diêm-phù-đề. Vì sao? Vì muốn hộ trì chánh pháp của Đức Phật.

Thiên chủ nói:

–Xin Đại vương cứ tùy ý.

Đức Phật nói:

–Này Đại vương! Vua Nê-di thuở xưa chính là thân ta, sức không buông lung không thể nghĩ bàn. Đế Thích chia tòa còn không ham thích. Vì thế nên biết, đối với pháp Phật phải siêng năng tinh tấn trụ khong buông lung.

Này Đại vương! Sao gọi là pháp Phật? Tất cả các pháp đều là pháp Phật.

Vua Tịnh Phạn nghe lời ấy rồi bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Nếu tất cả pháp đều là pháp Phật, thì tất cả chúng sinh cũng đều là Phật?

Đức Phật bảo:

–Này Đại vương! Chúng sinh không trụ vào kiến chấp điên đảo thì là Phật.

Này Đại vương! Phật cũng gọi là chân như, là thật tế, là pháp giới. Tất cả những danh từ đó đều dựa vào thế tục đế mà tìm cầu đưa ra chứ chẳng phải thắng nghĩa đế nói như thế.

Này Đại vương! Tất cả các pháp vốn không sinh diệt. Đây gọi là A tự Đà-la-ni môn, không có tự tánh, không có tạo tác, không có tướng mạo, không có nhân duyên, không có đến đi, không có chúng sinh, không có thọ giả, không có người nuôi dưỡng, không có Bổđặc-già-la, không có hý luận, không có hình trạng, không có biên tế, không có nhiễm ô, không có tập nghiệp sót lại, không có sai sử, không có đoạn trừ, không trói, không mở; không tới, không lui; không thắng, không liệt; không tán loạn, không quên mất, không biết, không phải không biết, không thấy; không phải không thấy, không giới; không phải không giới, không phải hối; không phải lìa hối, không phải vui; không phải không vui, không phải ái; không phải không ái; không phải yên, không phải không yên; không phải định; không phải không định, không phải tịnh, không phải không tịnh; không phải tham, không phải lìa tham; không phải thoát, không phải lìa thoát; không phải trí, không phải không trí, không phải làm; không phải không làm, không phải báo, không phải không báo.

Này Đại vương! Nếu ai có khả năng hiểu được pháp môn chữ “A” này thì có thể hiểu rõ tất cả các pháp.

Này Đại vương! Sắc lìa tự tánh, không phải đã có, không phải hiện có và không phải sẽ có; thọ, tưởng, hành, thức lìa tự tánh ấy, ba đời không có cũng lại như vậy.

Này Đại vương! Ví như tiếng vang trong hang không phải đã có, không phải hiện có và không phải sẽ có. Sắc cho đến thức ba đời không có cũng lại như vậy.

Này Đại vương! Ví như sóng nắng không phải đã có, không phải hiện có và không phải sẽ có. Sắc cho đến thức ba đời không có cũng lại như vậy.

Này Đại vương! Ví như bọt nước không phải đã có, không phải hiện có và không phải sẽ có. Sắc cho đến thức ba đời không có cũng lại như vậy.

Này Đại vương! Ví như người nữ bằng đá trong mộng sinh con không phải đã có, không phải hiện có và không phải sẽ có. Sắc cho đến thức ba đời không có cũng lại như vậy.

Này Đại vương! Hư không không nương vào sắc, cho đến thức cũng không chỗ nương.

Này Đại vương! Sắc không có sinh, cho đến thức cũng không có sinh.

Này Đại vương! Sắc không có diệt, cho đến thức cũng không có diệt.

Này Đại vương! Niết-bàn giới không sinh diệt; sắc cho đến thức cũng không sinh diệt.

Này Đại vương! Pháp giới không sinh diệt; sắc cho đến thức cũng không sinh diệt.

Này Đại vương! Pháp này chính là Sở hành của Như Lai, cảnh giới vi diệu không thể nghĩ bàn, chẳng phải lấy, chẳng phải bỏ, không phải được, không phải mất. Điều đó, các hàng Thanh văn, Bích-chi-Phật và phàm phu không thể hiểu được. Vì sao? Vì tất cả các pháp vốn không có tự tánh, hoặc lấy hoặc bỏ đều không thể được. Đại vương đối với pháp này nên tự an ý chánh niệm quán sát, chớ có chạy theo lời người khác.

Vua Tịnh Phạn nghe lời dạy ấy rồi thông đạt rõ ràng, do đó mới biết được không có một pháp nhỏ nào có thể được và không thể được.

Khi Đức Phật nói kinh này, vua Tịnh Phạn cùng với bảy vạn người dòng họ Thích đều được Vô sinh pháp nhẫn.

Lúc đó, Đức Phật biết được vua Tịnh Phạn ngộ pháp này rồi, thâm tâm quyết định, liền từ trong miệng phóng ra đủ loại ánh sáng chiếu khắp vô lượng vô biên thế giới vượt quá Phạm thế, rồi lại nhập vào đảnh Phật.

