SỐ 158
KINH ĐẠI THỪA ĐẠI BI PHÂN-ĐÀ-LỢI
Hán dịch: Mất tên người dịch – Phụ vào dịch phẩm đời Tần
Việt dịch:  Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN BẢY

Phẩm 27: HIỆN PHỤC TẠNG BỐ THÍ

Thiện nam tử, sau đó, trải qua vô số kiếp, cõi Phật này tên là Trừ uế, đại kiếp tên là Nhiêu ích, cũng là đời có đủ năm thứ ô trược xấu ác. Về phương Đông, cách đây năm mươi bốn cõi thiên hạ, có cõi Diêm-phù-đề tên là Đề-lệ, do bản nguyện nên Ta sinh ra ở đó, làm Chuyển luân thánh vương thống lãnh bốn châu thiên hạ, hiệu là Hư Không, đem mười điều thiện giáo hóa chúng sinh, dùng giáo pháp nơi Ba thừa khuyến hóa khiến họ an trụ trong ấy. Bấy giờ, Ta thực hành pháp bố thí, bố thí khắp nơi, không có sự phân biệt. Có vô số người đến xin những thứ vật báu như vàng, bạc, lưu ly, pha lê, ngọc báu Ma-ni các loại… Ta đều theo ý cho họ hết. Vật báu có hạn mà người đến xin quá đông, Ta hỏi quần thần:

-Từ đâu mà có các vật báu này?

Quần thần tâu:

-Là do Long vương hiện ra. Tuy có các vật báu ấy nhưng chỉ để cúng dường Thánh vương, không có đủ để bố thí cho mọi người như vậy.

Ta liền lập nguyện lớn: ‘Thời vị lai, Ta ở trong cõi đời năm trược xấu ác, phiền não đầy dẫy, loài người thọ một trăm tuổi, nếu Ta thành Bậc Chánh Giác đúng như ý nguyện thì khiến Ta ở cõi Phật này được làm Long vương, tên là Hiện Phục Tạng, trong tất cả mọi nơi cõi Phật Trừ uế, Ta nguyện bảy lần thọ sinh thân rồng, mỗi một thân thị hiện hằng ức na-do-tha trăm ngàn kho tàng, trong đó đầy các của báu như vàng, bạc cho đến ngọc lưu ly, Ma-ni đủ loại, ngọc minh nguyệt, pha lê… để đem ra bố thí. Mỗi một kho tàng ngang dọc đều bằng một ngàn do-tuần chứa đầy của báu được mở ra để bố thí cho tất cả chúng sinh. Ta đã tạo được sự dũng mãnh, tinh tấn ở cõi Phật này, tuần tự như thế, nơi hằng hà sa số thế giới gồm năm thứ ô trược không có Phật khắp mười phương, mỗi mỗi thiên hạ, mỗi một cõi Phật, Ta đều bảy lần thọ sinh làm thân rồng…” (như trước đã nói).

Thiện nam tử, ngay khi Ta lập nguyện ấy thì có hàng ức na-do- tha trăm ngàn chư Thiên trong hư không mưa xuống các loài hoa quý và khen ngợi: “Hay thay! Hay thay! Tất cả mọi sự bố thí như Ngài đã lập nguyện ắt được thành tựu”. Tất cả đại chúng đều nghe lời ấy. Chư Thiên trong không trung còn vì vua mà đổi danh hiệu là Nhất Thiết Thí. Mọi người nghe thế liền sinh ý nghĩ: “Chúng ta nên theo đức vua ấy cầu xin các thứ khó cho, nếu Ngài chịu cho thì đúng là Nhất Thiết Thí, còn nếu không cho thì đâu được gọi tên là Nhất Thiết Thí”. Bấy giờ mọi người đều đến gặp vua để xin cung nhân, chánh hậu, con cái. Vua Hư Không với tâm lòng hoan hỷ đều đem cho họ tất cả. Có người khác lại phát sinh ý nghĩ: “Cho vợ con chưa lấy gì làm khó lắm, chúng ta phải theo xin ngôi vua và các chi thể nơi Ngài. Nếu vua ban cho thì quả đúng là Nhất Thiết Thí.”

