SỐ 212
KINH XUẤT DIỆU
Tác giả: Tôn giả Pháp Cứu soạn
Hán dịch: Đời Diêu Tần, Sa-môn Trúc Phật Niệm, người đất Lương châu
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 23

Phẩm 27: NÊ-HOÀN

Như rùa giấu sáu phần

Tỳ-kheo giữ ý tưởng

Không cậy, không hại kia

Vắng lặng, không nói năng.

Như rùa giấu sáu phần, Tỳ-kheo giữ ý tưởng: Như rùa thần kia sợ chết, nên hễ thấy kẻ thù là giấu sáu bộ phận vào trong mai, nnó nghĩ thầm: “Nếu ta không giấu sáu bộ phận thì sẽ bị thợ săn bắt, hoặc bị chặt đầu, hoặc chặt hai chân trước, hoặc chặt hai chân sau, hoặc chặt đuôi của ta. Nếu ta không đề phòng thì chắc chắn là chết không còn nghi ngờ”. Thầy Tỳ-kheo tu hành cũng giống như vậy, vì sợ sinh tử mà nhiếp ý loạn tưởng, thường nghĩ: “Nay ta được làm người sống tạm, không có bao lâu? Nếu không tự thu nhiếp tâm ý thì bị ma Ba-tuần, ma tham dục, Tự tại thiên tử sẽ được dịp làm hại ta, cho nên nói: Như rùa giấu sáu bộ phận, Tỳ-kheo giữ tâm ý mình.

Không cậy, không hại ai, vắng lặng không nói năng: Không nương cậy vào các kết sử và các hành động tà kiến điên đảo. Nếu muốn nương thì chỉ được nương vào Tứ thánh đế mà thôi, bởi nó giúp ta mau đến nơi an ổn như ý muốn. Như người bệnh lâu ngày, gầy ốm nằm trên giường, đại tiểu tiện ngay trên đó, hay như người già, quá gầy ốm, không thể đi lại, cần phải có người khỏe mạnh đến dìu đi thì cũng có thể đến mình muốn đến một cách an ổn. Các loài chúng sinh cũng giống như thí dụ vừa nói, các căn chậm lụt, không hết lòng thiết tha đối với các nghĩa sâu kín. Nếu như gặp được bạn lành nương cậy giúp đỡ thì dần dần thoát được vòng sinh tử. Đó là lời Thế Tôn dạy bảo người sau: “Chớ nương cậy vào sinh tử mà sinh tâm mưu hại. Không nương cậy, không mưu hại thì mới thành dấu đạo”. Cho nên nói: Không cậy, không hại kia.

Vắng lặng, không nói năng: Giống như lửa cháy ánh sáng đỏ rực, nó đốt cháy cả núi rừng, cây cỏ, cành lá, không còn sót thứ gì. nhưng sau khi lửa rụi tàn thì không còn chút dấu vết của lửa. Kẻ phàm phu cũng giống như vậy. Họ bị lửa tham, lửa sân, lửa si đốt cháy gốc lành công đức không sót chút nào. Công đức đã hết lại khiến kẻ kia không đến được chỗ rốt ráo. Nếu như chứng được quả A-la-hán thì dứt sạch các phiền não, lửa dâm, nộ, si tắt ngấm vĩnh viễn, chính mình đã chứng đạo mới có khả năng độ người khác.

Cho nên nói: Vắng lặng, không nói năng.

——————–

Nhẫn nhục là bậc nhất

Phật nói Niết-bàn trên

Không còn chút nóng bức

Diệt phiền não Sa-môn.

Thuở xưa, khi Đức Phật Thích-ca còn làm Bồ-tát, Ngài ở nơi núi sâu, không ai lui tới. Ngài khổ công tu hành nhẫn nhục, trong tâm buộc niệm, các vọng tưởng không sinh. Khi ấy, vua Ca-lam-phù đi dạo chơi, dẫn theo cung nhân thế nữ vui chơi năm thứ dục lạc, đàn cầm đàn sắt, trổi các kỹ nhạc, tha hồ tự do. Vua nghe nhạc

đến mệt mỏi nên ngủ say. Các cung nhân thể nữ đều túa ra đi hái hoa đẹp. Họ trông thấy ở phía xa có vị Bồ-tát đang ngồi dưới gốc cây, khuôn mặt khôi ngô, sắc như hoa đào nở. Ai trông thấy trong lòng cũng hớn hở. Ngài ngồi sáng rực như mặt trời mới mọc chiếu sáng khắp nơi, như mặt trăng ở trên không, ngự trị giữa ngàn sao.

Các thể nữ thấy vậy đua nhau đều chạy đến quỳ lạy, rồi đứng qua một bên. Lúc bấy giờ Bồ-tát từ từ mở mắt nhìn, oai nghi khoan thai, từ tốn dẫn dắt bằng cách nói pháp mầu cho nghe, Ngài dạy:

–Ái dục là việc bất tịnh, phiền não là họa lớn. Hễ người bị tham dục làm nhuộm dơ thân mình thì về sau bị đọa vào loài bồ câu, chim sẻ, hôi hám dơ bẩn, đọa vào đường ác. Đó không phải là điều mà Thánh hiền chân nhân tu học. Các cô nên biết, người ưa dâm dục sẽ phải chịu quả báo xe lửa, lò than.

Bồ-tát dùng nhiều cách như vậy để giảng nói sự nhơ bẩn của ái dục. Khi đó, vua Ca-lam-phù thức dậy nhìn bốn phía không thấy các thể nữ, vua liền rút gươm bén, lên ngựa phóng nhanh đi tìm, một lát sau thì nhìn thấy Bồ-tát đằng xa với thần thái ung dung và các thể nữ đang ngồi vây quanh. Trong tâm vua tự nghĩ: “Người này khôi ngô ít có trên đời, chắc chắn đã tư thông với các thể nữ của ta”. Vua rất tức giận, ghen tuông, lửa sân bốc cháy, không còn kể gì lý lẽ, vua đến trước mặt Bồ-tát, hỏi:

–Ông là vị Tiên, ở đây tu đạo thuật, đã được Đệ nhất thiền chưa?

Bồ-tát trả lời:

–Thưa đại vương, chưa.

Vua lại hỏi:

–Vậy ông đã được Thiền thứ hai, thứ ba, thứ tư, không xứ, thức xứ, bất dụng xứ, hữu tưởng, vô tưởng xứ chưa?

Đáp:

–Thưa đại vương, chưa.

Vua nói:

–Ông ở đây tu đạo thuật mà các pháp ấy chưa được một thì ở đây làm cho cho uổng phí tháng ngày.

Bồ-tát đáp:

–Sở dĩ tôi bỏ gia đình, sự nghiệp ở đây để học đạo, là muốn tu định nhẫn nhục.