Tôn giả Mã Thắng từ chỗ ngồi đứng dậy bày vai phải, gối phải quỳ sát đất, chắp tay đảnh lễ dùng kệ thưa hỏi:

Đại Thánh Tôn dũng mãnh
Hiện việc hy hữu này
Phóng ánh sáng chiếu khắp
Chiếu đến cả Phạm thế.
Đạo Sư Nhất thiết trí
Cớ gì hiện điềm này
Xin nói lý do đó
Trừ nghi hoặc chúng con.
Như Lai thành đạo rồi
Nhiêu ích khắp chúng sinh
Vì độ dòng họ Thích
Làm trời ngừơi hoan hỷ.
Như Lai phóng ánh sáng
Giác ngộ các Phật tử
Như pháp mà tu hành
Sẽ được trí vô thượng.
Phật là chúa ba cõi
Tối thắng không ai bằng
Hay phá các chúng nghi
Tâm thanh tịnh an ổn.

Lúc đó, Đức Thế Tôn vì Tỳ-kheo Mã Thắng nói kệ rằng:

Mã Thắng nên lắng nghe
Ta phóng ánh sáng này
Vì lợi lạc dòng Thích
Khiến thấy trí chân thật.
Họ hiểu rõ được rằng
Các pháp không thể được
Đối với chánh pháp ta
Vắng lặng tâm an trụ.
Dòng Thích tiếng tăm lớn
Rõ pháp không chỗ nương
Lìa được tâm nghi ấy
Vị lai sẽ thành Phật.
Từ thân cuối cùng này
Được sinh nước Cực lạc
Hóa sinh từ hoa sen
Phụng thờ Vô Lượng Thọ.
An trụ cõi Phật ấy
Tinh tấn không hiện chuyển
Du hóa khắp mười phương
Phụng thờ trăm ức Phật.
Ở mỗi mỗi thế giới
Khởi cúng dường các món
Vì lợi các hữu tình
Siêng cầu đạo Vô thượng.
Trải qua mỗi cõi Phật
Kiến lập các Phật sự
Được Như Lai gia trì
Tâm dũng mãnh kiên cố.
Trong vô lượng ức kiếp
Đem hương hoa thơm đẹp
Phụng hiến các Thế Tôn
Sau sẽ thành Chánh giác.
Ở mỗi mỗi chỗ Phật
Tuyên dương trợ pháp hóa
Thành thục các hữu tình
Tâm đều được sáng suốt.
Ở các cõi Phật ấy
Không Duyên giác, Thanh văn
Chỉ có trụ Đại thừa
Chúng Bồ-tát thanh tịnh.
Tuổi thọ mỗi Đức Phật
Vô lượng vô biên tuổi
Giáo hóa lợi chúng sinh
Duyên hết như đèn tắt.
Phật kia diệt độ roi
Các Phật tử giữ gìn
An trụ ở thế gian
Tuyên nói pháp vắng lặng.
Chúng đệ tử như vậy
Nhiếp hóa các chúng sinh
Khéo điều phục tự tâm
Đối pháp không được chứng.
Trụ hạnh không buông lung
Quán pháp tự tánh không
Như lý khéo tu hành
Sẽ thành Nhất thiết trí.
Các dòng họ Thích này
Nghe pháp đều khai ngộ
Các hàng trời và người
Tâm xuất sinh vui mừng.

Lúc đó, Đức Thế Tôn bảo Tôn giả Xá-lợi-phất:

–Nay ta nói Tam-ma-địa vi diệu thấy tánh chân thật. Nếu các Bồ-tát nghe pháp này rồi thì mau chóng được giác ngộ đến bờ giải thoát. Vì sao? Vì Tam-ma-địa này rõ được tất cả pháp tự tánh chẳng phải có, không có Bổ-đặc-già-la, không có một pháp nhỏ nào có thể được. Nếu người nào có sở đắc thì người ấy không phải giác ngộ. Nếu không giác ngộ thì không nói. Nếu không nói thì không hiểu biết. Nếu không hiểu biết thì là pháp của ba đời chư Phật.

Này Xá-lợi-phất! Ta nay đem Tam-ma-địa thấy tánh chân thật này phó chúc cho ông, các ông nên thọ trì đọc tụng và đem truyền bá rộng rải giáo hóa người khác.

Này Xá-lợi-phất! Nếu thiện nam, thiện nữ nào an trụ Đại thừa, trong mười kiếp hanh năm Ba-la-mật, trừ Bát-nhã ba-la-mật. Nếu người nào đối với Tam-ma-địa thấy tánh chân thật này mà thân cận lắng nghe thọ trì, thì được công đức nhiều hơn người kia.

Lại nữa, này Xá-lợi-phất! Nếu có người nào ở trong mười kiếp nghe pháp này rồi đem thuyết giảng cho một người thì được công đức nhiều hơn người kia.

Lại nữa, này Xá-lợi-phất! Nếu có người trong mười kiếp nghe pháp này rồi, đem dạy lại cho người khác, công đức không bằng người chỉ trong khoảng sát-na tu tập quán sát.

Này Xá-lợi-phất! Ông nên nhất tâm vì các Bồ-tát phân biệt khai thị khiến không cho dứt mất. Vì sao? Vì người chứng Tam-mađịa này thì mau chóng được Vô sinh pháp nhẫn, sẽ chứng Chánh đẳng Chánh giác.

Khi Đức Thế Tôn nói pháp này rồi, Tôn giả Xá-lợi-phất, các Tỳ-kheo, vua Tịnh Phạn, Thích, Phạm, chư Thiên, A-tu-la, Càn-thátbà, Nhân phi nhân… nghe rồi đều hoan hỷ, tín thọ phụng hành.