Khi ấy có người trẻ tuổi tên là Nguyệt Quang thọ trì giới pháp của Ngài đến trước vua Hư Không tâu:

-Nếu Ngài quả là bậc Nhất thiết thí thì xin đem hết cõi Diêm-phù-đề này bố thí cho tôi!

Ta nghe xong rất vui mừng, liền lấy nước thơm tắm gội, mặc vương phục cho ông ấy và lập lên làm vua đem toàn cõi Diêm-phù-đề trao cho ông ấy.

Ta lại lập nguyện: “Như Ta đã bốthí toàn cõi Diêm-phù-đề, do sự việc ấy Ta sẽ thành Bậc Chánh Giác, bản nguyện được thành tựu, nguyện cho muôn dân trong cõi này sẽ vâng lời tôn kính vị vua mới, khiến cho vị Chuyển luân thánh vương ấy sống lâu vô lượng, Ta thành Bậc Chánh Giác xong sẽ thọ ký cho họ: Sẽ còn một đời là thành tựu quả vị Phật.”

Có Bà-la-môn tên là Hư Già đến xin Ta hai chân, nghe xong Ta rất hoan hỷ, bèn cầm dao bén tự chặt hai chân đưa cho người ấy. Ta liền lập đại nguyện:

-Xin cho Ta vào đời sau thành tựu Giới túc vô thượng.

Lại có Bà-la-môn tên là Đà-trá-ba đến xin đôi mắt, nghe xong Ta rất hoan hỷ liền tự móc đôi mắt cho kẻ ấy và liền lập nguyện: “Ta nay dùng việc bố thí này, xin cho vào đời sau sẽ được năm loại mắt vô thượng”.

Lại có Bà-la-môn tên là Kiên Hồng đến xin hai tai, nghe xong Ta rất vui mừng, bèn tự cắt tai cho ông ấy và lập nguyện: “Nguyện vào đời sau đạt được tai đầy đủ trí tuệ vô thượng.”

Lại có người tà mạng tên Dật Lâm đến xin “nam căn”, nghe xong, Ta rất hoan hỷ, bèn tự cắt cho ông ấy, rồi lập nguyện: “Nguyện đời sau thành Bậc Chánh Giác được tướng Mã âm tàng.”

Lại có người đến xin thịt máu, Ta liền cho họ và lập nguyện, do dùng sự bố thí này nên đời sau được phước báo “Thân tướng màu vàng ròng vô thượng”.

Lại có Bà-la-môn tên là Nhật Vị đến xin hai tay, nghe xong, Ta rất hoan hỷ, bèn tự chặt tay trái và bảo người khác chặt tay phải đưa cho ông ấy. Ta liền lập nguyện: “Nguyện vào đời sau được tay thành thật vô thượng. Thiện nam tử, cắt hết chân tay như thế nên thân thể đổ máu, Ta lại phát nguyện: Nhân việc bố thí này, Ta chắc chắn thành Bậc Chánh Giác, sở nguyện thành tựu thì phần thân còn lại cũng được người nhận nữa.”

Khi ấy quần thần và các tiểu vương không có Thánh trí, không nhận thức được trọng ân, nên cùng nhau bàn: “Nhà vua rất ngu si, không chút trí tuệ, làm thương tổn chi thể, chẳng đoái hoài ngôi vua, bây giờ giống như một đống thịt, còn làm được gì, nay nên đem bỏ đi”. Thế rồi họ liền nhặt lấy Ta đem bỏ nơi gò hoang ngoài thành, xong bèn ra về. Ta ở lại đó bị ruồi nhặng muỗi mòng, chồn, sói, diều quạ kéo nhau đến hút máu ăn thịt. Lúc này mạng sống của Ta chưa dứt hẳn, tâm rất hoan hỷ Ta liền lập nguyện: “Như Ta nay đã xả bỏ cả ngôi vua và các chi thể nơi thân để bố thí không một chút giận hờn cũng không hề khởi tâm hối hận. Nếu nguyện của Ta thành tựu, bản thân được lợi ích thì xin khiến cho thân thể này biến thành núi thịt lớn, các loài chúng sinh ăn thịt, uống máu có thể đến đây để ăn uống tùy thích.”