Vua lại nghĩ: “Người này đã tu học lâu năm ở đây, vừa thấy sắc mặt ta, biết ta giận dữ, cho nên bảo ta rằng mình tu hạnh nhẫn nhục. Vậy, giờ đây ta phải thử xem có đúng như vậy chăng. Hễ thử pháp nhẫn nhục thì không thể dùng món ăn ngon hay kỹ nhạc mà có thể biết được, mà phải dùng tới sự oai nộ đau đớn gây thương tích cho ông ta mới thấy rõ được.” Vua liền bảo vị Tiên:

–Nếu ông thực hành nhẫn nhục thì đưa tay phải ra, ta muốn thử xem.

Bồ-tát thản nhiên đưa tay mặt ra. Lúc ấy, vua rất tức giận, không màng đến quả báo đời sau, liền rút gươm chém đứt tay phải, kế là tay trái của Bồ-tát, rồi chặt chân phải, kế là chân trái của Bồ-tát, cắt tai, xẻo mũi Bồ-tát. Vua hỏi:

–Giờ đây, chí ông mong cầu điều gì?

Vị Tiên đáp:

–Nay tôi thực hành nhẫn nhục, không buông rời giây phút, dù cho vua có nghiền nát thân tôi như hạt cải thì tôi cũng không bao giờ lui sụt mà đánh mất tâm Từ bi nhẫn nhục. Người mà bị tâm tức giận làm ô nhiễm thì sau khi thân bị hủy hoại máu sẽ tuôn lênh láng, nay tôi đạt được pháp nhẫn nhục, dù thân bị hủy hoại thì mỗi nơi thương tích kia sẽ chảy ra chất sữa cả. Đó là sự chứng nghiệm cho hạnh nhẫn nhục của tôi.

Cách đó không xa, cũng có vị Tiên học đạo với mấy trăm đồ chúng, nghe Bồ-tát bị vua hủy hoại thân thể, ông và đồ chúng liền đến vây quanh hỏi han:

–Ngài có đau đớn lắm chăng?

Bồ-tát đáp:

–Thưa không!

Các vị tiên lại hỏi:

–Thân thể Ngài bây giờ chia làm bảy phần, cớ sao Ngài nói là không đau nhức?

Bồ-tát đáp:

–Người nào tâm đau nhưng thân không đau, thì bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Còn người nào thân đau nhưng tâm không đau thì người đó sẽ thành Vô thượng Tối chánh giác.

Khi ấy các vị Tiên đều khen:

–Hay lắm! Đức nhẫn của bậc Thần tiên này là tuyệt diệu, không còn ai hơn. Người có căn tánh lanh lợi, nuôi lớn phước đức, chắc chắn sẽ đạt được ước nguyện trong thời gian không lâu.

Cho nên nói: Nhẫn nhục là bậc nhất.

Phật nói Niết-bàn trên: Pháp vi diệu trong các pháp không gì hơn Niết-bàn. Niết-bàn không có sinh, già, bệnh, chết, điềm nhiên vô vi, tất cả ý niệm sinh diệt không còn, là pháp cao thượng trong các pháp không có pháp nào hơn. Cho nên nói: Phật nói Niết-bàn trên.

Không còn chút nóng bức: Đã bỏ gia đình, vợ con, bỏ năm thứ dục lạc, tám nghề nghiệp ở đời, không đoái hoài đến vinh hoa thế tục, xuất gia học đạo thì vì sao ở trong Phật pháp lại làm một chúng sinh nóng bức? Cho nên nói: Không còn chút nóng bức.

Diệt phiền não làm Sa-môn: Đã làm Sa-môn thì phải tương ưng với nghĩa bậc nhất, phải theo pháp Sa-môn, không vượt thứ lớp. Không còn tâm ganh ghét, lừa dối, che chở kẻ khác như chính thân mình. Ai không nghe lời khuyên dạy thì họ tinh tấn học đạo, cho nên nói: Diệt phiền não làm Sa-môn.

———————-

Chớ nói lời thô lỗ

Nên nói lời lưu loát

Kẻ ít học vặn hỏi

Khuất phục bởi học rộng.

Chớ nói lời thô lỗ: Khi Đức Phật còn tại thế, Ngài nói pháp cho Tôn giả Mục-kiền-liên:

–Này Mục-liên, khi nói pháp cho người nghe thì nên nói đúng như pháp, không nói nhiều nghĩa lẫn lộn nhau. Khi nói chánh pháp thì tâm ý ngay thẳng, chớ ngó hai bên. Không thể nói lan man, nói chuyện không gấp rút (ra khỏi sinh tử)? Vì sao như vậy? Vì những lời nói thô lỗ thì có nhiều sơ hở lỗi lầm, sau này mắc quả báo một thân trăm đầu như Tỳ-kheo Ca-tỳ-la không khác.

Cho nên nói: Chớ nói lời thô lỗ.

Nên nói lời lưu loát: Thông thạo thiên văn địa lý, các sao đổi dời, điềm dữ xuất hiện, thông hết sáu nghề, hiểu rõ sách vở. Mọi hành động không suy tính chính đáng thì bị người trí chê bai, ngờ vực. Nếu quở trách thì càng thêm giận dữ, hạng người như thế không nên gần gũi, cho nên nói: Nên nói lời lưu loát.

Kẻ ít học vặn hỏi bị khuất phục bởi người học rộng: Con người ta tự cho mình phải, cho người khác là trái vốn đã có từ lâu đời. Họ bảo: “Lời ta nói là đúng, lời ông ấy nói là sai”; cho mình cao, cho người thấp, sinh ra tức giận. Như có hai kẻ gièm chê Phật, một người thì tin lời dạy mà không suy xét, người kia thì không tin bởi các căn chậm lụt. Hai người này đã trồng gốc rễ trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Nếu sinh làm người thì sáu giác quan không đầy đủ, lời nói bị ngọng nghịu, cà lăm, cho nên nói: Kẻ ít học vặn hỏi, (bị) khuất phục bởi học rộng.

———————

Ai hay nổi phiền não

Như đồ đựng bị lủng

Trôi lăn trong sinh tử

Chìm đắm không ngày ra.

Ai hay nổi phiền não, như đồ đựng bị lủng: Như người cố chấp kiến thức ngu si của mình cho đến chết vẫn không sửa đổi, họ bị kết sử trói buộc, loạn tưởng điên đảo, đem những lời răn dạy đổi thành tà kiến để tự trói buộc mình. Họ như đồ đựng bị nứt lủng, mọi thứ chứa bên trong đều bị rỉ chảy, không còn gì, tự mình sống trong bụi nhơ bị nhuốm bẩn, cho nên nói: Ai hay nổi phiền não, như đồ đựng bị lủng.

Trôi lăn trong sinh tử, chìm đắm không ngày ra: Ai không biết lo nghĩ xa thì chắc chắn phải chịu tai ương. Như người thợ gốm cho bánh xe quay vòng không ngừng, chúng sinh trôi lăn mãi trong sinh tử muốn ra khỏi đó thì vô cùng khó khăn, không có gì để thí dụ được, cho nên nói: Trôi lăn trong sinh tử, chìm đắm không ngày ra.

