SỐ 190
KINH PHẬT BẢN HẠNH TẬP
Hán dịch: Đời Tùy, Tam tạng Pháp sư Xà-na-quật-đa, người Ấn độ
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh.

 

QUYỂN 22

Phẩm 27: ĐÁP LỜI HỎI CON CỦA LA-MA

Lúc bấy giờ, nơi cõi Diêm-phù-đề có một vị Đại đạo sư tên là La-ma, ông ta đã qua đời, để lại đồ chúng cho trưởng tử tên là Ưu-đà-la La-ma Tử, làm chủ thống lãnh, ưu-đà-la thường vì đại chúng thuyết giáo pháp tu sinh lên cõi trời Phi tưởng phi phi tưởng. Ông và đồ chúng sống trong A-lan-nhã tại khu vườn gần thành Vương xá.

Lúc bấy giờ, từ xa nghe danh giáo pháp ông ta hơn giáo pháp Tiên A-la-la, Bồ-tát suy nghĩ: “Ta cần phải đến cầu pháp với Ưu-đà-la La-ma Tử tu tập phạm hạnh.” Sau khi rời chỗ ỏ của Tiên A-la-la, Bồ-tát chậm rãi đi vượt qua sông Hằng, hỏi những người biết, rồi đi đến chỗ ông ta bạch:

-Thưa Tôn giả Ưu-đà, tôi muốn ở gần Ngài, cầu lời chỉ dạy về tu phạm hạnh.

Ưu-đà-la thưa Bồ-tát:

-Thưa Đại đức Cù-đàm, theo tôi nhận thấy Ngài là bậc Trí tuệ, có thể nhận lãnh giáo pháp của ta mà tu phạm hạnh. Nếu Ngài muốn thọ giáo tu phạm hạnh, cần phải thuận tu giáo pháp của ta bằng nghiệp thanh tịnh sẽ được quả báo.

Khi đó Bồ-tất thọ giáo tu tập khổ hạnh với Ưu-đà-la La-ma Tử.

Do vì cầu pháp Sa-môn, tu hạnh Sa-môn, nên Ngài cung kính chắp tay bạch:

-Thưa Nhân giả, tôi chưa rõ pháp thực hành của Ngài đã đạt đến cảnh giới nào? Xin Ngài hãy vì tôi giải thích.

Ưu-đà-la bảo Bồ-tát:

-Này Cù-đàm, phàm chấp tướng và vô tướng là một bệnh lớn, là ung nhọt lớn, là đại ngu si hắc ám, nếu chín chắn tư duy, tức chứng được hữu thể vi diệu, có thể theo thứ lớp giải thoát. Giáo pháp này của ta gọi là giải thoát vắng lặng tối diệu, tối thượng, tối thắng, quả giải thoát này chứng đến cõi Phi phi tưởng. Ta đang tu tập pháp môn tối thắng tối diệu này.

Rồi Ưu-đà-la lại nói:

-Ở trong cõi Phi tưởng phi phi tưởng này, ở trong quá khứ không có định nào vượt qua định này, hiện tại cũng không có, vị lai cũng không có. Định này tối thắng, tối diệu, tối thượng, ta đang tu pháp môn này.

Bồ-tát nghe pháp môn này, tư duy chẳng bao lâu liền chứng được. Ngài nghe lời chỉ giáo của Ưu-đà-la, nghe rồi tin theo lời ấy mà nghĩ như thế này: “Pháp như thế này Ta cũng có thể chứng được, tức có thể hiểu biết được lời thật không hư dối. Ta có thể thấy và biết như vị ấy.” Rồi Ngài lại nói với Ưu-đà-la:

-Chẳng riêng ngài hay là La-ma thân phụ của ngài có tín hạnh, mà Ta cũng có tín hạnh như vậy; chẳng riêng La-ma có tinh tấn chánh niệm, thiền định, trí tuệ, Ta nay cũng có tinh tấn cho đến… trí tuệ, Ta nay tu học pháp môn của La-ma này, ta sẽ chứng được rồi lại vì người khác thuyết minh. Ta biết pháp này rồi, ta chứng pháp này rồi, lại muốn cầu giáo pháp lối đẹp hơn.

Lúc Bồ-tát đạt được pháp môn này rồi, lại bạch Ưu-đà-la:

-Thân phụ của nhân giả thuở trước đối với cảnh giới Phi tưởng phi phi tưởng, sau khi chứng được có dạy lại cho người khác phải không?

Ưu-đà-la nói:

-Thưa Đại đức Cù-đàm, thân phụ tôi làm đúng như vậy.

Bồ-tát nói:

-Thưa Nhân giả Ưu-đà, tôi vâng lãnh giáo pháp của ngài rồi thực hành, nay chứng biết một cách thông đạt.

Ưu-đà-la lại bạch Bồ-tát:

-Thưa Đại đức Cù-đàm, nếu được như vậy thì Nhân giả cùng với thân phụ ta không khác. Nếu ngày nay Nhân giả đã chứng được pháp này rồi, lại vâng giữ thọ trì, thì Ngài sẽ như Tiên nhân La-ma thân phụ ta, thống lãnh đại chúng này, diễn giải chỉ dạy họ.

Thuở ấy Ưu-đà-la tự tu phạm hạnh không chút khuyết điểm, muốn giữ Bồ-tát đồng tu pháp môn, để đồng chứng pháp trí tăng thượng, nên đem đồ cúng dường thượng hạng cúng cho Bồ-tát, tâm rất vui mừng không thể tự chế.

Lúc ấy Bồ-tát nói với Ưu-đà-la:

-Thưa Nhân giả, pháp môn của Ngài không phải là pháp môn cứu cánh. Pháp cứu cánh phải là giải thoát dục vọng, diệt trừ phiền não, nhất tâm vắng lặng, không có các kết lậu… cho đến chứng các thần thông, thành hạnh Sa-môn vào Đại Niết-bàn. Còn pháp của ngài còn trở lại trong sinh tử. Vì sao? Vì đã sinh vào cõi Phi tưỏng phi phi tưởng, sau khi thọ hết phước báo sẽ trở lại phiền não.

Bồ-tát vừa nói xong, Ưu-đà-la lại bạch:

-Thưa Đại đức Cù-đàm, sao Ngài chẳng nghe Tiên La-ma thân phụ của tôi đã chứng pháp này, đối với mọi sự vật đều không còn hay biết, đã sinh vào Phi tưởng phi phi tưởng mà còn trở lại trong sinh tử là điều vô lý.

Ưu-đà-la tuy tu Xa-ma-tha nhưng chỉ chứng được pháp tịch tĩnh, cho rằng không tái sinh, lại cũng không thấy cảnh giới tái sinh, nên không cầu pháp thù thắng tối thượng, chỉ nói La-ma cha ta đã nói như vậy.

Bồ-tát lại tư duy như thế này: “Pháp này chẳng phải pháp cứu cánh, ta nay không nên chuyên tâm giữ pháp này.” Rồi Bồ-tát liền từ biệt Ưu-đà-la đi nơi khác.

Có kệ nói:

Bồ-tát tư duy quán pháp này
La-ma thuở trước tuy tu tập
Chẳng phải cứu cánh chân giải thoát
Liền bỏ nơi đây đi nơi khác.