Phát nguyện như vậy xong, liền có nhiều loài chúng sinh cùng đến. Do sức mạnh của bản nguyện nên Ta khiến thân này của Ta hằng ngày sinh sôi nảy nở thêm ra, cao đến một ngàn do-tuần, dài rộng đầu bằng năm trăm do-tuần và đã đem máu thịt của thân thể cung cấp no đủ cho chúng sinh trong một ngàn năm. Chỉ riêng việc bố thí lưỡi thôi, khi các loài cầm thú đến ăn, do bản nguyện nên lưỡi liền mọc trở lại, nếu gom số lưỡi được bố thí thì lớn như núi Kỳ-xà-quật. Làm xong việc bố thí này, Ta lại lập nguyện: “Nguyện Ta vào đời sau được thành tựu đầy đủ tướng lưỡi rộng dài.”

Thiện nam tử, khi Ta qua đời, do bản nguyện, Ta lại sinh vào cõi Diêm-phù-đề trong loài Rồng làm Long vương, tên là Hiện Phục Tạng. Ngay nơi đêm vừa sinh ra, Ta liền hiện hàng ức na-do-tha trăm ngàn kho tàng chứa đầy các vật báu như vàng, bạc, thủy tinh… cùng tự ra lệnh: “Này các chúng sinh, phải nên tu tập theo do nghiệp thiện, pháp tâm cầu đạo quả Bồ-đề Vô thượng hoặc phát tâm cầu theo Bích-chi-phật thừa, Thanh văn thừa, thì tùy ý các ngươi muốn lấy bao nhiêu bảo vật cứ lấy.”

Ở cõi Diêm-phù-đề này Ta đã bảy lần tái sinh làm Long vương, trải qua bảy mươi bảy ức na-do-tha trăm ngàn năm, hiện ra vô lượng vô số kho báu cung cấp cho chúng sinh khiến họ an trụ nơi Tam thừa, tu mười nghiệp lành, dùng các thứ vật báu khiến cho chúng sinh luôn được sung túc. Sau đó, Ta liền lập nguyện: “Nguyện vào đời vị lai Ta sẽ được có đầy đủ Ba mươi hai tướng vô thượng”.

Như vậy, vào thời gian của thiên hạ thứ hai, Ta cũng bảy lần tái sinh làm Long vương, tu hạnh Trượng phu như trên. Khắp nơi khắp chốn trong các thế giới Ta đều thực hiện vô lượng lợi ích như vậy. Nơi hằng hà sa số cõi có đủ năm thứ ô trược, không Phật khắp mười phương, trong mọi khu vực của các cõi đó, mỗi mỗi nơi Ta đều bảy lần tái sinh làm Long vương, trải qua bảy mươi bảy ức na-do- tha trăm ngàn năm, đem vô lượng vô số kho tàng vật báu bố thí cho chũng sinh… (như trên). Này thiện nam tử, nên biết đó là khi còn làm Bồ-tát, Như Lai hết sức tinh tấn tu tập để có được ba mươi hai tướng. Trước Ta không có vị Bồ-tát nào dốc sức như thế để tu hạnh Bồ-đề. Hiện nay và sau này cũng không có Bồ-tát nào đã dốc hết tâm lực như vậy để hành đạo Bồ-tát, ngoại trừ tám vị Ta đã nói trước đây.

Thiện nam tử, trải qua a-tăng-kỳ kiếp, với vô số biến chuyển, cõi Phật này có tên là San hô tỉnh. Bấy giờ, là đời ngũ trược, không Phật, đại kiếp tên Liên hoa, Ta làm Đế Thích của bốn châu thiên hạ, tên là Đẳng Chiếu, thấy chúng sinh ở cõi Diêm-phù-đề chẳng cầu giới hạnh, chuyên làm điều ác, Ta liền biến làm Dạ-xoa đáng sợ hiện xuống trước những người nơi cõi Diêm-phù-đề. Trông thấy Ta, mọi người rất kinh hãi hỏi:

-Ngài muốn cầu những gì?

Ta nói:

-Ta chỉ cần ăn uống, nhưng không ăn những đồ ăn thông thường, hãy mau dọn ra!