——————–

Nếu không nổi phiền não

Như đồ đựng lành lặn

Như thế đến Niết-bàn

Không bị bụi nhơ che.

Nếu không nổi phiền não, như đồ đựng lành lặn: Nếu mình chuyên tâm, không khởi tham đắm, cởi bỏ các trói buộc của kết sử thì đạt trí tuệ vô lậu, bốn ý chỉ, bốn ý đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy giác ý, tám phẩm đạo của bậc Thánh hiền. Như đồ đựng lành lặn chứa đựng được các thứ, ai thấy cũng ưa thích, cho nên nói: Nếu không nổi phiền não, như đồ đựng lành lặn.

Như thế đến Niết-bàn, không bị bụi nhơ che: Người không có các cặn bã phiền não như thế thì sẽ đến được chỗ Niết-bàn dứt hết các kết sử, hoàn toàn vắng lặng, hoàn toàn dứt bặt, không còn sinh diệt, cho nên nói: Như thế đến Niết-bàn, không bao giờ bị bụi nhơ che mờ.

——————–

Không bệnh lợi bậc nhất

Biết đủ là giàu nhất

Biết gần, bạn bậc nhất

Niết-bàn là vui nhất.

Không bệnh lợi bậc nhất: Ở đời có nhiều người từ nhỏ đã thường bị bệnh, đó là do nhân quả báo ứng đời trước.

Thuở xưa, có hai người thương buôn mạo hiểm đến xứ khác làm ăn. Chưa mấy chốc đã được giàu to. Một người bị bệnh nặng, tất cả tiền của đều đem ra trị bệnh hết sạch. Khốn cùng mà bệnh vẫn không thuyên giảm. Còn người kia thì không hề bệnh hoạn gì nên không bị hao tốn đồng nào. Dù giàu to, nhưng anh ta vẫn than thở:

–Của cải ta có được không đáng kể.

Anh trở về quê nhà một cách an ổn, không hao tốn gì cả, thế mà ngày đêm vẫn kêu ca:

–Ta không có tài lợi.

Bà con họ hàng đến khuyên can anh:

–Nay ông không bị bệnh hoạn gì, được trở về nhà một cách yên ổn, sao còn kêu ca thán trách rằng chẳng có tài lợi. Mạng sống được yên ổn là vật báu quý nhất trong các vât báu.

Cho nên nói: Không bệnh lợi bậc nhất.

Biết đủ là giàu nhất: Như trong Luật tạng có nói: ‘Ở đời, có hai hạng người không hề biết thỏa mãn bao giờ,’ hai hạng người ấy là:

  1. Người có của mà tiêu xài hoang phí.
  2. Người có của mà giấu kỹ.

Nếu trong cõi Diêm-phù này, trời mưa bảy báu tràn ngập thế gian, thì hai hạng người ấy vẫn không biết đủ. Người không dứt bỏ tâm ham muốn thì tham đắm vào tiền của, dù có được vẫn cứ mong cầu bởi không bao giờ biết thỏa mãn. Chỉ có người thực hành đạo lý, biết rõ vô thường, biết nó là không thật mới không màng đến của báu. Biết mọi thứ đều là huyền hóa, không tồn tại lâu dài, như lửa đá nháng xẹt qua mắt, đổi thay nhanh chóng như vậy không dừng bao giờ, cho nên nói: Biết đủ là giàu nhất.

Biết gần, bạn bậc nhất: Người cùng biết nhau, lấy chân tình làm gốc. Trước là tin, sau là nghĩa mà sống chung. Thuở xưa, có một người nọ thâm tình chí thiết, chỉ sống với bạn, không màng đến anh em ruột thịt. Quan sai lính cấm phòng đến mời người ấy.

Anh này trong khi đang say rượu, giết chết người sứ kia. Anh liền chạy đến nhà người bạn kể hết việc ấy cho bạn nghe:

–Nay tôi khốn đốn nguy ngập không nơi dung thân, chỉ mong được anh che chở để tránh khỏi tai nạn nguy khốn.

Nghe xong, người bạn này kinh ngạc:

–Ôi! Việc của anh nguy hiểm lắm, khó có thể giấu được.

Thôi, anh mau về đi, chớ ở đây lâu. Nếu chuyện này bị phát giác thì tội của tôi không phải nhỏ. Anh có anh em, bà con hiển vinh, cớ sao lại nhắm vào tôi mà lại quên đi tình cốt nhục?

Nghe vậy, người ấy liền trở về nhà, đến nhà anh em, lạy xuống đất rồi tự trình bày lỗi lầm của mình đã gây ra cho người anh biết. Bà con họ hàng nghe qua liền an ủi anh ta:

–Chớ có lo sợ, ta sẽ tìm cách giúp thoát khỏi nạn này.

Bà con họ hàng liền nhóm họp lại, sửa soạn xe cộ xong xuôi, mọi người cùng anh lên đường qua xứ khác. Họ cùng cất nhà, chung sống đối đãi nhau tốt đẹp hơn gấp nhiều lần hơn khi còn ở quê nhà, ngày càng giàu lên với vô số kẻ ăn người ở, cho nên nói:

Biết gần là bạn bậc nhất.

Niết-bàn là vui nhất: Trong Niết-bàn không bao giờ có các khổ, kết sử trần lao không bao giờ còn, tất cả đều hoàn toàn dứt hết, cho nên nói: Niết-bàn là vui nhất.

——————–

Đói là nạn lớn nhất

Hành là khổ bậc nhất

Biết như thật điều ấy

Niết-bàn là vui nhất.

Đói là nạn lớn nhất: Thuở xưa, vua Bình-sa bị con là A-xà-thế nhốt trong ngục kín, cắt hết mọi tin tức, lương thực. Nhà vua đói khổ không biết tỏ cùng ai. Vua chợt nhớ đến Phật, lại nhớ lời Phật dạy, khi ấy vua liền đọc lên rằng:

Lời dạy cao cả

Lan truyền khắp nơi

Mọi người truyền học

Thật không biết chán.

Không ai bằng Ngài

Lời dạy tốt đẹp

Thân bị khổ ngặt

Không gì hơn đói.

Khổ trong các thứ khổ, không gì hơn đói, cho nên nói: Đói là nạn lớn nhất.

Hành là khổ bậc nhất: Người ta ở đời, chí hướng khác nhau, việc làm khác nhau, nhưng ai nấy đều biết đói lạnh, cực khổ là khốc liệt hơn hết đối với thân mình. Từ khi thọ thân là phải chịu cảnh tăm tối trong thai. Nếu bị tội hành hình thì thân thể bị xẻ ra, biết bao khổ não. Nếu giác quan đầy đủ vẫn bị hao mòn với già bệnh, bởi thọ thân thì thần thức đi theo, phải chịu quả báo thiện ác.

Tất cả mọi khổ ấy đều do hành động đã gây ra mà có, cho nên nói:

Hành là khổ bậc nhất.

Biết như thật điều ấy, Niết-bàn là vui nhất: Người tu hành mong cầu vắng lặng hoàn toàn, lìa hẳn các tai họa, sống an ổn vô vi, không còn phiền não khổ đau, cho nên nói: Biết như thật những điều ấy, Niết-bàn vui thứ nhất.

——————–

Người hướng lành thì ít

Người theo ác thì nhiều

Biết như thật điều ấy

Cầu mau tới Niết-bàn.

Người hướng lành thì ít: Dù có làm lành đi nữa nhưng cũng không theo ý muốn. Nếu các hạnh nguyện đầy đủ thì lúc ấy các vị trời cho rằng chỉ có cõi người là cõi thiện. Loài người cho rằng cõi trời là ngôi nhà phước. Như trong các khế kinh nói, Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Các trời tự biết năm điềm lành ứng hiện, nên họ cùng nhau nhóm họp. Các vị trời ấy bảo rằng: “Ông chết ở đây, nguyện sinh về cõi lành, đến nơi ấy rất vui sướng, được lợi ích lành, vì được an ổn, vô vi”.

Khi ấy, có thầy Tỳ-kheo bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, vì sao các vị trời ở cõi lành mau được lợi ích lành, an ổn, vô vi? Nghĩa ba câu này thế nào?

Đức Phật bảo vị Tỳ-kheo:

–Là căn lành của đạo được đầy đủ. cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, sống trong chánh pháp, không thích lệ thuộc cuộc sống tại gia mà xuất gia học đạo, đó gọi là cõi lành của Tỳ-kheo và các vị trời.

Lại hỏi:

–Thế nào gọi là an ổn vô vi?

Đức Phật bảo vị Tỳ-kheo:

–Nương vào Tứ thánh đế suy nghĩ phân biệt, đó gọi là an ổn vô vi của Tỳ-kheo và các vị trời. Ở đời người hành đạo tu thiện thì ít.

Cho nên nói: Người hướng lành thì ít.

Người theo ác thì nhiều: Vì sao? Vì các loài chúng sinh làm điều ác thì nhiều, không biết Phật, không biết Pháp, không biết Tăng, cũng không phân biệt được thiện ác tốt xấu, chỉ lo vun trồng cội gốc của địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Từ bóng tối bước vào bong tối, không có lúc ra khỏi, giống như người mù cầm đuốc, chiếu sáng mọi nơi mà chính mình thì không thấy được ánh sáng, cho nên nói: Người theo ác thì nhiều.

Biết như thật điều ấy, cầu mau tới Niết-bàn: Người có căn tánh lanh lợi thì sự tỉnh ngộ cũng khác nhau. Có người vừa nghe qua là tỉnh ngộ, có người thấy hình tướng mà chợt hiểu. Thế nên, bậc Thánh truyền giáo rộng khắp, cho thuốc tùy theo bệnh, không sai lầm. Trong ấy, những người có căn tánh lanh lợi nhìn đời thay đổi muôn vẻ nên họ khó sống chung nhau một nơi, nhưng trên cầu đạo vô vi như cứu lửa cháy đầu. Vì sao? Vì họ sống nơi thanh vắng an ổn, hoàn toàn hợp với sự vắng lặng, thần thức lắng trong, bất động, cho nên nói: Biết như thật điều ấy, cầu mau tới Niết-bàn.

———————

Có nhân sinh cõi lành

Tạo duyên sinh đường ác

Có tu chứng Niết-bàn

Như vậy, đều có duyên.

Có nhân sinh cõi lành: Thế nào là Duyên (điều kiện)? Duyên là thí, giới, văn, tuệ, tư duy, oai nghi của thanh tín sĩ, oai nghi của người xuất gia, oai nghi của bậc Đại đạo, xả bỏ dấu vết hạnh lành.

Đó là nền tảng cho nhân duyên đến với Đạo, cho nên nói: Có nhân sinh cõi lành.

Tạo duyên sinh đường ác: Là vì nguyên cớ nào? Như người có tâm ôm lòng ganh ghét, không có tâm bố thí, phạm giới sát sinh, ăn trộm. Họ gây mười việc ác như vậy, không thể sửa đổi, đến nỗi đọa vào ba đường ác, cho nên nói: Tạo duyên sinh đường ác.

Có tu chứng Niết-bàn: Niết-bàn được tới bằng con đường chân chánh của Thánh hiền. Dứt bỏ các kết sử, thẳng đến vô vi.

Không đi theo đường Hiền thánh này thì không thể nào tới đó được.

Như các ngoại đạo Phạm chí nói với nhau:

–Trên đời này mọi chuyện không có nhân duyên, cũng không có gốc ngọn. Có là tự nhiên có, không là tự nhiên không. Làm sao biết được như vậy? Như ở ngoài đồng rộng mọc nhiều gai nhọn nào thì đâu phải do thợ khéo tay chuốt cho chúng nhọn đâu? Như nai hay trăm thứ chim thú đậu trên cây, bộ lông xen màu sắc đẹp đẽ khác nhau như vậy, há có phải bởi con người tô vẽ ra hình thể của chúng đâu? Nói về phẩm loại thì tính chất của chúng khác nhau.

Tính của đất là mềm, tính của đá là cứng, nào phải mềm cứng là bởi người làm ra đâu? Tất cả đều không có nhân duyên gì cả mà là tự nhiên sinh ra như vậy.

Những loại mê chấp như vậy, đã có từ lâu đời. Họ truyền dạy nhau đến bây giờ vẫn không dứt, cho nên Đức Thế Tôn nói:

–Việc ấy có điều kiện cả chứ không phải hoang đường, còn nỗi khổ ngay đây là bởi nhân duyên gì? Chúng sinh tu mười điều lành thì nơi họ ở đất đai bằng phẳng tốt đẹp, khi ấy hầm hố, bờ cao, gai gốc, cỏ móc, tự nhiên cũng bằng phẳng, không còn gai góc. Còn nếu chúng sinh làm mười điều ác thì khi ấy đâu đâu cũng đầy cỏ gai, bờ cao vực thẳm, rắn rít trùng độc sinh sôi nảy nở vô số. Đó là do đời trước chứa nhóm nhiều tội ác mà có ra như vậy.

Cho nên nói: Như vậy, đều có duyên.

———————

Nai về đồng cỏ

Chim bay lên trời

Nghĩa bởi phân biệt

Chân nhân về diệt.

Thuở xưa, Đức Thế Tôn ngự trong hang đá Nhân đế, bên cạnh vườn trái ngọt, thuộc nước Ma-kiệt.