Họ lại hỏi:

-Ngài muốn ăn thứ gì?

Ta nói:

-Chỉ ăn thịt người, không ăn thứ gì khác. Nhưng nếu có người từ nay cho đến khi mạng chung có thể chấm dứt việc sát sinh, theo tà kiến, phát tâm cầu đạo quả Giác ngộ Vô thượng, hoặc phát tâm cầu Bích-chi-phật thừa, hoặc phát tâm cầu Thanh văn thừa thì Ta không ăn nuốt những kẻ ấy.

Khi đó, Ta luôn hóa ra những hóa nhân rồi bắt ăn thịt. Các chúng sinh kia trông thấy càng thêm sợ hãi, nên tất cả từ đấy cho đến khi mạng chung đều dứt hẳn sát sinh, trộm cắp cho đến tà kiến, có người phát tâm cầu đạo quả Bồ-đề Vô thượng, có người phát tâm cầu Bích-chi-phật thừa, hoặc cầu Thanh văn thừa, khiến cho chúng sinh toàn cõi Diêm-phù-đề này đều tu mười điều lành, an trụ Ba thừa. Sau đó Ta lại lập nguyện: “Nếu Ta chắc chắn thành Bậc Chánh Giác, bản nguyện được thành tựu, thì khiến chúng sinh trong bốn châu thiên hạ này tu tập theo mười thiện nghiệp. Cho đến khắp trong thế giới này, ở bất cứ nơi chốn nào trong bốn châu thiên hạ Ta đều thị hiện sự khủng bố như thế, để khiến cho chúng sinh ở đó tu tập mười điều lành, an trụ nơi Ba thừa. Lại cũng như vậy, khắp mười phương, trong các cõi ngũ trược, không có Phật… khiến chúng sinh ở đó tu tập theo mười điều lành, an trụ nơi Ba thừa.”

Này thiện nam tử, bản nguyện như thế của Ta đều được viên mãn. Như trong khắp thế giới San hô tỉnh này, Ta đã dùng hình tướng Dạ-xoa để điều phục mọi người, đưa họ đến với pháp thiện. Rồi trong hằng hà sa số cõi ngũ trược không Phật trong mười phương, Ta cũng dùng hình tướng Dạ-xoa để điều phục người đời, an trụ họ nơi nẻo thiện. Do thời xưa Ta đã dùng sự khủng bố, bức bách chúng sinh an trụ nơi hạnh thiện nên các nghiệp tàn dư đó đã khiến cho Ta khi sắp thành đạo Bồ-đề, ngồi trên tòa Kim cang bên gốc cây Bồ-đề, còn bị Ma vương Ba-tuần đem chúng ma binh đến quấy phá, tạo chướng ngại cho việc thành đạo Bồ-đề của Ta.

Này thiện nam tử, đây là Ta lược nói về hành Bố thí ba-la-mật của mình khi còn hành đạo Bồ-tát. Thiện nam tử, pháp nhẫn của các Đại Bồ-tát rất sâu xa, pháp Tổng trì giải thoát tam-muội rất vi diệu, lúc ấy Ta chưa đạt được mà chỉ có hai thân: Năm thông và hữu lậu. Khi Ta thực hành các việc đem lại lợi ích lớn lao như thế, khiến cho vô lượng vô biên chúng sinh an trụ nơi đạo quả Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng, hoặc an trụ nơi Bích-chi-phật thừa, Thanh văn thừa, lại được cúng dường chư Phật như vô số vi trần trong một thế giới Phật, công đức đạt được nơi mỗi cõi Phật nhiều như những giọt nước trong biển lớn. Ta đã cúng dường vô số hạng Thanh văn, Bích-chi- phật, cúng dường vô số Như Lai, cúng dường Cha mẹ, Tiên nhân đạt ngũ thông cũng như thế. Xưa kia, khi tu hạnh Bồ-tát, Ta luôn thương xót chúng sinh, đem máu thịt của bản thân để cung cấp cho họ được no đủ, luôn thể hiện tâm đại bi, nhưng hiện tại các vị A-la-hán không có được như vậy.