Khi ấy Đức Thế Tôn dùng Thiên nhãn thanh tịnh trong sạch không chút bợn nhơ thấy có bầy nai đang bị thợ săn rượt, chúng phóng nhanh vào rừng sâu. Đức Phật lại dùng Thiên nhãn nhìn thấy bầy chim tránh lưới, nên chúng bay lên hư không. Đức Như Lai lại dùng Thiên nhãn thấy các thầy Tỳ-kheo luận bàn ý nghĩa với thái độ hòa nhã, thông đạt và ngay trong đêm ấy họ lại suy nghĩ về mười hai nhân duyên, suy xét kỹ lưỡng ý nghĩa của sự thuận nghịch, gốc ngọn. Đức Như Lai cũng dùng Thiên nhãn thấy thầy Tỳ-kheo khác suốt đêm nghĩ thật kỹ lại rồi vào thiền định giải thoát. Tới lúc gần sáng thì bao mê lầm tăm tối bị quét sạch hết, nhập vào Niết-bàn vô dư. Ấy bởi thần lực của mắt mà Như Lai thấy hết.

Bấy giờ Đức Thế Tôn quán xét ý nghĩa đó, là nhân duyên sinh khởi, muốn đệ tử giảng nói, truyền bá giáo pháp của Ngài cũng như muốn chánh pháp tồn tại lâu dài trên thế gian, muốn cho chúng sinh đời sau thấy được ánh sáng rực rỡ ấy, nên Đức Thế Tôn bèn nói bài kệ này:

Nai về đồng cỏ,

Chim bay lên trời,

Nghĩa theo phân biệt,

Chân nhân về diệt.

——————–

Không có tâm biếng nhác

Yếu hèn, có chỗ đến

Muốn đến được Niết-bàn

Đốt cháy mọi trói buộc.

Không có tâm biếng nhác, yếu hèn có chỗ đến: Trong kinh A-hàm, Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Nếu pháp này người tinh tấn tu hành, không biếng nhác. Pháp tu đã có nhưng do biếng nhác nên không tự tiến lên được, làm sao có phương tiện tốt để đến Niết-bàn. Như người có bản tính yếu hèn lại không có hai mắt, thì đâu dám ngủ qua đêm giữa đồng trống, nơi có nhiều tên cướp, đường hiểm trở khó vượt qua. Muốn vượt qua đoạn đường đầy hiểm nạn đó, phải là những người can đảm, khỏe mạnh, mới tự cứu mình được, yên thân không lo sợ thứ gì. Những kẻ ngu si tà ý, tâm tin theo những kiến chấp điên đảo thì không bao giờ vượt qua chỗ hiểm nạn ấy. Chỉ người có mắt trí tuệ, thấy phương chước hay của bậc Thánh mới có thể đến được cảnh giới vô vi, cho nên nói: Không có tâm biếng nhác, yếu hèn có chỗ đến, muốn đến được Niết-bàn, đốt cháy mọi trói buộc.

——————–

Tỳ-kheo mau tát thuyền

Tát hết thuyền nhẹ trôi

Dứt hẳn tâm tham dục

Thì đến được Niết-bàn.

Ngày xưa, có thầy Tỳ-kheo muốn qua sông. Thầy gặp nhằm chiếc thuyền cũ mục không qua được. Khi ấy, anh thợ đóng thuyền nói với thầy Tỳ-kheo:

q–Đạo sĩ muốn có phương tiện đi, thì hãy dùng công sức mình tát hết nước trong thuyền, thuyền nhẹ nổi phiêu thì đi đến đâu cũng được.

Khi ấy thầy Tỳ-kheo dùng hết sức mình tát hết nước trong thuyền ấy, cuối cùng thầy sang được bờ bên kia. Thu vén y áo, chỉnh tề oai nghi, thầy dần dần đến gần bên Phật, thầy lạy trán sát chân Phật rồi ngồi qua một bên. Như Lai biết thầy là người đáng được độ, nhưng Ngài chỉ liếc nhìn kỹ thầy rồi thôi, bậc Bích-chi, La-hán cũng không sánh được thầy Tỳ-kheo này. Khi ấy Đức Thế Tôn liền nói bài kệ:

Tỳ-kheo mau tát thuyền

Tát hết thuyền nhẹ trôi

Dứt hẳn tâm tham dục

Thì đến được Niết-bàn.

Khi ấy Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

–Bây giờ, các thầy hãy suy nghĩ những điều khó khăn trước mắt, lại lo sợ những điều đáng băn khoăn cho đời sau. Thuyền chỉ cho thường pháp của thế gian đầy nguy hiểm, quyền biến độ thoát chúng sinh không lấy đó làm mỏi mệt. Thân này thật như món đồ đựng chứa toàn chất bất tịnh, sao không vất bỏ nó đi? Hãy tát cạn hết những tật bệnh hữu lậu, dứt bỏ dâm, nộ, si, ngồi thuyền Thánh hiền mà đến Niết-bàn.

———————

Của ta vốn là không

Xưa có, mà nay không

Chẳng không, cũng chẳng có

Như nay không thể được.

Của ta vốn là không, xưa có mà nay không: Hàng ngoại đạo dị học thấy biết khác nhau, nhưng ai cũng cho mình là đúng. Ta vốn tên đó, họ đó tuy có mà không, tuy không mà có. Không có mà tự nhiên sinh ra, cho nên nói: Của ta vốn là không, xưa có mà nay không.

Chẳng không, cũng chẳng có: Chẳng không chỉ cho quá khứ.

Cũng chẳng có chỉ cho vị lai, như nay không thể được chỉ cho hiện tại. Những kẻ khư khư kiến chấp ngu mê của mình đâu lìa Sa-môn Phạm chí. Họ đi trên lối mòn tà kiến mà không tự sửa đổi. Vì sao?

Vì họ không hiểu đạo Niết-bàn là nghĩa bậc nhất, họ tin theo tà kiến chứ không tin Niết-bàn, cho nên nói: Của ta vốn là không, xưa có mà nay không, chẳng không cũng chẳng có, như nay không thể được.

———————

Khó thấy đế bất động

Khéo quán sát phân biệt

Phải xét tận nguồn ái

Đó chính là mé khổ.

Khó thấy đế bất động, khéo quán sát phân biệt: Niết-bàn dứt hết phiền não, rất là vi diệu. Nó không hình tướng nên không thấy được. Pháp hữu vi chuyển động không dừng, còn pháp vô hình thì không chuyển động. Chỉ có Đức Như Lai, Bích-chi-phật và Thanh văn mới có thể khéo quán sát phân biệt rõ từng thứ một bằng con mắt trí tuệ, cho nên nói: Khó thấy đế bất động, khéo quán sát phân biệt.

Phải xét tận nguồn ái, đó chính là mé khổ: Biết rõ cội gốc của ái dục đã gây nên bao nhiêu bệnh thì đối với chúng phải nhổ đứt hết, không để sót chút nào, cho nên nói: Phải xét tận nguồn ái, đó chính là mé khổ.

———————

Dứt ái, bỏ tham dục

Sông cạn, không còn chảy

Biết rõ gốc ái này

Đó chính là mé khổ.

Dứt ái, bỏ tham dục: Ái dục là một thứ bệnh, nó là gốc của mọi hoạn nạn. Nhờ nhổ bỏ gốc ái mà cành lá cũng lụi tàn. Đối với chúng phải nhổ dứt hết không để sót chút nào, làm cho gốc ái dục tự tiêu diệt không còn phát sinh trở lại nữa. Ái nhiễm là đầu mối sinh ra dòng chảy tham dục, như dòng sông chảy xiết, nhận chìm các loài chúng sinh, hằng ức ngàn muôn chúng sinh bị bỏ mạng không thể cứu giúp. Một khi dòng sông khô cạn rồi thì chúng sinh qua lại không hề bị ảnh hưởng đến tính mạng, cho nên nói: Dứt ái, bỏ tham dục, sông cạn không còn chảy.

Biết rõ gốc ái này, đó chính là mé khổ: Ái là hình chất, dục là cành lá, si là sự thấm ướt. Nếu người tu hành mà khéo suy nghĩ quán sát thì có khả năng cắt đứt chúng, vượt khỏi mé khổ, cho nên nói: Biết rõ gốc ái này, đó chính là mé khổ.

———————

Thấy phải là thật thấy

Nghe phải là thật nghe

Biết phải là thật biết

Đó chính là mé khổ.

Vì sao nói: Thấy phải là thật thấy? Vì sao nói chẳng phải thấy chẳng phải thấy? Như có người mắt thấy sắc phân biệt gốc sắc, suy nghĩ biết là do điều kiện nên không khởi ý tưởng mê đắm.

Chẳng phải thấy thật chẳng phải thấy nghĩa là như kẻ ngu kia mắt thấy sắc liền sinh nhãn thức. Như vậy, dù y thấy chẳng bằng thì như không thấy. Vì sao? Vì do mắt thấy nên sinh ra nhãn thức, cho nên nói: Thấy phải là thật thấy.

Nghe phải là thật nghe: Như người nghe âm thanh vi diệu mà không khởi tâm mê đắm, cho nên nói: Nghe phải là thật nghe.

Biết phải là thật biết: Như có người phân biệt rõ thức thân, gieo trồng căn lành, buông bỏ cội gốc không lành. Dứt hẳn các phiền não, không gây ra nghiệp mới nữa, cho nên nói: Biết phải là thật biết, đó chính là mé khổ.

—————————-

Y ninh di nê

Đà tỉ đà la tỉ

Ma tiết hậu tiết

Nhất thiết tỳ la lê

Đó chính là mé khổ.

Thuở ấy, Đức Phật nói pháp cho bốn vị vua trời nghe. Có hai người hiểu tiếng ở vùng kinh đô, còn hai người kia không hiểu. Đối với hai người không hiểu này, Đức Phật dùng tiếng nước Đàm-mật-la mà nói pháp Tứ đế cho họ nghe. Dù nói tiếng Đàm-mật-la nhưng chỉ có một người hiểu, còn một người không hiểu. Phật lại dùngtiếng nước Di-lê-xa nói cho pháp người này nghe: “Ma tiết hậu tiết, Nhất thiết tỳ la lê”, nhờ vậy mà bốn vị vua trời đều thông hiểu pháp Tứ đế, ngay nơi chỗ ngồi họ chứng được pháp nhẫn Nhu thuận.

—————–

Không thân, dứt vọng tưởng

Khổ đau được mát mẻ

Các hành đều dứt hẳn

Thức tưởng không còn khởi

Đó chính là mé khổ.

Không thân, dứt vọng tưởng: Thân này không bền chắc mà là pháp bị tiêu diệt. Thân này không bền chắc, nhất định phải ly tán, chỉ có năm phần pháp thân là bền chắc. Ý từ vọng tưởng sinh, vọng tưởng sinh ra muôn thứ bệnh. Nếu dứt được vọng tưởng là tương ưng với đạo chân, cho nên nói: Không thân, dứt vọng tưởng.

Khổ đau được mát mẻ: Các loài chúng sinh trôi lăn trong biển sinh tử, mà biển ấy có bốn sông hồ đổ vào không bao giờ đầy. Ấy là bởi gốc đau khổ nên phải chịu nhiều nguy khốn. Chúng sinh tương tàn sát hại lẫn nhau, đều do đau khổ mà đưa đến các tai họa ấy. Chỉ có người trí mới không gây ra nỗi đau khổ ấy, cho nên nói:

Khổ đau được mát mẻ.

Các hành đều dứt hẳn: Sự thọ nhận tâm thức của con người là bởi hành sinh ra. Hành nghiệp càng lớn thì thành muôn thứ bệnh.

Hành động thiện thì đưa đến cõi thiện, hành động ác thì đưa đến cõi ác. Mọi việc làm của người trí không gây ra gốc hành, cho nên nói: Các hành đều dứt hẳn.

Thức tưởng không còn khởi: Thức tưởng rong ruổi gây ra muôn thứ bệnh. Cho nên bậc Thánh giữ gìn tâm ý không để tán loạn. Nếu khởi thức thì sinh nhiều gốc si mê. Dùng ba trăm thứ thuốc chữa trị trăm thức. Buổi mai dùng trăm thứ thuốc, trưa dung trăm thứ thuốc, chiều dùng trăm thứ thuốc, để dứt bỏ vọng tưởng.

Lại dùng đảnh nhẫn thuộc Thánh hạnh vô lậu mà dứt bỏ vọng tưởng, cho nên nói: Thức tưởng không còn khởi.

Có nương tựa thì có dao động. Có động thì không diệt được.

Không diệt được thì cái biết không bao giờ thỏa mãn. Bởi cái biết không diệt trừ được nên không thấy được quá khứ, hiện tại, vị lai.

Vì không có quá khứ, hiện tại, vị lai nên không có sinh tử, vì không có sinh tử nên không có sầu lo khổ não. Do khổ ấm này mà sinh ra các thứ bệnh. Bởi sinh khởi các kết sử, trói buộc người tu hành, cần có nơi nương tựa. Nương tựa chỉ cho các loại có hình thể như núi sông, vách đá, những gì mà mắt thấy được đều gọi là nương tựa. Ai có khả năng diệt khổ ấm (thân khổ) mới tương ưng với nghĩa bậc nhất. Đối với nghĩa bậc nhất thì không thấy có qua lại, chu toàn.

Bởi không còn qua lại, chu toàn nên không còn sinh tử. Ai không hiểu điều ấy thì họ sinh khởi trần lao; sinh, già, bệnh, chết mỗi ngày thêm lớn. Từ đó mà sinh ra muôn điều lo buồn khổ não, tìm kiếm không thấy được manh mối. Xoay vần sinh nhau mà thành thân năm ấm khổ đau. Chấm dứt vòng sinh diệt kia chỉ có con đường Niết-bàn mà thôi. Hoặc có Tỳ-kheo hữu sinh, hữu thật, hữu vi; hoặc có Tỳ-kheo vô sinh, vô thật, vô vi. Tỳ-kheo bất vi, vô vi cũng không còn sinh. Nếu không còn sinh, không có thật, không có hữu vi thì nhân vì sinh, nhân vì thật, nhân vì hữu vi mà nói vô vi.

Nếu chúng sinh không có nạn khổ này thì trước sau, Như Lai không bao giờ nói cái vui của Niết-bàn dứt trừ hết phiền não.

———————-

Biết gốc ngọn của sinh

Hữu vi biết vô vi

Bị sinh già trói buộc

Suy già khó ngăn được.

Biết gốc ngọn của sinh: Trong kinh Trung A-hàm có nói về gốc ngọn lớn của ái dục. Đức Phật bảo Tôn giả A-nan:

–Nếu sinh mà không có sinh thì Ta không nói cho mọi người nghe về pháp sinh làm gì. Dưới cho đến các loài cá ở dưới nước, rồng có tính rồng, quỷ có tính quỷ, trời có tính trời, người có tính người. Như vậy đó, A-nan vì biết có sinh nên ta nói sinh vậy.

Cho nên nói: Biết gốc ngọn của sinh.

Hữu vi biết vô vi: Không hình, không dạng, không thể quán sát về pháp biến đổi, cho nên nói: Hữu vi biết vô vi.

Bị sinh, già trói buộc: Người ta sống trên đời này, khi già suy thì biết sẽ chết. Già, chết là hai thế lực vây ngặt, không ai thoát khỏi, cho nên nói: Bị sinh, già trói buộc.

Suy già khó ngăn được: Các việc dâm dục, giận dữ, ngu si, kiêu mạn, ganh ghét, bị già bệnh sai khiến, do đó mà sinh ra, cho nên nói: Suy già khó ngăn được.

———————

Không ăn không sống được

Ai không ăn thức ăn?

Ăn là việc trước tiên

Rồi sau mới tu đạo.

Các loài chúng sinh trên đời này đều nhờ ăn mà sống. Người không ăn thì không thể hành đạo, cho nên nói: Không ăn không sống được.

Ai không ăn thức ăn: Biết đời sống là vô thường, biết thức ăn từ đâu mà có, xét rõ chân đế không còn nghi ngờ, nên người nhận và kẻ bố thí không còn nghi ngờ, cho nên nói: Ai không ăn thức ăn?

Ăn là pháp cặn bã trong sinh tử, hễ có thân thì bị hệ lụy bởi việc ăn, cho nên nói: Ăn là việc trước tiên.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Ta biết các Nhập không phải đất, không phải nước, không phải lửa, không phải gió, cho đến không phải thức, không phải không, không phải bất dụng, không phải thức, không phải hữu tưởng vô tưởng, không phải đời này, đời sau, không bằng sự soi sáng của mặt trời, mặt trăng. Các loại như vậy, chẳng phải nhân duyên mà đến được. Trong đó, người có kiến chấp điên đảo mong được giải thoát.

Hàng Ni-kiền tử dạy bảo nhau:

–Ai muốn giải thoát thì nhập thất có chiều cao sáu mươi khuỷu tay, rộng một trăm do-diên, sẽ được giải thoát.

Đức Phật quán sát nghĩa đó, vì muốn dứt bỏ mối nghi ngờ về sinh tử, cũng như ngăn chận những ý tưởng điên đảo của Ni-kiền tử nên Ngài nói việc này. Vì muốn dứt trừ sự ngờ vực cho đời sau nên

Ngài rộng nói việc này:

–Mặt trời, mặt trăng không một lúc cùng sáng, tà và chánh không thể cùng hưng thịnh. Điều ấy quá rõ, cho nên này các Tỳ-kheo,

Ta cũng không nói việc lòng vòng qua lại, sinh tử khởi diệt.

Đó là gốc của mé khổ vậy.

Địa chủng và nước, lửa

Khi đó gió không thổi

Ánh sáng không soi chiếu

Thì không thấy sự thật.

Người được hóa độ thì hoặc nương người có năng lực hoặc nhờ sự cứu giúp. Nếu độ cho hạng giàu sang thì không cần lời nói, còn độ kẻ được độ thì họ hoát nhiên tỉnh ngộ, không cần bậc thầy chỉ bảo. Người khiêm hạ cung kính trên dưới tự nhiên được tỉnh ngộ, cho nên nói: Ánh sáng không soi chiếu thì không thấy sự thật.

———————

Không trăng, không có sáng

Không trời, không có sáng

Quán sát kỹ việc này

Hợp với hạnh Phạm chí.

Không trăng, không có sáng, không trời, không có sáng: Như ánh sáng của mặt trời, mặt trăng bị bụi che nên không thể truyền bá rộng lời dạy của mình. Như tầng trời Đao-lợi và tầng trời Cứu cánh thì ánh sáng tự có, không phải ánh sáng của mặt trời, mặt trăng. Ấy đều nhờ công hạnh chất chứa từ nhiều kiếp trước mà có như vậy, cho nên nói: Không trăng, không có sáng, không trời, không có sáng.

Quán sát kỹ việc này, hợp với hạnh Phạm chí: Phạm chí là người vượt ngoài ba cõi, đức hạnh vẹn toàn, nên gọi là Phạm chí, cho nên nói: Quán sát kỹ việc này, hợp với hạnh Phạm chí.

——————–

Sắc tươi đẹp thong dong

Thoát khỏi mọi khổ não

Chẳng sắc, chẳng không sắc

Được giải thoát mọi khổ.

Có sắc, không sắc đều sống trong gốc khổ. Ai thoát khỏi khổ này thì giải thoát các khổ, cho nên nói: Sắc tươi đẹp thong dong, thoát khỏi mọi khổ não.

——————-

Rốt ráo không lo sợ

Thoát buộc, không còn nghi

Chưa bẻ gai ái dục

Làm sao biết thân họa?

Rốt ráo không lo sợ: Rốt ráo có hai việc: Một là dụng rốt ráo, hai là tự nhiên rốt ráo. Tâm ngay thẳng thì không sợ sự cong vạy, cho nên nói: Rốt ráo không lo sợ.

Thoát buộc, không còn nghi: Dứt bỏ các kết sử, dứt sạch không còn sót. Sinh tử dài lâu, xoay vần trong năm đường, quay lộn không bờ mé, không biết pháp hổ thẹn sỉ nhục, cho nên nói: Thoát khỏi trói buộc, không còn hồ nghi.

Chưa bẻ gai ái dục, làm sao biết thân họa: Người ta sống trên đời tạo nghiệp khác nhau. Chưa dứt được hữu dục, có ba: 1. Dục hữu; 2. Sắc hữu; 3. Vô sắc. Nói gai ái dục chỉ cho gai đường tà.

Đánh đập là nặng hay bị thương là nặng? Cho nên nói: Chưa bẻ gai ái dục, làm sao biết thân họa.

————————

Cái gọi là rốt ráo

Dứt dấu là bậc nhất

Dứt hết các tưởng đắm

Lời nói không lầm lẫn.

Cái gọi là rốt ráo, dứt dấu là bậc nhất: Rốt ráo là pháp trên hết trong các pháp, không còn gì vượt hơn. Bệnh nặng nhất trong các bệnh là trói buộc, dính mắc, tâm ái dục dứt hẳn, không còn sót, cho nên nói: Cái gọi là rốt ráo, dứt dấu là bậc nhất.

Dứt hết các tưởng đắm, lời nói không lầm lẫn: Về Tưởng thì sinh tham dục là tưởng, giận dữ là tưởng, ngu si là tưởng. Trong các kinh có ghi:

Đức Phật bảo Tỳ-kheo:

–Cù-đa nên biết, các tưởng về dục, nộ, si là gốc của hành.

Khi các tưởng này đã dứt hẳn không còn sót, cũng không còn sinh ý tưởng nghĩ đến tham dục nữa thì lời nói ra không bao giờ lầm lẫn.

Vì sao? Vì hành có khi hết có khi chưa hết, vì thế lập ra việc dạy bảo đời sau.

Cho nên nói: Dứt hết các ý tưởng mê đắm, lời nói không lầm lẫn.

—————–

Biết tiết chế hay không

Tối thắng buông bỏ hành

Tâm dứt suy nghĩ hành

Như đập bể vỏ trứng.

Biết tiết chế hay không: Tiết là hành hữu vi. Không biết tiết chế thì lâu ngày ôm bệnh, không suy nghĩ chánh đạo, sáu giác quan bị bít kín, không hiểu nghĩa đạo, cho nên nói: Biết tiết chế hay không.

Tối thắng buông bỏ hành: Đức Chí Chân Đẳng chánh giác là bậc tối thắng, đã buông bỏ ba cõi, không còn tạo nghiệp nữa, cho nên nói: Tối thắng buông bỏ hành.

Tâm dứt suy nghĩ hành, như đập bể vỏ trứng: Như có người nhập định bất cứ khi nào, bởi ý đã định nên thành tựu đạo quả. Như các loài sinh bằng trứng, khi bỏ vỏ là nó đã thành hình, ở đây cũng vậy, là buông bỏ nghiệp cũ thì thành tựu hạnh vô lậu, cho nên nói:

Tâm dứt suy nghĩ hành, như đập bể vỏ trứng.

——————–

Thí pháp hơn các thí

Vui pháp hơn các vui

Sức nhẫn hơn các sức

Ái hết, khổ đế mầu.

Thí pháp hơn các thí: Vì sao nói thí pháp là hơn hết trong các thứ bố thí? Thí pháp là việc lành, việc tốt, không có các tai họa.

Chúng sinh nghe pháp, tâm ý được mở sáng, ai cũng được giải thoát. Về tài thí, thì một là người có đầy đủ, hai là người chê bai tức giận, bởi tâm bố thí của người có cao thấp khác nhau. Như Đức Phật nói pháp nhiệm mầu cho vua Bình-sa nghe, khi ấy có tám muôn vị trời, mười hai ngàn người dân Ma-kiệt. Đức Phật lại nói pháp nhiệm mầu cho Thích Đề-hoàn Nhân nghe trong hang đá thì tám muôn vị trời đều nghe được pháp nhiệm mầu, các căn đều thông đạt, không còn bị trở ngại, cho nên nói: Thí pháp hơn các thí.

Về tài thí, ngày nay người thọ thí được rồi lại mong cầu, trong đó có người mong cầu sinh lên cõi trời, người ấy nghe pháp từ kiếp này sang kiếp khác không có cùng tận, cho nên nói: Thí pháp hơn các thí.

Vui pháp hơn các vui: Người ở thế tục được hưởng vui, đó là gốc của loạn tưởng, đó chính là tạo nhân địa ngục. Về vui pháp thì thông đạt giảng nói, ai hỏi thì đáp không lúng túng. Diễn đạt thong suốt quán ý cuồn cuộn chảy vào tai, cho nên nói: Vui pháp hơn các vui.

Sức nhẫn hơn các sức: Thuở xưa, có vị vua nước bên cạnh, dấy binh đi đánh nước địch. Các quan bèn tâu vua:

–Nước bên cạnh dấy binh sang đánh nước ta, hiện giờ đã đến gần, cúi xin bệ hạ hãy chuẩn bị để nghênh chiến.

Vua bảo các quan:

–Đó là việc không quan trọng, cần gì các khanh phải nghĩ chuyện nghênh chiến?

Quân giặc đã đến gần, đánh phá cổng thành. Các quan lại tâu

vua:

–Hiện nay giặc đã tới bên ngoài. Xin vua là đấng sáng suốt hãy nghĩ kỹ lo liệu.

Vua bảo các quan:

–Dù giặc đã tới bên ngoài nhưng cũng không đáng lo xa, mỗi người hãy tự lo cho mình, không cần lo việc công này.

Khi quân giặc bạo ngược đã vào bên trong thành, các quan lại thưa vua:

–Giờ đây đã vào bên trong thành rồi, chẳng hay đức vua sang suốt chuẩn bị gì chưa?

Nhà vua bảo các quan:

–Việc ấy nhỏ nhặt đâu đáng cho bề trên nghe.

Vua nước bên cạnh đã tiến đến cung điện. Các quan lại thưa vua:

–Hiện giờ vua nước bên cạnh đã tiến đến cung điện, chẳng hay bậc Thánh tôn có lo lắng gì chưa?

Nhà vua đáp:

–Nay ta đang sống trên đời mà mọi thứ đều biến chuyển không ngừng. Cái gì thịnh thì chắc chắn có suy, có gặp gỡ thì có chia lìa, ta phải cởi bỏ vương phục, đổi hình dạng như kẻ ăn mày.

Ta tự lui vào chốn núi sâu, suy nghĩ đạo đức để tự vui. Nếu ông vua bạo ác kia muốn bắt sống ta, giết chết thân này thì ta không hề chối tội của mình. Vì sao? Vì mất nước, mất dân là chỉ do một người. Nay ta chết mà muôn dân khỏi nạn, há không phải là hạnh phúc lớn của ta sao?

Khi ấy, vua nước địch nghe vậy, khen là việc chưa từng có, bèn nói lớn:

–Hay lắm, hay lắm đại vương! Từ xưa đến nay, không ai sánh bằng ngài. Ta tuy chiến thắng nhưng không sánh bằng ngài, ngài đã mở lòng quảng đại nhân từ, không màng vinh hoa thế gian. Từ nay trở đi, xin ngài trở về cai trị nước của mình.

Rồi hai vua cai trị, đối xử với nhau như chính mình không khác, cho nên nói: Sức nhẫn hơn các sức.

Ái hết, khổ đế mầu: Ái dục chính là nguồn gốc của mọi kết sử. Người học đạo thì trước phải dứt bỏ ái kết, sau đó dần dần bước vào con đường vô lậu, cho nên nói: Ái hết, khổ đế mầu.